Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Theo những cánh diều

Theo những cánh diều
Những dịp lễ hội, những chiều hè gió lộng và đẹp trời, trên bầu trời cố đô Huế rực rỡ đủ sắc màu của những cánh diều mượt mà trong hình dáng các loài chim, thú: long, lân, ly, phụng, công, bướm, quạ. Đặc sắc nhất thì diều đại bàng cứu công chúa, diều bướm đốt pháo, diều Tôn Ngộ Không...
Nghệ nhân - Chủ nhiệm CLB Diều Huế 
Nguyễn Văn Bê - Ảnh: cand.com
Thật ít thấy loại hình thể thao văn hóa nào đặc sắc như diều Việt Nam. Từ trò chơi dân dã, thú vui của trẻ chăn trâu trên đồng nội diều đã trở thành trò chơi tao nhã, cao sáng của các bậc thức giả, quan lại quyền quý, và với cả vua chúa ở chốn kinh kỳ. Cũng nhờ vậy, từ con diều sáo vi vu sau lũy trẻ làng, nhờ bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ đầy sáng tạo con người ở đất thần kinh đã không ngừng cải tiến để cho bay cao, bay xa giữa bầu trời xanh nhiều mẫu diều mới, chủ yếu là mô phỏng các loài chim muông, phi cơ, hỏa tiễn. Để có những loại diều khác thường này chất liệu làm nên diều Huế cũng rất đặc biệt. Diều không phải dán bằng giấy như ngày trước mà thay bằng các loại vải thô, phết phủ màu sắc phù hợp với đặc trưng loài vật được mô phỏng.
Năm 1990, trong những ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, lễ hội văn hóa thể thao kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP Vinh và ở Làng Sen xứ Nghệ, những cánh diều Huế tung bay và thực sự đã làm đắm say lòng người. Từ trước ngày quê hương giải phóng cho đến bây giờ, các hội viên cao niên của câu lạc bộ diều Huế không còn nhớ là họ đã có bao nhiêu lần được trở thành khách quí của Ban tổ chức các ngày lễ lớn của nhiều địa phương, của quốc gia. Ông Nguyễn Văn Bê, chủ nhiệm CLB diều Huế, cho hay: gia đình anh em hội viên chúng tôi đa số là rất nghèo. Nếu không có nghề làm diều và chơi thả diều chắc chắn là không mấy ai được đi chơi xa. Những chuyến du lịch theo những cánh diều âu cũng là lẽ công bằng của tạo hóa, là phần thưởng cho sự đam mê nghệ thuật diều từ thuở thiếu thời của mỗi chúng tôi.
Nhờ kỹ năng, nghệ thuật làm diều và chơi diều các hội viên CLB diều Huế đã có mặt "trên từng cây số" của đất nước mến yêu. Họ đã đi biểu diễn thả diều khắp dải đất miền Trung, vào tận TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, ra đến Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cực bắc của tổ quốc. Và thật là bất ngờ, trong những năm vừa qua họ đã nhiều lần đưa diều Việt Nam ra phục vụ bạn bè ở nước ngoài. Họ đã có cơ may thực hiện những chuyến du lịch quốc tế dài ngày mà không phải mất tiền, ngược lại có chút đỉnh thu nhập để quà cáp cho thân nhân, bạn bè khi trở về nhà.
Diều Huế đi thi quốc tế - Ảnh: vietbao.vn
Chuyến đi thứ nhất của họ vào mùa hè 1994, ngoài hoạt động giao lưu họ đã đoạt được giải ba thi thả diều quốc tế ở Dieppe , nơi hò hẹn của những người say mê cuồng nhiệt chơi diều trên thế giới. Lần thứ hai chuyến đi kéo dài trong hai tháng 7,8/95 và hoạt động tại 3 trung tâm nghỉ hè của Công ty điện lực Pháp. Khác với lần thứ nhất là biểu diễn và thi thả diều, lần này ngoài phục vụ thả diều hai nghệ nhân Nguyễn Văn Bê và Nguyễn Văn Ry thiên về giới thiệu diều Huế và dạy cho trẻ em Pháp cách làm các loại diều, cách điều khiển diều. Trong các buổi liên hoan, gặp gỡ chia tay ở ba trung tâm nghỉ hè này khách du lịch đã rất cảm ơn tổ chức Codev và các nghệ nhân diều Huế đã cho họ một kỷ nghỉ hè thú vị, bổ ích chưa từng có trong cuộc đời. Báo Journiac đã đánh giá cuộc giao lưu này là "có màu sắc văn hóa và giáo dục cho tuổi trẻ", một hoạt động đã làm nức lòng người và "thu hút rất cả trẻ em đầu đường cuối phố". Chuyến thứ ba ông Nguyễn Văn Bê được mời đi dự liên hoan diều ở Thái Lan. Chuyến thứ tư ông Bê được Hội ái hưu người Việt ở đảo Réunion (Châu Phi) mời dự liên hoan diều tại thành phố Sainte Marie, một hoạt động chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp tại Hà Nội. Đảo Reunion có duyên nợ với lịch sử Việt Nam và với hai ông vua yêu nước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai cha con cựu hoàng Thành Thái - Duy Tân bị lưu đày ở đây. Việt Kiều ở đây rất đông. Một bà là cháu nội vua Duy Tân đã giới thiệu với chính quyền và Hội ái hữu người Việt ở đảo mời ông Bê sang thả diều và giới thiệu diều Việt Nam với bạn bè châu Phi trong cộng đồng Pháp ngữ. 20 ngày ở đảo ông Bê đã tổ chức hai lớp dạy cách làm diều và thả diều cho hàng chục người, cả trẻ em lẫn người lớn. Ông được một số trường học mời đến giới thiệu về diều Việt Nam và được mời đi thả diều ở bốn quận của thành phố. Dân đảo Réunion vô cùng thích thú trò chơi thả diều. Họ mời ông Bê dự nhiều buổi sinh hoạt và dẫn ông đến thăm nhà ở của vua Duy Tân.
Từ những chuyến giao lưu thành công tốt đẹp của các nghệ nhân diều Huế, chúng tôi muốn nói một điều cuối cùng là vinh quang của họ không tự nhiên mà có. Nhưng ai gần gũi với các nghệ nhân diều mới thấy được rằng dấn thân vào thú vui chơi diều ngoài cái đam mê còn phải có cái vốn kiến thức tổng hợp. Làm ra con diều phải qua lắm khâu phức tạp, điều khiển được diều theo ý muốn lại càng đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật và nghệ thuật. Thả diều phải có người xem. Người xem thích thú chính là nguồn cổ vũ lớn nhất đối với người thả diều. Và cùng vì để làm hài lòng người xem người chơi diều phải không ngừng sáng tạo để thay đổi "mẫu mã". Người xem là "thị trường", là thước đo đánh giá chất lượng diêù và nghệ thuật chơi diều. Làm diều và thả diều là cả một nghệ thuật, một nghệ thuật đặc biệt hơn tất cả các loại hình nghệ thuật khác, bởi lẽ: Khi làm diều thì say mê, không còn biết những gì quanh mình. Và khi thả diều lên rồi thì cả con người mình như bay bỗng cùng diều... cùng muốn vẫy vùng trên bầu trời xanh lộng gió.
Mong sao diều Việt Nam, diều Huế mãi mãi bay cao bay xa trên bầu trời quê hương, bay bổng trong tấm lòng bạn bè gần xa.
29/3/2010
Thanh Tùng
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...