Nhà văn Kim Lân: Văn chương
Cuộc sống nhân ái và bi kịch ở vùng nông thôn Kinh Bắc cùng với
sự đổi đời từ Cách mạng Tháng Tám, đã giúp tài năng Kim Lân thăng hoa, trở
thành một trong những cây bút truyện ngắn độc đáo, xuất sắc nhất nền văn học Việt
Nam thế kỷ XX.
Viết văn được sống, nghĩ đẹp hơn
Tôi nhớ sinh thời, tác giả của Bỉ vỏ từng “phán” về đồng nghiệp
của mình rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần
hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn. Thật không chê vào đâu được lời “truyền
thần” ấy của nhà văn Nguyên Hồng. Giống như Đoàn Chuẩn trong âm nhạc, Kim Lân
là nhà văn viết ít nhưng hầu như truyện ngắn nào của ông cũng để lại dấu ấn nhất
định trong lòng bạn đọc. Và nếu cuộc đời là một cuộc chơi lớn thì đối với con
người tài hoa ấy, bên cạnh văn chương ông còn từng đắm mình “chơi” trong hội họa,
kịch nghệ, điện ảnh...
Lần đầu tôi may mắn được gặp nhà văn Kim Lân từ cuối tháng
4-1994. Giữa cái nắng oi oi mùa hạ Hà Nội, trước khi Hội nghị Nhà văn trẻ toàn
quốc lần thứ IV khai mạc một ngày, nhà thơ Phạm Đình Ân đưa tôi đến phố Hạ Hồi
thăm nhà văn Kim Lân. Bậc lão thành lúc ấy sức khỏe còn tốt, trí tuệ minh mẫn, ứng
xử hoạt bát, cử chỉ khoan thai. Dù đã về thành phố sống mấy mươi năm nhưng cốt
cách của một người quê Kinh Bắc vẫn không phai mờ trong ông. Ngay lần gặp đầu
tiên, ký ức cùng những suy tư trăn trở của nhà văn Kim Lân đã thực sự đem lại
cho chúng tôi nhiều bài học quý giá. “Tôi nghĩ nhà văn cũng là một con người
như mọi người, cũng đầy những khuyết tật, những cá tính riêng, kể cả những thói
xấu riêng. Nhưng khi đã là người viết văn, ngồi trước trang giấy trắng thì hình
như lúc ấy mình sống, mình nghĩ đẹp hơn. Hình như mình vượt khỏi những thói tật
hàng ngày của mình. Hình như thế. Tôi cũng chẳng cắt nghĩa các trạng thái này
bao giờ. Không biết có đúng thế không, hỡi các bạn văn trẻ?”, nhà văn Kim Lân
cười mở đầu câu chuyện một cách cởi mở.
Với chiếc tẩu thuốc lào thường trực bên cạnh, tôi có cảm giác
nụ cười hồn hậu pha nét hóm hỉnh không bao giờ tắt sau cặp kính lão nặng độ của
nhà văn Kim Lân. Ông nói: “Mới đầu thì người ta thích tiếng, muốn mọi người biết
đến mình. Tôi cũng vậy. Là con một người vợ lẽ, nhà nghèo, tôi làm thợ sơn guốc,
ít học, đang học dở dang thì bỏ. Tôi thấy bạn bè tài năng không hơn gì mình,
nhưng là con nhà giàu, có điều kiện học hành tử tế, làm chuyện này chuyện nọ,
cuộc sống khá tử tế. Còn tôi nếu cứ mãi làm anh thợ sơn guốc ở làng thì khổ thật,
chết thật, tủi cho thân phận mình quá. Tôi đâm tự ái. Tôi muốn phải làm cái gì
đó được như họ, hay hơn họ, nên tôi thử bắt tay ngồi viết”. Nhà văn cho biết
thêm: “Sở dĩ tôi viết vì tôi còn vốn là một anh tài tử, ham chơi, thích vẽ, vẽ
theo kiểu anh nhà quê khéo tay ấy mà. Lúc tôi viết truyện Làng cũng là lúc tôi
làm kịch. Thậm chí chẳng những dạy kịch cho đám trẻ con, mà tôi còn tổ chức thi
vẽ tranh thiếu nhi rồi chủ xị những đêm kịch nói, kịch thơ ở làng trước Cách mạng
Tháng Tám”.
Quan niệm về văn chương
Đối với Kim Lân, không phải viết ít là do ông không muốn viết.
Ông từng vật vã nhiều đêm, từng chuẩn bị nhiều cốt truyện đem khoe với bạn bè đồng
nghiệp để cảm thấy mình mắc nợ mà viết. Thậm chí có lúc nhà văn còn nghiêm
trang chuẩn bị bàn ghế, sắp sẵn giấy bút trong phòng văn, một mình một thế giới
riêng cùng tẩu thuốc Lào nhả khói mù mịt, quyết tâm “cày” cho bằng được. Nhưng
cuối cùng ông vẫn cứ ngồi thừ... im lặng trước trang giấy trắng. Vì sao?
Kim Lân không thể lý giải. Ông chỉ cảm thấy bất lực trước sự
“tịt ngòi” khó hiểu của mình. Phải chăng thiên chức nhà văn mà đấng tạo hóa vô
hình ban cho ông đến đó đã bị “treo ấn”? Tôi chợt nhớ đến lời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn,
đại ý: Viết nhiều mà dở thì thà đừng viết còn hơn! Văn chương cũng như mọi sáng
tạo nghệ thuật khác, cái chính là chất chứ không phải lượng. Theo tôi, có lẽ điều
quan trọng là nhà văn Kim Lân cảm thấy không thể viết hay được nữa, nhất là hay
hơn chính những gì mình đã có.
Và hình như chính vì sự khó ấy, mà văn chương đối với nhà văn
Kim Lân là một cái gì rất thiêng liêng. Ông thổ lộ: “Lắm lúc tôi thấy văn
chương là một thứ đạo, đạo làm người, như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo nào
cũng đòi hỏi sự thương yêu giữa con người với con người, đòi con người có quyền
làm người, bình đẳng, tự do, bác ái. Mỗi người truyền một cách, nhưng cuối cùng
con người vẫn thương yêu nhau và làm cho con người có tư cách, có nhân phẩm,
tài năng để đánh giá đúng và chống lại bạo ngược, cường quyền, áp bức. Cũng như
các ngành nghệ thuật khác, văn chương còn là một thứ giải trí. Làm cho người ta
vui thích, yêu đời, thư giãn sau những mệt mỏi, như thế cũng là ích lợi, là
nhân văn cho người thưởng thức”.
Những quan niệm về văn chương của nhà văn Kim Lân thực sự làm
tôi bất ngờ. Ở thời điểm ấy, hầu như tôi chưa nghe ai phát biểu như vậy sau những
năm tháng học trong nhà trường và vài năm đi làm báo. Và nhà văn kết luận: “Rõ
ràng, văn chương là thứ tôn giáo chứ gì, mà tôn giáo này không cần đến súng
gươm, không bắt buộc người ta phải theo, ai muốn theo thì theo. Và mỗi người
“truyền đạo” theo kiểu riêng của mình, miễn sao nó chinh phục được trái tim con
người, bằng cảm nhận chứ không bằng lý lẽ hoặc bằng hăm dọa”.
Và bài học mà ông rút ra: “Theo kinh nghiệm của tôi, những
chuyện thật mà tôi ghi lại được thì đều nhạt nhẽo và khô cứng. Nhưng sự thật
cũng có giá trị của sự thật, rất giá trị, rất cần thiết nữa. Tất cả những truyện
Vợ nhặt, Ông lão hàng xóm, Con chó xấu xí đều dựa trên cái nền là sự thật. Còn
những truyện khác, kể cả Làng, hầu hết là tôi bịa. Bịa cả nhân vật lẫn tình tiết.
Bởi không có sự thật nào như thế cả. Nhưng cái bịa ấy là cái điều mà chính tác
giả muốn nói. Và chính tác giả muốn nói nên mới sinh ra cái bịa. Gọi là bịa chứ
kỳ thực chính là sáng tạo”.
PHAN HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét