Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Duy Thanh, người họa sĩ cuối đời chỉ... nguệch ngoạc

Duy Thanh, người họa sĩ
cuối đời chỉ... nguệch ngoạc!

Bị thôi thúc bởi ngọn lửa bập bùng náo nức của T., cuối cùng, tôi cũng đã thực hiện được chuyến viếng thăm người họa sĩ nổi tiếng một thời của văn học, nghệ thuật miền nam Việt Nam, 20 năm. Duy Thanh.
Tôi nói “cuối cùng” vì, sinh thời, nhà văn Mai Thảo nhiều lần rủ tôi:
“Hôm nào mình kéo nhau đi thăm thằng Duy Thanh đi. Nó ở gần đây lắm. San Francisco ấy mà…”
Tôi nhớ, luôn luôn sau câu nói nghiêm chỉnh pha chút bùi ngùi nhớ bạn, ông lại bôi xóa ngay giây phút… (yếu đuối?) bất thường của mình, bằng một lượng thuốc bồi khác:
“Nhưng nếu gặp nó mà nó bắt chúng ta đi bộ suốt ngày theo nó thì chắc…chết!”
Chừng sợ tôi hiểu khác, ông pha loãng hay làm “chệch hướng” màn khói khét do thuốc nổ tạo ra, bằng cái nheo mắt giễu cợt (rất Mai Thảo) và, nụ cười móm-mén-hóm-hỉnh:
“Thằng đó được lắm.”
Tuy nhiên, cách gì thì, tác giả “Đêm giã từ Hà Nội” cũng rất chính xác khi nói “…gần đây lắm.”
Khoảng cách từ phi trường John Wayne tới San Francisco, dù đi hãng máy bay nào cũng chỉ mất hơn một tiếng.
Ý niệm “gần đây lắm” của ông, càng chính xác hơn, khi rất thường, chúng tôi có những chuyến bay đi San Jose - - Với nhiều lý do khác nhau. Mà, đôi khi…chẳng có lý do gì, ngoài “sự cố”:
“Tôi buồn quá…Bỏ đây vài ngày đi Lê…”
Bằng xe hơi, đoạn đường từ San Jose đi San Francisco chỉ mất từ bốn tới năm mươi phút. Nhưng những ngày ở San Jose, nắng ráo; những ngày San Jose, mưa dầm; những ngày San Jose, mùa đông, cuối năm lướt thướt, rét, chưa lần nào Mai Thảo nhắc nhở tôi đi thăm người bạn ông hằng muốn gặp!  
Tôi không biết, có phải ông chỉ nghĩ tới chuyện gặp bạn, khi chung quanh ông không có ai? Hay đó là những đêm một mình? Chong đèn. Uống rượu. Lẩn trốn bóng mình bằng cách ngước nhìn bức tranh trên tường, của Duy Thanh. Bức tranh nhỏ, chứa những bệt mầu đỏ bầm. Tươi. Nẫu. Nối kết rồi đứt lìa. Như những mảnh đời chộn rộn, nổi trôi trong giới hạn nghiệt ngã trên nền đen đất / trời vô tận. Bức tranh Duy-Thanh-không-ngày- tháng. Không chữ ký.
Tôi cũng không biết, có phải đó là lúc ông cho rằng, “Thôi, để cho nó yên…” như thói quen thoái thác của ông, ở vài trường hợp khác.
Trong khi tôi từng có với ông chí ít hai lần thăm Ngọc Dũng ở Virginia. Nơi chúng tôi phải trả giá bốn lần bay dài lâu hơn San Francisco.
Bị thôi thúc bởi ngọn lửa bập-bùng-náo-nức của T., cuối cùng, tôi cũng đã thực hiện được chuyến viếng thăm người họa sĩ nổi tiếng một thời của văn học, nghệ thuật miền nam Việt Nam, 20 năm…”
Tôi nói, “cuối cùng” vì lần chót, khoảng hai năm trước khi từ trần, (1) một buổi sáng, rất sớm, tác giả “Ta thấy hình ta những miếu đền” gọi tôi ra nhà hàng Viễn Đông.
“Có thằng Duy Thanh và cả thằng Thái Tuấn nữa. Bên Tây mới qua. Ra ngay nhé.”
 Rồi không hiểu vì lẽ gì, ông hỏi:
“Nhớ Thái Tuấn không?”
Tôi nhớ chứ. Nhớ cuối năm 1973, Tân Định mưa tầm tã, vì đã hẹn trước, tôi lặn lội tìm căn nhà trong hẻm của họa sĩ Thái Tuấn. Hỏi xin ông một bức tranh, làm bìa cho cuốn “Đời mãi ở phương đông.” Kỷ niệm đáng kể đầu tiên tôi có với ông. Đồng thời, nó lại là cuốn sách cuối cùng của tôi được in tại quê nhà.
Tôi nhớ, khi chúng tôi ra tới, “ba ông thần,” (cách nói của T.) đã ngồi sẵn.
Lần đầu tiên T. gặp hai họa sĩ mà tên tuổi họ gắn liền với tạp chí Sáng Tạo. Nhưng Mai Thảo không giới thiệu. Ông mặc nhiên coi như T. đã biết. Ông chỉ giới thiệu với họ, T. là ai.
Với nụ cười móm-mém-hóm-hỉnh, suốt buổi ăn sáng, tác giả “Căn nhà vùng nước mặn” thỉnh thoảng lại đùa nghịch, liệt kê “thành tích” hai bạn mình. Ông chỉ Duy Thanh, húi cua, vạm vỡ, bảo T.:
“Cô phải nhớ thằng này là…vô địch đi bộ ở San Francisco đấy. Nó leo đồi, xuống dốc cả trăm bận mỗi ngày…Mỹ già, Mỹ trẻ gì cũng đều ngán nó hết…”
Dù đã quen với cách nói “thậm xưng” của Mai Thảo, mỗi khi ông cao hứng, bày tỏ lòng yêu bạn, nhưng chẳng vì thế mà chúng tôi có thể nín cười. Ngay Thái Tuấn, bản chất vốn khoan thai, từ tốn, cũng không khỏi bật cười thành tiếng.
Trong khi chúng tôi cười ngặt nghẽo thì, Duy Thanh vẫn “trụ” vững. Như một pho tượng. Một khối đá. Ông có cười. Nhưng đó là nụ cười lơ mơ (nhiều phần lơ ngơ!) Như dợn sóng lăn tăn của một mặt nước gió dùa.
Cũng khởi tự lòng yêu bạn, khi quay sang Thái Tuấn lòng khòng, giấy mỏng, Mai Thảo dặn dò chúng tôi, có nói chuyện với “ông Tây” này, thì phải nhớ nói cho lớn:
“Nó điếc lặc, điếc lè. Nhưng nói nhiều lắm đấy!”
Vẫn nụ cười lơ mơ (nhiều phần lơ ngơ,) Duy Thanh nhìn bạn. Thân ái. Im lặng.
Ra khỏi cuộc gặp gỡ, T. bảo tôi, T. có cảm tưởng:
“Anh Duy Thanh không vẽ bằng cọ mà, bằng một thanh củi tạ hoặc một cái…xẻng!” 
Ba ngày sau, gặp lại nhau nơi căn phòng trong khu nhà dành cho người già, phía trong nhà hàng Song Long, đường Bolsa, T. rụt rè hỏi xin tác giả “Bản chúc thư trên đỉnh ngọn trời” bức tranh Duy Thanh, trên tường. Bức tranh nhỏ, chứa những bệt mầu đỏ bầm. Tươi. Nẫu. Nối kết rồi đứt lìa. Như những mảnh đời trộn rộn, nổi trôi trong giới hạn nghiệt ngã trên nền đen đất / trời vô tận. Bức tranh Duy-Thanh-không-ngày- tháng. Không chữ ký.
Mai Thảo bảo:
“Lấy đi!”
Rồi buồn bã tiếp:
“Chúng nó đi rồi!”
Một ngày khác, gặp lại tôi, bất ngờ, ông nhắc:
“Hôm nào mình đi thăm Duy Thanh đi! Thằng đó được lắm…!”
 Lần ấy, hẹn hò về chuyến đi tới một nơi “gần đây lắm” của ông, cũng không thành.
Tôi không biết có phải vì những đêm thức trắng, tác giả “Ngọn hải đăng mù” không còn bức tranh gồm những bệt mầu đỏ bầm. Tươi. Nẫu…của bạn, để ngước nhìn? Hay ông đã có cho mình một ngước nhìn khác. Thí dụ: Hư vô, để lẩn trốn?
Tôi e, có thể đó là thời gian ông tự thổi tắt ngọn nến hẹn hò với một nơi “gần đây lắm!” Khi bản thân, cay đắng nhận ra, ông đã phải thuận cho T. dìu ông vào quán. Xốc nách ông đứng lên đôi lần, khi thình lình, ông té bổ chửng trên bậc thềm gần cửa phòng, những buổi tối chúng tôi đưa ông trở về nhập nhoạng giữa mê/ tỉnh.
Đó cũng là lúc những nụ cười móm-mén-hóm-hỉnh về “thằng đó được lắm!” của ông biến mất lúc nào, không ai biết!
Tôi muốn nói, đấy là những chỉ dấu cho thấy tác giả “Chuyến tầu trên sông Hồng” quy thuận lẽ vô thường! Trước khi “chuyến tầu” bị coi là ngạo mạn, trôi lần vào những vùi dập thác, ghềnh bệnh hoạn, qua những đợt vào/ ra bệnh viện. Chóng mặt. 
Trí nhớ bén, sắc của ông về bằng hữu, thi ca, thời gian, nơi chốn…cũng âm thầm chia tay ông. Không ít những người từng có thời gian dài gần cận với ông trong những năm, tháng quê người, tìm thăm ông; khi được hỏi có nhận ra ai? Ông im lặng. Nhìn trân trối, trước khi lắc đầu. Quay mặt chỗ khác.
Nhưng với những tình thân hữu cơ, đặc biệt, ông không chỉ nhận ra. Nhớ tên. Mà, còn biết nhờ cô cháu gái gọi điện thoại cho mấy người đó, vào những giờ cuối cùng đời ông.
Tôi tin trong số những hình ảnh, tên tuổi, kỷ niệm mà, ngọn lửa hư vô không thể thiêu sạch trong hồn, phách tác giả “Tháng giêng cỏ non” có Duy Thanh.
Có “Thằng đó được lắm.”
“Thằng đó,” người họa sĩ duy nhất (trong số ba họa sĩ gắn bó với tạp chí Sáng Tạo) khiến ông từng viết xuống: Duy Thanh, “Những ngón tay bắt được của trời.”
Bị thôi thúc bởi ngọn lửa bập-bùng-náo- nức của T., cuối cùng, tôi cũng đã thực hiện được chuyến viếng thăm người họa sĩ có “những ngón tay bắt được của trời.” Người họa sĩ đã lâu, thôi vẽ! Ông chỉ còn nguệch ngoạc.
Chú thích:
(1): Nhà văn Mai Thảo mất ngày 10 tháng 1 năm 1998, tại Orange County, California.
23/1/2011
Du Tử Lê
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùa ngãi ở San Jose

Bùa ngãi ở San Jose Khi tôi đến bấm chuông ở ngôi nhà số 2924 Garden Avẹ, San Jose, CA 95111 vào lúc 03:00 giờ chiều ngày 26-11-2002 thì m...