Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

Hamvas Béla - Một linh hồn lạc lõng

Hamvas Béla
Một linh hồn lạc lõng

1. Khi Hamvas Béla ghé thăm Trái đất, 1897-1968; Trái đất đang trong giai đoạn cuối của Thời Khải huyền. Trái đất đang chịu ảnh hưởng của Chòm sao Pisces, nhân loại đang mơ màng trong cuộc sống đứt đoạn và rời rạc, vật chất và chủ nghĩa tiêu thụ ngự trị, đám đông vô thức đang thống trị thế giới; ông ấy thực sự lạc lõng. Linh hồn ông ấy lạc lõng, vì đơn giản, chắc từ rất lâu, lâu lắm rồi, ông ấy không ghé thăm Trái đất; ông ấy không tưởng tượng ra tần số dao động của Trái đất, của con người đã sa xuống thấp hơn rất nhiều so với vài ngàn năm trước đây.
Tôi nghĩ rằng, phải vài ngàn năm, phải ba bốn ngàn năm, ông ấy mới quay trở lại Trái đất. Dường như ông ấy từ Thời Hoàng kim, thời của Chòm sao Pisces đang cùng Trái đất và Hệ Mặt trời giao hoà; ông ấy đã từ thời đó bước vào Trái đất.
Ghé thăm Trái đất, ông ấy mang theo tất cả những cái gì trinh nguyên, thuần khiết, cổ xưa và truyền thống, những thứ của người cổ. Veda, tinh thần Tôn giáo cổ là một trong những thứ đi cùng ông ấy tới Trái đất. Ông ấy tới Trái đất trong sự thấm đẫm của Veda. Ông ấy thấm đẫm Veda, ông ấy thấm đẫm Rg – Veda, Yajur – Veda, Sama – Veda, và Atharva – Veda, ông ấy thấm đẫm Thánh điển Upanishads, ông ấy thấm đẫm Purana Bhagavata.
Ghé thăm Trái đất ông ấy như muốn tiếp tục, tiếp tục các bước đi của con người cổ, trao truyền lại những gì là trinh nguyên, thuần khiết, cổ xưa và truyền thống, cho con người lịch sử. Nhưng ông ấy không trao truyền những bản tụng ca, ca ngợi các vị thần, thần lửa, thần núi, thần sông... Ông ấy không trao truyền những nghi lễ rườm rà, để dâng trăng tròn, trăng sớm, dâng thần lửa, thần sông, dâng bốn mùa thiên nhiên... Ông ấy không trao truyền những mantra, những phép thuật, những mandala bí hiểm và linh thiêng. Ông ấy không có những thứ đó đi cùng.
Cái thực sự ông ấy mang đến Trái đất, cái thực sự ông ấy muốn trao truyền là sự Nhận biết và Tỉnh táo.
Ông ấy có biết, có một thời điểm đặc biệt. Đó là thời điểm sáu trăm năm trước Công nguyên; ống ấy đã viết về thời điểm đó. Đó là thời điểm, được đánh dấu bằng sự xuất hiện đồng loạt các bậc thày trí huệ, tại khắp nơi trên trái đất. Sau sự xuất hiện của các bậc thày trí huệ là sự thiết lập mới những con đường tìm kiếm khác nhau.
Ông ấy có biết, rằng ở India có Gautama Buddha, có Mahavira; sau Gautama là Buddhism với tín đồ lên tới hàng trăm triệu hàng tỷ người; sau Mahavira là Jainism đã từng là một tôn giáo lớn ở India với giáo lý khổ hạnh và tư tưởng bất hại. China có Lao Tzu; sau Lao Tzu là Taoism, ngày nay có mặt tại China, Korea, Japan, Vietnam, Singapore,…
Nhiều nơi khác nữa, rất nhiều các bậc trí huệ xuất hiện. Ở Iran có Zarathustra, ở Anatolia có Heracleitos, ở Egypt có Toth, ở Greece có Thales, có Pythagoras, có Socrates,…Thales, Pythagoras, Socrates,… những con người này, họ không chỉ là triết gia, nhà toán học, nhà thơ,… hơn hết họ là những nhà huyền học.
Họ dạy cả công truyền và họ dạy cả mật truyền. Họ dạy về những con số, những đường thẳng song song, về tam giác… Và họ cũng dạy cả về những lời khải truyền, những tầng của giáo lý thâm sâu. Rất nhiều bậc trí huệ, xuất hiện vào thời điểm đó. Muộn mằn hơn, bốn năm trăm năm sau, là sự xuất hiện của Jesus Christ.
Ông ấy có biết, dù là tình yêu, từ bi; dù là trách nhiệm; các bậc thày trí huệ đã đồng loạt xuất hiện. Sự xuất hiện của họ dường như để chuẩn bị cho con người bước vào thời Song ngư; thời mà con người phải nhọc nhằn hơn, nếu muốn đi về phía Ánh sáng. Sự xuất hiện của họ, dường như để báo hiệu rằng, những giáo lý nguyên thuỷ, thuần khiết, trinh nguyên và truyền thống không còn hợp với con người lịch sử. Thượng đế, linh hồn những khái niệm siêu hình không thể hấp dẫn con người lịch sử được nữa.
Một cái gì đó cụ thể hơn, một cái gì đó mạnh mẽ hơn, để đánh vào lòng tham của con người; phải chăng con người đang cần hơn, một thứ như vậy. Con người mà các luân xa đã bị đóng lại, đang khoác lên mình những tấm vỏ bọc giả tạo; người mà chìm đắm trong vật chất; những con người đó cần thiết phải có những con đường thích hợp, gần gũi hơn với họ. Chân lý thì không thể kéo xuống, nhưng mở tầm nhìn của con người lịch sử hướng về phía Chân lý, là điều có thể.
Ông ấy có biết, Gautama Buddha, ngài đã xuất hiện. Xuất hiện và im lặng trước nhiều câu hỏi. Ngài im lặng trước các câu hỏi về Linh hồn, về Thượng đế, về sự Vô cùng của Vũ trụ,… Ngài không trả lời rằng có, hoặc không. Ngài không trả lời rằng đúng hay sai. Ngài không trả lời, ngài im lặng. Im lặng và ngài nói rằng: Vô ngã; ngài nói rằng: Tính không; ngài nói rằng: Luân hồi và Niết bàn.
Ông ấy có biết, Gautama Buddha đã nói vậy. Phải chăng, với con người lịch sử, khi đã chìm đắm trong thế giới vật chất; khi lòng tham trở thành cái phổ biến; khi bị nhầm lẫn đánh đồng bản thể của con người vào vật chất, vào cơ thể, vào suy nghĩ, vào cảm xúc và vào những luân lý đạo đức xã hội; vậy thì việc cần thiết là phải phá bỏ những cái vỏ bọc này. Đó là điều cần nhất.
Vậy thì Linh hồn, vậy thì Thượng đế phỏng có ích gì? Hay lại biến thành cái nơi, để lòng tham neo vào níu bám. Linh hồn và Thượng đế lại trở thành những tomtem để cầu xin khi thiếu thốn; cầu xin cả khi không thiếu thốn, vì con người luôn mong được nhiều hơn. Rồi cả khi, con người tưởng rằng, mình không tham, mình không ác, vậy thì người ta lại đòi được thưởng. Phải thưởng công lao đức hạnh của người ta. Con người lịch sử thực sự đã và đang là như vậy.
Ông ấy có biết, Gautama Buddha đã nói, tất cả là Vô ngã, tất cả là Tính không. Con người anh cũng là không. Con người tôi cũng là không. Thượng đế cũng là Không. Không có gì để níu bám khi sống. Không có gì để níu bám khi chết. Tất cả là không. Và cuộc đời là khổ. Nghiệp, nhân quả sẽ là quy luật chi phối đời sống; chi phối khi sống, chi phối khi chết; chi phối qua nhiều kiếp sống. Cần phải giải thoát khỏi Luân hồi; đó chính là Niết bàn. Đơn giản, ngài nói điều đơn giản; để phù hợp với con người lịch sử; để phù hợp với con người mà các luân xa đã đóng và khoác trên mình nhiều lớp vỏ giả tạo.
Ông ấy cũng có biết, Lao Tzu đã xuất hiện. Xuất hiện để nói với con người lịch sử, rằng: xấu và đẹp, đúng và sai, tiêu cực và tích cực nó không phải là mâu thuẫn của hai mặt đối lập. Chúng cùng sinh ra, cùng lớn lên, cùng tồn tại; liên thuộc với nhau; hai mặt đối lập bù cho nhau; hai mặt đối lập tạo nên sự hài hòa. Cuộc sống và thực tại không thể có chỉ có tốt, chỉ có thiện,…
Cuộc sống và thực tại không chỉ có những đỉnh núi; có cả những thung lũng. Đỉnh núi lộng gió và ngập tràn ánh nắng; thung lũng tĩnh lặng và âm u. Thung lũng làm cho đỉnh núi cao hơn, hùng vĩ hơn. Đỉnh núi là cho thung lũng sâu thẳm hơn, huyền bí hơn. Hai cái đối lập tạo nên sự giàu có, phong phú, sinh động. Nhưng không chỉ có đỉnh núi và thung lũng; cuộc sống là nhiều chiều, còn có cao nguyên, còn có đồng bằng, còn có những dòng sông,…
Và có đỉnh núi cùng thung lũng, vạn vật và cảnh sắc lung linh hơn. Thung lũng và đỉnh núi làm cho bình nguyên phóng khoáng và bạt ngàn hơn. Thung lũng và đỉnh núi làm cho đồng bằng bình yên và giàu có hơn. Những dòng sông, những bình nguyên, những đồng bằng,… cũng làm cho đỉnh núi và thung lũng sống động hơn. Đó chính là tính liên thuộc tương hỗ nhiều chiều của cuộc sống.
Đừng có nỗ lực đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập, đừng có nghĩ hạnh phúc là đấu tranh, đừng có nâng lên thành tư tưởng: mâu thuẫn giai cấp là mâu thuẫn đối kháng, cũng đừng có đấu tranh bằng bạo lực cách mạng cái gọi là mâu thuẫn giai cấp đối kháng giữa con người với con người… Xin đừng như vậy.
Lao Tzu xuất hiện, để nói như vậy, và bảo rằng: khiếp, đừng dùng từ ngữ dài dòng thế, đừng phức tạp như vậy. Hãy Vô vi đi. Hãy như dòng nước chảy, chảy qua tất cả, hoà đồng tất cả; dù là đồng bằng, chảy qua; dù là thác ghềnh, chảy qua; dù là vực sâu, chảy qua; dù là ngày, dù là đêm, chảy qua; tất cả chảy qua để về với biển lớn.
Hamvas Béla, hoàn toàn biết về tất cả những điều như vậy. Ông ấy biết về Gautama Buddha, ông ấy biết về Lao Tzu, ông ấy biết về Thales, Pythagoras, Socrates,... ông ấy biết về lý do cho sự xuất hiện của các Đạo sư, các bậc Thày trí huệ này. Nhưng, như một Linh hồn lạc lõng, ông ấy vẫn trao truyền những cái trinh nguyên, thuần khiết, cổ xưa và truyền thống nhất cho con người lịch sử, cho con người có tần số dao động thấp. Ông ấy có lý do của ông ấy. Ông ấy đã nói về Linh hồn, về cái không phải về Linh hồn, về điều linh thiêng nhất, một cách không thể thi ca hơn:
"... Tất cả, cái gì là ánh sáng, so với linh hồn đều mờ nhạt. Tất cả, cái gì là tinh tế, so với linh hồn đều thô thiển. Tất cả, cái gì là nhẹ nhõm, so với linh hồn đều nặng nề. Tất cả, cái gì là cuộc sống, so với linh hồn đều là chết.
Tất cả mọi cái tồn tại, so với linh hồn đều không tồn tại. Bởi vậy, người đời xưa nói, linh hồn là ánh sáng, là phi vật chất, là sự sống, là cái duy nhất có thực; là hiện hữu nhất. Nhưng cái vô hình, phi vật chất, một hiện thực sống động và rạng rỡ lại bất lực. Cuộc sống đầy ánh sáng, vĩnh cửu, vĩnh viễn này lại bất động.
Linh hồn sống trong một thế giới siêu việt cao nhất, tinh túy nhất, rạng rỡ nhất; một thứ không bắt đầu và sẽ không kết thúc, không sinh ra, không chết đi, là thứ có đời sống vĩnh viễn; là kẻ không hành động, không sáng tạo, không tạo dựng, không thay đổi, không chuyển động.
Nó không với tới cái không phải là nó. Nó không động chạm tới cái không phải là nó. Nó sống trong một khoảng cách và sự khác biệt vô tận với cái không phải là nó. Vậy mà không có gì nó không thấy, không nghe, không nhận biết và không hiểu.
Thế giới này như thể là cái linh hồn nghĩ ra; được tạo dựng ra từ chính nó. Như thể là giấc mộng riêng của nó, là hình ảnh riêng, là sự phù phép riêng của nó. Bởi vậy người đời xưa nói, thế giới là thứ không có thực, chỉ là sự phù phép của linh hồn: là giấc mộng, là ảo ảnh, là sự không tưởng.
Vô ích có người bảo, linh hồn bất lực, mềm mại, nhún nhường, trinh nguyên, bình thản, không phá vỡ nổi, người đó chỉ nói các dấu hiệu; những thứ có thể kể đến vô tận. Vô ích nếu còn nói thêm, linh hồn tự phục vụ nó, linh hồn vô tội trong sự rạng ngời rực rỡ vô tận của mình; và có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng vẫn không nắm bắt được. Họ không nói những đặc tính của linh hồn mà chỉ nói các dấu hiệu. Vô ích nếu nói tiếp, linh hồn cởi mở, trong sạch, dản dị. Linh hồn là bản thể. So sánh với linh hồn không có gì là bản thể.
Bởi vậy người đời xưa nói, linh hồn là thứ duy nhất tồn tại; tất cả những gì có, đều từ nó ra; là bản thể duy nhất, nhưng không hiểu nổi, không nắm bắt nổi, không đánh dấu nổi và vô hình.
Nếu như có một ai, không nói trực tiếp mà muốn nói gián tiếp về linh hồn, có thể nói: linh hồn nhậy cảm. Sự nhậy cảm này có thể tỉnh táo nhưng có thể buồn ngủ; theo đấy linh hồn có thể hoặc tỉnh táo hoặc đờ đẫn. Cần phải nhớ rằng: linh hồn vừa tỉnh táo, vừa buồn ngủ; vừa nhậy cảm, vừa đờ đẫn.
Linh hồn không có đặc tính, bởi vì linh hồn là cái tồn tại duy nhất, là bản thể đơn giản nhất, duy nhất. Nhưng nếu có một người nào đó gián tiếp muốn nói một điều gì, chỉ có thể nói một điều duy nhất, rằng linh hồn không hoạt động, không sáng tạo, không chuyển động, không thay đổi; mà tỉnh táo..."
Ông ấy đã nói về Tình yêu, thứ sinh từ Linh hồn, thứ ảo ảnh của Linh hồn. Ông ấy đã nói về Vũ trụ, thứ cũng được sinh từ Linh hồn, thứ cũng là ảo ảnh của Linh hồn. Ông ấy nói về điều, mà Lao Tzu ở China, cách đây hai ngàn năm trăm năm cũng từng nói: một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra tất cả; Tạo hóa.
"Tình yêu không phải là hiện thực. Chỉ có một hiện thực, chỉ có một bản thể duy nhất: linh hồn. Thứ không phải là linh hồn, đó là ảo ảnh. Ảo ảnh đầu tiên là tình yêu.
Linh hồn: MỘT. Chỉ có một linh hồn. Một sự tồn tại, một bản thể. Một hiện thực. Tình yêu, ảo ảnh đầu tiên; rồi linh hồn sống trong ảo ảnh của hai, ba, mười và nhiều hơn nữa, của vô số. Khi các ảo ảnh xuất hiện, linh hồn bất lực; tình yêu thương không kháng cự nổi chợt thức tỉnh, để thống nhất vô số thành trăm, trăm thành mười, mười thành hai, hai thành một. Nhưng không thống nhất được, bởi linh hồn không thống nhất; bởi linh hồn không hoạt động, không hành động, không chuyển động. Và cũng không thể thống nhất được, bởi hai, mười, vô số, ảo ảnh, không tồn tại, không hiện thực. Bởi vậy tình yêu  không phải hiện thực mà là ảo ảnh.
Ảo ảnh này có, khi linh hồn trong ảo ảnh tưởng rằng, có nhiều linh hồn. Lúc đó cái vô số lại muốn tan hòa thành một, và trong MỘT; lại một lần nữa muốn yêu như một. Tình yêu là thứ trong ảo ảnh nó thống nhất linh hồn đã biến thành vô số; nhưng tình yêu thương là thứ không cho phép linh hồn duy nhất trong hiện thực biến thành vô số.
Tình yêu là thứ biến các linh hồn thành linh hồn; thành linh hồn, hay đúng hơn biến tất cả như MỘT không thể tách rời, vĩnh cửu, MỘT bất biến. Thứ MỘT linh hồn này là hiện hữu duy nhất, là tồn tại duy nhất, không nắm bắt được, bất tử, vĩnh cửu, bất biến, giản dị; thứ mà bên cạnh nó tất cả đều mờ nhạt, thô thiển, nặng nề và không có.
Sự sống có duy nhất một bí ẩn; bí ẩn đấy không phải là linh hồn mà là thứ không linh hồn. Linh hồn là hiện thực, là sự tồn tại, là MỘT, là sự vĩnh cửu vĩnh viễn. Bí ẩn là: cái bất biến tạo dựng cái đổi thay như thế nào; cái vĩnh cửu tạo dựng cái trôi đi, cái chuyển động như thế nào; hiện hữu có thật tạo ra ảo ảnh không và tạo ra như thế nào; MỘT tạo HAI như thế nào; và Tạo hóa, Tạo hoá đã xuất hiện ra sao?
... Giấc mơ đầu tiên của linh hồn là ý tưởng của vũ trụ. Biểu hiện trong hình ảnh không thể nắm bắt được, trong một điểm không thể mở rộng, trong một cái gì đó duy nhất. Đấy là điều bí ẩn, Một Cái Gì đầu tiên ngoài linh hồn.
Bắt đầu có một cái gì đó, một cái gì không phải là linh hồn. Một điểm. Giờ đây không phải là một nữa, mà là hai. Hai tạo nên một thế giới riêng biệt; một thế giới tất cả đều là hai: đêm và ngày, ánh sáng và bóng tối, đàn ông và đàn bà, tôi và anh, cuộc sống và cái chết, giấc mộng và sự thức tỉnh, có và không."
Hamvas Béla có lý do của ông ấy, để nói về điều này; những điều mà Gautam Buddha đã im lặng.
2. Hamvas Béla thực sự là một Linh hồn lạc lõng, lạc lõng ở Trái đất trong thời Pisces, lạc lõng với những con người lịch sử, lạc lõng với đời sống đứt đoạn.
Bởi đơn giản, ông ấy từ thời Pisces, Thời Hoàng kim bước vào Trái đất. Ông ấy là con người mở. Tôi tin cậy điều này, tôi tin cậy điều ông ấy là một con người mở. Ông ấy là con người mở, vì chỉ có ông ấy, chính ông ấy nhìn thấy rằng:
"Về những gì Hy lạp cổ đại tạo ra tôi có một phản luận. Giả sử, vì một lẽ nào đấy tôi không chấp nhận thi ca của họ; tôi không chấp nhận kiến trúc của họ; triết học, truyền thuyết của họ; tôi có thể nói, cái này cái kia hay hơn, hoàn chỉnh hơn, trong sáng hơn, nồng nhiệt hơn, trung thực hơn, cao cả hơn.
Nhưng có một cái tôi không thể phản đối. Đấy là tượng của Hy lạp. Tôi không thể không chấp nhận. Bên các bức tượng Hy lạp không có bất kỳ bức tượng nào hoàn chỉnh hơn, con người hơn, trong sáng hơn, trung thực. Chắc có thể, không bao giờ có một nền điêu khắc như thế nữa.
Trong tất cả những gì người Hy lạp đã sáng tạo ra, có thể tìm thấy một chút nhiễu nhương, giả dối, thô bạo, phân vân nào đấy. Nhưng ở những bức tượng thì không. Độc nhất chỉ tượng Hy lạp mang lại cho tôi khả năng có thể đối diện với con người của thượng đế. Những gì người Hy lạp sáng tạo ra tôi có thể đưa ra một ý kiến phản đối; nhưng với tượng của Hy lạp, tôi chấp nhận ngay lập tức mà không giải thích và không đưa ra lý do nào hết.
Một dân tộc, một thời đại, một thời điểm, một giống người khác có thể sáng tạo ra hình ảnh con người thượng đế trung thực hơn trong thi ca, trong triết học, trong thế giới của lịch sử và đời thường. Nhưng con người thượng đế trong điêu khắc chỉ một lần và mãi mãi duy nhất một lần, chỉ văn hóa Hy lạp nhận ra và sáng tạo nên.
Đối tượng duy nhất của toàn bộ điêu khắc Hy lạp: con người thượng đế. Cùng lắm với điêu khắc Hy lạp có thể bắt chước hoặc bị chinh phục, ngoài ra không có gì khác.
Giữa các bức tượng Hy lạp là vô số thân hình đàn bà, thiếu nữ, có Aphrodite hoặc trần truồng, hoặc phủ chút khăn, hoặc đang cởi quần áo, hoặc đang chuẩn bị tắm. Cái bồn tắm trước đêm tân hôn của người đàn bà trẻ chắc chắn không liên quan gì đến hành động vệ sinh thân thể hoặc mang tính chất y học. Sự miêu tả này đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa tôn giáo. Có thể cho rằng người đàn bà trẻ muốn trao tấm thân rạng rỡ nở hoa một cách trong sạch cho vòng tay ôm ấp đầu tiên. Và chắc là như vậy, nếu từ bức tượng không tỏa ra một thứ ánh sáng vũ trụ, thiên thần. Tượng Hy lạp không bao giờ là con người, luôn luôn và trong mọi trường hợp chỉ, nó là con người thượng đế.
Trẻ con ngây thơ tin rằng ngôi sao không phải là một thiên thể giống, như Mặt trời mà là một kẽ hở nhỏ trên tấm mành bầu trời đêm; và ánh sáng của thế giới bên kia chiếu vào lấp lánh thông qua kẽ hở nhỏ này. Bức tượng người đàn bà trẻ đang chuẩn bị tắm như có một kẽ hở nhỏ, mở ra, mở ra vũ trụ. Mọi bức tượng đều như một ngôi sao.
... Cái Linh hồn, không thân xác trút bỏ áo quần, và chất lỏng linh thiêng nằm trong bình nước bên cạnh; nàng sẽ gột đầu, rửa ráy da thịt, cơ thể; hình hài nàng sẽ tan rã và không đọng lại gì, để có thể nắm giữ được.
Cái Linh hồn sáng chói bên trong nàng, cô gái thượng đế, luôn rạng rỡ trên bức tượng, tỏa sáng cho bức tượng. Con mắt thô bỉ và trần tục của con người hiện đại không thể hiểu được sắc đẹp tầm thường đã bị bỏ xa thế nào với ánh sáng thiên thần phản chiếu từ những nàng con gái cẩm thạch này.
Người ta cố gắng giải thích bằng nghề nghiệp, bằng thị hiếu, bằng kiến thức, bằng tài năng. Không bao giờ nghề nghiệp, thị hiếu, kiến tức, tài năng sáng tạo được cái gì đã bước qua tự nhiên. Cái lấp lánh trong bức tượng cô gái không phải là vật chất, là hình thức, là sắc đẹp, là tỷ lệ vàng. Tất cả không liên quan gì đến cái đẹp linh thiêng này.
Con mắt của kẻ thô tục chỉ nhìn thấy hình dáng một người đàn bà khêu gợi. Nhưng ở đây, người đàn bà này không hề khêu gợi. Một người đàn bà là một người đàn bà. Người đàn bà này là một Linh hồn và Linh hồn này là một cô gái, một thiếu nữ. Đây chính là suối nguồn của nữ tính. Đây là nguồn gốc."
Ông ấy đã thực sự nhìn thấy, nhìn thấy Linh hồn trong những bức tượng. Ông ấy thực sự nhìn thấy Thần linh trở thành người qua đá, qua đá cẩm thạch, qua đá vôi. Cũng cách nhìn như vậy, ông ấy nhìn Con Bướm. Ông ấy thực sự đã thấy, thấy Thượng đế biểu lộ trong hình hài Con Bướm:
"... Một điều rất đơn giản ví dụ con người cổ khi diễn đạt đặc tính của linh hồn bằng từ con bướm, không phải nói về sự giống nhau của linh hồn và loài sâu bọ này, mà trước hết là sự thẩm thấu hóa các sức mạnh thần thánh trong tự nhiên: con bướm không phải một loại sâu bọ, mà là sự biểu lộ của thượng đế, giống như sự xuất hiện chung của sự sống thượng đế trong loài động vật.
Nhưng con bướm không phải là một từ mang tính chất biểu trưng mà là một chìa khóa mở cánh cổng dẫn đến và phơi bày bản chất thượng đế trong loài bướm, linh hồn thượng đến xuất hiện một cách hiện thực trong hình hài con bướm."
Linh hồn lạc lõng, lạc lõng trong thế gian, lạc lõng trong sự sống đứt đoạn; chỉ bởi vì đó là một con người mở, đó là một tâm hồn rộng mở, mở ra cùng bầu trời, mở ra cùng những vì sao, mở ra cùng bốn mùa hoa lá, mở ra cùng Sự sống tương đồng:
"Có thể nhận ra nhân loại cổ trong mối quan hệ giữa vòng quay của thiên nhiên và số phận các thần linh. Khi con người lịch sử nhìn về các mối quan hệ trong thời cổ, họ sẽ nghĩ: chắc chắn chỉ có sự quay vòng của thiên nhiên là vĩnh cửu, sự đổi chỗ của xuân, hè, thu, đông. Và các thần linh chắc cũng tồn tại trong vòng quay này. Thật ra, tất cả mọi người đều phải sống trong vòng quay của thiên nhiên, kể cả các thần linh cũng thế, họ sống, chết đi rồi lại phục sinh. Hình ảnh cổ của số phận Gilgames, Bel, Heracles, Oziris, Rama là thiên nhiên.
Lời giải thích của con người cổ như sau: đấy là viparjaja, là sự lộn ngược ý nghĩa của hiện thực đích thực. Không phải thần linh bằng số phận mình sao chép lại thiên nhiên, mà chính vòng quay của thiên nhiên không là gì khác ngoài bản sao của số phận các thần linh.
Thiên nhiên lặp đi lặp lại không ngừng sự ra đời, đời sống, cái chết và sự phục sinh bởi vì nó không muốn và cũng không thể tách rời khỏi hình ảnh số phận các thần linh, thậm chí không cách nào khác để thoát khỏi hình ảnh này, khỏi con dấu của toàn bộ vũ trụ ấn đóng lên nó.
Không phải sự phục sinh của Thượng đế bắt chước mùa xuân, mà trái lại thiên nhiên bắt chước sự phục sinh của Thượng đế, và khi nó bắt chước hình thái này, mùa xuân đến. Không phải Thượng đế nhắc lại trật tự của thiên nhiên, mà thiên nhiên nhắc lại số phận của Thượng đế từ thời tiền khởi đến nay và sẽ còn nhắc lại đến tận giai đoạn cuối của thời gian".
Ông ấy thực sự là con người mở, không khép kín, không bị bó lại. Cái ông ấy giao hòa với những tầng cao khác; cái tầng cao mà mọi logic của con người lịch sử đều bị chênh, bị vênh đi. Cái tầng cao chỉ có thể cảm nhận bằng con tim, bằng trực giác. Cái tầng cao của sự giao hoà, cái tầng cao của Sự sống tương đồng. Tôi tin cậy ở điều này. Vì ông ấy là con người mở.
3. Có một lần, dường như ông ấy than, cảm thán với mình về sự lạc lõng:
"Tôi ở đây giữa mọi người, trên trái đất này, mọi ý định của tôi đều không có kết quả, mọi từ ngữ của tôi vô ích, mọi kế hoạch của tôi tan vỡ, tôi đã thất bại, không nhận ra tôi, tôi trở nên thừa thãi, và không được chấp nhận."
Ông ấy đã cảm thán như vậy. Đó là sự thật, cho dù nó có thể chỉ đến trong một khoảng thời gian ngắn; cũng đủ để cảm thán lên, khi thấy thực sự cô đơn, cô đơn với những Nhận biết của mình. Với Hamvas Béla, ông đã dường như cô đơn gần như suốt chiều dài của cuộc đời. Ngay cả sau khi đã rời bỏ Trái đất này, nhiều năm, nhiều năm sau đó những Nhận biết, những ý tưởng của ông mới được nhắc đến; và chưa chắc đã dễ đồng cảm với nhiều người.
Điều đó là bình thường, điều đó là logic với thế gian này.
Vì giữa ông ấy và những người xung quanh, có những khác biệt. Khác biệt về Nhận biết và Tỉnh táo. Những con người đã sống quanh ông, những con người đang sống bây giờ, là những con người của ý thức, rất ý thức. Xã hội, nhà nước, chính phủ, quốc gia, dân tộc, đoàn thể, tôn giáo và các tổ chức xã hội,... tất cả tạo nên ý thức cho con người lịch sử. Con người lịch sử cho khái niệm một con người tốt, là con người có ý thức. Con người có ý thức là con người có mối liên hệ tốt, đồng thuận với thế gian này, đồng thuận với những cái được tạo ra: xã hội, nhà nước, chính phủ, quốc gia, dân tộc, đoàn thể, tôn giáo và các tổ chức xã hội,...
Hamvas Béla nói, không phải vậy, hơn thế nữa. Hamvas Béla muốn nói đến Nhận biết và Tỉnh táo. Ý thức không phải là Tỉnh táo, đấy là nhầm lẫn. Con người lịch sử nhầm lẫn. Đó là chỉ sự tỉnh táo tâm trí. Sự tỉnh táo giả tạo. Sự tỉnh táo của Cái Tôi suy thoái, một thứ của bản ngã.
Hamvas Béla cho rằng, sự Tỉnh táo phải là sự nhậy cảm cao độ trong hiện thực của những con người mang sức sống vũ trụ mở; sự tỉnh táo thuộc về Cái Tôi vũ trụ; sự tỉnh táo của Linh hồn.
Ý thức giống như một cơ cấu, một cơ cấu cơ khí, một cơ cấu duy lý, thuần logic; nó thuộc về đời sống khép kín. Tính chất của nó gắn liền với thế gian, với những cái do con người lầm lẫn đồng hoá bản thể mình vào đó. Những luân lý, những đạo đức xã hội, những nhân, những nghĩa, những lễ, những trí, những tín; những luật lệ và lề thói. Những ràng buộc của thế giới bên ngoài, hiểu trong nghĩa là thế giới của các giác quan, là sự đa dạng trong không gian và trong thời gian. Nó thuộc về tâm trí. Con người lịch sử lầm lẫn đồng nhất mình vào những cái đó.
Khi tần số dao động của con người rớt xuống, con người bị văng ra khỏi Sự sống mở, suy thoái thành con người đóng, con người khép kín, chìm vào trong vùng tần số dao động nặng nề của vật chất. Đó là hiện thực suy thoái. Cái hiện thực suy thoái này, từ cổ xưa cho đến thời Platon đều đặt tên là cái, hiện thực không có thực. Những phần tử đóng vai trò và hoạt động trong ý thức đều không phải là hiện thực, mà là các hình ảnh mộng. Trong ý thức thế giới ảo hình thành. Đây là cuộc sống bị suy thoái, đứt đoạn và rời rạc; bởi vậy nó phân mảnh và không thể nắm bắt.
Còn sự Tỉnh táo là một khả năng linh thiêng thuộc về Sự sống mở. Tính chất của nó gắn liền với Hiện hữu. Người ta gọi nó là thế giới bên trong, nhưng không đúng, kể cả khi nó khác hẳn với thế giới của các giác quan, khác hẳn với đời sống đa dạng trong không, thời gian.
Khi con người thực sống trong sự tổng thể và cởi mở của Sự sống; nó mang cảm giác  thực tại của Cái Tôi Thức. Đây là dấu hiệu của sự Tỉnh táo.
Sự Tỉnh táo là bản năng thể hiện mở và tự do của mọi khả năng; cái chính là sự sống, được nâng lên mức độ Thượng đế. Sự tỉnh táo này là một sức sống trong đó toàn bộ vũ trụ chứa trong từng khoảnh khắc, trong tổng thể và là hiện hữu đang là. Là thứ vượt thời gian, siêu nhiên, vượt không gian, vượt qua đời sống. Là siêu hình. Đậm tính tôn giáo. Mang tính Thượng đế. Bởi vậy nó tỉnh, rõ ràng, và mở. Bởi vậy nó biết tất cả, thấy tất cả và không nhầm lẫn, không dựa trên những sự phù phép, ảo tưởng và sự lừa dối.
Những yếu tố hành động đóng vai trò trong sự tỉnh táo là những hiện thực. Có thực. Nó hiện hữu. Theo ngôn ngữ của Platon: là những ý tưởng. Những hình ảnh cổ. Thượng đế. Bởi vì thế giới thực tại sống trong sự tỉnh táo. Thực tại này mang tính chất tinh thần. Hiện hữu là tuyên ngôn tinh thần thượng đế. Và đời sống có thật này thống nhất, hoàn thiện, mở và là MỘT.
Đó là quan điểm của ông ấy về Nhận biết và Tỉnh táo.
4. Với tôi, Hamvas Béla là một con người Tỉnh táo.
Ông ấy thực sự tỉnh táo, khi biết rằng thời của thời Pisces đang qua, thời Aquarius đang tới.
Nhiều người nói, về thời điểm chuyển thời này, thời kỳ quá độ từ thời Pisces qua thời Aquarius. Họ viện dẫn nhiều lý do biến đổi đặc biệt của tự nhiên. Họ dẫn chứng nào sóng thần, nào thiên thạch, nào động đất, nào núi lửa; những biến cố: như sự chết chóc rất nhiều một cách ngẫu nhiên của thú trong rừng, chim trên trời, và dưới biển; các đại dịch: N5N1, SARS, dịch sốt bởi các virut Marburg và Ebola...
Nhiều, nhiều lắm những biến cố. Họ nói về bão; nhưng họ không nói về cấp gió, họ không nói về hướng gió, họ không nói về lượng mưa, họ không nói về sự giật lên của những con gió, họ không nói về sống biển, sự trào dâng của nước biển,... Nói về bão, nó nói về những cánh con chuồn chuồn xa xuống trước cơn mưa, nó nói về những con lợn rũi đất tìm cách tránh mưa.
Hamvas Béla khác hẳn. Ông đã chỉ ra những biến cố mạnh mẽ nhất, thuyết phục nhất, nhưng rất buồn. Ông đã viết thế này:
"Đây là thời kỳ, cách đây năm mươi năm Le Bon đã từng nói, những hoạt động vô thức của đám đông thay thế cho những hoạt động có ý thức của cá nhân.
Sự thay thế này lúc đó không chỉ có vẻ vô hại mà còn được mong đợi. Một số người đã kích động đám đông bạo động. Marx và các tông đồ của chủ nghĩa xã hội, thay vì chỉ từ xa chiêm ngưỡng những lý tưởng của mình, họ đã chuẩn bị cho một cuộc nổi loạn.
... Nếu ngày hôm nay Marx, Engels, Lassalle hoặc bất kỳ ai trong đám cách mạng đó tỉnh dậy, nhìn xem cái gì đã xảy ra, đã thức tỉnh đám đông hào hứng thế nào, chắc chắn những người này sẽ đắm chìm vào suy tư. Tôi quả thật không nghĩ nó sẽ như thế này, kẻ tội nghiệp sẽ lắp bắp khi tự kết án mình.
Đám tông đồ đều đã từng tin tưởng, thiên thần sẽ thức tỉnh từ đám đông. Ngày nay giá họ nhìn thấy, không hề như vậy. Quái vật đã thức tỉnh thì đúng hơn.
Thay thế hoạt động có ý thức của cá nhân là những hoạt động vô thức của đám đông. Các tông đồ sẽ tận mắt nhìn thấy, xã hội phụ thuộc vào cái khác.
Đám đông thống trị là những hoạt động hỗn loạn, mù quáng, mờ mịt, vô thức thay thế những hoạt động sáng sủa, có tri thức, có ý thức của cá nhân; dìm loài người xuống sự tăm tối. Đấy chính là điều những người cách mạng không nghĩ tới.
Nhưng nhiều người khác đã nhìn thấu suốt bản chất thống trị của đám đông. Họ hiểu, đây không phải vấn đề thống trị. Tình thế của thế giới đã thay đổi.
Quá trình này không phải là một quá trình xã hội mà còn sâu sắc hơn: một quá trình cơ bản của đời sống. Trên bề mặt xã hội, đám đông nổi trội lên; sự vô thức cũng trồi lên như một sự tất yếu.
Tư duy và hoạt động tỉnh táo của cá nhân bắt đầu phụ thuộc vào sự vô thức và hỗn loạn của đám đông. Thứ giản dị có nội dung phụ thuộc vào thứ mù quáng và hỗn loạn. Thứ phát triển cao phụ thuộc vào thứ thấp kém. Vị trí lộn ngược tấn công, con người bắt đầu sống bằng cái đầu lộn xuống dưới. Và những hậu quả của nó không thể lường trước.
Thế hệ cách mạng thứ hai, Pareto và Sorel đã nhận ra, thực chất không phải vấn đề tình huynh đệ, vấn đề tự do của đám đông và bản khải hoàn ca của các lý tưởng nhân loại lớn. Họ thôi không lập luận một cách ấu trĩ các khái niệm của mình nữa.
Cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản là một hiện tượng xã hội bề mặt, vì thực chất đây là cuộc đấu tranh giữa ý thức tỉnh táo và sự vô thức mù quáng.
