Nguyễn Hoa: Bâng khuâng
Tôi quen biết và thân thiết với nhà thơ Nguyễn Hoa chừng hơn
ba chục năm có lẻ. Tôi luôn yêu quí và tôn trọng anh vì tài năng một phần, còn
quan trọng hơn là một nhân cách sống. Nhân cách sống, nói cứ như đùa, nhưng tên
chính xác của nó vẫn phải là một nhân cách sống. Anh lặng lẽ, hiền lành mà giống
như một tấm gương, để là một tấm gương trung thực, thẳng thắn, nhường nhịn, khổ
đau âm thầm phản chiếu những buồn vui, ấm lạnh của cuộc đời, của đời sống văn
chương, bầu bạn văn chương trong một nỗi buồn, nỗi cô đơn thăm thẳm và cực đoan
nào đó. Tôi rất quý và kính trọng tình bạn thủy chung của anh với hai nhà thơ
khác rât đáng kính trọng và rất nhiều mến yêu là Nguyễn Thuỵ Kha và Nguyễn Trọng
Tạo. Những lúc đùa vui, những giờ ngất ngưởng, tôi thường gọi các anh là “những
giọt mưa đồng hành”, nhại theo tên bài thơ rất hay, rất nổi tiếng của
Nguyễn Thuỵ Kha. Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc rượu vui vẻ của những người bạn
ấy, trong khi Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thuỵ Kha uống rượu lu bù, cười nói
vung trời, ngỡ như họ đang “bán trời không văn tự” thì Nguyễn Hoa cứ bình tĩnh,
thản nhiên, lặng lẽ ngồi nghe, vừa tủm tỉm cười, vừa uống… nước khoáng! Đừng tưởng,
anh chịu lép, chịu thua hai người bạn thân thiết và đầy tài năng trời phú của
mình. Anh yêu bạn thương bạn, mà chiều, mà nhường nhịn đó thôi. Ngày xưa, ở nước
Tàu, có ông Bá Nha và ông Tử Kỳ thân quí nhau, tri âm tri kỷ với
nhau chỉ bởi một tiếng đàn, đến thành điển tích, điển cố văn chương, nghệ thuật,
thiết nghĩ cũng đến thế là cùng. Sau bao năm gần gũi và chứng kiến cách sống,
cách ứng xử của Nguyễn Hoa, tôi nhận ra rằng, thực chất trong bản lĩnh, trong
tâm hồn, Nguyễn Hoa là một thi sĩ đáo để. Anh đáo để một cách lặng lẽ, âm thầm.
Anh đáo để không trong giao tiếp bạt thiệp, anh đáo để không bởi những tranh
giành quyền chức, quyền lực, những cạnh tranh vì miếng cơm, manh áo, một chiếc
ô tô hay một cái nhà lầu. Những thứ đó, theo tôi, Nguyễn Hoa có thể có và cũng
có thể nhường, sẽ thản nhiên và âm thầm chịu đựng, nếu lộc trời và lộc đời
không ban cho anh. Nhưng với thơ thì anh quyết liệt. Anh kiệm lời
trong giao tiếp đã đành, đến kiệm chữ trong thơ mới thực là riết róng. Hôm vừa
rồi, Nguyễn Hoa tặng tôi tập thơ mới của anh, có tên là Ánh mắt tươi. Xưa
nay, người đời chỉ biết đến rau tươi, cá tươi, thịt tươi… rồi đến gió tươi của
những người thợ mỏ là cùng, theo cách nói của cố nhà văn Tô Ngọc Hiến ở Quảng
Ninh, còn Ánh mắt tươi thì quả lần đầu tôi gặp. Nếu tôi nhớ không nhầm,
thì đây là tập thơ thứ 10 của Nguyễn Hoa. Người làm thơ ở đất nước
mình, có đến 10 tập thơ được in ra, đâu phải là chuyện dễ, đâu phải là chuyện
muốn là được! Giữa thời buổi kinh tế thị trường, thơ ngày càng mất giá, chỉ còn
cách như ông Tản Đà, gánh thơ lên chợ Trời bán, may ra mới đắt, mà cũng chưa chắc.
Vậy mà nhà thơ Nguyễn Hoa in liền tù tỳ những 10 tập thơ, thì tôi xin bái phục, nói như cố nhà văn Vũ Bão thì chúng tôi, những người bạn anh đều
kính trọng mà “vãi linh hồn”!
Tôi
đã đọc Ánh mắt tươi của Nguyễn Hoa trong niềm bái phục đó. Càng bái
phục hơn khi anh một mực trung thành với tuyên ngôn của mình về thơ, sở nguyện
của anh về thơ:
Tôi
thích
Lời
thẳng
đắm
lòng
thơ
ngắn!
Trong
bạt ngàn thơ hiện nay, Nguyễn Hoa đã tự giác và kiên cường chọn cho mình một lối
đi riêng, khác kiểu, khác người, trước hết đó là một cá tính thơ, sau đó là dấu
hiệu của thành công rồi. Nói thế, bởi vì tôi nghĩ, người làm thơ có tính cách
riêng là người đã thành công một nửa trong lựa chọn nhiều khi khắc khoải và đau
đớn của mình. Nhà văn Lỗ Tấn nói: “Trên mặt đất vốn không có đường, người ta đi
mà thành đường!”Con đường nhà thơ Nguyễn Hoa chọn, theo tôi là con đường mòn
leo núi của một gã tiều phu. Chí ít, anh cũng biết tự vẽ ra con đường cho mình
đi mỗi ngày và chiều chiều, anh mang về được một gánh củi. Một gánh củi còn hơn
là những kẻ cuống cuồng, sấp ngửa, hớt hải đi mãi rồi cuối cùng trắng tay!
Thơ
Nguyễn Hoa bề ngoài tưng tửng, hồn nhiên, nhưng thực ra thâm hậu lắm! Đó là sự
thâm hậu của lặng im. Nhà thơ Gamdatốp của xứ Đaghetxtăng nói rất hay rằng: “Người ta cần 2 năm để học nói và cần 60 năm để học im lặng.” Thật là một ý tưởng
tuyệt vời cho mọi người cùng suy ngẫm, và cũng thật đồng điệu cho phong cách
thơ Nguyễn Hoa. Dường như, Nguyễn Hoa chỉ viết bằng sự im lặng giữa những dòng
chữ. Chẳng hạn, một chuyện nghiêm trang như việc giơ tay biểu quyết trong các
cuộc Hội nghị, hội thảo, Nguyễn Hoa nhìn và ngẫm:
Rất
nhiều những Hội nghị
Rất
nhiều những cánh tay giơ cao!…
Đến
bao giờ
Hết
những cánh tay héo
Khi
giơ cao?!
Tôi
cứ bâng khuâng nghĩ, phải có một “ánh mắt tươi” mới có thể nhận ra “những cánh
tay héo” kia, và tôi hiểu, đó là thơ của im lặng.
Càng
ngày, thơ Nguyễn Hoa càng mang dáng vẻ của thành ngữ, tục ngữ. Anh chủ trương
tước bỏ hết những phụ kiện, trang sức rườm rà, giống như người thợ mộc dùng rìu
vạc đi giác gỗ, để lõi gỗ hiện ra. Lại giống như những mũi tên bắn thẳng, bay
vút về đích. Và anh viết:
Ý
ngay
Lời
thẳng
Độc
nọc rắn
Buốt
nọc ong
Chữa
lành bệnh
Tự
trong
Hồn
người!
(Nọc)
Đọc những câu thơ ấy, ta bỗng liên tưởng đến câu thành ngữ:
“Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” và nhận ra nét thâm thúy trong thơ Nguyễn
Hoa. Nhìn vẻ ngoài, có người cho rằng, thơ Nguyễn Hoa quá lý trí, quá khô khan,
nhưng tôi nghĩ, bên trong sự khô khan, luận lý của những câu chữ cộc, mộc kia
là một trái tim nồng nàn đang thổn thức, run rẩy đập. Nhìn một con sáo biết nói
tiếng người, anh tự đặt câu hỏi:
Sao
lại dạy chim tiếng người
Sao
lại bắt chim nói tiếng người?
Hở
người?
(Nói)
Cũng vậy, khi bắt buộc phải tiếp xúc với những kẻ hoạt đầu,
anh phẫn nộ kêu lên:
Bùn
đất sinh ra lươn
Trơn
tuồn tuột
Bùn
đất sinh ra chạch
Lẩn
nhanh ẩn hiện
Trời
sinh ra người
Sao
có người
Trơn
như lươn
lẩn
như chạch?!
(Sao)
Vì kiệm lời nên Nguyễn Hoa có ý thức dụng công tinh lọc chữ. Ở
phương diện này, tôi thấy Nguyễn Hoa cũng riết róng như nhà thơ lão niên Lê Đạt,
tuy mỗi người có một bí quyết tu từ độc đáo khác nhau. Trong những trường hợp
thành công, chữ của Nguyễn Hoa như những tín hiệu, lại như bấm huyệt, khiến người
đọc ngạc nhiên đến sững sờ. Chẳng hạn, đây là một nỗi nhớ nhung hay hoài niệm
xa xôi:
Chiều
thẫm
Gió
se
Anh
lẻ…
Biển
non
Sóng
nõn
Em
xưa!
(Thơ chợt I)
Hoặc:
Sớm
dậy
Đất
tơ
Anh
mới…
Bẵng
mây
Trời
rộng
Em
đầy!
Nguyễn Hoa đã tạo cho thơ mình một vẻ riêng biệt, đầy cá tính
sáng tạo qua những câu thơ trên. Sự độc đáo trong phong cách và thi pháp ấy có
chinh phục được số đông bạn đọc hay không lại là chuyện khác. Những cái lạ, khi
xuất hiện, thường không thuộc về số đông. Ngay cả khi viết thể thơ truyền thống
lục bát, Nguyễn Hoa cũng tự làm mới mình theo một cách riêng:
Thế
nào
hồn
phố, hồn làng
hồn
mây, hồn biển
lang
thang hồn mình
Mai
này
làm
kiếp chúng sinh
có
ai bền gọi
hồn
tình
bay
lên?
(Hồn tình)
Là
người trọng chữ, Nguyễn Hoa biết thương những “kiếp chữ” bị lưu đầy trong những
câu thơ “không hồn vía”, vì vậy, mỗi khi đặt bút làm thơ, anh nâng niu chữ như
nâng niu những viên ngọc quý. Song, đó không phải là một niềm tin mang tính tôn
giáo hay là một mặc định, bởi vậy, nhiều khi nhà thơ cũng phân vân và hồ nghi
ngay cả chính mình:
Tự
nhiên trời chỉ đổi màu
Gió
thay chiều gió mà sầu hiu hiu
Thoảng
như mây chuyển, chim kêu
Bâng
khuâng mình đấy có yêu được mình?
(Thoảng)
Còn
nhiều điều cần nói khi đọc Ánh mắt tươi của Nguyễn Hoa, nhưng xin
dành cho bạn đọc. Chỉ xin đồng cảm và chia sẻ nỗi niềm cùng anh khi đọc những
dòng thơ này:
Cả
kiếp người
Trôi
Trôi
thật nhanh
Về
mây biếc
Về
gió reo
Về
sông mải
Về
đâu?
Viết
được như thế là đốn ngộ rồi, mừng cho anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét