Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Vũ Thụy Nhung với tập thơ Diệu Thắm và tôi

Vũ Thụy Nhung với
tập thơ Diệu Thắm và tôi

Tôi không nhớ đã biết nhà thơ Vũ Thụy Nhung từ lúc nào, có lẽ từ khi tôi quay trở lại Facebook sau nhiều năm vắng mặt và bắt đầu kết nối với nhiều người trong đó có anh. Chúng tôi sau đó thân hơn từ đợt dịch COVID-19 vì nhiều chuỗi sự kiện kết nối.
Nick name trên Facebook của anh là Dung Mai và chúng tôi quen gọi anh bằng cái tên thân thiện này. Dung Mai ngoài công việc chính ở một Công ty thời trang, anh còn tham gia phụ trách công tác xã hội ở Phường. Với vị trí ấy, anh được cấp giấy thông hành đi lại tự do trong thành phố thời giãn cách xã hội. Việc này tạo sự thuận lợi cho anh trong việc kết nối giữa những nhà hảo tâm trong và ngoài nước với những người dân đang cần trợ giúp lúc ấy. Thời điểm nóng bỏng, nhà thơ Trần Hạ Vi là người hoạt động tích cực nhất, kêu gọi được rất nhiều khoảng hỗ trợ để anh.
Dung Mai có thể chạy lui chạy tới như con thoi cùng với ekip làm việc cùng anh ở Phường. Tôi ấn tượng đến mức đã làm hẳn một bài thơ thật dài để tặng anh. Rồi thì chúng tôi lại gặp nhau ở Trang Dấu Chấm Than Quay Ngang, nơi anh và tôi và một số bạn cùng làm quản trị viên, vượt qua bao nhiêu vui buồn để cùng nhau trụ lại cho đến ngày hôm nay.
Cũng từ anh, chúng tôi được biết đến Bích Quyên, nhà thơ Nguyễn An Bình, nhà thơ Băng Phương Lâm và rất nhiều anh chị em văn nghệ khác. Anh Dung Mai là cầu nối cho tất cả mọi người theo cách riêng của anh ấy.
Ở đâu cũng thấy anh xông xáo chạy lui chạy tới, ồn ào với cái giọng Quảng Ngãi không thể nào lẫn vào đâu cho được. Nói thật tình là tôi chưa nể anh, cứ thấy anh thế nào ấy, mà không thể giải thích được. Thơ anh thì lâu lâu tôi được đọc vài bài ngăn ngắn, rải rác, kiệm chữ, tôi không theo dõi hết để có thể yêu thích ngay dòng thơ này. Anh cầm bản thảo Ngồi hát vu vơ đi “xin chữ”, người này tặng anh một bài viết, người kia tặng anh một lời bạt, người nọ nắn nót viết về anh, riêng tôi, nhất định không, nhất định đứng khoanh tay nhìn anh chạy lui chạy tới, tôi chỉ ủng hộ anh phía sau chứ không ra mặt, đôi lúc cũng cảm thấy mình cũng nhỏ nhen thiệt luôn, nhưng mà tôi biết, có lẽ lúc ấy tôi cũng chưa sẳn sàng và công việc cứ chồng chất nên anh cũng ra chiều thông cảm cho. Với lại có  nhiều người viết về anh rồi, tôi biết nói gì đây…
Thơ Dung Mai không nhiều, anh tổng hợp mãi mới ra được tập Ngồi hát vui vơ và bây giờ là tập thơ này nhưng thơ anh hay từng bài từng câu, tạo một ấn tượng bất ngờ và vô cùng nhất quán. Tôi gọi nói anh điều này nhưng có vẻ như anh không tin cho lắm, anh cũng không nghĩ là thơ mình hay, tôi đoán thế. Anh còn bảo “hay bòa thiên vị tui”. Những vần thơ của anh vận vào cuộc đời anh, hoặc ngược lại, là tôi nghĩ lan man như thế trong lúc này, khi mà cảm xúc vẫn đang tròn đầy. Đọc thơ anh, tôi không dám suy nghĩ quá nhiều hay liên tưởng quá nhiều về cuộc đời anh hay những gì đã diễn ra, đã trải qua, tôi chỉ muốn nhìn thấy anh trong thơ, những vần thơ suy tư, khắc khoải, chông chênh của một trái tim đa sầu, đa cảm.
Thơ của một người độc thân với những cuộc hạnh ngộ, vừa thiêu thiếu lại vừa tiếc nuối, vừa đau khổ lại vừa buông buốt tim gan…
Xuyên suốt tập thơ, chúng ta bắt gặp thi sĩ lãng tử Dung Mai viết vội vài dòng cho Th., cho Trang, cho Thảo Đang, cho Thạch Thảo và đặc biệt, cái tên Diệu Thắm ẩn và hiện, nơi này và nơi khác, vừa rõ ràng nhưng lại vừa kín đáo, một cái tên đi liền với áo nâu, câu kinh, tiếng chuông, tiếng mõ, ngôi chùa, với những từ ngữ nhẹ nhàng phảng phất hương vị thiền, ý nghĩa cuộc đời, với giải mê, hạnh ngộ. Tôi nghĩ anh đã viết ra trong ngậm ngùi, trong nước mắt chảy ngược của đàn ông và trong nỗi day dứt, tiếc nuối. Trong nỗi day dứt tiếc nuối đó, chúng ta bắt gặp đến hơn mười từ NGỘ, mà người nói ra là NGỘ thì chưa chắc họ đã NGỘ được, nhưng thơ anh khéo léo, kín đáo, đủ để ta cảm nhận được sự e dè, kính cẩn, trân trọng, yêu thương.
Anh buồn nhưng anh vui, buồn cho số phận của mình và vui vì người ấy đã tìm được lối đi riêng, lối đi của một người tầm đạo và học đạo, giác đạo và ngộ đạo.
Hình ảnh GIÓ BẤC cũng được tác giả sử dụng trong những bài thơ trữ tình của mình. Như khi ta nhìn lên bầu trời, có một ngôi sao đầu tiên ló dạng và vẫn còn ngái ngủ. Ngay lúc ấy, một cơn gió bấc thổi qua, thả những nụ hôn mùa lên chiếc lá đung đưa. Có khi ta đi ngược chiều gió làm làn da xước nhẹ, không quá đau nhưng đủ để nhớ. Gió trong thơ Dung Mai hao gầy, trăn trở, làm anh nghĩ đến mẹ, đến cha, đến tháng chạp, mẻ cá linh, vàng hoa điên điển hay khô cau trầu héo, gió của ngày cuối năm, của đêm giao thừa, phiên chợ quê, gió của sắc tàn hương rụng để rồi mưa rơi xuống sắc bừng hương bay. Dung Mai hay “bất chợt”, “viết vội” bởi anh bận loay hoay và quên hẳn mình là nhà thơ.
Anh không ngồi xuống để cố viết, mà chỉ khi có một điều gì đó xảy ra như một sự kiện, một sự việc, một cảm xúc, một yêu thương, đến mức mưng mủ, bung ra và nở thành đóa hoa thơ. Có lẽ anh hay trải qua những giây phút một mình, nhất là vào những dịp lễ hội, dịp tết. Khi mọi người đang tề tựu đông vui với ai đó thì Dung Mai của chúng ta ngồi ngẫm nghĩ về cuộc đời, thời cuộc, ngồi “đếm lại đời mình”.
Với khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, tôi chỉ xin dừng lại ở đây. Tôi quyết định không trích thơ anh mà để các bạn đón đọc và cảm nhận. Tôi tin sẽ có nhiều tác giả yêu quý tập thơ này và sẽ viết về Diệu Thắm & Tôi. Cảm ơn tác giả Dung Mai đã đem cho Như Mai thật nhiều cảm xúc. Mong các bạn đón nhận tập sách với nhiều yêu thương, cảm thông và trân quý, bởi vì tập thơ này không chỉ đơn thuần là những con chữ được sắp xếp lại thành những bài thơ mà là tấm lòng và tâm hồn lãng đãng cùng những trải nghiệm phong phú rất đời của một thi sĩ lãng tử của làng văn nghệ.
2/9/2023
Võ Thị Như Mai
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...