Nhiều lúc Quỳ nghĩ cho mình. Những ý nghĩ lan man, lúc thực
lúc mơ. Ngay trong mơ, dù có bay vút trên chín tầng mây, cuối cùng cũng đáp xuống
một mái nhà. Mái nhà ấy, khi là căn phòng chật như cái hộp hay một ngôi nhà khang
trang ở ngoại ô thành phố, lúc nào cũng có hoa hồng. Hồng được trồng trong chậu
hẳn hoi. Quỳ hay rinh chậu hoa đặt dưới hiên, nơi có thể hứng sương và đón nắng.
Nhiều khi Quỳ dời đám hồng đến chỗ bệ cửa sổ phòng ngủ.
Phòng ngủ ít thay đổi. Lúc nào cũng có mấy con thằn lằn xám lợt
bò tới bò lui trên trần.Thỉnh thoảng, chúng giật mình nghểnh cổ khi nghe tiếng
sập cửa vô ý của Quỳ; hoặc uể oải chặc lưỡi khi thấy Quỳ nằm im một chỗ. Và một
chiếc giường cũ. Cũ đến nỗi Quỳ không nỡ đổi cái mới. Nhiều lần Quỳ đổi nệm
thay drap. Riêng chiếc giường chỉ xiết lại mấy con ốc và thay vài cây đinh.
Trên chiếc giường ấy, thỉnh thoảng Quỳ không đơn chiếc. Có điều, người đàn ông ấy
chưa một lần ôm Quỳ trong vòng tay. Cả gương mặt người ấy, cũng không rõ đường
nét. Người ấy, hình như cũng có một bộ ria…
Một bộ ria… cũng hao hao bộ ria người đàn ông đang ngồi trước
mặt Quỳ. Bộ ria như một bệt màu đậm nét. Đôi môi dày, mạnh mẽ. Lời Hòa ấm, lẫn
hơi gió, hơi biển, cứ mơn man, mơn man bên tai Quỳ.
Quỳ không rõ những điều Hòa nói. Cô chỉ biết anh đang thật
lòng. Hòa bảo lâu lắm rồi anh mới có được buổi tối thư thả như thế này. Quỳ cười.
Cô nói anh nên cảm ơn cái dạ dày trở chứng của người tài xế, nếu không anh đã
có mặt ở thành phố với vô số công việc hình như lúc nào cũng dang dở, chớ đâu
được ngồi ung dung trong cái nhà hàng khá ưng ý của cái khách sạn cạnh bờ biển
lộng gió này. Hòa cười, thú nhận: “Hình như anh là thằng quản lý tồi, lúc nào
cũng phải gồng lên gánh lấy cái gánh nặng ngoài sức mình”. Quỳ lặng thinh. Kể từ
khi trở thành người phụ trách kế hoạch kinh doanh của công ty, đã gần 6 năm, lần
đầu tiên cô nghe tiếng “anh” từ miệng Hòa. Thường ngày, cái danh
xưng “tôi” và “cô” nghe xa cách, quen thuộc, hàm chứa mệnh lệnh. Tiếng “anh” thốt
ra tự nhiên, gần gũi khiến Quỳ cảm động. Ánh mắt Hòa cũng dịu dàng. Quỳ buột miệng:
“Không phải anh dở mà tại anh tham!”. Nói xong, Quỳ biết mình lỡ lời. Cô cúi mặt
găm mắt xuống bàn, chờ cơn thịnh nộ. Không ngờ, Quỳ nghe tiếng cười của Hòa, tiếng
cười to, thoải mái và đắc ý. Hòa bảo Quỳ có nhận xét y hệt như mẹ anh. Hòa nói:
“Mẹ anh bảo những người tham thường không hạnh phúc!”. Quỳ hỏi: “Anh có hạnh
phúc?”.
Hòa bưng ly bia uống cạn. Đặt cái ly không xuống bàn, dựa lưng ra thành ghế, nhìn ra mặt biển ngời ngợi ánh trăng, Hoà nói: “Cho tới giờ, hạnh phúc mà anh cảm nhận rõ nhất là những ngày còn có mẹ!” Tim Quỳ nhói mạnh một cái. “Mẹ anh mất khi nào?”, Quỳ hỏi. “Hồi còn chiến tranh. Mẹ trúng đạn máy bay khi đứng nấu cơm sau bếp, lúc anh trên đường về nhà. Anh nhớ hoài ánh mắt của mẹ. Cho tới lúc đậy nắp quan tài, mắt mẹ vẫn không chịu nhắm…”
Hòa bưng ly bia uống cạn. Đặt cái ly không xuống bàn, dựa lưng ra thành ghế, nhìn ra mặt biển ngời ngợi ánh trăng, Hoà nói: “Cho tới giờ, hạnh phúc mà anh cảm nhận rõ nhất là những ngày còn có mẹ!” Tim Quỳ nhói mạnh một cái. “Mẹ anh mất khi nào?”, Quỳ hỏi. “Hồi còn chiến tranh. Mẹ trúng đạn máy bay khi đứng nấu cơm sau bếp, lúc anh trên đường về nhà. Anh nhớ hoài ánh mắt của mẹ. Cho tới lúc đậy nắp quan tài, mắt mẹ vẫn không chịu nhắm…”
Quỳ không chạm mặt với bom đạn chiến tranh nhưng ám ảnh của
nó, cô cảm nhận được qua nỗi đau âm thầm của những người thân yêu. Cha Quỳ cầm
cự với vết thương nơi bả vai và mất một mình ở bệnh viện lúc cô và mẹ mỗi người
một ngả, chạy táo tác kiếm tiền mua thuốc cho ông. “Mẹ và em hối hận hoài vì đã
bỏ cha một mình lúc hấp hối!” Quỳ nhớ trên đầu giường cha, chai dịch truyền mới
vơi một nửa, kim chuyền nước trật khỏi mạch máu nơi cườm tay cha, mấy giọt máu
loang đỏ tấm drap. “Bỏ một mình cha lúc hấp hối…Mỗi lần nghĩ đến giây phút ấy,
em thấy mình thật đáng trách; nhiều lúc em không dám nhìn lâu vào đôi mắt của
cha trong di ảnh…” Một giọt nước mắt lăn xuống má Quỳ. Hòa rút khăn tay đưa cho
Quỳ và ấp bàn tay lên tay Quỳ, bóp nhẹ: “Chiến tranh, bệnh tật và lòng hối hận;
phàm đã làm người, ai cũng canh cánh trong lòng vì nó. Thôi, mình đi dạo một
lát đi!”. Quỳ đứng lên và ngoan ngoãn bước theo Hòa.
Ánh trăng đổ tràn xuống cát. Bãi cát trải dài, tiếp giáp với
mặt biển lấp loá trăng. Quỳ thốt lên: “Chưa lúc nào em thấy trăng đẹp như thế
này!”. Hòa bước chậm lại: “Những đêm trăng sáng mẹ anh không chong đèn. Bà đốt
rơm, kéo cả nhà ngồi quanh đống lửa chờ củ khoai lùi, trái bắp nướng; thỉnh thoảng
có cá rô, cá lóc nướng trui. Cho tới giờ, anh vẫn còn nhớ mùi thơm của những
đêm trăng sáng”. Quỳ cũng kể cho Hòa nghe những đêm trăng sáng trong ký ức của
cô, những đêm trăng sáng từ những trang sách cũ. Bởi tuổi thơ của cô dường như
chỉ được đóng khung trong cái hộp bê tông ngột ngạt và khoảng trời trên đầu cô
bị rạch nát bởi mạng điện và chi chít những cánh chuồn chuồn bằng…kim loại.
Nhưng những đêm trăng sáng của Daudet, của Cronin, của Hàn Mặc Tử…thì tuyệt vời.
Hòa hào hứng: “Hồi cuối lớp 3, anh cũng được cô giáo thưởng quyển truyện Những
ngày xanh của ông Cronin”. Quỳ liền hỏi: “Anh có nhớ cảnh đôi bạn câu cá bên hồ
dưới ánh trăng”. Hoà nói: “Lâu quá rồi, anh chỉ còn nhớ tâm trạng háo hức của
đôi bạn khi nghĩ đến bữa ăn với thịt cá mà mình vừa câu được…Còn hồi nhỏ, anh
cũng là một tay sát cá, có lần con cá ngát dài gần một sải tay cắn câu kéo anh
té nhủi xuống sông…”.
Gió không còn đưa đẩy nhẩn nha nữa mà riết róng từng cơn. Bộ
váy áo công sở của Quỳ trở nên mỏng mảnh. Cô rùng mình. Hòa hỏi: “Em lạnh?”.
Quỳ không trả lời, hai tay chéo lại ôm lấy ngực. Sóng từng đợt, từng đợt trườn
lên bãi cát và va vào nhau bật ra chuỗi chuỗi âm thanh nghe giằng xé, cồn cào. Hòa choàng tay qua vai Quỳ: “Em lạnh run rồi nè, về phòng nghỉ đi!”. Quỳ líu ríu
bước theo Hòa, miệng lí nhí: “Trăng sáng như vầy làm sao ngủ được!”.
Quỳ tắt hết đèn. Cô day trở trên giường và không làm sao ngủ
được. Quỳ hất tấm đắp ra khỏi người, ngồi dậy, xỏ chân vào dép và bước đến bên
cửa sổ, vén rèm lên. Trăng vẫn vằng vặc sáng. Bãi cát trắng ngà như tấm thảm mềm
mại trải dài đón nhận cái mơn man hào phóng của ánh trăng. Vài đôi tình nhân
dìu nhau bước liêu xiêu dọc theo bờ cát. Một đôi dừng bước. Một ngọn sóng trườn
lên bãi cát, chạm vào chân họ. Quỳ nghe tiếng cười và thấy họ nắm tay nhau chạy
khỏi ngọn sóng tiếp theo. Rồi họ hôn nhau. Hôn thật lâu. Lâu đến nỗi Quỳ thấy
nóng ran hai má. Cô lấy đôi tay xoa mạnh lên má, nhắm mắt lại, cố xua hình ảnh
yêu đương đắm đuối của đôi tình nhân ra khỏi đầu.
Trăng vẫn tròn và sáng. Vài đám mây mỏng như làn
khói vội vã lướt ngang qua bầu trời. Quỳ chợt nhận ra một chùm sao xúm xít bên
nhau. Chúng nhấp nháy. Chúng khao khát gởi đến trần gian tín hiệu yêu thương.
Quỳ nghe tiếng gõ cửa. Tiếng gõ e dè. Quỳ vẫn đứng bên cửa sổ.
Trăng sóng sánh. Biển cồn cào. Sóng rì rầm. Gió mơn man. Một tiếng gõ cửa nữa.
Lần này còn rụt rè hơn. Máu nóng như lập tức dồn hết xuống chân Quỳ. Bàn chân
nóng chạm vào nền gạch lạnh, cô líu quýu chạy đến bên cánh cửa.
Cửa mở. Hòa ập vào như một con sóng. Anh kéo Quỳ
vào lòng, thì thào: “Trăng sáng quá…anh không sao ngủ được, cứ nghĩ đến em!”.
Quỳ thì thầm: “Em cũng vậy!”.
Hòa cảm động. Ánh trăng thập thò ngoài cửa sổ soi rõ gương mặt
mãn nguyện của Hòa. Anh lập đi lập lại đến lần thứ một trăm lẻ một chỉ một câu:
“Anh biết ơn em, anh đội ơn em!”. Quỳ lấy tay bịt miệng Hòa: “Đừng nói như vậy,
anh! Em yêu anh, em chỉ có mỗi mình anh!”.
Sáng hôm sau, lúc mặt trời còn đỏ ối trên mặt biển, Quỳ được
đánh thức bằng hương hoa. Một bó hồng to tướng đặt bên cô. Quỳ không vội mở mắt.
Cô nằm im. Trên chiếc giường lạ, cô hít thở thoả thuê, tận hưởng thoả thuê
hương vị tình yêu. Khi mở mắt, cô gặp ánh mắt nồng nàn của Hòa. Anh cúi xuống
ngực cô: “Anh cảm ơn em!”. Quỳ vòng tay ghì chặt Hòa: “Anh có yêu em?”. Anh vùi
đầu vào ngực cô: “Em tuyệt lắm!”. Quỳ ngước nhìn lên trần nhà, cô
đang có tất cả, chỉ thiếu những con thằn lằn xám lợt bò tới bò lui
và tiếng chắc lưỡi quen thuộc của chúng.
Đưa Quỳ đến tận chân cầu thang, Hòa dặn: “Hôm nay em khỏi đến
công ty, cứ ở nhà nghỉ ngơi!”
Ở nhà. Quỳ không nghỉ. Trái tim đập rộn. Cô khe khẽ hát lúc cắm
hoa, lúc tắm, lúc chải tóc, lúc đưa mắt tìm con thằn lằn nấp chỗ bóng đèn, lúc
nấu nướng, lúc lau chùi, lúc bước xuống phố.
Phố dài. Người xuôi ngược. Quỳ thong dong bước trên vỉa hè.
Nhiều lần cô khựng lại trước mùi thơm thoang thoảng của hoa lài, hoa thiên lý.
Quỳ đưa mắt tìm và bắt gặp những bụi hoa được trồng trước sân, phía trong hàng
rào, cạnh lối đi. Bước dọc vỉa hè, Quỳ nhặt được một bông sứ trắng muốt vừa rời
cành, còn thơm hăng hắc. Cô cũng dừng lại, cúi xuống, khẽ khàng bỏ những đồng
tiền lẻ vào mê nón của người mù và nấn ná nghe khúc hát ảo não của họ. Quỳ rảo
bước và thấy ngỡ ngàng với chính mình. Chưa lúc nào cô trải lòng ra như thế. Quỳ
sẽ kể cho Hòa nghe cái cảm giác mới mẻ này. Chắc Hòa sẽ vênh mặt lên mà nói:
“Nhờ…ánh trăng!”. Quỳ hăm hở tấp vào một cửa hiệu bán quần áo, túi xách và nhiều
loại quà lưu niệm. Cô tham lam muốn mua rất nhiều thứ cho Hòa nhưng rồi phải
cân nhắc bởi túi tiền hơi ít. Quỳ chọn mua cho Hoà cái dao cạo và chiếc khăn
tay. Mỗi sáng Hòa sẽ cạo râu và chiếc khăn thì luôn ở bên anh. Quỳ cũng tự tặng
cho mình một chiếc áo, chiếc áo vàng rực màu hoa quỳ. Mặc vào người chiếc áo
đó, Hoà sẽ nhận ra cô, cho dù Quỳ có lẩn giữa đám đông.
Mặc chiếc áo vàng rực, Quỳ đến công ty. Vừa đẩy cửa bước vào
phòng làm việc, Quỳ đã nghe tiếng đứa bạn chơi thân với cô, la lên: “Tưởng mày
bệnh, ngờ đâu mặt mũi ngời ngời thế kia!”. Nó đưa cặp mắt sắc sảo ngắm nhìn Quỳ
từ đầu đến chân, rồi buông lời bình: “Chỉ có một thứ bệnh khiến con người ta bỗng
dưng hồng hào nhan sắc!”. Nhiều cặp mắt hướng về Quỳ. Cô chống đỡ những ánh mắt
thân quen bằng nụ cười, nụ cười của một người đàn bà vừa được chìm đắm trong
khoảnh khắc tình yêu, khoảnh khắc khó lập lại trong đời.
Bích Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét