Lời giới thiệu bộ tiểu thuyết sử thi:
"Chiến tranh và hòa bình" của Tolstoy
"Chiến tranh và hòa bình" của Tolstoy
LỜI GIỚI THIỆU
Chiến tranh và hòa bình (tiếng Nga: Война и
мир, Voyna i mir) là một bộ tiểu thuyết sử thi của Lev Nikolayevich Tolstoy, được
nhà xuất bản Russki Vestnik in lần đầu từ năm 1865 đến 1869. Đây là tác phẩm phản
ánh một giai đoạn bi tráng của toàn xã hội Nga, từ giới quý tộc đến nông dân,
trong thời đại Napoléon, và được coi là một trong hai kiệt tác chính của
Tolstoy (tác phẩm thứ hai là Anna Karenina). Chiến tranh và hòa bình cũng đồng
thời được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế
giới.
Tác phẩm mở đầu với khung cảnh một buổi tiếp tân, nơi có đủ mặt các nhân
vật sang trọng của giới quý tộc Nga tại kinh kỳ Saint Petersburg. Bên cạnh những
câu chuyện thường nhật của giới quý tộc, người ta bắt đầu nhắc đến Hoàng đế
Napoléon I và cuộc chiến tranh chống Pháp sắp tới mà Nga sắp tham gia. Trong số
những tân khách hôm ấy có công tước Andrei Bolkonsky - một người trẻ tuổi, đẹp
trai, giàu có, có cô vợ Liza xinh đẹp mới cưới và đang chờ đón đứa con đầu
lòng. Và một vị khách khác là Pierre người con rơi của lão bá tước Bezoukhov, vừa
từ nước ngoài trở về. Tuy khác nhau về tính cách, một người khắc khổ về lý trí,
một người hồn nhiên sôi nổi song Andrei và Pierre rất quý mến nhau và đều là những
chàng trai trung thực, luôn khát khao đi tìm lẽ sống. Andrei tuy giàu có và
thành đạt nhưng chán ghét tất cả nên chàng chuẩn bị nhập ngũ với hy vọng tìm được
chỗ đứng của một người đàn ông chân chính nơi chiến trường. Còn Pierre từ nước
ngoài trở về nước Nga, tham gia vào các cuộc chơi bời và bị trục xuất khỏi
Saint Petersburg vì tội du đãng. Pierre trở về cố đô Moskva, nơi cha chàng đang
sắp chết. Lão bá tước Bezoukhov rất giàu có, không có con, chỉ có Pierre là đứa
con rơi mà ông chưa công nhận. Mấy người bà con xa của ông xúm quanh giường bệnh
với âm mưu chiếm đoạt gia tài. Pierre đứng ngoài các cuộc tranh chấp đó vì
chàng vốn không có tình cảm với cha, nhưng khi chứng kiến cảnh hấp hối của người
cha lúc lâm chung thì tình cảm cha con đã làm chàng rơi nước mắt. Lão bá tước mất
đi để lại toàn bộ gia sản cho Pierre và công nhận chàng làm con chính thức.
Công tước Kuragin không được lợi lộc gì trong cuộc tranh chấp ấy bèn tìm cách dụ
dỗ Pierre. Vốn là người nhẹ dạ, cả tin nên Pierre rơi vào bẫy và phải cưới con
gái của lão là Hélène, một cô gái có nhan sắc nhưng lẳng lơ và vô đạo đức.
Về
phần Andrei chàng quyết định gởi vợ cho cha và em chăm sóc sau đó gia nhập Quân
đội Nga. Khi lên đường Andrei mang một niềm hy vọng là có thể tìm thấy ý nghĩa
cuộc sống cũng như công danh trên chiến trường. Chàng tham chiến trận đánh
Austerlitz - nơi Napoléon I đã đánh tan nát quân Liên minh Nga - Áo, bản thân
chàng thương nặng, bị bỏ lại chiến trường. Khi tỉnh dậy chàng nhìn thấy bầu trời
xanh rộng lớn và sự nhỏ nhoi của con người, kể cả những mơ ước, công danh và kể
cả Napoléon I - vốn là một thần tượng của chàng. Andrei được đưa vào trạm quân
y và được cứu sống. Sau đó, chàng trở về nhà chứng kiến cái chết đau đớn của người
vợ trẻ khi sinh đứa con đầu lòng. Cái chết của Lisa, cùng với vết thương và sự
tiêu tan của giấc mơ Toulon - cầu Arcole đã làm cho Andrei tuyệt vọng. Chàng
quyết định lui về sống ẩn dật. Có lần Pierre đến thăm Andrei và đã phê phán
cách sống đó. Lúc này, Pierre đang tham gia vào hội Tam điểm với mong muốn làm
việc có ích cho đời.
Một lần, Andrei có việc đến gia đình bá tước Rostov. Tại
đây, chàng gặp Natalia (Natasha) con gái gia đình của bá tước Rostov. Chính tâm
hồn trong trắng hồn nhiên và lòng yêu đời của nàng đã làm hồi sinh Andrei.
Chàng quyết định tham gia vào công cuộc cải cách ở triều đình và cầu hôn
Natasha. Chàng đã được gia đình bá tước Rostov chấp nhận, nhưng cha chàng phản
đối cuộc hôn nhân này. Bá tước Bolkonsky (cha của Andrei) buộc chàng phải đi trị
thương ở nước ngoài trong khoảng thời gian là một năm. Cuối cùng, chàng chấp nhận
và xem đó như là thời gian để thử thách Natasha. Chàng nhờ bạn mình là Pierre đến
chăm sóc cho Natasha lúc chàng đi vắng. Natasha rất yêu Andrei, song do nhẹ dạ và
cả tin nên nàng đã rơi vào bẫy của Anatole con trai của công tước Vassili, nên
Natasha và Anatole đã định bỏ trốn nhưng âm mưu bị bại lộ, nàng vô cùng đau khổ
và hối hận. Sau khi trở về Andrei biết rõ mọi chuyện nên đã nhờ Pierre đem trả
tất cả những kỷ vật cho Natasha. Nàng lâm bệnh, người chăm sóc và thông cảm cho
nàng lúc này là Pierre.
Vào lúc này, nguy cơ chiến tranh giữa Pháp và Nga ngày
càng đến gần. Cuối năm 1811, quân Pháp tiến dần đến biên giới Nga, quân Nga rút
lui. Đầu năm 1812, quân Pháp tiến vào lãnh thổ Nga. Cuộc Chiến tranh Vệ quốc
Nga bùng nổ. Vị tướng già Mikhail Koutouzov được cử làm Tổng tư lệnh quân đội
Nga. Trong khi đó, quý tộc và thương gia được lệnh phải nộp tiền và dân binh.
Pierre cũng nộp tiền và hơn một ngàn dân binh cho quân đội. Andrei lại gia nhập
quân đội, ban đầu vì muốn trả thù tình địch, nhưng sau đó chàng bị cuốn vào cuộc
chiến, bị cuốn vào tinh thần yêu nước của nhân dân. Trong trận Borodino, dưới sự
chỉ huy của vị Nguyên soái Koutouzov quân đội Nga đã chiến đấu dũng cảm tuyệt vời,
với kết quả là chiến thắng lớn lao về mặt tinh thần. Andrei cũng tham gia trận
đánh này và bị thương nặng. Trong lán quân y, chàng gặp lại tình địch của mình
cũng đang đau đớn vì vết thương. Mọi nỗi thù hận đều tan biến, chàng chỉ còn thấy
một nỗi thương cảm đối với mọi người. Chàng được đưa về địa phương. Trên đường
di tản, chàng gặp lại Natasha và tha thứ cho nàng. Và cũng chính Natasha đã
chăm sóc cho chàng cho đến khi chàng mất.
Sau trận huyết chiến ở Borodino, quân
Nga rút khỏi Moskva. Quân Pháp chiếm được Moskva nhưng có tâm trạng vô cùng lo
sợ. Pierre trở về Moskva giả dạng thành thường dân để ám sát Napoléon. Nhưng âm
mưu chưa thực hiện được thì chàng bị bắt. Trong nhà giam, Pierre gặp lại Platon
Karataev, một triết gia nông dân. Bằng những câu chuyện của mình, Platon đã
giúp Pierre hiểu thế nào là cuộc sống có nghĩa.
Quân Nga bắt đầu phản công và
tái chiếm Moskva. Quân Pháp rút lui trong hỗn loạn. Nước Nga thắng lợi bằng
chính tinh thần của cả dân tộc Nga chứ không phải do một cá nhân nào, đó là điều
Koutouzov hiểu còn Napoléon thì không. Sau chiến thắng, Koutouzov muốn cho nước
Nga được nghỉ ngơi chứ chẳng muốn can thiệp thêm gì vào tình hình châu Âu.
Trên
đường rút lui của quân Pháp, Pierre đã trốn thoát và trở lại Moskva. Chàng hay
tin Andrei đã mất và vợ mình cũng vừa mới qua đời vì bệnh. Chàng gặp lại
Natasha, một tình cảm mới mẻ giữa hai người bùng nổ. Pierre quyết định cầu hôn
Natasha. Năm 1813, hai người tổ chức đám cưới. Bảy năm sau, họ có bốn người
con. Natasha lúc này không còn là một cô gái vô tư hồn nhiên mà đã trở thành một
người vợ đúng mực. Pierre sống hạnh phúc nhưng không chấp nhận cuộc sống nhàn tản.
Chàng tham gia vào những hội kín - đó là các tổ chức cách mạng của những người
tháng Chạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét