1. Lần thứ hai, ông Út chống nạng bước ra mái hiên.
Trong bóng đêm mờ mờ, hai ngôi
mộ quét sơn là hai khối trăng trắng nằm thiêm thiếp bên liếp dừa. Cha đi trước,
mẹ theo sau. Cuối cùng ông bà vẫn nằm bên nhau, dù hơn sáu chục năm chung sống,
hai người như mặt trăng, mặt trời.
Âm thanh quen thuộc vẫn là
tiếng xào xạt của những tàu lá dừa trước gió lạnh. Tiếng gà lác đác, khi đầu
xóm, khi cuối xóm. Còn con trống có cái mào đỏ hực của nhà, chắc vẫn còn rúc đầu
vào bộ lông ả mái. Tiếng chim bắt đầu líu ríu trong vườn. Đàn chim có tổ và lũ
chim không biết xây tổ cùng hòa lên những khúc nhạc rộn vui trước khi rời chỗ
tá túc, bay đi tìm mồi.
Ông Út lóng nhóng nghe
ngóng thêm một lát rồi nhấc xuống nhà sau. Bà Út lục rục sau bếp dưới ánh đèn
điện. Nghe tiếng chân chồng, bà bước đến chỗ bình trà nóng được ủ trong cái
“bình thủy” - vỏ trái dừa khô. Nắp bình, vỏ bình lên nước bóng loáng. Lấy bình
trà ra khỏi vỏ, bà Út rót vào ba cái tách, đặt vào khay. Bà bưng khay trà, quay
lưng, bước. Ông Út nói với: “Cho ba má uống trà suông sao, bà?”. “Trà khuya mà,
ông! Với lại, trên bàn thờ còn bánh mứt chưa khui”.
Ông Út theo chân vợ,
đến trước bàn thờ cha mẹ. Ánh sáng vàng ấm từ bóng đèn điện trong chiếc hộp thủy
tinh đặt trên bàn thờ. Bức chân dung phóng to được lồng vào cái khung mạ vàng.
Lúc nào ông Út cũng có cảm giác cha mẹ như chưa hề đi xa. Từ vị trí bức ảnh,
qua cửa cái trước mặt, cửa sổ hai bên hông nhà, ông Út còn tin, cha mẹ có thể
nhìn thấy con đường mới tráng nhựa; thấy con sông quen thuộc bao đời; thấy người
xe qua lại, thấy xuồng ghe lác đác trên sông; rồi thấy ao cá, thấy liếp dừa và
thấy cả “phần xác” của mình được con cháu chăm nom.
Nhìn ảnh cha mẹ, ông Út
nhớ cái khoảnh khắc mà tay chụp hình dạo ghi lại khi ông bà ngồi cạnh nhau trên
hai chiếc ghế đặt trước hiên nhà. Ngôi nhà lúc đó vừa được xây xong nhờ phần lớn
vào số tiền ông tích cóp được được sau hơn một chục năm làm vườn, làm ruộng và
làm một “tay buôn” cụt chân, buôn đủ thứ vặt vãnh, tức buôn bán những mặt hàng
mà mình và bà con chòm xóm làm ra. Mùi sơn hăng hắc của nhà mới thỉnh thoảng vẫn
xộc vào mũi ông. Hai bộ quần áo bà ba, một màu xám tro, một màu mỡ gà, bộ nào
cũng hằn sâu nếp gấp do mẹ cất quá lâu trong chiếc rương hực mùi long não.
Ông Út nhớ cả lúc mình chống
nạng bước vòng ra sau lưng tay cầm máy ảnh đang nửa quỳ nửa ngồi chờ chọn được
khung hình đẹp. Ông nhớ, gã con trai cụt chân, bày đủ trò, lúc bằng tay, bằng mắt,
khi bằng miệng, bằng lời… cố làm cho cha mẹ được một lần tươi cười khi ngồi bên
nhau. Ông cũng còn nhớ, cả hai người đều mím môi mím lợi vì ngại phô ra hàm
răng xệu xạo.
Khoảnh khắc móm mém ngượng
ngùng đó, ánh mắt cha mẹ đầy nắng, thứ ánh nắng làm ông luôn cảm thấy ấm
lòng.
Ông ít khấn vái khi đứng
trước bàn thờ. Ông thường thủ thỉ trò chuyện với cha mẹ. Ông tin, phần xác đang
hóa thành đất trong ngôi mộ ngoài kia nhưng phần hồn cha mẹ vẫn hiển linh, vẫn
nghe ông nói.
Ông nói, hầu như mỗi
ngày. Trước kia, ông ít khi trò chuyện với cha, nhưng giờ thì ông tâm sự với cả
hai. Lúc ngắn gọn vài câu, như mời cha mẹ món ăn mà ông bà từng thích; mời cha
ly rượu, mời mẹ miếng trầu. Lúc dông dài, có đầu có đuôi, là khi ông cảm thấy mệt
mỏi, hay buồn bực trước những va chạm gây trầy trụa trong gia đình hay dòng họ.
Lúc ông thủ thỉ thì thầm. Lúc lại nói to, rõ tiếng, như lúc này: “Hôm nay, ngày
mồng 2 Tết, con với thằng cháu nội út của ba má đi ra nghĩa trang thành phố
thăm mộ anh hai, rồi con ghé nhà chúc Tết chị hai và gặp mặt mấy đứa cháu
luôn”.
Ông kiễng chân
trái, cái chân còn nguyên vẹn, với tay cắm ba cây nhang vào lư lương. Ông tần
ngần trước cha mẹ, rồi nói: “Ba má đừng buồn. Giờ tụi nhỏ thành thị đa phần là
như vậy. Tụi nó không thăm mình thì mình thăm nó, chuyện nhỏ mà, ba má!”
Ông rời khỏi bàn thờ, đẩy
cửa, bước ra mái hiên. Con đường hẹp hiện ra dưới sương sớm. Con sông rộng trước
mặt lờ đờ dòng chảy. Nước bắt đầu nhửng lớn. Tiếng lạch tạch của chiếc xuồng
máy nghe rõ dần. Đột nhiên, ông Út quay người, lộp cộp bước qua bàn thờ rồi đi
vô nhà sau. Thấy vợ lúi húi chọn chọn lựa lựa từ đống dưa hấu, ông nói: “Bà lựa
mấy trái thiệt ngon cho chị hai”. “Ông không phải dặn. Tui chuẩn bị rồi, có cả
bánh tét nhưn chuối, nhưn mỡ, nữa!”. “Vậy bà còn lờ rờ làm gì ở đó?”. “Tui lựa
ra một mớ ngon để chiều bán cho mối” “Bán thì bán nhưng nhớ chừa lại chục trái
để ăn”. Bà vui hẳn lên: “Mùa dưa năm nay được giá, chắc mình đủ tiền mua đôi
bông cho thằng út cưới vợ”.
Ông Út nhắc lại chỗ bàn đặt
bình trà, ngồi xuống ghế. Ông mở nắp trái dừa bình thủy, lấy bình, rót trà. Tay
cầm tách trà bốc khói, ông quay sang vợ:“Bà làm thêm một phần quà cho nhà con bạn
thằng út”. Bà Út dừng tay, trù trừ: “Người ta nhà giàu…”. Ông Út cắt ngang:
“Giàu không ăn dưa hấu, không ăn bánh tét à?”. Bà Út đứng lên: “Nhưng… quà quê…
tui sợ người ta chê”. Ông Út dằn tách trà xuống mặt bàn: “Ai, ai dám chê?”. Ông
gằn giọng: “Quê là xứ sở, là gốc gác, là mồ mả ông bà, tổ tiên...”. Bà phân trần:
“Đó là tui… tui phòng xa. Tui sợ người ta…”. Ông với lấy cái nạng gỗ, đứng phắt
dậy: “Sao bà phải sợ? Mắc gì bà phải sợ? Họ giàu mặc họ, sợ cái con c… gì!”.
Như bị chồng tạt trà nóng
vào mặt, bà Út rên lên: “Sao tui vừa mở miệng là ông nhảy tới vặn cổ vặn họng
tui? Tui nói vậy vì tui sợ món quà không tương xứng làm mất mặt thằng út…”.
Thình lình, ông Út giật chiếc nạng gỗ, phang vào bức tường trước mặt. Âm thanh
khô và đanh bật ra. Chiếc nạng rơi xuống, nảy tưng tưng mấy cái rồi nằm im. Ông
Út mất đà chới với trước khi đặt được đít lên ghế.
Mặt đỏ gay như vừa nốc hết
chai đế, ông Út chỉ vào mặt mình: “Thằng cụt này, nó không có cái mặt, hả?”. Bà
Út đớ lưỡi: “Tui… Tui…”. Ông Út xấn tới: “Bà chỉ biết có cái mặt thằng con của
bà! Vậy ai đẻ ra nó, ai nuôi dạy nó, ai thắt lưng buộc bụng cho nó ăn học để nó
có cái bằng kỹ sư lận lưng, ai?”. Bà Út ràn rụa nước mắt: “Thì mất mặt con cũng
là mất mặt cha mẹ nó”. Ông Út gầm lên: “Tui với bà làm gì mà mất mặt? Tui với
bà có ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp của ai không, hả?”
Không chống đỡ được, bà
Út chúi nhụi ngã vào đống dưa, Tiếng khóc của vợ làm ông Út hạ nhiệt. Bưng tách
trà uống liền mấy ngụm, ông dịu giọng: “Bà không phải lo sợ gì hết. Thằng út
không có con này thì có con khác. Què cụt như tui mà con rinh được bà, người đẹp
xứ dừa”. Ông nhấc tới mấy bước, cúi xuống, nắm tay vợ, kéo bà đứng lên.
Hơn chục lần bà Út
định cuốn gói rời bỏ chồng vì những cơn sấm sét bất thần trút xuống. Nhưng chưa
lần nào bà bước khỏi cửa nhà, bởi bà biết rõ lòng dạ ông. Giận bầm gan tím ruột
nhưng rồi bà dễ nguôi ngoai trước cái cách vừa biết lỗi, vừa biết pha trò của
chồng. Bà Út lựng xựng đứng lên. Lấy vạt áo chùi nước mắt, bà ấm ức: “Lúc nào
ông cũng ức hiếp tui!”.
Uống thêm ngụm trà,
ông Út nhìn vợ: “Công nhận lúc nóng máy, thắng không kịp, tui có quá trớn. Tui
làm bà ức, bà tức, bà buồn, bà tủi. Còn… hiếp… Cái vụ này… thì bà phải coi lại
à nghen. Bà nhớ lại đi… Nhiều lần tui thấy bà cũng… nổi hứng, cũng hợp tác làm
ăn với tui”. Bà Út ngượng ngịu, quay mặt, bước
đi. Ông Út nói với theo: “Bà làm
món gì dằn bụng, rồi kêu thằng út dậy, sáng bạch rồi!”.
Thằng út cao lớn, trắng
trẻo, xuất hiện ở cửa giữa: “Con thức lâu rồi!”. Trước khi đi vào chỗ vệ sinh,
nó lầu bầu: “Cha làm ầm bung ai mà ngủ được!”. Lúc ông Út ngồi ăn mấy khoanh
bánh tét nhưn mỡ với dưa củ kiệu, thằng út đã vận bộ trông bảnh như tài tử phim
Hàn. Áo sơ mi xanh nhạt bỏ vào quần bò xanh đậm, dây nịt da bò, chân đi giày da
màu đen, kính đổi màu treo trước ngực. Ông Út lên tiếng: “Ăn sáng đi, rồi đi!”.
