Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Giao thoa văn học bất chấp những xung đột và bất ổn địa chính trị

Giao thoa văn học bất chấp những
xung đột và bất ổn địa chính trị

Dưới thời Xô viết, Trường Viết văn mang tên A.M.Gorky là một trong những trung tâm quan trọng nhất điều phối hoạt động của mô hình văn hóa Xô viết, cho phép phát triển tài năng sáng tạo của các dân tộc sinh sống ở Liên Xô. Trường đã gắn bó các dân tộc trong một không gian văn học thống nhất và đa dạng. Xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông Sergey Dmitrenko, phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học và sáng tác, về một số hoạt động của Trường Viết văn mang tên A.M.Gorky trong thời gian gần đây.
* Lâu lâu lại có tin đồn đóng cửa Trường Viết văn vì “kém hiệu quả”. Nhưng về nguyên tắc, có thể đo lường hiệu quả công việc của một trường đại học sáng tác như vậy không?
– Kể từ những năm 1940 đến nay, có thể thấy trong số các nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động văn học và văn hóa có rất nhiều người đã tốt nghiệp Trường Viết văn chúng tôi. Năm 1984, nhân dịp Hội Nhà văn Liên Xô tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, ước tính, Trường Viết văn đã đào tạo được 3.127 cán bộ văn học. Trong số này, hơn một nửa đã trở thành hội viên Hội Nhà văn. Con số này quả thật không nhỏ, hơn nữa, nhiều sinh viên tài năng của chúng tôi đang hoạt động trong lĩnh vực văn học, nhưng chưa được kết  nạp vào Hội Nhà văn vì những lý do ngoài sáng tạo. Hiện nay chúng ta thấy rõ họ đã để lại những thành tựu của mình trong lĩnh vực văn học.
Vâng, có những người đã trở thành quan chức văn học, nhưng họ vẫn nhớ những seminar sáng tác không khoan nhượng của chúng tôi, biết phân biệt cái tốt và xấu trong văn học, họ cố gắng tránh xa những điều tồi tệ.
Học Trường Viết văn A.M.Gorky có Rasul Gamzatov, Fazil Iskander, Evgeny Yevtushenko, Bella Akhmadulina, Nikolay Rubtsov, Aleksandr Vampilov, nhiều nhà văn, nhà thơ cựu chiến binh – Viktor Astafyev, Yury Bondaryev, Konstantin Simonov, Evgeny Dolmatovsky, Evgeny Vinokurov… Họ là những tác giả kinh điển của văn học Nga thế kỷ XX. Và trong không gian văn học đương đại, có thể nhận thấy rất rõ những sinh viên tốt nghiệp Trường Viết văn. Bằng tác phẩm của mình những sinh viên tốt nghiệp trường chúng tôi xác nhận hiệu quả của nhà trường. Trong nhiều thập kỷ qua, Trường Viết văn A.M.Gorky đã dẫn dắt cuộc đối thoại giữa mọi người, giữa các dân tộc của nước Nga và các nước láng giềng trong không gian văn học.
* Xin ông cho biết về bộ môn dịch văn học nổi tiếng của Trường Viết văn. Hiện nay nó có tiếp tục hoạt động sôi nổi như dưới thời Liên Xô nữa không?
– Vâng, bộ môn tiếp tục đào tạo các dịch giả văn học. Tất nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự chia rẽ của các dân tộc, đã có những thay đổi diễn ra trong hoạt động của bộ môn này. Vì vậy, để duy trì hệ đào tạo dịch giả văn học, mấy thập kỷ gần đây, chúng tôi đã chuyển sang tổ chức các seminar cho đội ngũ dịch giả các ngôn ngữ châu Âu: Đức, Anh, Pháp, Ý.
Dưới thời Liên Xô, các tài năng trẻ của hơn năm mươi dân tộc đã học tại Trường Viết văn A.M. Gorky, hơn ba mươi lớp dịch giả văn học của các dân tộc Nga, Liên Xô và các nước trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô đã tốt nghiệp ở đây. Việc học tập đã và đang được tiến hành bằng tiếng Nga, và trong 5 năm, các bạn trẻ sống trong môi trường đa ngôn ngữ độc đáo, góp phần làm giàu văn hóa lẫn nhau … Sinh viên nói tiếng Nga giúp sinh viên các nước cộng hòa thực hiện các bản dịch nghĩa, các em dịch lẫn nhau, đọc và tìm hiểu các truyền thống văn học mà trước đây hoàn toàn không biết. Trường Viết văn là trường học sáng tác tuyệt vời cho sự phát triển văn học và văn hóa.
* Liệu có thể nói rằng vào thời điểm đó, hoạt động của trường có một nền tảng tư tưởng, quốc tế vững chắc? Và nếu thiếu nền tảng này thì cơ sở hoạt động của nhà trường đánh mất ý nghĩa?
– Vâng, chắc chắn như vậy. Có thể nói, hệ tư tưởng của chủ nghĩa quốc tế gắn với ý tưởng về Tháp Babel, ý tưởng về sự nghiệp chung vĩ đại. Và, trong một chừng mực nhất định, trường chúng tôi là Tháp Babel đã được xây dựng. Chúa không ngăn cản việc xây dựng tòa tháp đã giành được những đỉnh cao sáng tạo này.
Mặc dù trong đời sống chính trị, giữa các nước, các dân tộc có nhiều bất đồng, xích mích, nhưng tình hữu nghị văn học của chúng ta, được xây dựng trong nhiều thập kỷ, vẫn tồn tại và tiếp tục tồn tại bất chấp các biên giới và xung đột. Con người luôn luôn mong muốn sống trong cái đẹp và sự hài hòa. Thời Xô viết có khẩu hiệu: “Hữu nghị các dân tộc – hữu nghị các nền văn học”. Tôi muốn sửa lại thành: “Hữu nghị các nền văn học – hữu nghị các dân tộc.”
Tất cả những gì chúng tôi làm trong chương trình của trường đều hướng tới sự đoàn kết và thống nhất mọi người xung quanh chủ nghĩa nhân văn, tới một nền văn học được xây dựng trên tinh thần đạo đức và thẩm mỹ. Vì vậy, tư tưởng về chủ nghĩa quốc tế, theo quan niệm của chúng tôi, luôn luôn cấp thiết. Đây là chủ nghĩa quốc tế với sự hỗ trợ lẫn nhau của mỗi nền văn hóa dân tộc và những truyền thống tốt đẹp của nó.
* Nhà Văn học các dân tộc đã được thành lập mấy năm nay, nhưng hoạt động của nó ít được biết đến. Xin ông cho biết Nhà Văn học các dân tộc và Trường Viết văn gắn bó với nhau như thế nào?
– Ý tưởng thành lập Nhà Văn học các dân tộc cũng bắt nguồn từ kinh nghiệm của trường chúng tôi từ thời Liên Xô. Như tôi đã nói, trường chúng tôi luôn luôn là một tổ chức đa quốc gia. Chúng tôi hoạt động trong không gian lãnh thổ Liên Xô và các nước thân Liên Xô.
Mặc dù trong những năm 90, Liên Xô bị sụp đổ, nhưng chúng tôi không mất hy vọng. Vẫn như xưa, chúng tôi đã và đang đón nhận các bạn trẻ từ các nước cộng hòa viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ, chứ không chỉ bằng tiếng Nga. Họ học trên các seminar về thơ, văn xuôi, kịch, phê bình và báo chí, chứ không chỉ trên các seminar dịch văn học. Đồng thời, chúng tôi đã tìm cách khôi phục các mối liên hệ văn học đã bị phá vỡ, và kết quả là mùa thu năm 2013, vấn đề này đã được thảo luận tại Hội nghị văn học toàn Nga nổi tiếng do Trường Đại học Hữu nghị các dân tộc tổ chức với sự tham gia của Tổng thống Nga và cố vấn của ông về các vấn đề văn hóa, Vladimir Tolstoy. Ý nghĩa của Trường Viết văn đối với việc củng cố các mối liên hệ văn học trong không gian hậu Xô viết, đối với việc nhân văn hóa toàn bộ xã hội Nga đã được công nhận một cách đúng đắn. Kết quả là được sư ủy quyền của Tổng thống, trung tâm khoa học, giáo dục, văn hóa “Nhà Văn học các dân tộc” đã được thành lập tại Trường Viết văn A.M. Gorky. Tháng 4 năm ngoái, chúng tôi đã kỷ niệm 5 năm ngày thành lập của tổ chức này.
