Nhiều người biết đến nhạc sĩ - NSƯT Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám
đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, qua những đóng góp của ông vào sự lớn
mạnh và những thành công rực rỡ của Nhà hát trong gần 30 năm qua. Nhiều
người yêu mến ông qua các ca khúc dạt dào tình quê hương xứ sở. Nhạc sĩ có tiếng
cười giòn tan sảng khoái, cách nói chuyện rất mộc mạc, thân tình. Tâm hồn nghệ
sĩ của ông thể hiện qua hàng trăm ca khúc, qua các tác phẩm thơ và những tản
văn như tuôn chảy tự nhiên từ trái tim nhạy cảm.…
1. Cuối năm gặp nhau trong một chương trình nghệ thuật đặc
biệt của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc báo cho
chúng tôi tin vui: “Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên được mùa giải thưởng!
Anh Ngọc Quang được giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Dương; tôi, Tấn
Phát và Thanh Hải đều được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Không phải đơn
vị nghệ thuật nào cũng có được niềm vui đó”. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hồn
hậu của người từng có một thời gian dài giữ cương vị “thuyền trưởng” Nhà hát
Sao Biển khiến tôi xúc động. Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc luôn như thế, vui sướng mỗi
khi đứa con tinh thần của anh em được ghi nhận, tôn vinh.
Ở Trường Sa.
Lễ trao Giải thưởng âm nhạc 2017 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam diễn
ra vào tối 7/2/2018, tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ - NSƯT Cao Hữu
Nhạc được trao giải B với ca khúc Huyền ca tháp cổ, khép lại một năm được
mùa với 8 giải thưởng của nhạc sĩ: giải A Liên hoan Âm nhạc khu vực Nam Trung bộ
và Tây Nguyên; giải nhì cuộc thi Văn học nghệ thuật, chủ đề “Hào khí cuộc tổng
tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.” của Hội VHNT Phú Yên; giải C giải thưởng
5 năm Văn học - Nghệ thuật tỉnh Gia Lai; giải 3 cuộc vận động sáng tác biểu trưng
và ca khúc về thành phố Hải Dương; giải 3 cuộc thi sáng tác ca khúc mừng hầm
Đèo Cả hoàn thành do Hội Nhạc sĩ và Tổng công ty Đèo Cả tổ chức; chỉ đạo nghệ
thuật và viết kịch bản tiết mục thơ múa “Mẹ phù sa” được huy chương vàng tại
Liên hoan múa Quốc tế năm 2017…. Năm đầu tiên rời cương vị quản lý, nghỉ hưu,
nhạc sĩ có thời gian sáng tác hơn và kết quả thật đáng trân trọng.
2. Sinh năm 1957, quê ở Phước Nông (xã Hòa Bình 1, huyện
Tây Hòa, Phú Yên), nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc có 12 năm làm Trưởng đoàn Cải lương Hòa
Bình (1978 -1990), một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cấp xã rất đặc biệt,
riêng có của Phú Yên hồi ấy, trước khi gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian
Sao Biển trong suốt 26 năm (1991-2017). Còn nhớ, khi tôi cùng các đồng nghiệp đến
ngôi nhà ở Phước Nông để ghi hình, ba mẹ nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc kể với chúng tôi
rằng con trai của ông bà rất đam mê và hết lòng với nghệ thuật. Trong những năm
tháng khó khăn thiếu thốn, Trưởng đoàn Cải lương Hòa Bình từng trưng dụng tiền
bạc vật dụng của gia đình để phục vụ hoạt động biểu diễn của đoàn. Ba mẹ nhạc
sĩ Cao Hữu Nhạc rất tự hào về người con trai nghệ sĩ của mình và gìn giữ vô
cùng cẩn thận những bằng khen, giấy khen từ thời xa lơ xa lắc của ông.
Trong hơn 200 ca khúc của nhạc sĩ - NSƯT Cao Hữu Nhạc,
nhiều nhất vẫn là những tác phẩm về vùng đất Phú Yên. “Gắn bó với nhà hát, tôi
sáng tác ca khúc cần cho hoạt động biểu diễn, theo yêu cầu của các chương
trình”, nhạc sĩ thổ lộ. Nhạc phẩm của ông khi thì tươi trẻ, khi thì trữ tình,
sâu lắng song đều dạt dào tình yêu quê hương. Một trong những ca khúc được yêu
thích là Tuy Hòa thành phố phía mặt trời, với lời ca tha thiết: Thành
phố Tuy Hòa mình yêu lắm/ Bên cửa sông đón gió biển Đông/Chiều mênh mang đường
Bạch Đằng hò hẹn/ Đèn giăng hoa đăng, lung linh cầu Hùng Vương yêu thương nối
đôi bờ… Ca khúc này ra đời khi cầu Hùng Vương chưa nối đôi bờ Đà Rằng, được lan
tỏa qua tiếng hát của ca sĩ - NSƯT Khánh Trang và ca sĩ Quốc Dũng.
Bên cạnh Tuy Hòa thành phố phía mặt trời
hay Huyền ca tháp cổ, cũng phải kể đến Hò biển, một ca khúc rất đặc sắc
của nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc. Rồi Tuy Hòa chín nhớ mười thương, Bâng khuâng đò
ơi… những nhạc phẩm được nhiều người yêu thích của nhạc sĩ. “Quê tôi ngày trước,
phía dưới có bến đò Phú Nông, phía trên có bến đò Lò Giấy. Hồi nhỏ, tôi một buổi
đi học, một buổi chăn bò nên gắn với bãi sông, bến đò. Nhà ở gần bến đò, tôi chứng
kiến nhiều đám cưới rước dâu bằng đò, rồi những cuộc tiễn đưa qua sông… nên có
nhiều cảm xúc”, tác giả Bâng khuâng đò ơi chia sẻ. Ông cũng sáng tác
nhiều nhạc phẩm về mùa xuân, ca khúc được nhiều người yêu thích Phú Yên xuân ngời
có giai điệu rộn ràng, tươi vui. “Khoảng thời gian từ tết tây đến tết ta, tâm hồn
mình như trẻ lại, dâng đầy cảm xúc. Hầu như mùa xuân nào tôi cũng sáng tác ca
khúc. Và trong tôi luôn mênh mang, đau đáu một mùa xuân rực vàng hoa bí hoa mướp,
bâng khuâng kỷ niệm ở quê nhà”, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc thổ lộ. Trong tản
văn Tinh khôi mùa xuân, ông viết: Không biết từ bao giờ, xã Hòa Bình
quê mình được gọi vui là xã bông bí. Soi Ba Họ dọc hai bên bãi sông Đà Rằng mùa
xuân trải vàng hoa bí, vàng tươi hoa mướp, ong bướm lượn từng đàn. Nhớ, vào
tháng Chạp, sáng nào mình không đi học, mẹ cũng gọi dậy sớm đi hái bông bí. Một
gánh vun nhưng nhẹ hều. Cậu học trò tiểu học quảy gánh bông bí đi trên đường
làng, lòng rộn vui. Nhìn những rổ bông bí nhuộm vàng một góc chợ, mình đã thấy
lao xao mùa xuân và nhảy chân sáo trên đường về. Những đồng bạc chắt chiu từ việc
bán bông bí qua nhiều ngày góp phần cho mẹ mua sắm tết. Đến giờ, khi không còn
trẻ nữa, mình vẫn đau đáu một bờ sông vàng hoa chứa chan kỷ niệm…
Với Chủ tịch Trương Tấn Sang ngày 21/2/2014.
Nhiều người biết đến nhạc sĩ - NSƯT Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám
đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, qua những đóng góp của ông đưa Nhà
hát từ một đoàn nghệ thuật non trẻ trở thành một trong những đơn vị ca múa nhạc
chuyên nghiệp hàng đầu đất nước. Để có được thành công ngoạn mục đó, ông
đã săn tìm, phát hiện nhân tài đưa về Nhà hát, đỡ đầu, kích thích, tạo mọi
điều kiện để họ phát triển tài năng. Bên cạnh lực lượng biểu diễn, ông đã tạo dựng
được một lực lượng sáng tác có chuyên môn giỏi, gắn bó, làm tiền đề cho sự trưởng
thành, vươn đến đỉnh cao về chuyên môn của đơn vị, như biên đạo múa NSND Hữu Từ,
nhạc sĩ NSƯThanh Hải, nhạc sĩ Xuân Huy, NS Tấn Phát, ca sĩ NSƯT Khánh Trang, ca
sĩ Thanh Vân, ca sĩ Lê Mỹ Như, cặp đôi múa NSUT Linh Xuân- NSƯT Quốc Vũ…Trong
quản lý nghệ sĩ, diễn viên ông có nhiều bước đột phá, nhạc sĩ cho những người
có tài, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được liên kết với các đơn vị nghệ
thuật khác để dàn dựng múa, viết ca khúc, sáng tác nhạc múa hoặc biểu diễn… trước
là quảng bá hình ảnh, sau là tìm thêm nguồn thu nhập nâng cao đời sống nghệ sĩ.
Những việc này không phải đơn vị Nghệ thuật nào cũng làm được.
3. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng Ka Sô Liễng,
nguyên Phó giám đốc sở Văn hóa Thông Tin Phú Khánh kể: Những năm đầu sau giải
phóng, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn khó khăn, phong trào văn nghệ ở các địa
phương của Phú Yên vẫn phát triển mạnh mẽ. Ngày ấy có đoàn cải lương Hòa Bình
được nhiều người biết tiếng. Đoàn cải lương xã mà hoạt động chuyên nghiệp.,
hoàn toàn tự thu tự chi mà có đẳng cấp. Trưởng đoàn là chàng thanh niên mới 27
tuổi táo bạo, nhiệt huyết. Đó chính là Cao Hữu Nhạc.
Năm 1989, Phú Yên tái lập tỉnh, Đoàn ca múa nhạc Sao Biển ra
đời. Một năm sau, Cao Hữu Nhạc được điều về lãnh đạo đoàn. “Vạn sự khởi đầu
nan”. Sự khởi đầu của Đoàn ca múa nhạc Sao Biển hết sức khó khăn bởi thiếu từ
con người đến trang thiết bị phục vụ biểu diễn. Ở cương vị phó đoàn, nhạc sĩ
Cao Hữu Nhạc đã cùng nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, trưởng đoàn khi ấy, ra sức quy
tụ những ca sĩ, diễn viên, nhạc công giỏi từ quê nhà và các tỉnh trong khu vực
Nam Trung Bộ - Tây Nguyên về “ngôi nhà” Sao Biển.
Và khi trở thành người “cầm lái” Sao Biển, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc
đã ghi dấu ấn của mình trong những bước phát triển mới, trong sự thành công vượt
bậc của đơn vị. Với tài lãnh đạo của ông, vượt qua những èo uột về kinh phí, về
nhân lực của đoàn nghệ thuật ở một tỉnh còn nghèo, Sao Biển vụt lớn như Phù Đổng,
làm kinh ngạc giới ca múa nhạc cả nước. Trong 10 năm qua, Sao Biển đã 3 lần đoạt
huy chương vàng, một lần đoạt huy chương bạc tại hội diễn, liên hoan Ca múa nhạc
chuyên nghiệp toàn quốc. Với vai trò Chỉ đạo nghệ thuật và Tổng đạo diễn; nhạc
sĩ đã 3 lần được trao giải thưởng Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc. Nhiều người bảo
nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc có tài “cầm quân”. Song cốt lõi chính là cái tình. Ông đối
đãi với anh em nghệ sĩ bằng cái tình. Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Bùi Thanh Hải,
Phó giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Sao Biển, người đã gắn bó với đơn vị nghệ thuật
này hơn 20 năm, nhận xét: Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc không chỉ có nhiều tác phẩm đoạt
giải, có năng lực quản lý tốt mà còn có cái tâm đối với nghề, đối với anh em
nghệ sĩ, diễn viên. Đây là tố chất không phải ai cũng có được. Nghệ sĩ mỗi người
một tính cách. Người lãnh đạo giỏi là người gắn kết các nghệ sĩ trong một mái
nhà chung.
Đặc biệt, dù đã đưa Nhà hát đến những đỉnh cao, từng biểu diễn
hầu hết các tỉnh thành lớn trong toàn quốc, cả Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ
Chí Minh, còn ra ngoài nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapor, Lào… Nhưng mỗi
khi cùng các nghệ sĩ, diễn viên ở Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển về vùng sâu vùng
xa biểu diễn phục vụ đồng bào, bao giờ nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc
cũng có cảm xúc đặc biệt. Nhạc sĩ thổ lộ: Về với bà con, tôi ngắm nhìn làng
quê, ngắm nhìn những gương mặt chân chất, nghe bà con rủ nhau tối nay đi xem ca
nhạc và thấy họ háo hức chờ đợi. Những điều giản dị đó làm tôi nhớ mãi và hiểu
hơn trách nhiệm của mình.
Thời gian vừa qua, giới làm nghệ thuật biểu diễn và bà
con Phú Yên rất vui khi nghe tin nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc có tên trong danh
sách NSND được Hội đồng Chuyên ngành cấp nhà nước thông qua trình lên Hội đồng
cấp Nhà nước xét duyệt. Ai từng biết nhạc sĩ - NSUT Cao Hữu Nhạc đều cho rằng
ông rất xứng đáng vói danh hiệu NSND cao quý.
Vừa rồi, đến nhà Cao Hữu Nhạc, bên cạnh rất nhiều bằng khen,
bằng huân chương Lao động, bằng các giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan,
ông khoe chúng tôi một khen thưởng rất đặc biệt: Đó là tờ giấy khen do chính
tay cha ông, một lương y, viết rồi trang trí để trao cho người con trai mà cụ
yêu thương, tự hào. Nội dung giấy khen như sau:
"Cha Cao Hữu Huệ nay tặng giấy khen cho con trai Cao Hữu
Nhạc vì đã cố gắng nhiều trong công tác được nhiều thành tích, mang lại tiếng
thơm cho gia đình, vinh quang cho dòng họ. Nay cha tặng giấy khen. Cha: Cao Hữu
Huệ".
Với Cao Hữu Nhạc, đây là một trong những khen thưởng quý giá
nhất trong cuộc đời ông. Cha ông đã mất hơn một năm nay, nhưng những dòng chữ đầy
tin yêu của Người luôn là nguồn động viên lớn lao đối với ông, luôn nhắc nhở
ông phải sống sao cho xứng đáng để "mang lại tiếng thơm cho gia đình,
quang vinh cho dòng họ".
Bởi vậy, đối với Cao Hữu Nhạc, những bài hát, những áng văn
hay nhất của ông, vẫn đang ở phía trước...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét