Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín

Từ giờ thứ sáu
đến giờ thứ chín

Nhân đọc Tiểu thuyết của Nguyễn Một. Nxb HNV 2023
Nếu bạn hỏi tôi tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một thế nào, tôi trả lời bạn rằng, đó là một tiểu thuyết hay và mới lạ trong cách viết so với tiểu thuyết Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời của Nguyễn Một trước đó.
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín được viết công phu, tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và say mê; một truyện hiện thực nhưng giàu tính tư tưởng; một tiểu thuyết “Hiện thực nhân văn dân chủ” rất mới về hiện thực miền Nam trước và sau 1975.
Chuyện của những người trẻ miền Nam trước và sau 1975
Trần Viết Sơn là con ông Trần Văn Điền (tên gọi là Ruộng). Ông Ruộng có 5 con: thằng Hai, thằng Bốn nhảy núi, thằng Ba, thằng Năm theo Cộng Hòa. Sơn là con út. Sơn từ Quảng Nam vào Thủ Biên trọ học Trung học Đệ nhị cấp (cấp 3).
Anh ở tại nhà của ông Trần Văn Duy (Tư Duy). Ông Duy là bạn ông Điền. Ông Duy có các con: Thiếu úy Trần Văn Tâm, Diễm và Trần Việt Hòa Bình được ông Duy cho đi Mỹ.
Các người bạn của Sơn là Diễm, Trang, Hoàng thi sĩ, Hùng Hippy.
Thành, bạn của Tâm, là Thiếu úy phi công, con ông Trần Xuân Danh, người kinh doanh thuốc tây và kẽm gai, một “tư sản mại bản”. Thành theo đuổi Diễm và chọn Diễm làm vợ vì cùng tôn giáo và có đủ mọi phẩm chất tốt đẹp như lời cha Thành dặn.
Sơn rớt Tú Tài, ông Ruộng bắt Sơn phải trốn lính, không theo bên này cũng không bên kia. Ở nhà Diễm 3 năm, Sơn yêu Diễm và Diễm cũng yêu Sơn.
Trang là bạn Diễm, cô yêu Tâm. Nhưng trong một thời gian ngắn, Trang phải chịu 3 cái tang: Tâm chết trận, cha mẹ Trang ở vùng oanh kích tự do trúng bom chết. Trang đau khổ và tuyệt vọng. Trở thành gái nhảy tại quán bar Thiên Thai, Trang chìm ngập trong rượu, ma túy. Cô cặp với nhiều người. Trang sống với Giôn Bay (phi công Mỹ) và sinh cho Giôn một đứa con trai (tên là Trần Văn Mỹ). Sau đó Giôn mất tích. Trang gửi đứa bé cho sơ Thục Hạnh dòng Mến Thánh giá để trở lại bar.
Hùng Hippy là con ông Tư cụt, ăn chơi, quậy phá, sau trở thành đặc công, cùng với Phong giết nhiều phi công ở quán bar.
Theo kế hoạch của ông Tư Duy, chú Lý đưa Sơn lên Tây Ninh trốn lính. Sơn đến Thánh thất Trường Lưu cùng với Ba Em. Nghe thư của Đức Chánh Phối sư Thượng Tương Thành, Sơn biết mình không thể nhập đạo Cao Đài, anh cũng không thể theo Ban Đạo Tỳ làm công quả vào rừng nhặt thi thể những người lính cả hai bên. Trên đường vào rẫy trốn, Sơn và Ba Em bị nữ du kích bắt. Sau hai tháng được huấn luyện ở trong rừng, Sơn và Ba Em bỏ trốn. Anh lạc vào sóc Bưng Sê của người S’Tiêng, và được Già làng Điểu Hạp dẫn đường về.
Về Thủ Biên, Sơn nằm trên gác quán Bà Mười. Ba người anh của Sơn chết trận. Ông Ruộng gửi tiền tuất (tiền tử sĩ) của hai người con là lính Cộng hòa nhờ ông Duy chạy giấy hoãn dịch cho Sơn. Có giấy hoãn dịch, Sơn về Sài gòn ở nhà trọ của Hoàng thi sĩ. Tại đây, Sơn và Hoàng bị cảnh sát bắt giam vì Hoàng tổ chức biểu tình, còn Sơn sử dụng thẻ sinh viên giả.
Sau 30/4/1975. Gia đình Diễm cùng với ông Danh vượt biên. Tàu lạc vào một đảo hoang. Sau 3 tháng, họ được một tàu của quân Giải phóng cứu đưa vào đất liền. Nhà của của ông Tư Duy và ông Danh đều đã bị trưng thu. Ông Duy đi cải tạo (vì là hàm Thiếu tá). Ông Danh nhờ có tiếp tế thuốc tây cho du kích nên được đưa đi kinh tế mới. Ông về khu vườn rẫy ở Long Khánh. Thành, con ông đã bay đi nước ngoài trước đó.
Sơn và Hoàng được thả tự do vì có “thành tích” biểu tình chống chính quyền Sài gòn. Hoàng học Cao đẳng Sư phạm rồi đi dạy Trung học cơ sở. Anh vui với cuộc sống mới.
Sơn được anh Hai (cán bộ) xin cho đi học Liên xô.
Mẹ con Diễm và ông Danh lại vượt biên. Chuyến đi do Hùng Hippy tổ chức. Sau Giải phóng, Hùng làm trong đội hình sự tỉnh. Hùng đưa Sơn đi gặp Diễm lần cuối. Họ chia tay tình yêu.
Sau khi chia tay Diễm, theo kế họach của anh Hai, Sơn về lấy Tươi, con ông Cư (một người bác họ làm cán bộ trung ương). Anh Hai dặn Sơn phải có con để nối dõi tông đường. Nhưng Sơn không có con và Tươi đã li dị anh. Cô lấy chồng khác và có hai con.
Sang Mỹ, Diễm lấy Thành và có hai con.
Tâm không chết, anh bị thương và được cứu chữa. Tâm trở thành tù binh chiến tranh, và đưa ra Bắc vì tội cứng đầu. Nhờ Quyên (cô du kích được anh cứu) làm hồ sơ, Tâm được trả tự do. Quyên đưa Tâm từ Bắc về Thủ Biên. Trở về nhà, Tâm biết tin cha (ông Tư Duy) còn đang cải tạo, Diễm đã sang Mỹ và kết hôn với Thành, mẹ làm vườn và bán cafe trên đất vườn của ông Danh.
Tâm tìm Trang. Hai người cảm thông và bao dung lẫn nhau. Họ làm đám cưới trong một nhà thờ xứ đạo nhỏ ở Long Khánh. Con của Trang là Trần Văn Mỹ (sinh năm 1974) không đi Mỹ theo diện con lai. Sau khi học xong cấp 3, Mỹ đã vào Đại Chủng viện thánh Giuse.
Sơn đi học Liên Xô, về nước. Từ một chuyên viên, Sơn lên làm Vụ trưởng một bộ lớn. Sau khi ông Cư về hưu, Trưởng ban Bảo vệ chính trị mời Sơn lên đặt vấn đề lý lịch. Anh khai hết, sau đó xin từ chức và thôi việc.
Hai mươi năm sau ngày chia tay Diễm, Sơn về thăm quê và thăm lại Thủ Biên. Trước đây gia đình Diễm và gia đình ông Danh về Việt Nam. Diễm nhờ bà Mười chuyển thư tận tay cho Sơn. Cô nói rõ tình yêu với Thành và báo cho Sơn biết đứa con đầu của cô (Trần Viết Đông A) là con của Sơn. Nếu Sơn muốn nhận con thì Thành và Diễm không từ chối, nhưng chờ khi con trưởng thành. Đọc thư của Diễm, Sơn chỉ thấy đau. Sơn xin lỗi Diễm và Thành. Sơn cũng cám ơn Thành.
Tiếng chuông nhà thờ cổ vang lên, Sơn nhớ buổi lễ năm xưa anh đứng sau lưng Diễm nghe cha xứ đọc: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chin. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa”.
 Hồi quang hoàng hôn lóe sáng bên bãi bồi. Lần đầu tiên trong đời, Sơn nhận ra màu chiều huyền hoặc của dòng sông”.
Đoạn kết này là một ẩn dụ về quãng thời gian đã qua của cuộc đời Sơn. Đó là giai đọan “tối tăm bao trùm cả mặt đất…Mặt trời trở nên u ám”. Cuộc đời Sơn đã bị “xé ra” làm nhiều mảnh. Sơn nói với anh Hai: “Đời em có tính được cái gì đâu! Hồi chiến tranh trốn lính thì cha tính, hòa bình về đươc đi học thì anh Hai tính, chỉ có mỗi chuyện tình yêu thì cũng chẳng đâu vào đâu” (tr.286).
Chiến tranh trong mắt người dân miền Nam
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín viết về chiến tranh ở miền Nam dưới cái nhìn của người dân quê. Người dân chỉ tin vào những gì mình tận mắt chứng kiến, họ không tin vào chính trị. Và vì thế, rất khác với cái nhìn của bên này hoặc bên kia trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh trước đây. Sự khác biệt là ở chỗ, nhà văn không lý giải nguyên nhân chiến tranh, không rao truyền “lý tưởng” chiến đấu, ngòi bút tác giả không nghiêng về bên này hay bên kia. Không miêu tả sự thù địch. Chiến tranh là một thực tại khốc liệt và bi đát mà người dân bị cuốn vào, phải chấp nhận. Tất nhiên ngày nay, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, Nguyễn Một đã viết về chiến tranh dưới ánh sáng tư tưởng “hòa hợp hòa giải dân tộc”.
Gia đình ông Trần Văn Điền có 5 con, 2 con đi lính Cộng Hòa, hai con là Việt Cộng. Ông nhất quyết bắt Sơn trốn lính, không theo bên nào. Sơn thấy “Toàn anh em trong xóm cả, có hôm đám giỗ của dòng họ thấy có cả lính hai bên cùng về, ăn xong đường ai nấy đi, kẻ vào rừng, người trở lại đơn vị”(tr.55).
Chú Lý nói với Sơn: “-Chiến tranh mà! Bên này bên kia bắn giết nhau thành chuyện thường ngày rồi, chỉ tội nghiệp cho phụ nữ”(tr.90).
Người dân miền Nam chán ghét chiên tranh bởi chiến tranh là phi lý, chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc vô nghĩa.
Một thương phế binh nói: “Mẹ kiếp! Ai thắng cũng được, miễn chiến tranh kết thúc là được rồi! Chết chóc thương tật khiếp quá!” (tr.25).
Khi đến Tây Ninh trốn lính, Sơn chứng kiến chiến tranh. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đánh nhau với cả sư đoàn quân chính quy Bắc Việt, quần nát vùng Trảng Bàng đến núi Bà Đen. “Lính và dân chết nhiều vô kể” (tr.149).
Tác phẩm tô đậm nhiều cái chết trong chiến tranh.
Nguyễn Một dành ba chương (chương 5, 10 và 13) nói về cái chết của ông Xí, bạn ông Điền. “Một viên đạn vu vơ không biết từ đâu, đã xuyên thẳng từ phia sau ót trổ ra trước. Ông gục xuống và con Xe (con trâu) cứ thế lôi ông đi. Những đường cày bầm bởi máu của ông đỏ rực như ráng mây ngang đỉnh Hòn Đền. Ông Ruộng tháo cày và vắt ngang thi hài của bạn mình trên lưng trâu đưa về làng” (tr.138).
Suy nghĩ về cái chết của ông Xí, một người nông dân hiền lành chân chất ở quê, Sơn thực sự tin lời cha mình “chiến tranh là phi nhân”. Sơn quyết tâm: “Không cầm súng, nhất định không cầm súng dù bất cứ ở phe nào, nhất định thế!” (tr.117).
Tâm chết trận (chương 11), gây bao đau khổ cho Trang và gia đình Diễm.
Cha mẹ Trang trúng bom chết ở vùng oanh kích tự do, trong nháy mắt Trang phải chịu 3 cái tang (cha, me và Tâm là người yêu), khiến cô gục ngã.
Hương (người yêu đầu tiên của Sơn ở quê) bị đạn lạc xuyên vào qua ngực, tay còn cầm chùm trái dủ dẻ (tr.200).
Bốn người anh của Sơn đều chết vì chiến tranh: Trung sĩ Trần Viết Trì, Hạ sĩ Trần Viết Thủy (lính Cộng Hòa), liệt sĩ Trần Viết Giang. Riêng anh Hai sống sót sau 1975, nhưng rồi cũng chết vì chất độc da cam.
Hùng Hippy thẩy lựu đạn giết 4 lính phi công (tr.140) sau đó giết Ngô Thăng và tài xế (tr.174).
Thằng Đó con ông Xí chỉ điểm khiến con bà tư Mía bị bắn chết.
Thằng Bồng, thằng Bộng bạn của Sơn lúc nhỏ, một đứa chết vì cưa bom, một đứa chết trong trận đánh Tàu (tr. 278).
Chồng Út Thương, chủ quán cơm, là Việt Cộng bị tòa án binh kết án tử hình.
“Sơn nghĩ về những cái chết khác nhau của những người chung quanh mình, đủ thành phần, đủ lứa tuổi, mỗi người một kiểu chết trớ trêu, mỗi người một cách chết tức tưởi. Bác Nguyễn Xí, anh Hai Tâm, cha mẹ Trang…Chiến tranh là như vậy sao?” (tr 132). Sơn nói với Diễm về cái chết của Hương: “Khộng chỉ quê hương anh thôi mà mọi miền trên đất nước này nhiều người đã chết như vậy” (tr.201).
Vì chiến tranh là chết chóc, là phi nhân, nên người miền Nam mong chiến tranh mau kết thúc để không ai còn phải chết. Thượng sỹ Lê Lý nói với thương binh Ngô Hai: “Cái đất nước mình chỗ mô cũng đánh nhau, thời mô cũng có đánh nhau, mệt thiệt là mệt!”(tr.117). Và họ tin quân Bắc Việt sẽ thắng. Vì “Quân chính quy Bắc Việt tràn ngập trong các cánh rừng cao su” (tr.104); “Không khí chán ghét chiến tranh tràn ngập cả miền Nam thì còn đánh đấm nỗi gì” (tr.228). Ông Tám Giới giải thích với  ông Ruộng khi nói miền Nam sắp được giải phóng: “-Giải phóng là quân miền Bắc đánh thắng quân miền Nam và hai miền thống nhất một chính quyền”. Ông Ruộng nói: “Trông ngày đó mau đến cho đỡ chết chóc” (tr 212).
Để làm nổi bật sự tàn khốc của chiến tranh, Nguyễn Một nhiều lần miêu tả quê hương thành bình, đẹp đẽ trong ước mơ của Sơn. Mở đầu chương 22 là hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng rực. Vụ hẻ thu vùng đất Quảng Nam năm nay trúng lớn. Người dân gặt lúa, đập lúa, có trẻ con phụ việc. Chúng đi săn cá tràu. Bọn con gái đi bắt châu chấu đốt rạ nướng thơm phức, những thúng lúa…(tr.211). Nhưng nửa đêm ấy có tiếng súng nổ, kéo dài đến mờ sáng hôm sau. Trâu chết, heo chết, người già chết, trẻ em chết, lính chết, trong đó có 3 con ông Ruộng: Trần Viết Trì, Trần Viết Giang, Trần Viết Thủy. “Họ chết trong tư thế chĩa súng vào nhau”. Bà Kha Ly, mẹ Sơn, ngất lên ngất xuống…(tr.217)
Những cảnh tương phản như thế khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh mà người dân phải chịu, đồng thời nói lên khát vọng hòa bình của người dân như thế nào.
“Hiện thực Nhân văn Dân chủ”
Nghị quyết Trung ương 5 (16/7/1998) đề ra nhiệm vụ: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”.
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là tiểu thuyết giàu chất “Hiện thực nhân văn dân chủ”. Điều này khác với tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa giai đoạn trước.
Phẩm chất hiện thực của Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là chất Ký. Hầu hết địa danh, sự việc, nhân vật trong tác phẩm là người thật, địa danh thật, sự kiện thật. Đôi chỗ được mã hóa nghệ thuật. Tiểu thuyết hóa chất liệu “người thật việc thật” là điều khó, nó đòi hỏi tác giả rất nhiều công phu ra cứu. Tác giả phải chịu trách nhiệm pháp lý khi nói về một cá nhân công dân. Việc đưa người thật việc thật vào tiểu thuyết không mới đối với tiểu thuyết thế giới, song ở Việt Nam vẫn có sự đắn đo nhất định. Tuy nhiên, chất liệu “người thật việc thật” bảo đảm cho “tình chân thật hiện thực” được miêu tả trong tác phẩm, nó đem lại bầu khí văn hóa đương đại và dẫn người đọc vào môi trường sống của chính mình, gần gũi. Những ai đã sống ở miền Nam những ngày tháng cũ đều có cảm thức này.
Đây là chất liệu “người thật việc thật” trong tác phẩm:
Nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ (tr.29); thơ Quang Dũng (tr.153), Nhạc sĩ Phạm Duy (tr.33); thơ Nguyễn Tất Nhiên (tr.18&106). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (tr.22). Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (tr.128), thơ Lê Anh Xuân (tr.187). Thơ Nguyên Sa, Du Tử Lê. Ca sĩ Duy Khánh (tr.25). Cải lương Thanh Minh Thanh Nga (tr.26). Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo (tr. 244).
Nhà tư tưởng Phạm Công Thiện, GS Lê Thành Trị (tr.14), Krishnamurti (tr209).
Các nhân vật chính trị: Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu (tr.40). Bảo Đại, Ngô Đình Diệm (tr.203)
Nhân vật tôn giáo: Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, Đức Chánh Phối sư Thượng Tương Thành (tr.149). Lm Phạm Ngọc Chi, Lm Lê Hữu Từ (tr.203), Công giáo Phát Diệm (tr.205). Đại chủng viện Xuân Bích Liễu Giai Hà Nội (tr.206).
Sự kiện: Đoàn quân của vua Lê Thánh Tông (tr.214); Di cư 1954 (tr.204); đấu tố cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1957 (tr.207-208). Tháng 9/1975, đánh Tư sản mại bàn, Kinh tế mới (tr.266). Ngày 21/4/1975 giải phóng Xuân Lộc (tr.265).
Các đơn vị quân sự: Năm 1954, quân Việt Minh tấn công đồn Bồ Bồ ở bên Điện Bàn (tr.196); Điện Biên Phủ (tr.196). Khu rừng Tà Nốt quanh căn cứ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (tr.184); Trung đoàn Bộ binh Đông Nam Bộ của Quân Giải phóng (tr.183); Căn cứ quân Giải phóng ở Trảng Bàng, Gò Dầu. Sư đoàn 25 và sư đoàn 18 bộ binh, Thiết đoàn kỵ binh bay số 3 (tr.185).
Các địa danh Sài gòn, Hà nội, Biên Hòa, Tây Ninh và Quảng Nam: Làng bưởi, nhà thờ Cù Lao, Cầu Gành (tr.70), núi Chứa Chan (tr.94); Long Khánh (tr.103); Xuân Lộc (tr.245); Bình Châu (tr.298); Vũng Tàu; Phan Thiết; Quảng Ngãi, Tam Quan, Bồng Sơn, Diêu Trì (tr.89); Đà Nẵng (tr.88); đập Thạch Bàn, núi Chúa (tr. 94); tháp Chàm Mỹ Sơn (tr.94). Sông Giao Thủy, Kiểm Lâm (tr.251)…
Sơn đọc Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam, Giải khan sô cho Huế của Nhã ca (tr.232).
Mã hóa nghệ thuật: Thủ Biên, Vụ án Mười Mây (là Mười Vân ở Đồng Nai. tr.300). Hố Cạn (là Hố Nai. tr.205)…
Nhìn vào các địa danh, sự kiện, con người thật ở trên, người đọc sẽ nhận ra không gian, thời gian của tác phẩm được mở ra rất rộng. Tuy câu chuyện của của Sơn và các bạn chỉ tập trung vào vài năm trước và sau Giải phóng (có lẽ là từ 1972 đến 1980), nhưng các mối liên hệ được mở rộng từ thời 9 năm chống Pháp (tr.53), rồi hiệp định Genève 1954, thời Ấp Chiến lược (1960) cho đến những năm 2000, khi Sơn thôi việc ở tuổi 45 (tr.319). Tác phẩm đã chạm đến những vấn đề lớn của thời đại trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Có thể nhận rõ điều này, trong tâm thức tác giả cũng như của người Việt hôm nay, nhiều vấn đề lịch sử vẫn còn gây nhức nhối lương tâm: di cư 1954 (tr.204); đấu tố cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1957 (tr.207-208). Tháng 9/1975, đánh Tư sản mại bản ở miền Nam, đổi tiền, đưa dân thành phố đi Kinh tế mới (tr.266), xây dựng Hợp tác xã làm cho quê hương đói nghèo (tr.278); hàng triệu người vượt biên và không biết bao nhiêu người đã chết trên biển, việc những người làm việc cho chế độ Sài gòn phải đi cải tạo quá lâu…
Tuy tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín chỉ nhắc lại những sự kiện lịch sử ấy, nhưng âm hưởng của nó vẫn bao trùm lịch sử hiện đại Việt Nam. Vì thế chất hiện thực của tác phẩm có sức bao quát rộng hơn những gì nội dung tiểu thuyết kể chuyện các nhân vật.
Tư tưởng nhân văn là giá trị đặc biệt của tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chin. Có sự kết hợp tư tưởng nhân văn của dân tộc (“người ta là hoa đất”; “thương người như thể thương thân”) với tư tưởng nhân văn Kitô giáo: con người là tạo vật tốt đẹp được Thiên Chúa dựng nên (Stk 1, 27), con người mang bản thể của Thiên Chúa (Ga 15, 1-8). Tư tưởng nhân văn của tác phẩm thể hiện ở nhiều yếu tố.
Nhân vật Hương sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát (mẹ bị Tây hiếp) nhưng Hương là một tình yêu đẹp, một cái chết đẹp: “Hương bị đạn lạc xuyên vào qua ngực, tay nó còn cầm chùm trái dủ dẻ”(tr.200). Ông Ruộng nói thằng Hai: “Ngụy cũng là người Việt cùng máu mủ…, hai thằng em mày cũng ngụy đó” (tr.284). Chuyện cảm động là Tâm đã cứu cô du kích bị thương (tr.74) trong một trận chiến, và không ngờ sau này, chính cô du kích ấy lại lại làm thủ tục trả tự do cho Tâm và đưa Tâm từ Bắc về Thủ Biên (tr. 305).
Nhưng cuộc tình của Tâm và Trang mới tỏa sáng tư tưởng nhân văn. Sau khi Tâm chết và liền sau cái chết của cha mẹ, Trang sụp đổ hoàn toàn. Rượu, ma túy, vũ trường trở thành niềm quên lãng của Trang. Trang cặp với rất nhiều người, cả với phi công Mỹ Giôn Bay và có con với Bay. Khi gặp lại Trang, nghe Trang kể lại tất cả cuộc đời trầm luân của cô, Tâm vẫn một mục yêu trang cảm thông và bỏ qua quá khứ của Trang. Cả hai làm đám cưới và cùng chăm sóc đứa con của Trang là Trần Văn Mỹ. Cả hai nhất định không bán đứa con lai cho những người muốn đi Mỹ theo diện con lai. Cậu bé ấy lớn lên với sơ Thục Hạnh, và sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã vào chủng viện thánh Giuse. Từ đau khổ, tội lỗi, trầm luân, đã nở hoa thánh thiện. Đấy là tư tưởng nhân văn Ki tô giáo (Tội nhiều, được tha nhiều, nên yêu mến nhiều (Lc 7, 36-50).
Tư tưởng nhân văn cũng nằm trong chủ đề của tác phẩm là sự chán ghét chiến tranh. Bởi “Chiến tranh là phi nhân” (tr.117). Chiến tranh là chết chóc: “Lính và dân chết nhiều vô kể”(tr.149). Thật là tinh tế, chu tất và nhân văn khi Trung đội Chung sự thuộc trung đoàn 51 bộ binh cử hành nghi thức liệm và truy điệu cho 3 người con chết trận của ông Ruộng: Trung sĩ Trần Viết Trì và Hạ sĩ Trần Viết Thủy. Họ cũng liệm cho liệt sĩ Trần Viết Giang, người theo Việt Cộng.
Tư tưởng nhân văn cũng được thể hiện trong tương quan tình yêu Diễm, Sơn và Thành. Sơn và Diễm yêu nhau tha thiết. Nhưng “Làm sao vượt qua ranh giới nặng nề của “sự xung đột ý thức hệ” đè nặng những thân phận nhỏ bé hèn mọn của thế hệ anh và Diễm, một thế hệ bất hạnh!”(tr.301). Diễm đã theo gia đình vượt biên và lấy Thành. Cả Thành và Diễm đều yêu thương đứa con của Sơn và sẵn lòng trao con lại cho Sơn khi đứa bé đã trưởng thành. Cách giải quyết vấn đề như thế là hết sức nhân văn, làm tỏa sáng lòng yêu thương, sự trân trọng Con Người.
Có thể nói tư tưởng nhân văn đã làm thăng hoa hiện thực khốc liệt được miêu tả và hóa giải những vướng mắc mà dù đứng ở bên nào, cũng không tranh khỏi.
Tinh thần dân chủ trong tác phẩm văn học thể hiện ở việc xây dựng nhân vật, ở tương quan các nhân vật, và thái độ khách quan của tác giả đối với người đọc. Không áp đặt ý kiến chủ quan của mình lên người đọc.
Nhà văn Nguyễn Một khi xây dựng nhân vật, đã không có sự phân biệt đối xử với nhân vật của mình. Ngô Hai là một thương phế binh Cộng Hòa, vẫn gần gũi thân tình với ông Tư Cụt, bà Mười là Việt Cộng nằm vùng. Tác giả không có sự miệt thị nhân vật “Ngụy” như thói thường nhiều chục năm qua. Cũng không xây dựng nhân vật Thiếu tá Duy, nhà “Tư sản mại bản” Trần Xuân Danh theo cung cách quan quyền thư thường thấy trong đời thường. Cán bộ Nguyễn Văn Bảy phụ trách Mặt trận Bắc Tây Ninh đã giải thích tình hình chính trị cho Sơn và Ba Em. Ông cũng đối xử trân trọng với hai thanh niên mới này (tr.171).
Tôi thích những đoạn tranh luận “nảy lửa” về “lập trường” của anh Hai và cha của mình là ông Điền. Anh Hai say mê lý tưởng Cộng sản, còn ông Điền nhất quyết không theo bên nào. Anh Hai thuyết phục cha đưa trâu và ruộng vào Hợp tác xã, ông Điền không chịu (281). Cũng vậy, bà Thu, mẹ Diễm, nhờ ông Điền nói với anh Hai bảo lãnh để ông Duy đang cải tạo sớm được về (tr.284). Anh Hai nhất định không chịu, cha con bất hòa. Chuyện anh Ba, lính Cộng Hòa nói chuyện với Sơn về lý tưởng, về lương lính bán mạng (tr.129) cũng là những đối thoại thẳng thắn, dân chủ.
Tư tưởng chán ghét chiến tranh của người dân miền Nam được tô đậm trên tinh thần dân chủ. Ông Điền không theo bên nào, không nghe bên nào, không tin bên nào (dù cán bộ cách mạng nói rất thuyết phục). Ông chỉ tin vào những gì mình chứng kiến. Ông có 5 đứa con, hai người theo Cộng hòa, hai người theo cách mạng, họ bắn giết lẫn nhau, vì thế ông quyết định Sơn phải trốn lính, dù bên này hay bên kia.
Tình dân chủ thể hiện ở cách trình bày vấn đề tôn trọng ý kiến người khác một cách tế nhị (cán bộ Nguyễn văn Bảy với Sơn); sự khác biệt suy nghĩ giữa ông Điền và anh Hai, con ông; việc miêu tả khách quan, không đề cao bên nào (thí dụ cảnh lính bắt và dẫn một du kích “giệt ác”, “Bên này bên kia bắn giết nhau thành chuyện thường ngày rồi” (tr. 90)…
Cũng vậy, trong tình yêu, Trang đã nói tất cả những gì xảy ra đối với mình cho Tâm nghe, và Tâm đã tiếp nhận với sự trân trọng. Trong thư gửi cho Sơn, Diễm cũng đã nói rất rõ lòng mình và sự chọn lựa của mình cho Sơn nghe, Diễm cũng báo cho Sơn biết anh có một đứa con và cách giải quyết sao cho tốt đẹp. Sơn đã không thể chê trách Diễm, Anh chỉ đau.
Đó là những biểu hiện của tinh thần dân chủ (của nhân dân) trong tác phẩm. Và tác phẩm là một hệ thống các vấn đề mở.
Điều này rất khác với kiểu tác phẩm viết theo “khuynh hướng chính trị”, tác giả áp đặt ý kiến chủ quan của mình lên tất cả mọi yếu tố của tác phẩm, nhắm mục đích “tuyên truyền, giáo dục” người đọc.
Những nỗ lực đổi mới cách viết
Sự đổi mới có ý nghĩa tư tưởng và thi pháp của Nguyễn Một là Chủ nghĩa Hiện thực Nhân văn-Dân chủ. Tiểu thuyết Việt Nam từ 1945 đến cuối thế kỷ XX đa phần được viết theo Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nhà văn miêu tả hiện thực cách mạng, kết hợp với lãng mạn cách mạng hướng đến mục đích giáo dục người đọc. Hiện thực Nhân văn-Dân chủ hướng đến phần “hiện thực không cách mạng”, viết dưới ánh sáng tư tưởng nhân văn, để nói lên tiếng nói của nhân dân.
Nếu trong tiểu thuyết Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời, Nguyễn Một dùng nhiều thủ pháp Hậu hiện đại, thì trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín Nguyễn Một trở về với lối kể truyện truyền thống.
Mạch truyện chậm, mạch lạc. Anh đưa vào tiều thuyết chất liệu đời sống, văn hóa, phong tục và cảnh sắc quê hương Quảng Nam và Đồng Nai. Anh khai thác những vấn đề lịch sử còn rất “nóng” trong tâm thức Việt. Anh cũng kể chuyện có ngọn có ngành nhiều đời của ông Trần Văn Điền (Ruộng) và ông Trần Văn Duy (Tư Duy). Những kỷ niệm tuổi thơ của nhà văn làm nên những trang hồi tưởng tuổi thơ đẹp, thơ mộng và lạ lẫm của Sơn lúc ở quê. Và Nguyễn Một có ý thức viết văn chương. Anh có những trang văn đẹp, những miêu tả sắc nét, táo bạo nhưng chuẩn mực.
Một điều rất đáng ghi nhận trong kỹ thuật kiến tạo tiểu thuyết của Nguyễn Một là tuy kể chuyện về một giai đoạn lịch sử, nhưng anh không kể theo tuyến thời gian mà các chương được viết theo tuyến nhân vật. Cho nên, nếu lần theo tuyến thời gian để gỡ rối cấu trúc truyện, người đọc sẽ càng rối. Thí dụ, những chương đầu các nhân vật nói với nhau rằng chiến tranh sắp kết thúc “Hôm ấy, chỉ còn một thời gian ngắn nữa thì chiến tranh kết thúc” (tr.29). (tôi đóan chừng năm 1974), nhưng không phải vậy. Truyện được kể ở mốc sau “mùa hè đỏ lửa “ (1972). Khi tác giả nói đến Hùng Hippy và phong trào Hippy (tr.21), tôi lại nghĩ, chắc là năm 1970. Rồi tác giả kể về lai lịch nhiều đời của ông Duy và ông Điền thì tuyến thời gian bị phá vỡ. Chuyện ông Xí là những hồi tưởng của  các nhân vật trong ba chương 5,10 và 13. Các chương này cũng xóa nhòa tuyến thời gian.
Để phục vụ cho việc kể chuyện, Nguyễn Một dùng kỹ thuật hồi tưởng. Tác giả để nhân vật nhớ và kể lại. Ông Ruộng nhớ lại hồi “chín năm”, nhớ đận 1945 học bình dân học vụ, nhớ lại cha mẹ bị máy bay Pháp bắn chết (tr.62). Nhiều lần Sơn nhớ kỷ niệm tuổi thơ và kể cho Diễm, chẳng hạn Sơn đã kể cho Diễm nghe về con trâu trắng. (tr.94…99), Sơn nhớ các buổi Diễm cầu nguyên bên đài Đức Mẹ.. Sơn kể việc viết lá thư đầu tiên cho Hương lúc ở quê (tr.194).  Tâm nhớ lại lịch sử “Nông Nại đại phố” (tr.71-72-73)…
Trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín Nguyễn Một dùng rất nhiều ngôi kể khác nhau. Không chỉ có một ngôi kể là tác giả, mà hầu như nhân vật nào cũng là ngôi kể.
Ông Duy kể cho vợ nghe chuyện ngày xưa (tr.40). Sơn kể cho Diễm nghe về quê hương tuổi thơ, kể việc viết lá thư đầu tiên cho Hương (tr.194), kể về cái chết của 3 người anh (tr.231), kể những ngày lưu lạc ở Tây Ninh và ở chiến khu, ở làng người thượng, ở trên gác bà Mười (tr.231); Chú Lý kể cho Sơn nghe về làng, về cụ tổ của Sơn; Ông Điền kể chuyện ông Xí; Người lính đồng đội kể về cái chết của Tâm (tr.120); Thành kể lại lời người vợ Ngô Thăng bị ám sát chết (tr.174); Ông Điền kể về trận tấn công cứ điểm Bồ Bồ vào đêm tháng 5 năm 1954 (tr.196). Khi Tư cụt bị cảnh sát bắt, Bà Mười kể chuyện Tư Cụt cho thương binh Ngô Hai nghe (tr.203); Lúc Sơn mới lên Sài gòn, Hoàng  kể nhiều chuyện sinh viên, các phong trào biểu tình của sinh viên ở Sài gòn…
Có khi tác giả dùng kỹ thuật kể truyện kép (lồng hai lần kể vào nhau): Diễm nhớ chuyện Sơn kể, trong đó có chuyện cha Sơn kể cho Sơn về trận đánh và chuyện Bà Kha Ly mẹ Sơn kể giai thoại hoa dủ dẻ (tr.198).
Sử dụng nhiều ngôi kể, Nguyễn Một tạo nên tính dân chủ trong tác phẩm. Tác giả không còn độc quyền phát ngôn. Diễn ngôn của tác phẩm là của nhân dân. Hơn nữa, nhờ nhiều ngôi kể, tác giả có khả năng mở rộng không gian, thời gian, cốt truyện. Thí dụ, cốt truyện chính của Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là: những năm trước 1975, Sơn trốn lính. Sau 1975, nhờ anh Hai làm cán bộ, Sơn được đi Liên xô, học xong Sơn về làm chuyên viên ở một Vụ sau lên Vụ trưởng và thôi việc lúc 45 tuổi. Nếu không có nhiều ngôi kể, thì Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín không thể bao quát được nhiều vấn đề của lịch sử Việt Nam đương đại. Nhiều ngôi kể còn tạo ra nhiều giọng kể làm phong phú màu sắc thẩm mỹ của tác phẩm.