“Con không đói!” Nó nói, rồi bước thẳng đến chỗ chiếc xe gắn máy.
2. Ông Út ngồi
sát vào lưng thằng con. Mặt đường trở nên hẹp. Từ hướng thành thị về nông thôn
lác đác mấy chiếc xe máy chở người, chở giỏ quà bọc trong lớp giấy kiếng, lồ lộ
trà, bánh, hạt dưa…. Cùng hướng với cha con ông Út, người xe lũ lượt. Không
khác thằng út, chúng ăn diện hệt dân thị thành. Chúng chào hỏi rối rít khi thấy
ông Út.
Thằng út lầm lỳ,
không nhường đường. Nó tăng ga, vượt lên. Gió sông, gió đồng, ràn rạt. Xe khật
khừ qua những chỗ lồi lõm, dằn xốc. Ông Út vòng hai tay qua bụng thằng út, ôm
chặt. Cơ bụng thằng út nổi múi, săn chắc. Ông Út định khen: “Cái bo đì của mày
coi bộ ngon đó!”. Nhưng rồi, ông nuốt lời chưa nói, nuốt luôn mớ nước bọt ứa ra
cổ họng.
Ông Út biết, cả năm
nay nó đều đặn đến phòng tập thể hình. Khỏe, đẹp ai cũng muốn nhưng xem ra, nó
quá chú trọng vẻ ngoài. Trước đây, cứ đến ngày nghỉ cuối tuần là nó phóng xe về
nhà. Ông Út thấy rỡ ràng với bà con chòm xóm vì thằng con làm công chức trên tỉnh
mà vẫn đỡ đần cha mẹ việc nặng nhọc ngoài rẫy, trong vườn.
Ông Út từng tin thằng
út có hiếu hơn hai thằng anh nó. Anh nó, cưới được vợ là thằng nào cũng lo rúc
đầu vô háng vợ. Khi con cái toài ra thì lo chăm bẳm cho cái gia đình nhỏ. Rồi lần
lượt, chúng bỏ vườn, bỏ rẫy, bỏ cha, bỏ mẹ, vật vờ trôi dạt ra thành phố, chầu
chực xin chỗ làm thuê, làm mướn. Lần hồi, mỗi năm chỉ chờ đến ngày lễ, ngày Tết
mới thấy mặt chúng.
Chưa vợ con nên thằng
út có mặt ở nhà cả ngày ba mươi và trọn ngày hôm qua, mùng một Tết, dù nó chỉ dẫn
cái xác về nhà. Đầu óc hồn vía nó thì ở lại với con kia. Lúc nào cũng cắm đầu
vô điện thoại, nói nói, cười cười. Ngay cả lúc vác mớ dưa hấu từ rẫy vô nhà, nó
vẫn không rời mắt khỏi màn hình điện thoại.
Ngồi sát vào thằng
út, hít thở mùi keo xịt tóc, mùi thịt da, mùi áo quần, mùi nước hoa đàn ông
hăng hăng, ông Út thấy thằng con còn xa cách hơn mấy thằng chạy xe ôm mà thỉnh
thoảng ông thuê họ chở đi đây đó khi có việc. Lúc đầu lằn ranh giữa hai cha con
chỉ nhỏ như một vết nứt khi ông biết nó không muốn về quê làm việc. Ông bỏ nhiều
công sức hàn gắn.
Ông nhấm cho nó một đứa
con gái xinh xắn nết na ở xóm trên. Ông hy vọng với tấm bằng kỷ sư nông nghiệp,
nó có đất dụng võ khi sống và làm việc trên mảnh đất quê nhà. Vợ chồng nó ở
chung nhà với cha mẹ, hoặc cũng có thể cất nhà riêng ngay trên miếng đất của của
ông bà, cha mẹ và cũng sẽ là của nó. Hai anh nó đã được chia phần và lần hồi đã
bán sạch. Chúng ra thành phố thuê chỗ trọ chật như cái chòi vịt. Nói là làm
trong xưởng, thực ra chẳng khác gì làm cu ly.
Khác hơn hai thằng
anh, thằng út có được tấm bằng đại học. Nó có thể làm chuyên môn ở phòng Nông
nghiệp huyện, nơi cách nhà chưa đầy năm cây số. Vườn tược cây trái quanh năm nếu
siêng chăm sóc. Cá tôm sinh sôi trong ao nếu biết dưỡng nuôi. Ruộng trồng mấy vụ,
cả bắp, khoai và dưa hấu. Nhà cạnh bờ sông lộng gió. Đường bộ, đường sông,
thông thống, đi đâu cũng tới. Rồi mồ mả ông bà. Mai kia còn mồ mả mẹ cha.
Kế hoạch ông Út bị
phá vỡ. Ông vẫn không sao quên được lúc mắt nó quắc lên: “Cha đừng áp đặt, đừng
bó buộc con. Con không thể sống như cha mẹ!”. Dứt lời, nó phóng lên xe. Cũng
như hai thằng anh, nó lao lách về phía tối sáng thị thành. Cái khoảng cách giữa
hai cha con đã hoang hoác thành cái vực sâu. Trước, cu dái bị kiến cắn, nó cũng
vạch quần cho cha xem. Giờ, nó kín bưng như bình xăng đậy nắp.
Ông Út thấy ngột ngạt dù
gió vẫn ràn rạt thịt da. Ông lên tiếng: “Mày kiếm cái quán hủ tiếu ghé vô một
chút!”. “Cha ăn sáng rồi, mà!”. “Thì mày cũng phải ăn, chớ?”. “Con nói rồi, con
chưa đói!”. “Mày không ăn thì cũng cho thằng cha mày hút điếu thuốc”. Điện thoại
đổ chuông. Nó lấy điện thoại ra, nhìn màn hình rồi bỏ vào túi. “Cha ráng nhịn
chút đi, gần tới rồi!”. “Đ. m… Tao là cha hay mày…”. Ông chưa nói hết câu, thằng
út xoay tay ga. Xe chồm lên. Mấy túi đựng dưa, đựng bánh tét va vào nhau. Ông lật
đật ôm lấy người nó.
3. Thả cha xuống nghĩa trang, thằng
út nói: “Khi nào viếng bác hai xong, cha gọi chiếc xe ôm. Con có hẹn nên không
đợi cha được”. “Mày mang dưa mang bánh tới nhà bác hai…”. Nó không chờ cha nói
hết câu, vặn ga, phóng đi.
Ngôi mộ anh trai của ông
Út nằm phía mặt tiền nghĩa trang thành phố, nằm dãy thứ hai, ngôi mộ thứ ba,
tính từ lối đi chính. Nhiều vòng hoa còn tươi đặt dài theo lối đi chính với những
dòng chữ kính viếng của một số cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Ngôi mộ anh trai ông Út nổi
bật bởi sự giản dị giữa sự cầu kỳ từ màu sắc, kiểu dáng của những ngôi mộ trước
mặt, mộ hai bên và xung quanh. Mộ chí anh ông chỉ một màu đen của đá. Bức chân
dung cũng là bức ký họa bằng bút chì với nét mặt ẩn hiện chỉ những người thân mới
nhận ra. Mộ được gia đình xây theo di nguyện của một người suốt cả cuộc đời cút
cun, tận tụy việc nước, việc dân.
Mới một năm mà mộ phần
nhiều thêm khá nhiều. Tết năm trước, dãy mộ phía sau và nhiều dãy khác, còn trống
một số chỗ, cỏ mọc chỗ lún phún, chỗ xanh
rì. Ông Út nhớ. Ông gợi ý với mấy đứa con
anh hai, là tìm cách để mẹ chúng có được một suất dưỡng già với hy vọng cha mẹ
của chúng, tuy không được nằm cạnh nhau như ông bà nội, cũng sẽ được nằm chung
trong một nghĩa trang.
Rồi ông được chúng cho
ông biết, mẹ chúng chỉ làm nội trợ nên có mất cũng không có tiêu chuẩn chôn
cùng một nghĩa trang với chồng. Nghe, ông nổi giận: “Mẹ, chết mà
còn phân biệt đối xử! Chết mà cũng đày ải, mỗi người một
nơi”. Ông Út nhắc tới trước ngôi mộ của anh
trai. Đầu mộ, chân mộ vàng hực hoa vạn thọ. Loại hoa mau tàn mang cái tên gọi
trường thọ này cũng được trồng quanh mộ phần mẹ cha.
Không giống như khi đứng
trước mộ cha mẹ, ông Út không biết nói gì với anh trai. Khi anh còn sống, ông
cũng chưa một lần bộc bạch gan ruột với anh trai. Kỷ niệm ít ỏi giữa hai anh em
cứ phai dần.
Khác với em trai, anh ông
giỏi chế ngự cảm xúc. Ông chưa thấy anh trai nóng giận hay mắng mỏ ai. Từ tốn,
hòa nhã, đúng mực. Ngay khi hay tin mẹ mất ông vẫn giữ bình tĩnh trong phần thời
gian còn lại của cuộc họp mà ông không thể vắng mặt. Anh ông tối giản nhu cầu bản
thân đến mức có thể. Và quên luôn cái nhu cầu được trò chuyện với thằng em, mà
khi làm đơn tình nguyện ra chiến trường, nó mang theo cả niềm tự hào về mình. Kể
cả sau khi khúc chân của nó bỏ lại chiến trường K, chính nó, thằng em tật nguyền,
chớ không phải anh ông, một quan chức cao cấp chỉ đứng sau một người đứng đầu tỉnh,
là người kề cận dưỡng nuôi cha mẹ. Nhiều lúc ông Út thầm trách anh mình.
Giờ, đứng trước
ngôi mộ và bức ký họa không rõ mặt mũi người quá cố, ông Út chỉ thấy thương anh
trai. Ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay, anh trai ông cũng nằm đơn độc giữa cái tập
thể đông đúc lạnh lẽo kia.
Ông Út lấy gói thuốc
Jet và hộp quẹt gar từ túi áo ra, bật lửa châm một điếu. Ông găm điếu thuốc vào
chân nhang trên lư hương. Ông mời anh trai điếu thuốc, dù biết khi sống, anh
ông không hút thuốc.
Trên đường từ nghĩa trang
về nhà thằng Tư, nơi đặt bàn thờ anh hai, tay chạy xe ôm cứ lẳng nhẳng bắt chuyện.
Ông Út ừ à cho qua. Đầu óc ông nẩy ra ý nghĩ mà ông chưa từng nghĩ.
Ông sẽ cho lấp cái ao cá, nối liền hai liếp dừa làm thành một vuông đất dành
làm khu mộ của gia đình. Mộ anh hai và mai này trăm tuổi già, chị hai cũng về
đó. Như vậy, anh chị sẽ không bị chia cắt. Và cha mẹ được gần con, rồi em sẽ được
gần anh. Khi sống không gần nhau, lúc thác lại được bên nhau.
Khi xe rẽ vào con đường
tráng nhựa phẳng phiu dẫn về khu đô thị mới, nơi có ngôi biệt thự của thằng tư,
ông Út nhận ra, ý nghĩ chợt đến lúc nãy, chỉ là ước muốn của riêng ông. Với con
đường quan lộ trơn tru của thằng Tư, vị thế mà anh hai đang nằm ở nghĩa trang
thành phố, còn là lá bùa hộ mệnh cho nó.
4. Nhà thằng Tư
mở cổng. Xe ôm chạy thẳng vào trong sân, nơi đậu chiếc ô tô và mấy chiếc xe gắn
máy. Thấy em chồng xuống xe, nhắc từng bước vô nhà, bà chị dâu bước ra:
"Sao chú Út không gọi để mấy cháu đón ?". "Phiền mấy nhỏ, chị
hai!". Chợt thấy cái đít xe gắn máy của thằng út quay ra chỗ góc sân, ông
hỏi: "Ủa, thằng Út em ở trong nhà, hả chị?" "Nó mang lỉnh kỉnh mấy
túi dưa túi bánh tới rồi lật đật nhảy lên xe thằng Tư. Hình như hai anh em đi
chúc Tết".
Lúc đặt khay trà
trước mặt em chồng, bà chị dâu hỏi: "Năm nay sao chú thím mang ra nhiều
dưa, nhiều bánh quá vậy?". Ông Út sững lại. Vợ ông đoán không sai. Thằng
Út sợ túi quà quê của cha mẹ làm nó xấu mặt. Cái tủ thờ gỗ trắc vừa to vừa cao.
Ông Út không sao nhìn được di ảnh người anh đặt trên bàn thờ. Ông chỉ thấy
loáng thoáng mặt mũi của chính ông qua lớp gỗ nổi vân loang loáng.
Khi ngồi vào bàn ăn
ở phòng ăn, ông lại thấy mặt mũi mình trước mặt kính của tủ rượu. Tủ rượu vừa
to vừa cao với nhiều chủng loại rượu được bày đẹp mắt như trong một siêu thị mi
ni chuyên bán rượu. Ông Út nhìn lom lom vào tủ rượu. Ông thấy rõ mồn một cái đầu
cái mặt sạm nắng gió của gã đàn ông râu thưa, tóc bạc, đang nhấp nhổm trên chiếc
ghế được chạm trỗ cầu kỳ.
Hai vị khách ăn mặc
sang trọng, hai thằng bạn của thằng tư ngồi đối diện nhau, đàm đạo hết chuyện
này đến chuyện khác, lâu lâu cầm ly bia chạm vào ly bia mà người chú ruột của
chủ nhà mới uống một ngụm.
May là chị dâu
không bỏ thằng em chồng tật nguyền ngồi với khách. Ông Út biết bà chị ngồi vào
bàn ăn cũng vì ông. Thức ăn được chị bếp bày lủ khủ. Chị dâu gắp thức ăn vào
chén cho ông. Hai người khách chờ chủ nhà, chưa động đũa. Ông Út thấy đói nhưng
cũng như hai vị khách kia, chờ thằng tư.
Tiếng ô tô tắt máy ngoài sân.
Thằng tư vào trước, theo sau là thằng Út. Bước thẳng vô bàn ăn, thấy ông Út, thằng
Tư cười rộng miệng rồi chỉ vào thằng Út, nói: "Chú có thằng con coi vậy mà
ngon đó, chú?" "Cái gì mà ngon, mậy?" "Nó cua được con gái
của một triệu phú đô la!".
Ông Út chưa kịp phản ứng,
thằng tư nói tiếp: "Ông già vợ tương lai của nó là đối tác làm ăn của bọn
con". Thằng Út nhìn thằng Tư, ánh mắt cầu tài: "Em sợ… chưa chắc, anh
tư!" Thằng tư quay lại thằng Út: "Hồi nãy tao nhìn thấy rõ là con mồi
đã cắn câu. Con bé mết mày ra mặt. Cả ông già nó, coi bộ cũng khoái mày".
Một trong hai người bạn của thằng Tư lên tiếng: "Còn muốn chắc ăn hơn, chú
mày làm cho thị dính bầu".
Ông Út chống nạng đứng
lên, nói với chị dâu: "Em thấy lùng bùng cái lỗ tai!". "Chú Út
ăn chút gì đi, rồi lên lầu nằm nghỉ". Thằng tư chặn lại: "Chú Út chưa
được nằm nghỉ đâu!", thằng Tư vừa cười vừa nói.
Câu nói nghe nhẹ hều
của thằng Tư lại có sức nặng. Ông Út lượng sượng ngồi xuống ghế. Thằng Tư nhìn
thằng Út: "Mày lại tủ rượu lấy chai Ballantines 20 năm ra đây!".
Thằng Út chưa kịp đứng
lên, thằng bạn ngồi cạnh thằng Tư lên tiếng: "Bọn em có mang biếu anh chai
40 năm". Thằng ngồi cạnh thằng vừa nói, vội cúi xuống bê cái túi quà Tết đặt
lên bàn.
Thằng ngồi cạnh
thằng Tư lấy chai Ballantines 40 năm từ túi quà, đưa cho chủ nhà. Thằng Tư cầm
chai rượu, nói luôn: "Khui chai này cho hên!"
Thằng Tư cầm chai
rượu mở nắp rồi lần lượt rót vào sáu cái ly. Nó đưa ly rượu cho mẹ: "Má nhấm
một chút!". Bà Hai đón lấy ly rượu với vẻ mặt bối rối.
Sau khi đưa
ly rượu cho ông Út rồi đến lượt hai người bạn và sau cùng là thằng Út, thằng Tư
cầm ly rượu chạm vào ly từng người: "Hôm nay vừa mừng năm mới, vừa mừng
cho thằng em con chú Út có được cái cơ hội đổi đời. Nào, xin mời tất cả, cạn
ly!"
Đặt cái ly cạn rượu
xuống bàn, ông Út thấy mặt mình đỏ rần trong mặt kính. Ông biết, rượu ngon chưa
kịp ngấm vào máu. Nỗi nhục đôi khi cũng làm con người thay đổi sắc diện. Đúng
ra, ông đã xô ghế, đứng dậy, quát tháo, la mắng, văng tục khi thấy việc chướng
tai, gai mắt. Anh trai ông liêm khiết đức độ chừng đó, mà thằng con và bè bạn của
nó, lại là một lũ thủ đoạn, gian manh.
Ông Út vẫn ngồi im, nín
nhịn.
Trong căn phòng ăn sang
trọng của ngôi biệt thự lộng lẫy mà ông Út biết chắc, là không chỉ xây trên nền
móng bằng bê tông sắt thép mà còn bằng mồ hôi, nước mắt của anh trai ông và cả xương
máu của chính ông; ông không chỉ là thằng thương binh 2/4 mà trở thành một kẻ
tàn phế, hoàn toàn tàn phế. Cầm ly rượu sóng sánh màu hổ phách thằng Tư vừa rót
thêm, mặt sượng sùng, ông Út vẫn mở miệng: "Sao gọi là rượu bốn chục năm,
mậy?". Thằng Tư cười, nói: "Đơn giản vì nó được ủ tới bốn chục năm và
ngon". Ông Út hỏi tiếp: "Vậy loại này chắc đắt tiền?".
Thằng biếu rượu lên tiếng: "Cũng không đắt lắm, chỉ khoảng trên dưới hai trăm triệu!". Ông Út
chới với: "Cái gì? Chai rượu mà tới hai trăm triệu?". Thằng Tư cười
cười :"Rượu này cũng thường thường bậc trung thôi, chú! ".
Ông Út lắp bắp:
"Mày… mày nói... thường thường… bậc trung… một chai rượu tới… tới
hai trăm triệu… Trời ơi, mấy mùa bắp, mấy mùa dưa tao với thiếm mày làm thấy mụ
nội, mà bán chưa tới chục triệu…".
Ông Út không nói hết câu.
Nước mắt ầng ậc, trào ra. Ông nức nở không thành tiếng. Thằng Tư cau mặt, hất
hàm về phía thằng Út: "Đưa ông già mày lên lầu nghỉ đi. Tết nhứt kiểu
này…".
Thằng tư bỏ lửng câu nói, cầm chai
Ballantines 40 năm, rót tiếp vào ly.
Tết Kỷ Hợi, 2019
Bích Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét