Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Chuyện của một người thương binh trong thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Chuyện của một người thương binh
trong thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Năm 1977 tôi mua tại hiệu sách nhỏ ở quê tôi tập thơ  “Vẫn Trong Đội Ngũ” viết về đề tài Thương binh, Liệt sỹ, do nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân ấn hành năm 1977, tập thơ nhiều tác giả, gồm 59 tác giả là những nhà thơ “gạo cội” của hội nhà thơ Việt Nam. Trong đó mỗi tác giả chỉ vỏn vẹn đăng một bài, kể cả dung lượng tập thơ và các tác giả đều rất khiêm tốn. Mặc dù đề tài viết về Thương Binh, Liệt Sỹ rất rộng và rất đa dạng, xong trong tập thơ này cũng chỉ có 59 tác phẩm mà đã được các nhà thơ tuyển chọn để in.
Ngày đó tôi mới học xong lớp 10 phổ thông cũng là học xong cấp ba hệ 10 năm. Tôi đọc hết từng bài với lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ cũng như các nhà thơ cộng với lòng yêu thơ của tôi. Xong tôi thích nhất và thuộc lòng hơn cả là bài thơ: “Chuyện Của Một Người Thương Binh” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Về sau này tôi mới được biết chị là người con của Quảng Bình, mảnh đất và con người anh hùng bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ xâm lược, mà tôi đã được chứng kiến và nghe kể trên các phương tiện thông tin thời kỳ đó. Bài thơ được tác giả viết theo thể thơ tự do với lời kể thật tự nhiên, mộc mạc, giản dị cả với từng câu từ, mà đã đưa người đọc, người nghe chú ý theo dõi ngay từ đầu bài:
“Sớm ấy chia tay 
Trời xanh điều chưa nói
Tôi nhìn vào mắt em 
Bối rối” 
Bài thơ kể lại cuộc chia tay của đôi trai gái một bên là tràng trai đã sắp đến giờ lên đường nhập ngũ vào quân đội để ra chiến trường, một bên là cô gái ở quê hương mà khi vừa đọc đã cho đọc giả thấy đó là một mối tình dung dị ,dễ thương đến lạ kỳ. Một tình yêu của một mối tình đầu trong trắng của người con trai còn đang e ấp, ngượng ngùng chỉ qua ánh mắt nhìn im lặng mà ngọn lửa tình yêu đang bùng cháy từ trái tim, khiến phải bối rối nhưng không giám vượt qua ngưỡng của tình yêu đã đến gần.
“Trời trong mắt em là trời của riêng tôi
Muốn hôn lên mắt ấy
Em ơi!”
Chỉ có tình yêu chân thật, trong sáng mới như vậy! Ở cái thời  1975 trở về trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn đang diễn ra vô cùng ác liệt. Những nam thanh niên nô nức, hăng hái lên đường nhập ngũ vào quân đội, ra chiến trường giết giặc lập công để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Các cô gái một số vào lực lượng Thanh niên xung phong, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, còn phần lớn ở lại hậu phương tăng gia sản xuất giỏi để có nhiều lúa gạo cũng như các nhu yếu phẩm đưa ra tiền tuyến để bộ đội ta.
Tuổi đời của các anh còn trẻ măng mới mười tám, đôi mươi, người yêu của các anh cũng trẻ đẹp và tràn đầy sức sống. Họ yêu nhau một tình yêu thầm kín mà thiêng liêng, thi vị biết nhường nào. Bài thơ dẫn dắt chúng ta, gợi cho chúng ta những người trẻ hay đến những thế hệ đã tóc bạc hoa dâm đều thích đọc và “thưởng thức” chuyện tình nhưng biết bao thi vị .
“Muốn hôn lên mắt ấy
Em ơi!”
Nhà thơ đã giầu trí tưởng tượng để nói hộ lòng người con trai với một tấm lòng, ước muốn thật giản dị nhưng chứa đựng một tình yêu đang rực cháy. Tiếp lời kể là lời tự sự dẫn dắt người đọc, người nghe đi vào thế giới nội tâm:
“Tôi mang trong lòng làng quê có bóng em
Tôi sẽ có những làng quê sắp tới
(Những người đi xa bao giờ cũng giầu)
Và trái tim quen chờ đợi.”
