Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Lưu Quang Vũ - Để gió và tình yêu thổi mãi

Lưu Quang Vũ - Để gió
và tình yêu thổi mãi

Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một nghệ sĩ tài năng trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, kịch, họa… ông được đánh giá là  nhà viết kịch xuất sắc nhất của nền kịch Việt Nam hiên đại, bên cạnh đó ở lĩnh vực thơ ông cũng có những đóng góp giá trị. Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ giàu cảm xúc mà còn đâm tính triết lý và cũng đầy suy tư, trăn trở về con người, về thời đại.
Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một nghệ sĩ tài năng trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, kịch, họa… ông được đánh giá là  nhà viết kịch xuất sắc nhất của nền kịch Việt Nam hiên đại, bên cạnh đó ở lĩnh vực thơ ông cũng có những đóng góp giá trị. Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ giàu cảm xúc mà còn đâm tính triết lý và cũng đầy suy tư, trăn trở về con người, về thời đại. Với các tập thơ: Hương cây- Bếp lửa(in chung với Bằng Viêt), Mây trắng của đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu, Di cảo… Lưu Quang Vũ đã định hình một phong cách thơ độc đáo của một người cầm bút tài hoa và trách nhiệm với cuộc đời, với Đất nước.
Lưu Quang Vũ thuộc lớp nghệ sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước, ông đến với thơ ca từ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX, với khoảng 20 năm cầm bút ông đã để lại cho đời hàng trăm bài thơ giá trị. Nổi bật trong các sáng tác của ông là cảm hứng về Đất nước, một Đất nước có bề dày văn hóa lịch sử, có truyền thống kiên cường, bất khuất, một Đất nước tươi đẹp ân tình. Tất cả những điều đó được ông cảm nhận. suy tư theo cách của riêng mình với những mái nhà, dòng sông, luống cày, cây cỏ… và thấm đẫm trong đó là tình yêu Đất nước sâu nặng của nhà thơ. Những bài thơ Sông Hồng, Tiếng Việt, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Thức với quê hương… là những sáng tác tiêu biểu. Tình yêu Đất nước của Lưu Quang Vũ trước hết là tình yêu với tiếng Việt, ông nhận diện tiếng Việt từ những quan sát, những suy tư, những tìm tòi từ quá khứ. Lịch sử hình thành ngôn ngữ của một dân tộc gắn liền với sự hình thành của tộc người ấy qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử:
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.
(Tiếng Việt)
Tiếng Việt gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của bao thế hệ, một dân tộc từ trong lam lũ, nhọc nhằn và nhiều lúc khó khăn nhưng vẫn giữ trọn tình yêu với tiếng nói của mình, ngay cả khi Đất nước bị tạm xâm chiếm, cai trị tiếng nói ấy vẫn trường tồn. Thông qua nhiều hình ảnh so sánh, nhà thơ đã làm sáng lên những vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc:
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.
(Tiếng Việt)
Trong cảm nhận của nhà thơ tiếng Việt thuở sơ khai như mảnh đá thô sơ nhưng qua thời gian chuốt mài ngày cảng trở nên óng ánh, đó là thứ tiếng để hòa hợp lòng người, là thứ tiếng để hướng về nguồn cội, là tiếng nói của tình yêu, của những điều đẹp đẽ, nhân văn. Suy ngẫm và trăn trở của Lưu Quang Vũ về tiếng Việt cũng là sự nhắc nhở với những thế hệ mai sau phải giữ gìn tiếng nói cha ông, phải làm phong phú tiếng Việt cũng như trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt từ chính bản thân mỗi người:
Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…
(Tiếng Việt)
Cảm hứng Đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ gắn với những không gian hữu hình như một ngã ba thị xã, một thôn xóm, một cây cầu, một bờ đê, một con suối, một dòng sông… Bài thơ Sông Hồngcủa nhà thơ cũng mang trong đó những cảm nhận cùng những phát hiện mới mẻ, lý thú. Đó là con sông chảy dài từ biên giới Việt Trung đổ ra biển Đông, con sông gắn với một miền châu thổ êm đềm, trù phú, con sông gắn với thăng trầm lịch sử với bao trận chiến hào hùng. Lưu Quang Vũ đã từ những trầm tích dòng sông để tạo dáng hình một con sông Hồng trong thi ca: một con sông chảy qua thời gian/ chảy qua lịch sử/ chảy qua triệu triệu cuộc đời/ chảy qua mỗi trái tim người/ khi êm đềm khi hung dữ/ một con sông rì rầm sóng vỗ/ trong muôn vàn trang thơ/ làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà/ tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt/ một giống nòi sinh tự một dòng sông/ trăm đứa con xuống biển lên rừng.Cảm nhận sông Hòng của Lưu Quang Vũ luôn gắn liền với lịch sử đó là con sông gắn liền với truyền thuyết về thời Hùng Vương và nhà nước Văn Lang, con sông của những trận chiến thắng chống ngoại xâm, con sông gắn với những triều đại trong lịch sử nhưng trên hết đó là con sông của đời thường với những làng mạc, cây cối, triền đê, bè mảng, cánh buồm, ngọn dâu, câu hát và nhất là những bờ bãi phù sa cho cuộc sống con người. Đó là con sông Cái, sông Mẹ của cả vùng châu thổ rộng lớn trên Đất nước này. Bằng sự quan sát từ rất nhiều góc độ, từ những vỉa tầng trầm tích văn hóa Lưu Quang Vũ đã đem đến cho người đọc những tri thức văn hóa về một dòng sông mà ít bài thơ có được. Viết về sông Hồng cũng là viết về Đất nước của những cư dân có màu da mang sắc nước dòng sông rắn rỏi, kiên cường trong lao động và đấu tranh chống ngoại xâm. Cũng từ đó Lưu Quang Vũ đem đến những triết lý về lịch sử về Đất nước:
sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên
nước và đất để nay thành Đất Nước
một con sông dịu dàng như lục bát
một con sông phập phồng muôn bắp thịt
một con sông đỏ rực
nhuộm hồng nâu da người.
(Sông Hồng)
Cuối cùng dòng sông để lại không phải những thù hận, oán hờn mà là những bãi bờ ăm ắp phù sa cho cây trái đơm hoa, mùa màng tươi tốt và trên hết là tâm hồn người Việt đằm thắm yêu thương. Bài thơ lấp lánh vẻ đẹp của một trường ca về dòng sông Đất nước:
sông để lại trước khi về với biển
không phải máu đen độc ác của quân thù
không phải gươm đao ngàn năm chiến trận
không phải nghẹn ngào tiếng nấc
sau sụp lở hưng vong sau thù hận sóng trào
là bãi mới của sông xanh ngát
là đất đai lấn dần ra biển
là tâm hồn đằm thắm phù sa
dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ.
(Sông Hồng)
Cùng chung mạch nguồn cảm hứng về Đất nước, bài thơ Đất nước đàn bầu đã đem đến những cảm nhận và lí giải về quá trình hình thành Đất nước với chiều sâu văn hóa, bề dày của lịch sử. Tiếng đàn bầu cũng là tiếng nói của cha ông, nhân vật trữ tình trong bài thơ là một người cháu đang trò chuyện với bà. Đó là câu chuyện dài lịch sử theo cả thời gian và không gian, đây cũng là một bài thơ dài nhất của Lưu Quang Vũ. Lịch sử Đất nước là những trang buồn khi nàng Mị Châu chết mà vẫn không sao hiểu được Trọng Thủy là kẻ thù, là những tiếng kêu ai oán, xót xa nhưng lịch sử cũng là những chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử lẫy lừng. Đất nước cũng được cảm nhận là một không gian trải dài từ Vân Đồn, kinh Bắc, kẻ Chợ, Tràng An đến cửa Thuận, cửa Hàn, Hà Tiên, Cà Mau… Đất nước trải qua vô vàn đau thương mất mát nhưng luôn biết yêu thương trong nghĩa đồng bào:
Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt
Chữ “thương” liền với chữ “yêu”
Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”
Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ
Phải thương nhau mới sống được trên đời
(Đất nước đàn bầu)
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh những dấu chân, những đoàn quân vô tận cùng hình ảnh người bà chan chứa yêu thương, đó là điểm tựa tinh thần vũng chắc để nhân vật trữ tình hướng tới ngày mai. Đất nước cũng như tiếng đàn bầu chứa trong đó biết bao cung bậc cảm xúc:
Đất phù sa vô tận dấu chân người
Những đoàn quân lại ra đi từ đất
Bà đứng đó miệng trầu cay thơm ngát
Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời
Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười
Đất nước đàn bầu
Đất nước ban mai… 
(Đất nước đàn bầu)
Khi nói về cảm hứngĐất nước trong thơ Lưu Quang Vũ không thể không nhắc đến bài thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.Bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng gió để để găm vào trong đó bao ý tình của nhà thơ. Gió là hiện tượng của tự nhiên tồn tại vĩnh hằng và có mặt khắp mọi nơi cũng như tình yêu của loài người vẫn đang tồn tại từ xa xưa tới mai sau. Đó là ngọn gió thổi suốt dọc dài lịch sử hay đó cũng là tiếng gọi ngàn đời không khuất phục, nhà thơ cảm nhận Đất nước như con thuyền xuyên gió mạnh lướt trên sóng dữ trùng khơi:
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Chưa xóm mạc đã bắt đầu ngọn gió
Thổi không yên suốt dọc dài lịch sử
Qua đất đai và đời sống con người.
Gió gieo tung những hạt giống trên tay
Giọt nước mắt mau khô, tiếng gọi đò vọng mãi
Vầng trán với bể khơi chung gió ấy
Ở nơi đâu cũng tới được chân trời.
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão tìm nhau.
(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)
Lưu Quang Vũ muốn hóa thân thành ngọn gió để hiến dâng cho Đất nước, để được trường tồn với thời gian và Đất nước. Thi nhân đã vĩnh viễn hóa tình yêu Đất nước bằng những câu thơ kết mang đầy sức nặng và làm lay động bao trái tim người đọc:
Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…
Thơ Lưu Quang Vũ phần lớn được viết theo thể thơ tự do, cảm xúc tự nhiên, phóng túng, ngôn từ, hình ảnh mới lạ, có sự kết hợp hài hòa mạch cảm xúc và triết lý. Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng sự nghiệp văn học mà ông để lại vô cùng phong phú và mang giá trị. Ba mươi lăm năm Lưu Quang Vũ rời xa cõi thế nhưng những vần thơ, nhưng vở kịch mà ông để lại vẫn còn làm lay động lòng người, chúng ta khó có thể hình dung diện mạo Văn học Việt Nam giai đoạn sau 1975 nếu thiếu Lưu Quang Vũ. Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn lời nhận định của nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên: “Cảm hứng bi thương về đất nước, nhân dân đã cho Vũ có được những bài thơ hay lay động sâu sắc để lại giá trị lâu dài (…) Mảng thơ này của Vũ biệt ra một cõi, không ai sánh được. Đó là một đỉnh cao của thơ Việt Nam thời chiến và đỉnh đó mang tên Lưu Quang Vũ lẻ loi và chất ngất”.
5/9/2023
Nguyễn Quỳnh Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...