Hoa nghĩ là mình đã bắt đầu quen được với hắn theo đúng nghĩa
của từ quen. Mừng gần chết. Như con mồi lớn xung quanh là bầy săn. Hoa cũng giống
như một kẻ đi săn, dịu dàng quá đỗi. Nhưng mà Hoa thích. Thích cái gì Hoa phải
làm cho bằng được.
Thực ra Hoa chẳng biết gì về hắn, chỉ quan tâm tới thành tích
hắn đã đạt được, đến thương hiệu của hắn nhiều hơn. Hắn thì chỉ khoái phanh ánh
mắt ở ngực Hoa. Bộ ngực phồn thực nhất trong số mười lăm đứa con gái đã có người
yêu và mười bảy đứa… ni cô có tóc. đứa nào cũng khao khát ngươì yêu, ở cái tuổi
sau dậy thì năm, sáu năm này làm sao mà chịu nổi sự cô đơn quá hai tiếng một
ngày. Thi nhau lao lên mạng tìm bạn, nic đứa nào cũng kêu choang choang: trời
ơi em đừng yêu anh; ngồi trong toalét gào thét tên em… Hoa gọi tất cả cái lũ ấy
là bồ. Mọi người thì không thích nhưng Hoa thích. Hắn bảo:
- Anh còn không nhớ nổi tên những con bồ của anh. ấy chết - Hắn
cứ hay xua tay. Nói thế thôi chứ em đừng đưa chi tiết này vào bài phỏng vấn
nhé. Anh cũng mến em, em nên gầy đi. Nói thật đấy.
Đồ thần kinh dẫm phải đinh. Hoa hay dành cho loại người như hắn
thành ngữ ấy. Nhạc số có gì mà ghê ghớm, cứ làm như là ông tướng. Hoa lẩm bẩm,
Hà Nội bây giờ đang sắp hoa sữa, thơm phải biết. Ném vài chùm hoa sữa vào cái
con người lắm nước bọt kia cho thơm miệng. Phả ra toàn hương thơm của mùa thu.
Hoa cười khẩy, làn môi dầy không đỏ nhưng được tô nhiều son, miệng rộng, răng
hơi sún nhìn cứ điên điên ma mị mà gợi. Em cười anh à. Hắn cứ tít mắt nói một
thôi một hồi. Anh nói thật đấy, em có biết hát không, thích hát anh lăngxê được
ngay. Làm báo mà làm gì, em giống ca sĩ hơn. Mặc váy ngắn bao giờ chưa?
Thằng này điên rồi. Hoa cứ có ý nghĩ không tốt về hắn cộng một
số như thế trong đầu.
“Em ngại lắm, chân em xấu chỉ mặc váy dài thôi”. Trong óc, vỏ
não đang tua lại hai cái áo hai dây đỏ và váy áo đen ring ở chợ Ngã Tư Sở về. Mắt
Hoa lao nhanh về hắn, nơi có cái yết hầu to vô lối. Chắc không phải chết nghẹn
táo, chết nghẹn vì hôn nhiều quá. Từ lâu Hoa đã như vậy, chẳng lý giải điều gì
mà chỉ quen kết luận.
Trời vừa sang thu được mấy ngày, đã thấy lạnh se se. Trường học
rục rịch balô áo quần nhập học. Những căn phòng hơn một tháng không có người ở
bốc lên thứ mùi tanh tanh hăng hắc của chai lọ, dầu mỡ. Ninh thường mang trong
lòng nỗi buồn truyền kiếp, sinh ra đã thấy lạc lõng cô lẻ ngay giữa đám đông. Cảm
giác như có hai con người tranh giành tàn sát nhau trong Ninh. Ninh đã nhiều lần
như thế. đối mặt với mình và không chịu nổi.
Mở tủ. Những đứa con gấu bông. đứa nào miệng cũng cười toe
toét. Nhưng đôi mắt thì buồn, Ninh cảm nhận vậy. Ninh chẳng chơi thân với ai. ở
trường ai với Ninh cũng là người thừa, Ninh chỉ có thể chơi với gấu bông, gọi
chúng bằng con và ôm hôn chúng. Ninh yêu nhất con Sù Sì, cô thường áp cái miệng
hồng hồng xĩnh xinh của nó vào ngực mình rồi cho nó bú tí. Mỗi lần như vậy Ninh
thường nhớ tuấn, người tình ảo ảnh của cô lúc nào cũng xa tít mù tắp, nhớ những
lần anh hôn Ninh và Ninh nói với anh về những đứa con của hai người. Còn mọi
người ở đây, cái thế giới có hình tròn quanh Ninh mà Ninh không phải tâm điểm,
Ninh đã khước từ họ từ lâu. Ninh sợ hàng ngày phải nghe những lời nói độc địa,
phải nhìn ánh mắt lạnh lùng ghen ghét của họ. Ninh sợ điều đó, sợ đồng loại của
mình.
Có một người Ninh chẳng thân nhưng cô thường hay kể chuyện của
mình cho nghe. Đó là chị Hồng, Ninh trẻ hơn chị Hồng năm tuổi. Người chị hồng gầy
đét như con mực khô, tay chân lúc nào cũng khòng khèo nhìn vào ngứa mắt quá chỉ
muốn nắn lại cho ngay ngắn.
Điện thoại rung, Ninh đặt con nẵm xuống gối, mệt mỏi bấm vào
nút nghe:
-“ Em ạ, anh Khải đây mà, lên thủ đô chưa? Trưa nay anh em
mình đi nhậu, anh mới ra được tập sách, đi xe ôm đến đây anh trả tiền. à, anh
thay bồ rồi…”
Ninh ậm ừ rồi tắt máy, cô chỉ muốn nhổ bọt, mỗi lần nghe Khải
nói đến từ bồ cô chỉ thấy buồn nôn, loại người gì mà coi phụ nữ như thứ phương
tiện, mở mồm ra con bồ này con bồ kia. Ninh chỉ muốn nhét nắm giẻ lau vào mồm hắn.
Nhưng Ninh cũng chẳng hiểu Khải coi Ninh là gì nữa, không phải là bạn, không phải
người yêu, có lúc Khải coi Ninh như một thằng bạn trai. Con mắt lá khoai, cùm cụp
chuyên nhìn xuống rồi lắc đầu mà chẳng biết lắc đầu vì cái gì. Ninh không thích
Khải khi lần nào gặp nhau hắn cũng tò mò nhìn chằm chặp vào ngực Ninh rồi cứ
nhìn xuống nữa, xuống nữa. Thế mà nhiều khi buồn cứ đi chơi với hắn, hắn nói
Ninh là bồ hắn, Ninh quá mệt mỏi với việc phải giải thích nên đành im lặng.
Chị Hồng đứng ở cửa từ khi nào, mong manh như chiếc lá. Hôm
nay còn bày đặt mặc váy:
-Lên lâu chưa em? Chị mặc bộ này được không?
Xoay xoay một vòng, chóng mặt. Ninh bình thản đứng lên rót nước
uống, lúc nào cũng bình thản như vậy ngay cả khi cần phải cuống lên.
- Đi với em không? Anh Khải vừa gọi điện rủ đi nhậu, thằng
cha máu gái nhất trường mình hồi xưa đấy, chị còn nhớ không?
- Em lúc nào cũng ăn nói như vậy. Không từ tốn được sao. Chị
không đi đâu, anh ấy tai tiếng lắm.
- Chị thật là, phải biết bước qua lời nguyền chứ? - Ninh cười
khẩy nhưng vẫn thấy nụ cười nhạt nhẽo và vô vị.
Phố hôm nay lạ lắm. Lá cứ thi nhau đổ. Mỗi một chiếc lá khi
lìa cành… Ninh nghĩ tới điều đó và thở dài. Thỉnh thoảng cô hay nghĩ đến số phận.
Một ngày nào đó khi mình chết đi, phải nằm trong cái quan tài chật chội tối
thui, chân rữa trong nước lạnh. Chắc cuộc đời con người cũng giống như chiếc lá
kia…Ôi trời ôi, nghĩ đến chết Ninh lại thấy sợ. Đời này Ninh sợ chết nhất, cái
thứ hai là cô sợ bị người khác chê văn của mình. Ngày nào cũng đi trên con phố
này, hôm nay tự nhiên lại thấy nó xa lạ quá chừng với mình. Đã thuộc từng hàng
cây rồi bỗng dưng muốn quên. Bây giờ Ninh chỉ hay nghe đến tiền, phải làm thế
nào để có thất nhiều tiền,vì có tiền mới có sự tồn tại dù tồn tại dưới dạng thức
nào. Chị Hoa bảo: Mày ngu thế, thằng bồ mày tuy xa nhưng giàu, bảo nó gửi tiền
ra cho. Ninh cãi: Nhưng em thích nó gửi linh hồn ra cơ - đồ dở hơi, chưa thành
danh mà đã điên.
Thực ra Ninh lao đi kiếm tiền như con thiêu thân. Nhỡn tiền
trước mắt là Hoa, ngày nào cũng đi ra khỏi nhà vào lúc sáu giờ ba mươi phút và
về vào mười hai giờ đêm, miệng phả ra toàn mùi rượu và càphê.
Cuộc sống như trang văn đầy chữ, nhưng là trang văn nhạt nhẽo
vô vị. Vô vị như chính cuộc đời của chú Đông, ông ta làm bảo vệ của cái trường
học phải nói là nhàn hạ nhất trong ngành giáo dục. Hàng ngày đi loanh quanh
trong sân, mấy trăm mét vuông đất, mét vuông nào cũng in đầy dấu chân nặng trịch
của ông bảo vệ. Ngôi trường bé nhỏ nhưng nhiều chuyện to tát cho nên là đề tài
thu hút sự quan tâm của chú Đông, mỗi một con người đi qua đi lại, khi có kẻ đến
người đi ông ta đều rành rẽ. Chẳng có chuyện gì làm. Hàng ngày ngồi uống trà ở
phòng bảo vệ, buôn dưa lê tào lao với mấy bà ở phòng hành chính hay ông Chiểu
bên văn hoá, nhất là khi có ai đó đi qua, đề tài tuy cũ nhưng lại là chuyện háp
dẫn vô cùng, mà toàn chuyện thị phi. Ôi dào, con gái trường này đã lắm chuyện,
qua lời kể của ông ấy thì nhiều chuyện trở thành nhiều chuyện hơn. Biết thế
nhưng chẳng ai thèm lẩn tránh cái tai hoạ thường tình ấy. Đã bao nhiêu lần Ninh
ngồi trên sân thượng quan sát chú Đông, khi mà ông ta đang mải quan sát người
khác. Cứ như vậy, cái thân hình béo tròn quay quắt đi lại trong sân, cuộc đời
ngày nào cũng tiếp diễn như vậy trên những vòng đi trong cái sân trường nhiều
rêu phong cổ kính. Vì thế mà cuộc sống của con người cũng theo đó mà cũ dần đi.
Ninh thấy buồn vẩn vơ cho ông bảo vệ không còn trẻ cũng chưa già, nếu ở nơi
khác thì tuổi bốn lăm của ông ta còn sung sức lắm, nhưng ở đây thì cái sự sung
sức đó chẳng để làm gì vì nó cũng chẳng có điều kiện để mà sử dụng. Bốn lăm tuổi,
khi về hưu tức là còn mười lăm năm nữa. Tức là còn không biết bao nhiêu lần phải
đi lại quanh cái sân trường nhỏ tí có bao nhiêu là số phận con người đau khổ.
Ninh cứ hay bị ám ảnh bởi những vòng đi hàng ngày của chú Đông.
Hôm nay chị Hoa đi đâu mà trang điểm dữ lắm. Khiến nỗi đi qua
mặt chú Đông mà cái mùi phấn shelley ùa ra theo gió, ông bảo vệ theo phản xạ có
điều kiện phải quay ngoắt lại nhìn. Cái ánh nhìn lạ lắm, thích thú săm soi và cả
mỉa mai nữa. Cả ngày mà không có gì biến động thì chán lắm, cho nên chú Đông
thường xuyên có những ánh nhìn như vậy dành cho chị Hoa. Chính ngày xưa khi mới
về trường Ninh dùng cái loại phấn đó bị chị Hoa nạt cho là phấn dành cho bọn
cave, nhưng bây giờ chị ấy như chết mê chết mệt cái loại phấn mà chị cho là rẻ
tiền kia.
- Chú, cháu mặc cái áo này đẹp không? Mua ở sốp đấy, thằng bồ
nó mua…
- Thôi, tao can mày!
Cái gì không bằng lòng là được phản ứng như vậy. Những sợi
tóc bạc vô lối rung rung nơi thái dương.
Chị Hoa đi rồi mà cái mùi phấn shelley còn cố tình len lỏi
vào từng chùm hoa giấy đang mê mải với mùa thu. Trên sân thượng mấy con bé trẻ
nhất lớp bĩu môi: “Đáng sợ, hôm nay có thằng cha vô phúc nào đó chết ngạt cho
mà coi”.
Hoa len lỏi giữa dòng người giờ tan tầm bon chen để rẽ vào một
ngã tư thanh bình hơn, cái vẻ thanh bình nhưng vẫn xen vào đó phần trống trải.
Hắn đang đợi Hoa ở đó, râu quai nón rung rung, ánh mắt nhìn vào khoảng không mà
cũng mê đắm. Hơi béo, không, phải nói là đầy đặn thì mới phải. Thấy Hoa, nụ cười
nửa miệng làm cho cái núm đồng tiền trở thành vô duyên. Hoa đã nhìn thấy hắn rồi
nhưng giá như không thấy, rút di động ra bấm bấm nháy nháy. Hắn đưa cánh tay to
kềnh càng ra vẫy Hoa, người thì béo nhưng giọng nói sao mà nhỏ nhẹ như vậy.
- Lại đây cô bé, hôm nay em xinh thế?
- Anh lại khen em rồi, ngày nào em chẳng như vậy - Hoa cố làm
ra giọng nhỏ nhẹ nhưng mà sao khó quá!
Hắn lôi trong cái vali ra thơ, để tặng Hoa, thơ để trong
vali, chứ không phải trong mấy cái túi kiểu nhà báo của mấy nhà thơ đương đại.
Hoa cầm trong một trạng thái nâng niu tập sách, lật lật từng trang đọc chăm
chú. Thỉnh thoảng lại gật đầu khen hay. Đó là kiểu của Hoa. Hắn nhà thơ có vẻ đắc
chí, hắn hút một hơi hết sạch cốc sinh tố, cầm lấy tập thơ lật vào trang giữa,
hắn bảo:
- Bài này anh tặng em, nghe nhé - hắn đọc. Hoa nghĩ. Thói
quen cũ, thơ gì mà toàn mùi xi măng, cát với lại vôi vữa. Rõ là dân xây dựng
làm thơ. Thế mà cũng gọi là thơ tình.
- Thơ anh có vẻ vững trãi nhỉ?
Hắn đỏ mặt. Ngôn ngữ có vẻ lạnh lẽo hơn:
- Em lại đau anh rồi. Thơ anh được cái thật thà, đừng chê
nhá, anh đâu có bài bản như bọn em, có gì thì góp ý. Nghe này…
Sao mà Hoa lại sợ nghe thơ như lúc này, cứ tràn lan là thơ và
chẳng chịu hỏi Hoa muốn uống gì. Đồ dở hơi ăn cám lợn. Hoa hay phũ phàng như vậy.
Hoa chỉ thích nghe thơ siêu thực chứ không phải là thơ phản thơ như thế này.
Trở về. Hoa thấy buồn. Thế là một ngày đã trôi qua, trôi qua
một ngày vô vị. Đã hơn một lần Hoa thấy buồn vì những ngày như thế này. Lần trước
thì gặp thằng cha mở miệng ra là bồ này bồ nọ. Hôm nay thì gặp được gã mê thơ
quá đỗi, khốn nỗi chỉ mê có mỗi thơ mình, tới mức không cần quan tâm là Hoa có
muốn uống nước gì không? Hoa thấy phí công mình đi xe ôm hơn mười cây số. Mà
xăng thì đắt. Hoa ném mạnh mười tập thơ có cùng nội dung của hắn lên bàn. Lại nằm
dài ra giường, cái giường hôm nay với Hoa sao mà nó trống trải và rộng qua chừng,
con thỏ chíp nằm cười toe toe ở góc giường, Hoa giơ chân đạp mạnh, nó ngã lăn
mà cái miệng vẫn cười, không méo đi. Sao mà giống thằng cha nhà thơ kiêm kĩ sư
xây dựng quá!
đồ điên. Hoa chửi. Mất điện, ký túc xá vắng hoe hoắt, Hoa lao
ra đường tìm ánh sáng.
Sáu giờ ba mươi phút.
Trời đang tối. Cứ đến thời điểm này trời lại tối rầm lại
nhanh lắm, Ninh sợ đêm tối, gần đây Ninh sợ quá nhiều thứ, sợ đi làm báo, viết
bài xong rồi không đăng, sợ ngồi bàn đầu, lo đâu ông thầy lỡ tay chỉ vào mặt bắt
phân tích cái này cái kia. Cái mà Ninh sợ nhất là thất tình, ngày nào cũng vậy,
cứ đeo túi đi ra khỏi nhà kiếm tiền là lại nhớ tới Tuấn, Ninh thường nhớ anh
vào những lúc phải bon chen kiếm sống và thấy mình bơ vơ biết nhường nào. Ninh
chỉ muốn mình là con chim non yếu ớt, và anh là cái tổ ấm chở che Ninh qua những
tháng ngày lạnh lẽo của mùa đông. Ninh sợ hàng ngày cứ phải xách túi đi dạy,
nói ra rả như cuốc kêu với mấy đứa học trò dốt, nói mãi mà chúng không chịu hiểu.
Đến cuối tháng rồi mà không có ai trả tiền lương, phụ huynh bỏ đi chơi vào lúc
chín giờ tối ngày cuối tháng, hụt hẫng và tủi thân. Mà cái tính hay tự ái vặt
nó đã ăn sâu vào máu của Ninh từ lâu. Lại lọc cọc đạp xe về. Khi buồn Ninh hay
gọi điện cho chị Huệ, than vãn. Cái tật của Ninh là hay phàn nàn về những khó
khăn với người lớn tuổi. Chị Huệ mắng: “Mày định lẫn lộn trong số hàng nghìn đứa
gia sư ở cái mảnh đất này hả? Sao không bao giờ chịu làm những cái gì liên quan
tới con đường mà mình đang đi”.
Ninh đau nhói và hốt hoảng. Cảm giác của người mắc bệnh ung
thư biết trước được mình sẽ chết và vô cùng lo lắng cho ngày mai của mình còn
ngắn quá. Nhưng sau đó lại tự an ủi chính mình đời còn dài, lo gì, cuống lên sẽ
không làm được gì hết, việc viết lách là việc cả đời, làm khi nào mà chẳng được.
Nhưng khi bạn bè Ninh ai có bài đăng báo dù là in ở một tờ tạp chí tỉnh lẻ Ninh
vẫn chạnh lòng, sự đố kị nhen lên rồi tắt ngấm khi phải đối mặt với trang viết.
Ninh cứ hay tự huyễn hoặc tài năng của mình, nhìn xung quanh cũng nhỏ bé thôi.
Trong mắt Ninh mọi thứ diễn ra cái gì cũng nhỏ nhoi tầm thường, không có gì thực
sự là kì vĩ. Chỉ có chùm thơ in ở Người Hà Nội ngày hôm qua của Ninh là kỳ vĩ
mà thôi.
ấy thế mà Ninh vẫn là kẻ tự ty trên cánh đống AQ của mình. AQ
là khái niệm mênh mông khôn cùng, phù hợp với khá nhiều người Việt nam, trong
đó có Ninh. Lỗ Tấn mà còn sống chắc sẽ chết ngất vì tên nhân vật của ông được
chuyển thành một khái niệm rõ rành rành. Nhưng mà đôi khi cái tính cách AQ ấy
nó cứu rỗi con người ta như Chúa giáng trần ngày tận thế. Không AQ chắc khó sống.
Ninh là kẻ sống với tính AQ của mình hàng ngày. Tồn tại như
trên một thế giới ảo.
Ninh nằm úp mặt xuống gối, lắng nghe tiếng đập của trái tim
đang mùa yêu thương. Trái tim đã không ngừng thổn thức hai năm nay vì một anh
chàng xa tít mù tắp. Có lẽ vì cách xa mà nó đập mạnh như vậy. Chứ nếu gần như
khoảng cách của chị Hoa với những anh chàng hú hoạ kia thì trái tim Ninh đã ngừng
thổn thức từ lâu.
Đêm nay là đêm không có trăng. Trời tối âm u. Sân thượng tầng
tư như nghĩa địa lạnh lùng. Có lần chị Lan doạ Ninh là đã nhìn thấy một hình
người tan rữa ra dưới ánh trăng trên đó. Khi người ta cô đơn, thì chính cô đơn
là mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng tồn tại và phát triển. Như Ninh là ví dụ
hùng hồn.
Hoa vừa đi Sài Gòn về. Bỏ học đúng một tuần. Ông bảo vệ hỏi
đi đâu. Hoa bảo: đi theo tiếng gọi của tình yêu. Tình yêu chỉ đủ sức mạnh níu
kéo một người như Hoa đúng bảy ngày. Bảy ngày cho một tình yêu đến và đi, không
biết Hoa đã có bao nhiêu tình yêu đến và đi như vậy.
Hoa về, mặt mày hốc hác, nhợt nhạt. Đôi mắt mất cả vẻ tinh
anh. Mỗi khi trong trạng thái như vậy Hoa càng cay độc hơn với thứ gọi là tình
yêu của cô. Ngày duy nhất thấy Hoa trầm ngâm không nói. Lũ con trai hỏi cạnh
khoé: Có mất gì không?
“Mất gì, còn gì mà mất. Đây là lần thứ n” Hoa lại cười khẩy.
Ninh rùng mình. Chính Hoa là nguyên nhân khiến Ninh không bao giờ dám dấn thân,
dám lao mình để tồn tại.
“mày ngu lắm em, không bao giờ có chuyện ngồi mát ăn bát vàng
đâu. Tự học lấy, không ai dạy được mình cả”
“Kẻ mạnh là kẻ biết đi bằng đôi chân của người khác một cách
thành thạo mà phải đi như thế nào để nó không hề biết là mình đang đi bằng chân
của nó”
“Sao mày cứ trố mắt lên thế? đến giờ này mà còn không hiểu
những lý lẽ ấy thì sẽ không bao giờ hiểu đâu. Mày ngốc như vậy vào nơi này làm
gì? Về nhà mà bán rau muống, lấy thằng đánh dậm cho đời yên ổn”.
Hoa nói với Ninh vậy thôi chứ nhiều khi Hoa chỉ muốn mình là
Ninh. Bình yên bên những chuyện oái oăm thường nhật, không dính líu ai. Chỉ tiếc
ý nghĩ ấy luôn từ bỏ Hoa ra đi sau năm giây ngắn ngủi.
Hoa quen với Khải qua Ninh. Từ ngày quen Hoa, Khải không gọi
điện chèo kéo mời mọc Ninh đi nơi này nơi khác nữa. Ninh vừa giận vừa mừng.
Hoa chẳng thấy mệt, phóng xe vù vù đi chơi với Khải ở tận Sóc
Sơn. Uống rượu say li bì, nói những câu chuyện tào lao về vài chục người máu mặt
trong làng văn nghệ. Với cách nói của Hoa thì hầu như ai Hoa cũng quen. Khoe
khoang liệt kê là một đặc tính của Hoa. Hoa thích thú gặm nhấm nó mà với Ninh
khi phải nghe điều đó sao mà nó chối tai.
Ngay từ chiều Khải và Hoa đã ngồi nhâm nhi càphê ở Phan Đình
Phùng chán chê rồi mới nảy ra cái ý định đi Sóc Sơn chơi. Hoa mệt lử nhưng máu
ham chơi đã ăn sâu vào não, ở Hà Nội hai tư năm mà Hoa chưa khi nào đi Sóc Sơn.
Đã sáu giờ chiều, hai anh em lên đường, con đường bụi bặm bám đầy áo Hoa, chiếc
áo đỏ môđen mua ở Sài Gòn tít tắp mù khơi. Hoa không hiểu sao mình lại có nhiều
sự gắn bó với mảnh đất xa lạ ấy đến như vậy. Trong suy nghĩ thường nhật của Hoa
đôi khi lại xuất hiện một vài hình ảnh chớp nhoáng nào đó về thành phố phù hoa
nhiều người và xe ấy. Chỉ tiếc là gã tình nhân của Hoa hèn quá, không đủ bao bọc
cho Hoa nên mới phải quay về đất bắc sống với những cuộc đời ảo, những người
mang tên là nghệ sĩ, quanh năm quán xá, đàn hát, với những bài phỏng vấn vô
nghĩa lý, với những câu hỏi cũ mèm cố tình làm cho mới mà hầu như bài phỏng vấn
nào của Hoa cũng có. Đại loại như: Chị suy nghĩ gì về múa đương đại, hay nhạc
đương đại, hay chị gửi gắm gì. Đã nhiều khi Hoa chán ngấy chính bản thân mình với
lối sống cũ kỹ, lặp lại. Cuộc sống của Hoa như những mảnh ghép vá víu, mà mảnh
ghép nào cũng giống nhau đến lạ lùng.
Đến Sóc Sơn. Trời tối mịt. Khải dẫn Hoa vào một doanh trại bộ
đội, kêu vài ba anh bạn của Khải đi nhậu nhẹt, nhậu xong thì đã tám giờ tối, Khải
say mèm, không nhìn thấy trời đâu đất đâu, không một người bạn nào buồn quan
tâm tới Khải. Họ nghĩ Hoa là bồ của hắn, con bồ nhuộm tóc vàng, nẩy từng đường
cong, nhìn bắt mắt thèm thuồng.
Chật vật mãi Hoa mới chở được gã say rượu vào một khách sạn nằm
nem nép bên đường. Khải ngã lăn quay khi vừa dìu được vào phòng. Hoa ngồi khóc
sướt mướt. Không ai hiểu Hoa lúc này, không ai chia sẻ, như con thú bị thương
giữa rừng già, Hoa giận mình, cũng tại Hoa có bao giờ chịu chia sẻ hay chịu hiểu
những tâm tư của khác đâu mà đòi người khác chia sẻ bây giờ. Hoa thui thủi
khóc, cô gọi điện cho vài ba người quen tới đây với cô. Nhưng chẳng ai nhận lời,
tất cả họ đều bận. Bây giờ Hoa mới vỡ lẽ ra sự thật cay đắng, cái gì càng hào
hoa tâng bốc thì càng giả dối thôi, khi khó khăn không ai có thể sống dựa vào
cái hào hoa vô nghĩa lí kia. Thế mà từ trước tới nay Hoa cứ nghĩ rằng tất cả họ
đều là bạn thân của Hoa, té ra cũng chỉ là thứ quan hệ bình thường, có cũng được
mà không có cũng chẳng sao. Họ đơn giản chỉ là cuộc đời ảo xoay quanh cuộc đời
thật của Hoa.
Hoa quay ra nhìn Khải ngủ, mấy tiếng trước cái mồm thở phì
phò nồng nặc đầy mùi rượu kia còn lớn tiếng nói chuyện chữ nghĩa với mấy người
bạn, bây giờ nằm ngủ ly bì như một đứa trẻ con, Hoa chợt ngạc nhiên vì sao mình
có thể đối xử tốt với Khải như vậy. Cô chưa bao gìơ cư xử quá mức như hôm nay.
Trời vào thu nên hơi se se lạnh, Hoa vẫn nhìn chăm chăm vào giấc ngủ của Khải.
Khi ngủ nhìn mặt hắn cũng hiền lành, không còn cái vẻ táo tợn như khi thức, tại
sao khi thức con người ta lại tạo cho mình một cái vỏ bọc kỹ lưỡng như vậy để rồi
khi ngủ trở về với vẻ lành hiền ban sơ. Chính Khải đây, ban nãy còn uống rượu
như chó uống nước gạo thế mà giờ đây đã nằm yên ngáy khò khò trong một giấc ngủ
vô tư lự. Hoa bị cơn buồn ngủ ập đến, cô gục xuống bàn thiếp đi.
Gà gáy sáng, cũng chẳng biết tiếng gà gáy vang lên ở đâu nữa.
Hoa vẫn mê mệt nằm trên ghế ngủ. Khải đã dậy, dụi mắt nhìn xung quanh, căn
phòng xa lạ, Hoa đang thiếp ngủ, bây giờ đến lượt Khải nhìn Hoa ngủ và lại có
suy nghĩ giống như Hoa tối qua. Khải trầm ngâm ngồi nhớ lại những gì đã xảy ra
với mình. Khải bế Hoa nằm lên giường, Hoa vẫn mê man với giấc ngủ mệt mỏi của
mình, cô ngủ dài sau những cuộc chơi không cân sức, một bên là tất cả, một bên
chỉ có Hoa đơn thương độc mã. Hoa càng gồng mình cô càng yếu đuối. Càng ồn ào
càng cô đơn.
Giá mà Khải hiểu được Hoa.
Nhưng chẳng có ai hiểu được ai trên con đường đời nhiều trắc
trở. Có chăng chỉ là sự thương hại.
Bây giờ đã là mùa đông. Ninh lại ủ dột đan len, Hoa thôi
không ồn ào nữa, thay đổi hoàn toàn nhưng trong lòng Hoa đang có xóa trộn ghê
ghớm. Ninh vẫn hàng ngày với những trăn trở của mình. Chỉ có điều Ninh không
hay để ý soi mói Hoa nữa.
Ngay cả Ninh và Hoa đều không biết phải bắt đầu từ đâu, có
nhiều cái tưởng đã bắt đầu được rồi, tưởng đã qua được giai đoạn đầu tiên nhưng
thực ra vẫn còn chơi vơi ở giữa dòng.
Không ai biết được mùa đông năm nay lá không rụng nhiều bằng
mùa đông năm trước, mùa đông cũng không lạnh lẽo quá nhiều. Vì thế mà Ninh làm
ít thơ về mùa đông hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét