Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Những mảnh đời bồng bềnh

Những mảnh đời bồng bềnh
Lợi dụng chuyến đi du lịch Campuchia do Saigon Tourist tổ chức, sau khi đến Siem Reap thăm Đế Thiên Đế Thích, chúng tôi liền gợi ý với anh hướng dẫn tổ chức ngoài chương trình vài giờ thăm viếng làng chài Việt nam trên biển Hồ. Mỗi người trong đoàn phải đóng thêm 20 đô la chi phí. Hầu hết đều đồng ý.
Trước khi lên đường, do sự gợi ý của người hướng dẫn, chúng tôi ghé qua một tiệm thực phẩm của người Miên, mua các thức ăn cần thiết để làm quà tặng đồng bào ruột thịt. Chúng tôi xin nhiều bao ny long để chia đều các gói mì ăn liền, đường, gạo, sữa hộp…
Vì đâu nên nỗi 
Chiếc xe ca lăn bánh lúc 12 giờ 15. Độ 30 phút len lỏi trên con đường lộ, hai bên lề rợp bóng tàng cây trứng cá, xe bắt đầu vào địa phận của biển Hồ. Mặt nước trải rộng, ghe xuồng nhấp nhô. Đoàn phải rời xe ca để lên ghe máy đến làng chài của người Việt. Những gói thực phẩm cũng được anh tài công khờ me phụ giúp mang lên ghe. Nhờ có anh hướng dẫn tháp tùng, chúng tôi mới hiểu thấu hoàn cảnh bi đát của người Việt sống trên biển Hồ.
Tiếng lạch bạch của chiếc động cơ ghe máy hoà với tiếng sóng vỗ lách tách ở mạn thuyền tạo một âm thanh buồn tẻ. Ghe máy từ từ đi qua một nhà thờ nhỏ cất trên bè. Gió phe phẩy thổi làm cho cây thánh giá lắc lư chao nghiêng. Mọi người giương mắt tìm vị chủ chăn nhưng không thấy, chỉ thấy mấy đứa trẻ lao xao, đùa giỡn rồi xúm lại cửa nhà thờ ngơ ngác nhìn khách trên sông. Ghe máy tiếp tục lướt sóng,làng chài Việt nam dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Những cái chòi lá lụp xụp không có một miếng đất làm nền mà chỉ nằm trên những cái thùng phuy bịt kín làm phao cho một gia đình trú ngụ. Rải rác cũng có một hai nhà lợp tôn nằm trên phao làm tiệm tạp hóa. Có một em bé mặt mũi lấm lem, chèo xuồng bán các thứ linh tinh. Ghe máy đi ngang một lớp học có bảng đề Trường học Việt Nam. Vì là ngày Chúa nhựt nên chúng tôi chỉ thấy các em nhỏ tấp xuồng vô lớp học, lên sinh hoạt với các bạn. Theo anh hướng dẫn cho biết, cuộc đời của những người Việt tha hương đã mấy lần sống trong nghiệt ngã. Dưới thời Tổng thống Lon Nol thân Mỹ, họ bị chính quyền Miên đuổi ra khỏi biển Hồ, bồng bế nhau chạy về lánh nạn ở Hồng Ngự Tiền giang hay Tân Châu Hậu giang. Rồi vì nghèo, họ lén lút quay lại biển Hồ để tìm sự sống.Sau khi Lon Nol bị lật đổ, Pol Pot lên thay và dùng chính sách sắt máu, diệt chũng để cai trị. Người Việt trên biển Hồ thêm một lần nữa chạy bán sống, bán chết về tỵ nạn ở miệt sông Tiền hay sông Hậu. Mãi đến khi Việt Cộng xua quân qua đất khờ me đánh Pol Pot và cho bộ đội đóng quân trên đất Chùa tháp, người Việt lần hồi trở lại sinh sống trên biển Hồ.Vì nhờ Cộng sản Việt Nam đưa lên nắm quyền cai trị đất nước Miên, thủ tướng Hun Sen đành phải làm ngơ cho người Việt trú ngụ trên biển Hồ. Nhưng họ luôn bị xem là những di dân bất hợp pháp. Sinh hoạt hằng ngày của họ là gì? Đàn ông ra biển lưới cá, đàn bà buôn bán tạp nhạp hay nội trợ. Gần đây, dân miền Bắc Việt Nam vì nghèo nên phải vào Nam, lặn lội xuống tận Hồng Ngự hay Tân Châu tìm việc làm kiếm sống. Nhưng miền đồng bằng sông Cửu long không còn chỗ cho họ dung thân nên nhiều gia đình phải bồng bế nhau qua tận biển Hồ tìm sự sống.
Sống bồng bềnh, chết cũng bồng bềnh trên nước
Đất Miên cạnh biển Hồ rất đắt. Người Việt tha hương không có đũ tiền mua một mảnh đất cất nhà. Họ đành phải làm nhà chòi trên những chiếc bè hay trên các phao để trốn mưa nắng. Mùa nước nổi thì bốn bề đều ngập nước. Phải đợi đến mùa nước rút mới thấy được lác đác vài cái cồn đất bùn với những bụi cây bần. Nếu gia đình nào có người chết trong mùa nước nổi, thân nhân phải tẩn liệm xác trong bốn tấm ván rồi mang quan tài xuống xuồng đưa tới một nhánh bần còn lấp ló khỏi mặt nước. Họ cột quan tài vào cành cây cho khỏi trôi đi, chờ mùa nước rút mới quay trở lại vùi quan tài thân nhân xuồng bùn. Trong một đám bần, chúng tôi thấy loáng thoáng vài tấm ván làm mộ bia ghi tên người quá cố. Cũng là con người, nhưng tại sao cuộc đời họ nghiệt ngã đến thế? Chung quy cũng vì nghèo. Các đại gia ăn trên, ngồi trốc, đi xe hơi đời mới, sống vương giả trong những biệt thự cao sang ở Hà nội hay ở Sàigòn, bao giờ họ mới có vài giây phút chạnh lòng nghĩ đến những đồng bào ruột thịt sống lây lất trên đất khách?
Ghe máy đưa chúng tôi đi xuyên qua làng chài Việt nam để ra cửa biển. Xa xa, thấp thoáng một ngôi chùa cất trên phao. Mặt nước trải rộng cuối chân trời. Gió phần phật thổi. Tài công tắt máy cho ghe lững lờ trôi. Thỉnh thoảng, một chiếc tàu cao tốc chẻ sóng lướt qua. Du khách đa số là người Âu đưa mắt hững hờ nhìn những chiếc xuồng con buôn bán trên sông, đám trẻ con bì bõm lội dưới nước.
Ghe máy quay lại làng chài Việt Nam cho chúng tôi thực hiện việc tặng quà. Địa điểm được chọn là một nhà hàng nổi của người Miên. Vì chủ nhân cấm ngư dân Việt không được đặt chân lên nhà hàng nên các xuồng chen chúc cặp theo bên hông.
Và đây, những mảnh đời tơi tả.
Quanh chúng tôi, lố nhố những con người tơi tả, từ bà cụ già gầy guộc, lếch thếch, đến các thiếu phụ ốm o, mặt mũi xanh xao, tay bồng con nhỏ, ngồi trên xuồng giữa trời nắng chang chang để chờ nhận một gói quà tình thương. Các trẻ con lem luốt, nhốn nháo chờ đợi được có quà.
Trong lúc các thành viên trong đoàn phân phát quà cho đồng bào ruột thịt, tôi ngồi lặng lẽ quan sát một góc nhà hàng, nơi có vài chiếc xuồng và những con người bất hạnh sắp bị thiệt thòi vì không lanh tay lẹ chân. Trong số đó, tôi bắt gặp một bà lão hom hem với cặp mắt đờ đẫn, ngồi bất động trên xuồng; gần đó, một em bé gái với gương mặt đen đúa vì rám nắng, e ngại ngồi nhìn lũ bạn lém lỉnh tranh nhau nhận quà. Một thiếu phụ, đầu đội chiếc nón lá rách, áo vá vai, vẻ mặt hiền hậu, không quen tranh giành nên  đành nhận lấy sự thiệt thòi về mình. Thú thật, tôi không chịu nổi ánh mắt đờ đẫn van lơn của bà lão hướng về tôi, gương mặt đen đúa của đứa bé gái với đôi mắt ngây thơ len lén nhìn tôi như chờ đợi, vẻ mặt hiền hậu của người thiếu phụ lam lũ với nụ cười nhợt nhạt trên môi ngại ngùng ngó tôi. Lợi dụng lúc các thành viên phát quà, tôi lẹ tay móc hết xấp tiền ria của Miên mới đổi hôm qua ở Trảng bàng, nhanh chân đến bên xuồng tặng bà lão, người thiếu phụ và cô bé gái đáng thương kia. Túi tôi rỗng tuếch nhưng lòng hả hê.
Bỗng tôi nghe tiếng la ơi ới của một đoàn viên. Ngoái cỗ lại nhìn thì thấy một thằng bé trai tham lam rượt đánh một em bé gái để giành một gói quà còn dư thừa. Phải cứng rắn can thiệp kịp thời mới tránh một cuộc ấu đả vì miếng ăn. Tội nghiệp họ quá! Và cũng thương họ quá! Gần bên chúng tôi có cặp vợ chồng người Âu ghé nhà hàng nổi giải khát, họ lấy máy ảnh chụp lia cảnh phát quà với vẻ mặt dửng dưng.
Sau cuộc phát quà, chúng tôi xuống ghe máy trở về đất liền. Trong đầu tôi vẫn còn một câu hỏi chưa có giải đáp. Nếu cuộc sống tâm linh của dân làng chài có linh mục hay mục sư hoặc nhà sư chăm lo thì những vết thương thể xác của họ đã được cơ quan từ thiện nào phụ trách chưa? Vì suốt chuyến viếng thăm, chúng tôi chỉ thấy có giáo đường, kiểng chùa, trường học, nhưng không thấy một trạm y tế nào. Vậy lúc ốm đau hay khi trở dạ, ai lo cho họ?
Từ bến tàu, xe ca mang trả chúng tôi về khách sạn. Trên đoạn đường về, mọi người trên xe đều trầm ngâm, hình như ai cũng buồn rười rượi trước cảnh giành giựt của đám trẻ lam lũ. Tương lai của những người Việt Nam bất hạnh ấy sẽ về đâu? Họ không có một mảnh giấy tùy thân. Kiếp sống trên biển Hồ sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?. Mẹ Việt Nam ơi! Có thấu chăng cảnh khổ của đàn con lưu lạc trên xứ người?
Hoa nở muộn
Chương một
Sàigòn chiều tháng bảy mưa rồi chợt nắng; mưa nhạt nhòa rồi lại nắng hanh hanh. Quán cà phê cạnh vỉa hè của thím Tư lưa thưa khách, chỉ còn hai người đàn ông trạc bốn mươi tuổi ngồi thì thầm trong góc. Họ chẳng để ý đến ly cà phê đã nguội và cũng không màng biết ngoài trời đang mưa hay nắng. Thoáng nhìn, thím Tư đoán được họ là đôi bạn thân lâu ngày gặp lại. Hưng thì thím biết vì ở cùng xóm, còn người kia có vẻ một Việt kiều về thăm quê hương. Tò mò, thím lắng tai nghe tiếng được tiếng mất.
- Mày nhứt định không đi theo H.O?
Hưng lắc đầu:
- Chắc không. Chỉ khi nào cuộc sống bế tắc thì mình sẽ tính.
Trọng thương hại bạn thở dài nuối tiếc:
- Tức thật. Ngày đó tao giục mày đi mà mày cứ nghe lời Phượng ở lại. Người cha cán bộ tập kết của cô ta có cứu được mày đâu.
Hưng trầm ngâm:
- Mười năm tù cải tạo là bài học đáng giá cho mình.
Trọng chán nản:
- Tưởng sao, lúc mày bị giam cầm thì Phượng nghe lời thằng Hiếu bồng con theo nó vượt biển, để rồi khi đến Mỹ, Phượng trở thành vợ Hiếu còn con trai mày chỉ biết Hiếu là cha nó.
Hưng đăm chiêu:
- Hai mươi năm là liều thuốc quên lãng. Mỗi người có một số mệnh, Trọng nhắc lại cũng chẳng ích gì.
Chợt nhớ ra, Trọng hăm hở nói:
- Tao quên cho mày biết vợ chồng thằng Hiếu gặp tao trên chuyến bay về nước.
- Phượng có nhận ra Trọng không?
- Cô ta làm mặt lạ. Càng tốt.
Trọng đằng hắng rồi ái ngại nhìn bạn:
- Hiện mày làm gì để sống?
- Tài xế xe hợp đồng xuôi ngược khắp các nẻo đường đất nước.
- Còn chị Hai?
- Từ lúc mình ở tù về, chị ấy đùm bọc mấy năm cho đến khi mình tìm được việc. Hiện hai chị em hủ hỉ sống bên nhau.
Thấy Hưng mặc chiếc áo sờn vai, đầu đội mũ lưỡi trai bạt màu, Trọng ngập ngừng:
- Là bạn thân, tao muốn giúp mày…
Hưng ngắt lời:
- Cám ơn Trọng, mình chưa cần đến.
Bên ngoài, gió rít từng cơn, mây đen vần vũ báo hiệu trận mưa to sắp trút xuống thành phố. Trọng đứng lên bắt tay từ giã bạn, hẹn gặp lại trước khi về Mỹ.
Sáng sớm hôm sau, Hưng lái xe vào đường Hoàng hoa Thám để đón khách thuê bao đi Cà mau. Qua ánh sáng lờ mờ của đèn đường, Hưng tìm được số nhà. Chàng dừng lại, xuống xe, bước đến bấm chuông trước cổng. Con chó thấy thấp thoáng bóng người, sủa vang. Một bà cụ hé mở cánh cửa sắt, ló đầu ra nhìn rồi quay vào:
- Con ơi, xe đến rồi.
- Má bảo tài xế mang hành lý ra trước giùm. Còn thằng Huy, vợ chồng mày rồi chưa?
Sắp xếp xong mấy xách tay, Hưng ngồi chờ khách bên vệ đường. Chàng nhớ man mán xưa kia Phượng ở xóm nầy. Mười lăm phút sau, một thanh niên cùng cô gái Mỹ và hai ông bà Việt kiều độ ngoài bốn mươi tuổi ra khỏi cổng bước lên xe.
- Đủ rồi, chúng ta lên đường. Người phụ nữ bảo.
Chiếc xe 12 chỗ ngồi chỉ chở bốn khách nên thoáng và rộng. Hưng vâng dạ rồi nổ máy cho xe chuyển bánh. Vì đường còn vắng, chàng nhấn thêm ga để mau ra khỏi Sàigòn tránh nạn kẹt xe. Qua Phú lâm, trời sáng hẳn. Thỉnh thoảng cô gái Mỹ hốt hoảng rú lên vì vài chiếc xe đò hậu giang vượt đường ranh qua mặt trái phép. Hưng nghe ở yên sau người đàn ông bàn với vợ:
- Mình ghé ăn sáng ở Bình chánh nhé!
- Tùy anh.
Nghe giọng nói của người đàn bà có vẻ quen, Hưng liếc nhìn kính chiếu hậu, chàng giựt mình nhận ra Phượng. Hưng liền kéo mũ lưỡi trai xuống thấp để che thêm mặt mình. Chàng tự hỏi trong ba ngày lái xe đưa họ đi đó đây, làm sao Phượng không phát hiện ra Hưng? Bỗng người đàn ông khều vai Hưng:
- Anh dừng lại đây ăn điểm tâm đi.
- Dạ
Xe ngừng trước sân tiệm hủ tiếu Nam vang. Đợi bốn người khách vào hẵn bên trong, Hưng mua vội ổ bánh mì thịt rồi nép mình ngồi ở góc bàn thư thả ăn. Chợt nghe ai nói sau lưng:
- Ba cháu mời Bác đến ăn chung.
Ngoảnh lại thấy Huy, Hưng mỉm cười:
- Cám ơn Cậu, tôi phải ở đây xem chừng xe.
Chàng trai lạnh lùng trở lại bàn ngồi bên cô gái Mỹ nói cười hồn nhiên. Chỉ riêng Hiếu lộ vẻ thắc mắc:
- Lạ nhỉ, lần trước mình bao xe đi Huế, mỗi khi được mời ăn chung, có tài xế nào từ chối đâu?
Phượng lơ đãng:
- Chắc người ta ngại.
Ôn lại những lời Trọng kể chiều hôm qua, Hưng hoang mang không biết người trai trẻ kia là con mình hay con của Hiếu? Cuộc đời trớ trêu đưa đẩy Hưng gặp lại người xưa trong hoàn cảnh nầy sao ? Ăn xong, vợ chồng Phượng cùng con và dâu ra xe. Hiếu vỗ vai Hưng:
- Trưa nay anh ăn cơm với gia đình tôi nhé, đừng ngại.
Thoạt trông thấy Hưng, Phượng biến sắc quay mặt đi nơi khác. Họ đến Cần thơ thì mặt trời vừa đứng bóng. Hiếu đề nghị ăn trưa xong sẽ thuê ghe máy đi xem chợ nổi ngã ba Phụng Hiệp. Phượng do dự:
- Nếu thế thì làm sao về Cà mau kịp chiều nay?
- Hay là mình ở lại Cần thơ một đêm.
- Cũng được.
Chọn khách sạn Ninh kiều, gia đình Phượng dùng bữa luôn trong nhà hàng trên sân thượng. Hưng lấy cớ đem xe đi thay dầu để né tránh nhưng Hiếu không cho. Phượng lại cằn nhằn:
- Thì cứ để ông ấy bảo trì xe.
Hiếu không đồng ý:
- Cơm nước xong, anh muốn làm gì cũng được. Anh còn cả buổi chiều để chăm sóc chiếc xe mà.
Không thể từ chối, Hưng đành kéo ghế ngồi cạnh Huy và Jane, lặng lẽ nghe họ đối đáp nhau bằng tiếng Anh lưu loát. Hưng nhận thấy Huy đẹp trai trông khôi ngô tuấn tú còn Jane, tuy gái Mỹ nhưng dáng người mảnh mai. Cô có khuôn mặt thanh tú tô điểm bởi cặp mắt xanh, chiếc mũi cao, đôi môi hồng, hàm răng trắng đều đặn và mái tóc vàng óng ả xõa bờ vai. Một vẻ đẹp diễm kiều trời ban cho người thiếu nữ phương Tây. Hưng thầm khen trai Việt, gái Mỹ cũng xứng đôi vừa lứa.
Hiếu chọn cho tài xế một phòng đơn nhìn ra bãi đậu xe để dễ trông chừng còn gia đình Phượng ở hai phòng đôi có máy điều hòa hướng ra Hậu giang. Sau chuyến du ngoạn trên sông, vợ chồng Hiếu có vẻ thấm mệt vì nắng; trái lại Huy và Jane vẫn hồn nhiên tung tăng đi dạo phố.
Màn đêm buông xuống. Gió từ sông Hậu thổi vào lay động hàng dương dọc theo bến Ninh kiều. Khách dạo chơi thưa dần nhường chỗ cho bọn người kém lương thiện. Hưng đứng cạnh cửa sổ nhìn ra đường xem sinh hoạt về đêm của Tây đô; bỗng chàng giật mình thấy Huy dìu Jane ra bờ sông. Hưng đóng vội cửa phòng chạy theo. Quanh quẩn tìm vài phút, Hưng thấy cô cậu đang ngồi trên băng đá hóng mát. Nép sau gốc cây dương, chàng theo dỏi. Cô gái Mỹ và chàng trai Việt đắm đuối hôn nhau trong công viên bến Ninh kiều bên giòng sông Hậu. Cả hai nào biết có vài bóng đen đang rình rập họ. Chiếc hôn dài chưa dứt, Huy và Jane hốt hoảng đứng lên khi thấy bốn thanh niên xuất hiện chận lối đi. Huy định kéo vợ chạy thoát thân nhưng bị hai tên du đãng nhảy vào nắm chặt đôi tay; hai tên khác xô Jane ngả trên cỏ toan dở trò hãm hiếp. Cô gái Mỹ cố vùng vẫy, còn Huy thì tung người lấy hết sức để cứu vợ. Bỗng có tiếng quát:
- Đồ khốn nạn, buông người ta ra.
- Mày là ai?
- Ai cũng được, nhưng bọn mày muốn sống thì cút khỏi nơi nầy.
Lợi dụng thời cơ, Huy nhảy vào đỡ Jane đứng lên trong khi bốn tên côn đồ vây đánh kẻ lạ. Quá kinh hoàng, Huy ôm chặt Jane nép sau bụi kiểng chứng kiến trận hỗn chiến. Nhìn kỹ, Huy nhận ra kẻ cứu vợ chồng chàng chính ông tài xế. Hưng có võ nghệ nên đánh đỡ lẹ làng. Bốn tên ma cô kiêm nghề trấn lột nhập trận mươi phút rồi ôm đầu chạy dài.
- Cô cậu trở về khách sạn đi. Hưng bảo.
Jane run rẩy nhìn Hưng, bập bẹ thốt lời cám ơn. Huy lo ngại hỏi:
- Bác có sao không?
Hưng lắc đầu:
- Không sao.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến Huy khó hiểu:
- Tại sao Bác có mặt nơi đây để cứu tụi cháu?
Hưng cười:
- Thấy cô cậu ra bến Ninh kiều ban đêm, tôi biết không ổn nên lẻn theo sau.
- Cám ơn Bác. Nếu không có Bác, chắc vợ chồng cháu bị giết rồi.
 Nhìn quanh quẩn, Hưng giục:
- Thôi ta đi. Thế nào bọn chúng cũng trở lại tìm tôi trả thù.
Sáng hôm sau, gia đình Hiếu rời Cần thơ sớm để về Cà mau. Nhìn Huy và Jane, Hưng thấy rõ nét sợ hãi còn hiện trên hai gương mặt bơ phờ. Đêm qua, về khách sạn, Huy đã kể hết câu chuyện không may cho cha mẹ nghe. Hiếu vội xuống tìm Hưng hỏi han cảm tạ còn Phượng vẫn trầm tư khó hiểu.
Đến Sóc trăng, Phượng đề nghị viếng chùa dơi của người Miên. Jane viện cớ mệt ngồi lại xe. Huy hiếu kỳ muốn quay phim kiển chùa nên theo cha mẹ. Còn lại một mình, cô gái Mỹ hỏi Hưng:
- Ông biết nói tiếng Anh chứ?
Hưng gật đầu:
- Đôi chút.
- Vậy mời ông vào quán dùng với tôi một ly nước.
- Cám ơn Cô.
Jane nhìn Hưng ái ngại:
- Đêm qua ông có bị thương không?
Hưng khẻ lắc đầu:
- Không.
- Ông là người Nam?
- Phải.
- Vậy trước 1975 ông làm gì?
- Đại úy phi công.
Jane trố mắt ngạc nhiên:
- Rồi sau khi miền Nam thất thủ, ông có bị tù không?
- Mười năm trong trại cải tạo.
Jane lại thắc mắc:
- Là phi công, sao ông không lái máy bay qua Thái lan để thoát thân?
- Vì vợ tôi không chịu đi.
Jane nhíu mày:
- Lạ thật? Rồi bà ấy có chờ ông mãn tù về không?
- Không. Vợ tôi vượt biển đến Mã lai rồi sang Mỹ.
Ông có liên lạc được với bà không?
- Không, vì vợ tôi đã có chồng khác.
Jane nhún vai:
- Tệ thật. Xin lỗi đã gợi chuyện không vui của đời ông. Tôi muốn hỏi thêm ông một câu:
Jane cứ nói.
- Tại sao đêm qua ông dám liều mạng để cứu vợ chồng tôi ? Một mình ông chống lại bốn tên côn đồ. Thú thật, ngay trên đất Mỹ, tôi chỉ thấy trên màn ảnh những người nghĩa hiệp như ông, chứ ngoài đời hiếm có.
Hưng nhìn Jane giải thích:
- Thấy việc bất bình mà không can thiệp là người không tốt. Thấy kẻ yếu bị hiếp đáp mà không binh vực thì không đáng làm người.
Jane nắm tay Hưng:
- Ông là người đáng kính phục.
Hưng đứng lên:
- Kià, họ đã trở lại, chúng ta ra xe đi.
Jane trả tiền nước rồi uể oải bước theo Hưng. Nàng chẳng quan tâm nghe Huy kể cảnh hàng trăm con dơi đeo lủng lẳng trên cành cây bên hông chùa. Hưng lái xe rời tỉnh Sóc trăng thẳng đường xuống Bạc liêu. Hiếu hỏi vợ:
- Em có định ghé Tắc Sậy viếng mộ Cha Trương bửu Diệp không?
- Có chứ. Em phải tạ ơn Cha.
Qua khỏi Bạc liêu vài chục cây số, Hưng ngừng xe trước cổng giáo đường Tắc Sậy. Vợ chồng Huy không theo cha mẹ. Hai cô cậu đi dọc theo con kinh đào sau lưng nhà thờ, ngồi dưới gốc dừa, đưa mắt nhìn ghe xuồng qua lại. Jane thỏ thẻ kể cho chồng nghe câu chuyện giữa nàng và bác tài xế trong quán nước ở Sóc trăng. Huy không ngờ đời ông ta có khúc quanh nghiệt ngã như vậy.
Nửa giờ sau, xe đến Cà mau. Hiếu chọn khách sạn Phương Nam để dừng chân. Cơm nước xong, Hiếu rủ vợ con ra bến tàu thuê ghe máy về Năm Căn, quê quán của Hiếu. Phượng than nhức đầu không đi; vợ chồng Huy cũng từ chối vì muốn ngủ lấy lại sức. Phượng lên tiếng cằn nhằn:
- Muốn về quê, mình cũng đợi sáng mai mới đi chứ.
- Đành vậy, nhưng anh phải thuê ghe máy trước.
- Thôi anh tìm một mình đi.
- Cũng được.
Hưng hỏi:
- Ông có cần xe không?
Hiếu lắc đầu:
- Khỏi, Tôi đi bộ; sẵn dịp đánh một vòng thăm chợ Cà mau luôn.
Hưng đang rửa kính xe thì có tiếng người sau lưng:
- Anh Hưng.
Quay lại, thấy Phượng đã đứng yên nhìn mình.
- Bà muốn đi đâu à?
Phượng lắc đầu :
- Tôi mời anh vào bên trong nhà hàng để nói chuyện.
Lạ thật, suốt quãng đường dài từ Sàigòn đến Cà mau gần 350 cây số, Phượng không nói với Hưng một câu dù là mời mọc xã giao; thậm chí còn trách khéo chồng quá tử tế với tài xế; giờ thì Phượng đổi thái độ. Hưng dẹp thùng nước bước theo Phượng.
- Mời anh ngồi. Anh dùng chi?
- Cám ơn bà, tôi chưa khát.
- Mình uống cà phê đá nhé!
- Tùy bà.
Với vầng trán suy tư, Hưng nhíu mày:
- Bà muốn nói gì, tôi xin nghe đây.
Phượng lưỡng lự vài giây:
- Hỏi thế nầy thì không phải, anh thông cảm cho.
- Bà chớ ngại.
- Tôi muốn biết anh có gia đình chưa?
Ngao ngán tình đời, Hưng lắc đầu:
- Chưa. Từ ngày ra khỏi tù đến nay hơn mười năm, tôi vẫn ở trọ với chị Hai.
Phượng thở dài hối hận:
- Tại Phượng mà cuộc đời anh lỡ hết. Trước đây, phải chi anh đừng nghe lời Phượng ở lại thì nay anh cũng như Trọng và Hiếu.
Yên lặng trong giây lát, Hưng nhìn Phượng:
- Mỗi người đều có số mệnh. Bà bận tâm làm gì?
Phượng trầm ngâm:
- Anh Hiếu cứ ngợi khen hành động nghĩa hiệp của anh còn Phượng thì không ngạc nhiên.
Hưng mỉm cười:
- Vì người cha nào cũng dám đổi mạng mình để cứu sống con, phải vậy không bà?
- Đúng, nhưng nay nó là con của Hiếu.
- Tôi biết, nhưng Huy vẫn mang dòng máu của tôi.
Phượng vội chuyển đề tài:
- Tôi nghe con Jane kể về anh.
- Nhưng tôi đâu có đề cập đến chuyện giữa tôi và bà.
Phượng hớp ngụm cà phê, đưa mắt nhìn mông lung:
- Tôi muốn xin anh một điều.
- Bà cứ nói.
- Chôn vùi chuyện tình của chúng ta vào dĩ vãng. Như anh thấy, tôi làm vợ Hiếu trên hai mươi năm; thằng Huy cũng được anh ấy nuôi dưỡng nên người. Tôi xin anh đừng bới đóng tro quá khứ để khuấy động hạnh phúc của gia đình tôi. Được vậy, tôi sẽ biếu anh một số tiền để làm lại cuộc đời.
Buông tiếng thở dài:
- Tôi xin làm theo ý bà. Còn tiền thì tôi không nhận vì có ai đem bán kỷ niệm bao giờ? Vả lại, thời gian qua đã giúp tôi quên vết thương đau. Bà yên tâm đi.
Phượng phân vân rồi lặng lẽ đứng lên vào phòng; Hưng cũng trở ra xe lau kính tiếp. Ba ngày rong chơi các tỉnh miền Tây, Huy và Jane lấy lại niềm vui. Hai vợ chồng trẻ lẩn quẩn theo hỏi chuyện Hưng trước cặp mắt lo ngại của Phượng.
Trở về Sàigòn, Hưng nhẹ nhõm từ giã họ nhưng lòng man mác buồn vì xa Huy. Jane xin địa chỉ nhưng chàng tránh né viện lý do trong hẽm nhỏ khó tìm. Hai hôm sau, Trọng đưa vợ con đến mời Hưng đi ăn để giã từ. Hưng giấu nhẹm chuyến đi miền Tây.
Chương hai
Yến ra khỏi trường Lê văn Tám thì trời chuyển mưa. Tuy nghỉ hè nhưng với chức vụ hiệu trưởng, Yến phải có mặt vài giờ trong ngày để quản lý. Mỗi lần đi ngang trường cấp ba Võ thị Sáu, thấy các nữ sinh thướt tha trong chiếc áo dài trắng đồng phục, Yến luyến tiếc thời thanh xuân. Nhớ lại lúc còn trẻ, Yến chỉ mặc quần bô áo vải đến trường. Đoàn thanh niên cộng sản đã huấn luyện nàng thành cô gái khô khan tình cảm. Yến chỉ biết phấn đấu vào đoàn và mau chóng lên đối tượng đảng. Nàng có gương mặt đẹp khả ái nhưng qua đôi mắt sắc bén và giọng nói đanh đá, các chàng trai đồng lứa tuổi không dám đến gần. Yến nào biết những giây phút hò hẹn, những lời tỏ tình vu vơ. Đối với nàng, đó chỉ là tàn dư lãng mạn của bọn tiểu tư sản trí thức cần loại bỏ.
Yến tốt nghiệp sư phạm chẳng bao lâu thì được kết nạp vào đảng cộng sản. Trong công tác, Yến gặp Hiệp, một giáo viên tiên tiến của trường cấp một Hải dương. Đảng đứng ra kết hợp họ thành chồng vợ. Sau ba tháng sống chung, Hiệp được lịnh đi B còn Yến phải theo trường sơ tán lên miền núi tránh bom Mỹ. Rồi Hiệp sinh Bắc tử Nam để lại Yến đứa con trai nghịch ngợm. Nhờ có mẹ đảng viên, cha liệt sĩ, con của Yến được đảng cho sang Liên xô du học. Tình mẫu tữ phai nhạt dần.
Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời Yến. Nàng được đảng đưa vào Nam chỉ huy giáo viên Ngụy. Sau những năm làm hiệu trưởng trường cấp một Lê văn Tám, Yến bắt đầu thấy đảng đã đánh lừa dân miền Bắc. Dù là đảng viên trung kiên, Yến tiếp xúc hằng ngày với dân chúng; nàng nhận rõ đảng đã nói dối. Người miền Nam không đói rách cũng chẳng bị Mỹ Ngụy bốc lột như đảng tuyên truyền. Qua các buổi kiểm tra nghiệp vụ, Yến thấy giáo viên trong Nam có trình độ cao hơn nàng. Yến âm thầm kết luận chính miền Nam đã giải phóng miền Bắc ra khỏi cảnh nghèo nàn, ngu dốt, lạc hậu. Gần bốn mươi tuổi đời, Yến mới mở mắt tỉnh ngộ.
Sau trận đánh tư sản, đảng đã vơ vét vàng bạc nhà cửa của thương gia. Nhờ thế, Yến được cấp cho căn phố và chẳng bao lâu đảng bán hóa giá cho Yến để nàng thực sự làm chủ. Con trai nàng từ Liên Xô trở về cũng được đảng điều vào Nam làm phó giám đốc một cơ xưởng. Đúng lý, Yến phải phấn đấu hơn nữa để đền ơn đảng, nhưng ngày lại ngày, cảnh tham nhủng hối lộ diển ra trắng trợn mà các chủ mưu lại là những đảng viên cao cấp khiến Yến mất niềm tin.
Một đêm thứ bảy, nàng được công an phường mời dự buổi họp tổ dân phố. Yến đến cho có mặt, chứ nàng nhàm chán các con vẹt tập nói. Không ngờ đêm ấy Yến chứng kiến tình người. Hưng, đại úy giặc lái ngụy, ra khỏi trại cải tạo vài tháng được công an đưa ra trình diện để dân phản ảnh có nên trả quyền công dân cho anh không? Yến nhìn chàng phi công tiều tụy nhưng gương mặt không mất vẻ khôi ngô. Nàng nghe Hưng nói qua sơ yếu lý lịch của mình nhưng không đề cập đến việc biết ơn đảng. Yến nhận thấy Hưng có sĩ khí vì mười năm tù cải tạo không làm nhục chí người trai. Rồi nàng chờ nghe dân phản ảnh. Thay vì bịa tội để đấu tố, dân chúng thay phiên khen ngợi Hưng trước vẻ mặt khó chịu của công an phường. Một tên vênh vang kết luận:
- Nhân dân khoan hồng, nhưng anh vẫn bị đặt dưới sự quản lý của đảng mà người đại diện trong tổ là đồng chí Yến.
Hưng chẳng chú ý đến ai, chỉ mong chóng qua những giây phút nặng nề. Chàng muốn được yên thân giúp chị buôn bán kiếm sống vì Hưng xem Hồng như người mẹ thứ hai. Từ ngày chồng tử trận ở Bình long, Hồng ở góa tự xoay xở nuôi thân; đến khi Hưng ra tù, nàng đùm bọc em sống qua ngày tháng.
Thời gian trôi, Yến và Hưng thường gặp nhau trên ngã rẽ vào xóm. Hưng chỉ nghiêng đầu chào còn Yến thì vui vẻ hỏi thăm. Biết Yến là một đảng viên hiệu trưởng, Hưng dè dặt lựa lời đối đáp. Lâu ngày, thấy Yến thành thật, Hưng cởi mở hơn. Chàng để ý thấy Yến không giống các bà cán bộ miền Bắc. Nàng có gương mặt khả ái, dáng người vừa vặn. không đẫy đà cũng chẳng mảnh mai, tóc không thắt bím mà lại cắt ngắn uốn quăn, má ửng hồng, môi tô son nhạt. Quả thật, Yến đã bị các cô giáo miền Nam đồng hóa. Nàng bỏ đi giọng nói đanh đá, tướng đi thô kệch, vẻ mặt vênh váo để chóng trở thành một phụ nữ đẹp duyên dáng như các giáo viên trong Nam.
Một hôm, đi ngang qua nhà Yến, Hưng thấy trong sân nàng đang hì hục kéo chậu mai để dời chỗ, chàng bước vào giúp một tay. Xong việc, Hưng chào ra về, nhưng Yến cố mời chàng ở lại dùng trà. Lấy khăn chậm mồ hôi nhể nhải trên trán, Yến vào mang nước ra. Nàng vui vẻ hỏi:
- Anh tìm được việc làm chưa?
- Thưa chị có rồi.
- Việc gì thế?
- Dạ lái xe hợp đồng đưa khách đi tham quan.
- Sướng nhỉ. Anh được đi đó đây; còn tôi thì quanh năm cứ giữ trường.
- Chị làm hiệu trưởng đâu có cực nhọc gì.
- Có chứ anh, đau đầu lắm. Phải bịa thành tích để báo cáo láo. Mình phải nói cái điều mình không nghĩ và nghĩ cái điều mình không nói.
- Chị nên dè dặt vì bên cạnh có ông thượng tá bộ đội phục viên.
- Tôi có sợ gì. Ngày nào lão cũng tìm cách sang tán tỉnh nhưng tôi đâu cho vào nhà.
Yến nói sang chuyện khác:
- Anh Hưng, sao anh không đi Mỹ?
Không đắn đo, Hưng lắc đầu:
- Hơn nửa đời người rồi, tôi sang bên đó làm gì?
- Hay là anh sợ gặp lại vợ con?
- Có thể, vì vợ tôi đã có chồng khác, con tôi cũng lập gia đình. Qua Mỹ, tôi chỉ tạo rắc rối thêm cho họ.
Đoạn Hưng cười hỏi lại Yến:
- Còn chị, vẫn còn trẻ đẹp, cứ ở vậy sao?
- Bốn mươi tuổi mà còn trẻ đẹp gì nữa anh.
Ngoài miệng tuy nói thế nhưng trong lòng Yến vui vì biết Hưng đã để ý đến nàng. Tâm tình chưa mở ngỏ thì có Tuấn đến. Hưng cáo từ lui bước. Đóng cổng xong, Tuấn quay vào nhà chất vấn mẹ:
- Ai đấy Me?
- Chú Hưng, người cùng xóm.
- Có phải tên giặc lái không?
Yến trố mắt:
- Con đừng vô lễ. Người ta cũng đồng bào với mình.
Tuấn nhấn mạnh:
- Me quên lời đảng dạy phải phân biệt bạn với thù. Hắn đã ném bom lên đầu các đồng chí trong đó có bố.
Yến phân trần với con:
- Mà người ta có thù gì mình đâu? Trang sử đã qua, sao con cứ lật lại?
Còn ấm ức, Tuấn bắt bí Yến:
- Nghe bác Tam bên cạnh nói Me có cảm tình với hắn.
- Nếu việc ấy có thật thì sao?
- Bác sẽ đưa việc nầy ra trước chi bộ đảng và buộc Me viết bảng tự kiểm.
Mặt đỏ bừng, Yến bực dọc:
- Me không làm gì hết nhưng Me sẽ trả thẻ đảng.
- Vì tình yêu Me trở thành một đảng viên biến chất sao?
- Con muốn nghĩ thế nào cũng được.
Tuấn bỏ ra về. Yến ngả lưng vào ghế thổn thức khóc. Muốn níu lại tuổi đời, nàng mơ có những chiều hò hẹn để được nghe bên tai lời thì thầm yêu đương. Dù tình yêu trăn trở, con tim thôi thúc, nhưng cả Hưng lẫn Yến không ai thố lộ lòng mình.
Mỗi khi đi xa về, Hưng sang nhà tìm Yến để tặng nàng vài món đặc sản trước cặp mắt ghen tức của thượng tá Tam. Lão góa vợ nên theo nhờ bí thư chi bộ môi giới để lấy Yến; nào ngờ Yến để ngoài tai lời đảng dạy. Lão xoay qua trù dập Hưng bằng cách làm cho chàng thất nghiệp.
Ăn bám chị vài tháng, Hưng chạy đó đây tìm việc. Các công ty tư nhân đã đủ tài xế còn Sàigòn tourist từ chối vì lý lịch của Hưng. Cuộc sống bế tắc dần. Cuối cùng, Hưng nghe lời chị nộp đơn xin đi Mỹ theo diện H.O. Một hôm, trời vừa tạnh mưa, Hưng sang nhà Yến thăm nàng đồng thời nói lời tạ từ. Mặt Yến thoáng buồn khi biết tuần sau Hưng rời Việt Nam. Nghẹn ngào Yến hỏi:
- Anh đi bao lâu anh trở lại?
- Có lẻ vài năm.
- Chắc lúc đó anh quên Yến rồi.
Lần đầu tiên Hưng nắm tay Yến:
- Chúng ta không còn ở tuổi thanh xuân để nói lên lời yêu đương nồng cháy; nhưng mình đồng cảm thì thế nào rồi cũng sẽ gặp lại nhau.
Yến thỏ thẻ:
- Anh nhớ biên thư cho Yến.
Hưng gật đầu rồi lặng lẽ bước đi. Tiễn Hưng ra cổng, Yến trở vào nhà ôm mặt khóc. Trời lại đổ cơn mưa như cảm thông lòng người đang ray rứt.
Chương ba
Bước ra khỏi phi trường Los Angeles, Hưng thấy Trọng đứng đón mình. Bắt tay bạn, chàng thở dài ngao ngán:
- Rồi cũng phải qua đây.
Trọng vỗ vai Hưng an ủi:
- Mày đã tin vào số mệnh mà.
Không muốn ăn bám bạn lâu, Hưng đi cắt cỏ thuê cho nhà giàu để có tiền lấy bằng lái xe Mỹ và sống tự lập. Một hôm, thấy thấp thoáng vợ chồng Phượng ở phố Bolsa, Hưng lẩn vào đám đông. Đêm đó, Hưng cho Trọng biết ý định bỏ tiểu bang Cali qua Arizona sống vì với nghề hạ bạc, ở đâu chắc cũng có việc. Trọng biết hoàn cảnh của bạn nên không cản.
Nhớ lại ba tháng ở trọ nhà Trọng, cứ cuối tuần Hưng biên thư về thăm Yến. Chàng nhận được hồi âm ba lần rồi bặt tin. Những cánh thư sau của Hưng đều bị trả lại vì không người nhận. Chàng lo lắng không biết việc gì đã xảy đến cho Yến. Hưng bèn viết thư hỏi chị. Cuộc sống hối hả chạy đua theo thời gian của dân Hoa kỳ làm Hưng bị xoáy theo con trốt.
Sang tiểu bang Arizona, Hưng được nhận vào đứng máy trong một xưởng Mỹ. Một chiều tan sở, Hưng lái chiếc xe cũ kỷ về khu bình dân, chàng nhận được thư chị. Bốc ra đọc, Hưng thở dài vì biết Yến đã bán nhà dọn đi nơi khác. Thảo nào. Hưng tự hỏi: chẳng lẽ Yến quên chàng nhanh thế? Hay là tên bí thư chi bộ buộc nàng lấy lão Tam? Chàng hờn trách Yến. Hưng nào ngờ bên kia bờ Thái bình dương, Yến nếm nhiều cay đắng.
Tuấn, con trai Yến, buộc mẹ bán nhà để cắt đứt dây liên lạc với tên giặc lái vì Tuấn bắt gặp mấy phong thư từ Mỹ gửi về. Yến phản đối nhưng con nàng tự động quyết định. Cuối cùng, Yến cũng phải dọn về ở chung với vợ chồng Tuấn theo như ý nó.
Mặt khác, qua báo cáo của bí thư chi bộ, Yến mất chức hiệu trưởng, bị thuyên chuyển về làm giáo viên trường Gò vấp. Ngoài giờ đứng lớp, nàng còn phải đi chợ nấu ăn cho vợ chồng Tuấn. Hai lần biên thư sang Mỹ kể rõ sự việc đồng thời cho Hưng địa chỉ mới nhưng thư bị hoàn trả vì nơi Hưng ở trọ đã đổi chủ. Tuyệt vọng, Yến thầm nghĩ Hưng hoặc trở về với vợ con, hoặc lập cuộc sống mới. Nàng an phận sống theo dòng đời.
Một năm qua, Hưng đứng máy quen tay nên mấy tên Mỹ không còn bắt nạt chàng; ngược lại, các bà Mỹ nặng ký thấy Hưng tử tế cứ õng ẹo tìm cách đùa việc. Chỉ có Cathy mới thật sự tốt với chàng. Những bữa ăn trưa, hai người thường ngồi chung bàn. Nàng yêu cầu Hưng kể cho nghe quảng đời tù tội trong trại cải tạo cộng sản còn Cathy thì than phiền duyên phận và đứa con khó dạy. Qua lời tâm sự, Hưng được biết Cathy vừa ly dị chồng, hiện sống với con trai mười lăm tuổi trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Rồi thời gian đưa Cathy đến gần Hưng thêm. Cuối tuần, nàng mời Hưng đến nhà chơi hay cùng đi mua sắm. Ngồi cạnh Cathy, Hưng nhớ đến Jane. Cũng vầng trán rộng, mắt xanh, mũi cao, môi hồng, cằm nhọn và mái tóc vàng cắt ngắn. Tuy ba mươi bốn tuổi, nàng còn giữ được dáng người mảnh mai làm tăng thêm vẻ đẹp thanh thoát.
Một chiều đẹp trời, Cathy đề nghị Hưng đưa mẹ con nàng ra phố ăn cơm Tàu. Thằng bé trề môi chê rồi nhúng vai bỏ đi với lũ bạn. Nàng thản nhiên lên xe nổ máy; Hưng ngồi bên cạnh chỉ đường. Ra đến chợ, Cathy đổi ý muốn thưởng thức món ăn Việt nam; Hưng lại phải chìu nàng.
Lúc về đến nhà thì trời sụp tối. Thấy trong phòng khách đám trai gái choai choai nhảy nhót quay cuồng theo tiếng nhạc inh ỏi, Cathy ôm đầu gục trên tay lái. Tưởng nàng bịnh, Hưng lo lắng hỏi:
- Cathy có sao không?
- Không sao, nhưng em không muốn vô nhà. Anh đưa em đi nơi khác tìm chút yên tĩnh. Hay là đến nhà Hưng vài giờ chờ bọn qủy chúng giải tán.
- Tùy Cathy.
Về đến căn phố bình dân, Hưng mở cửa đưa Cathy vào ngả lưng trên chiếc ghế dài rồi chàng mở nhạc êm dịu cho thư giản tinh thần.
- Em dùng cà phê nhé?
- Không được, sáng mai chúng ta còn phải đi làm.
- Hay là uống trà?
- Thôi, khỏi làm phiền anh. Mình nghe nhạc và nói chuyện được rồi.
     Một chập sau, Cathy nhìn Hưng đề nghị:
- Ta khiêu vũ đi. Anh biết nhảy chứ?
- Chút đỉnh.
Kéo dài đến khuya, họ dìu nhau qua các bản nhạc tình, lòng lâng lâng say dần men ân ái. Rồi những gì sẽ đến, phải đến. Cathy ở lại suốt đêm với Hưng. Dù không còn trinh nguyên, nàng cũng trao hết cho Hưng hương tình nồng thắm.
Hai tháng sau, Cathy chính thức chung sống với Hưng. Con trai nàng hò hét phản đối sự có mặt của người đàn ông Á châu. Vài bạn đồng nghiệp bỉu môi chế nhạo. Bất chấp, Cathy đạp lên dư luận để lấy Hưng. Thằng John bỏ nhà đi bụi đời. Cathy điện thoại gọi chồng cũ giao con nhưng hắn từ chối vì đã có vợ khác. Thời gian lặng lẽ qua. Tuy tuổi tác chênh lệch, Cathy cùng Hưng ngụp lặn trong hạnh phúc. Cho đến một hôm, nàng thì thầm bên tai người tình:
- Em đã có thai. Mình làm đám cưới anh nhé!
Niềm vui bất chợt đến, Hưng gật đầu đồng ý. Cathy sung sướng trao Hưng nụ hôn dài. Họ chọn ngày rồi cùng đi mua sắm, chuẩn bị lễ cưới. Nhưng nghiệt ngã ập đến. Một tối không trăng sao, từ phố về, Hưng đang mở cốp xe khệ nệ lấy thùng rượu ra trong khi Cathy mang ổ bánh cưới vào nhà trước. Bỗng Hưng giật mình nghe ba phát súng nổ chát chúa. Biết việc không lành, Hưng chạy nhanh vào, thấy Cathy quằn quại trên vũng máu. Chàng vội bồng nàng lên thì thêm một viên đạn nổ ghim vào cánh tay Hưng. Buông Cathy xuống, Hưng thu hết sức tung người đá văng khẩu súng khỏi tay hung thủ. Tên sát nhân bịt mặt tháo chạy thoát thân thì cảnh sát cũng vừa đến. Họ gọi xe cấp cứu nhưng đã muộn, Cathy trút linh hồn trên tay Hưng. Bào thai ba tháng trong bụng cũng chết theo nàng.
Nhờ lấy được dấu tay trên khẩu súng và theo lời khai của hàng xóm, cảnh sát tìm bắt kẻ giết người không khó; chính thằng John, con của Cathy. Trước mặt nhà chức trách, nó nhìn nhận đã giết mẹ vì Cathy không cung cấp tiền cho nó hút ma túy. An táng Cathy xong, Hưng bỏ Arizona đi thật xa. Một năm nữa lại qua, niềm đau nguôi dần. Lợi dụng hai tuần nghỉ hè, Hưng đáp phi cơ về Việt nam thăm chị.   
Chương bốn
Ra khỏi phi trường Tân sơn nhất, Hưng lấy taxi về Bình thạnh. Rảo bước vào ngõ xưa, chàng bồi hồi nhớ gương mặt, dáng đi của Yến thuở nào. Hai chị em lâu ngày gặp lại, ôm nhau mừng rỡ. Đến chiều, thấy Hưng không nhắc đến Yến, chị chàng hỏi:
- Em không tìm thăm cô Yến sao?
Hưng thở dài:
- Người ta bán nhà bỏ đi nơi khác mà không viết cho em một chữ.
- Biết đâu cô ấy gặp điều gì khó xử.
- Thôi Chị Hai, chuyện đã qua, hãy để nó qua luôn.
Hôm sau, ra chợ Bà chiểu xem chị bán, bất ngờ Hưng gặp Thảo, bạn thân của Yến. Qua câu chuyện trao đổi, Hưng mới biết hoàn cảnh của Yến hiện nay. Chàng hối hận đã hiểu lầm nàng. Hưng leo lên xe ôm vào Gò vấp tìm các trường cấp 1. May quá, một giáo viên cho hay Yến đứng lớp buổi trưa. Cô ta chỉ nhà nhưng Hưng không đến ngại chạm mặt Tuấn, con trai của Yến.
Đến 5 giờ chiều, Hưng trở vô Gò vấp, ngồi khuất trong quán nhỏ đối diện trường. Tan giờ, học sinh tung tăng ra về. Hưng thấp thỏm chờ, lòng lo sợ không gặp người xưa. Từ trong sân, Yến xách cặp ra khỏi trường, dáo dác nhìn trái, ngó phải rồi băng qua đường. Hưng vội vã trả tiền nước, bươn bả chạy theo:
- Yến.
Giật mình quay lại, Yến trố mắt nhìn Hưng:
- Anh về bao giờ?
- Hôm qua.
- Sao biết em dạy nơi đây mà tìm đến?
- Chị Thảo nói.
Qua giây phút mừng tương ngộ, mặt Yến thoáng buồn. Hưng đoán được, chàng khẻ nắm tay Yến:
- Chúng ta vào quán nói chuyện tiện hơn.
Không đáp, Yến lặng lẽ theo Hưng. Ngồi vào bàn, đợi Yến uống xong ngụm nước ngọt, Hưng khẻ nói:
- Trông Yến tiều tụy quá
Yến nhìn Hưng cười gượng:
- Chắc em xấu và già lắm phải không anh?
- Không, Yến vẫn đẹp nhưng hơi gầy.
- Vừa đi dạy, vừa đóng vai con ở, làm sao tươi tắn được?
Hưng lắc đầu:
- Con trai em tệ đến thế sao?
Yến thở dài ngao ngán:
- Thôi, bỏ qua đi anh.
Hưng thắc mắc:
- Sau khi dọn về ở với con, Yến không cho anh biết; báo hại các thư gửi cho em đều bị trả lại vì không người nhận
Yến rưng rưng nước mắt:
- Em có biên thư sang Cali để cho Anh địa chỉ mới nhưng thư cũng bị hoàn về vì nơi anh ở trọ đã đổi chủ.
Hưng chợt nhớ Trọng bán nhà cho Mễ khi chàng sang Arizona.
- Lúc đó anh sang tiểu bang khác nên nào hay biết gì. Chị Hai chỉ báo tin em bán nhà dọn đi nơi khác.
Với giọng trầm buồn, Yến kể hết chuyện đã qua, từ việc con trai nàng buộc phải bán nhà để cắt đứt liên lạc với Hưng, đến chuyện nàng trả thẻ đảng sau khi bị chi bộ gay gắt phê bình Yến thoái hóa và biến chất. Hưng chăm chú lắng nghe, lòng xót xa thương Yến:
- Anh hiểu hết rồi.
Yến nhìn thẳng Hưng:
- Còn anh, làm gì mấy năm nay?
Hưng cười:
- Đủ nghề. Cắt cỏ vườn nhà giàu ở Cali, đứng máy ở Arizona, rồi qua tận Pennsylvania làm tài xế giao hàng.
Yến nhíu mày:
- Chắc anh đã có vợ rồi chứ?
Hưng không muốn giấu Yến:
- Suýt có, nhưng định mệnh chưa cho.
Rồi Hưng kể lại cuộc tình ngắn ngủi với Cathy và cái chết thê thảm của người phụ nữ Mỹ. Nghe qua, Yến không tỏ vẻ trách hờn Hưng, nàng chỉ lắc đầu thương hại:
- Đúng là định mệnh anh nhỉ!
Nàng tiếp:
- Anh về ở được bao lâu?
- Hai tuần.
- Ít thế cơ?
- Nhưng phải làm nhiều việc.
Yến sốt ruột:
- Việc gì?
Hưng trìu mến nắm tay Yến:
- Em còn yêu anh không?
Nơi khoé mắt, hai giọt lệ từ từ chảy ra rồi lăn dài trên đôi má, Yến nghẹn ngào:
- Nếu không vì yêu anh thì thân em đâu ra thế này.
- Cám ơn em. Thế Yến có muốn làm vợ anh không?
Yến trố mắt:
- Anh không chê em già và xấu sao?
- Anh đã bảo em vẫn đẹp, chỉ gầy tí thôi.
Lộ vẻ sung sướng:
- Khéo nịnh. Nhưng câu hỏi của anh đột ngột quá.
- Anh biết. Vậy em hãy suy nghĩ kỹ trong vài ngày; nếu cần, em có thể bàn thẳng với Tuấn. Trưa Chúa nhựt tới, Anh chờ em trong tiệm kem Bạch đằng đường Lê Lợi từ 4 giờ đến 6 giờ chiều. Nếu em đúng hẹn thì sáng thứ hai anh bắt đầu làm thủ tục bảo lãnh em sang Mỹ.
Yến trêu người yêu:
- Còn nếu em không đến?
- Thì cũng ngày hôm đó anh đổi vé máy bay trở về Hoa kỳ sớm hơn dự tính.
Hưng lấy khăn tay chậm hai giọt lệ còn chảy trên má Yến. Đôi môi mấp máy, nàng ấp úng hỏi:
- Anh Hưng.
- Gì thế em?
- Anh vẫn còn yêu em sao?
Hưng vuốt tóc Yến:
- Nếu không yêu em thì anh đâu đưa ra đề nghị nầy.
- Vậy xin anh vài hôm cho em suy nghĩ vì đây là quyết định quan trọng của đời em.
- Bởi thế anh muốn em hỏi lòng mình thật kỹ để đừng bao giờ hối hận lúc sống bên anh.
Yến cầm chiếc cặp đứng lên:
- Trễ rồi, em phải về lo cơm cho vợ chồng Tuấn.
Còn bịn rịn, Hưng nắm tay Yến như chưa muốn rời người yêu:
- Nhớ ngày hẹn em nhé!
Chạy lanh quanh thăm bạn bè, đưa chị đi ăn uống đôi lần, Hưng nôn nóng đợi năm ngày đi qua. Chiều Chúa nhựt, phố phường Sàigòn không đông người. Vài du khách nước ngoài đi mua quà kỷ niệm rồi ghé vào tiệm Bạch đằng giải khát. Các cô cậu Việt kiều thư thả ngồi ăn kem, ngắm người qua lại. Hưng chọn bàn trong góc lặng lẽ nhắp ly coca, mắt hướng ra đường Lê Lợi. Thời gian như lắng đọng. Nhớ đến hoàn cảnh của Yến, Hưng càng thương nàng. Chàng tự trách mình vì trong lúc Yến bị khủng hoảng tinh thần do con trai nàng và chi bộ đảng gây ra thì trên đất Mỹ, Hưng đắm chìm trong vòng tay ân ái của Cathy. Nếu cô ta còn sống, thì đời Hưng đã có khúc quanh khác. Chỉ có Yến gánh chịu biết bao thiệt thòi. Hưng lại tin định mệnh đưa đẩy chàng về nước thăm chị để rồi gặp lại Yến. Nhưng biết Yến có thuận lòng làm vợ chàng không, vì chung quanh Yến còn nhiều sức ép.
Liếc nhìn đồng hồ, đã hơn 5 giờ, Hưng cảm thấy sốt ruột thêm. Bóng dáng Yến vẫn biền biệt nơi đâu. Bên trong tiệm, khách đi rồi khách đến; chỉ riêng Hưng ngồi yên lặng trong góc với mấy ly kem và lon coca đã cạn. Chàng không đoán được giờ nầy Yến ở đâu? làm gì? Điều chắc chắn là Yến biết Hưng đang thắp thõm chờ mình nơi hẹn. Kim đồng hồ trên tường chỉ 6 giờ, Hưng ngồi nán thêm 5 phút, rồi 10 phút. Đến 6 giờ rưởi, trả tiền xong, chàng thất vọng đứng lên, thiểu nảo bước ra khỏi tiệm. Hưng sang bên kia đường Pasteur đón taxi; bỗng chàng ngạc nhiên vì có bàn tay đặt lên vai mình. Quay lại, thấy Yến nhễ nhại mồ hôi, miệng nở nụ cười tươi nhìn chàng:
- Chắc anh tưởng em không đến?
Hưng choàng vai Yến âu yếm:
- Anh ngở đời anh thêm một lần bất hạnh.
- Em suy nghĩ đến giờ cuối và đã quyết định xong. Anh vui chứ?
- Dĩ nhiên rồi. Còn em?
Yến nép vào lòng Hưng gật đầu. Hưng dìu nàng lên taxi trở về Bình thạnh. Chàng sung sướng ôm eo Yến đếm bước trên lối xưa vào nhà chị. Họ dừng lại trước căn phố cũ của Yến gợi nhớ kỷ niệm. Lão Tam trông thấy chạy ra cổng nhìn, mắt đỏ ngầu vì ghen tức. Như dự định, sáng thứ hai, Hưng vào Lãnh sự Mỹ hỏi thủ tục. Hôm sau, Hưng cùng Yến đăng ký kết hôn. Đám cưới chỉ là một bữa tiệc tại nhà hàng Đồng khánh. Ngoài người chị cả, họ chỉ mời vài bạn thân, trong đó có vợ chồng cô giáo Thảo.
Hôm sau, Hưng vội đưa Yến ra Vũng tàu hưởng hai đêm trăng mật. Bên chồng, Yến tìm lại được tuổi thanh xuân bị đánh mất vì Hưng đã đưa Yến đến tuyệt đỉnh tình yêu. Rồi Hưng giả từ Yến trở về Mỹ trước để lo thủ tục bảo lảnh còn Yến thì nóng lòng chờ Lãnh sự quán Hoa kỳ gọi phỏng vấn, đồng thời nàng đăng ký học Anh văn cấp tốc.
Chỉ mất ba tháng, Yến nhận được vé máy bay và giấy tờ cần thiết sang đoàn tụ với chồng. Trước khi lên đường, Yến ôm con vào lòng từ biệt nhưng Tuấn gạt tay mẹ ra nói to:
- Me bôi nhọ đảng và phản bội bố. Giữa tôi và Me không còn mẹ con nữa.
Không nén được cơn giận, Yến mắng:
- Mày là thằng mất dạy.
Tuấn cười mỉa:
- Bà có dạy tôi đâu mà còn với mất. Chỉ có đảng dạy tôi thôi.
Yến lặng lẽ xách vali ra đi. Đến sân bay Tân sơn nhất, nàng thấy chị Hồng và vợ chồng Thảo chờ Yến để đưa tiễn.
Chiếc phi cơ hàng không Nhật đưa Yến đến phi trường Washington. Nàng hồi hợp đi theo mấy cô Việt kiều vào phòng kiểm tra hộ chiếu và hành lý. Yến cũng bám gót họ để ra khỏi phi cãng. Từ xa Hưng chạy đến ôm Yến vào lòng và đặt lên môi vợ nụ hôn thương nhớ. Đặt chiếc vali vào xe, Hưng mở cửa dìu Yến bước lên. Nàng nhìn chồng hỏi:
- Anh mượn xe của ai mà sang thế?
- Của em.
- Anh đùa mãi.
- Thì những gì của anh là của em.
- Thật thế à?
Yến nhìn quanh bãi đậu xe:
- Sao bên Mỹ nhiều ô tô thế?
- Vì đó là phương tiện di chuyển.
Hưng vượt đường dài đưa Yến về Pennsylvania. Vì mệt, Yến ngủ thiếp đi. Đến khi xe dừng lại, nàng mở mắt ngơ ngác:
- Đến nhà chưa anh?
Hưng mở cửa bước xuống xe:
- Mình vào đi em.
Thêm một lần nữa, Yến lại ngạc nhiên khi Hưng đưa nàng bước vô ngôi nhà nhỏ xinh xinh có sân cỏ phiá trước. Nàng nhìn chồng:
- Anh ở trọ nơi đây à?
Hưng bật cười:
- Nhà của chúng ta đấy.
- Em không tin. Tiền đâu anh mua?
- Trả góp hàng tháng cho ngân hàng.
 Yến nhìn Hưng lo ngại:
- Có đắt lắm không anh?
- Hơn tiền thuê phố đôi chút, nhưng nhà của mình.
Ngỡ là giấc mơ, Yến đi khắp nơi ngắm tổ uyên ương còn Hưng thì ngồi trên ghế dài nhìn vợ. Vắng xa ba tháng, chàng thấy Yến khác nhiều. Nàng đẹp và trẻ hẳn ra. Nét đẹp trang nhã ngày xưa trở lại trên gương mặt người thiếu phụ. Hưng kéo nhẹ Yến ngả vào lòng mình. Má kề má, môi tìm môi, tình đã lên ngôi, hai kẻ yêu nhau đắm chìm trong hạnh phúc. Ngây ngất trong vòng tay Hưng, Yến thỏ thẻ:
- Đến giờ phút này em mới tìm được ý nghĩa của cuộc sống.
- Cho dù anh không bằng ai.
Yến tát yêu chồng:
- Em mãi mãi là vợ anh.
Bên ngoài khung cửa kính, một cơn gió từ đâu dạt về, lá vàng bắt đầu rơi, trời se lạnh. Cạnh lò sưởi, Hưng và Yến đang trang điểm đời mình bằng đóa hoa tình tuy nở muộn vẫn ngan ngát hương thơm.
Viết xong 24/7/2002
Văn Lang
Theo https://hoaxuongrong.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...