Lê Minh Khuê
Nghệ sĩ lớn hoặc nhà văn có chút danh tiếng thường cho mình
nhiều quyền. Quyền được hách chẳng hạn. Một nhà phê bình nổi tiếng từng viết hẳn
chuyên luận Quyền được hách, trong đó từ chân dung một vài đại biểu mà khái
quát được quyền huynh thế huỵch ở văn giới. Quyền ngồi đâu phải chiếu trên, có
người xưng tụng điếu đóm quà cáp. Sống Tết chết giỗ. Rất hách. Lê Minh
Khuê lại chả giống ai trong họ. Văn chương Lê Minh Khuê bén nhọn, bóc trần huyễn
hoặc ảo tưởng, đồng thời vẫn điềm tĩnh dịu dàng. Ngoài đời chị chọn sống khiêm
nhường điềm đạm, có điệu cười ré lên rất thoải mái...
LÊ MINH KHUÊ VĂN NGHIỆP TRỌN VẸN VÀ…
Trọn vẹn
Hồi bé đọc tập Cao điểm mùa hạ cứ tưởng tác giả của nó - Lê
Minh Khuê, là đàn ông. Tên rắn rỏi văn rắn rỏi. Chị Khuê bảo, ối người nhầm. Và
viết rất sớm, 19 tuổi nên có tin đồn mấy ông Nhân văn Giai phẩm viết hộ cô
thanh niên xung phong và phóng viên trẻ Tiền Phong, rồi điền tên Lê Minh Khuê
đàn ông hoặc Vũ Thị Miền quê kiểng vào.
Lê Minh Khuê đã in 16 cuốn sách, có mặt trong vô số tuyển.
Năm 1986 tập Một chiều xa thành phốbộc lộ văn tài chín mọng sắc sảo và
khác với các giọng nữ đang nổi hồi đó - Dương Thu Hương chẳng hạn. Đến tập Bi
kịch nhỏ in 1993 thì thực sự dữ dội, bùng nổ - một Lê Minh Khuê khác cả
chính mình, khiến tác giả lao đao đồng thời nổi như cồn.
Việc được giải nước ngoài, được dịch cũng là thước đo? Thì Lê
Minh Khuê có đủ dấn vốn lờ lãi trong hành trang. Chục năm trước chị nhận giải
thưởng văn học quốc tế trị giá 10.000 USD của Hàn Quốc mang tên văn hào Byeong-ju
Lee với tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông. Trong 16 đầu sách của chị
có 4 cuốn được dịch in ở Mỹ, Đức, Ý, Thụy Điển. Chu du để giao lưu văn học nhiều
đến nỗi gần đây chị có biểu hiện chán chả buồn đi thêm.
Tiểu thuyết Việt Nam hiếm thành tựu tầm thế giới (cho nên Bảo
Ninh mới ăn dày đến thế), truyện ngắn thì khác. Nhiều truyện vươn tới đỉnh cao
văn học. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài cùng một số tên tuổi khác, tạo
ra dấu son tươi thắm này. Không phải tất cả tác phẩm của họ nhưng mỗi người nhiều
hoặc ít, đã góp phần. Chắc chắn phải kể một số truyện ngắn Lê Minh Khuê nữa,
trong danh sách trên kia.
Văn hữu và giới phê bình nói gì về ca này? Hồ Anh Thái thấy
Lê Minh Khuê đã “thành tinh” với truyện ngắn còn nhà phê bình Văn Giá lại nhận
định người này đạt đến độ “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Và đúng là chị luôn “đi
thẳng vào tim đen mọi chuyện, bỏ qua mọi sự vẽ vời” như một nhà phê bình khác
chỉ ra.
“Hài hước là sự vui sướng của kinh nghiệm”- ai đó nói thế.
Nên hài hước không thể thiếu trong văn phẩm của người sâu sắc, hiểu đời, giàu bản
năng Lê Minh Khuê. Theo Tạ Duy Anh, chính yếu tố hài đã khiến một số truyện của
chị dù đọc rợn người đến đâu, vẫn cho người đọc điểm bấu víu, phao cứu sinh để
hy vọng vào cuộc đời, vào những giá trị vĩnh cửu. Lê Minh Khuê cho biết chị hay
viết về những vấn đề ghê gớm, sự nghiệt ngã của đời sống, cũng chỉ để giải quyết
một tâm thế, làm người ta tha thứ cho nhau, thương yêu nhau, sống dễ hơn.
Tôi có lẽ đọc hết tác phẩm chị Khuê, và dại gì không học chị,
mà có khi ảnh hưởng lúc nào không biết. Ví dụ cố gắng viết tự nhiên nhất có thể.
Thong dong hoặc đẩy nhanh tiết tấu đều nên “viết như không”. Diễn đạt chính xác
giản dị, sẽ đạt độ tin cậy cao. Nếu cần thoại thì càng phải chân xác, ra được
khẩu khí nhân vật để họ bộc lộ tính cách, cảm xúc, thông tin. Lê Minh Khuê cho
biết đã học Hemingway lối viết thoại hàm súc, đắt giá này.
Thỉnh thoảng gặp tình huống lạ, vớ được tình tiết hay ho, tôi
thích nói “Em biếu chị chi tiết này nhá, tưởng tượng giỏi mấy cũng không ra
đâu”. Vì chị chính là một bậc thầy chi tiết. Lão luyện, tinh nhạy trong việc
tóm lấy, sản xuất nó.
Người lạ đời thường
Người lạ đời thường
Nghệ sĩ lớn hoặc nhà văn có chút danh tiếng thường cho mình
nhiều quyền. Quyền được hách chẳng hạn. Một nhà phê bình nổi tiếng từng viết hẳn
chuyên luận Quyền được hách, trong đó từ chân dung một vài đại biểu mà khái
quát được quyền huynh thế huỵch ở văn giới. Quyền ngồi đâu phải chiếu trên, có
người xưng tụng điếu đóm quà cáp. Sống Tết chết giỗ. Rất hách.
Lê Minh Khuê lại chả giống ai trong họ.
Văn chương Lê Minh Khuê bén nhọn, bóc trần huyễn hoặc ảo tưởng,
đồng thời vẫn điềm tĩnh dịu dàng. Ngoài đời chị chọn sống khiêm nhường điềm đạm,
có điệu cười ré lên rất thoải mái. Nhà văn đúng nghĩa thì chẳng ai đơn giản cả,
Lê Minh Khuê cũng đầy khinh bạc nhưng cung cách nhường nhịn tránh bon chen khiến
người ta nghĩ người này chẳng làm đau một chiếc lá trên cành.
Bạn bè em út cật ruột ít thôi, rất chắt lọc và đã thân thì chị
thủy chung như nhất. Đi uống ăn toàn tranh trả tiền làm chúng phát bẳn. Chẳng
làm phiền ai bao giờ mà lại cứ luôn e ngại điều đó. Hỏi thích quà gì toàn lắc,
bảo không có nhu cầu. Bắt đầu vào tuổi 60 tuyên bố từ nay đừng đứa nào tặng quà
tao nữa, tao giờ chỉ có cho đi thôi.
Bao năm nay tôi với chị Khuê chị Hà (NSƯT Thu Hà ở Nhà hát kịch
Việt Nam) thân thiết như thể tay chân nhưng mỗi lần tụ bạ, chúng tôi phải đe bà
chị “Đừng có chưa ấm chỗ đã nhắng lên đòi về đấy” “Tại chúng mày lúc nào cũng bận”-
chị cười ngỏn nghẻn.
Sự lớ ngớ “người đời” “ở rừng về” của người này thì cứ gọi là
phải kể một chương riêng, là chuyện chúng tôi hay đem ra tiêu khiển hoặc làm
món khai vị.
Từ thuở mới quen, tôi đã chứng kiến chị khi cần mua nọ mua
kia thì tiền luôn ơ hờ trên tay có thể rơi bất cứ lúc nào, mặt mũi ngẩn ngơ.
Anh Sơn chồng chị kể: Bà ấy cầm khoảng 400 ngàn đi chợ thì mua hai quả bưởi đã
hết 300. Không biết tính toán căn cơ tí gì. Nên thôi anh làm hết cho xong.
Uy tín của Lê Minh Khuê khiến về hưu vẫn đầy việc, chấm cháp
các cuộc thi là một. Thỉnh thoảng tôi phải nói bà chị bớt nhân hậu đi, khi chấm,
và nhận làm giám khảo vừa thôi, bởi giải văn chương bây giờ kể cả tiền đống hoặc
của hội đoàn to đùng, ngày càng mất uy tín. Giải thưởng mà chẳng khiến được ai
động đậy tìm đọc, đừng nói tranh luận.
Người này trong nhà cũng buồn cười lắm. Xưa nghe nói chị bị
Dương Thu Hương giễu “Con Khuê làm như mỗi mình nó có con”. Bây giờ có cháu ngoại
thì đương nhiên tự nguyện làm nô lệ da vàng cho thằng bé này. Minh Phước, đồng
nghiệp của chị ở NXB Hội Nhà văn hay bảo tôi: “Cô với cô Hà phải rủ mẹ cháu đi
chơi nhiều vào chứ cứ suốt ngày quanh quẩn với thằng cháu thế này”. Trẻ con sài
đẹn là thường thế mà thằng bé chỉ sốt nhẹ hoặc gầy đi tí là cuống cà kê. Ốm đau
ho hen chỉ thuốc Nam không thuốc Tây, sợ độc hại. Ăn uống chả chịu sam sưa.
Trong câu chuyện sinh lão bệnh tử, chúng tôi sợ nhất một tuổi
già lẫn cẫn, lố bịch, làm phiền con cái. “Tuổi già là con vật nhơ bẩn”-
Hemingway nói phũ, và phũ là phải. Càng duy mỹ nhạy cảm càng hãi, bởi con người
ta biết mình sống thế nào chứ chết kiểu gì thì chịu. Chị Khuê dặn con gái,
nghiêm túc: “Thấy mẹ có biểu hiện lẫn thì nhớ trói ở nhà đừng cho ra ngoài
nhé”. Còn tôi dặn con mình: “Sau này khi bác Khuê rồi đến mẹ tan biến đi thì thằng
Tú (em họ con) chính là em ruột còn chị Phước nhà bác Khuê chính là chị ruột của
con”. Chưa đến lúc kiểm kê đời mình song tôi nhận ra từ lâu: Nếu không có người
chị, người bạn vong niên như Lê Minh Khuê chắc mình thiếu thốn hẳn đi, thiếu
nhiều ấy chứ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét