"Mắt xanh”,"mắt trắng"
Không chỉ ở thời hiện đại mới có giai thoại về những
câu chuyện “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa các nhà sáng tác và phê bình,
mà đã có từ rất xa xưa, không chỉ ở ta, ở phương Đông mà có ở khắp nơi trên thế
giới.
Giai thoại kể nhà văn Nguyễn Tuân nói sau này khi chết sẽ
chôn theo vài nhà phê bình xem ra vẫn còn là nhẹ nhàng vì biết đâu cái ý của
ông là cả nhà văn và nhà phê bình cùng sang bên kia thế giới để mà “tâm sự” hay
cãi nhau cho vui…
Ở phương Tây vốn thiên về lý trí, sự mâu thuẫn xem ra còn
căng thẳng hơn khi có nhà văn gọi nhà phê bình là “kẻ không thể trở thành nhà
văn lại thích viết văn”. Thậm chí có người “định nghĩa”: “Khi những kẻ ngu ngốc
xét đoán những người thông thái thì gọi là phê bình”. Có nhà văn mỉa mai một
cách “rất nghệ thuật”: “Nhà phê bình như những kẻ thái giám, biết cả nhưng
không làm được”.
Thầy trò ĐônKihôtê.
Thật chua ngoa, nanh nọc nhưng thừa nhận so sánh giỏi. Thái
giám là những người đàn ông bị thiến hoạn có nhiệm vụ trông coi cung nữ cho nhà
vua nên biết nhiều chuyện “cung cấm”. Họ thường khó tính và hay xét nét. Nhưng
“không làm được” gì, vì… Nhà phê bình biết tuốt, thậm chí biết giỏi hơn nhà
sáng tác về các công đoạn sáng tác nhưng không sáng tác được. Xem ra hoàn cảnh
hai bên cũng… giống nhau!
Hẳn nhiên phê bình cũng “vặc” lại: “Nhà văn là loại người
không bao giờ đủ lớn đủ khôn để có thể xét đoán (nghệ thuật) theo kiểu phê
bình”…
Thực tế thì phê bình và sáng tác là anh em trong gia đình nghệ
thuật có vai trò, chức năng riêng và rất cần đến nhau. Phê bình hiện diện như
là lẽ đương nhiên vì trong nhà sáng tác nào cũng có một nhà phê bình. Nhà văn
nào cũng phải sửa chữa, thêm câu giũa chữ… thì đó chính là một phần công việc
phê bình… Tác phẩm phải có bạn đọc, tức là phải có quá trình tiếp nhận. Tiếp nhận
chính là phê bình!
Lịch sử phê bình phương Đông xem ra có phần sớm và đậm hơn
phương Tây khi lối phê bình tri âm sớm phát triển. Khởi nguyên bằng một câu
chuyện. Bá Nha khi đàn nghĩ đến núi, Chung Tử Kỳ nghe bèn nói tiếng đàn vời vợi
như non cao.
Bá Nha đàn nghĩ đến biển, Tử Kỳ mơ màng nhận xét tiếng đàn
mênh mang như sóng nước đại dương. Tử Kỳ chết. Bá Nha đàn chẳng ai hiểu bèn đập
đàn bỏ vào núi. Câu nói của Nguyễn Hành trong “Minh quyên thi tập” thật chí lý:
“Tiếng kêu não nùng của con cuốc, cuối cùng chỉ lơ lửng treo trên cành cây mà
thôi. Ta kêu bằng văn chương chữ nghĩa, đến tập thơ này là tột cùng của sự đau
khổ rồi… Ai là người nghe thấy được, để nối tiếp tiếng kêu mà kêu thêm lên?”.
Trong lời kêu gọi phê bình này của nhà thơ như có cả máu và nước mắt!
Truyện Kiều có câu: “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng
để ai vào có không”, là lấy từ cái tích “mắt xanh mắt trắng”. Điển cố kể, có bảy
người nổi tiếng chơi với nhau, người đời gọi là “Trúc lâm thất hiền” (bảy người
hiền ở rừng trúc), gồm: Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú,
Vương Nhung và Nguyễn Tịch.
Nguyễn Tịch tên đầy đủ là Nguyễn Nguyên Tịch, đời nhà Tấn, là
người rất hay uống rượu (nhưng chưa bằng Lưu Linh) và đàn cũng rất giỏi. Vẫn
còn lưu lại giai thoại về ông, biết một nơi nọ có người cất rượu rất ngon, trữ
tới 300 hũ mỹ tửu, ông liền xin vào làm một chức nhỏ ở nơi ấy để được thưởng thức.
Nguyễn Tịch hay say, có lần say liền 60 ngày, đến nỗi vua Tấn
muốn nói chuyện với ông mà không được. Người đời gắn cho ông biệt hiệu “cuồng
túy”. Làm quan một thời gian ngắn, thấy chốn quan trường đầy rẫy những sự hèn mạt,
ông cáo quan rồi đi ngao sơn du thủy, kết bạn với những người mình thích. Nguyễn
Tịch có cách ứng xử độc đáo, khác người, rất lạ lùng.
Khi nói chuyện, nếu người đối thoại là hạng quân tử, hoặc là
người mình ưa, ông nhìn bằng con mắt có tròng xanh. Khách là kẻ tiểu nhân tầm thường,
hoặc là người mình ghét thì nhìn bằng con mắt có tròng trắng. Người đời sau
dùng chữ “mắt xanh” để chỉ sự tinh tường trong phát hiện, công tâm trong đánh
giá. Từ Hải nói với Kiều: “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?” chứng tỏ Từ cũng
là người có học, biết đến tài năng, nhân cách, và trân trọng vẻ đẹp của Kiều. Ý
Từ muốn hỏi Kiều: nàng tìm thấy ai là người vừa ý, người mình yêu chưa? Không hề
võ biền, Từ là người thật tinh tế, ý nhị.
“Mắt xanh” là một ẩn dụ thật đích đáng dành cho nhà phê bình
nào đó có công phát hiện ra một tác phẩm hay, khẳng định tài năng một tác giả
khả kính… Nhưng “mắt xanh” trong phê bình luôn là sự hiếm hoi. Vì đặc trưng của
văn học và của chính phê bình.
Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Mà
hình tượng thì phải lung linh đa nghĩa nên cần có nhiều cách tiếp cận, nhiều
cách hiểu khác nhau. Do vậy mà có khi một nhân vật văn chương chia đôi, chia ba
thế giới tiếp nhận, người khen, kẻ chê, người đồng tình, người phản đối…
Trường hợp nhân vật Thúy Kiều là một ví dụ tiêu biểu. Ngay
chính Nguyễn Du đã để cho một nhân vật (Thúc Sinh) ca ngợi Kiều có cái đẹp
ngang với sự tuyệt mỹ của tạo hóa: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn
đúc một tòa thiên nhiên”. Nhưng đến cụ Nguyễn Công Trứ thì lại hạ Kiều xuống
đáy: “Thập thành con đĩ mắc mưu quan”…
Đánh giá khác nhau là chuyện bình thường, ngay cả với những
tên tuổi lớn. Sêkhôp có truyện ngắn “Người tỉnh nhỏ” xây dựng hình tượng người
đàn bà nhiều đời chồng, chồng nào cũng yêu cũng chiều. L.Tônxtôi coi đó là điển
hình cho những người phụ nữ vị tha đáng khen. Nhưng V. Lênin lại nhìn thấy chị
ta tiêu biểu cho cái tình hời hợt, dựa dẫm, thiếu bản lĩnh, thiếu cá tính… Rồi
Gớt – đại thi hào không phục và rất ít đọc Sếchxpia…
Ngày nay nhân loại xếp tiểu thuyết “Đôn Kihôtê” của Xécvantec
hay nhất thế gian nhưng quá khứ thì nó có một số phận rất bấp bênh. Mới đầu bạn
đọc Tây Ban Nha coi Đôn Kihôtê là một kẻ điên, chẳng có gì hấp dẫn, đáng đọc để
rồi rẻ rúng tác phẩm. Ở Pháp thế kỷ XVII lại “đọc” nhân vật đó theo cái nhìn đạo
lý, coi tác phẩm mang tính thuyết giáo. Bạn đọc Anh lại coi đó là nhân vật biểu
tượng cho lý tính răn dạy người đời. Bạn đọc Nga lại xem nhân vật là sự “giải
thiêng” các lý tưởng lỗi thời…
Ngoài lối phê bình “tri âm” và nhiều kiểu tiếp nhận tiến bộ
khác, ở phương Đông phong kiến khắc nghiệt còn có lối tiếp nhận thật sự kinh
hoàng, để lại trong lịch sử những “văn tự ngục”, “án văn tự” khủng khiếp. Đời
nhà Thanh có nhà thơ tên Tử Tuấn làm bài thơ có hai câu: “Minh nguyệt hữu tình
hoàn cố ngã/ Thanh phong vô ý bất lưu nhân” (Trăng sáng có tình còn nhìn ta/
Gió mát vô ý không giữ người lại). Ý thơ hay, lai láng. Cảm xúc bay bổng như muốn
hoá thân vào thiên nhiên. Thế mà chỉ vì có hai chữ “Minh”, “Thanh” ở đầu câu để
rồi triều đình khép tội “kỵ huý” đến nỗi tác giả bị xử trảm…
Phê bình, dù có cố gắng đến đâu cũng khó thoát khỏi sự cảm
tính. Ngày nay khái niệm “đọc nhầm” (misreading) đang trở nên phổ biến, tức coi
phê bình có nhiều cách hiểu, thậm chí “nhầm” cũng là một cách hiểu. Đích đến của
phê bình là sự khắc phục các cách hiểu để dần đưa vấn đề đến chân lý. Đấy cũng
là cách kéo bạn đọc ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đến với văn chương (hiểu nhầm
còn hơn không đọc). Và có những cách hiểu lạ lẫm, thú vị được đề cao.
Ví như truyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” (vốn của
Puskin) của người Nga, trước đó hầu như chỉ có một cách tiếp nhận coi ông lão
đánh cá thật thà, lương thiện, đáng kính trọng và đáng học tập, làm theo. Nhưng
có một cậu bé mới sáu, bảy tuổi được nghe mẹ kể (là một Nghệ sỹ nhân dân). Người
mẹ kể xong rồi kết luận (theo phong trào) phải học tập tính cách nhân hậu
thương người của ông lão. Nhưng đứa con phản ứng lại thật bất ngờ: ông lão ấy dốt
thế, đã xin được nhà này nhà nọ, chức này chức nọ, thế mà cái cần nhất là xin một
bà vợ khác, tử tế hơn lại không xin…
Không thể khẳng định cậu bé này có “con mắt xanh” nhưng chắc
chắn ý của cậu là một cách hiểu. Dưới góc nhìn của lý thuyết đọc “nhầm” thì cậu
ta “nhầm thể loại” vì tư duy cổ tích là tư duy ngây thơ nên nếu nhìn bằng con mắt
khôn ngoan của hôm nay thì sẽ dẫn đến bắt bẻ…
Tóm lại phê bình văn chương không hề tẻ nhạt mà đang bung ra
mời gọi và thách thức… Mỗi người đọc là một nhà phê bình. Xin mời bạn!.
5 tháng 1 năm 2020
Nguyễn Thanh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét