Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Nghĩ vụn về dạy học văn trong nhà trường

Nghĩ vụn về dạy học
văn trong nhà trường

Tôi buồn, nỗi buồn này đã trở thành sự thể chung của những giáo chức dạy văn như tôi ở thời buổi giá trị văn học bị đóng khung trong địa hạt của chính nó mà khó tiếp cận vào đời sống đương đại.
Dù đã miệt mài đèn sách để lên giáo án nhưng tôi khó lòng thấy được sự chuyên chú của học trò. Sự chia sẻ, phản hồi, tương tác cộng hưởng đã trở nên hiếm hoi trong bối cảnh dạy học văn hiện đại. Học trò, cả một thế hệ chấp nhận những câu trả lời đã có đáp án, thỏa hiệp với việc kết thúc bài học là xem như mọi vấn đề của văn bản nghệ thuật đã được giải quyết.
Trò dường như đã hết băn khoăn, khắc khoải trí tuệ với những thứ thơ ca đầy cảm hứng bi đát, mất mát, đau thương và tôi đã quên chưa nói với trò tại sao chương trình lại đưa dẫn những bài thơ cũ với những điệu buồn man mác và hầu như các tác giả đều là những “tài cao, phận thấp, chí khí uất”. Văn chương của họ trong đó lẫn chứa sự khuất nhục, bế tắc. Nhưng cái kẻ sĩ đau đời và nghệ sĩ bạc mệnh đó lại là nguồn cảm hứng ứa tràn trong văn chương nghệ thuật. Ít ra trong một chừng mực nào đó họ đã dám sống khác, chấp nhận ưu uất để giữ lại chút tình tri âm trong cõi lòng cao đạo.
Vậy sự tồn tại của văn chương có ích gì cho đời sống? Khi mà học trò dần bàng quang với nó. Chính sự thể hiện của học trò đã khiến chính bản thân những người dạy văn như tôi cũng phải chất vấn cái nghiệp mình đang theo đuổi. Cuộc sống đã thay đổi nhiều, cái thực hữu sinh tồn đã chiếm ưu thế và trở thành thước đo chuẩn mực cho nhiều bình diện khác của đời sống. Cơ chế thị trường đã thò tay làm tổn thương các giá trị văn hóa cổ điển đẹp đẽ khác.
Văn chương, nếu có ích gì, thì với tôi, trước hết nó nâng đỡ, đong đưa, chan chứa cho đời lưu cửu, xanh tươi. Rõ ràng nguồn gốc nguyên lai của con người trong hành trình tồn tại vẫn là lao tác trước để no cơm ấm cật mới nghĩ đến những giá trị của tinh hoa nghệ thuật và đức tin sùng kính. Thế nhưng tiền, thực tiễn, quyền lực liệu có thể đơn độc mà tạo ra hạnh phúc chăng?
Cuộc đời này sẽ nằm lại trong văn chương, văn minh sự sống sẽ truyền thừa ở đó. Như trong Thủy Hử có viết: “Bể dâu chớp mắt/ ngoảnh đầu thành mơ”. Danh- lợi- tình sau một cuộc điên cuồng vay trả cuối cùng cũng trở thành cát bụi. Và cái cát bụi đó được khái quát trong văn thơ trăm vạn quyển ở thế gian. Văn học đã phản ánh, đồng hành và đón đầu thời đại, không thể nào có thể dùng quyền lực phủ định, bài xích nó được.
Tôi không tuyệt đối hóa vai trò của văn chương nhưng giữa một thế giới đầy rẫy sự bất công, ngang trái, thì chỉ có nơi văn chương sự sống yếu ớt của loài người mới được chia sẻ, biện bạch, gỡ mở, lắng nghe, đón đợi. Nơi văn chương, nghệ thuật những đau đớn của kiếp nhân sinh được chú mục. Văn chương nói về sự chết, cái sống điên cuồng vô nghĩa, nói về chiến tranh, về tình yêu và thù hận, nói về sự bạc nhược, về tiền gian bạc lận, bất công bạc nghĩa. Và mục đích của văn chương khi nói điều đó không phải để con người thôi hi vọng và chấp nhận đời sống mặc định như thế. Mà văn chương muốn chúng ta hiểu về những đường biên của cuộc sống mà sống hết khả năng cho những trách nhiệm tử tế cần làm.
Xét cho đến cùng, cái làm nên một giờ dạy văn đích thực không phải là kiến thức mà là vốn sống của anh nữa. Có những điều trong văn viết những tưởng đã rõ như ban ngày nhưng sau nhiều năm tháng sống, quay lại ngẫm ngơi về nó tôi nhận ra quá khứ tôi đã đối chiếu sai và dạy học trò chưa đúng về điều mà tác phẩm đó biểu đạt.
Và con người anh có đủ bản lĩnh để làm một người thầy mẫu mực trên khung nhân sinh vận hành trên trục quay tình- tiền- quyền hay không? Anh diễn đạt văn vở mà kém khả dụng thực tế thì học trò cũng sẽ nhận ra sự vô nghĩa. Anh diễn đạt đạo lý mà lòng anh vẫn chạy theo những giá trị thành tích, và tìm con đường để kiếm thêm miếng cơm manh áo nhờ dạy thêm học thêm thì văn chương trong anh cũng chỉ là đầu môi chót lưỡi…
Anh vẫn chạy theo thành tích, dùng điểm để đo lường năng lực cảm thụ của học sinh. Anh vẫn thiếu tôn trọng trong cách tình huống đối thoại tri thức. Ép học trò phải “học nhờ đọc mướn” những thứ mà anh đã “nhai văn nhá chữ”. Anh đang thất bại bởi vì anh đang dạy học trò chứ không phải “khiến” trẻ tư duy và cảm nhận. Như vậy, vấn đề nó không còn chỉ nằm một phía người học, mà người dạy, trên đường đua điểm số ở một đoạn nào đó, họ đã đánh mất đi mục đích thực sự của việc giáo dục.
Vấn đề nhức nhối trong dạy học Ngữ Văn được giải quyết khi và chỉ khi đủ vốn sống và nền tảng cổ điển (vốn đọc). Việc trải nghiệm vốn sống thì chắc hẳn cần thời gian, cần hơn nửa đời người. Học sinh và thậm chí đại bộ phận giáo viên chưa thể có. Vậy chỉ còn lại vốn đọc, sự cung cấp đủ nền tảng cổ điển làm bệ đỡ để tư duy sáng tạo đứng lên và cao hơn. Thế nhưng, đa phần giáo viên, giáo viên Văn kém đọc. Cộng đồng giáo viên mà tôi quen biết, khi trò chuyện với họ về văn chương, tôi thấy họ chỉ đóng khung mình trong địa hạt văn học trong nhà trường, ngần ngại đối diện với những cái nhìn liên văn bản, cái nhìn biện chứng, cái nhìn liên môn…Từ đó, mất đi cái nhìn nhân văn trong dạy học, dẫn đến tình trạng không chấp nhận những hiện tượng mới mẻ nơi tư duy, mỹ cảm học trò và tạo ra tính chất phán truyền trong lối dạy học trong nhà trường hiện nay.
4/3/2024
Quốc Tuấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...