Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Những phát hiện mới về Tự Lực Văn Đoàn

Những phát hiện mới về
Tự Lực Văn Đoàn

Với cách tiếp cận bỏ qua văn chương, đi vào các khía cạnh của văn hoá và tiến tới bàn đến các bình diện giá trị, GS. Martina Thucnhi Nguyen đã phát hiện ra những khao khát của Tự Lực Văn Đoàn.
Tại tọa đàm Tự Lực Văn Đoàn: những cách tiếp cận mới được tổ chức tại Viện Văn học ngày 29.6, GS. Martina Thucnhi Nguyen chia sẻ, trong quá trình làm luận án tiến sĩ cô đã luôn băn khoăn “làm thế nào mà Nhất Linh từ một nhà báo sau này lại trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến”.
Cô cũng nhận thấy rằng các công trình đang chủ yếu tập trung nghiên cứu về văn chương của Tự lực Văn đoàn nên cô thực sự mong muốn tìm hiểu về những khía cạnh khác, muốn biết liệu có thảo luận chính trị trong Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) hay không. Và sau đó, Martina đã phát hiện ra rằng hơn cả một phong trào văn chương, TLVĐ còn là một phong trào chính trị.
Tự Lực Văn Đoàn qua tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam
Nguồn tài liệu chính mà GS. Martina Thucnhi Nguyen dùng để nghiên cứu công trình “On Our Own Strength: The Self-Reliant Literary Group and Cosmopolitan Nationalism in Late Colonial Vietnam” (tạm dịch: Dựa vào sức mạnh của chính chúng ta: Tự Lực Văn Đoàn và chủ nghĩa dân tộc mang tính thế giới ở Việt Nam hậu kì thuộc địa) của mình là hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và qua những cuộc phỏng vấn với những nhân vật là con cháu của những thành viên TLVĐ, cũng như những tờ báo đương thời có liên quan đến vấn đề này.
Mở đầu nghiên cứu, Martina đã miêu tả bức tranh châm biếm có tên Người A Nam mình kinh doanh. Đập vào mắt người xem là chiếc xe chất đầy người, với đồ đạc lỉnh kỉnh làm bánh xe xẹp lốp hiện lên đầy trào phúng với phía trên đầu là dòng chữ “Người A Nam mình kinh doanh” phía dưới là “25 chỗ ngồi nhất định”.
Bức tranh phê phán sâu sắc cảnh sinh hoạt của người dân thuộc địa và ngầm thể hiện dụ ý có hướng cải tạo xã hội. Đây cũng là bức tranh châm biếm đầu tiên xuất hiện trên Phong Hóa – tờ báo có ảnh hưởng lớn trong đời sống đô thị ở Việt Nam thời bấy giờ, đã giúp phát triển tiếng Việt, cách tân thơ ca, tiểu thuyết dẫn đến phong trào Thơ mới và từng bước dấn thân vào việc cải tiến xã hội.
Phong Hóa còn ghi dấu ấn bởi những bức tranh biếm họa phê phán thói tật của xã hội. Đặc biệt là nhân vật Lý Toét, một nhân vật được miêu tả với sự ngốc ngếch, ngờ ngệch, là biểu hiện của một xã hội nông thôn đang tiến sang đô thị, nó đầy những vấp váp, yếu kém và hạn chế.
Tuy nhiên, Lý Toét cũng được tạo ra như một phương tiện để thực hiện việc cải cách xã hội và nhiệm vụ định hướng cho người Việt cách nhìn và cách sống.
Tiếng cười mà Phong Hóa mang đến không phải một hành động đơn giản, không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải trí mà còn hướng tới việc cải tạo xã hội, những tiếng cười này buộc người đọc phải nhìn những hiện tượng khác với cái nhìn đầy hoài nghi, khiến người Việt không còn có thái độ thụ động đối với những hiện tượng chính trị, xã hội nữa mà họ dần phải trở thành những độc giả chủ động hơn.
Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương cho rằng việc TLVĐ hình dung ra các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ hay Bang Bạnh không chỉ là nguồn cơn cho tiếng cười đả kích mà còn hiện lên như là một biểu kiến đời sống của người nông dân Việt Nam, họ nhìn ra cái hạn chế của chính xã hội họ đang muốn vượt qua, đang muốn thay đổi.
“TLVĐ quan tâm đến nhiều vấn đề từ cải cách, đời sống xã hội, đô thị hiện đại đến kiến trúc, thời trang, phụ nữ nhưng họ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống dân quê, bởi họ quan niệm: muốn cải cách xã hội thì phải quay đầu về dân quê, vì dân quê là căn bản của xã hội”, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương cho biết thêm.
Hình tượng Lý Toét không những là biểu tượng cho một nhân vật của xã hội cũ mà còn là một phương tiện để cho những biên tập viên của Phong Hóa tham gia đối thoại với độc giả. Nếu các biên tập viên vẽ theo kiểu miêu tả tâm lý các nhận vật thì độc giả vẽ để chế giễu sự ngờ ngệch của Lý Toét.
Từ những đối thoại giữa TLVĐ và độc giả của họ, theo GS. Martina đã có một cái nhìn thoáng qua về một đời sống xã hội công dân tại Việt Nam trong thời điểm này, đó là những tranh luận về đời sống xã hội khi nó đang hướng đến phát triển theo hướng hiện đại.
Những vai trò khác của Tự Lực Văn Đoàn
Công trình nghiên cứu “On Our Own Strength: The Self-Reliant Literary Group and Cosmopolitan Nationalism in Late Colonial Vietnam” của Martina cho thấy cách nhìn về TLVĐ hoàn toàn khác biệt so với những điều mà chúng ta thường thấy từ trước đến nay.
Nhưng trước hết phải khẳng định TLVĐ là một nhà xuất bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn học Việt Nam, hoạt động xuất bản của họ có liên quan đến văn chương một cách rõ ràng nhất. Họ cũng xem hoạt động văn chương như một hoạt động cần thiết để xây dựng nhà nước Việt Nam hiện đại.
Từ đây có thể thấy, vai trò của TLVĐ đã vượt ra ngoài ranh giới của văn chương và chứng minh họ cũng là một nhóm chính trị xã hội.
Năm 1930 là giai đoạn hình thành nên nhiều giá trị về văn hoá, chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa quốc gia dân tộc và sự ra đời của một thế hệ các trí thức trẻ, những người đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam bấy giờ.
Chủ nghĩa thế giới mà các trí thức trong TLVĐ muốn hướng tới là tham vọng phát triển, mong muốn kiến tạo một chủ nghĩa thế giới trong điều kiện của Việt Nam thuộc địa. Tức là họ muốn hướng tới việc tạo một bản sắc riêng mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cho Việt Nam.
Martina cho rằng, mọi người thường nghĩ chủ nghĩa thế giới và chủ nghĩa quốc gia dân tộc là hai cái đối nghịch nhau, chồng lấn nhau nhưng những thành viên của TLVĐ lại cố gắng giới thiệu những giá trị bên ngoài không chỉ từ phương Tây mà còn từ chính những xã hội thuộc địa vào trong Việt Nam và cố gắng hoàn thiện nó để kiến tạo nên một bản sắc chủ nghĩa quốc gia dân tộc theo kiểu của Việt Nam.
Từ góc độ này chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa TLVĐ với một số phong trào diễn ra trước đó như của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Trong khi các phong trào này cố gắng dịch, đưa những giá trị của phương Tây vào xã hội Việt Nam theo đúng nghĩa đen thì TLVĐ cũng mượn những ý tưởng ấy, nhưng họ nhấn mạnh rằng chúng ta phải xây dựng những giá trị của chúng ta trên nền tảng bản địa, nền văn chương và nền tảng quốc ngữ của chúng ta.
“TLVĐ muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng chúng ta phải tạo ra giá trị quốc gia dân tộc của Việt Nam với tư cách là một giá trị bình đẳng giữa những chủ nghĩa quốc gia dân tộc, giữa các nước ở trong cộng đồng thế giới”, GS. Martina nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Martina qua những tài liệu nghiên cứu tìm được đã chứng minh TLVĐ là một tổ chức tự lực thực thụ, hoàn toàn không có sự tài trợ hay được ủng hộ từ chính quyền thực dân. Họ tự lực, tự cường và còn khao khát sự tự do, hướng đến tự do cho dân tộc.
Việc nhìn nhận TLVĐ như là một nhóm hạt nhân, nhóm trung tâm của đời sống văn chương, chính trị, xã hội Việt Nam trước năm 1945 là một điều rất quan trọng và Martina đã có đóng góp lớn trong việc hình dung về từng hoạt động dân sự trong các vai trò quan trọng này.
14/7/2023
Tùng Lâm
Nguồn: Báo Người Đô Thị
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...