Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần XVa

Chiến tranh và hòa bình - Phần XVa
Phần XV 
Chương 1 
Con người hoảng sợ khi nhìn thấy một con vật đang hấp hối, cái làm thành anh ta cái thực chất của anh ta - đang huỷ diệt trước mắt mình, đang thôi tồn tại. Nhưng khi con vật đang hấp hối ấy lại là một con người và là một người mình yêu dấu, thì ngoài sự kinh hãi trước cảnh huỷ diệt của sự sống, còn có thêm một cảm giác tan vỡ và một vết thương tinh thần, vết thương này cũng như một vết thương về thể xác, đôi khi làm cho người ta chết đi, đôi khi đâm da non và khỏi hẳn, nhưng bao giờ cũng đau đớn và sợ những sự động chạm từ ngoài vào khiến cho nó nhức buốt thêm. Sau khi công tước Andrey mất, Natasa và công tước tiểu thư Maria đều cùng cảm thấy như vậy. Tinh thần họ cúi rạp xuống và nhắm mắt lại trước đám mây hung dữ của cái chết đang lơ lửng trên đáu họ, họ không dám nhìn thẳng vào cuộc sống. Họ thận trọng gìn giữ cho những vết thương rớm máu của họ khỏi bị những động chạm đau đớn, tủi cực. Tất cả: một cỗ xe kiệu vút nhanh qua phố, một lời nhắc nhở đến bữa tiệc chiều nay, một câu hỏi của người thị tỳ về chiếc áo dài phải soạn sửa, và tệ hơn nữa, một lời chia buồn không được thành thật và thiết tha - tất cả những cái đó đều làm cho vết thương thêm đau buốt đều có vẻ là một sự lăng mạ và phá vỡ cõi im lặng mà hai người đang cần đến để lắng nghe điệu hợp ca nghiêm trang và kinh hoàng vẫn chưa tắt hẳn trong tâm hồn họ, và đều cản trở họ đi sâu vào cõi xa xăm vô tận và huyền bí đã mở ra trước mắt họ trong một khoẳnh khắc. Chỉ khi nào hai người ngồi riêng với nhau, họ mới không thấy tủi cực và đau đớn. Họ ít nói chuyện với nhau. Có nói chăng thì cũng chỉ nói về những chuyện không đâu. Cả hai người đều tránh nhắc đến cái gì có liên quan đến tương lai. Đối với họ, thừa nhận rằng họ còn có thể có tương lai có vẻ như một điều lăng mạ đối với hương hồn chàng. Trong khi nói chuyện, họ lại càng cố tránh một cách thận trọng hơn nữa tất cả những gì có thể có liên quan đến người đã khuất. Họ có cảm giác là những điều họ đã trải qua và đã cảm nghĩ đến không thể nào diễn đạt bằng lời nói được. Họ có cảm tưởng là hễ dùng lời nào nhắc đến bất cứ chi tiết nào trong đời sống của chàng là đã xúc phạm đến sự cao cả và thiêng liêng của cái sự việc huyền bí đã diễn ra trước mắt họ. Vì họ luôn luôn giữ gin từng lời nói, luôn luôn cố gắng tránh tất cả những gì có thể dẫn đến một lời nhắc nhở về chàng: vì họ cứ dừng lại chung quanh đường biên giới của lĩnh vực được nói đến, cho nên những điều họ cảm thấy lại càng hiện lên trong tưởng tượng của họ một cách thuần khiết và rõ ràng hơn nữa. Nhưng không thể nào có một nỗi buồn thuần tuý và trọn vẹn cũng như không thể nào có một niềm vui thuần tuý trọn vẹn. Công tước tiểu thư Maria bây giờ đã sống trong tình cảnh của người chủ độc lập và duy nhất của số phận mình, của người che chở và dạy dỗ đứa cháu trai, cho nên cũng là người đầu tiên được cuộc sống kêu gọi ra khỏi cái thế giới sâu thẳm mà nàng đã sống trong hai tuần. Nàng nhận được những bức thư của họ hàng mà nàng phải trả lời; căn phòng dành cho Nikoluska ở ẩm thấp quá, cậu bé bắt đầu ho. Alpatyts đến Yaroxlav báo về công việc và bàn bạc khuyên răn nên dọn về Moskva ở tòa nhà phố Vodvizenka hãy còn nguyên vẹn, chỉ cần tu sửa đôi chút. Cuộc sống không thể ngừng lại, và đằng nào cũng phải sống. Dù nữ công tước Maria hết sức khổ tâm khi phải ra khỏi cái thế giới tĩnh tâm cô độc mà nàng đã sống cho đến nay, dù nàng thấy ái ngại và dường như xấu hổ khi phải để Natasa ở lại một mình, song những lo âu, bận rộn của cuộc sống cũng đỏi hỏi nàng phải góp một tay vào, và nàng bất giác tuân theo sự đòi hỏi đó. Nàng soát lại sổ sách tiền nong với Alpatyts, bàn bạc với ông Dexal về đứa cháu trai và sai bảo người nhà sửa soạn cho nàng dọn lên Moskva. Natasa ở lại một mình, và từ khi công tước tiểu thư Maria bắt tay vào sửa soạn ra đi, nàng tránh mặt luôn cả tiểu thư. Công tước tiểu thư Maria bàn với bá tước phu nhân để cho Natasa đi với nàng lên Moskva, và cả hai vợ chồng bà đều vui mừng ưng thuận, vì họ thấy con gái họ mỗi ngày một mòn mỏi đi và cho rằng nàng được đổi gió và được các bác sĩ Moskva săn sóc, thì sẽ có lợi hơn. - Con không đi đâu hết, - Natasa đáp khi nghe cha mẻ bàn bạc việc ấy. Chỉ xin để cho con yên, - nàng nói đoạn chạy ra khỏi phòng, khó lòng nén nổi những giọt nước mắt bực tức hằn học nhiều hơn là buồn tủi. Sau khi cảm thấy mình bị tiểu thư Maria bỏ rơi phải sống cô độc với nỗi buồn của mình, Natasa phần lớn thời gian ngồi một mình trong phòng riêng, ở góc đi-văng, hai chân thu lên trên mặt ghế, mấy ngón tay thon nhỏ bứt rứt vò xé một vật gì, mắt đờ đẫn nhìn trừng trừng vào một chỗ. Cảnh cô đơn này làm cho nàng héo hon, nó giày vò nàng đau đớn; nhưng nàng rất cần đến nó. Có ai vào phòng là nàng vụt đứng dậy, đổi tư thế và vẻ mặt, với lấy một quyển sách hay một mẫu thêu, rõ ràng là sốt ruột đợi cho người đó đi ra, đừng làm phiền nàng nữa. Nàng cứ có cảm giác mình sắp sửa hiểu thấu được điều mà cái nhìn nội tâm của nàng hướng tới với một nỗi băn khoăn khủng khiếp không sao chịu nổi. Vào một buổi tháng chạp, mình mặc chiếc áo len đen, mái tóc quấn qua loa thành một cái búi, gầy gò và xanh xao, Natasa ngồi xếp chân ở góc đivăng, tay bứt rứt hết vò lại gỡ hai đầu mối chiếc thắt lưng, mắt nhìn vào góc cửa. Nàng nhìn về phía chàng đã ra đi, nhìn sang bên kia cuộc sống. Và cái phía bên kia cuộc sống mà trước đây nàng không bao giờ nghĩ đến, và trước nàng có cảm tưởng là xa xăm và hư ảo vô cùng; thì nay lại gần gũi và thân thuộc hơn, dễ hiểu hơn phía bên này của cuộc sống, nơi mà tất cả đều là trống trải và đổ vỡ hoặc đều là đau đớn và tủi nhục Nàng nhìn về phía mà nàng biết là có chàng ở đấy, nhưng nàng không thể thấy chàng với một hình dáng nào khác hơn là khi chàng hãy còn ở bên này. Nàng lại thấy hình ảnh chàng như khi chàng ở Mytisi, ở Troisk, ở Yaroxlav. Nàng trông thấy mặt chàng, nghe giọng nói của chàng và nhắc lại những lời chàng đã nói và chính nàng đã nói với chàng, và đôi khi Natasa lại nghĩ thêm cho mình và cho chàng những lời khác mà lẽ ra hồi ấy hai người có thể nói với nhau. Đây chàng nằm trên ghế bành, mình mặc chiếc áo khoác nhung, đầu tựa trên cánh tay gầy go, xanh xao. Ngực chàng lõm xuống một cách dễ sợ, vai chàng nhô lên, hai môi mím chặt, hai mắt sáng long lanh, và trên vầng trán xanh xao một nếp nhăn hiện lên rồi lại lặn đi. Một bên chân khẽ rung rung nhanh. Natasa biết rằng chàng đang vật lộn với một cơn đau dữ dội. “Cơn đau của chàng như thế nào? Tại sao lại đau? Cảm giác của chàng ra sao? Chàng đau như thế nào?” - Natasa nghĩ. Chàng nhận thấy nàng đang chú ý, chàng ngước mắt lên và cất tiếng nói, không mỉm cười. “Chỉ có một điều đáng sợ, - chàng nói - là vĩnh viễn trói buộc mình vào một con người đau khổ. Đó là một sự đọa đầy vô tận”. Và chàng nhìn nàng như muốn thử thách. Natasa chưa kịp suy nghĩ đã trả lời - xưa nay bao giờ nàng cũng vẫn thế và ngay lúc bấy giờ nữa nàng cũng vẫn thế - nàng nói: “Không thể cứ như thế mãi được, rồi sẽ khác, anh sẽ khỏi, khỏi hẳn”. Bây giờ nàng lại thấy chàng và sống lại tất cả những cảm xúc của nàng dạo ấy. Nàng nhớ lại cái nhìn dai dẳng buồn rầu, nghiêm nghị của chàng khi nghe thấy mấy lời này, và nàng hiểu ý nghĩa trách móc và tuyệt vọng của cái nhìn dai dẳng ấy. “Ta đã thừa nhận, - bây giờ Natasa tự nhủ, - rằng nếu chàng cứ sống đau đớn như vậy mãi thì sẽ khủng khiếp vô cùng. Dạo ấy ta chỉ nghĩ rằng điều đó là sẽ rất khủng khiếp cho chàng, nhưng chàng lại hiểu khác. Chàng nghĩ rằng khủng khiếp đó cho ta. Dạo ấy chàng hãy còn muốn sống, chàng sợ chết. Thế mà ta đã nói với chàng một cách thô lỗ và ngu xuẩn như vậy. Ta không nghĩ như thế. Ta nghĩ khác hẳn. Giá nói cho đúng điều ta nghĩ, thì lẽ ra ta phải nói: “Thôi chàng hãy cứ hấp hối đi, chàng cứ hấp hối mãi mãi trước mặt ta đi, ta vẫn sẽ sung sướng hơn so với bây giờ. Bây giờ, không còn gì nữa, không có ai hết. Lúc ấy chàng có biết không? Không! Lúc ấy chàng không biết, và sẽ không bao giờ biết được. Và đến nay thì không bao giờ còn có thể chữa lại điều đó nữa rồi!”. Và một lần nữa, chàng lại nói với nàng những lời ấy, nhưng bây giờ trong tưởng tượng của nàng, Natasa trả lời chàng một cách khác. Nàng ngắt lời chàng và nói: “Khủng khiếp là khủng khiếp cho anh chứ không phải cho em. Anh biết cho em rằng không có anh thì đời em chẳng còn gì nữa, và được đau khổ vì anh là hạnh phúc lớn nhất của em”. Thế rồi chàng cầm lấy tay nàng và siết chặt như trong buổi tối khủng khiếp bốn ngày trước khi chàng qua đời. Và trong tưởng tưởng nàng lại nói với chàng, những lời nọi âu yếm, chan chứa tình yêu mà lẽ ra nàng có thể nói vào dạo ấy: “Em yêu anh, yêu anh, em yêu quá”. - nàng nói, hai tay co quắp xiết vào nhau, hàm răng nghiến chặt trong một sự cố gắng dữ dội. Và một nỗi buồn dịu ngọt tràn ngập lòng nàng, và nước mắt đã trào lên mi nàng, nhưng bỗng nàng lại tự hỏi: nàng nói với ai vậy? Bây giờ chàng ở đâu và chàng là thế nào? Và một lần nữa mọi vật lại mờ đi trong một cảm giác bàng hoàng khô khan, cứng nhắc, và một lần nữa, đôi mày cau lại, nàng nhìn về phía mà trước kia đã có chàng. Và nàng có cảm tưởng như chỉ một tí chút nữa thôi là nàng đã hiểu được thấu được điều bí ẩn ấy. Nhưng ngay khi điều bí ẩn ấy tưởng như đã sắp mở ra ngay trước mắt nàng, thì tiếng then gõ mạnh vào cánh cửa đập vào tai nàng nhức nhối. Chị hầu phòng Dunusia vẻ mặt hoảng hốt, hình như không để tâm đến nàng, bước nhanh vào phòng, không giữ gin ý tứ gì cả. - Mời tiểu thư đến phòng cụ nhà, nhanh lên, - Dunusia nói, vẻ thoảng thốt khác thường. - Có tin chẳng lành, cậu Piotr IIyts… có thư… - Dunusia nói đoạn nấc lên một tiếng. Chương 2 Ngoài cái càm giác bao quát thấy mình xa lạ với mọi người, trong thời gian này Natasa còn thấy mình xa hẳn những người thân trong nhà nữa. Tất cả những người thân thuộc: cha nàng mẹ nàng, Sonya đối với nàng đều gần gũi. quen thuộc, thường ngày, đến nỗi tất cả những lời lẽ, những tình cảm của họ, nàng đều có cảm tưởng như là một sự xúc phạm đối với cái thế giới nàng đang sống trong thời gian gần đây, cho nên nàng không những dửng dưng đối với họ, mà còn nhìn họ với con mắt thù địch nữa. Nàng có nghe thấy những lời Dunusia nói về Piotr IIyts, về chuyện chẳng lành, nhưng nàng không hiểu. “Chuyện gì mà chẳng lành, họ thì có chuyện gì mà chẳng lành? Đối với họ tất cả đều vẫn như cũ, quen thuộc và êm thấm”, - Natasa thầm tự nhủ. Khi nàng bước vào phòng khách, cha nàng đang từ phòng bá tước phu nhân hấp tấp bước ra. Mặt ông mếu máo và giàn giụa nước mắt. Hẳn là ông chạy ra khỏi phòng phu nhân để có thể trút hết những tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ. Trông thấy Natasa, ông dang mạnh hai tay ra rồi khóc nấc lên từng cơn đau đớn, khiến cho khuôn mặt tròn trĩnh hiền dịu của ông biến dạng hẳn đi. - Pe… Petya… Con vào, vào đi con… mẹ con… đang gọi con. Và ông khóc nức nở như đứa trẻ, hai chân bủn rủn loạng choạng bước gấp từng bước ngắn đến một chiếc ghế tựa rồi hầu như rơi phịch xuống đấy, hai tay bưng lấy mặt. Chợt như có một luồng điện truyền khắp người Natasa. Có một cất gì đánh mạnh vào tim nàng nhói buốt. Nàng thấy đau ghê gớm: nàng ngỡ như có một cái gì vỡ nát trong lòng và tưởng như mình hấp hối. Nhưng ngay sau cơn đau, nàng thấy thoát hẳn ra khỏi sự cấm đoán nặng nề không cho phép nàng sống. Trông thấy cha và nghe vẳng qua cánh cửa tiếng rú kinh khủng, man rợ của mẹ, trong khoảnh khắc nàng đã quên bản thân mình và nỗi buồn của nàng. Nàng chạy đến cạnh cha, nhưng ông bủn rủn giơ tay lên và chỉ vào cửa phòng mẹ nàng. Công tước tiểu thư Maria, mặt tái mét, hàm dưới run run, từ trong cửa bước ra nắm lấy tay Natasa và nói với nàng mấy tiếng gì không rõ. Natasa không thấy nàng, không nghe nàng nói gì. Nàng bước nhanh vào cửa, dừng lại một giây như đang giằng co với bản thân rồi chạy đến cạnh mẹ. Bá tước phu nhân nằm trên ghế bành, người rướn thẳng ra một cách vụng về trông rất kỳ quặc, đầu cứ đập vào tường. Sonya và mấy người đày tớ gái đang giữ tay bà. - Natasa! Natasa! - bá tước phu nhân hét lên - Không phải thế, không phải thế… ông ấy nói dối… Natasa! - bà vừa hét vừa ẩy những người xung quanh ra - Đi hết! Không phải thế! Họ giết chết nó rồi! ha - ha - ha… không phải thế! Natasa quỳ gối lên ghế bành, cúi xuống ôm lấy mẹ và với một sức mạnh không ngờ, nàng nâng đầu bà lên và đỡ cho mặt bà quay về phía nàng rồi áp sát người vào bà. - Mẹ! Mẹ yêu của con! Con đây mẹ ạ. Mẹ ơi, mẹ yêu quý - nàng thì thầm nói liên hồi, không ngót lấy một giây. Nàng không buông mẹ, dịu dàng giằng co với mẹ, gọi bảo đưa gối lại, bảo lấy nước, cởi khuy và xé áo hộ mẹ. - Mẹ! Mẹ của con! Mẹ yêu… mẹ, - nàng luôn mồm thì thầm, hôn lên đầu, lên tay, lên mặt bá tước phu nhân, và cảm thấy những giọt nước mắt không sao nén nổi cứ chảy giàn giụa, khiến nàng thấy buồn buồn trên mũi và trên má. Bá tước phu nhân siết chặt tay con, nhắm mắt lại và lặng đi một lát. Bỗng bà nhổm người dậy một cách nhanh nhẹn lạ thường, bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh và, trông thấy Natasa, bà ráng hết sức ôm lấy đầu nàng ghì thật chặt. Rồi bà quay khuôn mặt nàng đang nhăn nhó vì đau đớn về phía mình và nhìn nàng hồi lâu. - Natasa, con có yêu mẹ không? - bà nói thì thầm khe khẽ, giọng tin cậy - Natasa, con không lừa mẹ chứ? Con nói hết sự thật cho mẹ rõ nhé! Natasa nhìn bà với đôi mắt đẫm lệ, và trong đôi mắt cũng như trên gương mặt nàng chỉ có một lời van xin tha thứ và yêu thương. - Mẹ, mẹ yêu của con - nàng nhắc lại, cố tập trung tất cả sức mạnh của tình thương yêu, mong sao trút bớt một phần đau khổ của mẹ sang mình. Và một lần nữa, trong cuộc vật lộn vô hiệu với thực tế, người mẹ, không chịu tin rằng mình có thể sống khi đứa con yêu quý, tràn đấy sức sống lại bị giết chết, người mẹ lại thoát khỏi thực tại để trốn vào thế giới điên rồ. Natasa không nhớ ngày hôm ấy, đêm hôm ấy, ngày hôm sau và đêm hôm sau đã trôi qua như thế nào. Nàng không ngủ và không rời mẹ một bước. Tình yêu thương của Natasa, klên trì, nhẫn nại, không phải là một lời khuyên nhủ, không phải một lời an ủi, mà là một tiếng gọi trở về cuộc sống, từng giây từng nhút như ôm ấp bá tước phu nhân từ khắp mọi phía. Đến đêm thứ ba, bá tước phu nhân yên lặng được vài phút, và Natasa gối đầu lên tay ghế bành nhắm mắt lại. Bên gường của mẹ nàng có tiếng động. Natasa mở bừng mắt. Bá tước phu nhân đang ngồi trên gường nói khe khẽ. - Con trai của mẹ đã về, mẹ mừng quá. Con mệt lắm nhỉ, con uống chén trà nhé? - Natasa đến cạnh mẹ - con bây giờ đẹp trai và cứng cáp hẳn ra - phu nhân cầm tay con gái nói tiếp. - Mẹ ơi, mẹ nói gì thế… - Natasa, em nó không con nữa, không còn nữa rồi! - và ôm chầm lấy con gái, lần đầu tiên bá tước phu nhân òa lên khóc. Chương 3 Công tước tiểu thư Maria hoãnn chuyến đi lên Moskva, Sonya, bá tước cố gắng thay thế Natasa, nhưng không được. Họ thấy rõ ràng rằng chỉ một mình nàng có thể ngăn mẹ nàng khỏi lâm vào tuyệt vọng điên rồ. Ba tuần lễ Natasa ở liền cạnh mẹ, nằm trên một chiếc ghế bành ngủ trong phòng phu nhân, cho bà ăn uống và thủ thỉ với bà suốt ngày, bởi vì chỉ có giọng nói dịu dàng, mơn trớn của nàng mới có thể an ủi bá tước phu nhân. Vết thương tinh thần của người mẹ không thể khỏi được. Cái chết của Petya đã làm tan vỡ mất một nửa cuộc đời phu nhân. Hôm được tin Petya chết, phu nhân còn là một người đàn bà năm mươi tuổi tươi tắn khỏe mạnh, nhưng một tháng sau, khi bước ra khỏỉ phòng riêng, phu nhân chỉ còn là một con người chết dở và không còn tham dự gì vào cuộc sống nữa - một bà già. Nhưng chính vết thương đã làm cho bá tước phu nhân chết mất một nửa người, chính vết thương ấy đã gọi Natasa trở về với cuộc sống. Vết thương do sự đổ vỡ của cuộc sống tinh thần gây nên - kể cũng lạ - dần dần khép lại chẳng khác gì một vết thương của thể xác. Và sau khi vết thương sâu đã đâm da non và miệng đã có vẻ liền lại, thì cũng như một vết thương trên cơ thể, chỉ có sức sống từ bên trong thôi thúc mới làm cho vết thương tinh thần khỏi hẳn được. Vết thương của Natasa cũng khỏi như vậy. Nàng đã tưởng đời nàng thế là hết. Nhưng bỗng tình thương yêu đối với mẹ làm cho nàng thấy rõ rằng cái chất căn bản của đời nàng - tình thương yêu - vẫn còn sống trong nàng. Tình thương yêu đã bừng tỉnh, và sức sống cũng bừng tỉnh theo. Những ngày cuối cùng của công tước Andrey đã gắn bó Natasa với tiểu thư Maria. Tai họa mới lại càng làm cho hai người gần nhau hơn nữa. Tiểu thư Maria hoãnn việc lên Moskva và suốt ba tuần lễ nàng chăm sóc Natasa như chăm một đứa trẻ đang ốm. Những tuần lễ sau cùng mà Natasa túc trực trong phòng mẹ nàng đã làm cho sức lực thể chất của nàng suy sụp. Một hôm vào buổi trưa, tiểu thư Maria nhận thấy Natasa sốt run lên cầm cập liền dẫn nàng về phòng riêng và đặt nàng lên giường mình. Natasa nằm xuống, nhưng khi tiểu thư Maria buông rèm toan lui thì Natasa gọi nàng lại. - Em không buồn ngủ, chị Maria ạ, chị ngồi với em một lát! - Natasa mệt rồi đấy? Cô ngủ đi một chút. - Không, không. Tại sao chị lại đưa em về đây? Mẹ em đang cần em. Natasa nằm yên trên giường, và trong bóng tối mờ của gian phòng, nàng nhìn khuôn mặt tiểu thư Maria. “Chị ấy có giống chàng không - Natasa thầm nghĩ - có cũng giống mà cũng không. Nhưng chị ấy đặc biệt, xa lạ, hoàn toàn mới mẻ, chưa biết. Và chị ấy yêu mình. Trong tâm hồn chị ấy có những gì? Chỉ toàn những điều tốt. Nhưng sao? Chị ấy nghĩ thế nào? Chị ấy nhìn mình như thế nào? Phải, chị ấy tốt quá” - Masa - nàng vừa nói vừa rụt rè kéo bàn tay bạn vào lòng - Masa, chị đừng nghĩ rằng em xấu xa quá. Đừng chị nhá? Masa yêu quý của em. Em yêu chị quá. Chúng mình sẽ yêu nhau thật nhiều, mãi mãi như đôi bạn tâm tình thực sự. Và Natasa ôm lấy Maria, hôn lên tay, lên mặt nàng. Tiểu thư Maria, vưa ngượng nghịu vừa vui mừng trước sự bộc lộ tình cảm của Natasa. Từ hôm ấy, giữa công tước tiểu thư Maria và Natasa hình thành cái tình bạn thiết tha và đằm thắm chỉ có thể có được giữa hai người đàn bà. Họ hôn nhau không biết chán, thủ thỉ với nhau những lời âu yếm và phần lớn thời giờ đều ở bên nhau. Người này đi đâu thì người kia đứng ngồi không yên và vội vã bỏ đi tìm. Khi ở cạnh nhau, họ thấy tâm hồn họ hòa hợp hơn là khi mỗi người ngồi riêng một mình. Giữa hai người đã hình thành một tình cảm mạnh hơn tình bạn: đó là cái cảm giác khiến họ thấy rằng chỉ ở bên cạnh nhau họ mới có thể sống được. Đôi khi họ ngồi lặng thinh suốt mấy tiếng đồng hồ; đôi khi họ đã nằm vào gường rồi nhưng lại bắt đầu nói chuyện và cứ thế chuyện trò mãi cho đến sáng. Phần nhiều họ chỉ nói đến thời dĩ vãng xa xưa nhất. Tiểu thư Maria kể lại những hồi ức về thời thơ ấu của nàng, về cha mẹ nàng, về những ước mơ của nàng; và Natasa, trước kia vẫn bình thản quay lưng với cuộc sống, tận tuỵ, phục tòng, trước cái thi vị của sự hy sinh cơ đốc giáo mà nàng không hiểu, bây giờ lại cảm thấy tình thương yêu đã gắn bó nàng với tiểu thư Maria đến nỗi nàng yêu cả quá khứ của bạn và hiểu được cả cái khía cạnh của cuộc sống trước kia xa lạ đối với nàng. Nàng không nghĩ rằng mình cũng sẽ sống nhẫn nhục và hy sinh như vậy, vì nàng đã quen đi tìm những niềm vui khác, nhưng nàng đã hiểu và biết yêu ở một người khác cái đức hạnh mà trước kia nàng không hiểu. Về phần công tước tiểu thư Maria, trong khi nghe kể lại thời thơ ấu và thiếu niên của Natasa, nàng cũng thấy mở ra trước mắt một khía cạnh của cuộc sống, mà trước kia nàng không hiểu, nàng đã thấy được thế nào là tin tưởng vào cuộc sống vào những thú vui của đời người. Họ vẫn như cũ, không nhắc đến “chàng” để khỏi dùng ngôn ngữ xúc phạm - họ thấy thế - Nhưng tình cảm cao cả ở trong lòng họ, và sự im lặng có dần dần làm cho họ quên chàng, tuy họ không thể nào tin như vậy. Natasa gầy đi, xanh đi và thể chất nàng suy nhược đến nỗi mọi người đều tỏ ý lo lắng cho sức khỏe của nàng, và điều đó làm cho nàng thấy dễ chịu. Nhưng đôi khi nàng bất chợl thấy mình sợ, không những sợ chết, mà còn sợ đau yếu, sợ nhan sắc phai tàn, và đôi khi nàng bất giác chăm chú nhìn cánh tay trần của mình, ngạc nhiên khi thấy nó gầy gò như vậy, sáng sáng nàng lại đến đứng trước gương ngắm khuôn mặt hốc hác và thiểu não của mình - nàng có cảm tưởng như thế. Nàng có cảm tưởngsự tình phải như vậy, nhưng đồng thời nàng cũng thấy sợ và buồn. Có lần nàng lên thang gác rất nhanh và chợt thấy rằng mình thở hổn hển. Nàng bất giác nghĩ ra một việc gì cần phải làm ở dưới nhà, rồi chạy lên thang gác để thở sức và tự quan sát xem sao. Có một lần khác nàng gọi Dunusia và thấy giọng mình run run. Nàng cất tiếng gọi một lần nữa, mặc dầu đã nghe tiếng chân Dunusia bước tới, - nàng gọi với cái giọng ngực mà nàng thường dùng để hát, và lắng nghe giọng mình. Nàng không biết, và giá có nghĩ đến nữa, nàng cũng sẽ không tin, nhưng dưới lớp bùn dày phủ lên tâm hồn nàng mà nàng có cảm tưởng là không sao chọc thủng được, đã nhú lên những ngọn cỏ mảnh và mềm, những ngọn cỏ đó sẽ bắt rễ sâu và những những chồi non ấy sức sống của nó sẽ bao phủ lên nỗi buồn nặng trĩu trong lòng nàng, và chẳng bao lâu nỗi buồn ấy sẽ phai mờ không còn trông thấy rõ, không còn cảm giác được nữa. Vết thương đang đâm da non từ bên trong. Vào cuối tháng giêng công tước tiểu thư Maria lên đường đi Moskva, và bá tước một mực xin cho Natasa cùng đi với nàng để nhờ các bác sĩ khám bệnh. Chương 4 Sau trận giao chiến với nhau ở Vyazma, trong đó Kutuzov không đủ sức kìm hãm quân đội đang muốn đánh bật, cắt đứt quân địch vân vân, trong cuộc di chuyển của quân Pháp đang chạy trốn và của quân Nga đang đuổi theo, cho đến Kraxnoye không có một trận đánh nào xảy ra nữa. Quân Pháp chạy nhanh đến nỗi quân Nga đang rượt theo, không sao đuổi kịp được họ, đến nỗi ngựa của kỵ binh và pháo binh đành dừng lại, và những tin tức về sự di chuyển của quân Pháp bao giờ cũng sai lạc. Binh sĩ của quân đội Nga bị những cuộc hành quân liên tiếp mỗi ngày bốn mươi dặm này làm cho kiệt sức đến nỗi không sao tiến nhanh hơn nữa. Muốn hiểu quân đội Nga mệt mỏi đến mức độ nào, chỉ cần hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện sau đây: trong suốt thời gian di chuyển từ Tarutino, mặc dầu số thương vong không quá năm nghìn người và số quân bị địch bắt sống không quá một trăm, quân đội Nga xuất phát từ Tarutino có mười vạn người nhưng khi đến Kraxnoye thì chỉ còn lại năm vạn. Cuộc di chuyển nhanh chóng của quân Nga đuổi theo quân Pháp cũng có tác dụng làm cho quân đội Nga tan rã không kém gì cuộc tháo chạy đối với quân đội Pháp. Chỉ khác ở chỗ quân đội Nga di chuyển theo ý mình, không có nguy cơ bị tiêu diệt như quân đội Pháp và ở chỗ những bệnh binh Pháp thụt lại sau thì rơi vào tay địch, còn binh sĩ Nga tụt lại phía sau thì vẫn ở trên đất mình. Nguyên nhân chính khiến quân số Napoléon giảm sút là tốc độ di chuyển nhanh, và một bằng chứng chắc chắn là quân đội Nga cũng giảm sút theo một tỷ lệ tương xứng. Toàn bộ hoạt động của Kutuzov, cũng như ở Tarutino và ở Vyazma, đều chỉ nhằm làm sao - trong chừng mực ông có thể làm được đừng ngăn chặn cái cuộc di chuyển tai hại cho quân Pháp (như các tướng Nga ở Petersburg và ở trong quân đội vẫn muốn làm) mà lại tạo điều kiện thuận lợi cho nó và làm cho quân mình đỡ khổ trong lúc hành quân. Nhưng ngoài việc quân đội tỏ ra mệt mỏi và phải chịu đựng những tổn thất nặng nề do tốc độ di chuyển nhanh chóng gây nên, còn có một nguyên do khác khiến cho Kutruzov ghìm bớt tốc độ di chuyển của quân đội và chủ trương chờ đợi. Mục đích của quân Nga là đuổi theo quân Pháp. Không thể biết quân Pháp sẽ đi lối nào, cho nên quân ta càng theo sát gót quân Pháp bao nhiêu thì càng phải đi nhiều đường bấy nhiêu. Chỉ có cách đi những đường ngoắt ngoéo mà chúng vạch ra. Tất cả những cách hành quân khôn khéo do các tướng đề ra đều thể hiện trong những cuộc chuyển quân, trong việc kéo dài các chặng đường, trong khi mục đích duy nhất hợp lý là làm sao rút ngắn những chặng đường ấy lại. Và trong suốt thời gian chiến dịch, từ Moskva cho đến Vilna, hoạt động của Kutuzov đều hướng tới mục đích ấy - không phải một cách ngẫu nhiên, nhất thời, mà là một cách nhất quán liên tục đến nỗi không có lần nào ông thay đổi hướng hoạt động ấy. Nhưng về phần các tướng, nhất là những viên tướng không phải là người Nga, vẫn ước ao tìm cơ hội lập công, muốn làm sao người ta kinh ngạc, muốn bắt một ông quận công hay quốc vương nào đấy chẳng biết để làm gì, - về phần những viên tướng ấy thì trong một hoàn cảnh mà mở bất cứ trận nào đều là ngu xuẩn và vô lý, họ lại thấy rằng bây giờ chính là lúc tiến công và chiến thắng một kẻ nào đấy. Kutuzov chỉ nhún vai khi họ lần lượt tiếp lời nhau đề ra những kế hoạch hành quân với những người lính chẳng có giầy, ủng gì cho tươm tất, chẳng có áo ấm, ăn chẳng đủ no, chỉ trong một tháng đã sút mất một nửa quân số tuy không đánh trận nào, bắt những người lính ấy phải đi cho đến tận biên giới qua một khoảng cách còn lớn hơn quãng đường đã đi qua, dù cuộc tháo, chạy của quân Pháp có tiếp diễn trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất đi nữa. Cái khát vọng muốn lập công trạng, muốn phô diễn cách hành quân, muốn đánh bật và cắt đứt như vậy, đặc biệt lộ rõ những khi quân Nga chạm trán với quân Pháp. Ở Kraxnoye đã xảy ra một trường hợp như vậy. Lần ấy họ tưởng tìm được một trong ba đạo quân Pháp, nhưng kỳ thực đã vấp đúng vào Napoléon với mười sáu ngàn quân. Mặc dầu Kutuzov đã làm cho quân đội hết cách để tránh cuộc xung đột tai hại này và để dưỡng sức cho quân đội, ba ngày liền ở Kraxnoye những binh sĩ Nga mệt mỏi đã phải làm cái việc tiêu diệt những toán Pháp hỗn loạn. - Tôi viết một bản kế hoạch tác chiến: Đạo quân thứ nhất tiến vân vân. Và cũng như ngày xưa, mọi việc đều diễn ra khác hẳn bản kế hoạch. Thân vương Yevgheni cử Vurtemberg đóng trên núi bắn vào những tên lính Pháp đang chạy ngang và yêu cầu viện binh nhưng không thấy đến. Quân Pháp đêm đến chạy vòng qua quân Nga phân tán ra, nấp vào rừng và mạnh ai nấy kiếm cách chạy cho xa. Miloradovich, con người vẫn thường nói rằng mình không thèm biết đến những công việc hậu cần của quân đội, con người không sao tìm ra được khi cần đến ông ta, - trang hiệp sĩ không biết sợ hãi [266] và không thể nào chê trách như ông ta vẫn tự xưng -, con người rất thích chuyện trò với người Pháp, Miloradovich gởi trương sứ sang chiêu hàng, làm mất thì giờ và làm những việc mà người ta không hề khiến. Ông ta cưỡi ngựa đến trước hàng quân, chỉ một toán quân Pháp cho kỵ binh xem và nói: - Anh em ơi, tôi tặng anh em đạo quân này.
Và đoàn kỵ binh, cưỡi những con ngựa đi không vững, cố hết sức dùng cựa giầy và gươm thúc ngựa chạy nước kiệu về phía đạo quân mà người ta tặng họ nghĩa là một đám người Pháp rét cóng và ốm đói, thế là đạo quân tặng phẩm kia vứt vũ khí xuống và đầu hàng, điều mà chính họ đã mong ước từ lâu. Ở Kraxnoye họ bắt được hai vạn sáu nghìn tù binh, hàng trăm khẩu pháo, một chiếc gậy gì đấy mà họ gọi là quyền trượng của thống soái và tranh cãi xem ai là người trội hơn cả, và lấy làm hài lòng về điều đó, nhưng họ rất tiếc là đã không bắt được Napoléon, hay một vị hùng nào đó một nguyên soái nào cũng được, và lên tiếng trách móc lẫn nhau, nhất định là trách móc Kutuzov. Những con người ấy, say sưa với những dục vọng của họ chỉ là những kẻ thừa hành mù quáng của cái quy luật đáng buồn nhất là quy luật của sự tất yếu; nhưng họ cứ cho mình là những bậc anh hùng và tưởng tượng rằng việc họ làm là việc vẻ vang và cao quý nhất. Họ buộc tội Kutuzov và nói rằng ngay từ đầu chiến dịch ông ta chỉ nghĩ cách thỏa mãn những dục vọng của mình và không chịu ra khỏi làng Polotuanyezavody vì ở đấy ông được ăn ở thoái mái, rằng ở Kraxnoye ông đã ngăn chặn cuộc hành quân, vì khi biết tin có Napoléon ở đấy, ông ta hoàn toàn có thông đồng với Napoléon, ông ta đã bị Napoléon mua chuộc [267] v.v… Không phải chỉ có những người đường thời, bị những dục vọng làm mù quáng đi, mới nói như vậy; ngay cả hậu thế, ngay cả sử học cũng công nhận Napoléon là vĩ đại [268] , còn Kutuzov thì người ngoại quốc gọi là lão triều thần giảo quyệt, trác táng và nhu nhược; người Nga gọi ông là một con người chẳng có gì minh bạch, một thứ bù nhìn chỉ có ích vì mang một cái tên Nga. Chương 5 Năm 1812 và năm 1813 người ta công khai tố cáo những sai lầm của Kutuzov. Hoàng thượng bất bình về ông. Và trong pho sử viết ra gần đây theo lệnh trên có nói rằng Kutuzov là một lão nịnh thần giảo quyệt vốn sợ Napoléon đã phạm những sai lầm ở Kraxnoye và ở Berezine khiến cho quân đội Nga không được cái vinh quang toàn thắng quân Pháp [269] . Số phận của những con người không phải là vĩ nhân, không phải là grand homme - một thứ người mà trí tuệ của dân Nga không thừa nhận - nhưng lại là những con người hiếm có, bao giờ cũng cô độc, hiểu được ý Trời và hướng ý chí của mình theo ý Trời, - số phận của những con người ấy là như vậy. Lòng thù ghét và khinh miệt đám đông trừng phạt họ về tội đã hiểu thấu các quy luật tối cao. Đối với các sử gia Nga (nói ra thật kỳ quặc và khủng khiếp!) thì Napoléon - cái ông cụ hết sức vô nghĩa của lịch sử kia, con người chưa bao giờ, dù là trong cảnh tù đày, tỏ ra có nhân cách, - lại được họ khâm phục và ngưỡng mộ; ông ta là vĩ đại. Còn Kutuzov, con người từ đầu chí cuối chiến dịch 1812, từ Moskva đến Vilna, chưa hề lần nào có một hành động hay một lời nói tự mâu thuẫn với mình, con người đã nêu lên một tấm gương hy sinh hiếm có và tỏ rõ một khả năng tiên đoán phi thường trong lịch sử, - lại bị họ coi như một kẻ mù mờ và thảm hại, và mỗi khi nói đến Kutuzov và đến năm 1812, bao giờ họ cũng dường như cố ý ngượng ngùng. Song thật khó lòng tưởng tượng ra một nhân vật lịch sử nào mà hoạt động lại nhất quán và thường xuyên hướng về một mục đích như vậy. Khó lòng tưởng tượng ra một mục đích xứng đáng và phù hợp với ý chí của toàn dân hơn. Càng khó tìm ra một trường hợp khác trong lịch sử mà mục đích do nhản vật lịch sử đặt ra lại đạt được trọn vẹn như mục đích của toàn bộ hoạt động của Kutuzov năm 1812 đều hướng tới. Kutuzov không bao giờ nói bốn mươi thế kỷ đứng ngắm từ trên đỉnh Kim tự tháp [270] , đến những vật hy sinh mà ông ta dâng lên bàn thờ tổ quốc, đến những việc mà ông định thực hiện hay đã thực hiện; nói chung ông không nói gì về bản thân, không đóng một vai tuồng gì, bao giờ cũng là một con người hết sức giản dị và bình thường. Ông viết thư cho các con gái và cho bà Stael [271] , đọc tiểu thuyết, thích giao du với đàn bà đẹp, đùa cợt với tướng sĩ và binh lính, và không bao giờ bác lại những người muốn chứng minh với ông một điều gì. Khi bá tước Raxtovsin cưỡi ngựa đến cạnh Kutuzov ở cầu Yauxki trách ông đã làm cho Moskva phải thất thủ, và bảo rằng: “Sao ông hứa sẽ không bỏ ngỏ Moskva mà không chiến đấu? Thì Kutuzov đáp: “Tôi sẽ không bỏ ngỏ rồi”. Khi Arakseyev nhân danh Hoàng đế đến nói với ông rằng cần chỉ định Yermolov làm tư lệnh pháo binh, Kutuzov đáp: “Vâng, chính tôi cũng vừa nói thế” - mặc dầu trước đấy một phút ông nói khác hẳn. Vì lẽ gì Kutuzov, con người duy nhất hiểu biết được ý nghĩa lớn lao của những sự việc đang diễn ra, ở giữa đám người ngu xuẩn đang đứng quanh ông, lại phải chú ý đến chuyện bá tước Raxtovsin nhận trách nhiệm để Moskva thất thủ hay đổ lên đầu ông ta? Còn như vấn đề chỉ định ai làm tư lệnh pháo binh thì ông còn ít quan tâm hơn nữa. Không phải chỉ có những trường hợp nói trên mà trong rất nhiều trường hợp khác nữa, con người già cả ấy đã được kinh nghiệm sống cho thấy rõ rằng những ý nghĩ và những từ ngữ dùng để biểu đạt những ý nghĩ đó không phải là yếu tố thúc đẩy con người, cho nên ông nói ra những lời lẽ hoàn toàn vô nghĩa, - nghĩ ra câu gì thì nói ra câu ấy. Nhưng chính con người ấy; kẻ coi thường lời nói của mình như vậy suốt thời gian hoạt dộng vẫn chưa lần nào nói một câu gì không phù hợp với cái mục đích duy nhất mà mình đã tìm cách đạt đến trong suốt cuộc chiến tranh. Đã mấy lần trong những hoàn cảnh hết sức khác nhau, ông đã nói ý nghĩ của mình ra, rõ ràng là một cách miễn cưỡng, biết chắc rằng người ta sẽ không hiểu mình. Kể từ trận Borodino là sự kiện mở đầu cho sự bất đồng ý kiến giữa Kutuzov với những người chung quanh, chỉ có một mình ông nói rằng trận Borodino là một trận thắng, và ông đã nhắc đi nhắc lại điều đó trong khi nói chuyện, trong các bản báo cáo, trong các tờ trình, mãi cho đến khi chết. Chỉ có một mình ông nói rằng mất Moskva không phải là mất nước Nga. Đáp lại lời đề nghị giảng hòa của Lorixton ông đã nói rằng không thể có đề nghị giảng hòa được, vì ý nguyện của nhân dân là như vậy; - chỉ có một mình ông trong thời gian quân Pháp rút lui đã nói rằng tất cả những cuộc hành binh của ta đều không cần thiết, rằng mọi sự việc sẽ tự nó diễn ra còn tốt hơn là chúng ta mong ước, rằng phải có quân địch một cái cầu bằng vàng, rằng dù trận Tarutino, trận Vyazma hay trận Kraxnoye cũng đều không cần thiết, rằng khi đến biên giới phải còn đủ quân, rằng đổi một lính Nga lấy mười lính Pháp ông cũng không đổi. Và chỉ một mình lão triều thần ấy - như người ta nói - con người đã nói đổi Aractsayep để được lòng hoàng đế, - chỉ có một mình lão triều thần ấy ở Vilna đã dám nói một câu làm cho mình thất sủng trước nhà vua; tiếp tục chiến tranh ở ngoài nước là có hại và vô ích. Nhưng nếu chỉ xét những lời nói mà thôi không có gì chứng tỏ rằng hồi đó ông đã hiểu ý nghĩa của biến cố đang diễn ra. Tất cả các hành động của ông - không hề có một trường hợp ngoại lệ nào dù nhỏ nhặt đến đâu - đều nhằm vào một mục đích duy nhất gồm ba điểm: 1. Huy động hết lực lượng để đường đầu với quân Pháp. 2. Chiến thắng quân Pháp. 3. Đuổi chúng ra khỏi nước Nga, đồng thời, trong chừng mực có thể, giảm nhẹ những nỗi điêu đứng của nhân dân và quân đội. Chính Kutuzov, con người chần chừ mà phương châm là kiên nhẫn và thời gian, kẻ thù của những hành động quyết liệt, chính ông ta đã mở trận Borodino sau những nghi thức chuẩn bị cực kỳ long trọng. Chính Kutuzov, con người đã nói ngay từ khi trận Austerlix chưa bắt đầu, rằng trận này sẽ thất bại, thì ở Borodino, mặc dù các tướng tá thi nhau nói rằng quân ta đã bại trận, mặc dù, trái với tất cả các trường hợp đã từng có trong lịch sử, quân đội sau khi thắng trận lại phải rút lui chỉ có một mình ông, trái với ý kiến mọi người, mãi cho đến khi chết vẫn khẳng định rằng trận Borodino là một trận thắng. Chỉ có một mình ông, trong suốt thời gian quân Pháp rút lui, một mực chủ trương không giao chiến, bây giờ làm như vậy chẳng có ích gì, không gây ra một cuộc chiến tranh mới và không vượt quá biên giới. Ngày nay, miễn là đừng đem gán cho hoạt động của quần chúng những mục đích chỉ có trong đầu óc của mười người, thì có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của biến cố, bởi vì toàn bộ sự việc cùng với những hậu quả của nó đều đã sờ sờ ra trước mắt ta. Nhưng làm thế nào mà con người già cả ấy, một mình chống lại ý kiến của mọi người, lại có thể tiên đoán đúng được ý nghĩa toàn dân của sự việc đến nỗi suốt thời gian hoạt động không hề có một lần nào phản lại ý nghĩa đó? Cội nguồn của sức mạnh phi thường đã khiến cho ông ta hiểu thấu ý nghĩa của những hiện tượng đang diễn ra là cái tình cảm nhân dân mà ông mang trong lòng với tất cả sự thuần khiết và sức mạnh của nó. Chỉ vì nhận thấy ông có tình cảm này mà nhân dân đã dùng những đường lối kỳ lạ để chọn một ông già đang thất sủng, trái với ý muốn của Sa hoàng, làm người đại diện cuộc chiến tranh nhân dân. Và chỉ có cái tình cảm ấy mới có thể đặt ông lên địa vị tối cao của con người để cho ông, với tư cách tổng tư lệnh, dốc hết sức lực ra không phải để giết chóc và tiêu diệt người ta, mà để cứu vớt và xót thương họ. Cái nhân cách giản dị, khiêm tốn nên thật là hùng vĩ của ông không sao lắp vừa vào cái khuôn giả tạo của một bậc anh hùng châu Âu, gọi là một kẻ lãnh đạo dân chúng, mà sử học đã bày đặt ra. Đối với một người hầu buồng không thể có ai là vĩ nhân được bởi vì người hầu buồng có một quan niệm riêng về sự vĩ đại [272] . Chương 6 Ngày mồng năm tháng mười một là ngày đầu tiên của cái gọi là trận Kraxnoye. Chiều hôm ấy, sau nhiều cuộc cãi vã và nhiều lầm lỗi của các tướng (họ đã đem quân đi sai hẳn kế hoạch) sau những cuộc sai phái sĩ quan phụ tá đi truyền những mệnh lệnh trái ngược với mệnh lệnh cũ, khi đã thấy rõ rằng đâu đâu quân địch cũng bỏ chạy và trận đánh không thể diễn ra được và sẽ không diễn ra, Kutuzov rời Kraxnoye đến Dobroye, nơi đại bản doanh vừa chuyển đến trong ngày hôm ấy. Ngày hôm ấy trời quang đãng và giá lạnh, Kutuzov cưỡi con ngựa bạch béo phị cùng với một đoàn tuỳ tùng đông đúc gồm những viên tướng bất mãn với ông đang xì xào sau lưng ông, đi về phía Dobroye. Sụốt dọc đường, đâu đâu cũng thấy những toán tù binh vừa bắt được ngày hôm ấy đang sưởi quanh những đống lửa trại (ngày hôm ấy số tù binh bắt được là bảy nghìn). Cách Dobroye không xa, có một lũ tù binh rất đông, áo quần rách rưới, mình quấn và trùm bất cứ thứ gì có thể vớ được, đang đứng nói chuyện ồn ào trên đường cái cạnh một dãy dài súng đại bác Pháp đã tháo ra khỏi xe. Khi vị tổng tư lệnh đến gần, tiếng nói chuyện im bặt và mọi con mắt đều đổ dồn về phía Kutuzov đầu đội mũ trắng vành đỏ và mình mặc chiếc áo khoác bông cộm lên trên đôi vai gù, đang chậm rãi đi trên đường cái. Một trong các viên tướng báo cáo cho Kutuzov rõ những khẩu pháo và những đám quân lính này bắt được ở đâu. Kutuzov hình như đang mải suy nghĩ điều gì nên không nghe những lời viên tướng nói. Ông nheo mắt có vẻ không bằng lòng và chăm chú nhìn bóng dáng lũ tù binh - một cảnh tượng thật là thảm hại. Mặt bọn lính Pháp phần lớn đều trông không ra mặt người nữa vì mũi và má đều bị chết cóng, mắt thì hầu hết đỏ gay, sưng húp và ghèn rử nhầy nhụa. Một tốp lính Pháp đứng sát mé đường, có hai người - mặt một trong hai người đầy những vết lở loét - đang lấy tay xé một miếng thịt sống. Có một cái gì thú vật và khủng khiếp trong khóe mắt của họ, khi họ liếc nhìn những người qua đường và trong cái vẻ hẳn học của những lính mặt lở loét khi hắn gườm gườm nhìn Kutuzov rồi lập tức quay đi tiếp tục nốt công việc đang làm. Kutuzov chăm chú nhìn hai người lính này một hồi lâu, mặt ông càng nhăn nhó thêm. Ông nheo mắt và lắc đầu ra dáng trầm ngâm. Ở một chỗ khác, ông để ý đến một người lính Nga đang vỗ vai một người lính Pháp vừa cười nói với hắn một câu gì đó thân mật. Kutuzov lại lắc đầu với cái vẻ tư lự như ban nãy. - Anh nói gì? - ông hỏi viên tướng đang tiếp tục báo cáo và xin tổng tư lệnh lưu ý đến những ngọn quân kỳ vừa mới cướp được, bây giờ xếp trước mặt hàng ngũ trung đoàn Preobrazenxki. - À! Cờ! - Kutuzov nói, vẻ như đang chật vật bứt ra khỏi những vấn đề khiến ông bận tâm suy nghĩ. Ông lơ đãng đưa mắt nhìn quanh. Từ khắp bốn phía, hàng nghìn cặp mắt nhìn vào ông, chờ nghe ông nói. Đến trước trung đoàn Preobrazenxki, ông dừng lại, buông một tiếng thở dài nặng trĩu và nhắm mắt. Một người nào đấy trong đoàn tuỳ tùng vẫy tay ra hiệu cho các binh sĩ đang cầm cờ đến đứng quanh vị tổng tư lệnh và trình cờ cho ngài xem. Kutuzov im lặng mấy phút, rồi vẻ miễn cưỡng rõ rệt, chẳng qua vì cương vị bắt buộc, ông ngẩng đầu lên và bắt đầu nói. Từng đám sĩ quan vây quanh ông ta. Ông đưa mắt chăm chú nhìn qua các sĩ quan một lượt, nhận mặt một vài người trong đám đông. - Xin cảm ơn mọi người - ông nói với các binh sĩ rồi lại nói với các sĩ quan. Trong bầu không khí im phăng phắc ở chung quanh, người ta nghe rõ mồn một những lời nói của ông thong thả buông ra: - Xin cảm ơn mọi người đã phục vụ trung thành trong cảnh khó khăn. Quân ta đã toàn thắng, và nước Nga sẽ không quên các người. Vinh quang thay cho các người trong ngàn muôn thế kỷ! - ông im lặng một lát, mắt nhìn quanh. Hạ thấp đầu nó xuống, hạ thấp xuống, - ông bảo một người lính đang cầm một quân hiệu phượng hoàng của Pháp và vô tình chúc nó xuống trước mặt ngọn quân kỳ của trung đoàn Preobrazenxki - Thấp nữa, thấp nữa, thế, thế. Anh em ơi, Ura? Ông hất cằm quay phắt về phía các binh sĩ hô to. Ura - ra - ra - ra! - hàng nghìn tiếng hô vang lên như sấm. Trong khi quân lính reo hò, Kutuzov ngồi khom lưng trên yên cúi đầu xuống và con mắt ánh lên một tia sáng dịu hiền, hầu như giễu cợt. - Bây giờ thế này anh em ạ! Ông nói khi tiếng hò reo đã ngớt. Và bỗng nhiên giọng nói và vẻ mặt ông thay đổi: đây không còn là một vị tổng tư lệnh nữa, mà là một ông già bình dị, hẳn là đang muốn nói một điều gì rất cần với các bạn đồng ngũ của mình. Đám quân sĩ và các hàng ngũ quân lính lao xao xê dịch một lát để nghe cho rõ những điều ông sắp nói. - Anh em ạ. Tôi biết các anh em khổ lắm, nhưng biết làm thế nào được? Cố kiên nhẫn một chút: chẳng còn lâu nữa đâu. Khi nào tiễn hết các ông khách ta sẽ nghỉ ngơi cho bõ. Sa hoàng sẽ không quên công lao của anh em. Anh em khổ thật, nhưng dù sao anh em cũng đang ở trên đất nhà, chứ như bọn chúng - anh em xem nông nỗi chúng nó đến thế nào, - ông chỉ đám tù binh nói - Còn tệ hơn lũ ăn mày cùng khốn nhất. Khi chúng còn mạnh, chúng ta không thương xót gì chúng hết, còn bây giờ thì có thể thương hại chúng. Chúng cũng là người. Có phải thế không anh em? Nhưng nói cho phải, ai khiến chúng đến đất chúng ta? Đáng đời quân chó đẻ, đ. mẹ chúng nó! - ông bỗng ngẩng đầu lên nói. Rồi khua roi ngựa một cái, lần đầu tiên trong suốt chiến dịch, ông cho ngựa phi nước đại rời khỏi những đội ngũ rối loạn hẳn đi của những quân lính đang vui sướng cười rộ lên và reo hò “ura”. Có lẽ những lời Kutuzov nói quân lính cũng chẳng hiểu gì mấy. Chắc không ai có thể truyền đạt lại nội dung những lời lẽ lúc đầu thì long trọng mà về cuối thì xuề xòa của vị thống soái già; nhưng ý nghĩa rất sâu kín của những lời nói thì không những họ hiểu, mà ngay cả cái cảm xúc đắc thắng trang trọng kết hợp với lòng thương xót kẻ thù và ý thức về chính nghĩa của mình, biểu hiện ra bằng câu chửi chất phác của một ông già, - ngay cả cái cảm xúc đó cũng ở trong lòng mỗi người lính và được biểu lộ ra bằng một tiếng reo hò vui sướng kéo dài một hồi lâu. Sau đó, khi một viên tướng hỏi xem vị tổng tư lệnh có cần cái xe ngựa đến không, Kutuzov trong khi trả lời bỗng nấc lên một tiếng: chắc là ông đang xúc động mạnh. Chương 7 Ngày mồng tám tháng mười một, ngày cuối cùng của các chiến sự ở Kraxnoye, khi quân đọi đến nơi nghỉ đêm thì trời đã sẩm tối. Suốt ngày hôm ấy trời lặng gió và giá lạnh, tuyết bông từng bông nhẹ thưa thớt; đến tối trời bắt đầu quang. Qua các bông tuyết có thể thấy bầu trời màu tím thẫm đầy sao, và khí trời mỗi lúc một thêm giá lạnh. Trung đoàn xạ thủ, ra đi từ Tarutino với quân số ba nghìn nhưng nay chỉ còn chín trăm, là một trong những đơn vị đầu tiên đến chỗ trú chân, trong một cái làng trên đường cái lớn. Những người tiền trạm ra đón trung đoàn cho biết rằng bao nhiêu nhà dân đều chật ních những lính Pháp ốm hoặc đã chết, những kỵ binh hoặc những bộ tham mưu. Chỉ tìm được một ngôi nhà cho trung đoàn trưởng. Trung đoàn trưởng cưỡi ngựa về ngôi nhà dành cho mình.
Trung đoàn kéo qua làng và dừng lại gần những ngôi nhà cuốì cùng cạnh đường cái, xếp súng lại thành từng cụm. Như một con vật khổng lồ rất nhiều tay, trung đoàn bắt tay vào việc lo xếp đặt chỗ ăn chỗ ở. Một số binh sĩ phân tán vào khu rừng bạch dương ở bên phải làng, lội trong tuyết dày ngập đến đầu gối, tiếng củi khô gãy răng rắc và tiếng nói cười vui vẻ, một số khác đi lại quanh chỗ xe ngựa của trung đoàn xếp thành một khóm làm trung tâm cho doanh trại; họ đi lấy nồi, lấy bánh mè kho và cho ngựa ăn cỏ, một số nữa thì tản vào trong làng dọn chỗ cho sĩ quan tham mưu, đem những thây lính Pháp trong các nhà ra ngoài, kiếm những tấm ván, những bó củi khô và rút rơm ra ở các mái nhà nhen lửa, rút hàng rào mắt cáo để làm nơi trú ẩn. Chừng mười lăm người lính ở phía sau các nhà gỗ ở cuối làng vừa reo hò vui vẻ vừa lay tấm phên đan của một cái nhà kho đã rút mất mái. Nào, nào, đều tay nhé, dô ta nào! - Họ reo hò, và tấm phên to tướng lấm tấm bụi tuyết lung lay làm những mảnh băng bám trên phên óng ánh lên trong đêm tối. Những cái cọc ở chân phên kêu răng rắc mỗi lúc một dồn dập và cuối cùng phên đổ sập xuống đất cùng với những người lính đang xô vào nó. Có tiếng cười rộ lên và tiếng reo hò vui vẻ. - Bưng lên! Hai người một! Đem cái đòn lại đây! Thế thế. Này chui đi đâu thế hả? - Đều tay nào, đều tay nhé. Khoan đã các cậu? Nghe hiệu lệnh đây! Ai nấy đều im lặng, và giọng một người êm như nhung cất lên, hát khe khẽ một bài. Vào cuối đoạn thứ ba, đúng vào lúc âm thanh cuối cùng vừa tắt, hai mươi người cùng hò lên một lúc: “Dô ta! Được rồi! Đều tay nhé! Lên nào!”, nhưng mặc dầu họ đã đã ra sức kéo đều tay, tấm vách cũng chẳng nhúc nhích được bao nhiêu, và trong phút im lặng tiếp theo có thể nghe rõ tiếng thở nặng nhọc. - Ê đại đội sáu? Cái lũ ma quỷ kia! Lại đỡ một tay nào, rồi chúng tớ đền công cho. Chừng hai mươi người thuộc đại đội sáu đang đi vào làng đều nhập bọn với những người đang kéo, và tấm phên, dài đến năm xa-gien và rộng khoảng một xa-gien, đè suốt cả vai những người lính đang thở hổn hển, bắt đầu tiến lên con đường làng. - Đi đi chứ. Đẩy mạnh đi nào. Sao lại đứng ỳ ra thế? Thế thế. Những tiếng chửi rủa tục tằn và vui vẻ vang lên không ngớt - Bọn bay làm cái gì thế? - bỗng nghe tiếng quát hách dịch của một viên hạ sĩ quan đang chạy về phía những người khiêng ván. - Các ngài chỉ huy đang ở đây: có cả quan tướng ở trong nhà ấy thế mà chúng bay, đồ quỷ sứ… đồ chết tiệt, ông cho chúng bay. - viên hạ sĩ quan quát và dang tay đấm vào lưng người lính gần nhất - khe khẽ một tí không được à? Tốp lính im bặt. Người lính vừa bị đánh đứng thẳng dậy, vừa rên hừ hừ vừa quệt máu trên khuôn mặt bị sớt vì va phải tấm phên. - Lão đánh khỏe thật, đồ quỷ! Làm mình chảy cả máu mặt, - anh ta rụt rè nói khe khẽ khi viên hạ sĩ quan đã bỏ đi. - Cậu không thích à? - một giọng cườt cợt hỏi và tốp lính có nói nhỏ bớt, tiếp tục kéo tấm phên đi. Ra khỏi làng, họ lại nói bô bô như cũ, luôn mồm văng ra những câu chửi vu vơ y như lúc nãy. Trong ngôi nhà gần chỗ toán lính kéo phên qua, các vị chỉ huy cao cấp đang tụ tập và sau bữa dùng trà họ nói chuỵện rôm rả về những việc xảy ra trong ngày vừa qua và về những cuộc hành quân dự định: Người ta đang bàn là sẽ tiến hành một cuộc chuyển quân đường chéo sang phía trái, cắt đứt đạo quân của phó vương và bắt sống ông la. Khi toán lính kéo tấm phên về đến nơi xunh quanh đã tập trung nhiều bếp lửa. Củi nổ tí tách, tuyết tan quanh bếp và những bông binh sĩ đen ngòm đi lại đó khắp khoảng tuyết dải phẳng đánh dấu nơi đóng trại. Khắp bốn phía, rìu và dao ráo riết hoạt động. Mọi việc đều tự phát tiến hành không cần mệnh lệnh gì cả. Họ đi kiếm củi để dành đốt suốt đêm, dựng lều cho các vị chỉ huy, đun nấu, sắp xếp súng ống đạn dược. Tấm phên lớn do đại đội tám kéo về được dựng thành mộ hình bán nguỵệt ở phía Bắc, họ đóng cọc chêm cho vững, và ở phía trước, họ nhóm lên một bếp lửa. Trống điểm hiệu lệnh thu quân, các đơn vị kiểm điểm quân số, họ ăn bữa tối và quây quần chung quanh các bếp lửa để ngủ đêm - người chữa giày, người hút thuốc, người đánh trần ra bắt rận. Chương 8 Có thể tưởng tượng một hoàn cảnh sống gian khổ hầu như không thể tưởng tượng được của quân lính Nga lúc bấy giờ - không có ủng ấm, áo ấm, dầu dãi ở giữa trời, chân lê trên tuyết trong khi trời rét ở dưới không độ, thậm chí lương thực cũng không đủ ăn và không phải bao giờ cũng theo kịp đoàn - có thể tưởng binh sĩ phải bày ra một cảnh tượng hết sức buồn bã và ảm đạm. Nhưng thật ra chưa bao giờ, dù trong hoàn cảnh vật chất khả quan nhất cũng vậy, chưa bao giờ cảnh sinh hoạt của quân đội lại vui vẻ náo nhiệt đến thế. Sở dĩ như vậy là vì cứ mỗi ngày tất cả những ai bắt đầu ngã lòng hay suy yếu đều bị loại ra khỏi quân đội. Những ai yếu đuối về thể lực và tinh thần đều đã bị bỏ lại phía sau từ lâu và bây giờ chỉ còn lại cái tinh hoa của quân đội về sức mạnh vật chất cũng như tinh thần. Ở đại đội tám là nơi có mấy tấm phên, quân lính tụ tập đông đúc hơn cả. Hai viên sĩ quan cũng đến ngồi với họ, và bếp lửa của họ cháy sáng hơn các bếp khác. Họ ra điều kiện là ai có mang củi đến mới được ngồi vào khoảng đất có tấm phên chắn gió bấc. - Ê Makeyev, mày làm sao rồi… đi đâu mất mặt thế hả? Hay chó sói nó xơi mất rồi? Mang củi về nhé - một người lính mặt đỏ, tóc hoe quát, mắt nheo nheo và chớp lia lịa vì cay khói, nhưng vẫn không nhích xa đống lửa - Hay thôi mày đi đi, thằng quạ khoang, nhớ mang về ít củi, - anh ta nói với một người khác. Anh lính tóc hung này chẳng phải là ông cai ông đội là gì, nhưng lại là người lính khỏe mạnh, và vì thế anh ta lên giọng sai bảo những người yếu hơn. Người lính gầy nhỏ có cái mũi nhọn mà người ta vừa gọi là thằng quạ khoang, ngoan ngoãnn tuân theo đứng dậy toan đi; nhưng vừa lúc ấy đã thấy bóng dáng thanh tú của một người lính trẻ tuổi bước vào vùng sáng của đống lửa, tay ôm một bó củi. - Mang lại đây! Tốt lắm! Họ chẻ củi, chất thành đống, ghé mồm thổi và lấy áo khoác quạt cho to lửa lên. Ngọn lửa reo vù vù, củi nổ tí tách. Các binh sĩ nhích lại gần châm thuốc hút. Người lính trẻ tuổi, đẹp trai vừa mang củi về chùi hai tay vào vạt áo và bắt đầu nhanh nhẹn và khéo léo giẫm đôi chân rét tại chỗ cho ấm. - Ôi mẹ ơi, sương lạnh, sương lạnh buông xuống người ta thù… - anh ta hát khe khẽ, cứ mỗi chữ lại như nấc lên một tiếng. - Ê đế giày cậu sắp đi đứt rồi kìa! - người lính tóc hoe kêu lên khi thấy đế giày anh kia lủng lẳng dưới chân - nhảy nhót mãi! - Đúng đấy cậu ạ, - anh ta nói, đoạn ngồi xuống rút trong bạc-đà ra một mảnh dạ xanh của Pháp và bắt đầu quấn quanh chân - Hơ cho nó chín, - anh ta vừa nói thêm vừa giơ chân về phía lửa. Ít nữa họ sắp phát giày mới đấy. Nghe nói khi nào xong xuôi họ sẽ phát quân trang quân dụng mỗi người hai suất. - Này, cái thằng Petrov chó chết ấy nó ở lại dọc đường rồi - một viên hạ sĩ quan nói. - Tớ để ý hắn từ lâu rồi - một người khác trả lời. - Ờ lính tráng gì cái thứ ấy… - Còn ở đại đội ba nghe nói hôm qua khi điểm số thiếu, mất chín người. - Thì cậu thử nghĩ xem, chân cóng thế này còn đi xa làm sao được? - Này đừng có nói nhảm! - viên hạ sĩ quan nói. - Hay mày cũng muốn học đòi hắn? - một người lính già nói với người vừa kêu lên chân cóng, giọng trách móc. - Thế thì bác bảo sao? - người lính có cái mũi nhọn biết hiệu là quạ khoang, vụt đứng dậy ở phía bên kia đống lửa, nói the thé - Thằng béo thì hóa gầy, mà thằng gầy thì đi đứt. Như tôi đây chẳng hạn. Tôi chẳng còn chút sức lực nào nữa, - anh ta bỗng quay sang viên hạ sĩ quan, nói giọng cương quyết, - ông cho tôi đi bệnh xá thôi, tôi ê ẩm cả người ra rồi, nếu không trước sau tôi cũng tụt lại dọc đường. - Thôi được rồi, được rồi - viên hạ sĩ quan điềm tĩnh nói. Người lính nhỏ bé lặng thinh, và chuyện trò lại tiếp tục. Hôm nay bắt được nhiều líPh Pháp quá; quả thật chẳng đứa nào còn lấy một đôi ủng cho ra hồn, chỉ gọi nó là có vẻ thế chứ ủng iếc gì một người lính nói để mở đầu một câu chuyện khác. - Bọn cô-dắc lột hết ủng của chúng đấy. Khi dọn nhà cho đại tá nghỉ, họ vứt chúng ra ngoài. Trông đến thảm, các cậu ạ, - người lính giẫm chân lúc nãy nói - Khi xem lại thấy có một thằng còn sống, cậu có tin không, hắn cứ nói lúng búng cái gì ấy. - Mà chúng nó sạch thật đấy các cậu ạ, - người thứ nhất nói - Trắng lốp như bạch dương ấy, có nhiều tay trông bảnh lắm, cậu ạ, chắc là con nhà quý phái. - Thế cậu tưởng sao? Bên ấy thuộc tầng lớp nào cũng phải đi lính. - Mà chúng nó chẳng biết lấy một tiếng Nga nào - người lính giẫm chân nói, miệng mỉm cười ra vẻ băn khoăn, - Mình bảo hắn: “Mày theo vua nào?”, thế là hắn nói xí xéo một thôi. Người ngợm kỳ thật? Cái này mới lạ chứ, các cậu, - người vừa lấy làm lạ về nước da trắng trẻo của quân Pháp nói, - Nông dân họ kể lại rằng ở Mozaisk khi thu dọn chiến trường, xác của chúng nằm ở đấy đến một tháng trời rồi, họ bảo thế. Chúng nằm đấy, trắng phau như tờ giấy, họ bảo thế, sạch bong, chả có tí mùi gì. - Chắc vì trời lạnh quá chứ gì? - một người hỏi. - Chà cậu thông minh nhỉ! Lạnh gì! Hồi ấy bức bỏ mẹ đi ấy chứ. Nếu lạnh thì xác của quân ta cũng chả thối. Đây họ bảo là hễ đến gần một xác lính ta, là thấy nhung nhúc những dòi. Thế là phải lấy khăn bịt mũi, họ bảo thế, rồi quay mặt đi mà kéo, không sao chịu được. Cái xác của chúng thì trắng phau như tờ giấy, họ bảo thế, chả có tí mùi gì. Mọi người im lặng một lát. - Chắc vì thức ăn đấy, - viên hạ sĩ quan nói, - Bọn chúng ăn sang như ông lớn ấy. Không ai cãi lại anh mu-gich ấy, cái anh ở Mozaisk nơi có đánh trận ấy mà, có nói là sau trận đánh nhau, họ đã huy động mười hai làng ra dọn trong hai mươi ngày mà vẫn chưa hết xác. Nghe nói chó sói… - Ừ trận ấy ghê lắm, - người lính già nói, - Chỉ có trận ấy mới đáng nhớ, còn về sau thì… chỉ khổ là khổ thôi. - Đúng đấy bác ạ. Hôm kia chúng tôi vừa gặp chúng, nhưng chúng có để cho mình lại gần đâu: Chưa chi đã vứt cả súng. Quỳ cả xuống. Pardon [273] , chúng nó nói thế. Lính tráng thế đấy, chỉ làm vì thôi mà. Nghe nói ông Platov đã hai lần bắt được thằng cha Polion [274] ấy nhưng ông ta không biết cách. Ông ta bắt một cái, thế mà hắn biến thành con chim bay mất tăm. Mà cũng chả có cách gì biết được hắn. - Chà xem ra cậu nói láo cừ thật đấy, Kixeliev ạ. - Nói láo là thế nào? Thật mười mươi đấy. - Phải tay tớ thì bắt được một cái là tớ chôn ngay xuống đất xong cắm một cái cọc gỗ phong vào. Hắn đã làm cho bao nhiêu người chết. - Đằng nào rồi hắn cũng hết đời thôi, - người lính già vừa ngáp vừa nói. Câu chuyện bị bỏ lửng, các binh sĩ bắt đầu dọn chỗ ngủ. - Cậu nhìn sao kìa, sáng lạ lùng! Các bà nhà ta căng vải lên trời đây - Một người lính vừa ngắm dải Ngân hà vừa nói. - Điềm được mùa đấy các cậu ạ. - Phải kiếm ít củi nữa mới đủ. - Lưng thì ấm mà bụng thì lạnh buốt. Lạ thật?
- Ô lạy Chúa! - Sao lại cứ ẩy người ta thế, lửa đốt riêng cho mình cậu sưởi hẳn? Xem này… nằm ềnh ra…. Trong khoảng im lặng kế theo nghe có tiếng mấy người ngáy khò khò: những người chưa ngủ trăn trở nằm lại cho ấm, thỉnh thoảng to nhỏ mấy câu. Từ một bếp lửa xa xa cách đấy chừng trăm bước vẳng lại tiếng cười vui vẻ. - Cậu có nghe thấy không, dân đại đội năm đang cười, - một người lính nói, - Bên ấy sao đông thế nhỉ? Một người lính đứng dậy đi sang đại đội năm rồi trở về nói: - Bọn họ nói vui ra phết. Có hai thằng Pháp mới đến bên ấy. Một thằng cóng gần chết, còn thằng kia thì lém lắm? Hắn đang hát. - Thế à? Thử sang xem xem, - Mấy người lính đi về phía đội năm. Chương 9 Đại đội năm hạ trại ngay ở ven rừng. Một đống lửa to tướng cháy nhg rực giữa tuyết, hắt ánh sáng lên các cành cây nặng trĩu sương giá. Vào khoảng nửa đêm, binh sĩ đại đội năm nghe trong rừng có tiếng chân bước và tiếng cành khô gẫy răng rắc. - Gấu, các cậu ạ - một người lính nói. Mọi người đều ngẩng đầu lên nghe ngóng, và tại khu rừng thấy có hai bóng người ăn mặc kỳ dị, dìu nhau bước vào một vùng ánh sáng rực rỡ của bếp lửa trại. Đó là hai tên lính Pháp trốn trong rừng. Họ vừa đến gần bếp lửa vừa cất cái giọng khàn khàn nói với nhau bằng một thứ tiếng mà đám binh sĩ không hiểu. Một người đội mũ sĩ quan, cao hơn người kia một chút, và có vẻ đã hoàn toàn kiệt sức. Bên cạnh bếp lửa, hắn muốn ngồi xuống nhưng lại ngã lăn ra đất. Người kia là một người lính thấp lùn đầu trùm khăn vuông, trông khỏe mạnh hơn người kia. Hắn đỡ bạn dậy, rồi chỉ vào mặt nói một câu gì chẳng ai hiểu. Binh sĩ xúm quanh hai người Pháp, trải một chiếc áo khoác ra cho người ốm nằm và đem cháo, vodka ra cho họ. Viên sĩ quan Pháp yếu là Rambai, người lính trùm khăn là Morel, cần vụ của hắn. Khi đã uống hết chỗ vodka và ăn hết một bát cháo, Morel bỗng vui lên một cách bệnh tật và bắt đầu nói luôn mồm, binh sĩ chẳng ai hiểu gì sất. Rambal không ăn được, lặng thinh chống khuỷu tay nằm cạnh đống lửa, hai mắt đỏ ngầu đờ đẫn nhìn các binh sĩ Nga, chốc chốc lại rên một tiếng kéo dài rồi im lặng. Morel chỉ vào vai hắn, ra hiệu rằng hắn là sĩ quan, và cần phải cho hắn sưởi. Một sĩ quan Nga vừa đến cạnh đống lửa cho người đi hỏi đại ta xem ông ta có thể cho viên sĩ quan Pháp vào nhà sưởi được không, một lát sau người được phái đi trở về và nói rằng đại tá bảo cho dẫn viên sĩ quan vào. Họ bảo Rambal đi. Hắn đứng dậy và đã toan cất bước đi thì loạng choạng suýt ngã, may có một người lính đứng cạnh đỡ hắn. - Sao? Chừa thôi chứ? - một người lính nháy mắt ngạo nghễ nói với Rambal. - Ê đồ ngu! Nói nhảm gì thế! Đồ nhà quê, thật là đồ nhà quê! - bốn phía có tiếng nhao nhao trách mắng người lính vừa nói đùa. Họ quây lấy Rambal, hai người bắt chéo tay nhau nhắc Rambal lên và khiêng hắn vào nhà. Rambal ôm choàng lấy cổ hai người lính và khi họ khiêng hắn đi, hắn cất giọng thảm thiết nói. - Ôi các bạn ơi, các bạn của tôi tốt quá, các bạn tốt quá! Như thế mới thật là người! Ôi, các bạn của tôi tốt quá, tốt quá! Rồi như con nít, Rambal tựa đầu vào vai một trong hai người lính đang khiêng hắn. Trong khi đó Morel ngồi vào chỗ rồi hát, các binh sĩ quây quần xung quanh. Morel là một người lính Pháp thấp lùn, đôi mắt sưng húp, nước mắt giàn giụa, một chiếc khăn vuông trùm đầu, mình mặc một chiếc áo khoác đàn bà. Hình như đã say khướt, hắn dang cánh tay ôm quàng lấy người lính ngồi cạnh, cất cái giọng khàn khàn và đứt quãng hát một bài hát Pháp, binh sĩ nhìn hắn, bấm bụng nhịn cười. - Này, này, dạy tớ bài hát với nhé, thế nào nào? Tớ sẽ chộp được ngay cho mà xem. Thế nào nào? - người lính Morel ôm quàng nói - anh ta vốn là một tay rất hay hát và hay đùa. Vive Henri quatre Vive ce roi vainallt! [275] Morel vừa nháy mắt vừa hát. Ce diable à quatre - Vivarka! Vifxeruvaru! Xicdyablika. - người lính vừa huơ cánh tay vừa lặp lại. Quả nhiên anh ta đã thuộc được điệu hát. - Chà tài thật! Hô - hô - hô - hô! - một tiếng cười vui vẻ, thô lỗ vang lên bốn phía. Morel cũng cười, nhăn cả mặt lại. Nào, hát nữa đi, nữa đi! Qui est le triple talent De boire de battre Et d être un vert galant. Nghe cũng hay ra phết. Nào, nào, Zaletaiev! - Kiu. - Zaletiev khó nhọc lặp lại. Ki - uy - uy -, anh ta cố gắng chúm môi phát âm kéo dài ra. - Letnptala đê bu đê baê đêtravagala, anh ta hát. - Chà hay quá! Đúng làm một thằng Pháp! Ô hô - hô - hô - hô - hô! nào, có muốn ăn nữa không? - Cho hắn ít cháo nữa, đói meo như thế thì phải ăn nữa vào mới no. Họ lại múc cháo cho Morel, và hắn vừa cười vừa tấn công vào chiếc càmèn cháo thứ ba. Trên gương mặt những người lính trẻ đang nhìn Morel đều nở một nụ cười vui sướng. Những người lính già, cho rằng bận tâm đến những trò vớ vẩn như vậy là không đứng đắn nên cứ nằm yên ở bên kia đống lửa, nhưng thỉnh thoảng lại chống khuỷu tay nhổm lên, mỉm cười nhìn Morel. - Chúng cũng là người như ta cả, - một người lính già vừa nói vừa cuộn mình trong chiếc áo khoác - Cây cỏ đắng cũng biết đâm rễ chứ. - Ô hô! Lạy chúa, lạy Chúa! Sao đâu mà lắm thế! Sắp già đến nơi rồi… - Và mọi vật chìm trong sự im lặng. Các vì sao, dường như cũng biết rằng bây giờ chẳng có ai nhìn mình, thi nhau lấp lánh trên nền trời đen xẫm. Khi sáng bờng lên, khi tắt ngấm, khi lung linh run rẩy, chúng nô nức thì thầm với nhau một chuyện gì vui vẻ nhưng huyền bí. Chương 10 Quân đội Pháp cứ tuần tự tan rã theo một cấp số toán học đều đặn, và cuộc hành quân qua sông Berezina mà người ta bàn rất nhiều trong các sách vở, chẳng qua chỉ là một trong những cái mốc chuyển tiếp trong quá trình tiêu diệt của quân đội Pháp, chứ tuyệt nhiên không phải là một giai đoạn quyết định của chiến dịch. Sở dĩ trước kia cũng như hiện nay người ta viết nhiều về trận Berezina như vậy, nếu xét về phía người Pháp, chẳng qua là vì trên cầu Berezina sụp đổ, những tai ương mà quân Pháp đã lần lượt chịu đựng bấy lâu nay bỗng dồn vào một lúc làm thành một cảnh tượng thảm khốc khắc sâu vào trí nhớ người ta. Còn về phía người Nga, thì sở dĩ người ta nói và viết về Berezina nhiều như vậy cũng chỉ vì cách xa nơi diễn ra chiến sự, ở Petersburg, người ta đã vạch ra một kế hoạch (chính phủ là người đề xướng) bắt sống Napoléon trong một cuộc phục kích chiến lược trên sông Berezina. Ai nấy đều tin chắc rằng mọi việc trong thực tế sẽ xảy ra đúng như trong kế hoạch, cho nên họ đều một mực nói rằng chính cuộc chuyển quân qua sông Berezina đã đưa quân Pháp đến diệt vong. Nhưng thật ra những hậu quả của cuộc vượt sông này, về số đại bác và quân lính bị bãt còn ít tai hại hơn trận Kraxnoye, như những con số thống kê đã cho thấy. Ý nghĩa duy nhất của cuộc vượt sông Berezina là ở chỗ cuộc hành quân ấy chứng tỏ một cách hiển nhiên và không còn nghi ngờ gì được nữa rằng tất cả những kế hoạch nhằm cắt đứt quân địch đều sai lầm và cách hành động do Kutuzov yêu cầu - chỉ theo sau quân địch - là cách hành quân duy nhất có thể thực hiện được vì duy nhất đúng. Đám quân Pháp bỏ chạy với tốc độ tăng lên không ngừng, bao nhiêu tinh lực của chúng đều hướng vào việc đạt đến mục tiêu. Quân Pháp chạy như một con thú bị thương, và nó không thể dừng lại ở giữa đường được. Chứng tỏ điều đó rõ ràng hơn cả không phải là việc tổ chức qua sông mà là cách di chuyển trên các cầu. Khi mấy cái cầu sập, những người lính mất vũ khí, những người dân Moskva, những người đàn bà có con mọn ngồi trên các xe tải của Pháp, tất cả, do ảnh hưởng của quán tính, đều không chịu hàng mà lại ùa xuống thuyền, xuống nước. Xu hướng ấy là hợp lý. Tình cảnh của kẻ chạy trốn cũng như người đuổi theo đều gian khổ như nhau. Ở lại với quân mình, mỗi người trong cơn hoạn nạn đều hy vọng vào sự giúp đỡ của đồng đội, vào cái vị trí nhất định của mình trong quân ngũ. Còn nếu đầu hàng quân Nga, thì tình cảnh vẫn bi đát như thế, nhưng mình thì lại bị đưa xuống ngạch thấp nhất về mặt thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt. Binh sĩ Pháp cần phải có những tài liệu đích xác mới biết rằng trong số tù binh mà quân Nga chẳng biết xử trí ra sao thì một nửa đã chết đói và chết rét mặc dầu quân Nga rất muốn cứu vớt họ; lính Pháp, cảm thấy không thể nào khác được. Những viên chỉ huy Nga có lòng thương người nhất hoặc ưa thích người Pháp nhất, và ngay cả những người Pháp tòng sự Nga hoàng nữa, cũng đều không thể làm gì để giúp đỡ tù binh cả. Chính cái tình cảm bi đát của quân đội Nga đã hãm hại tù binh Pháp. Không thể nào tước bớt bánh mì và áo choàng của những binh sĩ đói khổ mà người ta đang cần để cấp cho những tù binh Pháp bấy giờ không còn nguy hiểm gì nữa, cũng không ai thù ghét, cũng chẳng có tội gì, nhưng vẫn là những con người vô dụng. Cũng có đôi người làm như vậy; nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Sau lưng là cái chết chắc chắn; phía trước là hy vọng. Chiến thuyền đã bị tiêu huỷ [276] , không còn có lối thoát nào ngoài cách cùng nhau chạy trốn, và tất cả tàn lực quân Pháp đều tập trung vào việc cùng nhau chạy trốn. Quân Pháp càng chạy thì tàn quân của họ càng thảm hại, nhất là sau Berezina là trận mà kế hoạch Petersburg đã khiến cho người ta đặc biệt hy vọng, và các tướng tá Nga lại càng hằn học đổ lỗi cho nhau, nhất là đổ lỗi cho Kutuzov. Họ cho rằng người ta sẽ bắt Kutuzov chịu trách nhiệm về sự thất bại ở Berezina cho nên sự bất mãn, khinh miệt và thái độ nhạo báng đối với ông càng ngày càng lộ rõ. Thái độ nhạo báng và khinh miệt ấy dĩ nhiên là biểu lộ ra dưới một hình thức kính cẩn, một hình thức khiến cho Kutuzov cũng không thể hỏi xem họ buộc cho ông tội gì và nhân việc gì mà buộc tội. Người ta nói với Kutuzov một cách không nghiêm túc; khi báo cáo hoặc xin phép ông một việc gì, họ làm ra vẻ như đang thi hành một nghi thức rầu rĩ, còn sau lưng ông thì họ nháy nhau và lúc nào cũng cố tìm cách lừa ông. Tất cả những con người ấy, chính họ vì không hiểu ông, đều công nhận với nhau rằng chẳng việc gì phải bàn bạc với cái lão già ấy rằng không bao giờ ông ta hiểu biết được cái sâu sắc của những kế hoạch họ vạch ra, rằng ông sẽ trả lời những câu đã nhàm tai (họ tưởng đó chỉ là những câu nói rỗng tuếch) về cái cầu bằng vàng, về việc không thể nào vượt biên giới với một lũ thân tàn ma dại v.v. Những câu đó họ đều đã được nghe ông nói. Và tất cả những điều Kutuzov nói ra: chẳng hạn như cần phải đợi tiếp tế, quân lính không có giày, tất cả những điều đó đều đơn giản, còn tất cả những điều họ đề nghị đều phức tạp và thông minh đến nôi họ thấy rõ như ban ngày rằng Kutuzov ngu ngốc và lẩm cẩm, còn họ thì lại là những danh tướng thiên tài nhưng không có quyền hành. Đặc biệt sau khi Vitghenstain, một độ đốc hải quân xuất sắc và là vị anh hùng của Petersburg, bắt liên lạc với quân đội, tâm trạng khinh miệt và những chuyện ngồi lê đôi mách ở bộ tham mưu lại càng gay gắt hơn bao giờ hết. Kutuzov thấy thế chỉ thở dài và so vai. Duy có một lần, sau vụ Berezina, ông nổi giận lên viết thư cho Benrigxen, người vẫn báo cáo riêng với hoàng thượng, như sau: “Xét tình trạng sức khỏe của Quan lớn, nay xin Quan lớn vui lòng đi Kaluga nhận được thư này. Ở đấy Quan lớn sẽ đợi lệnh của Hoàng thượng bổ nhiệm công vụ mới”. Nhưng sau khi Benrigxen bị huyền chức, đại công tước Konxtantin Pavlovich, người đã tham gia giai đoạn đầu của chiến dịch và đã bị Kutuzov gạt ra ngoài, lại trở lại quân đội. Bây giờ đại công tước cho Kutuzov hay rằng Hoàng đế bất bình về những thắng lợi xoàng xĩnh và cách di chuyển chậm chạp của quân ta. Hoàng đế có ý định nay mai sẽ thân hành đến quân doanh. Kutuzov, con người già cả đã giàu kinh nghiệm trong triều đình cũng như trong việc quân, con người đã được chọn làm tổng tư lệnh trái với ý muốn của nhà vua vào tháng tám năm ấy, đã gạt thái tử ra khỏi quân đội, đã dùng quyền quyết định bỏ Moskva trái với ý muốn nhà vua, - con người ấy bây giờ hiểu ngay rằng mình đã hết thời, rằng vai trò của mình đã kết thúc và cái hư quyền của mình cũng không còn nữa. Vả chăng ông ta hiểu điều đó không phải chỉ về phương diện triều thần. Một mặt ông thấy rằng chiến sự - trong đó ông có một vai trò riêng - đã chấm dứt, và cảm thấy sứ mệnh của mình đã làm tròn. Mặt khác cái thân hình già nua của ông cũng bắt đầu thấy mệt mỏi về thể xác và cần phải được nghỉ ngơi. Ngày hai mươi chín tháng một Kutuzov đi Vilna - thành Vilna tốt lành của ông, như ông thường nói. Trong cuộc đời làm quan, Kutuzov đã hai lần giữ chức tổng đốc Vilna. Trong thành phố Vilna trù phú vẫn còn nguyên vẹn, ngoài những tiện nghi sinh hoạt mà bấy lâu nay ông phải chịu thiếu thốn, Kutuzov còn tìm thấy lại những người bạn cũ và những kỷ niệm xưa. Và, đột nhiên quay lưng lại với những nỗi lo âu về quân sự và triều chính, ông buông mình vào cuộc sống bình lặng, quen thuộc, trong chừng mực những dục vọng sôi sục ở xung quanh để cho ông yên, dường như tất cả những việc gì đang diễn ra và sắp diễn ra trên đài lịch sử chẳng còn dính dáng gì đến ông nữa… Tsitsigov, một trong những những say sưa nhất chủ trương cắt đứt và đánh bạt quân địch, Tsitsigov, người đã muốn tiến hành những công cuộc biệt kích lúc đầu thì sang Hy Lạp, sau thì sang Varsava, nhưng nhất định không chịu đến nơi mình được lệnh đến, Tsitsigov, người đã có tiếng là dám nói năng mạnh dạn với hoàng đế, Tsitsigov, người vẫn xem Kutuzov như kẻ chịu ơn mình vì năm 1811, khi ông được phái sang ký hòa ước với Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh Kutuzov, và nghe tin hòa ước đã ký kết xong xuôi, ông đã thừa nhận trước mặt hoàng đế rằng việc ký kết này là công lao của Kutuzov; chính cái ông Tsitsigov ấy là người đầu tiên ra đón Kutuzov ở Vilna, trước tòa lâu đài mà Kutuzov sẽ ghé lại. Tsitsigov mặc quân phục hải quân độ đốc, đoản kiếm đeo bên sườn, mũ lưỡi trai cắp nách, trao cho Kutuzov bản báo cáo nghi thức và chùm chìa khóa của thành phố. Cái thái độ kính cẩn đầy ý khinh miệt của bọn tướng tá trẻ tuổi đối với ông già lẩm cẩm được phản ánh trọn vẹn trong thái độ của Tsitsigov, là người đã biết rõ những lời buộc tội Kutuzov. Trong khi nói chuyện với Tsitsigov, Kutuzov có nói rằng những cỗ xe chở đĩa bát của ông ta bị cướp ở Borixovo vẫn còn nguyên và sẽ được trao trả cho chủ nhân. Tsitsigov đỏ mặt nói: - Ý ngài nói rằng tôi chẳng còn đã mà dọn ăn… Trái lại tôi có thể cung cấp cho ngài đầy đủ, dù khi ngài có muốn mở tiệc cũng vậy - mỗi chữ của Tsitsigov nói ra đều có ý nhằm chứng minh rằng ông ta phải, cho nên Tsitsigov tưởng Kutuzov cũng có ý như vậy. Kutuzov mỉm cười, nụ cười tế nhị, thâm thuý của ông, rồi nhún vai đáp: - Ý tôi chỉ muốn nói những điều tôi vừa nói với ông thôi! Ở Vilna, Kutuzov, trái với ý muốn của hoàng đế đã cho đại quân dừng lại. Như những người thân cận Kutuzov vẫn nói, ông đã suy yếu rất nhiều và sức khỏe sút hẳn trong thời gian ở lại Vinla. Ông miễn cưỡng lo những công việc trong quân đội, việc gì cũng giao cho các thuộc tướng làm thay và, trong khi chờ đợi hoàng đế, ông sống một cách phóng túng. Nhà vua cùng với đoàn tuỳ giá gồm bá tướng Tolxtoy, công tước Bolkonxki, Arakrseyev v.v. từ Petersburg ra đi ngày mồng bảy tháng chạp, và đến ngày mười một thì đến Vilna. Chiếc xe trượt tuyết đi đường của nhà vua đến thẳng tòa lâu đài. Trước tòa lâu đài mặc dầu trời giá căm căm, có chừng một trăm viên tướng và sĩ quan tham mưu mặc đại quân phục và đội vệ binh danh dự của trung đoàn Xemenovxki. Viên sĩ quan liên lạc phóng chiếc xe trượt tuyết thắng ba con ngựa ướt đẫm mồ hôi đến báo: “Ngài ngự!” Konovntxyn liền chạy vào tiền sảnh báo tin cho Kutuzov bấy giờ đang ngồi đợi trong phòng nhỏ của người gác cổng. Một phút sau, bóng dáng to béo của vị tướng già, mình mặc đại quân phục ngày lễ, bao nhiêu huân chương đều đeo hết lên ngực, bỗng thắt chiếc đai thao, khệnh khạng bước ra thềm. Kutuzov đội mũ thăng bằng, tay cầm găng, khó nhọc nghiêng người sang một bên bước xuống các bậc và cầm lấy bản báo cáo nghi thức đã chuẩn bị sẵn để trao cho hoàng đế. Các tướng tá chạy đi chạy lại, nói thì thầm, thêm một chiếc xe tam mã lao vụt qua, vài mắt mọi người đều đổ dồn vào cỗ xe trượt tuyết đang lao tới; trên xe đã thấy rõ bóng dáng hoàng đế và Bolkonxki. Tất cả những điều đó, do một thói quen cũ hàng năm mươi năm nay, khiến vị tướng già bồi hồi xúc động, ông hấp tấp sờ nắn mình một cách lo lắng, sửa lại chiếc mũ và ngay khi nhà vua xuống xe và ngước mắt lên nhìn ông, Kutuzov rướn thẳng người đứng nghiêm trao bản báo cáo rồi cất tiếng nói thong thả và lễ độ. Nhà vua đưa mắt rất nhanh nhìn Kutuzov từ đầu đến chân, cau mày trong giây lát, nhưng rồi tự chủ được ngay, đến gần và dang tay ra ôm lấy vị tướng già. Một lần nữa, do một ấn tượng quen thuộc và do một ý nghĩ thầm kín của ông, cử chỉ này của nhà vua lại tác động đến Kutuzov như thường lệ: ông khóc nấc lên một tiếng. Nhà vua chào hỏi các sĩ quan, đội vệ binh danh dự của trung đoàn Xemenovxki; bắt tay vị tướng già lần nữa rồi cùng ông ta đi vào lâu đài. Ngồi lại một mình với vị nguyên soái, nhà vua nói rõ sự bất bình của mình đối với cuộc truy kích chậm chạp, đối với những lỗi lầm ở Kraxnoye và ở Berezina, rồi cho ông ta biết những ý định của mình về cuộc hành quân sau này ở nước ngoài. Kutuzov không phản bác hay nhận xét gì cả. Cái vẻ nhẫn nhục và đờ dẫn của ông bảy năm về trước khi đứng nghe lệnh hoàng đế trên chiến trường Auxteritx nay lại hiện lên trên gương mặt ông. Khi Kutuzov ra khỏi phòng làm việc và cúi đầu bước qua phòng với dáng đi nặng nề, thân hình chúc về phía trước, có tiếng ai gọi ông dừng lại. - Thưa điện hạ. Kutuzov ngẩng đầu lên và nhìn vào mắt bá tước Tolxtôi hồi lâu; bây giờ bá tước đứng trước mặt ông, tay cầm một chiếc đĩa bạc trên có đặt một vật gì nho nhỏ. Kutuzov có vẻ như không hiểu người ta muốn gì mình. Bỗng ông như chợt hiểu: một nụ cười hầu như không thể thấy được thoáng hiện trên gương mặt béo phị, và ông kính cẩn nghiêng mình cầm lấy cái vật nhỏ đặt trên đĩa. Đó là chiếc huân chương Georges hạng nhất. 
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...