Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần IIIb

Chiến tranh và hòa bình - Phần IIIb
Chương 10 
Hôm sau hoàng thượng ở lại Visao. Ngự y Villie được triệu đến mấy lần. Ở tổng hành dinh và trong các đạo quân đóng quanh Tổng hành dinh, có tin đồn thánh thể bất an. Theo lời của những người thân cận, thì Người không ăn uống gì và đêm ấy ngủ không yên giấc. Sở dĩ hoàng thượng xem mình như vậy là vì cái ấn tượng mà cảnh quân lính thương vong đã ghi sâu vào cái tâm hồn dễ xúc cảm của Người. Tảng sáng ngày mười bảy, một sĩ quan Pháp, cầm cờ trắng là dấu hiệu của sứ giả đi điều đình, đến đồn tiền tiêu xin yết kiến Nga hoàng và được đưa đến Visao. Viên sĩ quan ấy là Xavary. Hoàng thượng vừa mới nghỉ được một lát và Xavary phải chờ. Vào giữa trưa, y được vào bệ kiến và một giờ sau lại trở về với dồn tiền tiêu của quân Pháp, cùng đi với công tước Dolgorukov. Có tin đồn rằng mục đích cuộc công cán của Xavary là đề nghị một cuộc hội kiến giữa hoàng đế Alekxandr và Napoléon. Hoàng thượng đã từ chối cuộc hội kiến, và điều đó làm cho ba quân rất mừng rỡ và tự hào. Vì vậy Dolgorukov là tướng đã thắng trận Visao được cử đi theo Xavary, thay mặt hoàng đế thượng nghị với Napoléon, nếu trái với mọi sự mong đợi của mọi người, Napoléon, có ý muốn xin giảng hòa thật. Đến tối, Dolgorukov trở về vào thẳng ngự dinh và ở lại rất lâu với hoàng thượng. Ngày mười tám và mười chín tháng mười một, các đạo quân tiến thêm hai đoạn đường và các đồn tiền tiêu của quân địch lại lùi, sau vài phát súng qua lại. Từ giữa trưa ngày mười chín, các giới chỉ huy cao cấp nhộn nhịp sôi nổi khác thường và tình hình ấy kéo dài đến sáng ngày hôm sau, hai mươi tháng mười một, là ngày diễn ra trận Austerlix đáng ghi nhớ. Kể cho đến giữa trưa ngày mười chín, chỉ có giữa hai tổng hành dinh của vua Nga và vua Áo mới thấy có một tình hình khẩn trương nhộn nhịp, nào những cuộc bàn luận sôi nổi, nào những tin tức qua lại nào những chuyến đi công cán của các sĩ quan phụ tá. Bắt đầu từ giữa trưa ngày hôm ấy thì cảnh nhộn nhịp lan đến cả tổng hành dinh của Kutuzov và bộ tham mưu của các tướng chỉ huy quân đoàn. Đến chiều, do sĩ quan của các tướng truyền đi, tình hình nhộn nhịp đã lan khắp quân đội từ tiền quân đến hậu quân, và đêm mười chín rạng ngày hai mươi toàn thể quân đội đồng minh gồm tám vạn người rời bỏ trại, rầm rập tiến lên thành một trận tuyến khổng lồ rộng tới chín dặm Nga. Sự chuyển động tập trung phát ra hồi sáng từ tổng hành dinh hai hoàng đế và thúc đẩy toàn thể quân đội, cũng chẳng khác nào sự chuyển động đầu tiên cửa chiếc bánh xe lớn trong một cái đồng hồ khổng lồ. Từ từ, một trong các bánh xe bắt đầu quay, rồi một cái thứ hai, rồi một cái thứ ba; rồi thì các bánh xe răng cưa to nhỏ và các trục nang dọc lần lượt chuyển theo, mỗi lúc một nhanh: rồi chuông đánh, những pho tượng nhỏ diễu qua, và, đôi khi chỉ chờ phút quay đều đều, cho thấy kết quả cuối cùng của toàn hoạt động. Cũng như bộ máy đồng hồ, bộ máy quân sự cũng phải chạy đến cùng sự chuyển động đầu tiên phát ra, và bộ phận của nó cũng đều nằm yên cho đến khi được đẩy đi. Các bánh xe quay ken két trên trục, răng cưa khớp vào nhau, sức quay nhanh làm cho những bánh xe nhỏ rít lên, thế mà cái bánh xe bên cạnh vẫn nằm yên, tương chừng sẽ còn nằm nguyên như thế hàng trăm năm nữa. Nhưng khi đã đến lúc, một cái răng cưa cuốn nó đi, thế là theo đà chuyển động nó quay tít và kêu vù vù góp phần vào hoạt động chung mà nó không hề hay biết kết quả và mục đích. Trong cái đồng hồ chuyển động phức tạp của vô số bộ máy rốt cục làm cho đôi kim chuyển chầm chậm và đều đều để chỉ thời giờ; và cũng hệt như vậy, những chuyển động phức tạp của mười sáu vạn quân vừa Nga, vừa Pháp này, những mối nhiệt tình, những dục vọng, ước mong, hối tiếc, tủi hổ, đau xót, những mềm kiêu hãnh bồng bột, những mối lo sợ bồn chồn, những nỗi hân hoan cuồng nhiệt của họ, tất cả những thứ đó va chạm nhau, trộn lẫn vào nhau, đều không đưa đến kết quả nào khác là sự thất bại trong trận Austerlix cũng gọi là trận Ba Hoàng đế [74] , nghĩa là đưa đến một chuyển động rất chậm của cái kim lịch sử thế giới trên mặt đồng hồ lịch sử nhân loại. Ngày hôm ấy, công tước Andrey thường trực và không rời khỏi tổng tư lệnh. Vào khoảng hơn năm giờ chiều Kutuzov đến tổng hành dinh và, sau một cuộc hội kiến ngắn với hoàng đế, đến gặp đại nguyên soái ngự tiền là bá tước Tolstoy. Bolkonxki liền thừa dịp đến hỏi Dolgorukov về tình hình chi tiết. Công tước Andrey cảm thấy Kutuzov đang cáu gắt và bất bình, mà ở tổng hành dinh người ta cũng đang bất bình về Kutuzov và mọi người đều nói với ông bằng cái giọng của kẻ biết được một điều gì mà người khác không biết; và chính vì vậy chàng muốn hỏi chuyện Dolgorukov xem sao. Dolgorukov bấy giờ đang uống trà với Bilibin nói: - A. Chào các bạn. Mai là ngày hội lớn đấy. Còn các cụ nhà anh thì nghĩ thế nào? - Ông ta đang cáu lắm phải không? - Tôi không cho là ông cụ đang cáu, theo tôi thì chẳng qua ông cụ chỉ muốn người ta nghe ý kiến mình thôi. - Nhưng mà người ta đã nghe ông ấy ở hội đồng quân sự và người ta còn nghe nữa khi nào ông ta nói có lý; còn đang lúc này, Buônapáctê không sợ gì hơn là một trận đại chiến, mà lại trì hoãnn để chờ đợi, chẳng biết chờ đợi cái gì, thì không thể được. Công tước Andrey nói: - À thế anh đã gặp Buônapáctê? Buônapáctê như thế nào? Anh thấy hắn thế nào? - Vâng, tôi đã gặp hắn và biết chắc rằng hắn không sợ gì cho bằng một trận đại chiến. - Dolgorukov nhắc lại và rõ ràng là rất thích thú với cái kết luận mà ông ta đã rút ra được từ cuộc hội kiến này - Tại sao lại chịu điều đình và nhất là lại lui quân, mà lui quân là một việc hết sức trái ngược với phương pháp tác chiến của hắn? - Anh hãy tin tôi, hắn đang sợ, sợ một trận đại chiến, giờ tận số của hắn đã đến. Tôi cam đoan với anh là thế. Công tước Andrey lại hỏi: - Nhưng anh hãy kể lại cho chúng tôi nghe anh thấy Buônapáctê như thế nào? Hắn ta là một người mặc áo đuôi én màu xám, rất thích tôi gọi là “Bệ hạ”, nhưng đáng buồn cho hắn là tôi không gọi bằng tước hiệu gì cả. Hắn là như thế đấy, và không còn gì khác hơn nữa. - Dolgorukov vừa nói vừa liếc sang Bilibin mỉm cười. Ông nói tiếp: - Tuy tôi rất kính trọng cụ Kutuzov, tôi cũng thấy rằng chúng ta mà còn chờ nữa và để cho hắn có dịp chuồn đi hay là lừa ta một vố trong lúc hắn đang chắc chắn nằm trong tay ta thì thật là đẹp mắt. Không được! Không nên quên Xuvorov và nguyên tắc của ông ta. Không bao giờ nên tự đặt mình vào cái thế bị tấn công mà phải tự mình tấn công trước. Các anh hãy tin tôi, ra trận thì tinh thần cương quyết hăng hái của phái trẻ thường chỉ đường chiến thắng chắc hơn tất cả kinh nghiệm của các lão tướng Cunctartor [75] . Công tước Andrey nói: - Nhưng chúng ta tấn công địch ở vị trí nào? Hôm nay tôi đã lên các đồn tiền tiêu và chịu không thể biết được đích xác lực lượng chính của quân địch bố trí ở chỗ nào? Chàng muốn nói với ông Dolgorukov về kế hoạch tấn công mà chàng đã nghĩ ra. Dolgorukov đứng dậy, vừa trải lên bàn một tấm bản đồ vừa nói nhanh: - À! Hắn ở đâu cũng thế thôi! Mọi trường hợp đã được dự kiến hết: nếu hắn là Bruyn… Rồi Dolgorukov trình bày rất nhanh và lộn xộn kế hoạch tiến quân bên sườn do Vairother dự định. Công tước Andrey phản đối mấy điểm và trình bày kế hoạch của mình, một kế hoạch cũng có thể hay không kém gì kế hoạch của Vairother, nhưng gặp trở ngại là đưa ra sau khi kế hoạch kia đã được chuẩn y. Khi chàng muốn chứng minh những khuyết điểm trong kế hoạch kia và những ưu điểm trong kế hoạch của mình, thì công tước Dolgorukov không nghe nữa và đáng lẽ nhìn vào bản đồ thì lại nhìn chàng một cách lơ đãng và nói: - Vả lại hôm nay sẽ họp hội đồng quân sự ở hành dinh Kutuzov anh có thể đem trình bày tất cả các điểm này. - Chính thế, hôm nay tôi sẽ nói. - Công tước Andrey vừa nói vừa rời khỏi bản đồ. Bilibin từ nãy đến giờ chỉ mỉm cười vui vẻ lắng nghe câu chuyện giữa hai người, giờ mới chêm vào với dụng ý rõ ràng là muốn bỡn cợt. - Nhưng mà các ngài bận tâm vì cái gì mới được chứ? Dù mai chúng ta thắng hay bại, vinh quang của quân đội Nga cũng vẫn được vẹn toàn cơ mà. Ngoài Kutuzov của anh ra, có vị tư lệnh quân đoàn nào là người Nga nữa đâu. Này nhé: tướng quân Vimpfen, bá tước đơ Langeron, công vương Lichtenstein, công vương Hohenlohe và sau cùng là Prsch… Prsch… và vân vân, như mọi tên Ba Lan khác. Dolgorukov nói: - Im đi, đồ ác khẩu… Không đúng thế đâu, bây giờ đã có hai tướng là người Nga: Miloradovich và Dolgorukov, lại có thêm một người thứ ba nữa: bá tước Arakseyev nhưng thần kinh ông ta yếu lắm. - Chắc ông Mikhail Ilarionovich đã họp xong. Thôi, xin chúc các vị may mắn. - Công tước Andrey nói đoạn bắt tay Dolgorukov và Bilibin rồi đi ra. Trên đường về, nhìn Kutuzov ngồi yên lặng bên cạnh mình, Công tước Andrey không thể không hỏi xem ông ta nghĩ thế nào đến trận đánh ngày mai. Kutuzov nghiêm nghị nhìn người sĩ quan phụ tá của mình, yên lặng một lúc rồi đáp: - Tôi nghĩ là trận này sẽ thua và đó là điều tôi đã nói với bá tước Tolstoy, nhờ bá tước tâu lên hoàng thượng. Và anh có biết là bá tước trả lời tôi thế nào không. “Ấy! Tướng quân thân mến ơi, tôi chỉ dự bàn việc gạo, thịt, còn việc đánh nhau thì ông bạn lo lấy”. Vâng… Người ta trả lời cho tôi như thế đấy. Chương 11 Khoảng gần mười giờ đêm Vairother mang kế hoạch đến họp hội đồng quân sự ở hành dinh của Kutuzov. Tất cả các tướng tư lệnh quân đoàn đều được mời đến họp với tổng tư lệnh và mọi người đều đến đúng giờ, chỉ riêng công tước Bagration từ chối không đến. Là người được giao toàn quyền xếp đặt kế hoạch tác chiến ngày mai, Vairother rất hăng hái, sôi nổi, trái hẳn với Kutuzov đang bực mình, buồn ngủ và miễn cưỡng đóng vai trò chủ tọa và chỉ đạo cuộc họp. Vairother thấy rõ ràng là mình đang cầm đầu một cuộc vận động đã trở thành không thể cưỡng lại được nữa. Ông ta như một con ngựa đã thắng vào càng một chiếc xe đang hăng xuống dốc. Chính mình đưa xe hay bị xe đẩy đi, ông ta cũng không rõ nữa; nhưng trong khi cắm đầu chạy hết tốc lực, ông không còn thì giờ nghĩ xem chạy như thế này rồi sẽ đến đâu. Tối hôm ấy, hai lần ông ta thân hành đi xem xét trận địa các đồn tiền tiêu của địch và hai lần về báo cáo và trình bày tình hình với hai vị hoàng đế Nga hoàng và Áo hoàng rồi lại trình bày với bộ chỉ huy của mình, đọc cho họ ghi lệnh bố trí quân đội bằng tiếng Đức. Khi đến nhà Kutuzov họp thì ông ta đã mệt phờ. Rõ ràng ông ta rất bận rộn, đến nỗi quên cả lễ phép đối với vị tổng tư lệnh; ông ta ngắt lời Kutuzov, nói năng hấp tấp, lúng túng, không nhìn con người đang tiếp chuyện mình, có người hỏi cũng không đáp lại; người ông ta thì lấm bùn be bét, trông phờ phạc, thảng thốt đến thảm hại, nhưng đồng thời lại hết sức tự tin và tự hào. Kutuzov ở trong một tòa lâu đài nhỏ gần Oxtralex. Trong phòng khách lớn dùng làm văn phòng của tổng tư lệnh, đã đủ mặt Kutuzov, Vairother và các uỷ viên của hội đồng quân sự. Họ đang uống trà. Chỉ chờ công tước Bagration đến nữa là bắt đầu cuộc họp. Khoảng tám giờ [76] , một sĩ quan tuỳ tùng của công tước đến báo là ông ta không đến được. Công tước Andrey vào báo với tổng tư lệnh. Và đã được Kutuzov cho phép từ trước, chàng ở lại trong phòng dự cuộc họp. - Công tước Bagration không đến, vậy chúng ta có thể bắt đầu. Vairother vừa nói vừa hấp tấp đứng dậy, đi đến cạnh cái bàn có trải một bản đồ rộng tướng về những vùng xung quanh Bruyn. Kutuzov ngồi trong một chiếc ghế bành kiểu Volter [77] đang lơ mơ ngủ, cái cổ mập mạp thò ra khỏi bộ quân phục cởi khuy như vừa thoát cũi sổ lồng, hai bàn tay múp mít đặt rất cân đối trên hai tay ghế. Nghe tiếng Vairother, ông ta cố gắng mở con mắt độc nhất nói: - Vâng, vâng, xin mời ngài bắt đầu không muộn mất - Nói xong lại gục đầu xuống và nhắm mắt lại. Lúc đầu thì các uỷ viên hội đồng có thể tưởng là Kutuzov vờ ngủ, nhưng về sau trong khi Vairother đọc thì những tiếng phì phò từ mũi ông ta phát ra chứng tỏ rằng đối với vị tổng tư lệnh giờ phút này có một việc quan trọng cần phải làm hơn là tỏ ý việc thỏa mãn một nhu cầu cấp thiết của con người: nhu cầu ngủ. Và Kutuzov ngủ thật. Vairother liếc nhìn ông ta, vẻ như một người bận rộn quá không còn có một phút thừa nào để mất vào việc gì nữa, và khi đã chắc chắn rằng ông ta đã ngủ yên, liền cầm giấy cất giọng sang sảng và đều đều đọc kế hoạch bố quân trong trận đánh sắp tới, không quên đọc cả đề mục của bản văn kiện: “Kế hoạch bố quân tấn công vị trí địch ở phía sau Kobelnitx và Kokolnitx ngày hai mươi tháng mười một 1805” [78] Bản kế hoạch khá phức tạp và khó hiểu. Nguyên văn như sau: “Vì địch đưa tả quân vào các đồi có cây cối rậm rạp và rải hữi quân dọc Kobelnitx và Kololnitx sau những ao đầm ở vùng ấy, còn trái lại tả quân ta vượt quá cánh hữu địch, lợi thế của ta là tấn công cánh quân ấy, nhất là nếu chúng ta chiếm các làng Xokalnitx và Kobelnitx thì có thể đánh bổ vào sườn địch và đuổi địch đến dải đất bằng ở khoảng giữa Slapanilx và rừng Thyraxa, tránh các hẻm núi Slapanitx và Bellovitx là những nơi bảo vệ cho mặt trận của địch. Muốn đạt mục đích ấy, cần phải… Đạo quân thứ nhất tiến… Đạo quân thứ hai tiến… Đạo quân thứ ba tiến… Các tướng hình như đều nghe đọc bản kế hoạch khó hiểu này một cách miễn cưỡng. Bulxhevzen một viên tướng cao lớn tóc hung, đứng dựa vào tường, mắt chăm chú nhìn một cây nến đang cháy, tựa hồ không nghe mà thậm chí cũng không muốn người ta tưởng là mình nghe nữa. Ngồi ngay trước mặt Vairother là Miloradovich sắc mặt hồng hào hiên ngang, đôi vai cũng nhô lên cao. Miloradovich cố làm thinh và chằm chằm nhìn Vairother mãi cho đến khi viên tổng tham mưu quân đội Áo ngừng đọc mới thôi nhìn. Bấy giờ Miloradovich quay lại nhìn các tướng kia một cách đầy ý nghĩa. Nhưng cứ theo ý nghĩa của cái nhìn đầy ý nghĩa ấy thì khó mà đoán được là ông ta đồng ý hay không, có tán thành bản kế hoạch hay không. Người ngồi gần Vairother nhất là bá tước Langeron. Trên khuôn mặt kiểu người Pháp miền Nam của ông ta, suốt thời gian Vairother đọc không lúc nào là không có một nụ cười mỉm rất tinh, đôi mắt thì mải ngắm mấy ngón tay dài, thon thon đang cầm lấy góc một cái hộp thuốc lá bằng vàng trên nắp có chạm một bức chân dung, búng cho nó quay tít. Giữa một câu văn tràng giang đại hải nhất, ông ta ngừng quay hộp thuốc lá, ngẩng đầu lên với một thứ lễ độ khó chịu cất một giọng hát nghe như phát ra từ đầu đôi môi thanh tú, ngắt lời Vairother, định nói một điều gì nhưng viên tướng Áo không ngừng đọc, cau mày tức giận, hất hất hai khuỷu tay như muốn ra hiệu: “chốc nữa, chốc nữa hãy nói, bây giờ hẵng theo dõi trên bản đồ và chú ý nghe”. Langeron đôi mắt lưỡng lự ngước nhìn về phía Miloradovich như để nhờ giải thích thái độ của Vairother nhưng gặp phải cái nhìn có vẻ dầy ý nghĩa mà thực ra không có ý nghĩa gì hết, liền buồn rầu cúi nhìn xuống, và lại tiếp tục búng cái hộp thuốc lá. - Một bài địa lý! - Ông ta nói, như thể mình tự nhủ mình nhưng đủ rõ để mọi người đều nghe. Prjebysevxki, vẻ kính cẩn nhưng đường hoàng xòe bàn tay cạnh tai làm cái loa hướng về phía Vairother vẻ đang nghe rất chăm chú và mải mê. Trước mặt Vairother, tướng Dolgorukov người thấp bé, vẻ cần cù và khiêm tốn, cúi xuống bản đồ nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, địa vật mà ông ta chưa biết. Nhiều lần ông ta nhờ Vairother nhắc lại những đoạn nghe không rõ và những tên làng khó đọc, Vairother nhắc lại, và Dolgorukov ghi lấy. Hơn một giờ sau, khi Vairother đọc xong, Langeron lại ngừng quay hộp thuốc lá và không nhìn Vairother cũng chẳng nhìn ai hết, ông trình bày những khó khăn trong việc thực hiện một kế hoạch như thế, vì kế hoạch ấy giả thiết rằng tình hình của địch đã được biết chính xác, nhưng thực ra thì tình hình ấy có lẽ không ai biết được vì địch đang chuyển quân. Lời phản đối của Langeron có căn cứ, nhưng rõ ràng là chỉ có mục đích làm cho Vairother hiểu rằng ông ta đã đọc bản kế hoạch của mình với một thái độ quá tự tin như đọc cho một đám học trò nghe, và trong những người ngồi nghe ở đây không phải chỉ có những kẻ ngu ngốc mà còn có những người có thể dạy ông ta về thuật cầm quân. Khi cái giọng đơn điệu của Vairother ngừng lại. Kutuzov mở mắt ra, như một người giữ cối xay bột tỉnh giấc khi tiếng quay đều đều của cái bánh xe cối xay ngừng lại. Ông lắng nghe Langeron, vẻ như muốn nói: “Ra các ông vẫn còn bàn đến những chuyện ngu xuẩn ấy à!” rồi vội vàng nhắm mắt lại và càng gục đầu xuống thấp hơn trước nữa. Cố ý làm cho lòng tự ái của các nhà tác giả quân sư Vairother tổn thương đau đớn nhất, Langeron chứng minh rằng Buônapáctê có thể tấn công rất dễ dàng chứ không phải là bị tấn công, và như vậy thì bản kế hoạch bố quân sẽ hoàn toàn vô dụng. Đáp lại tất cả mọi lời phê bình, Vairother chỉ dùng một nụ cười mỉm đã được chuẩn bị từ trước để đối phó với sự phản đối thế nào. Ông ta nói: - Nếu có thể tấn công ta thì hắn đã tấn công hôm nay rồi. - Vậy ra ngài cho là hắn bất lực ư? - Langeron lại bẻ. - Hắn có tất cả bốn vạn quân là cùng. - Vairother đáp lại với cái mỉm cười của một vị danh y khi nghe một mụ lang vườn mách một phương thuốc. - Nếu vậy mà hắn lại đợi cho chúng ta tấn công thì hắn đi đến chỗ tự sát rồi. Langeron kết luận, môi nở một nụ cười mỉa mai tế nhị, nhìn người ngồi gần nhất là Miloradovich mong được ông ta tán thành. Nhưng lúc bấy giờ Miloradovich hẳn không hề quan tâm chút nào đến cái vấn đề đang được các tướng lĩnh tranh luận, ông ta nói: - Tình thật mà nói thì mọi việc sẽ quyết định trên chiến trường. Vairother lại mỉm cười, để cho người ta thấy rõ ràng ông ta buồn cười và lấy làm lạ rằng các tướng Nga đã bắt bẻ ông ta, khiến cho ông ta phải chứng minh những điều không những ông ta hoàn toàn tin là đích xác mà lại đã từng làm cho cả hai hoàng đế đều phải tin theo nữa. Ông ta lại nói: - Địch đã tắt hết lửa, và bên trại chúng có tiếng ồn ào không ngớt. Như vậy nghĩa là thế nào? Hoặc có thể chúng đang rút đi và đó là điều duy nhất có thể làm cho ta ngại, hoặc là chúng đang thay đổi trận địa. (ông ta cười khẩy) - Dù cho chúng có đổi trận địa, sang đóng ở Thuyraxa, chúng cũng chỉ làm cho ta đỡ những mối phiền lớn mà thôi; dù thế nào thì cả những việc đã dự định, cho đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, cũng đều sẽ giữ nguyên. - Sao thế nhỉ? - Công tước Andrey, từ lâu vẫn chờ cơ hội bày tỏ những nôi lo ngại của mình, hỏi ngay. Vừa lúc ấy Kutuzov thức giấc, ho một tiếng nặng nề rồi nhìn quanh các tướng một lượt, nói: - Thưa các ngài, kế hoạch bố trận ngày mai, hay nói cho đúng hơn là ngày hôm nay, vì bây giờ đã quá nửa đêm rồi, không thể nào thay đổi được. Các ngài đã nghe đọc bản kế hoạch và tất cả chúng ta sẽ làm tròn bổn phận. Nhưng trước một trận đánh, không có gì quan trọng bằng… - Ông ta ngừng một lát, rồi kết luận… - bằng ngủ một giấc cho đẫy. Ông làm ra bộ sắp đứng dậy. Các tướng cúi chào, rồi lui ra. Công tước Andrey cũng ra theo họ. Bấy giờ đã gần một giờ sáng. Ở hội đồng quân sự, công tước Andrey đã không bày tỏ được ý kiến của mình như chàng vẫn mong đợi, điều đó để lại cho chàng một ấn tượng bối rối và lo ngại. Ai có lý? Dolgorukov và Vairother những người đã đề ra kế hoạch tấn công, hay trái lại, là những người không tán thành kế hoạch ấy: Kutuzov, Langeron và những người khác? Chàng cũng không hiểu nữa. “Nhưng sao Kutuzov lại không thể trực tiếp đệ trình ý kiến của mình lên hoàng thượng? Phải chăng không có cách gì làm khác đi được? - chàng tự nghĩ - Chẳng lẽ vì ý riêng của vài kẻ triều thần mà hàng vạn sinh mệnh và cả tính mệnh của mình nữa lâm vào cảnh hiểm nghèo sao? Ừ cả tính mệnh của mình nữa, vì rất có thể ngày mai mình bị giết”. Và đột nhiên, chàng vừa nghĩ đến cái chết thì những kỷ niệm xa xưa nhất, sâu kín nhất, đã tràn ngập trí tưởng tượng của chàng. Chàng nhớ lại phút từ biệt cha và vợ lần cuối cùng. Chàng nghĩ đến Liza đang có thai, nhớ lại những ngày đầu của cuộc tình duyên giữa hai người và thấy thương hại cả vợ lẫn mình. Cảm thấy mủi lòng và xúc động mạnh quá chàng ra khỏi, ngôi nhà chàng ở chung với Nexvitxki và bắt đầu đi bách bộ ở trước cửa. Đêm hôm ấy có sương mù, và qua màn sương vầng trăng chiếu xuống cảnh vật một ánh sáng huyền ảo. “Phải ngày mai, ngày mai! - Chàng tự nhủ. - Ngày mai có lẽ mọi sự sẽ chấm dứt đối với ta, tất cả những kỷ niệm ấy sẽ không còn nữa, tất cả những kỷ niệm ấy đối với ta sẽ không còn ý nghĩa gì hết. Ngay ngày mai, có lẽ, và chắc chắn nữa là khác ta linh cảm thấy như vậy, lần đầu tiên ta có dịp tỏ hết khả năng”. Rồi chàng tưởng tượng ra trận đánh, giờ phút nguy cấp trong đó cả chiến trường dồn hết vào một điểm duy nhất, tất cả các tướng lĩnh đều hoang mang. Và đây, cái phút may mắn đã đến với chàng, cái trận Toulon bấy lâu mong đợi. Giọng nói rõ ràng rắn rỏi chàng sẽ trình bày ý kiến với Kutuzov, với Vairother, với hai vị hoàng đế. Mọi người đều thấy những ý kiến đó đúng quá, nhưng không một ai dám một mình gánh lấy trách nhiệm đem thực hành… Bấy giờ sau khi đã ra điều kiện thỏa thuận là không ai được can thiệp vào cách điều quân của mình, chàng sẽ lấy một trung đoàn, một sư đoàn đưa đến nơi nguy cấp và một mình chàng chuyển bại thành thắng. Một tiếng nói khác cãi lại: “Thế còn chết chóc, thế còn đau thương?” Nhưng không thèm đáp lại, công tước Andrey tiếp tục những chiến thắng của mình. Một mình chàng lập kế hoạch bố quân cho trận đánh sau. Tuy không có chức vị nào khác ngoài chức phụ tá của Kutuzov, chính chàng đã làm tất cả. Rồi lại chính chàng, chỉ mình chàng thắng trận ấy. Lần này thì Kutuzov bị cách chức chỉ huy và chính chàng, Bolkonxki được cử lên thay Kutuzov. Tiếng nói kia lại cãi lại: “- Rồi sao nữa? Cứ cho là anh không bị thương đến chục lần, bị tử trận hay bị lừa phản - nhưng thế rồi sau đó sẽ ra sao?” - Công tước Andrey bác lại: “Ừ, rồi sao nữa? Mình không biết rồi sau sẽ ra sao nữa, mình không thể biết, mà cũng không muốn biết; nhưng nếu mình muốn vinh quang, muốn được mọi người biết đến, được mọi người hâm mộ, nếu mình muốn thế, và chỉ muốn có thế, chỉ sống vì thế thì thật cũng chẳng phải là lỗi tại mình. Ừ mình chỉ vì danh vọng mà thôi. Mình sẽ không bao giờ nói với ai cả; nhưng mà trời ơi! Nếu mình chẳng ham gì ngoài cha mình, em mình, vợ mình - Đó là những người thân yêu nhất của mình, nhưng dù việc ấy có vẻ ghê gớm đến đâu, trái tự nhiên đến đâu, mình cũng không do dự hy sinh hết mọi người thân thích cho một chút vinh quang, cho một lúc chiến thắng, cho lòng hâm mộ của những người mà mình không biết và cũng sẽ không bao giờ biết… như những người này”. Chàng vừa kết luận vừa lắng tai nghe tiếng người nói ngoài sân dinh thự tổng tư lệnh. Đó là tiếng mấy người cần vụ đang sửa soạn đi ngủ. Một người chắc là anh đánh xe - đang trêu ông lão Tít, người nấu bếp của Kutuzov và công tước Andrey rất quen; anh ta gọi: - Ông Tít, ê, ông Tít. - Cái gì thế? - Ông lão hỏi. Anh chàng bông lơn nói: - Ông Tít, mắt ông nhắm tít. Tiếng ông lão rủa: - Xì! Quỉ bắt mày đi! - Rồi tiếng mọi người cười phá lên, lấp cả tiếng nói của ông ta. Công tước Andrey kết luận: “Dù sao, mình cũng chỉ quý chuộng cái thế ưu việt cửa mình so với tất cả những con người đó, mình chỉ quý cái sức mạnh huyền bí, cái vinh quang đang bay lượn trên đầu mình, trong đám sương mù kia thôi!”. Chương 12 Đêm ấy, trung đội Roxtov làm nhiệm vụ cảnh giới ở mé trước quân đoàn Bagration, lính phiêu kỵ của chàng cứ hai người thì một người bố trí dọc tuyến tiền tiêu; Roxtov cố cưỡng lại cái cảm giác buồn ngủ đang làm cho chàng díu mắt lại bằng cách rảo ngựa suốt dọc tuyến. Trong khoảng không gian mênh mông ở phía sau lưng, Roxtov thấy lờ mờ ánh lửa của quân ta lấp loáng trong sương mù; ở phía trước mặt là bóng tối mịt mùng. Chàng cố sức nhìn sâu vào màn đêm dày đặc ấy nhưng vẫn chẳng trông thấy gì cả: khi thì tưởng chừng như thấy một cái gì đen den, xám xám, khi thì lại ngỡ như có những dốm lửa lập lòe trước mặt ở chỗ có lẽ có quân địch đóng; có khi chàng lại nghĩ rằng chỉ vì mắt chàng hoa lên mà thấy như vậy. Mắt chàng nhắm lại và trong trí tưởng tượng của chàng hiện lên hình ảnh của hoàng đế, của Denixov, hay những kỷ niệm ở Moskva: chàng vội mở mắt và nhận ra ngay trước mặt cái đầu và hai tai con ngựa đang cưỡi, và thỉnh thoảng lại thấy hằn lên cái bóng đen của những người lính phiêu kỵ mà chàng chỉ đi chừng sáu bước nữa thì sẽ xô phải, và ở đằng xa vẫn là cái màn sương mù dày đặc, tối om lúc nãy. Chàng nghĩ: “Rất có thể ta sẽ gặp hoàng thượng và Người sẽ giao cho ta một nhiệm vụ như bất cứ sĩ quan nào: Người sẽ bảo - “Đến xem cái gì đằng kia?” Nghe nói nhiều khi Người tình cờ nhận ra mặt một vị quan nào đó và cho đi theo. Ước gì mình mà được như thế: Ờ! Mình sẽ bảo vệ Người hết sức tận tình, mình sẽ thẳng tay vạch mặt bọn khi quân, mình sẽ tâu trình để Người biết rõ sự thật”. - Và để hình dung cho thật rõ cho lòng kính yêu và trung thành của chàng đối với hoàng đế, chàng tưởng tượng mình đang đánh nhau với một kẻ thù hay một tên Đức phản bội, đang quật nó xuống, đang tát tai nó ngay trước mặt hoàng thượng. Chợt một tiếng reo từ xa vẳng lại làm chàng sực tỉnh. Roxtov giật mình mở mắt ra và hỏi: “Mình ở đâu thế này? À! Đúng, ở tiền tiêu. Khẩu hiệu là: “Càng xe. Olmuyt”… Ngày mai mà đại đội mình còn làm quân dự bị nữa thì chán quá! Mình sẽ xin ra trận. Có lẽ chỉ có như thế thì may ra mới được gặp hoàng thượng. Giờ thay phiên gác sắp đến rồi. Đi tuần một lượt nữa rồi về là đến xin tướng quân”. Chàng ngồi thẳng trên yên, thúc ngựa đi tuần lần chót. Bóng tối hình như đã bớt dày đặc. Chàng nhận ra ở bên trái một sườn dốc thoai thoải sáng mờ mờ và bên kia một quả gò đen ngòm hình như đang dốc đứng, chẳng khác một bức tường thành. Chàng nhận ra trên gò ấy một vệt trắng, không biết là cái gì: một cánh rừng thưa có ánh trăng soi xuống chăng? Một dải tuyết chăng, hay là một khóm nhà trắng? Chàng mường tượng như ở đấy có một vật gì cử động. Chàng mơ màng: “Chắc là tuyết; đó là một cái vệt… une tache ( một vệt - tiếng Pháp), một cái vệt… À! Đúng, une tache, Natasa, em mình với đôi mắt đen… khi mình bảo cho nó biết là mình đã gặp hoàng thượng chắc nó ngạc nhiên lắm!… Natasa…” Chợt có tiếng một người lính phiêu kỵ kêu lên: - Quan lớn cẩn thận, bụi cây đấy! Rẽ sang bên phải. Bấy giờ Roxtov đang đi qua mặt anh ta, vừa đi vừa ngủ gật, đầu lắc lư gục xuống gần sát bờm ngựa. Chàng ngẩng lên và dừng lại cạnh người lính. Một cơn buồn ngủ không sao cưỡng nổi, như của trẻ con cứ dúi đầu chàng xuống. “Nào, mình vừa nghĩ đến cái gì nhỉ? Đừng quên chứ. Nghĩ đến điều phải tâu với hoàng thượng à? Không phải, việc ấy là việc ngày mai… À, đúng rồi, nhớ ra rồi, mình nghĩ đến Natasa… Ngày mai là tấn công… Phải, tấn công. Ai là? Lính phiêu kỵ… À! Đúng, lính phiêu kỵ có ria mép. Không biết mình đã thấy ở đâu một tên lính phiêu kỵ có ria mép như vậy! À! Đúng, thấy ở phố Tverxkaya trước nhà ông lão Gurieg… Chà anh chàng Denixov cừ thật… Nhưng mà tất cả những chuyện ấy đều là nhảm nhí cả. Điều quan trọng là hoàng thượng hiện có mặt ở đây… Khi Người nhìn mình, mình tưởng là Người muốn nói gì với mình, nhưng Người lại không dám… Không phải, chính là mình không dám chứ… Lại nhảm nhí rồi. Điều chủ yếu là không nên quên… rằng mình vừa nghĩ đến việc quan trọng. Natasa, ta tấn công phải rồi, phải rồi, hay lắm”. Rồi đầu chàng lại gục xuống cổ con ngựa. Nhưng rồi chàng chợt có cảm giác như người ta đang bắn vào chàng. Roxtov giật nảy mình, kêu lên: - Cái gì? Cái gì thế? Chém! Chém!
Vừa mở bừng mắt, Roxtov đã nghe ở phía trước mặt, nơi quân địch đóng, có những tiếng hò reo kéo dài của hàng nghìn người. Hai con ngựa của chàng và của người lính phiêu kỵ đi bên cạnh vểnh tai nghe ngóng. Một ánh lửa sáng lên một chốc trên gò rồi một ánh nữa, rồi suốt trận tuyến quân Pháp trên đồi vô số ánh lửa sáng rực lên, và tiếng hò reo mỗi lúc một to. Roxtov nghe ra những âm thanh của tiếng Pháp nhưng vì nhiều tiếng cùng hét lên ầm ầm nên không thể phân biệt được chữ gì. Chỉ nghe rặt những “aaaa” và “rrrr”. Chàng hỏi người lính ở bên cạnh: - Cái gì thế nhỉ! Anh cho là cái gì? Tiếng reo bên quân địch phải không? Người lính không đáp. Roxtov chờ một lúc khá lâu không thấy tra lời, hỏi lại: - Thế nào, không nghe gì à? - Thưa quan lớn, có trời biết là cái gì? - Người lính càu nhàu đáp. - Theo vị trí đó là phía địch phải không? - Roxtov lại hỏi. - Có thể là phải, có thể là không phải; ban đêm khó mà biết được - Người lính trả lời rồi quay ra quát con ngựa vì nó cứ lổm nhổm muốn lồng lên: “Này, có đứng yên không nào!”. Con ngựa của Roxtov cũng sốt ruột, giẫm chân trước xuống mặt đất đóng băng, vểnh tai nghe tiếng ồn và liếc nhìn về phía có ánh sáng. Những tiếng reo mỗi lúc một to hòa thành một tiếng ầm ầm như sấm dậy mà chỉ một đạo quân mấy nghìn người mới phát ra được ánh lửa mỗi lúc một lan rộng, chắc là trên suốt trận tuyến quân Pháp. Roxtov không thấy buồn ngủ nữa. Bây giờ chàng đã nghe rõ mấy tiếng “Hoàng đế vạn tuế! Hoàng đế!”. Tiếng reo hò vui mừng và đắc thắng ấy khích động chàng rất mạnh làm cho chúng tỉnh táo hẳn ra. - Này, gần đây thôi phải không? Có lẽ chỉ ở bên kia suối. - chàng nói với người lính phiêu kỵ. Người lính thở dài không đáp và khục khặc ho mấy tiếng bực dọc. Bỗng có tiếng vó ngựa tế nước kiệu dọc tuyến tiền tiêu của quân phiêu kỵ, và từ sương mù hiện ra bóng dáng nặng nề của một hạ sĩ quan phiêu kỵ, trông mặt như một con voi đồ sộ. Viên hạ sĩ quan thúc ngựa đến gần Roxtov nói: - Thưa quan lớn, các tướng quân đã đến đấy. Vẫn để ý theo dõi ánh sáng và tiếng reo, Roxtov theo viên hạ sĩ quan tiến về phía những người cưỡi ngựa đang đến. Trong số đó có một người cưỡi ngựa bạch. Đó là hai công tước Bagration và Dolgorukov cung với các sĩ quan phụ tá đến quan sát ánh lửa và tiếng reo kỳ lạ bên phía quân địch. Roxtov báo cáo tình tình với Bagration rồi đứng về phía các sĩ quan phụ tá, háo hức chờ nghe những lời bàn luận của các tướng. Dolgorukov nói với Bagration: - Xin ngài hãy tin lời tôi đó chỉ là một cái mẹo thông thường thôi. Hắn đã rút lui, và ra lệnh cho hậu quân đốt lửa và làm ồn để đánh lừa ta. - Tôi ngờ rằng không phải thế, - Bagration nói. Chiều nay tôi còn thấy chúng đóng trên gò này. Nếu đại quân của chúng đã rút lui thì bọn này cũng phải rút theo chứ… - Rồi ông ta nói với Roxtov - Ông sĩ quan cho biết là quân cảnh giới bên sườn của chúng có còn ở đấy không? - Chiều hôm sau chúng còn ở đấy, nhưng bây giờ chúng tôi không dám nói chắc là có còn hay không. Nếu đại nhân ra lệnh, chúng tôi xin dẫn lính phiêu kỵ xem cho rõ. Bagration kìm ngựa đứng lại, không đáp và cố nhìn rõ mặt Roxtov trong sương mù. - Được thử đi xem đi! - Ông nói sau một lát im lặng. - Xin tuân lệnh. Roxtov thúc ngựa, gọi viên sĩ quan Fetsenko cùng với hai người lính ra lệnh cho họ theo mình rồi phóng ngựa xuống đồi, tế nước kiệu về phía có tiếng reo. Chàng vừa thấy lo sợ và vui mừng vì được đi một mình như thế này cùng với ba tay phiêu kỵ, tiến vào cõi xa xa mờ sương đầy bí ẩn và nguy hiểm, nơi mà trước chàng chưa có ai đến. Từ trên đồi Bagration dặn với theo bảo không được đi qua con suối, nhưng chàng làm ngơ, phóng bừa đi mặc dầu cứ lầm lân lung tung, bụi con thì tưởng là cây lớn, hầm hố thì ngỡ là người, và lần nào cũng tìm được cách cắt nghĩa những lầm lẫn của mình. Đến chân gò, chàng không thấy lửa trại ta, cũng không thấy lửa trại địch nữa; trái lại tiếng reo hò của quân Pháp thì nghe mỗi lúc một to hơn, rõ hơn. Ở đáy thung lũng chàng tưởng chừng trông thấy một con sông, nhưng đến gần thì té ra là một con đường. Chàng dừng ngựa lại, không biết nên đi theo con đường ấy hay vượt qua đường rồi ngược cánh đồng tối om kia đé phóng lên đồi. Đi theo đường cái thì ít nguy hiểm hơn, vì con đường sáng lờ mờ trong sương mù, gặp người là nhận ra ngay; chàng gọi ba người lính phiêu kỵ: “Đi theo tôi!” rồi vượt qua đường, chàng thúc ngựa phi tới chỗ mà mới chập tối chàng thấy có một tốp lính canh của quân Pháp. Bỗng sau lưng chàng một người phiêu kỵ kêu lên: - Thưa quan lớn! Nó đấy! Roxtov chưa kịp định thần thì một bóng đen lù lù đã hiện ra trong màn sương; một ánh lửa thụt ra, một tiếng súng nổ, và một viên đạn bay rất cao, réo lên trong sương mù như một tiếng rên và mất hút trong yên lặng. Một ánh chớp nữa lóe lên, nhưng viên đạn không nổ, Roxtov quay ngựa phi trở về. Bốn phát súng nổ theo cách quãng, và đạn réo thành những âm diệu cao thấp khác nhau mất hút trong sương mù. Roxtov kìm ngựa lại; vì con ngựa cũng bị tiếng súng kích động như chàng, và nó đi bước một chàng vui vẻ nói khẽ: “Nào, bắn nữa đi, bắn nữa đi!” Nhưng tiếng súng đã im bặt. Khi chỉ cách Bagration mất bước, Roxtov mới cho ngựa phi và đưa tay lên lưỡi trai, đến gẩn vị tướng, Dolgorukov vẫn một mực cho rằng quân Pháp đang tháo lui và chỉ đốt lửa lên để đánh lừa ta. Ông ta nói: những phát súng ấy có nghĩa gì đâu? Chúng có thể rút lui mà vẫn để lại đấy vài tốp lính canh chứ? - Chúng chưa đi đến đâu công tước ạ - Bagration nói - Thôi để sáng mai, sáng mai sẽ biết rõ. Vừa lúc ấy Roxtov nghiêng mình về phía trước, tay đưa lên vành mũ báo cáo: - Thưa đại nhân có một tốp lính canh trên gò, vẫn ở chỗ ban chiều, - đang vui sướng vì cuộc mạo hiểm và nhất là vì tiếng đạn réo, chàng không thể nén được một nụ cười hớn hở. - Tốt, rất tốt; cám ơn ông sĩ quan - Bagration đáp. - Thưa đại nhân, xin ngài cho phép chúng tôi đề đạt một lời thỉnh cầu - Roxtov lại nói. - Việc gì thế? - Đại đội của chúng tôi ngày mai phải ở dự bị chúng tôi mong được biệt phái sang đại đội một. - Tên anh là gì? - Bá tước Roxtov - À! Tốt lắm. Ở đây làm sĩ quan tuỳ tòng cho tôi. - Có phải anh là con trai Ilyan Andreyevich không? - Dolgorukov hỏi. Nhưng Roxtov không đáp, nói luôn với với Bagration: - Vậy thưa Đại nhân chúng tôi có thể hy vọng chứ? - Được, tôi sẽ ra lệnh. Roxtov tự nhủ: “Ngày mai rất có thể mình đươc cử đi mang thông điệp lên Hoàng thượng. Lạy trời!” Sở dĩ có những tiếng reo và những ánh lửa sáng bên trận tuyến địch là vì bấy giờ Napoléon ruổi ngựa đi thăm các trại quân trong khi người ta đang đọc nhật lệnh cho sĩ nghe. Trông thấy Napoléon, quân sĩ liền đốt đuốc rơm chay theo, vừa chạy vừa reo hò: “Hoàng đế vạn tuế!”. Nhật lệnh, của Napoléon như sau: “Hỡi quân sĩ! “Quân Nga đến trước mặt chúng ta để trả thù cho quân Áo bị đánh tan ở Ulm. Đó chính là những tiểu đoàn mà các người đã đánh bại ở Hollabrunm và từ đấy các người vẫn luôn luôn truy kích cho đến nay. “Những vị trí chúng ta chiếm là rất mạnh, và trong khi chúng sẽ đi vòng bên phải để vây bọc ta thì chúng ta sẽ để hở sườn cho ta đánh: Hỡi quân sĩ, ta sẽ thân chinh chỉ huy các tiểu đoàn của các ngươi. Nếu quân sĩ dũng cảm như thường lệ làm cho hàng ngũ địch rối loạn tơi bời thì ta sẽ đứng xa nơi đạn lửa; Nhưng nếu thế trận có lúc chông chênh dù chỉ trong một phút, thì các ngươi sẽ thấy Hoàng đế của các ngươi dấn thân ra nơi nguy hiểm nhất, vì trận thắng cần phải chắc mười phần không chút lưỡng lự, nhất là trong một ngày mà vấn đề đặt ra là danh dự của bộ binh Pháp, điều vô cùng thiết yếu đối với danh dự của toàn dân tộc. “Không được lấy cớ chuyền thương binh về hậu tuyến để bỏ trống hàng ngũ và mỗi người phải thấm nhuần ý tưởng này, là phải đánh bại những kẻ đã bán mình cho đồng tiền của Anh quốc và căm thù dân tộc ta một cách thâm độc. “Trận thắng này sẽ kết thúc chiến dịch cà chúng ta có thể quay về cho quân nghỉ ngơi vào mùa đông, những đạo quân mới thành lập ở Pháp sẽ đến hợp với chúng ta và bấy giờ ta sẽ ký một hòa ước xứng đáng với dân ta, với ba quân và với ta. Napoléon”. Chương 13 Đã năm giờ mà trời vẫn còn tối mịt. Đạo trung quân, đạo hậu bị và cánh trái của đội bộ binh có nhiệm vụ lao xuống sườn núi để tấn công sườn phải của quân Pháp và theo kế hoạch đánh lùi chúng về miền núi xứ Bohemie, đều đã trở ngại và đang ráo riết chuẩn bị xuất quân. Người ta ném vào các đống lửa trại tất cả những thứ vô dụng, khói xông lên cay xè cả mắt. Trời lạnh lẽo và u ám. Các sĩ quan uống nước trà và ăn chút điểm tâm qua quýt, binh lính nhai bánh mì khô, giậm chân xuống đất cho nóng người lên và chen chúc nhau xung quanh các đống lửa đốt bằng ván lều, ghế, bàn, bánh xe, thùng gỗ tất cả những gì không thể mang đi được. Cứ trông những viên hướng đạo người Áo đi lại giữa các đội quân Nga cũng đủ biết là sắp xuất phát. Hễ có một sĩ quan Áo đến bộ chỉ huy của một viên chỉ huy trung đoàn nào là trung đoàn ấy tức khắc lên đường: binh lính vội vã bỏ bếp lửa, đút ống điếu vào cổ giày, chất túi rết lên xe, cầm súng và xếp thành hàng ngũ; các sĩ quan cài khuy áo quân phục đeo gươm vào thắt lưng, nịt các xà cột và duyệt qua hàng ngũ, luôn mồm quát tháo; lính hộ tống và tuỳ tòng buộc ngựa vào xe, xếp hành lý lên, thắt lại các dây thắng; các cấp chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn, các sĩ quan phụ tá lên ngựa làm dấu chữ thập, ra những mệnh lệnh và chỉ thị cuối cùng cho những người hộ tống ở lại dự bị. Rồi cái tiếng rầm rập đều đều vang lên. Các đoàn quân ra đi mà không biết là đi đâu và không thể nhận ra trận địa mình bỏ lại cũng như trận địa mình sắp dấn thân vào, vì chen chúc nhau đông quá, lại thêm khói và sương mù mỗi lúc một bốc dày đặc. Người bộ binh đang hành quân cũng bị đóng khung, giam kín trong hàng ngũ, bị trung đoàn lôi cuốn đi, như người thuỷ binh trên tàu biển. Dù đi xa đến đâu, dù dấn thân vào những miền xa lạ, nguy hiểm đến đâu đi nữa, anh ta cũng vẫn thấy trước mắt những cấp chỉ huy ấy, và con chó Jutsk vẫn đi theo đại đội cũng tựa hồ người lính thuỷ lúc nào cũng trông thấy cái boong tàu ấy, những cột buồm, những dây cáp ấy. Người lính không mấy khi muốn biết chiếc tàu của mình đang ở vĩ tuyến nào; nhưng khi đến ngày giao chiến thì toàn quân, không trừ một ai, đều nghe trong thâm tâm vang lên một âm điệu trầm hùng như một giếng gọi, thức tỉnh tính hiếu kỳ đã tê liệt của mỗi người và báo với họ rằng một cái gì trang nghiêm, quyết liệt đang tới gần. Bấy giờ họ mới cố chọc thủng cái chân trời hữu hạn của sinh hoạt binh đoàn, cố nghe ngóng, quan sát, đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, háo hức tìm hiểu những việc xảy ra xung quanh. Sương mù dày đặc đến nỗi trời đã sáng mà cách mười bước vẫn không nhìn thấy gì. Bụi cây con thì cứ tưởng là cây lớn, mặt đất phẳng thì tưởng là khe, hố. Ở khắp nơi, bên trái cũng như bên phải, không khéo là chạm chán với quân địch mà cách mười bước cũng không trông thấy được. Nhưng các đoàn quân vẫn đi rất lâu trong màn sương mù dai dẳng ấy, trong cái xứ sở lạ lùng ấy, xuống dốc rồi lại lên dốc, men mãi theo những hàng rào và vườn tược, mà không hề gặp một tên lính Pháp nào. Trái lại, khắp bốn phía, khi trước mặt, khi sau lưng, chỉ thấy ùn ùn những đoàn quân Nga cùng đi về một hướng. Và người lính thấy vững tâm khi nghĩ rằng ngoài mình ra còn có nhiều, rất nhiều quân lữ của ta cũng cùng đi đến địa điểm với mình, tuy chẳng rõ đến đâu. Trong hàng ngũ, có tiếng bảo nhau: - Kìa, có cả lính Kurxk nữa đấy. - Ấy! Ghê thật đấy ông anh ạ, quân ta đông lắm! Tối qua khi đốt lửa lên, chẳng tài nào nhìn thấy hết được từ đầu đến cuối. Cứ y như là ở Moskva ấy! Các vị tư lệnh các đạo quân đều đứng xa quân ngũ và không nói gì với binh sĩ: như ta đã thấy rõ cuộc hội nghị, các ngài đều đang bực mình; họ không tán thành trận đánh nên chỉ thừa hành mệnh lệnh mà không hề nghĩ đến việc khích lệ quân sĩ. Nhưng quân sĩ không phải vì thế mà không ra trận một cách vui vẻ như thường lệ khi người ta lên hỏa tuyến và nhất là đi tấn, công quân địch. Nhưng hành quân được một giờ trong sương mù thì đại bộ phận các đạo quân phải dừng lại. Một cảm giác khó chịu, nặng nề truyền đi như thế nào thì khó lòng mà xác định được, nhưng điều chắc chắn là có truyền đi một cách chính xác và nhanh chóng lạ thường, không biết từ lúc nào, không sao ngăn nổi, như nước tràn xuống rãnh. Nếu quân đội Nga chỉ có một mình, không có quân đồng minh, thì có lẽ ấn tượng ấy phải là hồi lâu mới có thể thành ra một điều chắc chắn, phổ biến được; Nhưng cơ sự đã như thế này thì người ta đổ tội một cách hết sức khoái trá và tự nhiên cho “bọn Đức ngu xuẩn”, và mọi người đều thấy rõ là đang diễn ra một tình trạng rối ren bát nháo do bọn “ngốn xúc xích” [79] gây nên. - Thế nào? Sao lại đứng há? Đường nghẽn à? Hay là vấp phải quân Pháp rồi? - Không phải thế, nếu thế chúng đã bắn, đằng này mãi chẳng nghe thấy gì. - Thế mà cứ giục cuống lên bắt xuất phát; xuất phát rồi thì lại vô cớ cố chôn chân giữa đồng! Chỉ tại những thằng Đức chết tiệt ấy làm rối hết cả lại. Rõ ngu như lợn ấy! - Nếu phải tay tớ thì tớ bắt chúng nó đi lên trước, chứ đâu lại rúc cả ở đằng sau. Còn chúng mình thì đứng mốc ở đây trong bụng chẳng có hột nào. - Này, thế nào đấy, sắp xong chưa thế hả? Nghe nói kỵ binh làm nghẽn mất đường phải không? - một sĩ quan nói. - Chà cái bọn Đức chết tiệt! Đến đất nước của chúng, chúng cũng không biết nữa. - một người khác nói. Một sĩ quan phụ tá cưỡi ngựa đến và kêu lên: - Sư đoàn nào thế này? - Sư đoàn mười tám. - Thế các cậu làm gì ở đây? Đáng lẽ các cậu phải đi lên đầu từ lâu rồi; Bây giờ thì đến tối chưa chắc đã qua được! - Lệnh với liếc như cứt ấy! Chính họ cũng không biết họ đang làm gì nữa. - viên sĩ quan lúc này vừa nói vừa thúc ngựa bỏ đi. Một viên tướng tiếp tục đến và bực mình quát lên một câu nói gì bằng tiếng ngoại quốc rồi đi thẳng. Một người lính nhại viên tướng nói: - Ta - pha, ta - pha, hắn hót gì thế? Chẳng ai hiểu đếch gì cả Những đồ vô lại ấy, phải tay tớ thì tớ đem bắn hết! - Phải bố trí xong trước chín giờ mà bây giờ thì chưa đi được hết nửa đường!… Mệnh với lệnh! Và khí thế hăng hái của quân lính khi mới xuất phát bắt đầu chuyển thành lòng căm giận và thù oán đối với những cách điều quân ngu xuẩn và đối với quân Đức. Sở dĩ tình hình rối loạn như vậy là vì trong khi kỵ binh Áo đang di chuyển ở cánh phải, bộ tư lệnh tối cao nhận thấy trung quân của ta xa hữu quân ta quá, bèn ra lệnh cho kỵ binh Áo phải chuyển sang cánh phải Vì vậy bộ binh phải chờ cho làn sóng mấy nghìn người ngựa đi qua hết mới tiến lên được. Phía trước lại xảy ra một vụ xung đột giữa một viên tướng Nga với một viên hướng đạo Áo. Viên tướng quát tháo, bắt phải hãm kỵ binh lại; người Áo thì cãi rằng lỗi không phải ở y mà là ở bộ tư lệnh tối cao. Trong lúc ấy, quân sĩ phải đứng đợi mãi, đâm ra sốt ruột và ngã lòng. Một giờ sau, họ mới tiếp tục đi được và kéo xuống núi. Sương mù đã tản bớt trên núi lại dồn xuống càng dày đặc hơn ở những chỗ trũng nơi quân đội kéo xuống. Một hai tiếng súng vang lên ở phía trước, trong sương mù, vài tiếng nữa tiếp theo, trước còn không đều: “trat - ta… trát…” nhưng về sau nghe mỗi lúc một thêm đều đặn và dồn dập, và một trận đánh đã diễn ra trên bờ sông Grlobakh. Vì không ngờ gặp địch ngay ở đây, phải chạm trán với chúng đột ngột trong sương mù mà không hề được nghe một lời khuyến khích của các vị tư lệnh, vì đinh ninh rằng mình đã quá muộn, và nhất là vì không thể trông thấy gì trước mắt và chung quanh, quân Nga chỉ bắn lại một cách chậm chạp, uể oải. Họ tiến lên, rồi dừng lại một lần nữa chẳng hề nhận được một mệnh lệnh nào của các tướng và sĩ quan phụ tá cho kịp thời vì những người này còn đang lang thang trong sương mù, trên trận địa lạ, tìm mãi không ra đơn vị của mình. Đạo quân thứ nhất, thứ nhì và thứ ba đã bắt đầu tác chiến như vậy, họ đều đã rời cao nguyên Pratxen xuống hết phía dưới chỉ còn có đạo quân thứ tư do chính Kutuzov chỉ huy còn đóng lại trên ấy. Ở các thung lũng thấp, nơi mà chiến sự đã bắt đầu, sương mù còn dày đặc: còn trên cao thì trời đã quang dần, nhưng vẫn chưa thấy rõ phía trước mặt. Đại quân của địch còn ở cách đấy mười dặm như ta dự đoán, hay trái lại đang đợi ta sau màn sương mù này? Trước chín giờ chẳng ai biết đích xác là thế nào cả. Đến chín giờ, một biển sương mù đặc sệt còn phủ kín những thung lũng thấp, nhưng ở làng Slapanitx trên cái cao điểm mà Napoléon đang đứng trước các nguyên soái thì sương đã tan hết. Trên đầu Napoléon là bầu trời xanh trong, và mặt trời như một cái phao khổng lồ, đỏ thắm, nổi lềnh bềnh nhìn ra một biển sữa. Không những toàn thể quân Pháp mà ngay cả đích thân Napoléon cùng bộ tham mưu đều không ở bên kia các khe suối và ao đầm Xokolniki là nơi quân ta định bố trí và giao chiến, mà chính là đang ở bên này, ngay cạnh quân ta, gần đến nỗi nhìn bằng mắt trần. Napoléon cũng phân biệt được bộ binh với một kỵ binh. Hoàng đế Pháp cưỡi một con ngựa A rập nhỏ, màu xám, một cái áo ca-pốt xanh thẫm vẫn mặc trong chiến tranh ở Ý và đứng ở phía trước hàng ngũ cách nguyên soái một quãng. Napoléon lặng lẽ ngắm các ngọn đồi như đang nổi dần lên trên biển sương. Trên các ngọn đồi ấy, xa xa có thể thấy các đoàn quân Nga đang chuyển đi, lắng tai nghe tiếng súng nổ dưới thung lũng. Trên khuôn mặt dạo ấy hãy còn gầy của Napoléon, không một thớ thịt nào cử động, đôi mắt sáng quắc đăm đăm nhìn về một điểm. Những dự đoán của Napoléon đều đúng; một phần quân Nga đã vào sâu trong hẻm núi, tiến về phía đầm lầy, phần còn lại đang chuẩn bị rời khỏi cao nguyên Pratxen mà Napoléon dự định tấn công và coi là điểm mấu chốt của trận địa. Qua sương mù, Napoléon thấy các đạo quân Nga ùn tới đi mãi về một phía, lưỡi lê tuốt trần lấp lánh ở đầu nòng súng, hết đạo này đến đạo khác mất hút trong biển sương mù tụ lại ở đáy các thung lũng giữa hai ngọn núi, gần làng Pratxen. Căn cứ vào những tin tức nhận được tối qua, vào tiếng chân ngựa kéo đi, vào tiếng bánh xe chuyển mà các điền đồn nghe được suốt đêm, và tình hình chuyển quân lộn xộn của bên địch, Napoléon biết rõ rằng đúng như ông đã dự đoán, quân đồng minh tưởng quân Pháp đã đi xa, rằng các đạo quân đang di chuyển gần Pratxen là trung quân của Nga, và đạo quân trung tâm ấy đã đủ suy yếu nhiều nên có thể đánh tan ngay được. Nhưng Napoléon vẫn chưa ra lệnh khởi chiến. Ngày hôm sau là một ngày long trọng của Napoléon, ngày kỷ niệm lễ lên ngôi. Gần sáng ông ta đã ngủ được vài giờ nên rất khỏe khoắn, tươi tỉnh. Với cái tinh thần sảng khoái vẫn khiến người ta tin rằng việc gì cũng có thể thực hiện được và làm gì cũng thành công. Napoléon cưỡi ngựa ra chiến trường. Ông đứng yên, nhìn về phía các đỉnh núi đang hiện dần khỏi màn sương, khuôn mặt lạnh lùng phản chiếu một niềm tin và thích thú, niềm vui sướng của một cậu thiếu niên khi thấy tình yêu được đền đáp. Các nguyên soái đứng sau lưng không dám làm Hoàng đế sao nhãng mất sức chú ý. Napoléon hết nhìn về phía cao nguyên Pratxen lại nhìn vầng thái dương hiện rõ dần trên màn sương. Khi mặt trời đã ló hẳn ra khỏi đám sương mù, chiếu ánh sáng chói lọi xuống cánh đồng và làn sương ở phía dưới, Napoléon tựa hồ như chỉ chờ có lúc ấy để khởi công, liền tháo chiếc găng trên bàn tay trắng đẹp vẫy chiếc găng một cái ra hiệu cho các nguyên soái, và hạ lệnh khởi chiến. Các nguyên soái và sĩ quan phụ tá của họ phi ngựa tỏa ra bốn phía, vài phút sau, quân chủ lực của Pháp xông nhanh lên cao nguyên Pratxen mà quân Nga đang rời bỏ dần để kéo xuống hẻm núi phía bên trái.
Chương 14 Lúc tám giờ, Kutuzov lên ngựa đến Pratxen, dẫn đầu đạo quân thứ tư do Miloradovich chỉ huy và Langeron lúc bấy giờ đã xuống núi. Kutuzov chào binh sĩ của trung đoàn đi đầu rồi ra lệnh tiến quân, và như thế là để tỏ cho quân sĩ biết rằng ông có ý định thân hành chỉ huy đạo quân này ra trận. Đến là Pratxen, Kutuzov dừng lại. Công tước Andrey cũng ở trong hàng tuỳ tòng đông đúc của Kutuzov, lúc bấy giờ đang đứng sau lưng ông. Chàng có cái cảm giác khích động hưng phấn, nhưng đồng thời bình tĩnh, dè dặt của một con người thấy cái phút bấy lâu nay chờ đợi nay đã đến. Chàng tin chắc rằng cái giờ chiến thắng Toulon ( Một tỉnh miền nam nước Pháp) hay cầu Arcole của chàng đã điểm. Chàng không biết việc gì xảy ra như thế nào, nhưng không hề có chút hồ nghi rằng việc đó sẽ xảy ra. Chàng biết rõ địa thế và vị trí của các đạo quân của ta không kém người nào trong số tướng tá. Cái kế hoạch chiến lược riêng của chàng thì chàng đã quên khuấy đi rồi, bây giờ kế hoạch ấy dĩ nhiên không thể thực hiện được nữa. Bây giờ chàng theo kế hoạch của Vairother mà suy nghĩ đến những trường hợp ngẫu nhiên có thể xảy ra trên chiến trường, tưởng tượng ra những hoàn cảnh đòi hỏi chàng vận dụng cái khả năng nhận định tình thế và quyết định hành động một cách nhanh chóng của chàng. Ở dưới thung lũng, về phía bên trái, trong sương mù có tiếng súng bắn qua lại giữa những đạo quân mà chẳng ai trông thấy. Andrey tưởng tượng rằng trận đánh sẽ hiện ra và “người ta sẽ cử mình đem một đại đoàn hay một sư đoàn đến, mình giương cao lá cờ lao vào trận địa địch, đi đến đâu quét sạch đến đấy”. Công tước Andrey không thể không xúc động khi nhìn lá quân kỳ của các tiểu đoàn kéo qua trước mặt. Mỗi lần như vậy, chàng lại tự nhủ: “Có thể đấy chính là lá cờ mà mình sẽ cầm trong tay khi dẫn đầu ba quân tiến lên”. Sương mù ban đêm chỉ còn để lại trên những chỗ cao một lớp sương giá loãnng dần thành sương móc, nhưng các chỗ trũng vẫn bị sương mù bao phủ như một biển sữa trắng đục. Trong hẻm núi phía tay trái, là nơi mà quân ta đang kéo xuống và có tiếng súng trường nổ đì đùng, tuyệt nhiên không nhìn thấy gì cả. Trên các cao điểm, bầu trời quang đãng nhưng xanh sẫm; phía tay phải, mặt trời đã ló ra như một quả cầu lớn. Xa xa về phía trước ở bờ bên kia của biển sương nổi lên những ngọn đồi có rừng cây rậm rạp; chắc đó là nơi quân địch đóng, và có thể thấy thấp thoáng những vật gì không rõ. Bên tay phải, đội cận vệ đang tiến vào vùng sương mù, trong tiếng bánh xe lăn, tiếng vó ngựa và trong ánh thép của lưỡi lê tuốt trần chốc chốc lại ánh lên loang loáng. Bên lay trái, phía sau làng, từng đoàn kỵ binh dày đặc đang tiến đến gần rồi mất hút trong màn sương mù. Trước mặt và sau lưng đều có những đạo bộ binh đang tiến đến. Viên tổng tư lệnh đứng gác ở cổng làng trông cho các đạo quân đi qua. Sáng hôm sau, Kutuzov có vẻ rất mệt và cáu kỉnh. Bộ binh đang đi bỗng dừng lại mặc dầu không có lệnh bảo dừng, hình như bị một trở ngại gì cản đường. Kutuzov liền tức giận bảo viên tướng chỉ huy lúc ấy đang phóng ngựa đến: - Còn chờ gì mà không họp các tiểu đoàn lại thành hàng và cho đi vòng ra sau làng? - Thưa ngài, ấy xin lỗi, thưa tướng quân, chẳng lẽ tướng quân lại không hiểu rằng đang tấn công địch mà lại kéo dài quân đội ra dọc con đường làng như thế này là thất sách hay sao? - Bẩm, xin đại nhân tha lỗi, chúng tôi định tập hợp quân lại ở đầu kia làng - viên tướng đáp. - Thật đấy à? Ngài muốn dàn quân ra ngay trước mặt quân địch à? Thế thì đẹp thật! - Kutuzov đáp với một tiếng cười gằn chua chát. - Bẩm Đại nhân, quân địch còn xa, bản kế hoạch đã dịch… - Bản kế hoạch! Kutuzov phát khùng gắt lên. - Ai bảo ngài thế? Xin ngài cứ làm theo mệnh lệnh. - Xin tuân lệnh. Nexvitxki liền rỉ tai công tước Andrey: - Này anh. Ông lão đang gắt như chó ấy! Lúc ấy một sĩ quan Áo, nhung phục trắng tinh, trên mũ phất phơ một cái ngù lông màu lục, tiến đến gần và truyền lời của hoàng đế hỏi Kutuzov xem đạo quân thứ tư đã chiếm lĩnh trận địa hay chưa. Không đáp, Kutuzov ngoảnh mặt đi và tình cờ nhìn thấy công tước Andrey. Gương mặt của ông ta dịu lại và bớt vẻ chua chát, dường như ông không hiểu ra rằng viên sĩ quan phụ tá của mình không can dự gì đến những sự việc ngu xuẩn đang diễn ra cả. Vẫn không thèm để ý đến viên sĩ quan Áo, Kutuzov bảo Bolkonxki. - Này, anh đi xem thử sư đoàn ba đã ra khỏi làng chưa. Bảo họ đưng lại, chờ lệnh ta. Công tước Andrey vừa thúc ngựa đi thì Kutuzov ngắn lại dặn thêm: - Và hỏi xem là quân xạ kích đã bố trí chưa? - Rồi ông ta lại lầu bầu: Họ làm ăn thế này! Làm ăn thế này! - và vẫn không hề để ý đến viên sỹ quan Áo. Công tước Andrey phi ngựa đi làm nhiệm vụ. Khi đã vượt qua các tiểu đoàn đang tiến về phía trước, chàng ngăn sư đoàn ba lại và nhận thấy đúng là họ chưa bố trí một hàng xạ kích nào trước mặt quân ta cả. Viên đại tá chỉ huy trung đoàn đi đầu rất ngạc nhiên về cái lệnh do công tước Andrey mang đến: Ông ta vẫn đinh ninh rằng trước mặt còn có nhiều đơn vị khác và quân địch thì còn cách xa đến mười dặm là ít. Sự thật thì trước mặt chỉ thấy bao ta đồng không mông quạnh, mặt đất thấp dần xuống và mất hút trong sương mù dày đặc. Sau khi thay mặt tổng chỉ huy ra lệnh bổ khuyết ngay điều sơ suất đã mắc phải, công tước Andrey quay trở về. Kutuzov vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, cái thân hình già nua buông trĩu xuống lưng ngựa, nhắm mắt ngáp dài. Quân sĩ thì không tiến lên nữa mà đứng yên tại chỗ hạ súng xuống đất. - Được được - Kutuzov nói với công tước Andrey đoạn quay sang một viên quay lại vừa ngáp vừa nói: - Được được còn kịp chán. Quan lớn ạ, còn kịp chán. Vừa lúc ấy thì đằng sau có tiếng hô chào văng vẳng từ xa rồi lan lại gần rất nhanh, tỏ ra rằng nhân vật được nghênh tiếp đó đi rất nhanh dọc các đạo quân đang tiến. Khi đến lượt trung đoàn lên Kutuzov đứng cũng hô lên thì viên tổng tư lệnh dịch sang bên cạnh một tí, cau mặt ngoái lại nhìn phía sau. Cả một đại đội người ngựa ăn mặc nhiều kiểu khác nhau từ Pratxent tiến lại. Đi đầu là hai người cưỡi ngựa sánh vai nhau phi nước đại. Một người nhung phục đen, ngù lông trắng, cưỡng ngựa hồng lai Anh; người kia nhung phục trắng, cưỡi ngựa ô đen nhánh. Đó là hai vị hoàng đế và đoàn hộ giá. Kutuzov lấy dáng diệu trịnh trọng của một người lính già đứng trong hàng ngũ hô: “Nghiêm!” rồi vừa chào vừa lại gần hoàng thượng. Dáng dấp và phong thái của ông ta phút chốc thay đổi hẳn: ông làm ra cái vẻ mình chỉ là một người thuộc hạ, không biết gì mà bàn cãi. Với một vẻ cung kính kiểu cách ông ta tiến đến hoàng đế. Cái vẻ trịnh trọng thái quá ấy dường như làm cho hoàng đế khó chịu; nhưng ấn tượng khó chịu ấy chỉ thoáng qua trên gương mặt trẻ trung tươi sáng của hoàng đế như một tí sương mù còn sót lại trên bầu trời quang đãng. Vì hoàng đế vừa bị mệt, nên hôm ấy hơi gầy so với hôm duyệt binh ở Olmuytx mà Bolkonxki trông thấy lần đầu từ khi ở ngoại quốc về; nhưng đôi mắt xám đẹp vẫn là vẻ thanh xuân trong trắng và hiền hậu. Trong cuộc duyệt binh ở Olmuytx hoàng đế có vẻ oai nghiêm hơn, còn ở đây ngài lại có vẻ hân hoan và cương quyết hơn. Sau mấy dặm đường phi ngựa, sắc mặt hoàng đế hồng hào hẳn lên. Ngài dừng ngựa và quay lại nhìn các nhân vật trong đám hộ giá mặt cũng đều trẻ trung và linh hoạt như ngài cả. Họ tươi cười nói chuyện với nhau; Tsartonxki và Xiroganov, và nhiều người nữa, đều trẻ trung, vui vẻ và ăn mặc sang trọng cưỡi những con ngựa đẹp và hăng, lông đánh bóng mượt chỉ hơi xâm xấp mồ hôi. Họ kìm ngựa lại cách hoàng đế mấy bước. Hoàng đế Frantx cũng trẻ tuổi, khuôn mặt dài, nước da đỏ dắn, ngồi rất thẳng trên mình con ngựa giống sắc ô đen nhánh, thong thả đưa mắt nhìn quanh, vẻ ưu tư. Hoàng đế gọi một sĩ quan phụ ta mặc toàn màu trắng đến hỏi. Công tước Andrey nhìn người quen dạo nọ tự nhủ: “Chắc là hoàng đế hỏi họ ra đi lúc mấy giờ” và nhớ lại cuộc bệ kiến ở Viên dạo trước, chàng không khỏi mỉm cười. Đoàn hộ giá của hai, vị hoàng đế gồm toàn những sĩ quan phụ tá ưu tú: Nga và Áo, chọn lựa trong các binh đoàn cận vệ và quân đã chiến. Các mã quan thì cầm cương dắt theo con ngựa nhà vua mình phủ những tấm chăn thêu lộng lẫy. Tựa hồ như làn không khí mát mẻ từ nơi đồng nội tràn qua khung cửa sổ mở rộng lùa vào một căn buồng oi bức, đoàn thanh niên kỵ mã choáng lộn ấy thổi vào bộ tham mưu ảm đạm của Kutuzov một làn không khí trẻ trung, cương nghị, một lòng tin tưởng vững chắc thắng lợi. - Thế nào, ông Mikhai Larionovich, ngài vẫn chưa xuất quân à? - Hoàng đế Alekxandr vội vàng hỏi Kutuzov đồng thời đưa mắt nhìn hoàng đế Frantx một cách lễ độ. Kutuzov kính cẩn cúi đầu đáp: - Tâu hoàng thượng, chúng tôi đang chờ. Alekxandr hơi cau mày, nghiêng tai một bên để tỏ ra rằng mình không nghe rõ. - Tâu hoàng thượng, chúng tôi đang đợi. Các đạo quân tập trung chưa xong - Kutuzov nhắc lại. Công tước Andrey nhận thấy môi trên của ông run run một cách không bình thường trong khi nói mấy chữ “đang đợi”. Lần này, hoàng đế đã nghe ra, nhưng câu trả lời hình như không vừa ý ngài: nhún đôi vai hơi gù, hoàng đế liếc nhìn Novoxiltxev bấy giờ đang đứng cạnh như để phàn nàn về Kutuzov: - Nhưng ông Mikhai Larionovich, có phải chúng ta đang ở trên quảng trường Txritxyn đâu mà chờ đợi cho các trung đoàn đến đủ mới bắt đầu diễn binh. Alekxandr lại nhìn Frantx như để mời hoàng đế Áo nếu không dự vào câu chuyện thì cũng chú ý nghe; nhưng hoàng đế Frantx cứ đưa mắt nhìn quanh, không chú ý nghe gì cả. - Tâu hoàng thượng, - Kutuzov đáp, giọng vang lên sang sảng như để đề phòng trường hợp không nghe rõ, và trên gương mặt lại có một cái gì rung lên, - Sở dĩ tôi chưa bắt đầu chính vì đây không phải là một cuộc duyệt binh, mà đây cũng không phải là quảng trường Txaritxyn. - Ông phát âm rõ ràng và tách bạch. Các sĩ quan hộ giá liền đưa mắt nhìn nhau, tỏ vẻ bất bình và trách cứ, và vẻ mặt họ đều biểu lộ một ý nghĩ: “Già thì già, chứ ông ta không được nói như vậy, quyết không được ăn nói như vậy với hoàng thượng”. Alekxandr chăm chú nhìn vào mặt Kutuzov chờ xem ông ta có còn nói gì nữa không, nhưng Kutuzov vẫn cung kính cúi đầu hình như cũng chờ một câu đáp lại, im lặng kéo dài gần một phút. Sau cùng Kutuzov ngẩng đầu lên và trở lại với cái giọng một quân nhân già u mê chỉ biết vâng lệnh không bàn cãi, ông ta nói: - Nhưng, nếu hoàng thượng ra lệnh… Rồi thúc ngựa. Ông ta cho gọi viên tướng chỉ huy đạo quân là Miloradovich đến và truyền lệnh tấn công. Quân sĩ lại chuyển đi: hai tiểu đoàn của trung đoàn Novgorod điều qua trước mặt hoàng đế, tiếp theo là một tiểu đoàn của trung đoàn Aptseron. Khi trung đoàn này đi qua thì Miloradovich, mặt đỏ bừng, không khoác áo dài phủ nhung phục lóng lánh những huân chương, cái mũ hai góc có ngù lông to tướng hiên ngang đội lệch bên mang tai, phóng như tên bay đến trước hoàng đế, kìm ngựa lại, đang rộng tay ra chào. - Cầu trời phù hộ cho tướng quân! - Alekxandr nói. - Thật tình, tâu hoàng thượng, chúng tôi sẽ làm những cái gì ở trong khả năng của chúng tôi, tâu hoàng thượng! - Câu trả lời rất vui vẻ hồn nhiên, nhưng cũng không khỏi làm cho các nhân vật trong đoàn hộ giá mỉm cười chế giễu cái tiếng Pháp quá tồi của ông ta. Miloradovich thúc ngựa quay phắt lại và lùi về đứng sau Alekxandr mấy bước. Sự có mặt của hoàng đế làm cho tiểu đoàn Aptseron phấn chấn, họ hùng dũng bước đều diễu qua hai vị hoàng đế và đoàn tuỳ giá. Tiếng súng bắn ở phía trước, giờ giáp trận sắp đến, vẻ hiên ngang cả đoàn quân đã từng do ông ta chỉ huy trong các chiến dịch của Xuvorov khích động đến nỗi quên mất là có hoàng đế lồng lên. Con ngựa ấy, Alekxandr trước đây vẫn thường cưỡi những khi duyệt binh ở Nga, nay lại cưỡi ngựa ra chiến trường, cũng như mọi khi, nó phải chịu những phát cựa giày của hoàng đế đứng đấy; ông ta thét lên: - Tiến lên, anh em! Lần này chẳng phải là lần đầu chúng ta lập công! - Xin hết lòng! - Quân sĩ hô to đáp lại. Tiếng hò reo bất ngờ làm cho con ngựa của hoàng đế lồng lên. Nghe tiếng súng nó vểnh tai lên hệt như nó ở trên quảng trường Chiến thần, tuyệt nhiên không hiểu ý nghĩa của những tiếng súng ấy, cũng chẳng hiểu ý nghĩa của việc nó đang đứng cạnh con ngựa giống đen nhánh của hoàng đế Frantx, cũng như của tất cả những điều mà chủ nó nói năng và cảm nghĩ trong ngày hôm ấy. Alekxandr quay về phía một cận thần, mỉm cười chỉ các dũng sĩ của tiểu đoàn Aptseron và nói với người ấy một câu gì không rõ. Chương 15 Kutuzov cùng các sĩ quan phụ tá cho ngựa đi bước một theo đội xạ thủ. Đi được nửa dặm ở phía cuối đoàn quân, ông dừng ngựa lại cạnh một ngôi nhà trơ trọi bỏ hoang ở một ngã ba đường, có lẽ trước kia là một quán rượu. Cả hai nẻo đường đều dẫn xuống núi và trên cả hai đều có quân lính kéo đi. Sương mù bắt đầu tan, và cách chừng hai dặm Nga đã thấy thấp thoáng những đội quân địch bố trí trên những ngọn đồi phía trước mặt. Ở phía dưới, về phía trái, tiếng súng nổ nghe đã rõ hơn. Kutuzov dừng lại, nói chuyện với vị tướng Áo. Công tước Andrey đứng cách hai người một quãng ngắn ở phía sau đưa mắt nhìn hai người. Chàng hỏi mượn chiếc kính viễn vọng của viên quan phụ tá. - Ông xem kìa, ông xem kìa - viên quan phụ tá nói. Bấy giờ mắt ông ta không nhìn về phía các đội quân Pháp ở xa mà lại nhìn xuống phía dưới núi ngay trước mặt - Quân Pháp kia rồi. Hai vị tướng và các sĩ quan phụ tá bắt đầu chuyền tay nhau chiếc vọng kính. Gương mặt của họ đều đột nhiên biến sắc, lộ vẻ kinh hoảng. Người ta tưởng quân Pháp còn cách ta những hai dặm, thế mà đùng một cái chúng đã ở trước mặt. Chung quanh có tiếng xôn xao. - Quân địch đấy à? Không phải… Đúng rồi mà, cứ nhìn kỹ mà xem đúng nó đấy… chắc chắn như thế… Làm sao thế nhỉ? Chỉ bằng mắt thường công tước Andrey cũng trông thấy ở phía dưới, bên tay phải, một đội quân Pháp đông đặc đang leo núi, đón đầu tiểu đoàn Aptseron, cách chỗ Kutuzov đứng không quá trăm bước. “Đây cái phút quyết liệt mà ta hằng mong đợi đã đến! Đã đến lúc ta hành động” - công tước Andrey nghĩ. Rồi chàng quất ngựa lại gần Kutuzov nói to: - Thưa, tướng quân, cần phải chặn tiểu đoàn Aptseron lại! - Nhưng vừa lúc ấy mọi vật bỗng phủ khói mịt mù, một loạt súng trường nổ rất gần, và một giọng người hoảng hốt mà ngây dại cách công tước Andrey hai bước kêu to: “Thôi bỏ mẹ rồi, anh em ơi!” Tiếng kêu đó dường như là một mệnh lệnh: Nghe thấy, mọi người đều ùa nhau bỏ chạy. Những đám người hỗn độn mỗi lúc một đông chạy dật lùi về chỗ mà năm phút trước đây các quân đoàn vừa diễu qua trước mặt hai vị hoàng đế. Lúc này ngăn đám người này lại là một việc rất khó đã đành, nhưng hơn nữa cũng không thể nào không bị đám đông dồn về phía sau. Bolkonxki chỉ cố sao đừng bị tụt lại sau. Chàng ngơ ngác nhìn quanh, không tài nào hiểu nổi cái việc đang diễn ra trước mặt. Nexvitxki vẻ giận dữ đỏ mặt tía tai trông không còn nhận ra nữa, thét lớn bảo Kutuzov rằng nếu ông ta không lánh đi nơi khác ngay thì chắc chắn sẽ bị bắt làm tù binh. Kutuzov vẫn đứng nguyên chỗ cũ, lặng thinh không đáp, rút trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa. Trên má ông có một dòng máu rỉ xuống. Công tước Andrey cố len lại gần Kutuzov. - Thưa Đại nhân, ngài bị thương ạ? - Mặc dầu công tước Andrey cố sức trấn ũnh, hàm dưới của chàng vẫn cứ run run. Kutuzov áp chiếc mùi xoa lên má và trỏ đám quân đang bỏ chạy nói: - Vết thương không phải ở đây mà ở đấy kia. Ông quát: - Ngăn chúng nó lại! Và đồng thời là vì thấy rõ ràng không thể nào ngăn chặn họ lại được, ông thúc ngựa đi sang bên phải. Một đám loạn quân vừa chạy vừa ùn đến bao quanh lấy Kutuzov và dồn ông về phía sau. Quân lính chạy trốn thành một đám người dày dặc đến nỗi một khi đã lọt vào giữa đám này thì khó lòng mà len ra ngoài được nữa. Có người quát: “Đi đi! Sao lại ỳ ra đấy hả!”; có người quay lại bắn chỉ thiên; có người thúc con ngựa của chính Kutuzov cưỡi. Kutuzov chật vật lắm mới len được qua dòng người mà thoát sang phía trái. Cùng với toán sĩ quan tuỳ tùng bấy giờ chỉ còn bằng một nửa lúc nãy, ông giục ngựa tiến về phía có tiếng đại bác nổ gần. Lách ra khỏi toán quân lính đang chạy, công tước Andrey cố bám sát theo Kutuzov. Chàng thấy bên sườn núi, trong đám khói, có một đội pháo Nga hãy còn bắn và quân Pháp đang chạy lại phía ấy. Cao hơn một chút, bộ đội Nga cứ đứng yên, không tiến về phía trước - để tiếp viện cho đội pháo binh, mà cũng không lùi về phía sau - về phía những toán quân lính đang bỏ chạy. Viên tướng cưỡi ngựa tách ra khỏi đội bộ binh và tiến lại phía Kutuzov. Trong số sĩ quan đi theo Kutuzov chỉ còn lại có bốn người. Ai nấy sắc mặt đều tái xanh và im lặng đưa mắt nhìn nhau. - Ngăn bọn khốn kiếp ấy lại! - Kutuzov vừa thở hổn hển vừa chỉ những toán lính bỏ chạy nói với viên trung đoàn trưởng; nhưng ngay lúc ấy, dường như để trừng phạt Kutuzov về tội đã nói mấy tiếng này, một làn đạn nhắm thẳng vào trung đoàn và toán sĩ quan đi với Kutuzov, tiếng đạn líu rít như tiếng một đàn chim. Quân Pháp bấy giờ đang tấn công đội pháo, trông thấy Kutuzov liền nã súng bắn vào ông. Vừa dứt loạt súng, viên trung đoàn trưởng liền giơ tay ôm lấy chân; mấy người lính ngã xuống, và viên chuẩn uý cầm cờ bỗng buông cán cờ ra: ngọn cờ lảo đảo rồi đổ xuống, vưởng vào súng trường của mây người lính đứng cạnh. Mặc dầu chưa có lệnh, quân lính cũng bắt đầu nổ súng bắn trả ồ ồ! Kutuzov rên rỉ, vẻ tuyệt vọng. Ông quay lại nói, giọng thì thào và run rẩy vì nhận rõ cánh già nua yếu duối của mình. - Bolkonxki, - Kutuzov trỏ tiểu đoàn quân lính tán loạn và trỏ vào quân địch, - Bolkonxki làm sao thế kia? Nhưng ông chưa nói hết câu, công tước Andrey bấy giờ đang cảm thấy những giọt nước mắt hổ thẹn và căm tức nghẹn ngào trong cổ đã nhảy phắt xuống ngựa và chạy về phía lá cờ. - Anh em tiến lên! - chàng thét, giọng thé lên như trẻ con. “Đã đến lúc rồi đây!” - Công tước Andrey nghĩ, trong khi nắm cán cờ, tai khoái trá nghe tiếng đạn bay líu ríu, hẳn là những viên đạn nhắm thẳng về phía chàng. Mấy người lính ngã xuống. - Ura - công tước Andrey thét. Chàng chật vật lắm mới giữ được ngọn cờ nặng trĩu trong tay và chạy về phía trước, lòng tin chắc rằng cả tiểu đoàn sẽ chạy theo chàng. Quả nhiên, chàng chỉ phải chạy một mình có mấy bước. Một người lính, một người nữa, rồi cả, tiểu đoàn vừa hô “Ura!” vừa chạy lên, vượt lên trước chàng. Một viên hạ sĩ quan của tiểu đoàn chạy lại cầm ngọn cờ đang lảo đảo trong tay công tước Andrey vì nặng quá, nhưng lập tức bị trúng đạn ngã xuống. Công tước Andrey lại cầm lấy cán cờ chạy theo tiểu đoàn. Phía trước mặt, chàng trông thấy đội pháo binh của ta, trong số đó có người đang chiến đấu, có người đã bỏ pháo chạy lại phía công tước Andrey, chàng thấy cả những toán bộ binh của Pháp đang bắt lấy mấy con ngựa kéo pháo và đang quay súng ngược trở lại. Công tước Andrey với tiểu đoàn chỉ còn cách mấy khẩu pháo có vài bước. Chàng nghe tiếng đạn vèo vèo không ngớt trên đầu. Bên phải, bên trái chàng, luôn luôn có tiếng kêu của những người lính bị trúng đạn ngã xuống. Nhưng chàng không nhìn họ, chàng chỉ chăm chú nhìn những sự việc xảy ra trước mắt chàng trên trận địa. Chàng thấy rõ bóng dáng của người pháo binh tóc hoe mũ lưỡi trai đội lệch một bên đang giật cái gậy thông nòng về phía mình, trong khi một người lính Pháp cố gắng lấy cái gậy đó. Công tước Andrey đã trông rõ cả vẻ mặt hoảng hốt và giận dữ của hai người. Có lẽ họ cũng không hiểu mình đang làm gì nữa. Công tước Andrey nhìn họ nghĩ thầm: “Họ làm gì thế? Tại sao ông pháo binh tóc hoe kia không chạy đi, anh ta có còn vũ khí gì đâu? Tại sao tên lính Pháp không đâm anh ta? Rồi anh ta chưa kịp chạy tên lính Pháp đã sực nhớ đến khẩu súng và sẽ đâm anh ta chết mất”. Quả nhiên, một người lính Pháp khác, súng cầm ngang, chạy lại phía người đang giằng co. Số phận của người pháo binh tóc hoe sắp được định đoạt, - lúc bấy giờ anh ta chưa biết cái gì đang chờ đợi mình và đang hoa cái gậy thông nòng một cách đắc thắng. Nhưng công tước Andrey không biết được đoạn kết. Chàng có cảm giác như một trong những người lính ở sát gần chàng và hết sức giáng gậy đánh vào đầu chàng. Chàng thấy hơi đau, nhưng cái chính là chàng bực mình vì cảm giác đau làm cho chàng mất chú ý và không xem tiếp được cái cảnh mà chàng đang nhìn. “Cái gì thế này? Mình ngã à? Chân mình cứ khuỵu xuống” - chàng nghĩ thầm, rơi ngã ngửa ra. Chàng mở mắt, mong thấy được cuộc vật lộn giữa quân Pháp và đội pháo binh, chàng muốn biết người pháo binh tóc hoe có bị giết chết không, mấy khẩu pháo có cứu được không. Nhưng chàng chẳng thấy gì cả. Ở phía trên chàng lúc bấy giờ không còn gì hết, ngoài bầu trời - bầu trời cao, không quang đãng lắm, nhưng vẫn cao vòi vọi, với những đám mây xám chầm chậm lững lờ trôi qua. “Im lặng quá, yên tĩnh và trân trọng quá, hoàn toàn không giống những lúc ta đang chạy”, công tước Andrey nghĩ - không giống như khi chúng ta chạy, ta hét và bắn giết nhau, hoàn toàn không giống như khi người pháo binh và tên lính Pháp giằng co nhau chiếc gậy thông nòng, mặt mày giận dữ và hoảng sợ, những đám mây trôi trên bầu trời cao lộng mênh mông kia hoàn toàn không giống như thế. Làm sao trước đây ta lại không trông thấy cái bầu trời cao vòi vọi ấy? Sung sướng quá: bây giờ thế là ta đã biết nó. Phải, ngoài bầu trời vô tận kia ra, tất cả đều là vô nghĩa, đều là lừa dối. Không có gì hết. Nhưng ngay cả bầu trời cũng không có nữa, không có gì hết, ngoài sự im lặng, ngoài sự yên tĩnh. Đội ơn Chúa…”
Chương 16 Ở sườn phải, phía quân đoàn Bagration, đến chín giờ chiến sự vẫn chưa bắt đầu. Không muốn chấp nhận yêu sách của Dolgorukov đòi khởi chiến, và lại có ý muốn tránh trách nhiệm, công tước Bagration bàn với Dolgorukov cho người đi hỏi ý kiến quan tổng tư lệnh về việc này. Bagration biết rằng hai sườn quân cách nhau gần muời dặm Nga như thế này, nếu người được phái đi không bị thương vong (điều này rất có thể xẩy ra), và dù cho người đó có tìm được vị tổng tư lệnh đi chăng nữa - Việc này là rất khó, - Thì cũng không thể nào về trước khi trời tối. Bagration đưa đôi mắt to không nói lên cái gì hết và có vẻ thiếu ngủ nhìn toán sĩ quan tuỳ tùng và để ý ngay đến vẻ mặt trẻ con của Roxtov đang ngây ra vì xúc động và hy vọng. Bagration liền phái chàng đi. - Còn nếu tôi gặp Hoàng thượng trước khi gặp quan tổng tư lệnh thì thế nào ạ? - Roxtov nói, tay đặt lên lưỡi trai. - Anh có thể chuyển thư lên Hoàng thượng, - Dolgorukov cướp lời Bagration hối hả nói. Đêm qua, đến khi được đổi gác, Roxtov đã tranh thủ ngủ được mấy tiếng trước khi trời sáng. Chàng cảm thấy vui vẻ, gan dạ và quả cảm, thấy tay chân cử động rất dẻo dai, thấy lòng tin chắc vào vận may của mình, chàng đang ở trong cái tâm trạng khiến cho người ta thấy cái gì cũng nhẹ nhõm, vui tươi và dễ dàng. Sáng hôm nay mọi nguyện vọng của chàng đều được thực hiện: trận đại chiến đã mở đầu, chàng được tham gia trận đó, hơn nữa chàng lại được làm sĩ quan tuỳ tùng cho một vị tướng quả cảm nhất, ngoài ra chàng lại được cử đi gặp Kutuzov và có gặp cả Hoàng thượng nữa. Sáng hôm ấy trời quang đãng, con ngựa chàng cưỡi là một con tuấn mã. Tâm hồn chàng thấy vui tươi, sung sướng. Sau khi nhận lệnh chàng thúc ngựa phóng dọc theo tiền tuyến. Lúc đầu chàng đi men theo trận tuyến của quân đoàn Bagration bấy giờ chưa xung trận và hãy còn đứng yên một chỗ, rồi chàng đi vào trận địa của đội kỵ binh Uvarov bố trí. Ở đây chàng đã nhận thấy có những đội quân đi lại di chuyển và những dấu hiệu của một cuộc chuẩn bị xung trận. Vượt qua đội kỵ binh của Uvarov, chàng nghe rõ tiếng đại bác và tiếng súng trường ở phía trước mặt. Tiếng súng nổ mỗi lúc một thêm dữ dội. Trong không khí mát mẻ của buổi ban mai bấy giờ không phải chỉ có vài ba phát súng trường rồi một vài phát đại bác cách quãng như trước nữa; bấy giờ trên những sườn núi ở phía trước mặt Pratxen đã nghe tiếng súng trường nổ từng hồi chen với những tiếng đại bác liên tiếp, dồn dập đến nỗi đôi khi nó không tách rời ra từng tiếng một mà hòa lẫn với nhau thành một tiếng gầm vang dội. Có thể trông thấy khói súng trường như đang đuổi theo nhau chạy trên sườn núi, còn khói đại bác thì ùn ùn đọng thành từng dám lớn, tỏa rộng ra và hòa lẫn vào nhau. Có thể trông thấy những đoàn bộ binh dày đặc tiến lên, lưỡi lê lấp lánh trong đám khói súng, và những dãy pháo binh dài với những hòm đạn sơn màu lá cây. Roxtov cho ngựa dừng lại một lát trên một sườn đồi để xem xét sự việc đang xảy ra, nhưng tuy chàng cố sức chú ý mà vẫn không sao hiểu và phân biệt được những sự việc đang tiếp diễn: Trong đám khói có những người đang chuyển động, có những toán quân nào không rõ đang tiến tiến lùi lùi, nhưng để làm gì? Ai? Đi đâu? - Chàng không sao hiểu nổi. Cái quang cảnh này, những âm thanh này không những không gây nên trong lòng chàng một cảm giác nhụt chí hay e sợ, mà trái lại, lại khiến chàng có thêm nhuệ khí và quả cảm. “Nào, cứ nổ nữa đi! “ - Chàng thầm nhắn nhủ tiếng súng, rồi lại thúc ngựa phóng dọc trận tuyến, mỗi lúc một tiến sâu vào khu vực của những đoàn quân đã bắt đầu xung trận. Chàng nghĩ: “Ở đây sẽ ra sao thì không biết, nhưng thế nào mọi việc cũng sẽ tốt đẹp”. Sau khi vượt qua mấy đơn vị nào của quân Áo không rõ, Roxtov nhận thấy phần trận tuyến kế đến - (đó là quân cận vệ) và bắt đầu xung trận. “Càng tốt! Ta sẽ xem thật gần”, - Chàng nghĩ. Chàng đang cưỡi ngựa đi sát hỏa tuyến. Mấy người cưỡi ngựa phóng về phía chàng. Đó là những kỵ binh Ulan [80] của quân ta vừa đi xuất kích trở về, hàng ngũ loạn xạ, Roxtov phóng ngựa qua tình cờ nhận thấy một người máu me đầm đìa. Chàng vẫn tiếp tục cho ngựa tiến lên. “Điều đó không liên quan gì tới ta cả!” - chàng nghĩ. Roxtov vừa đi tiếp được vài trăm bước thì ở bên trái có đoàn kỵ binh cưỡi ngựa ô, mặc quân phục trắng sáng lấp lánh, hàng ngũ tỏa rộng che kín cả khoảng đồng đang phóng nước kiệu về phía chàng. Roxtov cho ngựa phi hết tốc lực để tránh đoàn kỵ binh và giá thử họ vẫn giữ tốc độ như cũ thì chàng đã tránh được rồi, nhưng họ tránh mỗi lúc một nhanh thêm, có mấy con ngựa đã bắt đầu chuyển sang nước đại Roxtov nghe tiếng vó ngựa và tiếng vũ khí lách cách mỗi lúc một gần và trông mỗi lúc một rõ bóng người ngựa và cả mặt mũi những kỵ binh nữa. Đó là đội kỵ mã cận vệ của ta tấn công đội kỵ mã của Pháp bấy giờ đang tiến về phía họ. Đội kỵ mã cận vệ phi rất nhanh, nhưng vẫn còn kìm ngựa lại. Roxtov đã trông thấy rõ mặt họ và nghe tiếng hô: “Tiến! Tiến!” của một sĩ quan đang cho con ngựa giống của mình phi hết tốc lực. Roxtov sợ bị xéo nát hoặc bị cuốn luôn vào cuộc tập kích quân Pháp nên cố phi ngang qua mặt đội kỵ mã cho thật nhanh, nhưng vẫn không vượt ra được ngoài tầm được. Người kỵ binh cận vệ ở phía ngoài cùng, một người cao lớn mặt rỗ, giận dữ cau mày khi thấy Roxtov ở trước mặt đang sắp xô vào mình. Chắc chắn là người cận binh cận vệ này sẽ xô Roxtov và con Neduyn ngã lộn nào ra (bản thân Roxtov so với những người kỵ binh và những con ngựa to lớn này tỏ ra rất bé nhỏ và yếu ớt) nếu chàng không nghĩ ra cách khua chiếc roi trước mặt con ngựa của hắn. Con ngựa ô nặng nề, cao năm véc-sốc [81] cụp tai nhảy né sang một bên; nhưng người kỵ binh cận vệ đã dáng chân thúc đôi cựa to tướng vào sườn nó, và con ngựa vẫy đuôi, rướn cổ lao về phía trước nhanh hơn nữa. Đội kỵ mã cận vệ vừa vượt qua, Roxtov đã nghe thấy tiếng hô vang: “Ura!”; Roxtov quay lại nhìn, thấy mấy hàng đầu của họ đã trộn lẫn với những người kỵ binh lạ mặc quân phục có tua vai đỏ, chắc hẳn là kỵ binh pháp. Về sau không còn có thể trông thấy gì được nữa, vì ngay sau đó đại bác bỗng từ nơi nào bắt đầu bắn ra và mọi vật đều mờ đi trong khói súng. Khi đoàn kỵ mã cận vệ vượt qua Roxtov và lấp lánh đi trong làn khói, chàng do dự không biết nên đi theo họ hay tiếp tục đi làm nhiệm vụ của mình. Đây chính là trận tiến công oanh liệt của đội kỵ binh cận vệ đã khiến chính quân Pháp cũng phải kinh ngạc. Về sau Roxtov rất kinh hoảng khi nghe nói trong số cả đoàn người đẹp đẽ cao lớn này, trong số những chàng thanh niên tuấn tú, sang trọng này cưỡi những con ngựa hàng nghìn rúp: sĩ quan cũng có, hạ sĩ quan cũng có đã phi ngựa qua chỗ chàng, sau trận tập kích chỉ còn 18 người. “Việc gì ta phải ganh tỵ rồi sẽ đến lượt ta, và có lẽ ngay bây giờ đây ta sẽ gặp hoàng thượng!” - Roxtov nghĩ, và lại thúc ngựa đi. Khi đến ngang tầm đoàn bộ binh của quân cận vệ, chàng nhận thấy có những quả đạn đại bác đang bay qua họ và ở chung quanh họ, không hẳn vì chàng nghe thấy tiếng đạn nổ, mà chủ yếu là vì chàng trông thấy vẻ lo sợ trên nét mặt của quân lính và một vẻ trang trọng, hùng dũng không tư nhiên trên khuôn mặt các sĩ quan. Đang cưỡi ngựa vòng phía sau trận tuyến của một trung đoàn cận vệ, chàng bỗng nghe có ai gọi tên chàng. - Roxtov! - Cái gì thế! - Roxtov đáp; bấy giờ chàng chưa nhận ra Boris. - Cậu thấy thế nào, bọn mình ra tiền tuyến rồi đấy! Trung đoàn mình đã tấn công đấy! - Boris nói, trên môi hiện rõ nụ cười sung sướng thường thấy ở những người trẻ tuổi lần đầu tiên được dự chiến. Roxtov dừng lại. - Thật à? Chàng nói. - Thế nào rồi đấy? - Đánh lui được chúng rồi! - Boris phấn khởi nói, bấy giờ chàng đã trở thành rất mau miệng. - Cậu có tưởng tượng được không? Và Boris bắt đầu kể chuyện lúc nãy quân cận vệ vừa đến chiếm lĩnh vị trí bỗng thấy có một đoàn quân ở trước mặt, họ cứ tưởng là quân Áo, khi đoàn quân đó đột nhiên bắn đại bác đến mới biết rằng mình đang ở tiền tiêu, và thế là đùng một cái phải xung trận, Roxtov chưa nghe Boris kể hết đã giật cương ngựa. - Cậu đi đâu thế? - Boris hỏi. - Đi gặp hoàng thượng, có công cán. - Ngài kia kìa! - Boris nói, chàng tưởng Roxtov nói là đi gặp đại công tước chứ không phải hoàng thượng [82] . Boris chỉ cho Roxtov thấy đại công tước đứng cách hai người chừng một trăm bước, đầu đội mũ sắt, mình mặc quân phục kỵ binh cận vệ, hai vai so cao, lông mày cau lại, đang quát một câu gì với một sĩ quan Áo mặc đồ trắng, mặt tái nhợt. - Nhưng đấy là đại công tước chứ, mình cần gặp tướng quân tổng tư lệnh hay hoàng thượng kia, - Roxtov nói đoạn toan thúc ngựa đi. Bỗng Berg, vẻ cũng phấn chấn như Boris, từ phía bên kia chạy lại gọi. - Bá tước, bá tước! Tôi bị thương ở tay phải đây này (anh ta vừa nói vừa giơ cổ tay đẫm máu buộc một chiếc khăn mùi soa) thế mà vẫn ở lại trận địa đấy. Bá tước ạ, tôi cầm kiếm bằng tay trái. Dòng họ Fon Berg chúng tôi đều là những trang mã thượng anh hùng cả. Berg còn nói thêm mấy câu nữa, nhưng Roxtov chưa nghe hết đã phi ngựa đi. Sau khi vượt qua đội cận vệ và băng qua một quãng trống, Roxtov không muốn lọt một lần nữa vào hỏa tuyến, liền đi dọc theo trận tuyến của quân dự bị vòng ra xa chỗ có tiếng súng dữ dội nhất. Bỗng trước mặt chàng và ở phía sau lưng quân ta, ở một nơi mà chàng không thể nào ngờ là có quân địch, Roxtov nghe tiếng súng trường nổ rất gần. “Làm sao thế này nhỉ? - Roxtov nghĩ. - Quân địch ở lại sau lưng quân ta ư? Không có lẽ, - Roxtov bỗng thấy hoảng sợ, sợ cho mình và cho kết quả của trận đánh. - Dù sao thì bây giờ cũng không việc gì phải tránh nữa. Ta phải tìm cho ra tướng quân tổng tư lệnh ở đây, và nếu mọi việc đều hỏng, bổn phận của ta là cùng chết với mọi người”. Một linh cảm không hay tràn vào tâm hồn Roxtov; và càng đi sâu vào khoảng đất ở phía sau làng Pratxen nơi có từng đám quân lính đủ các binh chủng đang kéo qua, thì linh cảm này càng được xác nhận thêm. - Cái gì thế? Cái gì thế? Họ bắn vào ai thế? Ai bắn? - Roxtov hỏi những người lính Nga và lính Áo đang kéo đoàn kéo lũ hỗn độn chạy ngang qua trước mặt chàng. - Có quỷ sứ nó biết? Nó bắn chết hết rồi còn gì! Hỏng hết rồi! - Họ trả lời bằng tiếng Nga, tiếng Đức, và tiếng Pháp, những toán lính này cũng như chàng, không hiếu được việc gì đang xảy ra cả. Bỗng có người quát: - Đánh bỏ mẹ bọn Đức đi! - Quỷ bắt chúng nó đi! Đồ phản bội. - Zum Henker diese Russen… [83] - một người Đức càu nhàu. Mấy người bị thương trên đường. Những tiếng chửi rủa, tiếng quát tháo, tiếng rên rỉ hòa lẫn với nhau thành một âm thanh hỗn độn. Tiếng súng trường đã im, và về sau Roxtov được biết rằng vừa rồi lính Nga và lính Áo đã bắn nhau. “Trời ơi! Thế này nghĩa là thế nào? - Roxtov nghĩ. Mà lại là ở đây nơi mà bất cứ phút nào hoàng thượng cũng có thể trông thấy họ!… Nhưng không, chắc đó chỉ là một vài đứa vô lại. Rồi sẽ qua thôi; không thể như thế được, - chàng nghĩ, phải cố vượt qua bọn này cho thật nhanh!”. Roxtov không thể nào nghĩ rằng quân ta đã bại trận và đang bỏ chạy. Mặc dầu chàng đã trông thấy pháo và quân lính Pháp ngay trên núi Pratxen ngay trên ngọn núi mà chàng đã được lệnh đến để tìm tướng quân tổng tư lệnh, chàng vẫn không thể và không chịu tin như vậy. Chương 17 Roxtov đã được lệnh tìm Kutuzov và hoàng thượng ở quanh làng Pratxen. Nhưng ở đây không những không thấy hai người đâu, mà cũng chẳng thấy một cấp chỉ huy nào, chỉ có những đám quân lính hỗn loạn thuộc đù các binh chủng. Chàng thúc con ngựa bấy giờ đã mỏi mệt để chóng vượt qua những dám người này, nhưng chàng càng đi thì lại càng gặp những đám người hỗn loạn hơn. Trên con đường cái lớn mà chàng đi theo, chen chúc những cỗ xe ngựa đủ các loại xe song mã, xe tải những tốp lính Nga và lính Áo đủ các binh chủng: bị thương cũng có, lành lặn cũng có. Tất cả xô nhau chuyển đi ầm ầm trong tiếng rú rùng rợn của đạn đại bác từ những pháo đội Pháp đặt trên các ngọn đồi Pratxen bắn xuống. Hễ chặn được ai Roxtov cũng hỏi: “Hoàng thượng đâu? Ông Kutuzov đâu?”. Nhưng không ai trả lời chàng cả. Cuối cùng chàng túm lấy cổ áo một người lính và bắt hắn ta phải trả lời bằng được. - Ô! Anh bạn ạ, họ ở đây từ đời nào kia, còn bây giờ thì chuồn mất rồi! - Người lính nhăn nhó tìm cách thoát khỏi tay Roxtov. Thấy hắn ta say rượu, Roxtov buông hắn ra và ra chặn một nhân vật quan trọng nào đấy. Viên sĩ quan bảo Roxtov là cách đây một giờ họ đã chở nhà vua trên xe ngựa phóng hết tốc lực trên chính con đường này, và nhà vua bị thương rất nặng. - Không có lẽ! Roxtov nói, - Chắc là một người nào khác đấy. Viên sĩ quan tuỳ tùng cười nhạt, vẻ rất tự tin, và đáp: - Chính mắt tôi trông thấy. Tôi còn lạ gì hoàng thượng nữa, ở Petersburg tôi đã gặp nhiều lần rồi. Ngài ngồi trong xe, mặt tái xanh tái nhợt ra. Bốn con ngựa ô cứ phóng bạt mạng, lao ầm ầm sát qua chỗ chúng tôi: tôi còn lạ gì ngựa của hoàng thượng với ông xà ích Ilya Ivanyts nữa! Phải biết là ông Ilya không bao giờ đánh ngựa cho ai ngoài hoàng thượng cả. Roxtov buông ngựa viên sĩ quan ra và toan bỏ đi. Một sĩ quan bị thương đi ngang nói với chàng: - Ông cần gặp ai thế? Quan tổng tư lệnh à? Bị trúng đạn chết rồi trúng vào giữa ngực, ngay ở trung đoàn chúng tôi đấy. - Không phải chết, bị thương thôi, - Một viên sĩ quan khác chữa. - Nhưng ai mới được chứ? Ông Kutuzov à? - Roxtov hỏi. - Không phải là ông Kutuzov mà là cái ông gì ấy, mình quên tên rồi, nhưng cũng thế thôi, chẳng mấy ai sống sót. Ông đi lại đằng kia kìa, đằng cái làng ấy, các cấp chỉ huy đều tụ họp ở đấy cả. - Viên sĩ quan chỉ tay về phía làng Gôxtyeradêk rồi bỏ đi. Roxtov cho ngựa đi bước một, không biết bây giờ mình đi tìm ai và để làm gì nữa. Hoàng thượng bị thương, quân đã bại trận. Bây giờ không thể nào không tin điều đó được, Roxtov cưỡi ngựa đi về phía người sĩ quan chỉ lúc nãy, nơi chàng thấy thấp thoáng ở xa xa ngọn tháp và một tòa nhà thờ. Bây giờ thì đi đâu mà phải vội? Bây giờ thì còn gặp hoàng thượng hay Kutuzov để nói cái gì nữa. dù cứ cho là họ còn sống và không bị thương? Một người lính cất tiếng gọi chàng: - Thưa đại nhân, xin ngài đi theo đường kia, chứ đi lối này thì sẽ trúng đạn chết ngay. - Ồ! Anh nói gì thế! - Một người khác nói. - Anh bảo ông ấy đi đâu? Lối này gần hơn chứ. Roxtov ngẫm nghĩ một lát và cho ngưạ đi thẳng vào con đường mà người lính vừa bảo là chàng sẽ bị trúng đạn chết ngay. “Bây giờ thì chẳng cần gì nữa! Hoàng thượng đã bị thương, thì mình còn giữ thân làm gì nữa” - chàng tự nhủ. Roxtov đi thẳng vào khoảng đất mà những toán quân từ Pratxen chạy về đã bị thương vong nhiều nhất. Quân Pháp chưa tiến vào nơi này, còn quân Nga - những người hãy còn sống sót hoặc bị thương đã rút khỏi từ lâu. Trên cánh đồng, cứ mỗi mẩu đất lại có chừng mười lăm người tử trận hay bị trọng thương nằm ngổn ngang, trông như những bó rạ trên một cánh đồng cày ải. Những người bị thương bò lê trên mặt đất thành từng tốp hai ba người, và Roxtov có thể nghe thấy tiếng kêu rên khó chịu của họ, đôi khi nghe như giả vờ. Roxtov cho ngựa phóng nước kiệu để khỏi phải trông thấy những con người đau đớn này, và bỗng thấy sợ. Không phải chàng sợ cho tính mệnh mà là sợ cho lòng can đảm. Bấy giờ rất cần cho chàng vì chàng biết rằng nó không thể chịu nổi cảnh tượng thương tâm ấy. Quân Pháp bấy giờ không bắn vào khoảng đồng ngổn ngang những quân sĩ bị thương vong này nữa, vì ở đấy chẳng còn ai mà bắn; nhưng khi thấy viên thiếu uý, cưỡi ngựa qua, họ chĩa súng về phía chàng và bắn mấy phát đạn trái pháo. Những tiếng rít kinh khủng của đạn đại bác và cảnh những xác chết chung quanh hòa làm một trong tâm hồn Roxtov khiến chàng thấy sợ hãi và thương hại cho mình. Chàng nhớ lại bức thư sau cùng của mẹ chàng “Không biết mẹ sẽ nghĩ thế nào nếu thấy mình đang đi trên cánh đồng này, lại thêm những khẩu pháo chĩa nòng về phía mình?” - Roxtov nghĩ. Trong làng Goxtyeradek có những quân Nga từ chiến trường rút về tuy lộn xộn nhưng đã có trật tự hơn. Đạn đại bác của Pháp không bắn được đến đây, và tiếng súng nổ nghe cũng khá xa. Ở đây mọi người đã được thấy rõ và đều nói rằng quân ta đã bại trận. Trong số những người Roxtov hỏi không có ai biết hoàng thượng hay Kutuzov hiện nay ở đâu cả. Người thì bảo tin đồn hoàng thượng bị thương là đúng, người lại bảo không phải, và cho rằng sở dĩ có tin đồn như vậy là vì quả thật xe tứ mã của nhà vua có chở một vị đại thần của triều đình là bá tước Tolstoy, bấy giờ mặt mày tái xanh đi vì hoảng sợ. Bá tước là một người trong đám tuỳ tùng của hoàng thượng đã cùng người ra chiến trường. Một vĩ quan nói với Roxtov là ở phía sau lưng làng, về bên trái, ông ta có gặp một người trong số các vị chỉ huy cao cấp. Roxtov liền cho ngựa đi về phía ấy, bấy giờ không phải vì còn hi vọng gặp ai mà chỉ muốn cho lương tâm khỏi áy náy. Đi được ba dặm và vượt qua những đội quân Nga cuối cùng, Roxtov trông thấy bên cạnh một vườn rau có hào bao bọc, có hai người cưỡi ngựa đứng trước cái hào: một trong hai người đội chiếc mũ có ngù lông trắng, Roxtov trông quen quen; người kia là một người lạ mặt cưỡi một con ngựa hồng rất đẹp (Roxtov có cảm giác đã gặp con ngựa này ở đâu rồi), cho ngựa lại gần hào, dùng cựa giày thúc ngựa rồi buông lỏng cương cho ngựa nhảy một cách nhẹ nhàng qua cái hào của khu vườn rau. Hai chân sau của con ngựa chỉ làm rơi một ít đất xuống hào, người đó quay hẳn ngựa lại, cho ngựa nhảy qua hào trở lại chỗ cũ rồi kính cẩn nói câu gì với người đội mũ có ngù trắng, có lẽ là mời người đó làm theo mình như vừa rồi. Người cưỡi ngựa mà Roxtov trông quen quen và bất giác chú ý nhìn, lắc đầu và khoát tay tỏ ý từ chối, và trông thấy cử chỉ đó Roxtov nhận ngay ra vị hoàng đế mà chàng vẫn tôn sùng và đã từng thương xót. “Nhưng chả nhẽ ngài lại đi một mình ở giữa cánh đồng hoang vắng này” - Roxtov nghĩ. Vừa lúc ấy Alekxandr quay đầu lại, và Roxtov trông thấy những đường nét yêu mến đã khắc sâu vào ký ức chàng. Sắc mặt nhà vua xanh xao, hai má người hóp lại và mắt người sâu hoắm; nhưng những nét mặt của Người lại càng thêm dịu dàng dễ yêu. Roxtov rất vui sướng khi đã yên trí rằng tin đồn hoàng thượng bị thương là không đúng. Được trông thấy ngài, chàng sung sướng quá. Chàng biết rằng lúc này mình có thể, và hơn nữa, cần phải đến gặp hoàng thượng và tâu lên ngài những điều mà Dolgorukov đã sai chàng chuyển lại.
Có những chàng trai mới biết yêu đã bao đêm trường mơ ước được gặp người yêu để thổ lộ những tình cảm mình hằng ấp ủ nhưng đến khi giây phút bấy lâu mong đợi đã đến, đến khi đứng trước mặt nàng thì lại run rẩy, xúc động bối rối không sao có đủ can đảm thổ lộ tâm tình, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn quanh, tìm một sự giúp dỡ nào, hoặc tìm cách trì hoãnn hay chạy trốn, Roxtov bấy giờ cũng vậy; khi đã đạt được điều mà mình mong ước tha thiết nhất trên đời, chàng không biết mình nên đến yết kiến hoàng thượng như thế nào, và hàng nghìn lý do khác nhau dồn dập thoáng qua trí tưởng tượng của chàng, cho chàng thấy rằng làm như vậy thật không tiện, không nên và không thể được nữa là khác. “Thế nào! Hình như ta lại mừng rỡ vì có dịp lợi dụng lúc người đang cô đơn, phiền muộn như thế này ư? Người có thể thấy khó chịu và buồn bực khi gặp một ngườ lạ mặt trong giờ phút thế này không; vả lại bây giờ ta có thể nói gì với Người được một khi chỉ nhìn Người thôi cũng đã thấy tim ngừng đập và miệng khô lại?” Trước đây chàng đã tưởng tượng ra bao nhiêu câu để nói với hoàng thượng, thế mà bây giờ chàng không nhớ ra lấy một câu nào cả. Những lời nói kia phần lớn đều dành cho những trưòng hợp khác hẳn, phần lớn là để nói ra trong những giờ phút chiến thắng huy hoàng và chù yếu là khi đang hấp hối vì phải chịu những vết thương trên bãi chiến trường: khi hoàng thượng cảm tạ những hành động anh dũng của chàng, còn chàng thì trước khi tắt thở nói cho nhà vua biết lòng trung thành được xác minh bằng hành động. Vả chăng, chả nhẽ ta lại hỏi hoàng thượng xem Người ra lệnh cho cánh hữu quân làm gì, một khi bây giờ đã hơn ba giờ chiều và quân ta đã bại trận? Không, ta quyết không được lại gần Người, ta không được quấy rầy hoàng thượng khi Người đang trầm tư mặc tưởng. Thà chết một nghìn lần, còn hơn để Người nhìn ta một cách ác cảm, để Người có một ý nghĩ không tốt về ta - Roxtov kết luận. Lòng buồn rầu và tuyệt vọng, chàng thúc ngựa đi, chốc chốc lại ngoái nhìn nhà vua bấy giờ cũng đang đứng yên với dáng điệu lưỡng lự. Trong khi Roxtov suy nghĩ đi nghĩ lại như vậy và buồn rầu thúc ngựa bỏ đi, đại uý Fon Tol tình cờ cưỡi ngựa đi qua chỗ ấy, và trông thấy nhà vua liền đi thẳng tới tình nguyện giúp Người đi bộ qua hào. Nhà vua muốn nghỉ vì thấy trong mình khó ở, liền ngồi xuống bên gốc một cây táo, và Tol dừng lại bên cạnh Người. Từ xa Roxtov cảm thấy ghen tị và hối hận khi thấy Fon Tol nói với nhà vua hồi lâu, dáng rất nhiệt thành, và hình như nhà vua khóc, vì thấy Người đưa một bàn tay lên bưng mặt và tay kia xiết chặt tay Fon Tol. “Thế mà lẽ ra chính ta có thể được ở địa vị hắn” - Roxtov nghĩ thầm. Và cố kìm những giọt nước mắt xót thương cho số phận của nhà vua, chàng hoàn toàn tuyệt vọng, cho ngựa đi, không biết bây giờ mình sẽ đi đâu, và để làm gì. Chàng càng tuyệt vọng hơn nữa khi nghĩ rằng chính sự yếu đuối của bản thân là nguyên nhân gây nên nỗi buồn bực. Lẽ ra chàng có thể… Không những có thế mà còn có bổn phận đến gặp hoàng thượng. Và đây là cơ hội duy nhất để chứng tỏ cho ngài thấy rõ lòng trung thành tận tuỵ của mình. Thế mà chàng lại khóng biết thừa dịp…” Mình đã làm gì thế này?” chàng nghĩ. Roxtov quay ngựa phi trở lại chỗ chàng tìm thấy hoàng thượng lúc nãy; nhưng bên kia hào không còn ai cả. Chỉ có những chiếc xe tải và xe ngựa trẩy qua. Một người đánh xe báo cho Roxtov biết rằng các xe tải lương đã đến một làng gần đấy và bộ tham mưu của Kutuzov cũng cách đấy không xa, Roxtov lên ngựa theo họ. Đi trước chàng là viên sĩ quan giám mã của Kutuzov, đang dắt mấy con ngựa có phủ chăn. Sau lưng viên giám mã là một chiếc xe tải và sau chiếc xe tải có một ông già khỏe mạnh, đội mũ lưỡi trai, mặc áo khoác ngắn và đi chân vòng kiềng. - Ông Tit, ông Tit ơi! - viên sĩ quan giám mã nói. - Cái gì thế? - Ông già lơ đãng đáp. - Ông Tit! Mắt ông nhắm tít! - Đồ ngu, im đi! - Ông già giận dữ nhổ một bãi nước bọt nói. Họ đi một lát im lặng, rồi trò đùa ấy lại được diễn lại y như thế. Đến bốn giờ chiều trên khắp các trận tuyến quân ta đều hoàn toàn bại trận. Đã có hơn một trăm khẩu pháo lọt vào tay quân Pháp. Prjebysevxki và quân đoàn của ông hạ súng đầu hàng. Các quân đoàn khác thương vong mất gần một nửa dân số, đều rút lui thành những đám người lộn xộn và hỗn tạp. Tàn quân của Langeron và Dolgorukov trộn lẫn với nhau chen chúc ở các con đê và các bờ hồ cạnh làng Aoghext. Khoảng năm giờ chiều chỉ ở phía đê Aoghext là còn nghe tiếng đại bác nổ dồn dập, toàn là tiếng súng của quân Pháp, bấy giờ đã bố trí rất nhiều pháo đội trên các sườn núi Moravi, bắn vào các đoàn quân của ta đang rút lui. Trong đạo hậu quân, Dolgorukov và mấy tướng sĩ khác tập hợp được mấy tiểu đoàn, nổ súng kháng cự lại kỵ binh Pháp đang truy kích quân ta. Trời bắt đầu sẩm tối. Trên con đê hẹp ở Aoghext, nơi đã bao nhiêu năm nay cụ già giữ cối xay bột đội mũ chụp vẫn yên tĩnh ngồi câu cá trong khi thằng cháu nội xắn tay áo thò tay vào chiếc bình tưới trêu mấy con cá long lanh như bạc đang nhẩy tanh tách, trên con đê đã bao nãm nay những người Moravi hiền lành đội mũ lông xù và mặc áo xanh ngồi trên những chiếc xe tải hai ngựa chở thóc đến xay rồi lại trở về cũng trên con đê này, mình mẩy và xe cộ phủ bột trắng xóa, - chính trên con đê ấy, giờ đây, chen chúc nhau nhưng chiếc xe lương và những khẩu đại bác, xô đẩy nhau dưới mình ngựa và giữa các bánh xe, có những con người mặt biến dạng đi vì sợ chết, giẫm đạp lên nhau, hấp hối, bước qua những người hấp hối, giết lẫn nhau chỉ để rồi sau mấy bước cũng lại bị giết y như thế. Cứ mười giây lại có một quả đại bác xé không khí rơi xuống hay một quả tạc đạn nổ tung giữa đám người dày đặc này, làm cho mấy người ngã xuống, máu bắn tung tóe lên những người đứng gần. Dolokhov, bị thương ở tay, đi bộ với người lính trong đại đội chàng (bấy giờ chàng đã được phục chức sĩ quan) còn viên trung đoàn trưởng của chàng thì cưỡi ngựa: cả trung đoàn nay chỉ còn có thế. Bị cuốn theo đám đông, họ chen chúc ở đầu đê, và bị xô đẩy từ bốn phía, họ phải dừng lại vì ở phía trước có một con ngựa bị ngã xuống dưới một khẩu đại bác, và đám đông đang cố lôi nó ra. Một quả đạn đại bác rơi trúng mấy người ở phía sau lưng, một quả rơi trước mặt làm máu tóe lên người Dolokhov. Đám đông hoảng hốt ùa về phía trước, xô vào nhau, đi mấy bước rồi lại dừng. “Qua được trăm bước này thì chắc thoát; đứng đây hai phút nữa thì thế nào cũng chết” - mỗi người đều nghĩ như vậy. Dolokhov đứng ở giữa đám đông cố len tới bờ đê, xô ngã hai người lính và chạy xuống mặt hồ đóng băng trơn bóng. Chàng nhảy nhảy trên băng khiến lớp băng kêu răng rắc, trỏ khẩu đại bác quát: - Rẽ xuống! Rẽ xuống đây, băng chắc đấy! Băng không sụt dưới sức nặng của Dolokhov nhưng trĩu xuống và nứt rạn ra. Có thể thấy rằng chẳng cần phải có một khẩu đại bác hay cả đám đông đi trên nó mới sụt, mà ngay chỉ Dolokhov thôi nó cũng sắp sụt ngay bây giờ. Đám quân lính nhìn Dolokhov và lấn về phía mép bờ, nhưng vẫn chưa dám bước xuống băng. Viên trung đoàn trưởng cưỡi ngựa ở đầu đê giơ tay lên và há miệng toan nói gì với Dolokhov. Bỗng một quả đạn đại bác bay vèo vèo trên đám đông, thấp đến nỗi ai nấy đều khom người xuống. Có tiếng đánh phịch một cái như vật gì rơi vào một chỗ ướt, và viên tướng ngã cả người lẫn ngựa trong một vũng máu. Không đi nhìn đến viên tướng: không ai nghĩ đến việc đỡ ông ta dậy. - Xuống đi! Xuống băng đi! Xuống! Xuống đi! Mày điếc hẳn! Xuống! Sau khi quả đại bác rơi trúng viên tướng, chợt nghe vô số người kêu lên như vậy. Hẳn người này cũng không biết mình nói gì và kêu lên như vậy để làm gì. Một trong những khẩu đại bác đi sau đã lăn lên đê, bấy giờ được quay lại và đẩy xuống băng. Từ trên mặt đê, từng đám quân lính bắt đầu chạy xuống mặt hồ đông cứng. Mặt băng nứt vỡ dưới chân một người lính chạy trước, và người lính bị tụt chân xuống nước. Hắn muốn kéo chân lên nhưng lại tụt sâu xuống đến thắt lưng. Những người lính đứng gần nhất lưỡng lự, người đánh ngựa kéo sáng kìm ngựa lại nhưng ở phía sau lưng vẫn có tiếng quát tháo: “Đi xuống băng đi, sao lại đứng đực ra thế? Đi đi! Đi đi!” Và những tiếng thét kinh hãi nổi lên trong đám đông. Nhũng người lính đứng quanh khẩu đại bác giơ tay dọa ngựa và đánh vào ngựa để cho nó quay lại và bước đi. Mấy con ngựa bước xuống băng. Tảng băng, trên đang có dám bộ binh, sụt một máng lớn, và chừng bốn mươi người đang đứng trên băng, người thì lao về phía trước, người thì chồm ra phía sau, xô nhau xuống nước. Những quả tạc đạn vẫn cứ đều đều rú lên và rơi xuốn mặt băng, xuống nước và nhiều hơn cả là rơi vào đám đông đang chen chúc trên mặt đê, trên mặt hồ và trên mép hồ. Chương 18 Trên cao nguyên Pratxen, ngay ở chỗ chàng ngã xuống, tay cầm chiếc cán cờ, công tước Andrey nằm yên, máu cứ chảy ra từ từ. Chàng rên lên khe khẽ, một tiếng rên ai oán nghe như tiếng rên của trẻ con. Đến chiều, chàng thôi rên và lặng hẳn đi. Chàng không biết mình lịm đi như thế bao lâu. Bỗng chàng lại cảm thấy mình còn sống và thấy trên đau nhói như có cái gì đau xé xương xé thịt ra. “Bầu trời cao vòi vọi mà trước kia ta chưa từng biết và đến hôm nay mới trông thấy, bầu trời ấy bây giờ ở đâu? - Đó là ý nghĩ đầu tiên của chàng. - Cả cái cảm giác đau đớn này nữa trước kia ta cũng không biết. Phải rồi, từ trước đến nay ta không biết gì cả, không biết chút gì. Nhưng đây là ở đâu?” Chàng bắt đầu lắng tai nghe ngóng. Có tiếng ngựa đang đi lại gần và tiếng cười nói bằng tiếng Pháp. Chàng mở mắt ra. Ở trên đầu, chàng thấy lại bầu trời cao, vẫn bầu trời ấy và những đám mây lơ lửng còn cao hơn sáng nay. Qua mấy đám mây ấy có thể thấy khoảng không vô tận màu xanh biếc. Chàng không quay đầu lại và không trông thấy người nhưng cứ nghe tiếng vó ngựa và tiếng nói có thể đoán biết là đang đi về phía chàng. Những người ngựa ấy là Napoléon và hai sĩ quan phụ tá đi theo ông. Buônapáctê bấy giờ đang đi quanh chiến trường để tìm ra những mệnh lệnh cuối cùng, tăng cường các pháo đội bắn vào con đê Aoghext và xem xét những người tử trận hoặc bị thương còn sót lại trên chiến trường. - Lính của họ khỏe đẹp đấy - Napoléon nói trong khi ngắm nhìn một người pháo thủ Nga tử trận nằm sấp, mặt úp xuống đất, gáy đen sạm lại, một cánh tay đã cứng đang rộng một bên. Vừa lúc ấy có một viên sĩ quan phụ tá từ các pháo đội đang bắn vào Aoghext cưỡi ngựa đến báo: - Tâu hoàng thượng, đạn của các khẩu pháo của trận địa đã hết. - Cho mang số đạn của đội dự bị lên. Napoléon nói, rồi cho ngựa đi mấy bước nữa, đứng lại sát chỗ công tước Andrey đang nằm ngửa mặt lên, chiếc cán cờ vứt lên cạnh (lá cờ đã bị quân Pháp tháo cất làm chiến lợi phẩm). Napoléon nhìn Bolkonxki nói: - Một cái chết rất đẹp. Công tước Andrey hiểu rằng những lời này nói về chàng và người nói chính là Napoléon. Chàng đã nghe họ gọi người nói câu vừa rồi là Hoàng thượng. Nhưng chàng nghe những lời đó dường như chỉ là tiếng vo ve của một con ruồi. Chàng không những không lưu tâm đến câu nói đó, mà thậm chí cũng không buồn để ý tới nữa, và nghe xong là đã quên ngay. Đầu chàng nhói buốt; chàng cảm thấy máu mình đang chảy cạn dần và không thấy bầu trời ở phía trên, xa xăm, cao lồng lộng và vĩnh viễn vô tận. Chàng biết rằng đây chính là Napoléon - Vị anh hùng của chàng - Nhưng vào giờ phút này chàng thấy Napoléon sao mà nhỏ bé, vô nghĩa quá chừng so với cái gì lúc bấy giờ đang diễn ra giữa linh hồn chàng với bầu trời cao vô tận với những đám mây bay lờ lững. Trong phút ấy, ai đứng bên chàng, nói gì về chàng, đối với chàng nào còn ý nghĩa gì; chàng chỉ mừng thầm rằng đã có người dừng lại ở bên chàng, và chỉ mong sao những người ấy giúp chàng trở lại cuộc sống, cuộc sống mà chàng thấy là vô cùng tươi đẹp, vì bây giờ chàng đã hiểu nó một cách khác. Chàng thu hết tàn lực để động dậy một chút và kêu lên một tiếng. Chàng khẽ nhích chân lên và rên lên một tiếng yếu ớt, đau đớn làm cho bản thân chàng cũng thấy thương hại. - À anh ta còn sống, - Napoléon nói. - Đỡ anh bạn trẻ này dậy và đem về trạm cứu thương! Nói đoạn, Napoléon thúc ngựa đi về phía nguyên soái Lan bấy giờ đang tiến lại gần ông, cất mũ, mỉm cười ngỏ lời mừng Napoléon về trận đại thắng vừa rồi. Công tước Andrey không nhớ gì thêm nữa: chàng đau quá ngất đi mấy lần khi họ vực chàng lên cáng, khi họ đưa chàng đi và khi họ xem xét các vết thương của chàng ở trạm cứu thương. Mãi đến hết ngày ấy, khi họ mang chàng vào y xá cùng với các sĩ quan Nga khác cũng bị thương và bị bắt làm tù binh, chàng mới tỉnh dậy. Lần đi chuyền này chàng cảm thấy khỏe hơn một chút, chàng đã có thể quay đầu hai bên, và còn có sức nói được nữa là khác. Câu nói đầu tiên mà chàng nghe được khi tỉnh dậy là lời viên sĩ quan Pháp áp giải tù binh nói hấp tấp: - Phải dừng lại đây với được: hoàng đế sắp đi qua đây, nếu để Người trông thấy các sĩ quan tù binh này, chắc Người sẽ vui lòng lắm. - Bây giờ tù binh nhiều quá, gần hết cả đội Nga rồi còn gì, thành thử chắc hoàng thượng cũng đến phát chán, - một sĩ quan khác nói. - Ô! Nhưng mà… nghe nói, vị này là tư lệnh của toàn thể quân cận vệ của hoàng đế Alekxandr đấy - người thứ nhất nói tay chỉ vào một sĩ quan Nga bị thương mặc quân phục kỵ binh cận vệ màu trắng. Bolkonxki nhận ra công tước Repnin mà chàng đã từng gặp trong những buổi tiếp tân ở Petersburg. Bên cạnh Repnin có một người thiếu niên mười chín tuổi, cũng là vĩ quan kỵ binh cận vệ. Buônapáctê phi ngựa đến, dừng lại. Trông thấy toán tù binh, ông nói: - Ai là người cao chức nhất? Họ đáp là đại tá công tước Repnin. - Ông là vị chỉ huy quân đoàn kỵ binh cận vệ của hoàng đế Alekxandr phải không? - Napoléon hỏi. - Tôi chỉ huy một tiểu đoàn kỵ binh - Repnin đáp. - Trung đoàn của ông đã làm tròn bổn phận một cách quang vinh - Napoléon nói. - Lời khen ngợi của một danh tướng là phần thưởng đẹp đẽ nhất đối với một quân nhân, - Repnin nói. - Ta rất vui lòng ban cho ông lời khen đó, - Napoléon nói. - Người trẻ tuổi nằm cạnh ông là ai? Công tước Repnin đáp là trung uý Xukhtelen. Napoléon nhìn người thiếu niên, mỉm cười nói: - Còn trẻ thế mà đã đến đọ sức với chúng ta. - Tuổi trẻ không hề làm người ta thiếu lòng dũng cảm, - Xukhteten đáp, giọng đứt quãng. - Một câu trả lời hay. - Napoléon nói. - Anh bạn trẻ ạ, anh còn tiến xa đấy! Công tước Andrey, bấy giờ cũng đã được đặt nằm ở phía trước ngay dưới hoàng đế để cho bộ chiến lợi phẩm tù binh được trọn vẹn, không thể không làm cho hoàng đế chú ý. Napoléon hình như nhớ ra rằng đã trông thấy chàng trên chiến trường, liền quay lại nói với chàng, dùng mấy chữ anh bạn trẻ - (jeune homme), là danh hiệu mà ông đã tặng chàng lần gặp gỡ đầu tiên và nay hãy còn nhớ lại. Napoléon bảo công tước Andrey: - Còn anh thì thế nào, anh bạn trẻ. Anh thấy trong người thế nào rồi, anh bạn dũng cảm) Tuy trước đây năm phút, công tước Andrey có thể nói mấy câu với những người lính cáng chàng đi, nhưng bây giờ chàng chỉ đưa mắt nhìn thẳng vào Napoléon và lặng thinh… Giờ phút này chàng thấy tất cả những điều Napoléon quan tâm đều vô nghĩa quá, ngay bản thân con người mà chàng sùng bái trong khi huênh hoang mừng rỡ về trận thắng, cũng nhỏ bé quá so với bầu trời cao cả, công minh và hiền hậu mà chàng đã trông thấy và đã hiểu, đến nỗi chàng không thể trả lời Napoléon được. Vả lại tất cả đều có vẻ vô ích và nhỏ nhặt so với những tư tưởng trang nghiêm và hùng vĩ trong khi chàng kiệt sức dần vì mất máu, trong khi chàng đau đớn chờ đợi cái chết đang đến gần. Nhìn thẳng vào mặt Napoléon, công tước Andrey nghĩ đến cái hư vô của danh vọng, cái hư vô của cuộc sống, mà chẳng có ai hiểu được ý nghĩa, cái hư vô càng lớn lao hơn nữa của cái chết, mà không có người sống nào hiểu và giải thích được. Hoàng đế đợi mãi không thấy chàng trả lời, liền quay đi và dặn một viên sĩ quan chỉ huy: - Phải săn sóc chu đáo những người này và đưa họ về doanh trại của ta; bác sĩ Laley ngự y của ta sẽ xem xét vết thương cho họ. Thôi xin chào công tước Repnin. Nói đoạn Napoléon giật cương ngựa phóng nước đại. Gương mặt của ông ta tươi rói lên vì tự mãn và vui sướng. Những người lính khiêng công tước Andrey trước đây đã cởi lấy chiếc tượng thánh bằng vàng do công tước tiểu thư Maria đeo lên cổ chàng, nay thấy hoàng đế nói năng ôn tồn với tù binh liền vội vã trả lại chiếc tượng cho chàng. Công tước Andrey không trông thấy người nào đã đeo lại bức tượng và đeo vào lúc nào, chỉ thấy bỗng dưng trên ngực mình choàng ra ngoài áo quân phục có chiếc tượng nhỏ treo trên sợi dây chuyền vàng mỏng manh. Công tước Andrey ngắm bức tượng mà em gái chàng đã thiết tha và cung kính đeo vào cho chàng, lòng thầm nghĩ: “Giá mọi việc đều đơn giản và rõ ràng như công tước tiểu thư Maria nghĩ thì sẽ hay biết mấy. Giá có thể biết được trên đời này nên tìm sự cứu giúp ở đâu và biết được là sau cùng cuộc sống sẽ có cái gì khi mình đã xuống mộ thì hay quá! Giá bây giờ ta có thể nói: lạy Chúa, xin Người xót thương con, thì ta sẽ sung sướng và thanh thản bịết bao… Nhưng ta biết nói với ai như vậy bây giờ? Phải chăng cái sức mạnh huyền bí mơ hô, mà ta không thể nào cầu xin được đã đành, nhưng thậm chí cũng không thể nào biểu hiện ra rằng lời nói được chính là cái mênh mông bao gồm tất cả hay là cái hư vô. Phải chăng đó là cái đấng Thượng đế mà công tước tiểu thư Maria cất giấu trong lá bùa này? Không, không có gì thật cả ngoài sự hư vô của tất cả những gì mà ta hiểu được, và sự lớn lao của một cái gì không thể hiểu nổi, nhưng lại vô cùng quan trọng!”. Họ lại khiêng cáng đi. Cứ mỗi cái lắc chàng lại thấy đau không sao chịu nổi; trạng thái sốt tăng lên, và chàng bắt đầu mê sảng. Hình ảnh của cha, vợ, em gái và đứa con sắp ra đời của chàng, cùng cái cảm giác trìu mến và chàng đã sống qua trong đêm trước khi ra trận, bóng dáng của Napoléon nhỏ bé vô nghĩa, và bao trùm lên tất cả những thứ đó, là một bầu trời cao xanh - Đó là những điều chàng mơ thấy nhiều nhất trong cơn sốt mê man. Chàng mơ thấy cuộc sống hình lặng và cái không khí hạnh phúc gia đình êm thấm ở Lưxye Gorư. Chàng đã bắt đầu được hưởng thụ cái hạnh phúc này thì bỗng cái lão Napoléon nhỏ bé kia hiện ra với cái nhìn dửng dưng, thiển cận và thỏa mãn trước những nỗi bất hạnh của người khác, rồi những hoài nghi, những đau khổ bắt đâu kéo đến, và chỉ có bầu trời kia là hứa hẹn sẽ cho chàng yên tĩnh. Đến sáng, tất cả những hình ảnh chập chờn trong giấc mơ pha trộn với nhau, hòa thành một khối hỗn mang mịt mùng, chàng mê man không còn biết gì nữa, và theo ý kiến của chính Larey ngự y của Napoléon, thì cứ tình trạng này bệnh nhân rốt cục sẽ chết chứ khó lòng mà qua khỏi được. - Đây là một tạng người yếu thần kinh và sung mật; anh ta không qua khỏi được đâu - Larey nói. Công tước Andrey, cùng với mấy người bị thương cũng không có hy vọng gì sống sót như chàng, được giao phó lại cho dân sở tại trông nom. 
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...