Dù người chiến sỹ rời làng thân yêu, hành quân ra chiến trường nhưng vẫn mang trong mình hình ảnh của làng quê thân thương, nơi có cây đa, bến nước, sân đình, cha mẹ, anh em, xóm làng và trong tình yêu ấy còn mang hình bóng người yêu, người con gái quê nhà dịu hiền, nết na chân chất. Dù có làng quê khác, có những người thân yêu khác nhưng người chiến sỹ vẫn luôn chung thủy với mối tình đầu ở quê hương.
“(Những người đi xa bao giờ cũng giầu)
Và trái tim quen chờ đợi”
Những dòng thơ là dòng kể rất tự nhiên với cách sắp xếp ngôn từ và trình tự của câu chuyện tác giả đã dẫn dắt người nghe chú ý và cuốn hút vào các tình tiết:
“Tám năm rồi tôi đi
Bao chuông rộng đèo cao tôi vượt
Bao trận đánh tôi không nhớ hết
Có phút nào em chẳng ở bên tôi.”
Đó là suốt tám năm trên chiến trường, vượt qua bao hiểm nguy của các trận đánh địch công đồn, cận kề với lửa đạn, cận kề với cái chết, nhưng hình ảnh người con gái luôn ở trong lòng, trong trí nhớ của người chiến sỹ cũng là sức mạnh, nguồn động viên lớn lao thể hiện qua lời thơ và nghệ thuật liên tưởng, nhân cách hóa… của tình yêu người chiến sỹ, mới dạt dào, da diết làm sao!
“Em trong không gian tươi thắm nụ cười
Nhắm mắt lại thấy em càng thêm rõ
Và lạ lùng biết bao – nỗi nhớ
Đã giúp tôi nhằm rất trúng kẻ thù”
Trong chiến công chung mà anh và đồng đội đã giành được thật là vẻ vang của những người đi cứu nước, bảo vệ tổ quốc .Đã có sự cống hiến cuộc đời mình cho đất nước hoặc để lại một phần cơ thể, máu thịt ở chiến trường qua tình tiết câu chuyện của người chiến sỹ.
“Trận đánh ấy tôi bị thương
Quân thù đã cướp đi của tôi bàn chân và đôi mắt .”
Một sự mất mát không gì bù đắp được nhưng ở phần ba của bài thơ lại gợi mở một niềm hy vọng, một  điều kỳ diệu mà chỉ có ở người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đương đại. Qua dẫn dắt của lời thơ, lời kể đầy hấp dẫn của tác giả:
“Tôi trở về quê hương
Biết tám năm người yêu tôi vẫn đợi
Lòng chung thủy làm tim tôi đau nhói
Biết bao lần tôi lẩn trốn em.”
Sự ngỡ ngàng, xúc động đến bất ngờ của người thương binh là lòng chung thủy tưởng chừng như không thể có mà sự thật lại không thể không tin được. Anh đã có chủ định “hy sinh” , từ chối một mối tình để cho người con gái anh yêu dấu bấy nay có cuộc sống hạnh phúc hơn, nhưng lời thơ, lời kể lại dẫn ta đến một điều cảm động bất ngờ để rồi cảm phục người con gái và đưa ta đến một cung bậc tình cảm đến nao lòng cuốn hút người đọc vào một giấc mơ êm đẹp qua lời thơ, lối kể chuyện tài tình, chân thực mà man mác trong lòng, bằng sự tưởng tượng tài tình của nhà thơ:
“Em đứng bên tôi
Tôi chẳng thấy em đâu
Tôi nhìn em trong trí nhớ
Tôi ngắm em trong kỷ niệm
Tiếng em gọi làm lòng tôi xao xuyến
Giọng em cười sao quá ngây thơ
Và chúng tôi bước bên nhau tay nắm trong tay
Nói bao chuyện ngày xưa chưa nói hết.”
Một con người, một đức hạnh, một tấm lòng vàng không gì sánh được. Đó là sự bình dị nhưng cao cả, sự vô tư nhưng thực thà không giả dối, bất chấp vất vả sau này, khi đến với anh,  người chiến sỹ nay đã là thương binh nặng, thật đúng là mối tình “ngàn vàng khôn chuộc”. Phần bốn của bài thơ tác giả đã mở ra cho người đọc, người nghe một sự liên tưởng của người thương binh, rồi đi đến nhân cách hóa, so sánh quá tài tình. Khi người thương binh đã lấy lại được niềm tin yêu một cuộc sống mới đầy hứa hẹn, hạnh phúc, qua sự lạc quan yêu đời:
“Khi đôi mắt không còn nhìn thấy nữa
Có thể nào cuộc sống chỉ mầu đen”
Và một sự tưởng tượng, liên tưởng tinh tế của nhân vật cũng là của tác giả, khiến cho người đọc cảm nhận hết cái trong sáng, hạnh phúc của một con người đối với quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên ở một miền quê biển mặn mòi rất đỗi yêu thương, nơi có những người dân cần cù, chịu thương chịu khó và có cả người yêu của anh, qua lời thơ:
“Tiếng chim hót sao ngọt ngào đến thế
Tôi nghe
Và tôi biết trong tiếng chim có mầu xanh của lá
Trong tiếng sóng tôi nhìn ra biển cả. Biết những con thuyền đang đi đến mênh mông
Biết những  con ốc đeo chuỗi hạt cườm cho sóng
Biết những chú còng trên lá khô đang chạy
Biết gió thổi mang dấu chân người bay đi” .
Miền quê biển thanh bình nên thơ ấy qua sự tưởng tượng của người thương binh bị mù cả hai mắt chính là sự tưởng tượng tài tình , tinh tế của tác giả mới ngọt ngào, tha thiết làm sao. Những hình ảnh quê hương đã được tác giả viết lên với cảm nhận sống động vô cùng.
Để từ đó người thương binh càng thấy tin yêu cuộc sống hơn bao giờ hết, nhưng không quên nhớ về một thời chiến tranh, đạn bom tàn khốc mà tinh thần những người lính vẫn vững vàng niềm tin để ra trận giết giặc gìn giữ quê hương đất nước, qua sự liên tưởng giầu cảm xúc:
“Tiếng nói cười hôm nay
Tôi thấy rõ đoàn quân đang bước
Những đôi mắt nhìn về phía trước
Và tiếng rì rầm là đoàn xe đang qua.”
Tất cả những diễn biến, những ký ức, hoài niệm tình cảm phong phú của đời sống xã hội, anh – người thương binh đều nhận ra và nhận biết được. Nhưng có một điều kỳ diệu trong tâm tưởng anh là hình ảnh cô gái, người yêu của anh tám năm về trước vẫn trẻ mãi, đó là gương mặt trẻ trung, hiền dịu còn đọng lại, lưu mãi trong tâm trí của mình với một tình yêu không bao giờ nhạt phai. Đó cũng là gương mặt đẹp nhất, tình yêu đẹp nhất của đời anh. Để rồi tình yêu ấy sẽ tạo dựng nên cuộc sống tươi đẹp, sinh sôi nảy nở đầy hứa hẹn đến mai sau:
“Duy chỉ có một điều:
là em sau tám năm xa
Tôi không sao nhìn được rõ
Nên em ơi suốt cuộc đời
Gương mặt em trong tôi trẻ mãi”.
Đọc bài thơ “Chuyện Của Một Người Thương Binh” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, đã cách đây 46 năm rồi thế mà đã gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng từ đó đến nay hàng năm mỗi khi tháng bẩy về tôi lại nhớ, yêu thích và trân trọng, đọc lại và đọc cho bạn bè, bạn thơ nghe, lòng tôi lại dâng trào một tình yêu khôn tả đối với đôi trai gái thời chống Mỹ và chuyện tình của họ đó là chuyện tình của một anh thương binh với người con gái quê nhà. Càng ngưỡng mộ, yêu quý, cảm phục nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết lên một tác phẩm bất hủ về đề tài thương binh liệt sĩ.
2/7/2023
Đinh Trung Hưng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...