Yếu tố tôn giáo trong tác phẩm
Giôn nói với Trang anh thích Phật giáo: “Tôn giáo này mang lại cho con người sự bình yên, khuyên con người nên rũ bỏ dục vọng và tham vọng. Tuy nó kềm hãm sự phát triển của xã hội, nhưng phát triển để làm gì khi con người nhân danh sự phát triển để bắn giết nhau”(tr.156).
Ba Em đọc cho Sơn nghe bài minh thệ Tam thập lục tự: “Thề rằng: ‘Từ đây biết một đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru địa lục”. Sơn khẽ rùng mình. Sơn biết chuyện tôn giáo không thể đùa giỡn được, không dễ dàng lợi dụng như chú Lý nói với anh trong hành trình vào Nam (Chú Lý định lợi dụng đạo Cao Đài cho Sơn trốn lính).
Trong tác phẩm, đạo Công giáo được miêu tả là một thực tại xã hội ở miền Nam. Những ngôi nhà thờ cổ, tiếng chuông nhà thờ, các nghi lễ tôn giáo (Lễ Phục Sinh; lễ hôn phối của Trang và Tâm). Đặc biệt là sự thể hiện đức tin tôn giáo của Diễm, của gia đình Thành. Cha của Thành đòi anh phải lấy vợ Công giáo, và nhắc anh “nếu có phải bay thì hãy xin vào biệt đội tải thương, đừng ném bom, đừng giết người” (tr.105). Trang có thai với Giôn, cô giữ đứa bé. Sau khi sinh, cô gửi con cho Sr Thục Hạnh. Đứa bé lớn lên trong môi trường tôn giáo. Cả Trang và Tâm hợp ý giáo dục con ơn gọi Linh mục.
Lời giảng lễ của các Linh mục cũng có ý nghĩa đặc biệt. Lm giảng lễ Phục sinh (chương 1, tr.13), Lm giảng lễ tang của Tâm (tr.123), Lm cử hành lễ hôn phối cho Trang và Tâm (tr.313). Lm Vũ Kim dẫn dân lập ấp ở Long Khánh (tr.104) trả lời chính quyền Sài gòn. Đây là lời của Linh mục già giảng lễ tang của Tâm: “Cuộc chiến tàn khốc trên quê hương Việt Nam đã cướp đi hàng vạn người trẻ. Họ ra đi như những chiếc lá xanh rụng lả tả trong bão bùng, những cuộc sinh ly tử biệt làm chúng ta đau lòng nhưng cũng giúp chúng ta nhận ra cuộc sống này đáng quý biết bao. Dù thân xác con người là tro bụi cũng trở về với tro bụi, nhưng chúng ta-những con chiên của Chúa- hãy tin rằng mầu nhiệm sống lại của Kitô giáo đem lại cho đời chúng ta một nguồn sống, tình yêu, hạnh phúc. Chúng ta hãy cầu cho linh hồn Phê rô Trần Văn Tâm và những nạn nhân đau đớn của cuộc chiến được Thiên Chúa đón nhận nơi Nước Trời. Amen” (tr.123).
Như vậy, Tôn giáo không được miêu tả như là những thành tố văn hóa tâm linh (tín lý, Thần học, Kinh Thánh…), hoặc miêu tả để khích bác (như một vài tác phẩm trước đây), mà được trình bày như một thực tại xã hội có khả năng nâng đỡ những nỗi đau thương của con người trong chiến tranh, đem lại niềm tin yêu trong cơn tuyệt vọng và góp phần xây dựng, gìn giữ hòa bình. Hôn nhân của Trang-Tâm và hôn nhân của Thành-Diễm là hai biểu tượng rất giàu ý nghĩa.
Lời chúc mừng
Xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Một đã viết một tiểu thuyết hay, hấp dẫn với nhiều yếu tố đổi mới về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Hơn thế, tác phẩm còn khẳng định một tài năng, một bản lĩnh ngòi bút và một năng lực sáng tạo phong phú của nhà văn.
Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một là 2 tác phẩm của nhà văn Đồng Nai viết về hiện thực miền Nam trong chiến tranh Việt Nam trước đây. Đây là mảng hiện thực chưa được văn học khám phá. Khôi vũ và Nguyễn Một đã đi những bước đầu tiên rất khó khăn nhưng có tính mở đường. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín còn là tiểu thuyết có khuynh hướng tư tưởng. Không phải vô tình Nguyễn Một trích đoạn Kinh thánh kết truyện:
“Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chin. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa”.
Hồi quang hoàng hôn lóe sáng bên bãi bồi. Lần đầu tiên trong đời, Sơn nhận ra màu chiều huyền hoặc của dòng sông”.
14/8/2023
Bùi Công Thuấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...