Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Đọc "Món quà tết ở sông Vệ" của Huỳnh Như Phương

Đọc "Món quà tết ở sông Vệ"
của Huỳnh Như Phương

Tản văn Món quà Tết ở Sông Vệ của nhà văn - nhà giáo Huỳnh Như Phương đưa độc giả về một phần tuổi thơ của anh ở quê nhà.
Tuổi thơ của tác giả trong bài là khi anh là học sinh lớp Một, Hai, Ba (ngày xưa gọi là lớp Năm, Tư và Ba) mà chủ yếu là lớp Tư bậc tiểu học năm xưa. Quê nhà của anh là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Thoạt kỳ thủy, câu chuyện như ‘lý giải’ của tác giả về một ‘quy luật về ký ức’ của chúng ta khi anh cho rằng: “Quy luật của ký ức cho thấy người tuổi càng cao thì càng mau quên những chuyện gần mà lại nhớ lâu về quá khứ xa xăm. Chẳng hạn, khi quay về tuổi học sinh, trí nhớ ta dễ gợi lại kỷ niệm thời tiểu học hơn là trung học, có lẽ vì những ảnh tượng thiếu thời đã khắc sâu vào ký ức và được “gia cố” kỹ hơn.” Thế nên, càng đọc bài, người đọc càng nhận ra những gì tác giả đã “khắc sâu vào ký ức” và “gia cố” khi viết bài trên nền tảng ký ức “hợp quy luật” của anh.
Trong ký ức của tác giả, những cái tên và chắc cũng là những hình ảnh của những thầy cô anh đã học từ thời thơ ấu đã hiện lên như Phạm Văn Ngữ, Nguyễn Đồng, Võ Hữu Phụ, Minh Nguyệt… là những hình ảnh sẽ không bao giờ anh có thể quên.
Cũng trong ký ức của tác giả, hình ảnh ngôi trường tiểu học Đức Vinh mà anh học lúc tuổi thơ đã được anh khắc họa, tuy chỉ vài nét chấm phá thôi vẫn khiến người đọc mường tượng được nét đẹp của nó.
Tuy nhiên, nếu như tôi không nhầm, như tên của bài viết, Món quà Tết ở Sông Vệ, mà trọng tâm là kỷ niệm không thể nào quên trong lòng tác giả vì được vị thầy có cái tên khá “độc đáo”: Lương Bá Bá, tặng cho cuốn sách là danh tác Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn chuyên viết truyện dành cho thiếu nhi nổi tiếng Tô Hoài ngày trước với lòng yêu mến, kính trọng. Và sau đó, trong anh, là sự pha lẫn sự “sợ sệt” vị thầy dạy lớp Tư của mình vì đã không vâng lời thầy khi không tặng lại cuốn sách quý hiếm thời ấy mà anh yêu thích cho bạn cùng lớp khác đọc trong buổi lễ tất niên của lớp vì mới chỉ đọc mỗi một lần. Điều này, anh đã ‘sửa chữa’ khi lên lớp Ba khi anh góp cuốn sách vào tủ sách chung của lớp.
Những gì Huỳnh Như Phương thể hiện trong bài, nhất là những “trạng thái tâm lý” của tác giả đối với vị thầy đáng kính của mình là hiện thực, là “hoàn toàn đúng” với tâm lý chung của học sinh chúng tôi những thập niên 50, 60, 70… của thế kỷ trước, tức đúng với khẩu ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Qua bút pháp và văn tứ nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng chân thực của anh, người đọc sẽ dễ dàng bị chinh phục bởi những gì anh viết, thể hiện, biểu cảm và ẩn chứa.
Đọc Món quà Tết ở Sông Vệ, những ai đọc văn Huỳnh Như Phương sẽ cảm được, qua ngòi bút và hơi thở của mình, rằng tác giả đã bộc lộ, tuy nhẹ nhàng thôi, ân tình anh dành cho quê hương, bà mẹ và nhất là vị thầy yêu quý của mình.
Tuy rải rác nhưng xuyên suốt bài viết, hình ảnh quê hương Mộ Đức của tác giả ẩn hiện như một background, thể hiện tình yêu quê hương thiết tha của tác giả, trong đó, hình ảnh bà mẹ và những thầy cô thời “quá khứ xa xăm” của anh đã chiếm những vị trí rất đặc biệt.
Và, thực ra, cái “quy luật của ký ức” mà anh đã đề cập một cách hữu lý ngay từ đầu bài, tuy có thể chưa chắc đúng với mọi người khi, trong thực tế, rất nhiều người khi càng có tuổi thì ký ức về những chuyện ‘xa xăm’ của người ta càng trở nên “xa vắng”, sẽ không thể nào khiến cho một tác giả có thể kể lại một câu chuyện một cách rõ ràng, rành mạch và duyên dáng nữa, về ngôi trường tiểu học và những thầy cô đã dạy mình cách nay nhiều thập kỷ, nếu như trong anh không có thần thái của một người học trò nghĩa lý năm xưa…
5/6/2023
Trần Danh Thùy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đỉnh cao chói lọi 5XXXX

Đỉnh cao chói lọi 5 NGƯỜI ANH EM (4) Nói rồi ông nhanh nhảu ra lệnh cho trợ lý. Anh này lục tìm cuốn danh bạ đơn vị, hí hoáy tẩy chữ Nôn...