Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Ảnh tượng ánh trăng trong thơ Hàn Mạc Tử

Ảnh tượng ánh trăng
trong thơ Hàn Mạc Tử

Khi “tiếng khóc” Tình già - Phan Khôi chào đời Thơ Mới, cho đến lúc trái bom cách mạng thực sự bùng vỡ dữ dội và làm sụp đổ thành trì nền chữ nghĩa bút tre mực tàu, thì chúng ta đã được chứng kiến một làn gió tân thời, thổi vào không khí thơ, một nhánh kênh xanh hòa vào dòng sông văn học.
Những dấu ấn đó, đã tạo nên bước trở mình vĩ đại. Trên tấm chiếu Thơ Mới, nhiều “thi dân” trẻ đã ghé ngồi, với vô số những đứa con tinh thần được khoác lên mình “pháp y” tân thời từ thi liệu, thi pháp, thi cảm và thi hứng. Dưới trời Nam, thành tựu một vẻ đẹp ngoạn mục của thi ca. Nơi cửa Khổng sân Trình đã có sự lung lay đến đốn tận chân rễ trước sức càn của mưa Âu gió Mỹ, và tất nhiên Khổng Giáo đã đổ rạt trước tinh thần khoa học và dân chủ của Âu Châu. 
Có vô số sự cất lời sinh động trong thơ, những bài thơ mới chào đời, đã khuấy động không khí học thuật đương thời và thực sự là một “cơn sốt vỡ da” cho nền thi ca nước nhà. Đi từ sinh môi nhãn giới sang tâm giới, từ khuynh hướng đạo lý sang tâm lý, từ sự vuông thành sắc cạnh sang muôn sắc ngàn màu, Thơ Mới là sự ý/ nhận thức mới về cái tôi, tính nổi loạn trong phẩm tính của tạo tác nghệ thuật. Thơ Mới đã xuất hiện vô số giọng điệu trong thơ, không chỉ có những băn khoăn, rạo rực,  âu sầu thương thảm mà ngay cả sự đọa lạc, bổ báng cũng được xướng họa một cách đầy tự do. Đó chính là đích thực của nghệ thuật khi đã được cởi trói khỏi những khuôn đổ cổ truyền đã đúc sẵn. Khi cái tôi lên ngôi thì gương mặt nhà thơ được khắc họa rõ nét, cá tính đã làm nên sự khác biệt trong từng diện mạo và sự nhận thức lại về cái đẹp lần này đã tạo nên một “big bang” kiến lập và đổi mới tư duy nghệ thuật.
Giữa những cái tên lừng lẫy trong chiếu thơ đương thời, có một giọng thơ đầy si ám, chìm mỵ. Đôi khi trong đẹp đến vô ngần, nhưng chủ yếu là những ảm đạm, thê lương của một nhà thơ tài năng bạc mạng. Một hồn thơ đang rỉ máu, giẫy dụa, ngập ngụa trong nỗi đau thể xác và cả cõi tinh thần cũng như chiều sâu bi kịch. Hàn Mạc Tử, chỉ sống vẻn vẹn hai tám năm trên dương thế với sự “trừng phạt” của thượng đế, khi thân mệnh đeo mang căn bệnh quái ác. Chàng trở thành “Con hủi” bị phụ rẫy, đơn độc chống lại những đớn đau. Và trong sự tồn tại oằn oại đó, nỗi đau đã cự quậy, phập phồng, in máu trên những vần thơ: Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ với sương sao anh nằm chết như trăng/ không nhìn thấy nàng tiên mô đến khóc/ đến hôn anh và rửa vết thương lòng… (Duyên kỳ ngộ)
Lời tiên tri lúc còn sống đã thành thực, Hàn đã nói lời tạ từ với thế tục tang tóc vào ngày 11/11/1940. Mộ Hàn ở Ghềnh Ráng- Quy Nhơn, được đặt ở một nơi có sương, sao và khe nước ngọc, đi lên bằng con dốc “Mộng Cầm” (Xuân Diệu gọi là dốc “Mai Đình”). Tâm hồn tinh tế bẩm sinh của Hàn đã tưởng về hình ảnh nấm mồ của mình y như trong những vần thơ khi còn tại thế. Trong khuôn khổ bài viết tôi thành tâm nỗ lực giải mã một số ảnh tượng nghệ thuật xuất hiện trong thơ Hàn, để hiểu được tiếng nói nội cảm ấn tượng và đầy huyền diệu trong thơ của một nhà thơ bạc mệnh bậc nhất trên sân khấu Văn Học nước nhà.
Trăng đã đi vào văn học rất nên thơ, trăng chứa một kho tình khôn cạn, trăng mộng mơ vuốt ve mái đầu thiếu nữ và là bạn đồng minh muôn thưở, để tâm hồn mộng du nào đó giải mạch phô bày những nỗi niềm tâm sự sâu kín. Trăng gắn liền với đêm, càng rực rỡ hơn khi đi vào khuya khoắt, trăng là “hư linh” dẫn dắt linh hồn vào cõi mộng mỵ man sơ. Đêm xuống, giữa mênh mông trống trải, khi thân bệnh rĩ máu, để quên đi đớn đau, linh hồn Hàn dường như đã bứt lìa thân xác đi theo trăng, neo bóng trăng già mà hoan thai những vần thơ: Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm/ Cho trăng ngập dần lên tới ngực (Hồn là ai).                
Nếu như trăng thường đi vào thơ ca bằng hình ảnh của hòa bình, của dịu êm, của ánh sáng khát vọng bình yên hoặc gợi nét buồn u nhã. Thì với Hàn Mạc Tử, trăng dường như lạnh lẽo, xa cách và đượm vẻ cô tịch, hoang liêu. Trăng trong cảm thức của thi nhân như dòng chảy suối vàng, tưới tắm cho mộng mỵ tâm tưởng và rỉ ứa nỗi đau, làm cho tê tái điên dại linh hồn:
Gió rít tầng cao trăng ngã ngữa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Say Trăng)
Trăng đã câu thông với tâm hồn Hàn, một tâm hồn đã hứng chịu nỗi đau đến can tràng tấc đoạn. Trăng đọng thành vũng, làm tổ trong tim, ngâm nhúng linh thể trong hận sầu hôn ám. Dường như ánh trăng đã trở thành dung dịch chứa đầy sự tẩy rửa, ăn mòn úng hoại những mảng linh hồn. Cảm tưởng trăng với linh hồn Hàn cũng như phong hủi với thân xác, làm héo quắt thân người, vữa nát ửng đỏ, tróc trầy rụng thịt trên cơ thể bạo bệnh. Cơn đau đã hóa thân trong thơ thành những chủng tử ngôn từ, hình tượng quái dại, cuồng điên. Bởi thế, thơ Hàn trở thành bữa tiệc trăng máu với mảnh hồn cô đơn quạnh quẽ, khiến cho ai đọc thơ chàng cũng như đang đi qua tận cùng của nỗi đau tận thế. Hàn đã sáng tạo nghệ thuật ở thời điểm nóng nhất như cục than đương lúc sắp tàn, để giọng thơ độc dị được cất lời sinh động. Lần dở từng trang thơ, ta như thấy triển hiện hình ảnh hồn phách Hàn đang đằm trong trăng nước, tuy đã hoại hình nhưng vẫn tươi màu.
“Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy
Cho nên muôn dặm ở ngoài kia
Em đang mong mỏi, em đang nhớ
Bứt rứt lòng em muốn trở về”
(Thao thức)
Trăng trong thơ Hàn dùng để nói về sự chia ly, giữa người với người, giữa mộng với thực, giữa hồn với xác, giữa trần thế và âm phủ. Đôi khi trăng như bóng ma lướt qua bầu trời, mờ ảo, mơ hồ như phủ màu tang, hay hóa tro tàn. Trăng của Hàn luôn trong trạng thái lững lờ, trôi lãng vô định, dường như đồng dạng với tâm thức Hàn, tâm thức một kẻ đang lưu đày trong bệnh tật hoang dại, sự vin níu nơi cõi trần là mong manh yếm thế. Trăng Hàn luôn trong tư thái đợi chờ, đợi chờ một bóng hình trong nỗi khao khát, mênh mông mà dường như không đến, không xuất lộ. Hàn như trăng, những hành nhân nẻo vắng cô thân chỉnh ảnh, đơn phương ôm mang một bóng hình.
“Ánh trăng mỏng quá không che nỗi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ”
(Huyền ảo)
“Trăng nằm sòng soãi trên cành liễu
Đội gió đông về để lã lơi”
(Bẽn lẽn)
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi
(Một nửa trăng)
Tôi cho rằng hai câu thơ dưới đây là hay nhất, độc đáo nhất của thơ Hàn nói riêng và biểu tượng trăng trong văn học nói chung. Trong lòng thuyền thường có khoảng không chứa nước, và là vật chứa đựng in bóng hình trăng, nhưng càng khuya khoắt thì trăng lặn sao mờ, không còn ánh trăng cất trong mạn thuyền nếu người không đến. Trăng là ám thị cho thương nhớ khôn nguôi, cho đợi chờ trường cửu. Và dấu chấm hỏi được đặt cho một kết thúc tứ thơ, cũng đã rõ ràng câu trả lời, người không đến, và trăng vẫn “sõng soài trên cành liễu đợi chờ” chờ trong thao thức, trong hoang hoãi, trong “dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn vỹ dạ)
Ngoài cảm thức về nỗi đau và sự tuyệt vọng, vong thân. Trăng Hàn Mạc Tử cũng có lúc làm dịu mát thân thể, tưới nguội lửa sầu mà ve vuốt cho những sợi tơ dục cảm tươi nguyên: Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe (Bẽn lẽn); Ta thích len vào trong đám lau/ Núp chờ trăng xuống để quàng nhau (Mơ).
Dường như trăng đã trở thành đối tượng để ham muốn, để cuồng quyến, để giao thức xuất lộ những ái ân. Trăng trở thành đối tác tình tứ, vén trần những góc khuất rất con người, đó là những chi tiết nhân sinh xuất hiện trong thơ Hàn Mạc Tử. Nỗi đau của thân xác Hàn cũng từ trăng mang tới, trăng rọi vào những mảng cùi trên thân thể như lưỡi bén cắt sâu nghiệt ngã. Nhưng giữa mênh mông, trong đáy thẳm cô độc, kẻ thù cũng hóa tình nhân, trăng trở thành người hò hẹn, cũng chính là kẻ gợi khổ, gọi đớn đau, gợi miền xác thịt về bên thi nhân.
Song trùng với trăng trong thơ Hàn là gió, nước, hương trời, là cành liễu, nhành hoa. Tất cả những sự vật đã đã tồn tại lưu niên, lưu cửu với những trầm lặng, xót xa. Những sự vật đó luôn biến thiên, vô định nhưng qua quy chiếu tâm hồn thi nhân thì dường như kết ngưng, hoặc chuyển động ì oặp, lênh đênh biển trời: “Trăng bay lả tả trên cành vàng” (Rượt trăng); “Mà sao trăng khói hửng hờ/ vì trăng ta phải ngồi chờ suốt đêm” (Đêm Trăng). Trăng của Hàn luôn trĩu nặng, quặn thắt, thổn thức, phập phồng, khắc khoải, khô khát: “Ta căm với tiếng reo khô/ Ta buồn với liễu bên hồ ngẩn ngơ/ Ngông cuồng đi hái vần thơ/ Yêu đương rót nước để chờ trăng lên/ Bóng hằng trong chén nằm nghiêng/ Lã lơi tắm mát làm duyên gợi tình.” (Uống trăng). Hàn cố nắm bắt, cố chứa đựng, cố vớt lên, buộc giữ nhưng dường như trăng cứ tan loãng trong vũng lầy của miền kí ức: “Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng/ Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu/ Nàng xa xôi quá nói nghe chăng” (Huyền ảo). Vượt khỏi quy luật sống chết, trăng trở thành tín ngưỡng đẹp nhất trong lòng thi nhân, dẫu hư ảo, phiêu tán và đầy hồ nghi, mất mát. Bởi vì Trăng trở thành đồng minh cho sự phù du, thoáng chốc của một linh hồn đã siêu thăng, mặc dầu ngọn đèn sự sống vẫn còn hắt hiu.
     Những vần thơ trăng của Hàn Mạc Tử dẫu được dựng hệ hình thắt buốt, thư phù, nhưng cách kết nối ngôn từ lại tạo nên giai điệu bồng bềnh, lỏng lẻo, phiêu diêu theo bất tận, rồi tự hủy, tự phân rã. Không gian, thời gian trong thơ Hàn Mạc Tử là đêm trăng, bởi vì trạng thái sống của Hàn Mạc Tử thời điểm bạo bệnh (cũng là thời điểm sáng tạo dữ dội nhất của hồn thơ thi sĩ) là trạng thái nằm yên bất động trong trại hủi rêu phong, ngắm nhìn diện mạo của trời đất phẳng lặng, mênh mông, linh hồn phiêu bồng theo trăng nơi đầu sóng ngọn gió. Trăng trong thơ Hàn vì thế cũng trong tâm thái nằm chờ giờ chót.
Hàn Mạc Tử hiểu trăng hơn ai hết và trăng cũng là kẻ nhẫn nại im nghe những thổn thức dưới đáy thẳm hồn cốc của thi nhân: “Cả miệng ta trăng là trăng/ Cả lòng ta vô số gái hồng nhan/ Ta nhả ra đây một nàng/ cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây” (Một miệng trăng). Trăng ngậm vành núi bạc, nhà thơ ngậm trăng khỏa lấp miệng khát. Ở đây có hình ảnh gái hồng nhan, đó như là một sự phiếm chỉ cuộc đời của chính nhà thơ “vẫn mệnh bạc mà chẳng má hồng”. Có hai nhà thơ, hai kẻ mộng du, kẻ nằm từ trên cao nhìn xuống mặt đất, có một linh hồn ảo não đang buông dần hơi thở, kẻ nằm ngước lên ngắm diện mạo của giải ngân hà và bóng trăng già đơn côi, theo cơn mơ ngàn năm đợi. Thế nhưng tất cả là không sao với tới, chạm tới, Trăng và Hàn vẫn buộc phải hững hờ, chỉ được nhìn nhau mà vĩnh ly trùng biệt, bởi vì “hai hòn đá lạnh làm sao sưởi ấm được cho nhau”. Một kẻ cô độc không muốn nhìn thấy một kẻ cô độc khác, đang sống trong nỗi cô độc. Cho nên Hàn ngậm trăng, uống trăng rồi cũng nhã trăng ra, mửa máu trăng, chứ không thể nào uống cạn chén trăng đầy. Còn trăng đã gieo mình xuống dòng giếng cạn tự trầm…: “Ta hoảng hồn, ta hoảng vía, hoảng điên/ nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên” (Trăng tự tử).
Dẫu hóa thân để trải nghiệm nhiều cảm trạng khác nhau, thì trăng trong thơ Hàn vẫn mang hình hài thương hoang. Một bóng ma chứa đựng đầy nỗi cam uất, mãi mãi không thoát siêu, vẫn đọng lại đó những giọt nước mắt hoài mộng. Tuy đã sống tự ngàn đời nhưng vầng trăng đã chết non, như Hàn Mạc Tử chết non ở ngưỡng cửa ba mươi. Đáng ra, cánh chim nghệ thuật còn bay cao hơn nữa, chứ không phải đột ngột gãy cánh giữa đà bay như thế. Những bóng hồng qua đời chàng vẫn còn ở lại, nhưng “kẻ rao trăng” thì đã khăn gói biệt ly, để lại đó những vần thơ ưu uất, lưu cửu đến muôn đời.
24/12/2023
Quốc Tuấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...