Pareto chua chát tuyên bố, tư tưởng nào càng ít giá trị sự thật, đám đông càng bám chặt vào đó. Ông gọi sự mờ mịt và phân vân này là một thứ cặn bã (reziduum). Thứ cặn bã vô nghiã, đầy bản năng, không hợp lý, vô tích sự. Đấy chính là đặc trưng tư duy của đám đông. Đặc biệt không liên quan đến tư tưởng...
Thế hệ thứ hai đã nhận ra đặc thù của hoạt động vô thức của đám đông là sùng bái thần tượng và reziduum. Thế hệ này nhận ra cuộc đấu tranh giữa duy trí và vô thức bắt đầu và sẽ tiếp tục. Tại sao họ không nhận ra những cái khác nữa, bởi khả năng của họ chỉ ở mức độ trung bình thông thường.
Nhưng rốt cuộc, xuất hiện những kẻ ngay từ phút ban đầu hiểu ra ngay tình thế. Trước hết là Kierkegaard và Nietzche. Sau đó là cả một đạo quân nhỏ, không xếp theo thứ tự và chưa đầy đủ: Feguet, Merezskovskij, Pannwitz, Evola, Bergyajev, Valéry, Ortega, Jaspers.
Điều họ nhìn thấy: đám đông từ trước tới nay ở dưới đáy bắt đầu xông lên những tầng lớp xã hội cao hơn. Đi cùng với nó là sự tàn bạo, không như trước, trong thời kỳ di dân, tấn công vào kẻ ở tầng lớp phát triển cao từ xa, từ bên ngoài, mà giờ đây từ dưới lên và từ trong ra.
Trong con người vô thức nổi lên; trong xã hội, đám đông xuất hiện. Đây là một dạng di dân mới, là sự đột nhập thẳng thừng của sự tàn bạo. Tình thế không chỉ thay đổi từ bên ngoài; mà trạng thái tâm lý con người cũng bị đảo lộn cùng sự xua đuổi những cá nhân ưu tú và có vị thế cao hơn.
Những gì đã từng ở trên, rơi xuống dưới, những gì từng ở dưới  giờ nổi lên trên. Vô thức lên trên và ý thức xuống dưới. Tri thức không ở trên, mà là bản năng; không phải ánh sáng, mà là sự tăm tối; không phải paradiso, mà là inferno; không phải thứ phát triển mà là thứ thấp kém; không phải trật tự và sự tử tế, mà là sự hỗn loạn và dục vọng. Không phải thứ tư duy có ý thức, mà là một  thứ cặn bã (reziduum) và thần tượng (mitosz). Bởi vậy trong sự chọn lựa, trong cách đánh giá các giá trị, trong thứ bậc và trong nhu cầu xuất hiện một trật tự đảo lộn.
Một tai họa giống như thế này chỉ xảy ra với con người khi nạn hồng thủy tràn ngập quả đất, và loài người chìm xuống biển. Nhưng lúc đó sự chết chìm này chỉ là bên ngoài, như nạn di dân cũng chỉ là bên ngoài; ngày nay con người chết chìm trong sự vô thức riêng của bản thân mình và của đám đông riêng của xã hội mình. Biển chính là sự vô thức, và sự vô thức chính là biển. Nạn hồng thủy chính là sự chết chìm trong cái vô thức. Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong nạn hồng thủy từ bên trong."
Ông đã chỉ ra rằng, chính thái độ vô thức trong thế kỷ hai mươi đã làm gần trăm triệu người chết trong các cuộc chiến tranh, đã làm gần trăm triệu người chết không phải vì chiến tranh mà vì đói và thanh trừng nội bộ; là biểu hiện đỉnh cao của sự tha hoá. Là biểu hiện mạnh mẽ nhất của sự chuyển thời. Một nạn hồng thủy bên trong và cả bên ngoài.
5. Có lẽ thời của Aquarius - Bảo bình đã tới?
Một thời mới đang bắt đầu. Thời mà tần số dao động chung của Trái đất thăng lên; tần số dao động chung của con người thăng lên; tần số dao động chung của không gian nhân sinh thăng lên; tần số dao động chung của không gian Tâm thức thăng lên. Thời mà con người vượt lên cuộc sống đứt đoạn để bước vào Sự sống mở và tương đồng.
Hamvas Béla đã biết được điều này. Đó phải chăng là lý do ông ấy nói đến Linh hồn. Nói  Linh hồn tối thượng, Thượng đế, Phạm thiên, Brahman, thực thể duy nhất. Linh hồn, nơi một thế giới siêu việt, tinh túy, rạng ngời. Linh hồn, một thứ không bắt đầu và sẽ không kết thúc, không sinh ra, không chết đi; vĩnh viễn.
Thế giới này, được tạo ra từ Linh hồn, và cũng sẽ nhập về lại với Linh hồn. Con người là sản phẩm sáng tạo của Linh hồn. Cơ thể con người chỉ là vỏ bọc của một mảnh, một mảnh vô cùng nhỏ của Linh hồn, là nơi trú ngụ của một mảnh Linh hồn; là hiện thân của Linh hồn, của Thuợng đế, của Brahman. Ông ấy nói theo tinh thần của Veda, theo cái thuần khiết, trinh nguyên, truyền thống và cổ xưa nhất. Bước vào thời mới, con người mới sẽ dễ dàng hiểu được điều này.
Ông ấy đã nói điều mà Gautama Buddha im lặng.
Hamvas Béla, tôi yêu ông.
Chú thích: Một số tiểu phẩm của Hamvas Béla, bằng tiếng Việt có thể tìm thấy trong trang sau: http://amvc.fr/
21/2/2014
Minh Đạt
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...