Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Người đàn bà chờ và đám cưới sau khung sắt

Người đàn bà chờ 
và đám cưới sau khung sắt
Mới 4h30 sáng, chuyến xe đêm đi từ TP. Hồ Chí Minh đã về đến Đà Lạt. Mùa hè nhưng thành phố của hoa vẫn se se lạnh. Cửa nhà số 39 phố Đào Duy Từ vẫn im ỉm khép. Không muốn đường đột gõ cửa khi chưa sáng hẳn, tôi gọi một ly cà phê ở cái quán nhỏ xíu bày ngay cạnh sân nhà ngồi chờ. Nửa tiếng sau, bà xuất hiện. Nhỏ, gầy guộc, cả người bị bọc kín trong áo len, mũ len và găng tay len. Chỉ tấm khăn quàng cổ là bằng voan mỏng, nhẹ như sợi khói và như chính bước đi của chủ nhân. Bà vừa tản bộ từ đâu đó về, không phải vừa bước ra từ cửa. Trước khi tôi kịp nhận ra, bà đã lên tiếng: “Vâng, tôi là Cao Thị Quế Hương. Cậu là...?”. Len qua  cánh cửa chỉ khép mà không khoá để vào nhà, tôi hiểu, bà đã dậy từ rất sớm, sớm hơn nhiều so với chuyến xe về bến sớm nhất. Và đã ngồi chờ, từ lâu lắm. Dường như chờ đợi là là thói quen, là thiên chức, là cuộc sống của chính bà...
Tên bà đã  xuất hiện nhiều lần trong những cuốn sách viết về phong trào đấu tranh của Thành đoàn, của sinh viên - học sinh Sài Gòn thời đánh Mỹ. Bà cũng là một nhân chứng sống, nổi bật trong những tư liệu phơi bày tội ác của chế độ lao tù. Tôi không thể hình dung nổi người phụ nữ gầy guộc đang lọt thỏm trong chiếc ghế trước mặt mình lấy đâu ra sức lực để vượt qua tất cả và trở về từ những chốn tối tăm và tàn bạo ấy. Bà cười: “Thời chúng tôi, những người có tấm lòng với nước đều trải qua vậy cả. Tình yêu của chúng tôi  lớn lên trong chốn lao tù. Phút thành vợ thành chồng của chúng tôi cũng diễn ra bên song sắt. Tên thật của anh ấy là Phượng, nhưng được nhắc đến nhiều bằng tên Nguyễn Ngọc Phương”.
Suốt gần trọn buổi sáng, hồi ức của bà hầu như chỉ giành trọn cho liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương. Những tấm ảnh đen trắng, những mảnh báo ố màu được cắt ra từ trên dưới 40 năm trước càng khiến câu chuyện về một thời  thêm sống động. Ngày tháng xưa chưa bao giờ trôi mất. Nó vẫn sống, vẫn đồng hành cùng thực tại.
Nếu trời yên bể lặng, hẳn là bà Cao Thị Quế Hương đã an phận làm một cô giáo Việt văn hoặc Triết học cho đến tận lúc về hưu. Cha là một ông Phán dây thép gốc Bình Định, mẹ con nhà nề nếp xứ Huế thần kinh, gia đình bà tuy không thế gia vọng tộc nhưng cũng đủ để nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.
Có lẽ cả chất Huế quê mẹ thâm trầm lẫn chất Đà Lạt nơi định cư nhiều mơ mộng đã lẫn vào nhau và hình thành nên niềm say mê ưu tư, trầm tưởng ở cô gái Quế Hương. Hết tú tài, chị thi đậu vào ban Triết, khoa Sư phạm của Viện Đại học Đà Lạt. Sau đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11-1963, Viện đại học Đà Lạt không còn Ban Triết học, chị phải chuyển về Sài Gòn học tiếp chuyên ngành đồng thời ghi danh học thêm Đại học Văn khoa. Và lịch sử đã không diễn ra như chữ “nếu”. Những năm tháng học đường của chị cũng chính là những ngày sôi động nhất của Phong trào sinh viên học sinh xuống đường chống Mỹ.
Gần nửa thế kỷ sau, chị Quế Hương năm xưa, bây giờ đã là bà Quế Hương nhớ lại: “Tuần nào chúng tôi cũng xuống đường. Ban đầu chỉ hoàn toàn tự phát chứ chưa phải là “giải phóng”. Thời đó, bất kỳ một người có “tinh thần” nào cũng sẽ tham gia như vậy”. Chữ tinh thần ở đây không gì khác hơn là tinh thần dân tộc, là lòng yêu nước. Sinh viên không chấp nhận nổi chuyện đến trường trên quê hương mình mà lối nào cũng bị chắn ngang, giăng kín bởi lô cốt, hàng rào dây kẽm gai, ụ bao cát và nhan nhản những họng súng nghi kỵ. Đi qua những góc phố, nghe hơi nóng của máy điều hòa nhiệt độ trong những căn cư xá cho lính Mỹ thuê phả ra, họ cũng không chịu nổi. Là thiếu nữ, Quế Hương càng khó chịu hơn khi thường xuyên nhìn thấy những gã lính Mỹ lông lá, to kềnh càng công nhiên ôm eo những cô gái Việt nhó thó, váy ngắn, áo hở rốn đi nghễu nghện ngoài đường. Vậy là xuống đường, mục tiêu là chống chiến tranh, đòi hoà bình cho xứ sở và phản đối sự có mặt của Mỹ ở Nam Việt Nam.
Những cuộc biểu tình ban đầu mang tinh thần tự ái dân tộc nhiều hơn là ý thức Cách mạng. Sinh viên học sinh luôn cần một tập hơp, một hội đoàn. Quế Hương và nhiều người khác rất thích phong trào hướng đạo sinh. Nhưng chủ trương phi chính trị của phong trào này nhanh chóng trở nên lạc lõng thời cuộc, có phần phù phiếm và cầu an so với đời sống cần lao luôn sục sôi cho nên sở thích của sinh viên cũng chuyến hướng, ngã về phía Cách mạng và phong trào tranh đấu.
Ban đầu, Quế Hương tham gia phong trào sinh viên Phật tử. Mùa hè năm 1966, chị tham gia Hội thảo do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức tại ĐH Y, đăng đàn diễn thuyết. Khi  sinh viên đang vỗ tay rào rào tán thưởng những bài diễn thuyết về tự trị đại học của các sinh viên Trần Triệu Luật, Trần Thiện Tứ, Nguyễn Hữu Thái... thì cảnh sát dã chiến ập vào. Đó là lần đầu tiên Quế Hương bị bắt nhưng chỉ bị nhốt một ngày thì được thả. Riêng những sinh viên chủ chốt của phong trào thì bị nhốt thêm mấy tháng. Chính thời điểm đó, nhận thức của Quế Hương đã thay đổi hoàn toàn. Chủ ngĩa dấn thân đã đưa chị trở thành một trong những thành viên của tích cực nhất của phong trào sinh viên học sinh do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tổ chức.
Sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, chị bị lộ, được đường dây giao liên của thành đoàn tổ chức cho thoát ly. Trong cuộc hẹn móc nối đâuì tiên, qua sự giới thiệu của anh Dương Văn Đầy, chị được gặp gỡ với Ba Triết, một thủ lĩnh của phong trào. Đang là một cô giáo day Triết học ở trường Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, ngồi nghe “với một thái độ hoàn toàn tỉnh táo”, Cao Thị Quế Hương vẫn “như bị thôi miên” khi Ba Triết phân tích về tình hình đất nước, tình hình thế giới, về tương quan giữa lực lượng của Mỹ - Thiệu và Mặt trận Giải phóng. Anh nói thông suốt, say sưa, đầy chân thật, cái nhìn sắc bén và đầy nhiệt huyết. Quế Hương đi từ ngạc nhiên đến say mê và khâm phục khi biết rằng so về bằng cấp, “diễn giả” chưa bằng cô. Anh đã học Triết học Đông Phương và Tâm lý học ở Đại học Văn khoa nhiều năm nhưng chưa bao giờ vượt qua...năm thứ nhất!
Thật ra Ba Triết, tên thường gọi của Nguyễn Ngọc Phương chỉ xem việc học đại học như một cơ hội gieo mầm tranh đấu. Anh học rất giỏi nhưng theo yêu cầu của tổ chức, năm nào Phương cũng phải “tự đánh rớt” trong các kỳ thi để có cơ hội... học lại, đón đầu dìu dắt những thế hệ sinh viên mới vào đại học đến với phong trào tranh đấu.
So với Quế Hương, Nguyễn Ngọc Phương tham gia cách mạng sớm hơn nhiều. Năm 1950, mới 13 tuổi, trong những ngày bán báo dạo, anh đã chứng kiến cuộc đấu tranh chống Pháp, đuổi tàu chiến Mỹ của nhân dân Sài Gòn. Tận mắt, anh đã nhìn thấy cảnh học sinh Trần Văn Ơn ngã xuống. Vậy là anh gom tiền bán báo, trốn gia đình đi theo Cách mạng, được đưa đi học tại Trường Thiếu sinh quân Bạc Liêu. 
Đang chuẩn bị lên tàu tập kết ra bắc, Nguyễn Ngọc Phương nhận được lệnh quay lại Sài Gòn, trở thành một hạt nhân trong phong trào đấu tranh công khai ở đô thị trên các mặt trận bình dân học vụ, văn hóa - văn nghệ dân tộc, đòi hoà bình, đòi thi hành hiệp định Geneve... Bị địch bắt, trong 5 năm 1958 -1963, Nguyễn Ngọc Phương đã bị đoạ đày qua hàng loạt lao tù ở miền Nam như Tổng nha Cảnh sát, Gia Định, Phú Lợi, Hàm Tân... Bị tra tấn dã man, nhưng ở lao tù nào, anh cũng là người đi tiên phong và hiên ngang đấu tranh. Dùng vũ lực không ngăn nổi cuộc tuyệt  thực của Phương và các đồng chí khác ở Phú Lợi, địch thay đổi chiến thuật. Ngày quốc khánh của chế độ, thay vì cơm hẩm, cá mục, chúng đặt bánh hỏi, thịt heo, dọn mâm sạch sẽ bưng vào tận buồng giam. Năn nỉ mãi không được, những tên lính gác ngục, trước đó vốn tàn bạo cứng rắn với tù nhân đã phải... quỳ trước mặt Phương xin anh “nói với mấy...ông tù ăn giùm” để chúng khỏi bị thượng cấp quở phạt. Phương đã dõng dạc: “Nếu sợ, các anh có thể tự mình ăn, hoặc đem đi đổ. Chúng tôi sẽ không bao giờ đụng đến thức ăn, nếu tất cả các yêu sách hợp lý chưa được giải quyết đầy đủ”.
Chế độ Diệm sụp đổ (11-1963), nhờ gia đình chạy chọt, Nguyễn Ngọc Phương mới được thả nhưng với một tấm thân tàn tạ: liệt một chân, mắt mờ và lao phổi nặng. Chữa bệnh một thời gian, anh ghi danh vào học Đại học Văn khoa, sử dụng chiến thuật “lưu ban, năm nào cũng là năm thứ I” để tiếp tục tranh đấu. Từ năm 1964 đến năm 1970, anh là Uỷ viên thường vụ Thành đoàn, trực tiếp chỉ đạo phong trào Sinh viên và Tổng Hội sinh viên Sài Gòn.
Sau buổi làm quen, Cao Thị Quế Hương được phân công trở thành một người liên lạc của Nguyễn Ngọc Phương. Thỉnh thoảng hai người lại  gặp gỡ vì công việc. Anh trở thành một người thầy, người anh lớn, người bạn thân thiết của chị. Càng ngày, chị càng tìm thấy ở anh nhiều nét cao quý. Mê mãi với phong trào tranh đấu, nhưng là con trai cả, gánh nặng gia đình vẫn chưa bao giờ thôi đè nặng Nguyễn Ngọc Phương. Anh vẫn phải nuôi gà, bán báo, day học ở trường tư thục, dạy kèm... để cùng cha mẹ nuôi 11 người em kế sau anh. (Trong số này có chị Nguyễn Ngọc Thu Thủy, em thứ 10, sau này là vợ của Nghệ sĩ Bảo Quốc danh tiếng).
Sự ngưỡng mộ ban đầu mà chị giành cho anh đã biến thành tình yêu lúc nào không biết. Trong trái tim anh, chị cũng trở thành hình ảnh thân thương không thay thế được. Gia đình đôi bên cũng vun vào. Thời gian này, Phương hoạt động công khai bằng căn cước giả mang tên Nguyễn Hoàng Nhi (tên người em thứ 6 của anh). Cao Duy Tuấn, em ruột chị Hương tham gia hoạt động, sử dụng xe gắn máy của Nguyễn Hoàng Nhi, bị địch bắn gãy tay và đày ra Côn Đảo, cũng khai lý lịch mình dưới tên này. Bản thân chị Quế Hương, khi bị địch thẩm vấn cũng khai mình tên là Nam Phương, nghĩa là vợ của Phương, người miền Nam.
Nhờ căn cước giả mang tên Nguyễn Hoàng Nhi, khi bị bắt vào tháng 10-1968, Nguyễn Ngọc Phương đã không bị địch phát hiện ra thân phận, chỉ bị qui tội trốn lính. Chúng đưa anh vào trại tân binh Quang Trung, sau đó đưa xuống Bà Rịa huấn luyện hạ sĩ quan. Thương anh, tháng 1-1969, với một tấm giấy phép giả và một căn cước giả do cơ quan Thành Đoàn chuẩn bị sẵn, chị Quế Hương đã bất chấp nguy hiểm tìm đến Trại huấn luyện Bà Rịa trao cho Nguyễn Ngọc Phương và đưa anh trốn thoát.
Trở lại với những ngày tranh đấu, họ đã có thời gian chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm, từ chạy càn, tránh bom, suýt bị địch khui hầm bắt hoặc giết ngoài căn cứ đến thoát vây, tránh bố ráp ở nội thành. Có lần, sau khi học tập tài liệu “giữ gìn khí tiết Cách mạng”, Nguyễn Ngọc Phương đã dặn dò riêng Quế Hương: “Nếu chẳng may bị bắt, em cố gắng chịu đựng mà về với anh. Dù em còn xương bọc da cũng ráng mà về với anh”.
Tình yêu của họ chín muồi, đã báo cáo và được tổ chức chấp nhận. Gia đình đôi bên đã định lễ cưới cho họ vào ngày 12-3-1970.  Nhưng địch đã nhanh tay hơn trước một tuần. Cùng bị bắt với Phương - Hương trong đợt bố ráp ngày 7-3-1970 có cả thảy 21 cán bộ nòng cốt của Thành Đoàn và phong trào SVHS, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Dương Văn Đầy, Huỳnh Tấn Mẫm, Đỗ Hữu Bút, Lê Thành Yến, Nguyễn Tấn Tài, Trần Khiêm...
Hết Ty cảnh sát Quận Nhất đến Nha cảnh sát Đô Thành, địch đã dùng vô số những đòn tra tàn bạo để lung lạc nhưng đều không khuất phục được họ. Tù đông, buồng giam không đủ, cảnh sát bắt Quế Hương và một số nữ tù nằm ngay trên hành lang, sát bên phòng thẩm vấn. Suốt ngày đêm, những tiếng đấm đá, la, thét, tiếng anh em bị đánh đổ vật xuống sàn nhà cứ giọng thẳng vào óc họ, đau đớn còn hơn cả bản thân bị tra tấn. Có lúc chúng đem cả Quế Hương lẫn Nguyễn Ngọc Phương vào thẩm vấn cùng một lúc, đánh đập dã man người này trước mặt người kia hòng lung lạc tinh thần. Quế Hương nhớ như in: dù thân xác đã tả tơi, chân tụ máu sung vù , khuôn mặt bầm dập, cái nhìn của anh hướng về phía chị vẫn đầy bình thản, động viên và da diết yêu thương. Mỗi lần chị gục xuống, anh mắt của anh lại vực chị gượng đứng lên, tiếp tục chịu đựng. Cái nhìn đó, anh mắt đó, chị còn sống là còn nhớ đến, mang theo suốt đời.
Tại Nha Cảnh sát Đô thành, Nguyễn Ngọc Phương đã từng bị địch tra tấn 2 ngày liên tục nhưng không hề hé môi. Lúc chúng dẫn anh về qua hành lang dãy buồng giam, chị Quế Hương đã thắt lòng khi thấy toàn thân anh tả tơi đẫm máu, hai tên lính áp giải xốc nách hai bên, hai chân anh thỏng xuống trượt dài trên nền gạch. Chiều hôm đó, khi  đưa cơm, một người bạn tù đã nói nhỏ đủ chị nghe: “Chút tắt nước, nghe tiếng đập tường thì kê tai vào ống nước”. Tối làm theo, chị đã được nghe tiếng anh. Không một lời về bản thân, toàn bộ thời gian hiếm hoi anh giành hết cho người mình yêu thương nhất: “Hôm nay ngày 25-3. Chúc mừng sinh nhật thứ 29 của em. Cố gắng chịu đựng nghe em.”
Gần 40 năm trôi qua, từng chữ một trong câu nhắn nhủ đầy yêu thương của anh vẫn còn vang lên rõ ràng trong đầu chị. Với người phụ nữ dấn thân, một lòng theo Cacáh mạng, đó là giây phút hạnh phúc nhất.
Sau một thời gian đổi qua nhiều nhà tù, ngày 20-4-1970, địch đưa 21 sinh viên ra xét xử tại Toà án Quân sự mặt trận Vùng III chiến thuật. Phiên xử bị biến thành một cuộc biểu tình với rất đông đồng bào các giới và sinh viên đến dự. Nhiều sinh viên đã tìm cách xô cả hàng rào cảnh sát, bất chấp dùi cui, khiên...lọt vào được bên trong ngồi chật cứng phòng xử. Những bị cáo sinh viên lếch thếch nối nhau vào toà trong bộ dạng tả tơi nhất. Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Ngọc Phương không lê nổi, mỗi người được hai bạn tù xốc hai bên. Dương Văn Đầy, Đỗ Hữu Bút, Nguyễn Tấn Tài, Trần Khiêm... phải nằm băng ca vào phòng xử. Dù vậy, họ vẫn hiên ngang biến phiên toà thành buổi họp báo tố cáo tội ác chế độ lao tù, lấy tấm thân tàn tạ của mình làm bằng chứng sống. Các luật sư biện hộ gồm Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Viết Huyền, Bùi Tường Chiểu cũng tập trung vào chuyện sinh viên học sinh bị đánh đập dã man, điều 7 của Hiến pháp Việt nam Cộng Hoà bị vi phạm trắng trợn, góp tiếng nói lên án mạnh mẽ tại Toà.  Áp lực quần chúng và công luận khiến địch phải nhượng bộ. Cao Thị Quế Hương và 9 người khác được “tạm thích”. Nguyễn Ngọc Phương cùng10 sinh viên nòng cốt khác thì vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Ngày 21-4-1970, các dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Cứ vào tận nhà lao Chí Hòa đón 10 sinh viên được “tạm thích” về Trường Đại Học Nông Lâm Súc. Sân trường lập tức  biến thành một trung tâm tập hợp đồng bào, khơi nguồn tranh đấu. Ba năm liền sau đó, “vụ án sinh viên học sinh Sài Gòn” được xem như một khẩu hiệu và tiêu điểm đấu tranh. Cảnh sát Sài gòn tăng cường phong toả, dùng cả xe vòi rồng, phi tiễn, lựu đạn cay, ma trắc để đàn áp và thẳng tay bắt bớ, đánh đập nhưng phong trào đấu tranh của sinh viên vẫn ngày một dâng cao.
Gần 2 tháng sau ngày Cao Thị Quế Hương được thả, gia đình Nguyễn Ngọc Phương đã lên Đà Lạt làm lễ cưới, chính thức nhận chị làm con dâu và đón cô dâu về Sài Gòn. Gần cuối tháng 6-1970, cô dâu Quế Hương mang theo cặp nhẫn cưới nhận từ tay mẹ của Nguyễn Ngọc Phương vào trại Chí Hòa thăm anh. Cô dâu đứng ngoài, chú rể vẫn giam thân sau song sắt, nhưng họ vẫn đeo nhẫn cưới cho nhau, chính thức thành vợ thành chồng giữa nhà tù. Những người em của Phương đã làm sẵn một chiếc bánh cưới thật to để chị Hương mang vào cho anh chiêu đãi anh em bạn tù, xem như tiệc cưới. Cho đến nay, đó vẫn là đám cưới duy nhất diễn ra giữa nhà tù Chí Hòa. Và có lẽ, đó cũng là đám cưới trong tù duy nhất trên toàn thế giới.
Sau ngày cưới, họ lại tiếp tục xả thân cho phong trào tranh đấu. Cứ vào thứ 6 hàng tuần, chị Quế Hương lại xách giỏ vào Chí Hoà thăm nuôi anh Bên ngoài, phong trào đấu tranh của SVHS Sài Gòn Gia Định đang phát triển mạnh mẽ, sinh viên học sinh bị địch bắt hết lớp này đến lớp khác. Việc thăm nuôi của chị không chỉ là chuyện tình cảm, chăm sóc lẫn nhau của đôi vợ chồng  thuỷ chung, mà đó còn là đường dây liên lạc của phong trào tranh đấu. Chị tận dụng cơ hội đi thăm để chuyển tin tức vào cho anh và các đồng chí trong tù. Thông tin được viết bằng nước cơm trên giấy gói thức ăn, gói quà bánh thăm nuôi nên địch không phát hiện được. Khoảng thời gian gặp nhau ít ỏi, anh tranh thủ góp ý, chỉ đạo miệng về phương pháp, cách thức đấu tranh để chị về phổ biến và áp dụng.
Ít ngày sau lễ cưới đặc biệt của họ, Nguyễn Ngọc Phương và những người còn lại lại phải ra tòa lần hai. Lần này, thêm 6 người nữa được thả, còn Phương và các anh Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Thành Công, Lê Văn Hoa, Nguyễn Văn Sơn thì chúng vẫn tiếp tục đưa trở lại Chí Hoà giam giữ vô thời hạn.
Trong tù, anh cựu sinh viên chỉ học toàn năm thứ nhất Nguyễn Ngọc Phương đã tranh thủ tự học thêm Pháp văn và Hoa văn. Và học rất giỏi. Hai cuốn “Hương hoa hồng”, tập truyện ngắn của nhà văn Trung Quốc Ba Kim và “Thuyền”, truyện dài của nhà văn Đài Loan Quỳnh Dao do anh dịch từ tiếng Hoa đã được NXB Trí Đăng in vào năm 1971. Anh cũng dịch xong “Nước Nga thời chiến” của nhà văn Nga Constantin Simonov từ bản tiếng Pháp “La Russie en Guerrè”. Mãi sau này, khi đi tìm kiếm kỷ vật của anh, chị Quế Hương mới tìm được tập bản dịch này. Chị đã giao nó cho NXB Trẻ xuất bản thành sách vào năm 1997, dưới tựa đề “Mùa thu thứ ba”. Ngoài ra, anh còn sáng tác nhiều truyện ngắn, trong đó có truyện “Tiếng khóc rướm máu”, mô tả lại cuộc đấu tranh của chính anh và đồng đội trong nhà tù Phú Lợi năm 1962. Trong bản thảo của một cuốn sách để lại từ trong tù, anh có viết hai câu bằng chữ Hán: “Quế Hương đích ảnh tượng/ Thường tại ngã tâm trung” (Hình ảnh của Quế Hương/ Thường ngự trong tim tôi)
Nhưng thời cuộc dầu sôi lửa bỏng đã không để cho người thanh niên giàu nghị lực ấy đeo đuổi giấc mơ viết văn dịch sách, dù là đã vây chặt đam mê ấy của anh sau song sắt nhà tù. Tháng 12-1972, chúa ngục Côn Đảo Nguyễn Văn Vệ được điều chuyển về là quản đốc nhà tù Chí Hòa. Tên hung thần này đã mở ngay một cuộc đàn áp tàn bạo đối với tù chính trị. Những người Cộng sản trong tù đã tiến hành một cuộc đấu tranh tuyệt thực để phản đối tên chúa ngục và chính sách đàn áp dã man, đồng thời đòi cải thiện dân chủ dân sinh ở trong tù. Nguyễn Ngọc Phương được chọn làm một trong những hạt nhân nòng cốt của đợt tuyệt thực này, dù cơ thể anh lúc đó đã trong tình trạng suy kiệt.
Thân xác không gượng nổi cùng ý chí kiên cường, sau 14 ngày tuyệt thực, anh kiệt sức và hôn mê. Nguyễn Văn Vệ và bọn gác ngục định bỏ mặc cho anh chết trong tù, bí mật thủ tiêu một hạt nhân tranh đấu. Tù chính trị đấu tranh mạnh mẽ, buộc chúng phải đưa anh ra Bệnh viện Sài Gòn (đối diện trước cổng chợ Bến Thành) cứu chữa. Vẫn không từ bỏ dã tâm loại trừ Nguyễn Ngọc Phương, bọn gác ngục và chính quyền sài Gòn đã không hề thông báo việc này cho gia đình người tù biết. Tại bệnh viện, chúng cố ý không chạy chữa. Nguyễn Ngọc Phương bị bỏ mặc trong cơn hôn mê, thoi thóp trên giường bệnh, tay chân vẫn bị xích cứng, bộ quần  áo tù nhàu nát, bẩn thỉu không hề được thay, chăn đắp, gối kê không có.
Sáng thứ 6, ngày 5-1-1973, khi vào Chí Hòa thăm nuôi anh như thường lệ, chị Quế Hương mới biết hung tin. Chị vội vã bắt xe chạy ngay đến bệnh viện và kinh hoàng thấy anh chỉ còn thở hơi tàn, không còn nhận biết được gì, mắt vẫn nhắm nghiền. Bên cạnh anh vẫn còn một tên cảnh sát đứng gác. Hắn đã ngăn chị “không được làm kinh động” khi thấy chị sắp bật ra tiếng khóc.
Tột cùng lo sợ nhưng chị Quế Hương vẫn còn đủ tỉnh táo chạy ngay ra đường Lê Lợi gọi điện cho chị Bội Quỳnh, một người đồng chí trong phong trào tranh đấu để nhờ chị Quỳnh báo tin cho gia đình và đồng chí đồng đội. Sau đó chị vội chạy ngay lên với anh. Nhưng quá muộn. Trong ít phút chị không có mặt bên anh, địch đã chích cho Nguyễn Ngọc Phương một mũi thuốc độc để kết liễu mạng sống của người bệnh tù. Khi chị quay trở lại thì một nhóm bác sĩ, y tá cũng vừa vội vã rời khỏi phòng anh nằm. Bước vào, nhìn thấy vệt máu rỉ đen đang ứa ra trên bắp tay trái của chồng, chị Quế Hương hiểu ngay ra tất cả, gần như ngất xỉu. Đúng lúc đó, anh thở hắt, dồn dập đợt cuối cùng. Chị không cần gọi, một y tá gần như chờ sẵn đã vào đưa anh sang ngay phòng thở oxy. Khi mẹ của Nguyễn Ngọc Phương nghe tin và chạy đến thì anh đã tắt thở, ngay trong vòng tay của người vợ thuỷ chung mà anh chưa một ngày được cùng chung sống. Anh ra đi trước buổi bình minh của Hoà bình. Chỉ 22 ngày sau, Hiệp định Paris được ký kết, tù chính trị, tù binh đôi bên được trao trả. Lúc đó, anh 37 tuổi. Điều cuối cùng chị làm được cho anh là tháo chiếc nhẫn cưới hơn hai năm trước chị đã tự tay lồng vào ngón áp út  tay trái của anh trong nhà tù đeo trở lại vào ngón tay mình. Và chị đã đeo nó suốt đời, để tin rằng vẫn luôn có anh bên cạnh.
Hàng vạn đồng bào, đồng chí đã đến viếng và tiễn đưa Nguyễn Ngọc Phương khi lễ tang của anh được tổ chức tại nhà ở số 48 đường Cao Bá Nhạ. Ngày 7-1-1973, sinh viên học sinh Sài Gòn đã biến lễ đưa  tang anh thành một cuộc biểu tình khổng lồ tố cáo tội ác chế độ lao tù. Đồng bào đưa tiễn đứng chật các nẻo đường đám tang anh đi qua. Cảnh sát, mật vụ cũng chốt chặn, rình rập suốt những ngày tang ma và suốt chặng đường đưa tang. Hơn một tháng trời, ngôi mộ của anh ở Nghĩa trang Phú Lâm vẫn bị cảnh sát canh giữ chặt. Mặc cho chúng săm soi dòm ngó, dòng người đến đặt hoa, thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương vẫn không ngớt đổ về.
Trước khi Nguyễn Ngọc Phương được đưa vào bệnh viện Sài Gòn, chị Quế Hương đã biết những hoạt động phong trào của chị đã bị địch phát hiện. Tổ chức đã bố trí đường dây đưa chị thoát ra căn cứ. Nhưng cái chết của anh đã khiến chị phải nấn ná để lo việc tiễn anh yên nghỉ. Sau vài lần vượt thoát, ngày 17-1-1973, chị Quế Hương cũng bị địch bắt khi chị đi chợ Thái Bình mua đồ vào thăm nuôi một người em ruột khác là Cao Duy Hùng đang bị bắt giam tại Chí Hòa vì tội trốn lính và tham gia tranh đấu. Lúc đó, chị đang là giáo viên dạy học tại trường Đức Trí, cách đường Cao Bá Nhạ không xa nhưng địch vẫn không hề hay biết. Chúng chuyển chị qua rất nhiều địa ngục, từ trại giam Tổng nha đến các nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp... với đủ loại đòn tra. Ánh mắt yêu thương của anh, tinh thần bất khuất của anh đã trở thành nguồn sức mạnh vực chị đứng vữäng trước những đòn tra nghiệt ngã của những năm tháng đoạ đày. Đơn giản, chị muốn sống xứng đáng với anh, với tư cách là vợ của một người anh hùng.
Sau ngày giải phóng, bà Quế Hương chuyển hẳn về Đà Lạt sinh sống và nghỉ hưu vào năm 1995, khi đang là Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng. Thỉnh thoảng, bà cũng về TP Hồ Chí Minh, chỉ với duy nhất một mục đích: thăm mộ chồng. Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 5-3, bà lại có mặt ở TP Chí Minh để làm đám giỗ cho chồng. Đó cũng là một cơ hội để gặp gỡ những amnh em, đồng chí cũ của phong trào tranh đấu. Không cần giấy mời hay nhắn nhủ, năm nào đồng đội xưa cũng tụ về. Còn sống hay đã mất, xung quanh liệt sĩ Nguyễn Ngọc phương vẫn luôn quây quần rất đông anh em, bạn bè, đồng chí.
Trên mảnh vườn xưa nằm chênh vênh trên một sườn đồi ở đường Đào Duy Từ Đà Lạt, có một ngôi nhà được xây thành 3 căn để 3 người em ruột của bà Quế Hương làm nơi ở. Phần mình, bà chẳng giữ lại gì cho riêng mình ngoài những ký ức về liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương. Bà bằng lòng ở vậy thờ chồng, không đi bước nữa. Không một ai thay thế được liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương trong lòng người đàn bà mất mát. Trong phòng khách của căn cuối cùng trong ba căn nhà liền kề, bức ảnh duy nhất được treo trên tường là ảnh Nguyễn Ngọc Phương trong lần ra toà lần đầu năm 1970, chân đi không vững, được hai bạn tù dìu xốc nách hai bên. Mặc kệ cuộc đời ồn ã xoay vần, bức ảnh ấy, cảnh tượng thân thương ấy vẫn là toàn bộ cuộc sống của bà. Để khuây khoả, bà mua mấy sào vườn trồng chè ở thị xã Bảo Lộc, tuần nào cũng giành đôi ba bữa lên chăm sóc. Làm vườn nhưng bà chẳng bán sản phẩm bao giờ. Chè trồng được chỉ để nhà dùng và đem biếu người thân, bạn bè.
Dầu đường Đào Duy Từ bạt ngàn một sắc hoa phượng tím. Trên hàng rào nhà bà Quế Hương, những dây bìm bìm đang lặng lẽ bò lan cũng tím, màu tím se sắt cả lòng. Hôm tôi đến, bà cũng đãi tôi cốc chè tươi pha gừng cay nồng, vừa đủ để xua cái lạnh buổi mai, làm loãng dần và xua đi những vạt sương mỏng lượn lờ phủ dưới chân đồi phía sau nhà. Câu chuyện tạm ngưng thì sau mấy hôm mưa dầm dề nắng cũng ửng lên. Tôi chợt vỡ ra một điều: vì sao hoa bìm bìm đang bò trên bờ rào xứ này tím thế. Tím hơn ngày xưa, tím hơn cả bây giờ, tím như chưa bao giờ tím hơn được thế. Hình như hoa cỏ xứ này cũng đã nhuộm nỗi thương nhớ đợi chờ.
Chào về, khi ngoảnh lại, tôi thấy bà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, vẫn lọt thõm trong chiếc ghế nhỏ nhưng vẫn quá rộng so với người phụ nữ gầy guộc và cô đơn nhưng đầy kiêu hãnh ấy. Album ảnh cũ kỹ, ố vàng về liệt sị, người chồng quá cố Nguyễn Ngọc Phương vẫn được bà nâng niu giở nhẹ từng trang. Hơn một phần ba thế kỷ, người đàn bà ấy đã thường trực một dáng ngồi như thế, như thể vẫn kiên gan chờ đợi một sự trở về.
Có lẽ, bà vẫn đang chờ mà không cần biết, không muốn biết sẽ chờ, sẽ đợi điều gì. Im lặng ngoái trông, không dám làm kinh động dáng ngồi hóa đá của bà, tôi hiểu, người anh hùng thuở nào vẫn không hề mất. Có lẽ, trong lòng bà, trong lòng tôi, trong tấm lòng tri ân của rất nhiều người, những con người bất khuất một thời như liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương sẽ không bao giờ mất. Tinh thần của họ vẫn sống với cây cỏ quê hương để nhuộm tím một màu hoa!.
Đà Lạt, tháng 7-2009
Nguyễn Hồng Lam
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...