Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

Thơ Trần Phố: Một giọng trầm sâu lắng suy tư

Thơ Trần Phố: Một
giọng trầm sâu lắng suy tư

Miên viễn trời xanh (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà giáo – nhà thơ Trần Phố. Là người đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục gần năm chục năm, anh trải nghiệm nhiều mối quan hệ, nhiều vấn đề của đời sống từ gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội, đất nước.
Những tri nhận và chiêm nghiệm của một nhà giáo từng trải kết hợp với hồn thơ đầy suy tư, trăn trở đã tạo nên một giọng điệu xuyên thấm trong 86 bài thơ của thi phẩm. Không chính luận ồn ào hay sử thi hùng tráng, cũng không ngân vang lả lướt hay tha thiết đắm say, Thơ Trần Phố có giọng trữ tình trầm lắng, đằm sâu, đầy chất suy tưởng với cảm hứng thế sự, đời tư đời thường. Viết về quê hương đất nước, vịnh người, vịnh cảnh, tình cảm gia đình, bạn bè, người thân, tập thơ cũng đều thể hiện giọng trữ tình trầm lắng ấy. Giữa ngổn ngang, bề bộn của hiện thực đời sống xã hội và nhân sinh được thể hiện trong tác phẩm, chính giọng điệu đã tạo nên tính thống nhất chỉnh thể của tập thơ. Đó cũng là  nét “vân chữ” Trần Phố dễ nhận ra giữa vườn thơ Đắk Lắk và thơ ca nước nhà. Ngay từ bài thơ đầu đã thấy suy tư một nỗi niềm: “Dâu bể một đời/ Tìm gặp lại một cuộc đời dâu bể” (Muộn),  đến bài cuối cũng lại thấy một lặng thầm suy tư: “Tôi hỏi thinh không vì sao rừng bị phá/ Một khoảng lặng im, im lặng đến bất thường” (Hình như là bất an).
Cảm xúc tình thân thể hiện rõ nét trong nhiều bài thơ, trước hết là tình cảm với đấng sinh thành. Nhà thơ ít khi biểu hiện tình cảm nhớ thương, hiếu thảo của người con đối với cha mẹ như lẽ thường mà biểu hiện nỗi đau dồn nén, xót xa ân hận suốt cuộc đời được niệm suy qua dãi dầu năm tháng: “Nỗi đau lớn nhất của đời con là suốt đời tha hương xa mẹ/ Nỗi đau thăm thẳm nhất của đời con là khi mẹ lìa trần” (Mẹ ơi! Người có hay). Mượn chuyện tre và măng, nhà thơ gợi lòng biết ơn và ân hận muộn màng của người con đối với sự hy sinh thầm lặng của người cha: “Xưa lũ về cha đi cất vó/ Giỏ cá đầy mà rét buốt xương/ măng ủ ấm nên măng nào hay biết/ Tre bật gốc rồi măng mới biết thương” (Tre bật gốc rồi măng mới biết thương). Từ những trải nghiệm nỗi đau của bản thân vì một thời trai trẻ đã vô tâm đối với cha mẹ, nhà thơ nói với chính mình cũng là nhắc nhở thế hệ sau: “Mẹ một đời lam lũ/ Chỉ cầu con sướng vui!/ Rồi ngày kia mất mẹ/ Ngày thảm sầu đến nơi!/ Mau làm gì cho mẹ/ Kẻo muộn màng con ơi!” (Mau làm gì cho mẹ). Trong đời người, khi thấy con cái trưởng thành, được thăng tiến trong sự nghiệp, người làm cha làm mẹ sẽ vui sướng, tự hào, nhưng ở đây, tình cảm đã nhường chỗ cho suy nghĩ trách nhiệm của một người cha, nhà thơ dấu kín cảm xúc để nhắn với con bài học đạo lý làm người: “Mừng con được thăng quan/ Nhắn con: Liêm, cần, kiệm;/ Học loan phượng vẻ vang/ Lánh cú diều đê tiện!”. Hiểu được lẽ sinh tử hằng thường nhưng khi người bạn đi về miền mây trắng, nhà thơ không giấu nổi cảm xúc “Thương tiếc bạn đến tận cùng thương tiếc” và nỗi đau thương nén chặt trong lòng: “Tôi hiểu luật trời không thể khác? Sao ngước nhìn lên vẫn thấy đau!” (Viếng bạn). Trần Phố có những bài thơ viết về tình yêu, nhưng cảm xúc trong thơ anh không thiết tha rạo rực, không nồng nàn đắm đuối như tình yêu thời trai trẻ mà đọng lại ở những suy tư, cảm xúc luyến nhớ của một người từng trải: “Ngày em tặng ánh mắt/ Bình minh rực lửa hồng/ Ngày lửa tình em tắt/ Đêm tràn về mênh mông…!”(Lửa tình). Thiên nhiên dẫu tươi đẹp, đầy màu sắc và âm thanh nhưng trong cảm thức của nhà thơ, chỉ con người mới là hình ảnh đẹp nhất, chỉ với em – tình nhân muôn thuở, thì mùa Xuân mới đến thực sự, niềm vui sức sống tràn ngập tâm hồn: “Dẫu nắng tràn khắp nẻo/ Dẫu chim hót ríu ran/ Dẫu bướm ong đầy ngõ/ Chỉ tiếng em cười/ Xuân mới sang” (Chỉ tiếng em cười Xuân mới sang). Tình yêu làm cho con người xốn xang hạnh phúc nhưng cũng có lúc là mất mát, đau thương, xa vắng: “Mất em từ độ mưa khuya/ Mất em từ độ xuân xưa đẫm sầu/ Em về đâu? Em ở đâu?/ Tôi về tìm lại… chân cầu nước trôi” (Tìm).
Viết về danh nhân văn hoá, nhà thơ thường tìm kiếm, khám phá những bài học nhân sinh từ cuộc đời họ. Với nhà vua – Thiền sư Trần Nhân Tông, Trần Phố gặp một thái độ sống không màng quyền lực, danh lợi, giải thoát tâm hồn khỏi cõi trần tục để tìm đến cõi Phật, cõi Tiên: “Vua Trần ơi ngài bỏ cả ngai vàng/ Cái gì khó với ta mà chẳng bỏ?/ Vua Trần ơi, mốt mai về Yên Tử/ Hẹn cùng người…nhẹ bước gió mây”. Anh hẹn với người xưa ở quan niệm biết buông bỏ để tìm cuộc sống an nhiên, tự tại, nhẹ như gió mây. Ngợi ca Nguyễn Công Trứ, tác giả cảm kính một tấm gương anh hùng kinh bang tế thế, một hồn thơ phóng túng, tài hoa, một cuộc đời tận hiến và tận hưởng được nhân dân tôn vinh, thờ phụng. Từ đó, nhà thơ xác tín một đạo lý, gửi  thông điệp đến những người hôm nay đang giữ chức quyền, trọng trách: “Nhân dân kính thờ không bằng đền đài, danh vọng/ Thờ tận trong tim, thờ tận đáy lòng” (Nguyễn Công Trứ và cái tâm kẻ sĩ).
Trần Phố đã trải nghiệm những biến cố, chứng kiến bao sự việc trắng đen, tốt xấu, cao cả hay thấp hèn trong cõi người, những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời. Vì vậy, thơ anh đẫm chất suy tư, triết lý về cuộc đời, về lẽ sống, đôi khi bừng vỡ một sự thật chát đắng đến nghẹn ngào: “Có cái ta nhìn vào trong veo, thơm thảo/ Có hay đâu quỷ dữ nhập ma hồn/ Có kẻ ta cúi đầu ngưỡng mộ/ Bất ngờ là kẻ đại lưu manh!”, để rồi ngộ ra: “Cuộc đời không đơn giản”, “Nên hiểu rằng đen, trắng cũng thường thôi” (Cũng thường thôi). Người ta thường nói về số kiếp con người, những rủi may thăng trầm trong cuộc đời dâu bể đều được quy cho số phận. Đúng là mỗi người đều có một hoàn cảnh, điều kiện riêng với những may rủi buồn vui, nhưng số phận của con người là do tính cách và hoàn cảnh quy định. Nếu có ý chí, có bản lĩnh thì con người có thể vượt qua những trở ngại, những nghịch cảnh để trưởng thành. Nghiệm sinh được điều ấy, nhà thơ viết: “Đừng phó mặc cuộc đời cho số kiếp/ Lội ngược dòng cũng có thể thăng thiên” (Số kiếp). Trải qua quá trình đời sống, tác giả còn chiêm nghiệm ý nghĩa mối quan hệ giữa cho và nhận, giữa cống hiến và hưởng thụ của con người: “Ta trân quý dâng đời dăm quả ngọt/ Đời cũng tặng ta trăng gió dặt dìu” (Nhân quả).
Thấp thoáng trong những trang thơ là hình ảnh một cái “tôi” thi nhân khi tuổi đã về chiều, khi mỗi khoảnh khắc của hiện tại đang vội vã trôi về quá khứ, nhà thơ đã chấp nhận hiện thực, chấp nhận quy luật của cuộc đời, chẳng tính toán thiệt hơn để sống tự tại, an nhiên, vui cùng câu thơ nốt nhạc: “Khi mái tóc đã một trời sương phủ/ Đừng tính làm chi hơn thiệt kiếp người/ Khi mọi thứ cứ từng ngày xưa cũ/ Cung đàn nốt lặng hãy reo vui!”(Nốt lặng).  Anh quan niệm cuộc sống là sự trải nghiệm với bao ước mơ, khát vọng, như “Con cá mơ biển rộng”, “Con chim mơ đỉnh núi”, nhưng khi đã “sang thu”, thì cuộc đời là “Miền rong chơi tự tại, ung dung”, “Miền rong chơi là yêu mọi con người” (Miền rong chơi). Bài thơ Ta cứ ung dung trong cõi người là suy nghiệm trước những biến thiên, vui buồn của đời sống, những tàn phai của vạn vật để xác quyết một thái độ: “Đành cứ vậy, buồn vui là chuyện nhỏ/ ta cứ ung dung trong cõi người”. Khi ý thức được sự hữu hạn của đời người trước thời gian vô thuỷ vô chung, con người “tri thiên mệnh” ấy cũng không thể giấu được nỗi buồn, nỗi cô đơn muôn thuở. Trở lại một vùng quê, lòng đầy cảm xúc hoài niệm, rưng rưng nỗi niềm xưa cũ để rồi nhà thơ đối diện với chính mình: “Vi vút thông reo, rì rào tiếng sóng/ Nhưng vầng trăng tình tự xa rồi/ Chén rượu cạn mà lòng người chưa cạn/ Ta một mình uống cạn niềm xưa” (Mỹ Khê ngày trở lại). Ẩn sâu trong thái độ ung dung, tự tại của một người hiểu thấu lẽ đời, ta vẫn nhận ra một hồn thơ trữ tình đầy nỗi niềm nhân thế, day dứt trăn trở trước những hiện tượng xã hội và nhân sinh, thấu suốt bản thể, thanh tẩy và phục sinh tâm hồn với khát vọng vươn tới cuộc sống tươi sáng, bình dị và đầy ý nghĩa nhân văn.
Trở lên, chúng ta đã thấy giọng trầm trong thơ Trần Phố trước hết biểu hiện ở chất thơ. Đó là sự kết hợp của cảm xúc sâu lắng và yếu tố suy tưởng, triết luận với khuynh hướng khái quát. Thơ anh ít yếu tố tả thuật; sự việc, con người, cảnh sắc thiên nhiên thường chỉ thoáng qua trong tâm tưởng và là chất liệu để gợi những liên tưởng, suy tư. Cũng nhờ vậy, những khái quát, triết luận của anh không khô khan, giáo điều mà được gợi ra từ những hình ảnh tương đồng hoặc tương phản, đôi khi tạo ra những bất ngờ thú vị. Giọng điệu thơ quy định phương thức thể hiện và thủ pháp nghệ thuật ngôn từ của tác giả. Khuynh hướng khái quát, suy tư với giọng trầm sâu lắng dẫn đến lối thơ ngắn gọn, cô đọng, lời ít ý nhiều, “ý tại ngôn ngoại”. Không phải ngẫu nhiên khi tập thơ Miên viễn trời xanh viết theo thể tự do nhưng có rất nhiều bài ngắn và gần như không có bài thơ dài. Bài dài nhất chỉ 23 câu thơ (Từ nhà tôi), có 5 bài trên 15 câu, số còn lại mỗi bài chỉ trên dưới 10 câu, trong đó có 32/ 86 bài 4 câu (chiếm 37,2 %) và 2 bài thất ngôn bát cú. Số chữ (tiếng, âm tiết) trong mỗi dòng thơ cũng rất ít so với thơ thông thường. Trong tập thơ, số câu thơ 10 chữ trở lên chỉ có 20 câu, câu dài nhất chỉ có 14 chữ; có 22 bài thơ 5 chữ. Một vài thống kê thi pháp học như thế để thấy: Miên viễn trời xanh được viết theo lối thơ ngắn, kiệm lời. Một số bài thơ của Trần Phố phảng phất âm điệu thơ cổ ở cả kết cấu ngôn từ và chất khái quát, suy tưởng, nhất là những bài tứ tuyệt và thất ngôn bát cú (Nhắn con, Một mình, Cảm xuân, Nhân quả, Mỹ Khê ngày trở lại, Chim hạc tung trời vẫn lặng thinh, Vui với cây, v.v…).
Thơ Trần Phố bài nào cũng có tứ thơ dù lớn dù nhỏ, thường được xây dựng từ một hình ảnh nào đó kết hợp với một ý tưởng để tạo hình tượng thơ. Nhiều bài thơ thường bắt đầu bằng những hình ảnh tương đồng hoặc tương phản và kết thúc bằng một niềm suy tư: “Kiếp cò mò tôm tép/ Đại bàng vút trời xanh/ Trọc phú nhầy xôi thịt/ Thi sĩ mờ lênh đênh…/…/ Đừng phó mặc cuộc đời cho số kiếp/ Lội ngược dòng cũng có thể thăng thiên” (Số kiếp); hoặc: “Năm giờ chim đã hót/ Năm giờ hoa đã hương/ Năm giờ cưa đã rú/ Cây đổ nhào tang thương/…/ Cõi lòng tôi một nỗi gì không rõ/ Hình như là bất an” (Hình như là bất an). Có khi tứ thơ bật ra ngay ở hình ảnh tương phản: “Cóc ở cửa hang thường khoác lác/ Chim hạc tung trời vẫn lặng thinh” (Chim hạc tung trời vẫn lặng thinh). Anh sử dụng ngôn ngữ chắt lọc, gợi cảm, dùng nhiều thủ pháp tu từ nghệ thuật để sáng tạo thi ảnh, đặc biệt là thủ pháp ẩn dụ. Người đọc gặp nhiều hình ảnh ẩn dụ có sức gợi, sức liên tưởng thú vị: “Ngày em tặng ánh mắt/ Bình minh rực lửa hồng/ Ngày lửa tình em tắt/ Đêm tràn về mênh mông…!” (Lửa tình), “Sang thu mây bồng bềnh lối nhỏ” (Miền rong chơi), “Xe lăn qua đỉnh dốc/ Bỗng đứt phanh vù vù!” (Sinh nhật tôi), “Khi mái tóc đã một trời sương phủ” (Nốt lặng), “Măng ủ ấm nên măng nào hay biết/ Tre bật gốc rồi măng mới biết thương” (Tre bật gốc rồi măng mới biết thương). Có khi cả bài thơ là một ẩn dụ: “Bầm dập cùng giông gió/ Hiên ngang cùng thú đau thương/ Thông ơi, thông cứ xanh rừng thẳm/ Ca hát, vui đùa với nắng sương!” (Đời thông), v.v…
Đọc Miên viễn trời xanh, người đọc cảm nhận hình ảnh một con người đa tình và nhạy cảm, từng trải và chính trực, độ lượng và khoan hoà; đồng cảm với một tâm hồn đa đoan, luôn trăn trở trước những hiện tượng và biến động của đời sống, những trắng đen, tốt xấu, cao cả và thấp hèn của thế thái nhân tình, với niềm khát khao vươn tới cái thiện, cái đẹp. Thi phẩm có những bài thơ hay biểu hiện nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều góc cạnh của cuộc sống và tâm tư con người; có sự đa dạng, phong phú về nội dung cảm hứng và phương thức biểu hiện. Dù ngợi ca hay phê phán, nhà thơ cũng không cất cao giọng mà nhẹ nhàng, thâm trầm, lắng đọng, buộc người ta phải suy ngẫm và đồng cảm. Viên miễn trời xanh là một thành công đáng ghi nhận, thể hiện độ chín của một cây bút thơ với phong cách, giọng điệu khá độc đáo, là một đóng góp trân trọng của nhà giáo – nhà thơ Trần Phố đối với thơ ca Đắk Lắk và đời sống văn học nước nhà.
29/11/2023
Nguyễn Phương Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cocktail

  Cocktail Tôi kể lại câu chuyện này mà các tình tiết của nó chẳng liên quan gì đến "Chuyện tình nơi quán rượu" (1) với nam tài tử...