* Nếu nhìn vào cách thức hoạt động của Trường Viết văn dưới thời Xô viết, liệu có thể nói rằng ở đây có yếu tố “quyền lực mềm” của Liên Xô?
– Quyền lực phải mềm, việc mở rộng ảnh hưởng cũng phải mềm, giống như dưới thời Đế quốc Nga. Chúng ta phải từ bỏ giấc mơ lấy lại thịt bò từ thịt xay và hướng sức mạnh của chúng ta vào việc giữ gìn và củng cố sự thống nhất vẫn còn tồn tại của một cường quốc văn hóa, cường quốc văn học, dựa trên nguyên tắc tự trị văn hóa của các dân tộc, trong đó nói tiếng Nga, hiểu biết văn hóa Nga, văn học Nga quả là hữu ích, thậm chí có lợi, vì ở đây các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của bạn và sự đa dạng ngôn ngữ  được trân trọng và gìn giữ.
Trường Viết văn ủng hộ sự kết hợp giữa tính nhân loại, nhân văn phổ quát với việc giữ gìn bản sắc của các nền văn hóa đa dạng. Còn quyền lực mềm phải tạo ra một không gian nhân văn thống nhất, nơi sự đa dạng văn hóa có thể tồn tại và phát triển.
* Hiện nay có thể đánh giá mức độ phổ biến của văn học Nga ở các nước cộng hòa của Liên Xô cũ không? Bởi nếu nước Nga tăng cường “quyền lực mềm” của mình, thì nhu cầu về một nền văn học chất lượng cao bằng tiếng Nga và các bản dịch văn học của các dân tộc khác sang tiếng Nga trở nên rất quan trọng.
– Tất nhiên, để củng cố “quyền lực mềm”, cần phải xây dựng được một biểu tượng văn hóa độc đáo. Ngoài việc phát triển các tổ chức dịch văn học, chúng ta phải hỗ trợ các hình thức đã có, chẳng hạn như các báo và tạp chí định kỳ tuyệt vời của chúng ta, phát triển một cách hợp lý các hình thức quảng bá văn hóa hiện nay.
Tôi xin nhắc lại: khi Nhà Văn học các dân tộc bắt đầu hoạt động hết công suất, nó sẽ nghiễm nhiên trở thành biểu tượng văn hóa trực quan nhất, không chỉ giới thiệu nước Nga với thế giới mà còn thúc đấy các dân tộc khác đến với nước Nga: vừa giới thiệu nền văn hóa của mình vừa tự làm giàu cho chính mình.
Kinh nghiệm của trường chúng tôi cho thấy, sự giao thoa văn học vẫn sống động, bất chấp những xung đột giữa các quốc gia và sự bất ổn địa chính trị. Chúng tôi tiếp tục làm việc. Hy vọng rằng nhà xuất bản của Trường Viết văn A.M.Gorky sẽ sớm xuất bản cuốn sách thứ sáu trong tủ sách “Thư viện Nhà Văn học các dân tộc”. Đây là hợp tuyển thơ bằng ba ngôn ngữ: các nhà thơ Nga, Ukraine và Belarus dịch các tác phẩm cổ điển. Độc giả có cơ hội tuyệt vời để cảm nhận vẻ đẹp và âm điệu của cùng một bài thơ bằng các ngôn ngữ giống nhau.
Năm ngoái, cùng với hợp tuyển Truyện ngắn Mông Cổ đương đại, chúng tôi bắt đầu giới thiệu những thành tựu của văn xuôi đương đại trong tủ sách này. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị các hợp tuyển truyện ngắn của Bulgaria, Yakutia, Udmurtia, Ossetia.
26/4/2023
Trần Hậu
Nguồn: Báo Văn Nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đỉnh cao chói lọi 5XXXX

Đỉnh cao chói lọi 5 NGƯỜI ANH EM (4) Nói rồi ông nhanh nhảu ra lệnh cho trợ lý. Anh này lục tìm cuốn danh bạ đơn vị, hí hoáy tẩy chữ Nôn...