Tính từ những câu thơ đầu tiên được viết với tư cách một cán
bộ kỹ thuật xây dựng ở Hải Phòng, thi sĩ Nguyễn Tùng Linh đã có nửa thế kỷ dan
díu thi ca. Thành phố cảng những năm vừa xây dựng vừa chiến đấu đã tạo ra một
thế hệ cầm bút được xưng tụng “nhà thơ công nhân”, mà Nguyễn Tùng Linh là một
gương mặt tiêu biểu. Bây giờ, thi sĩ Nguyễn Tùng Linh đã bước qua tuổi cổ lai
hy, nhìn lại hành trình sáng tạo của ông vẫn thấy không khí sôi sục một thời với
nhiều nét đẹp cống hiến!
Năm 1976, lúc 30 tuổi, Nguyễn Tùng Linh mới có tập thơ đầu
tay “Hương biển” in chung với Trúc Chi. Thế nhưng, ngay từ những bài thơ lẻ in
rải rác trên báo, Nguyễn Tùng Linh đã chứng tỏ phong cách của một thi sĩ: “Đêm
như con ngựa hoang lồng ngoài ngõ/ Kỷ niệm như cuốn vở bỏ quên không tay người
dở/ Gió lật từng trang ấu thơ…/ Tiếng gió đập then ngang đòi cửa/ Lùa vào ta một
nỗi kinh hoàng”. Do đặc thù nghề nghiệp và do tác động môi trường, Nguyễn Tùng
Linh gắn bó với đời sống sản xuất và đưa vào thơ tất thảy bộn bề của những con
người hăng say lao động. Nguyễn Tùng Linh được mặc định là một nhà thơ công
nhân ở chính những tiêu đề bài thơ như “Chia tay trên công trường”, “Xưởng mộc
bên bờ biển”, “Khúc ca của những người thợ đào móng”, “Thơ tiễn con tàu xuống
nước”, “Gửi em và thị xã than” hoặc “Những cô gái đập đá ở mỏ”… Nguyễn Tùng
Linh tự nguyện gánh vác sứ mệnh phản ánh những sắc thái lấm láp của bao giọt mồ
hôi, và ông gọi sáng tác của bản thân là “Những câu thơ trần mình trong bụi” với
tâm tư: “Mai sau ai người sẽ đọc thơ tôi/ Đến những dòng này xin đừng trách cứ/
Rằng có nhà thơ sau thời chống Mỹ/ Đã để thơ mình ca ngợi bụi bay/ Bởi bấy giờ
nhà máy của bạn đâu như nhà máy của tôi/ Bạn đâu biết những ngày chúng tôi vất
vả/ Từ gia tài nghèo nàn của quá khứ/ Chúng tôi đã làm việc hết sức mình…”.
Dẫu “Kéo lưới đêm cùng những người đánh cá” hay “Viết tặng những
người tuần đường” thì hình ảnh người lao động trong thơ Nguyễn Tùng Linh luôn
mang một đặc điểm chung: “Giữa khó khăn chồng chất khó khăn/ Vẫn trong suốt một
tấm lòng người thợ/ Với duy nhất một thước đo phẩm giá/ Là con số chỉ tiêu sản
phẩm mỗi ngày”. Không khí công nghiệp hóa ùa vào thơ Nguyễn Tùng Linh vừa rậm rạp
vừa vạm vỡ, cả trong từng hầm mỏ “Anh lại về với than, anh lại về với mỏ/ Lái
xe ủi lên tầng hay xuống moong sâu/ Và hòn than - nỗi nhớ gửi cho nhau/ Bỗng ngỡ
ngàng/ Nhận ra mùi hương dâu da chưa bao giờ thơm thế/ Giữa lòng thị xã than”
và trên từng nhịp cầu: “Từng thanh sắt nặng nề ta gắn chặt/ Hai phía đầu cầu
nhích gần thêm/ Lửa hàn rạng rỡ từng khuôn mặt/ Ta gọi mặt trời về giữa đêm/
Lòng ta bỗng hóa muôn sợi cáp/ Và ngực người thành tảng bê tông”.
Bằng sự đồng cảm và bằng sự mến thương, thi sĩ Nguyễn Tùng
Linh có nhiều bài thơ viết về những nữ công nhân. Nếu cô gái lái xe lu trên đảo
Cát Bà hối hả: “Và con đường cứ đi mãi về xa/ Như dải lụa vắt ngang hòn đảo biếc/
Em vẫn lái xe lu trong mưa dầm nắng gắt/ Cho chóng đến ngày gặp gỡ quê anh” thì
cô thợ xây trên công trường đô thị cũng náo nức: “Có đi qua những ngày mưa
dông/ Nhìn trời mây trắng đục, dạ bồn chồn/ Lòng thấy nóng hơn cả khi nắng đốt/
Nhớ tiếng xe đi tung làn bụi gắt/ Nhớ tiếng rè rè của chiếc máy vận thăng/ Nhớ
mạch vữa đều như sợi chỉ căng/ Nhớ bàn tay em bắt gạch, xây tường/ Lại da diết
một nỗi niềm - nhớ nắng/ Em lên tầng nhấp nhô nón trắng…”. Không thể phủ nhận,
hình ảnh nữ công nhân san sẻ tình yêu lao động và tình yêu đôi lứa đã tạo nên cảm
hứng riêng cho thơ Nguyễn Tùng Linh: “Em ở lại với những công trình vượt lên đổ
nát/ Với tiếng hát trên giàn giáo cao em bắc/ Với mẻ bê tông đang rắn lại niềm
tin/ Với những ô cửa màu hồng, ô cửa màu xanh/ Và một tình yêu như sắc ngói bao
giờ cũng đỏ…”.
Dùng những chất liệu khô khốc của hoạt động công nghiệp để khỏa
lấp vần điệu vốn không dễ dàng. Thỉnh thoảng Nguyễn Tùng Linh chọn góc nhìn mềm
mại khác, ví dụ viết về cánh đồng muối: “Một sớm mai mặt trời đến - sững sờ/ Gặp
những bông hoa trắng ngời trên cát/ Những cánh muối xòe ra từ lòng biển...”.
Theo sự vận động phát triển đời thợ và đời thơ, Nguyễn Tùng Linh nhận ra: “Người
đào than chết bởi sập hầm/ Người đánh cá biển vùi trong bão tố/ Người làm thơ
ngụp vào trong rừng chữ/ Biết bao đòn rình rập phía sau lưng”. Vì vậy, thi sĩ
Nguyễn Tùng Linh quyết tâm thay đổi thơ mình, nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn, thương
nhiều hơn, lo đầy hơn. Thi sĩ Nguyễn Tùng Linh bắt đầu giật mình “Biển mùa đông
như mắt người đàn bà góa/ Có nỗi khao khát bỏ quên”, và nhanh chóng dằn vặt với
những ngổn ngang chua xót, từ cảnh vật chênh vênh “Vườn xưa cây chặt hết/ Bầy
chim bỏ đi rồi/ Xóm ngõ lụt ánh điện/ Vầng trăng hóa đơn côi” đến con người
chơi vơi “Bây giờ làng đã mùa đông/ Gái quê ra phố mà không thấy về”.
Bởi thi sĩ Nguyễn Tùng Linh trực tiếp lặn ngụp giữa những âm
thanh công nghiệp, nên thơ ông lắm lúc dềnh dàng vì phải chứa đựng quá nhiều dữ
kiện. Nhược điểm ấy được khắc phục tương đối, sau khi thi sĩ Nguyễn Tùng Linh
theo học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 1979-1983. Khi thơ Nguyễn Tùng Linh biết
thu vén câu chữ, thì phẩm chất tài hoa lại hiện ra. Chỉ cần phác thảo vu vơ mà
có một bức tranh: “Gió đưa hương bồ kết/ Quay phía nào cũng thơm/ Dọc những lối
mùa xuân/ Vụng về hoa xấu hổ/ Ngọc mưa kết long lanh/ Trên những tơ nhện cũ”.
Chỉ cần nhấn nhá lơ đãng mà có một tâm trạng: “Đường gập ghềnh, hết xuống dốc lại
lên/ Thị xã hẹp quanh quanh vài phố cổ/ Một vạt nắng chiều vừa buông vội vã/ Đã
sững sờ: mây trắng vắt ngang vai”. Mặt khác, những cơn cớ trữ tình khi Nguyễn
Tùng Linh biết chắt lọc, cũng trình bày được từng khoảnh khắc nôn nao “Tháng
năm còn đó nỗi đau/ Tôi về chốn cũ, vẫn màu hoa xưa/ Và tôi đứng lặng. Tôi chờ/
Biết đâu em đến bất ngờ… như trăng” hoặc từng phút giây nuối tiếc “Gió heo may
áo khép hờ/ Em đi buổi ấy trăng mờ đêm đông/ Chưa mùa hạ đã mưa giông/ Mình anh
đứng lặng chớp hồng chân mây”.
Nếu đắn đo một yếu tố nổi bật ở Nguyễn Tùng Linh ngoài mảng
thơ phản ánh đời sống lao động sản xuất, có lẽ phải nhắc đến dư vị ưu tư thế sự.
Không hề có ý định giải thiêng, Nguyễn Tùng Linh chỉ thêm một chút băn khoăn
trước biến thiên thời cuộc khôn lường và số phận con người trớ trêu. Ông bần thần
đối thoại với tiền bối Nguyễn Du mù xa dĩ vãng: “Trong triều vẫn thừa rượu rửa
chân/ Ngoài dân vẫn sắn khoai trừ bữa/ Trong triều thịt dư mang ném chó/ Ngoài
dân cháo loãng húp vòng quanh/ Cướp ngày là quan, cướp đêm là giặc/ Cô Kiều dẫu
sống lại rồi vẫn chưa hết trầm luân”. Rồi ông lắng động xao xác cho những
cô gái Đồng Lộc: “Tất cả các mỹ từ không làm các em sống lại/ Cả danh hiệu,
huân chương, hương khói, tượng đài/ Họ đến với các em mà sao như trẩy hội/ Xe cộ
lớn thế kia, quần áo đẹp thế này/ Có đâu biết nỗi đau bom vằm da xé thịt/ Ngước
mắt nhìn trời thảng thốt gọi: Mẹ ơi!”. Rồi ông ngậm ngùi cho những kiếp người
đang có mưu cầu khác nhau: “Những tướng lĩnh bây giờ cụng ly bàn tính chuyện
làm ăn/ Trên mảnh đất năm xưa giành nhau từng ngọn cỏ/ Đất đã trộn máu người,
dù máu của ai nữa/ Cũng là nắm đất đau thương trên xứ sở bị đọa đày”. Và đáng kể
nhất trong mảng thơ này của thi sĩ Nguyễn Tùng Linh là bài thơ “Trước lăng tẩm
những ông vua một vương triều đã mất” có sức khái quát: “Ơi đất nước những anh
hùng đã khuất/ Có giữ đâu một phần đất cho mình/ Nơi họ ở là nơi trong huyền
thoại/ Trong bài ca của mẹ hát ru con/ Những thành quách, lâu đài rồi hoang phế/
Chẳng có gì ngoài quy luật tự nhiên/ Chỉ lúa đồng là thơm hương vĩnh cửu/ Và
lòng người - những lăng tẩm vạn niên”.
Thi sĩ Nguyễn Tùng Linh không phải tạng người lấy mơ mộng và
tưởng tượng làm nền tảng sáng tạo. Thi sĩ Nguyễn Tùng Linh áp trái tim mình vào
thực tế, để thực tế bật lại những câu thơ. Bồi hồi “Đêm trăng ở Sa Vỹ” cực đông
bắc đất nước, ông cảm nhận: “Bỗng thiêng liêng hạt cát giữa tay mình/ Tổ quốc
ơi, trái tim tôi thầm gọi/ Giữa tay mình: cát lấp lánh ánh trăng”. Bước chậm
qua “Làng biên giới mùa xuân”, ông thảng thốt: “Chốt của em dưới một gốc hoa
đào/ Giặc tràn lên bao lần đều gục ngã/ Tôi đến đây, lại một mùa hoa nở/ Soi mắt
em để trong lại niềm tin”. Và ông “Gửi Móng Cái” với tin yêu về bản lĩnh trường
tồn của dân tộc: “Sông Ca Long như dòng suối hiền lành/ Nước trong vắt có thể
nhìn tận đáy/ Quên sao được nhịp cầu biên giới/ Mắt hằn thù bầy cú vọ nhìn
sang”.
Trong những tác giả thơ Hải Phòng thành danh, thi sĩ Nguyễn
Tùng Linh không bản năng ngây ngất như thi sĩ Thanh Tùng và cũng không ưa chuộng
kỹ thuật như thi sĩ Thi Hoàng. Phương pháp đắc dụng để thi sĩ Nguyễn Tùng Linh
tồn tại là “trần mình trong bụi” để nỗi đời xen lẫn nỗi thơ: “Trang giấy trắng
bời bời bao tâm sự/ Chữ ngổn ngang như đồng đất mới cày/ Thơ đã gieo, hẹn đến
mùa gặt hái/ Khi trong lòng gió lạnh đã xa xôi”.
Lê Thiếu Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét