Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

Những chiếc xe đạp thồ

Những chiếc xe đạp thồ...

Vào năm 1980 chúng tôi phải công tác xa thành phố nên cứ mỗi đầu tuần là chúng tôi đi và cuối tuần lại về. Ngồi trên xe dọc đường quốc lộ. thỉnh thoảng tôi thấy trên đường xuất hiện những người đi xe đạp thồ chở những bao than cao chất ngất. Mỗi bao như vậy nặng từ 35 – 40 kg, và mỗi xe chở từ 5 – 6 bao là chuyện thường, những bao than vượt qua đầu người chở.
Họ vượt qua 50 – 70 km cho mỗi bận, tổng cộng vừa đi vừa về chắc cũng hơn 100 cây số. Họ phải đi như thế vì lúc đó việc buôn bán giữa địa phương này với địa phương kia chưa được phép, chỉ có nhà nước mới có quyền vận chuyển lương thực thực phẩm. Nhưng việc buôn bán của nhà nước còn hạn chế, hàng hóa không đến tay người tiêu dùng đủ, và nơi sản xuất thì lại dư, nên người ta vận chuyển bằng cách đó để tránh trạm kiểm sóat, và cũng để đở tốn kém trong việc chuyên chở thì giá thành tới người mua mới có thể chấp nhận. Đất nước ta những năm đó nghèo lắm các bạn ạ... trên đọan đường quốc lộ mà tôi gặp họ, thỉnh thỏang vẫn có người bị bể bánh xe phải dắt bộ hàng mấy cây số mới đến chỗ vá xe. Tôi nhìn họ đi mà thấy ngao ngán, và mường tượng rằng họ đang dùng sức người thay sức ngựa để kiếm sống. Nếu như chỉ là những bao than thì cũng không nói làm gì, có khi họ chở những cây gỗ được sẻ sẳn dài 3 – 4 mét, kẹp hai bên sườn xe. Họ sẽ không thể đạp với bàn đạp thông thường được, họ phải hàn thêm cốt cho bàn đạp dài ra, và họ khùynh hai cái chân ra mới có thể đạp được. Có lúc nhìn họ tôi ngẫm nghĩ: họ đi như thế này một thời gian chắc họ phải bị tật thôi, và lúc xuống đi bộ chắc chắn là chân họ phải đi vòng kiềng. Họ lại chở lu, những cái lu bằng đất nung to tướng đựng được khỏang 2 đôi rưởi nước. Ngày xưa nhà nào cũng phải dùng lu để đựng nước uống. Mỗi xe chở 6 lu to như thế, họ phải để cho thật cân bằng thì mới có thể đi được. Đọan đường chở hàng rất xa, phải đi về cả ngày, nếu chở ít, thì tiền lời không đủ kiếm ăn cho gia đình một ngày nên họ phải chở ráng. Có một lần đi đến cầu Bình Triệu tôi thấy người chở lu lên dốc cầu không nổi, trời lại gió mạnh và người đó không gượng được chiếc xe đổ kềnh ra và bể hết mấy cái lu. Như vậy là công sức cũng như vốn liếng đã đi đon trong ngày hôm ấy. Tôi không biết ngày hôm sau họ tìm đâu ra tiền để mà tiếp tục đi. Một năm sau, tôi cũng không có việc để làm. Tôi cũng chẳng biết xin vào đâu mặc dù nghề nghiệp tôi vẫn có. Tôi lại nhớ đến những người xe thồ, và tôi muốn trui luyện mình xem mình có thể làm được như họ hay không? Tôi bắt đầu chuyến đi đầu tiên của tôi bằng đọan đường từ TP.Hồ Chí Minh dến Bà Rịa, Tôi thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh để làm quen với đọan đường dài, tôi ngẩng đầu trong nắng trong gió để giữ cái phong thái của mình, và khi vượt hơn 50 cây số ngang qua giáo xứ Hải Hà, có một người đàn bà địa phương ngoắc tôi quá giang một đọan. Tôi không thể từ chối, vừa đi tôi vừa cười thầm trong bụng: “bà ơi tôi mệt lắm rồi bà có biết không”? Tôi đã chở bà ta đi đến giáo xứ khác cách đó khỏang 3 cây số. Nơi tôi muốn đến, tôi đã đến. Nhưng cái tôi muốn mua thì lúc đó lại không có, tôi lại đạp xe không quay trở về. Tôi đạp xe qua khỏi ngả ba Thái Lan về tới dốc 47 thì trời gió ngược, tôi lảo đảo trong cơn giớ, nhưng tôi vẫn cố gắng và cuối cùng tôi cũng vượt qua được cơn dốc đó. Lúc đó trời bắt đầu về chiều, mặt trời như cái hột vịt muối đang từ từ lặn xuống, tôi không còn dám thong dong nữa mà phải ráo riết đạp để có thể thóat ra đọan đường này trước khi trời sập tối. Cuối cùng tôi cũng về đến nhà, chân tay tôi cũng đủ rả rời...Tuy nhiên, tôi vẫn không nản chí, tôi nghĩ rằng mình phải đổi hướng đi thôi, vì sức mình không thể chống lại sức gió. Hai hôm sau tôi lại lên đường. Lần này tôi dậy thật sớm và đi về hướng Tân Uyên, một thị trấn nhỏ nằm trong tỉnh Biên Hòa. Tôi có một người quen làm ruộng làm rẩy ở đó, tôi lên đó nhờ họ thu gom gà, và tôi chở về. Lúc đó một con gà đem về thành phố bán lời cũng được 2 đồng, nếu chở 10 con cũng kiếm được 20 đồng. Mua thêm ít đường đậu nửa thì cũng có thể kiếm chút đỉnh. Tôi lại thẳng lưng ngẩng cao đầu đạp và tự cho mình những niềm vui trong phong cảnh chung quanh để không thấy đường xa. Qua cầu Bình Triệu, tôi rẻ phải đường lên Thủ Đức, đi được một đọan tôi lại rẻ trái đi một con đường tắt để băng ngang qua khu Sóng Thần, ở đó có một con đường mòn đất đỏ đi qua một khu nghĩa địa của người Tiều, người Quảng rồi băng qua xã An Phú, đoạn đường đi tuy vắng vẻ nhưng đối với tôi thì lại rất thú vị. Thỉnh thỏang đi ngang những khóm trúc, những bờ tre, hay những rẩy khoai, tôi rất thích. Trước khi đến Tân Ba tôi phải băng ngang một con đường mòn nhỏ hơn và có một đọan nó bị cắt ngang vì nước chảy mạnh xóay phá đường mòn. Khỏang bị cắt đứt này khỏang 1,5 mét, sâu xuống cũng 1mét. Tôi phải xuống đắt xe thì mới qua được. Khi qua khỏi Tân Ba để vào Tân Uyên, phải đi những đọan đường vừa dốc, vừa ngoằn ngòeo. Tôi đến chợ Tân Uyên vào lúc 7,30 sáng, và tôi mua được một ít gà một ít đậu. Chuyến về của tôi đến cầu Bình Triệu là đúng 12 giờ trưa. Sáng hôm sau, tôi ra chợ bán, tôi kiếm được ít chục và quay trở về nghỉ ngơi cho chuyến đi ngày mai. Con đường đi quen rồi không thấy xa nửa, và nó thành như con đường dễ thương của tôi. Tôi có thể quên tất cả những chuyện không vui và tha thẩn trong nó. Cái nhọc nhằn của thân xác có thể làm trí nảo mình bớt căng, và trời đất nắng gió làm mình không buồn lo nửa. Tôi thuộc từng khúc quanh, từng bụi cây đám cỏ...Cho đến một hôm, người bà con ở Tân Uyên gởi về cho mẹ chị ấy một gộp thuốc rê, tôi nhận chở và khi đi đến Tân Ba, vừa xuống dốc tôi bị một du kích xã chận lại, dí súng, bắt tôi đẩy xe về xã với lý do tôi chở thuốc rê không có giấy phép. Thế là gộp thuốc rê bị tạm giữ, nói gì cũng không được tôi đành đi về, vừa đi vừa lo lắng không biết có lấy lại được gộp thuốc người ta gởi không và trong nổi lo lắng đó tôi đi ngang vết lở của đường mòn một cách không cẩn thận, đầu chiếc xe chúi xuống, chiếc xe lộn nhào, tôi cố gắng đở chiếc xe lên thì ôi thôi mấy con gà của tôi đã gảy cổ gần hết. Tôi cắm cúi đạp xe về, không còn tâm trạng đâu mà ngắm cảnh. Bảy con gà gảy cổ được cho vào nồi nước sôi nhổ lông cấp tốc, một dì hàng xóm hảo tâm đã giúp tôi bán những con gà chết đó để lấy lại phần nào vốn. Tôi lúc đó cỏ cảm giác mình giống như Khương Thượng, dở lịch ra xem thì đó là ngày mồng 5. Tôi tự an ủi mình vì mình đi mà không coi ngày. Sáng hôm sau, tôi lại vượt đọan đường hơn 50 cây số đến Tân Uyên để xin giấy chứng nhận của xã là thuốc rê này do cô con gái trồng gởi về cho ba mẹ chị ấy xài. Chuyến đi đó là chuyến đi cuối cùng của tôi đến vùng khỉ ho cò gáy ấy...cách đây vài năm tôi có dịp đi đến Tân Ba, ngồi trên xe honda, tôi nghe ê ẩm cả người, tôi nhớ lại những ngày xưa và không hiểu sức mạnh nào đã giúp tôi đi trên đường dài bằng chiếc xe đạp bé nhỏ của tôi.
Huyền Băng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...