''Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần
buộc người ta ngừng đọc mà thôi'' - Mahatma Gandhi
Đọc sách là một sở thích vô cùng tao nhã và hữu ích cho nhân
loại. Người đọc như được trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế
kỷ đã trôi qua. Được dẫn dắt vào những cuộc du hành đến những vùng đất lạ, khám
phá nhiều nền văn hóa và tiếp thu nhiều kiến thức mới qua những trang sách. Những
lúc cần tìm người cố vấn hay gặp khó khăn trong cuộc sống thì sách cũng là người
bạn tâm giao lắng nghe và động viên tinh thần bạn.
''Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại
khi đã trưởng thành, và một lần nữa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên
được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng''. Robertson Davies
Tuy nhiên để lựa chọn được những quyển sách ưng ý mà gắn bó
là việc không phải một sớm một chiều. Nếu như bạn đang tìm một tựa sách hay hoặc chưa
tìm được quyển nào mình tâm đắc thì nên tham khảo 49 quyển sách hay nên đọc
trong đời bên dưới.
Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp
gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền
thống Mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất
màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong
thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức
chân dung bất hủ trong lòng người đọc.
Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy,
Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng
nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy
nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết
lý rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn
giang hồ bao phen vào sinh ra tử.
Với kết cấu hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động
gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng
đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo.
Tác phẩm Chân Dung Dorian Gray là một bức chân dung được dệt
bằng những sợi chỉ tối màu và hoảng loạn. Cuốn sách giúp người đọc nhận ra những
bí mật sâu thẳm được giấu kín, những suy nghĩ thầm kín đầy phức tạp và thiêng
liêng của thân phận con người.
Lồng trong bối cảnh cuộc tình đồng tính giữa một họa sĩ và
chàng người mẫu trẻ Dorian, nhân vật chính của tiểu thuyết, với những khát khao
ích kỷ của bản năng và trăn trở của mặc cảm, ngộ nhận; những cám dổ cố hữu của
của nhục thể và sự kháng cự quyết liệt của tinh thần, những cú trượt ngã không
phanh, những nỗ lực trong tuyệt vọng, và cả sự tự vấn, phản tỉnh… Chân dung
Dorian Gray là hành trình đi tìm lương tâm của một chàng trai trẻ. Đây là một
hành trình của những cung bậc cảm xúc: tâm tư giằng xé, trượt quan những dằn vặt
tàn khốc, giãy giụa vật vã, đối diện với những thử thách cám dỗ dữ dội để tìm
cái đẹp, cái thiện.
Dân làng ven vịnh Plata xôn xao về chuyện con quỷ biển xuất
hiện, ai nấy đều sợ đến mức không dám ra khơi. Tin đồn lan tới tận thủ đô
Buenos Aires, thu hút giới báo chí chuyên săn lùng những tin giật gân thỏa mãn
độc giả hiếu kỳ. Nhưng vẫn không ai biết thực hư như thế nào. Mọi chuyện có thể
sẽ chỉ còn được nghe như là tin đồn nếu một chủ thuyền ngọc trai đang làm ăn
trên vịnh là Zurita không cố công tìm kiếm dấu tích của con quỷ để bắt nó mò ngọc
trai cho lão. Theo sự lần dấu của Zurita người đọc cũng dần dần khám phá thực sự
quỷ biển là ai. Mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi chàng “quỷ biển” lần đầu biết
yêu!
Câu chuyện được viết hấp dẫn, gợi trí tò mò của bạn đọc. Bên
cạnh ước mơ được làm chủ biển cả của con người, truyện còn ca ngợi những tấm
lòng nhân hậu, trung thực, phụng sự hết mình cho khoa học để cứu giúp nhân loại
và bà mẹ tự nhiên. Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên toàn thế giới.
Đặt giả thuyết nếu chỉ còn đủ tiền để mua một cuốn sách để biết
về thế giới này trong thời gian ngắn nhất thì tôi khuyên bạn hãy đọc Thế giới
phẳng. Thomas Friedman là nhà báo tài năng bậc nhất mà tôi từng biết. Để viết một
cuốn sách như thế này, không biết ông đã phải đi bao nhiêu nơi, gặp bao nhiều
người, đọc bao nhiêu sách, nghiên cứu bao nhiêu thời gian. Mỗi trang sách của
ông chứa đầy thông tin, vừa mở rộng tầm mắt, vừa đánh giá, lý luận. Đọc Thế giới
phẳng, tôi đâm lo sợ, lo sợ rằng Thế giới này quá khác mình tưởng tượng, lo sợ
thế giới thay đổi quá nhanh và bị làm phẳng quá nhanh, lo sợ những gì mình học ở
trường đại học chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Đọc Thế giới phẳng để choáng ngợp và
lo sợ. Một thầy giáo ở trường tôi đã dành hẳn một tiết học để nói về Thế giới
phẳng, và nó quả là giáo trình tuyệt vời nhất cho bất kì ai muốn theo kịp với
thế giới hiện đại.
Bất kỳ ai đang sống đều sẽ có những lo lắng thường trực về học
hành, công việc, những hóa đơn, chuyện nhà cửa,… Cuộc sống không dễ dàng giải
thoát bạn khỏi căng thẳng, ngược lại, nếu quá lo lắng, bạn có thể mắc bệnh trầm
cảm. Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống khuyên bạn hãy khóa chặt dĩ vãng và tương lai
lại để sống trong cái phòng kín mít của ngày hôm nay. Mọi vấn đề đều có thể được
giải quyết, chỉ cần bạn bình tĩnh và xác định đúng hành động cần làm vào đúng
thời điểm.
Nói thì có vẻ dễ nhưng những vấn đề liên quan đến các trạng
thái tinh thần chẳng bao giờ dễ giải quyết. Chấm dứt lo lắng là điều không thể
nhưng bớt đi sự lo lắng thì có thể, chỉ cần bạn đủ quyết tâm.
Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống khuyên bạn những cách để giảm
thiểu lo lắng rất đơn giản như chia sẻ nó với người khác, tìm cách giải quyết vấn
đề, quên tất cả những điều lo lắng nằm ngoài tầm tay,… Cố gắng thực tập điều
này hàng ngày và trong cuộc sống chắc hẳn bạn sẽ thành công, có thể, không được
như bạn muốn, nhưng chỉ cần bớt đi một chút phiền muộn thì cuộc sống của bạn đã
có thêm một niềm vui.
Chúng ta sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà hầu như
không hiểu được về thế giới chung quanh. Chúng ta cũng ít khi suy ngẫm về cơ chế
đã tạo ra ánh sáng Mặt trời - một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự sống, về
hấp dẫn - cái chất keo đã kết dính chúng ta vào Trái đất mà nếu khác đi chúng
ta sẽ xoay tít và trôi dạt vào không gian vũ trụ, về nguyên tử đã cấu tạo nên tất
cả chúng ta và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào sự bền vững của chúng. Chỉ trừ
có trẻ em (vì chúng còn biết quá ít để không ngần ngại đặt ra những câu hỏi
quan trọng) còn ít ai trong chúng ta tốn thời gian để băn khoăn tại sao tự
nhiên lại như thế này mà không như thế khác, vũ trụ ra đời từ đâu, hoặc nó có
mãi mãi như thế này không, liệu có một ngày nào đó thời gian sẽ trôi giật lùi,
hậu quả có trước nguyên nhân hay không; hoặc có giới hạn cuối cùng cho sự hiểu
biết của con người hay không. Thậm chí có những đứa trẻ con, mà tôi có gặp một
số, muốn biết lỗ đen là cái gì; cái gì là hạt vật chất nhỏ bé nhất, tại sao
chúng ta chỉ nhớ quá khứ mà không nhớ tương lai; và nếu lúc bắt đầu là hỗn loạn
thì làm thế nào có sự trật tự như ta thấy hôm nay và tại sao lại có vũ trụ.
Trong xã hội chúng ta các bậc phụ huynh cũng như các thầy
giáo vẫn còn thói quen trả lời những câu hỏi đó bằng cách nhún vai hoặc viện đến
các giáo lý mơ hồ. Một số các giáo lý ấy lại hoàn toàn không thích hợp với những
vấn đề vừa nêu ở trên, bởi vì chúng phơi bày quá rõ những hạn chế sự hiểu biết
của con người.
Hiện nay, Hawking là giáo sư toán học của trường Đại học
Cambridge, với cương vị mà trước đây Newton, rồi sau này P.A.M Dirac - hai nhà
nghiên cứu nổi tiếng về những cái cực lớn và những cái cực nhỏ - đảm nhiệm.
Hawking là người kế tục hết sức xứng đáng của họ. Cuốn sách đầu tiên của
Hawking dành cho những người không phải là chuyên gia này có thể xem là một phần
thưởng về nhiều mặt cho công chúng không chuyên. Cuốn sách vừa hấp dẫn bởi nội
dung phong phú của nó vừa bởi nó cho chúng ta một cái nhìn khái quát qua công
trình của chính tác giả cuốn sách này. Cuốn sách chứa đựng những khám phá trên
những ranh giới của vật lý học, thiên văn học, vũ trụ học và của cả lòng dũng cảm
nữa.
Đây cũng là cuốn sách về Thượng đế… hay đúng hơn là về sự
không có mặt của Thượng đế. Chữ Thượng đế xuất hiện trên nhiều trang của cuốn
sách này. Hawking đã dấn thân đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nổi tiếng của
Einstein: liệu Thượng đế có sự lựa chọn nào trong việc tạo ra vũ trụ này hay
không? Hawking đã nhiều lần tuyên bố một cách công khai rằng ông có ý định tìm
hiểu ý nghĩa của Thượng đế. Và từ nỗ lực đó, ông đã rút ra một kết luận bất ngờ
nhất, ít nhất là cho đến hiện nay, đó là vũ trụ không có biên trong không gian,
không có bắt đầu và kết thúc trong thời gian và chẳng có việc gì cho Đấng sáng
thế phải làm ở đây cả. - CARL SAGA.
Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl là một trong những quyển
sách kinh điển của thời đại. Thông thường, nếu một quyển sách chỉ có một đoạn
văn, một ý tưởng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của một người, thì chỉ riêng điều
đó cũng đã đủ để chúng ta đọc đi đọc lại và dành cho nó một chỗ trên kệ sách của
mình. Quyển sách này có nhiều đoạn văn như thế.
Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như
nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ
được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều
nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu
là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường
hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau
thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh
đã giúp ông tồn tại. Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất
hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người
chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu
một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng
cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước
sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ
trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết,
một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập
trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập
trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn
trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.
Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong
cuộc sống của mình. Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người:
thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và
lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản
thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên
cho chúng ý nghĩa. Frankl đã viết rằng một người “có thể giữ vững lòng quả cảm,
phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người
và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh
tồn”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít tù nhân của Đức quốc xã là có thể giữ
được những phẩm chất ấy, nhưng “chỉ cần một ví dụ như thế cũng đủ chứng minh rằng
sức mạnh bên trong của con người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt
ngã của mình”.
Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố
Atticus của hai anh em - Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những
đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao
hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà
Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những
món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để
che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết
án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi
đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là
một người da đen.
Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết
con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay
phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh
nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con
chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng
có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.
Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu
tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc
giả ở nhiều lứa tuổi.
Có rất nhiều cuốn sách về triết học, nhưng Tôi là ai - và nếu
vậy thì bao nhiêu? là một sự khác biệt. Trước nay chưa từng có một ai dẫn dắt
người đọc đến với những câu hỏi lớn của triết học bằng một cách am tường chuyên
môn, đồng thời nhẹ nhàng tinh tế như vậy. Thông qua môn khoa học nghiên cứu não
bộ, tâm lý học, lịch sử, và thậm chí văn hóa đại chúng (pop-culture), triết gia
đương đại người Đức Richard David Precht đã khéo léo soi sáng những vấn đề ở
tâm điểm của tồn tại con người như: Sự thật là gì? Cuộc sống có ý nghĩa gì? Tại
sao tôi nên tốt? và trình bày chúng qua lối văn ngắn gọn, thông tuệ, uốn hút. Kết
quả là một chuyến du hành xuyên lịch sử triết học và một dẫn nhập sáng tỏ vào
những nghiên cứu hiện thời về não bộ. Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu?
đích thực là một cuốn sách xuất sắc để tiếp cận triết học. Cuốn sách như một
lăng kính vạn hoa của những vấn đề triết luận, những kiến thức thú vị và hài hước,
các vấn đề thuộc môn thần kinh học và sinh vật học cũng như nghiên cứu tâm lý học.
Sách chia được chia làm ba phần:
1) Tôi có thể biết gì? - tập trung vào các mô tả não bộ, bản tính cũng như phạm vi của tri thức nhân loại, khởi đầu từ các câu hỏi được mổ xẻ bởi Kant, Descartes, Nietzsch, Freud, và các triết gia khác.
2) Tôi nên làm gì? - giải quyết các vấn đề đạo đức và luân lý, sử dụng các nghiên cứu thần kinh học và xã hội học để lý giải tại sao chúng ta có thiện cảm với người khác và buộc phải hành động có đạo đức. Các cuộc tranh luận về trợ tử, phá thai, nhân bản vô tính và những chủ đề gây tranh cãi khác.
3) Tôi có thể hy vọng gì? - xoay quanh những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: Hạnh phúc là gì và tại sao chúng ta yêu? Có Chúa không và chúng ta có thể chứng minh sự tồn tại của Chúa như thế nào? Tự do là gì? Mục đích của cuộc sống là gì?
1) Tôi có thể biết gì? - tập trung vào các mô tả não bộ, bản tính cũng như phạm vi của tri thức nhân loại, khởi đầu từ các câu hỏi được mổ xẻ bởi Kant, Descartes, Nietzsch, Freud, và các triết gia khác.
2) Tôi nên làm gì? - giải quyết các vấn đề đạo đức và luân lý, sử dụng các nghiên cứu thần kinh học và xã hội học để lý giải tại sao chúng ta có thiện cảm với người khác và buộc phải hành động có đạo đức. Các cuộc tranh luận về trợ tử, phá thai, nhân bản vô tính và những chủ đề gây tranh cãi khác.
3) Tôi có thể hy vọng gì? - xoay quanh những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: Hạnh phúc là gì và tại sao chúng ta yêu? Có Chúa không và chúng ta có thể chứng minh sự tồn tại của Chúa như thế nào? Tự do là gì? Mục đích của cuộc sống là gì?
Với chủ đích dành cho giới trẻ, cuốn sách Tôi là ai - và nếu
vậy thì bao nhiêu? là chuyến khám phá hồi hộp, thông minh, hài hước và thú vị
xuyên qua thế giới bộn bề kiến thức để đến với chính bản thể con người!
Hành Trình Về Phương Đông kể về những trải nghiệm của một
đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử
sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người.
Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chúng kiến nhiều pháp luật,
nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo…của nhiều pháp sư, đạo sĩ…họ được
tiếp xúc với những vị thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về
các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật
chiêm duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết….
Đúng lúc một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành đang sắp diễn
ra với các đạo sĩ bậc thầy, thì đoàn nhận được tối hậu thu từ chính quyền Anh
Quốc là phải ngừng ngay việc nghiên cứu, tức khắc hồi hương và bị buộc phải im
lặng, không được phát ngôn về bất cứ điều gì mà họ đã chứng nghiệm. Sau cùng ba
nhà khoa học trong đoàn đã chấp nhận bỏ lại tất cả sau lưng, ở lại Ấn Độ tiếp tục
nghiên cứu và cuối cùng trở thành tu sĩ. Trong số đó có giáo sư Salding- tác giả
hồi ký đặc biệt này.
Từ phong tục trong gia tộc, phong tục xóm làng (hương đảng) đến
các phong tục ngoài xã hội, Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính là một
bộ biên khảo tương đối đầy đủ về các phong tục tập quán cũ của nước Việt. Là một
nhà nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục,
mà còn về gốc tích, nguyên ủy cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay
dở, từ đó “xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà
bổ hết cho cái tục dở.
Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”. Đến
nay, tập sách gần một trăm năm tuổi này vẫn là một trong những công trình khảo
cứu có giá trị bậc nhất về các phong tục tập quán trên đất nước ta và nhiều vấn
đề được Phan Kế Bính nhắc tới vẫn nóng hổi tính thời đại.
Chúa tể những chiếc nhẫn được viết trong thời kỳ tác giả dạy
học ở Oxford, từ năm 1937 đến 1949; nhưng những phác thảo đầu tiên về Arda đã bắt
đầu từ 1917, khi ông đang dưỡng thương trong quá trình tham chiến ở Pháp. Buổi
sáng thế từ Âm nhạc của các Ainur, những cuộc di cư lớn của người Tiên, chuyện
tình giữa Beren và Lúthien, trận chiến quy mô vũ trụ giữa các Valar cùng người
Tiên với Morgoth mà Sauron chỉ là một gã học trò, tất cả đã thành hình từ lâu
trước khi lần đầu tiên ông nghĩ tới giống dân Hobbit. Và câu chuyện về cuộc Nhẫn
Chiến trở thành một nối tiếp tự nhiên, Kỷ Đệ Tam, theo sau những thời đại hoàng
kim kia. Tolkien mong muốn tạo ra một sử thi không kém Beowulf hoặc Kalevala,
nhưng những gì ông làm được có lẽ còn rộng hơn thế.
Một trong những điểm hấp dẫn chính của Chúa tể những chiếc Nhẫn
lại không nằm trong những trang sách: mà là trong sự tồn tại của câu chuyện với
tư cách một mảnh ghép làm thành “hệ truyền thuyết” (legendarium - chữ của Tolkien)
về Trung Địa; nói cách khác, trong sự tồn tại của Trung Địa như một lục địa bên
trong Arda (thế giới này), đến lượt nó lại nằm trong Eä (vũ trụ).
Trọn bộ gồm 3 tập: Đoàn hộ nhẫn, Hai tòa tháp, Nhà vua trở về.
“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm
đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã
tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu - ngày mai chúng ta sẽ lại chạy
nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn…”
Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do
chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 - 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng
sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt,
tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước
thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi.
Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những
tưởng sẽ có tất cả - tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo
tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của
Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng. Là lời cảnh tỉnh để đời của
Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng
đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử
tinh thần nước Mỹ thời hiện đai.
Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) từ lâu đã được đưa vào giảng
dạy trong trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn tiểu
thuyết “khác thường, tuyệt đẹp, cấu trúc phức tạp song trên hết là giản dị”
(như lời chính nhà văn) đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất
thế kỷ 20 của Modern Library, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng
tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.
Hai số phận của hai con người này hoàn toàn khác nhau, một
người sinh ra trong nghèo khó nhưng lại rất may mắn, một người sinh ra trong
giàu có nhưng lại rất nỗ lực. Hai con người ai cũng phải trải qua những biến cố,
mất mát và trải nghiệm sống để mà có thể đi đến thành công. Đọc quyển sách, ta
có thể cảm nhận được những quyết tâm và tài năng của họ để đạt được mục tiêu của
đời mình, một người muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, một người muốn chứng tỏ bản
thân giỏi hơn cha mình..
Khắp làng trên xóm dưới Herfordshire xôn xao: Netherfield sắp
có người thuê, mà còn là một quý ông chưa vợ với khoản lợi tức lên đến năm
nghìn bảng mỗi năm. Chao ôi, quả là tin đáng mừng đối với gia đình ông bà
Bennett, vốn có tới năm cô con gái cần phải gả chồng. Giữa những quay cuồng vũ
hội cùng âm mưu toan tính của cả một xã hội ganh đua nhau tìm tấm chồng tốt cho
các cô gái, nổi lên câu chuyện tình của cô con gái thứ cứng đầu Elizabeth và
chàng quý tộc Darcy - nơi lòng Kiêu hãnh phải nhún nhường và Định kiến cần giải
tỏa để có thể đi đến kết cục hoàn toàn viên mãn.
Suốt hơn 200 năm qua, Kiêu hãnh và Định kiến luôn nằm trong số
những tiểu thuyết tiếng Anh được yêu mến nhất. Chính Jane Austen cũng coi tác
phẩm xuất sắc này là “đứa con cưng” của bà. Tài năng của Austen quả thực đã biến
câu chuyện tình sôi nổi nơi miền quê nước Anh thành một bản châm biếm sắc sảo
hóm hỉnh và một viên ngọc quý trong kho tàng Anh ngữ.
Chiến tranh là thứ mà không ai mong muốn xảy ra. Nó sẽ là một
thứ kinh hoàng, nổi ám ảnh cuả bất kì ai đang sống trong thời gian đó. Nhưng
trong giai đoạn đó, lại có những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa. Đó cũng
chính là câu chuyện mà quyển truyện này mang lại. Nhan đề chỉ đơn thuần là kẻ
trộm sách nhưng không phải vậy, mà ẩn chứa sau những việc ấy là những điều kỳ
diệu mà ít ai biết được. Đặc biệt là vị thần chết, kẻ mà không bao giờ vắng mặt
trong chiến tranh..
Hãy mường tượng một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn
chương ngấp nghé trên bờ tuyệt chủng, nơi thông tin nông cạn được tung hô còn
tri thức và ý tưởng thì bị ruồng rẫy, nơi tàng trữ sách là phạm pháp, ta có thể
bị bắt chỉ vì tản bộ trên vỉa hè, còn nhiệm vụ của những người lính không phải
cứu hỏa mà là châm mồi cho những đám cháy…
Khi khắc họa cái xã hội giả tưởng ấy qua con mắt nhìn khủng
hoảng niềm tin của anh lính phóng hỏa Montag, Ray Bradbury chắc không thể ngờ
vào tính tiên tri khủng khiếp của cuốn sách. Xã hội chúng ta đang sống ngày nay
giống với những gì Bradbury mô tả đến rùng mình: một nền văn minh lệ thuộc quá
nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Bởi lẽ đó, hơn sáu chục năm kể từ
lần đầu xuất bản, 451 độ F vẫn đủ sức khiến bất kỳ ai đọc nó phải sửng sốt và
choáng váng.
Mượn câu chuyện về một nông trại với những con vật nổi loạn
và xây dựng xã hội riêng cho mình nhưng cuối cùng cái xã hội mộng tưởng đó cũng
sụp đổ trong tay những kẻ cầm quyền. Một xã hội chẳng thể nào tốt đẹp và duy
trì nêu ở đó người cầm quyền chỉ chăm lo lợi ích cho bản thân mình, đàn áp người
dân, bác bỏ mọi ý kiến xây dựng tích cực. Đây là một cuốn sách phê phán hiện thực
xã hội Nga thật thâm thúy và ý nghĩa!
19/ Chúa Ruồi
Quyển sách là một câu chuyện về một đám trẻ bị lạc ở đảo
hoang, nơi mà chúng phải tìm cách mà sống và sinh tồn. Những tranh cãi, mâu thuẫn
dần đẩy lên cao trào và tiến gần đến bạo lực. Bạn sẽ lặng đi ở trang sách cuối
cùng. Hãy suy ngẫm về điều đó!.
20/ Khuyến Học
Khuyến học không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của
ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản.
Khi mới đựơc in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu
bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ
riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người
dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản
Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.
Trong cuốn sách này, Fukizawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản
của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình
đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và
chính phủ trong một quốc gia pháp trị… khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người
Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn “trời không tạo ra người đứng trên
người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, Fukuzawa Yukichi đã gây kinh
ngạc và bàng hoàng - như “không tin vào tai mình” - cho đa số người Nhật Bản vốn
bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền
suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người
sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.
Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học “từ chương” và
nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực tế”. Nền học vấn thực
học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học,
tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn
lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là “làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật
Bản” trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á
thành thuộc địa.
Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương là chấp bút của một bà mẹ
Do Thái sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, đã bồi dưỡng con cái của mình trở
thành triệu phú.
Do Thái là một dân tộc huyền bí, từng xuất hiện nhiều triết
gia vĩ đại và doanh nhân thành công ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù dân số
không đông nhưng lại có nguồn sức mạnh tiềm ẩn khổng lồ, chưa biết chừng còn nắm
giữ huyết mạch của cả thế giới.
Tích hợp phương pháp giáo dục của Trung Quốc và Do Thái, Sara cho rằng: “Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu!” Bà cũng ví von: “Một số cha mẹ Trung Quốc yêu thương con giống hình tử cung, còn các bậc cha mẹ Do Thái yêu thương con cái như hình đống lửa.”
Tích hợp phương pháp giáo dục của Trung Quốc và Do Thái, Sara cho rằng: “Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu!” Bà cũng ví von: “Một số cha mẹ Trung Quốc yêu thương con giống hình tử cung, còn các bậc cha mẹ Do Thái yêu thương con cái như hình đống lửa.”
Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật, mà tất cả mọi
người đều phải học tập. Đáng thương cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, nếu
không học cách nuôi dạy con đúng đắn thì chắc chắn sẽ chuốc lấy hậu quả đáng sợ
và đáng hận. “Con muốn học mà cha mẹ không dạy” cũng bi thương như “con muốn
nuôi, mà cha mẹ chẳng còn”.
Vậy cha mẹ cần dạy dỗ con một cách khoa học như thế nào? Đó
là một câu hỏi và cũng là một vấn đề lớn có liên quan mật thiết đến sự thành
công hay thất bại của một người và cũng như sự hưng thịnh hay suy thoái của cả
một dân tộc.
Theo định nghĩa từ Wikipedia người hướng nội là mẫu người kín
đáo, dè dặt, họ ít đi lại và ít hòa đồng. Những người hướng nội thường không
ưu tiên các hoạt động giao tiếp xã hội nhưng không có nghĩa là họ lo lắng hay
nhút nhát mà đơn thuần là không ưa các hoạt động này.
Người hướng nội thường từ tốn và chừng mực, thích đặt câu hỏi
và lắng nghe câu trả lời. Họ có thể là những nhà đàm phán, thương thuyết vô
cùng mạnh mẽ. Ngoài ra, họ cũng rất sáng tạo và có nhiều công trình để đời (Albert Einstein, Isaac Newton, Abraham Lincoln, thậm chí cả Barack Obama đều
là người hướng nội! )
Hầu hết tất cả các nhà họa sĩ, nhà văn, nhà điêu khắc, kỹ sư,
nhà soạn nhạc và phát minh đều là những người hướng nội. Người hướng nội thường
thích thú khi được tận hưởng thời gian một mình hoặc cùng với một số nhỏ bạn
thân hơn là với những nhóm đông người. Sự thật là khi gặp một vấn đề lớn hay một
việc quan trọng cần độ tin tưởng tối đa, người hướng nội là sự lựa chọn xứng
đáng cho những việc đó. Họ thường ưu tiên tập trung vào một hoạt động duy nhất
tại một thời điểm và thích được quan sát tình huống trước khi tham gia, họ có
trí tưởng tượng phong phú và thường có nhiều phân tích trước khi nói. Những người
hướng nội có thể dễ dàng bị choáng ngợp bởi sự kích thích từ các cuộc gặp mặt
hay giao tiếp xã hội có quá nhiều người tham gia.
Có thể nói thế giới của người hướng nội là một điều gì đó vô
cùng bí ẩn và cuốn hút, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều sức mạnh nội tại. Bạn là mẫu
người hướng nội hay hướng ngoại? Hãy khoan vội trả lời nếu bạn chưa đọc qua
quyển sách này.
Ai cũng có khi “phi lý trí”
Bạn sẵn sàng rút 2 nghìn đồng cho một người ăn mày nghèo khổ
trên đường. Nhưng cũng chính bạn lại cò kè từng 2 nghìn bạc với bà đồng nát khi
bán mớ báo cũ trong nhà.
Bạn sẵn sàng bỏ ra 10 triệu để chụp bộ ảnh cưới thật đẹp mà
chỉ xem một vài lần rồi cất vào tủ. Nhưng chắc chắn bạn sẽ rất cân nhắc và suy
tính cẩn thận khi quyết định mua một chiếc máy ảnh với giá 10 triệu trong khi bạn
có thể dùng nó nhiều năm liền.
Bạn cảm thấy một món ăn ngon hơn khi có người khác bỗng khen
rằng ngon đấy (cho dù có khi món ăn đó cũng không ngon đến vậy). Bạn cảm thấy
mình nhỏ bé hơn, khúm núm hơn khi có dịp nói chuyện với một người nổi tiếng cho
dù có khi anh ta cũng chẳng hơn gì bạn xét về cả hình thức lẫn trí tuệ. Vân vân
và vân vân
Nhưng không chỉ bạn phi lý, tất cả chúng ta đều luôn phi lý.
Và không chỉ trong chuyện tình cảm, mọi quyết định trong mọi lĩnh vực chúng ta
đều phi lý. Và không chỉ một vài lần, chúng ta liên tục phi lý, phi lý có hệ thống,
phi lý có thể dự đoán được.
Sách “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập đến khái
niệm, mục đích của học vấn đối với con người đồng thời nêu lên một số phương
pháp học tập đúng đắn và hiệu quả. Tác giả cho rằng giá trị của học vấn nằm ở sự
lĩnh hội và mở mang tri thức của con người chứ không đơn thuần thể hiện trên bằng
cấp. Trong xã hội ngày nay, không ít người quên đi ý nghĩa đích thực của học vấn,
biến việc học của mình thành công cụ để kiếm tiền nhưng thực ra nó chỉ là
phương tiện để đưa con người đến thành công mà thôi. Bởi vì học không phải để lấy
bằng mà học còn để “biết mình” và để “đối nhân xử thế”.
Cuốn sách này tuy đã được xuất bản từ rất lâu nhưng giá trị của
sách vẫn còn nguyên vẹn. Những tư tưởng, chủ đề của sách vẫn phù hợp và có thể
áp dụng trong đời sống hiện nay. Thiết nghĩ, cuốn sách này rất cần cho mọi đối
tượng bạn đọc vì không có giới hạn nào cho việc truy tầm kiến thức, việc học là
sự nghiệp lâu dài của mỗi con người. Đặc biệt, cuốn sách là một tài liệu quý để
các bạn học sinh - sinh viên tham khảo, tổ chức lại việc học của mình một cách
hợp lý và khoa học. Các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo sách này để định hướng
và tư vấn cho con em mình trong quá trình học tập.
Tiểu thuyết Nhà giả kim của Paulo Coelho như một câu chuyện cổ
tích giản dị, nhân ái, giàu chất thơ, thấm đẫm những minh triết huyền bí của
phương Đông. Trong lần xuất bản đầu tiên tại Brazil vào năm 1988, sách chỉ bán
được 900 bản. Nhưng, với số phận đặc biệt của cuốn sách dành cho toàn nhân loại,
vượt ra ngoài biên giới quốc gia, Nhà giả kim đã làm rung động hàng triệu tâm hồn,
trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, và có thể làm
thay đổi cuộc đời người đọc.
“Nhưng nhà luyện kim đan không quan tâm mấy đến những điều ấy.
Ông đã từng thấy nhiều người đến rồi đi, trong khi ốc đảo và sa mạc vẫn là ốc đảo
và sa mạc. Ông đã thấy vua chúa và kẻ ăn xin đi qua biển cát này, cái biển cát
thường xuyên thay hình đổi dạng vì gió thổi nhưng vẫn mãi mãi là biển cát mà
ông đã biết từ thuở nhỏ. Tuy vậy, tự đáy lòng mình, ông không thể không cảm thấy
vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách, sau bao ngày chỉ có cát vàng với trời
xanh nay được thấy chà là xanh tươi hiện ra trước mắt. ‘Có thể Thượng đế tạo ra
sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là,’ ông nghĩ.” - Trích Nhà giả kim
26/ Người Giàu Có Nhất Thành Babylon
Khi nói đến tiền bạc, chúng ta thường đề cập đến quy luật trọng
trường và nó luôn phổ quát và bất biến trong mọi trường hợp. Trải qua thời gian
dài và phát triển, quy luật này đã được trải nghiệm và đúc rút thành những bí
quyết không chỉ đảm bảo cho bạn một túi tiền đầy, mà còn giúp cho bạn có một cuộc
sống cân bằng để có thể phát triển mỹ mãn hơn những tiềm năng của bản thân
trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Bởi trên thực tế, không ai có thể phủ nhận
rằng sự dồi dào về vật chất có thể làm cho đời sống con người trở nên tốt đẹp
hơn. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, sức mạnh tài chính là phương tiện chủ yếu
để đo lường mức độ thành đạt của các doanh nhân.
Ngày nay, tiền bạc vẫn có những ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống
con người, cũng giống như cách đây năm ngàn năm nó đã chi phối mạnh mẽ cuộc sống
của cư dân vương quốc Babylon, thúc đẩy họ tìm hiểu và nắm bắt các quy luật tạo
ra tiền, nhằm có được một cuộc sống sung túc và sang trọng bậc nhất.
Những trang sách này sẽ đưa chúng ta trở lại vương quốc
Babylon cổ đại, cái nôi nuôi dưỡng những nguyên lý cơ bản về tài chính mà giờ
đây con người hiện đại đã kế thừa và vận dụng trên toàn thế giới.
Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc
Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về
những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát
để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Theo dòng hồi ức
của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu
bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế.
Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người
quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Thế
nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa
đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir
đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ. Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước
Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm
đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy
trong suốt phần đời còn lại. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ,
ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở
thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir. Và cuối
cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường
duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã
chết dưới họng súng Taliban.
Người đua diều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một
tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện ly kỳ, xúc động, xung đột gay gắt
giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật… Và sự thật, tác phẩm đã
nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần. Ngoài những khía
cạnh trên, sức hấp dẫn của Người đua diều còn bắt nguồn từ giá trị nhận thức
sâu sắc.
Bạn là một đứa trẻ 4 tuổi bỗng nhiên được cho 1 cái kẹo với lời
nói: “Nếu con cố gắng giữ không ăn cái kẹo trong vòng 15 phút thì con sẽ được
thêm 1 cái kẹo nữa.” Bạn sẽ lựa chọn thế nào? Ăn ngay hay cố gắng chờ đợi?
Theo kết quả một thử nghiệm, nhiều năm sau, khi tìm lại những
đứa trẻ đã tham gia thử nghiệm trên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những đứa
trẻ đã từng để dành kẹo, cố đợi 15 phút nữa là những đứa trẻ thành công và giàu
có hơn những đứa trẻ khác.
Trên thế giới này, không thiếu những người thông minh nhưng tại
sao họ lại chỉ là những anh tài xế bình thường trong khi những người khác - cũng thông minh như họ, lại đường hoàng là một ông chủ? Không Theo Lối Mòn là một
cuốn sách nói về bí quyết để giành lấy thành công, đồng thời lý giải sự khác biệt
giữa thành công và thất bại. Đó là sự chờ đợi và kiên nhẫn trước những lợi ích
tức thời.
Một lời khuyên khác Không Theo Lối Mòn dành cho độc giả. Điều
cốt yếu chính là hiện tại, bạn đang làm gì để tương lai thu được nhiều giá trị
hơn với bản thân mình thay vì cứ tiếc nuối một quá khứ đã ăn mất kẹo.
Được viết dưới dạng nhưng câu chuyện xuất phát từ những hình ảnh
gần gũi trong cuộc sống, Không Theo Lối Mòn dễ đọc và thích hợp với tất cả những
ai đã, đang và sẽ nhìn lại mình, muốn nỗ lực vươn tới thành công, có thể không
rực rỡ huy hoàng nhưng đạt được những điều tuyệt diệu trong cuộc sống.
Thiên nga đen là một biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra
với ba đặc điểm chính: không thể dự đoán, có tác động nặng nề và sau khi nó xảy
ra, người ta dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự
đoán hơn bản chất thật của nó. Thành công bất ngờ của Google có thể xem là một
“thiên nga đen”, sự kiện ngày 11 tháng 9 cũng vậy. Với Nassim Nicholas Taleb,
“Thiên nga đen” ẩn chứa hầu như mọi điều về thế giới này, từ sự trỗi dậy của
tôn giáo đến những biến cố trong cuộc sống của chính chúng ta.
Vì sao chúng ta không nhận thấy những hiện tượng “thiên nga
đen” mãi đến sau khi chúng xảy ra? Theo Taleb, một phần là vì con người chúng
ta tự trói buộc mình vào những cái chi tiết trong khi lẽ ra nên tập trung vào
cái tổng quát. Chúng ta tập trung vào những gì đã biết trong khi hết lần này đến
lần khác bỏ qua những thứ mình chưa biết. Do đó, chúng ta không thể đánh giá được
các cơ hội, không thể kháng lại xu hướng đơn giản hóa, tường thuật và phân loại,
và không đủ phóng khoáng để tưởng thưởng cho những ai có thể hình dung ra được
“những cái không thể”
Tinh tế, bao quát và đầy kinh ngạc, Thiên nga đen sẽ thay đổi
cách nhìn của bạn về thế giới. Taleb thực sự là tác giả của thể loại sách khai
trí với những câu chuyện dí dỏm, ngông cuồng và khác thường. Ông là người có kiến
thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học nhận thức, kinh doanh cho đến
lý thuyết xác suất. Thiên nga đen là cuốn sách mang tính bước ngoặc - bản thân
nó chính là một “thiên nga đen”.
Tuổi thơ dữ dội - cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu
và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh
sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng
da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt
huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời
còn rất trẻ.
Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết
thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc
tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư,
thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc
tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm
thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt
Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng
ký ức tuổi thơ…
31/ Nhật Ký Che Guevara
Đây không phải là câu chuyện về những hành động anh hùng phi
thường, hay là những ghi chép của một kẻ nhiều chuyện. Đây là những trải nghiệm
để khám phá cuộc sống và cảm xúc thật cùng những ý tưởng trong một cuộc hành
trình phiêu lưu lãng tử, đầy vất vả, gian truân xuyên Châu Mỹ La tinh hơn chín
tháng của Ernesto Che Guevara và người bạn thân Alberto Granado. Cuộc hành
trình thú vị của hai con người trẻ tuổi rong ruổi bên nhau trên một chiếc xe gắn
máy cũ cùng với những gì chứng kiến từ thực tế đã thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ
và khát khao của một con người muốn chinh phục và thay đổi thế giới xung quanh.
Và con người đó đã dám sống và làm như vậy. Con người mà sau này khiến cả thế
giới phải nể phục. Con người mà cái tên đã trở nên một huyền thoại - Che!
Đọc những dòng nhật ký chân thật của Che, chúng ta sẽ được sống
lại, đi cùng với cuộc hành trình lý thú của Che, hiểu được tâm hồn lãng mạn,
tình cảm và tính cách đặc biệt của Che, và hiểu được những gì mà chàng trai
Ernesto cảm nhận được qua cuộc hành trình này đã góp phần lớn tạo nên con người
Che sau này.
Che sinh ra và lớn lên tại Arhentine, tham gia cách mạng và
chiến đấu ở Cuba và hy sinh ở Bolivia khi 39 tuổi. Che xuất thân từ một gia
đình trung lưu thuộc dòng dõi những người thích dấn thân vào những chuyện phiêu
lưu, mạo hiểm. Ngay từ thời thơ ấu, Che đã nghĩ mình thuộc về thế giới này và đất
nước Argentina chỉ là nơi sinh ra anh chứ không phải là nơi trú ngụ của anh. Và
tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của một đứa bé mà số phận đã định trước để
trở thành một anh hùng, một con người của mọi con người.
Hãy đọc và đi cùng Che trên chiếc xe gắn máy qua những miền đất
lạ, hãy trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ, thú vị trong chàng trai
Ernesto, trong Che - và trong chính bạn.
Là câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế
Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu
thế giới. Quyển sách này có thể trả lời cho những thắc mắc làm thế nào một đất
nước nhỏ bé lại có thể tồn tại giữa sự thù địch của các quốc gia lân cận, đối
phó với những cuộc chiến giữ vững bờ cõi mà vẫn tạo ra sự sáng tạo vượt bậc
trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và dân sự.
Với ngòi bút sắc sảo, phong phú và tập trung những lời nhận
xét thực tế từ những doanh nhân thành công hàng đầu, “Quốc gia khởi nghiệp” đã
đem đến những cái nhìn mới mẻ về con người và đất nước Israel, làm sáng tỏ phần
nào những thành công tưởng chừng như không tưởng của đất nước nhỏ bé này. Cá
tính quyết liệt, dám thách thức và sáng tạo không ngừng của những con người Do
Thái lưu vong, chạy trốn và sống sót sau những cuộc thảm sát trong Chiến tranh
thế giới thứ II, không cam chịu cuộc sống nghèo khó, họ đã cùng với những người
theo Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái gây dựng và bảo vệ đất nước Israel bằng chính
sức lực của mình và khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Ngày nay, Israel là một trong những quốc gia có nền kinh tế
phát triển nhất thế giới và có lĩnh vực công nghệ phát triển không hề thua kém
Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. “Quốc gia khởi nghiệp” được xuất bản với hy vọng
sẽ đem đến cho độc giả những bài học về khởi nghiệp của một quốc gia luôn có nền
kinh tế phát triển sôi động, con người thì luôn hướng đến sự cách tân và hướng
đến một tương lai tươi sáng hơn.
Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống
ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden - nổi loạn, thiếu giáo
dục, và lạ lùng.
Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực
của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán
ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những
trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Holden thô thiển, tục
tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi.
Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để
nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất
thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết
lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại
trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính
mình.
“Cuộc Cách Mạng Một - Cọng - Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của
Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới.
Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức
nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự
nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống,
về y học và cuộc sống.
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người
nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người
đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự
nhiên.
Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách
mạng một - cọng - rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách
chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên
nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương
đất đai cây cỏ.
Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này
những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự
nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối
là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.
Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức
của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định
như vậy.
Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn
kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này,
khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết
sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với
môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.
Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính
mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn
sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì
vậy.
Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông
Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do
những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu
bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật
vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị
nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi
một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu
vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như
thiên nhiên vốn có.
Tiếng hót của con chim vặn giây cót chỉ vang lên vào những thời
khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín, hay khoảnh
khắc thấu suốt cảm giác về Định mệnh; tiếng chim tiên báo những thảm hoạ khốc
liệt khơi nguồn từ chính con người, cũng là tiếng thúc giục âm thầm của khát vọng
đi tìm chân lý. Tiếng hót của chim vặn giây cót trở thành biểu tượng sự thức tỉnh
những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống
hiện đại. Đó chính là ý nghĩa của hình tượng chim giây cót xuyên suốt cuốn tiểu
thuyết lớn của Haruki Murakami
Câu chuyện đưa ta đến nước Nhật thời hiện đại, với những thân
phận con người bé nhỏ, lạ lùng. Những cô bé 15 tuổi, như Kasahara May, ngồi sau
xe môtô phóng với tốc độ kinh hoàng, vươn tay bịt mắt bạn trai phía trước. Sau
tai nạn, bạn trai qua đời, chỉ còn lại mình cô với nỗi day dứt khôn nguôi:
“Chính vì có cái chết, người ta mới phải băn khoăn nhiều đến thế về sự sống.”
Tác phẩm dẫn người đọc khám phá những tầng lớp tối tăm nhất của
hiện thực. Những mưu đồ, những toan tính xoắn quện vào nhau và rồi người ta
đánh mất bản ngã của mình trong vòng xoáy đó. Cuốn sách vô cùng khó đọc, xứng
danh là tác phẩm “đồ sộ nhất từ trước tới nay của Haruki Murakami”, đừng mua nó
về nếu bạn không phải là người thích nghiền sách ra nước hay khoái cảm giác tìm
tòi đến tận bản chất.
Bí Kíp Quá Giang Vào Ngân Hà là tất cả những điều cần biết nếu
bạn nghèo kiết xác mà lại khao khát chiêm ngưỡng các kỳ quan của vũ trụ, chỉ với
chưa đầy ba mươi đô la Ngưu Lang một ngày.
Với bí kíp trong tay, một nhóm người ngoài hành tinh kỳ quặc
bên cạnh, và một Trái Đất nổ tung sau lưng, Arthur đột nhiên trở thành kẻ lữ
hành lạc trôi trong Vũ Trụ. Không, câu chuyện sẽ không mộng mơ hay nghiêm túc
như bạn tưởng, mà quay cuồng giữa những trò khôi hài, ngẫu hứng, điên rồ. Một
truyện khoa học viễn tưởng cực kỳ hài hước.
Nhân vật Victor Frankenstein do nhà văn nữ người Anh Mary
Shelley (1797-1851) sáng tạo trong tác phẩm Frankenstein (hay còn gọi là
Prometheus hiện đại) xuất bản lần đầu nằm 1818, được xem là tác phẩm khai dòng
tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nổi tiếng suốt hai thế kỷ cho đến nay.
Câu chuyện về một nhà khoa học khao khát sự bất tử tên là
Victor Frankenstein đã cố gắng tìm cách ráp nối những bộ phận của những xác chết
khác nhau để tạo ra một cơ thể sống, và đặt tên cho sinh vật mình sáng tạo ra
là Adam. Nhưng Adam này bị coi như quỷ nhập tràng, và nổi tiếng bằng cái tên của
người tạo ra hắn: Frankenstein.
Sức hấp dẫn lâu dài của Frankenstein là ở giá trị cảnh báo hiểm
họa tiềm ẩn từ một xã hội công nghiệp hậu hiện đại, khi tiến bộ khoa học và
công nghệ bị lạm dụng đến mức con người dường như đoạt được quyền sáng tạo của
tự nhiên.
Không gia đình kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ
hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi cầm đầu đoàn ấy đi lưu lạc
khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy
đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi
nơi, “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động mà sống, lúc đầu dưới
quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali, về sau thì tự
lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả
một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy hôm liền không có
chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn
trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước tòa và
bị ở tù.
Không Gia Đình là cuốn sách được xếp vào danh mục văn học thiếu
nhi nhưng rõ ràng, với những gì Không Gia Đình đã kể thì đây là cuốn sách dành
cho mọi lứa tuổi ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp.
Ernest Hemingway từng nói: “Toàn bộ văn học Mỹ hiện đại đều
thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain, đó là Những cuộc phiêu lưu của
Huckleberry Finn”.
Sau những cuộc phiêu lưu cùng Tom Sawyer, Huck Finn được bà
quả phụ Douglas đón về nuôi. Nhưng với bản tính ưa tự do, Huck không chịu nổi
việc phải ăn vận sạch sẽ, học hành theo khuôn phép trưởng giả dù được sống giàu
sang. Cộng thêm với việc người cha tưởng đã chết đột ngột trở về tiếp tục hành
hạ, gây rắc rối cho cậu, Huck quyết định cùng Jim - một nô lệ da đen bỏ trốn - cùng xuôi dòng Mississippi, bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới.
Nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra trong chuyến phiêu
lưu. Không chỉ thế, Huck còn lâm vào những tình huống nguy hiểm khi bị cuốn vào
cuộc tranh chấp giữa hai dòng họ với những cuộc đọ súng chết chóc… Nhưng cũng
chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Huck đã nhận ra giá trị của cuộc sống để
hướng về sự tự do và hết lòng giúp đỡ người nô lệ da đen tội nghiệp. Từ một cậu
bé chỉ biết phá phách, Huck đã xác định rõ ràng mục đích sống, biết phân biệt
đúng sai bằng trái tim thuần hậu và thoát khỏi những định kiến méo mó được nhồi
nhét qua cách giáo dục sai trái.
Các nhà phê bình văn học đã đánh giá Những cuộc phiêu lưu của
Huckleberry Finn là tiểu thuyết ưu tú nhất của Mark Twain, bởi tác giả đã vận dụng
một cách nhuần nhuyễn phương ngữ của nhiều vùng, nhiều tầng lớp người để diễn tả
những trạng huống tâm lý phức tạp, cũng như mô tả xuất sắc cảnh vật thiên
nhiên. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại
của văn học Mỹ, và rất nhiều lần được đưa lên màn ảnh.
40/ Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã
Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã (nguyên bản tiếng Anh: The Call of the
Wild) là tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Jack London. Chuyện kể về những chuyến
phiêu lưu mạo hiểm của chú chó Bấc trung thành. Bấc đang sống trong trang trại
của một gia đình giàu có thì bị bắt cóc, trở thành chó kéo xe cho những người
đi tìm vàng ở khu Alaska lạnh giá. Bấc phải học cách đối diện với cuộc đấu
tranh sinh tồn và trở thành thủ lĩnh của đàn chó. Thiên nhiên nguyên thủy đã
đánh thức bản năng của Bấc.
Sau một lần đi săn trở về, Bấc nhìn thấy cái chết thương tâm
của Thoóctơn - người chủ nó thương yêu nhất. Tình yêu thương, sự trung thành mà
Bấc dành cho Thoóctơn trở thành nỗi đau thống thiết, Bấc trở nên hoang dã hơn
bao giờ hết… Không còn mối liên hệ nào níu Bấc lại với con người, nó bị cuốn
theo tiếng gọi nơi hoang dã, cuối cùng trở thành một con sói hoang.
Xuất bản lần đầu năm 1903, Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã đã trở
thành kiệt tác cuốn hút biết bao thế hệ người đọc. Đọc Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã,
bạn đọc sẽ cùng Bấc phiêu lưu tới những miền đất hoang sơ chưa ai biết, hiểu thế
nào là lao khổ, tình yêu thương, sự trung thành và khát vọng tự do…
Câu chuyện về một phi công phải hạ cánh khẩn cấp trong sa mạc.
Anh gặp một cậu bé, người hóa ra là một hoàng tử từ hành tinh khác đến. Hoàng tử
kể về những cuộc phiêu lưu của em trên Trái Đất và về bông hồng quí giá trên
hành tinh của em. Em thất vọng khi phát hiện ra hoa hồng là loài bình thường
như bao loài khác trên Trái Đất. Một con cáo sa mạc khuyên em nên yêu thương
chính bông hồng của em và hãy tìm kiếm trong đó ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhận
ra điều ấy, hoàng tử quay trở về hành tinh của em.
Walden - Một Mình Sống Trong Rừng là một hồi tưởng đầy chiêm
nghiệm suy tư về quãng đời “hai năm hai tháng hai ngày” sống một mình trong một
mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden, “Giọt nước của Trời”, “đáng yêu hơn kim
cương” trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình.
Ở Walden, ông đã số́ng nhiệt thành say mê đầy tỉnh thức “Tôi
đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện
tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy
tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa
hề sống”. Ông chủ trương sống đơn giản vì “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi
là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc
nâng cao phẩm giá con người”. Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu
đầy vui thú.
Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống
hai năm cuối đời mình, từ đó cuốn đó nhật ký đặc sắc của cô đã trở thành một
tác phẩm kinh điển của thế giới - một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn
của chiến tranh và là một lời tuyên bố về tinh thần của loài người.
Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười
ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến
khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình
Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một
tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với
sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về
cái chết luôn luôn hiện diện trước mắt.
Trong nhật ký của mình, Anne Frank ghi lại một cách sống động
những trải nghiệm trong thời gian đó. Suy tư, cảm động, rồi hài hước, những
miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con
người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm,
một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.
Đọc cuốn nhật ký này bạn sẽ thấy cảm thương lẫn kính phục nghị
lực và sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ, vượt qua sự “gặm nhấm”, “mài mòn” của
những toan tính nhỏ mọn, tầm thường ngột ngạt xung quanh để sống và ước mơ.
Tháng Tư năm 1992, một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia
đình khá giả ở Bờ Đông bắt xe đi nhờ tới Alaska rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất
hoang dã phía Bắc ngọn McKinley. Tên cậu là Christopher Johnson McCandless. Cậu
đã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đô la Mỹ cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe
hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví và bắt đầu
tạo dựng một cuộc đời mới cho chính mình…
Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một
tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander
Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn
độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ. Dưới ngòi bút sống động của
Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường
đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một
tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến
và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc
bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ
khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình
bị ung thư và phải điều trị lâu dài.
Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã
được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả
cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký
ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức
hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não
là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một
biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ
đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” - Kalanithi luôn
biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.
Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho
con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt
qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ
mãi.
Một chín tám tư (tựa tiếng Anh là Nineteen Eighty-Four; thường
được viết là 1984) là một tiểu thuyết về xã hội giả tưởng thể loại dystopia (dạng
sầu bi) của nhà văn Anh George Orwell, xuất bản năm 1949. Quyển sách kể về câu
chuyện của Winston Smith và sự biến chất của anh gây nên bởi chế độ chuyên chế
mà anh sống.
Cùng với Brave New World của Aldous Huxley, đây là một trong
những xã hội giả tưởng dystopia nổi tiếng nhất và thường được trích dẫn nhất
trong văn học
Cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang 62 thứ tiếng và đã để lại
một ấn tượng sâu xa về chính bản thân tiếng Anh nó. Một chín tám tư, thuật ngữ
cũng như tác giả của nó đã trở thành ngạn ngữ khi người ta thảo luận về những vấn
đề an ninh nhà nước và sự riêng tư cá nhân. Thuật ngữ Orwellian cũng được sử dụng
rộng rãi khi mô tả những hành động hoặc tổ chức gợi lại xã hội chuyên chế được
dựng lên trong cuốn tiểu thuyết.
Một chín tám tư đã từng có lúc được xem như một sự nguy hiểm
về mặt chính trị và cho cách mạng và vì vậy bị cấm bởi nhiều thư viện ở nhiều
quốc gia khác nhau, chứ không riêng gì những chính thể chuyên chế.
Tại một vùng đầm lầy nước Anh, cậu bé mồ côi Pip, bất chấp cuộc
sống nghèo khó ở lò rèn, vẫn không ngừng mơ được trở thành một quý ông. Số phận
đưa cậu tới những cuộc gặp gỡ kỳ lạ nhất, với một tên tù trốn trại, với một bà
cô già giàu có nghiệt ngã chôn mình trong dinh thự, với Estella mà sắc đẹp chỉ
có thể so với chính sự kiêu ngạo của nàng.
Giữa các cuộc gặp gỡ đó là một điều còn phi thường hơn: Pip
được hứa hẹn sẽ được thừa kế một gia sản khổng lồ từ một người ẩn danh, một gia
sản vĩ đại cho phép cậu bước chân vào giới quý tộc như hằng mơ ước.
Gia tài vĩ đại được hứa hẹn ấy đã cuốn tất cả các nhân vật
vào một vòng xoáy ly kỳ bậc nhất, dần hé lộ những sự thật bất ngờ, bao gồm cả sự
thật về chính nó. Hành trình của Pip từ vùng nông thôn lầy lội ảm đạm đến những
con phố nhộn nhịp thành London thế kỷ 19 cũng chính là hành trình trưởng thành
của cậu từ cậu bé nghèo với trái tim quả cảm nhưng ít nhiều phù phiếm thành một
người đàn ông có chiều sâu nhân cách; và khi kể câu chuyện ấy về cậu
Dickens cũng đồng thời kể một câu chuyện về tội lỗi và trừng
phạt, hận thù và tưởng thưởng, tài sản và đạo đức, mất mát và tình yêu. Cầu kỳ,
lắt léo nhưng diễn tiến nhanh và nhiều khi hài hước, suốt hơn một thế kỷ qua Những
kỳ vọng lớn lao vẫn luôn được lòng cả độc giả lẫn giới phê bình. Nhiều người
còn coi đây là tác phẩm hay nhất của Charles Dickens.
Nhìn thẳng vào vực thẳm của chế độ nô lệ, cuốn tiểu thuyết xuất
sắc này đã biến lịch sử thành một câu chuyện dữ dội và rúng động. Seth, nữ nhân
vật chính, sinh ra là nô lệ, bỏ trốn tới Ohio, nhưng mười tám năm sau chị vẫn
chưa được tự do. Chị vẫn còn quá nhiều ký ức về Mái Ấm, về cái nơi tươi đẹp đã
từng xảy ra biết bao chuyện kinh hoàng. Và ngôi nhà mới của chị bị ám bởi một hồn
ma, hồn ma của chính đứa con chị đã giết, đứa trẻ đã chết mà chưa kịp có tên,
trên mộ bia chỉ đề Yêu Dấu.
Yêu Dấu không dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ
chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu
trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác
nghiệt của số phận và của lòng người, sau đòn roi, sau hàm sắt, sau những xác
người lủng lẳng trên cây không đầu không chân, những bạo lực cực đoan, những
chuyến tàu chở nô lệ nơi người da đen ngày ngày chết đi rồi bị vứt xác xuống biển,
Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về
tình yêu và hy vọng, về khát vọng - khát vọng sống và tự do - mãnh liệt, bạo liệt
vô cùng.
Mãi mãi được vinh danh là một chiến thắng của trí tưởng tượng.
Xứ Cát là câu chuyện về chàng Công tước trẻ tuổi Paul Atreides trên hành tinh
sa mạc Arrakis, người đã đơn độc dấn thân vào một cuộc phiêu lưu sinh tử, không
hề biết rằng mỗi hành động của mình sẽ góp phần quyết định vận mệnh của cả
thiên hà.
Với sự pha trộn không thể tuyệt vời hơn giữa chất phiêu lưu,
chủ nghĩa thần bí, thuyết môi trường và những quan điểm về chính trị, tôn giáo,
về tự do, tình yêu, về sự sống và cái chết… Xứ Cát không chỉ là lựa chọn đối với
những tín đồ của Chúa nhẫn, Chiến tranh giữa các vì sao… mà còn chinh phục độc
giả đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp và sở thích. Ngay sau khi ra đời, Xứ Cát đã
nhanh chóng được giới phê bình nhiệt liệt chào đón, được trao giải Nebula dành
cho tiểu thuyết khoa học giả tưởng hay nhất năm 1965, rồi năm sau lại đoạt giải
Hugo. Xứ Cát đã được bán hàng triệu bản và trở thành tiểu thuyết khoa học giả
tưởng bán chạy nhất mọi thời đại.
John Vu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét