Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Trường cũ

Trường cũ

CHƯƠNG 1
Như tất cả những căn nhà lá được dựng lên trên đổ vỡ của tiêu thổ kháng chiến hồi mới về tề, trường của tôi vách bùn trộn rơm, mái rạ, nằn sau đền Mẫu. Trường chỉ có ba lớp. Đệ ngũ và đệ lục học buổi chiều. Đệ tứ học buổi sáng tại nhà riêng của thầy hiệu trưởng Đinh Văn Lô. Cổng trường cách con đường tráng nhựa một vỉa hè nhỏ, nước cống đen nháy lưu thông quanh năm. Bên kia là dẫy nhà của vợ lính, me Tây và gái giang hồ. Phía trong là khu nhà thương viện trợ Mỹ trông giống như cái tùm hum, xám xịt, dán đầy nhãn hiệu hai bàn tay nắm chặt nhau trên nền cờ Mỹ. Suốt ngày, xe cứu thương Pháp cắm cờ Hồng Thập Tự, bóp còi inh ỏi chạy qua. Chúng tôi đã học hành trong cảnh thê lương và chết chóc đó.
Ngày khai trường inh ỏi tiếng guốc. Học trò tỉnh lỵ mang guốc, mặc áo bỏ ngoài quần đi học. Cách mạng tháng tám đã tiêu diệt chiếc áo dài thâm, chỉ chúc bâu trắng của học trò tỉnh nhỏ. Bộ quần áo nâu của hậu phương kháng chiến cũng được quên đi. Học trò mặc quần ka ki Nam Định, áo sơ mi trắng hay mầu, đội mũ trắng. Anh nào thích diện và đến tuổi biết chải đầu thì mặc quần kaki Mỹ, đầu chải cánh phượng bằng bi ăng tin "The evening in Sanghai" hay "Mohair."
Nhưng cùng đi guốc. Những đôi guốc mòn vẹt kéo lê trên hè phố sao mà dễ thương thế! Giầy dép chỉ đi vào những ngày hội hè, tết nhất. Tôi vững bụng vì gặp thằng bạn cũ học rất kền. Chúng tôi chiếm bàn đầu, lập thành cái đảng. Và cái đảng này sẽ gây sóng giá ở trường Trần Lãm. Ngày đầu tiên chép thời khoá biểu thật là vui vẻ.
Hôm sau, giờ Việt văn của cụ cử Trịnh Đình Rư. Tôi đã học cụ cử Rư mấy tháng hè trước khi nhảy phóc lên đệ ngũ trường Trần Lãm. Cụ cử Rư ghét tôi ra mặt. Cụ đã xỉ vả tôi một trận thậm tệ chỉ vì cụ hiểu lầm. Hồi học hè, bàn trước tôi có một thằng lác cứ thích bình phẩm sắc đẹp của nữ sinh. Tôi tắng nó cái tên "De Lác de Tassigny". Nhằm đúng giờ cụ Rư đang thao thao đoạn đời viết báo ở Hà Nội, thảo luận thơ cũ, thơ mới và khoe Thanh Hoài nhắc nhở cụ trong cuốn Thi Nhân Việt Nam, tôi trêu "De Lác de Tassigny". Cụ Rư nghễng ngãng, lại giận tôi nói chuyện trong giờ cụ hồi tưởng dĩ vãng nên mắng tôi một tràng tiếng Pháp để chứng tỏ cụ đậu cử nhân... nho song cừ tiếng Pháp lắm. Cụ Rư "cochon, idiot" ầm ỹ. Mặt cụ tái mét, cụ chửi tiếng Việt chêm tiếng Pháp:
- Trường học không phải là cái chợ. Muốn học thì ngồi yên, "ferme ta gueulle", muốn bán vé chợ, quét chợ thì ra chợ "tout de suite". Anh dám nói xấu ngài De Lattre de Tassigny hả? Đó là vĩ nhân của nước Pháp. Anh sẽ vào tù.
Tôi không oán cụ cử Trình Đình Rư đã mắng mỏ tôi. Học trò nói chuyện trong lớp là học trò tồi, đáng bị quở trách. Nhưng cụ cử dọa bỏ tù tôi, tôi sợ vô cùng. Mới vào tề, ai chẳng sợ tội nói xấu người Pháp. Tôi vào tề mà tâm hồn tôi vẫn vấn vương tâm hồn của thiếu nhi đánh trận giả, giết Tây như ngoé. Thầy Trường đã dạy tôi căm thù thực dân Pháp. Tôi về tề vì gia đình muốn cầu an. Và tôi đã khoan khái chung nỗi khoan khoái âm thầm của dân chúng vùng tề thấy xe cứu thương Pháp chở lính chết trận. Tôi né cụ cử Rư từ đó. Thế mà cụ cử Rư lại dạy Việt văn lớp tôi. Cụ lờ tôi đi. Mãi hôm trả bài luận thứ nhất của na9m học, cụ mới "hành hạ" tôi bằng cách đem bài của tôi ra bình.
- Tôi long trọng giới thiệu với anh em, một nhà văn, nhà báo tương lai của nước ta. Đây ông Trần Vũ, tác giả áng văn chương hay vào bậc nhất. Trước ông Trần Vũ là cao Cao Bá Quát, sau ông Trần Vũ chắc không có ai..
Tôi đỏ mặt tía tai. Cả lớp trố mắt nhình tôi. Chúng nó sắp cười ầm lên.. Tôi muốn độn thổ hay chạy ra khỏi lớp. Khốn nỗi, tôi như kẻ đã chết rồi. Cụ cử Rư sửa lại kính trắng, trịnh trọng nân tờ giấy chép bài luận của tôi và "bình":
- "Đêm đã khuya.." Trois points à la ligne. "Cạnh vật chìm trong tĩnh mich." Un point. "Tiếng dế đùn lên những giọng sầu". Un point. Kêu hơn mõ, kêu như chuông nhà thơ.. Hay, tuyệt bút!
Cụ mỉm cười. Lớp học cười rộ theo. Cụ cử "bình" chán chê, kết luận:
- Vì áng văng này không biết cho bao nhiêu điểm nên tôi buộc lòng cho zéro tượng trưng văn của ông Trần Vũ vô giá!
Cụ gật gù:
- Vô giá khác vô giá trị!
Một tiếng đồng hồ liền, cụ cử Trịnh Đình Rư "hành hạ" thằng học trò mà đáng lẽ, ghét bỏ, cụ cứ đuổi nó khỏi lớp hay không nhận dạy nó.
Tôi biết thân lắm. Mê đọc trinh thám tiểu thuyết của Thanh Đình, tôi đã mất công chép vào so6? tay những câu mở đầu hay kết một chương sách. Đại khái "Đêm đã khuya..Cạnh vật chìm trong tĩnh mịch. Tiếng dế đùn lên những giọng sầu.. Bấy giờ, trên một cành cây, bóng trắng đu mình xuống biệt thự. Chỉ có ánh điện vàng chỨng kiến hành tung bít mật của ngưo8`i bịt mặt..." Hay: "Chiếc xe rồ máy, biến hút, để lại trên đường một đám bụi mờ..." Tôi chép nhiều vô cùng. Hễ gặp bài luận tả cảnh nào tôi lôi "cẩm nang" ra, kiếm đạon thích hợp, tương vào bài. Cụ cử Rư thừa hiểu thế. Cụ không chửi tôi "ăn cắp văn" mà hành hạ tôi ê chề.
Sau buổi học, tôi về nhà, kiếm xó vắng, ngồi ôm mặt khóc. Bạn thân của tôi là Huyên hứa sẽ "trả thù" cụ cử Rư giùm tôi. Nó đã học cụ ở Thái Ninh hồi chưa về Tề, nó biết "tủ" của cụ. Còn tôi, hễ đến giờ Việt Văn là trốn. Khốn nạn cái thân tôi, vào ngày tôi đủ can đảm đi học cụ cử thì đúng ngày Huyên trêu cụ. Bảng đen viết nhằng nhịt không xóa. Cụ cử quay bảng. Bên kia, Huyên ghi mấy câu thơ:
Mùa đông gió bấc thổi hiu hiu
Cụ cử thò tay móc "củ thìu"
Cụ năm tay, đấm bảng đen thình thình. Cụ dậm chân, "c'est bête, c'est bête" loạn xì ngầu. Cụ hét lớn "Monsieur le directeur". Thầy Đinh Văn Lô đạng dạy hình học lớp bên cạnh, chạy sang. Cụ cử chỉ tay vào bảng đen:
- Học trò mất dạy, vô giáo dục. Quân đổ thùng, quét chợ!
Thầy Lô đọc xong mấy vần thơ, nghiến răng ken két:
- Anh nào đây??
Cả lớp im phăng phắc. Thầy Lô đem luân lý giáo khoa thư ra giảng, thầy kể cả chuyện ông Carnot thời xưa. Thầy Lô có cái tật tức giận là nói lớ"n. Mà nói lớn là nước bọt văng tùm lum. Bọn ngồi bàn đầu phải lấy sách che mặt. Rồi tan học, bảo nhau lột giấy bao sách, vở. Chờ thầy Lô mắng chán chê, cụ cử chỉ mặt tôi:
- Đúng thằng mất dạy này!
Tôi đứng dậy kêu oan. Nước mắt ứa ra. Cụ cử bắt tôi lên bảng viết lại mấy câu thơ bằng cả tay phải lẫn tay trái. So kỹ, không giống chữ tôi, cụ cử đuổi tôi về chỗ. Cụ chẳng cần an ủi tôi. Cụ ôm chồng sách ra khỏi lớp. Và, từ bữa ấy cụ không còn dạy ở trường Trần Lãm nữa. hôm sau, Huyên huênh hoang trong lớp:
- Tao viết chứ ai.
Tôi không có vẻ vui mừng cũng không chống đối Huyên. Cụ cử Rư đã làm tôi nhạt "chí khí". Tôi bỗng thấy cái bước nhảy lên lớp đệ ngũ của tôi bấp ngã. Nhưng khó lòng tụt xuống lớp đệ lục. Một thằng bạn học bảo Huyên:
- Mày chẳng nên làm thế.
Huyên gân cổ cãi:
- Cụ Rư không thương học trò Trần Lãm. cụ cấy chỉ thương học trò Nguyễn Công Trứ. Trường tư là con ghẻ, con nuôi. Trường công mới là con đẻ.
- Dù sao cụ cử vẫn là thầy mình.
- Tao hỏi mày chứ thằng Vũ tội tình gì mà cụ cử ghét bỏ nó?
Cuộc cãi vã chấm dứt ngay. Rồi Huyên ân hận. Nó hứa sẽ viết thư thú tội và xin cụ cử Rư tha thứ. Chúng tôi có thầy Việt văn mới. Thầy Nguyễn Cao Đàn. Thầy Đàn đã dạy sử, địa, Pháp văn, vạn vật học, bây giờ thầy dạy thêm Việt văn. Thầy đàn được cả lớp kính trọng. Không phải thầy hiền mà vì quá khứ trung đoàn trưởng bộ đội kháng chiến của thầy còn gần gũi với cuộc sống vùng tề. Một người có quá khứ đẹp, ở bất cứ không gian, thời gian nào, vẫn được nhìn bằng đôi mắt cảm mến. Trong tâm tưởng chúng tôi, trước cũng như sau, những người đã trưởng thành ở miền Nam hay những người đang ở miền Bắc, đều không quên hai người thầy học khả kính: Thầy Nguyễn Cao Đàn và thầy Nguyễn Văn Quý. Thấy Qúy dạy lý, hoá và Anh văn. Thầy Đàn dễ tính, thầy Quý vui tính, ưa kể những chuyện khôi hài và thích học trò nghịch ngợm. "Các anh không nghịch thì không phải là học trò. Đi buôn bán hay làm thư ký cho xong. Nhưng nghịc vừa vừa thôi, nghịch đứng đắn và trêu thầy đừng làm thầy đỏ mặt. Anh nào trêu tôi không làm tôi cười, tôi sẽ phạt nặng". Thầy Quý nói thế. Còn thầy Đàn khuyến khích chúng tôi chơi thể thao. Cả hai ông thầy cùng khuyên học trò học để mở mang sự hiểu biết. Thầy Quý nói:
- Học để giỏi mới khó chứ học để thi đỗ dễ như bỡn. Tôi đây này, một vợ hai con rồi. Tôi mới có bằng tú tài thôi. Tôi không cần lên Hà Nội học nhưng mỗi năm tôi sẽ lấy một chứng chỉ cử nhân luật khoa.
Thầy Đàn nói:
- Tôi muốn các anh đủ kiến thức tổng quát khi rời nhà trường hơn là các anh có bằng cấp. Tôi không tin những người cẫn mẫn, học gạo, thuộc bài như vẹt sau này có thể làm việc lớn. Người học trò thông minh là người học trò học một suy ra mười. Thông minh không bao giờ là học gạo. Nhưng thông minh không có nghĩa là lười.
Trái hẳng với thầy Đinh văn Lô, chỉ muốn học trò thi đỗ:
- Các anh sẽ đỗ hết, với điều kiện các anh học gạo. Sang năm lên đệ tư, tôi sẽ dạy các anh làm một trăm bài toán tủ.
Thầy Đàn cùng vào Nam với tôi. Thầy đã bôn ba cách mạng hậu chiến, chống cả Tư Bản lẫn Cộng Sản một lượt. Đến nay, tóc thầy bạc phơ, tâm tính nhu8 người cuồng thời thế và lại ngồi dạy ở một tỉnh nhỏ miền Đông. Thầy Nguyễn Văn Quý cuỗm hết chứng chỉ cử nhân luật như thầy nói. Di cư, thầy bỏ nghễ dạy, đi làm thẩm phán, dân biểu quốc hội và hiện nay, thầy làm luật sư. Thầy Đàn dạy Việt văn khiến tôi quên dần cái mặc cảm học nhẩy. Tuy vậy, tôi chỉ lải nhải ít đoạn Chinh Phụ Ngâm với những điể cố vô tích sự. Tôi hết can đảm làm luận quấc văn. Suốt năm đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Và cả hai bài đều dưới điểm trung bình.
Không khí lớp học vui vẻ từ hôm cụ cử Trịnh Đình Rư thôi dạy. Tôi chẳng thù oán gì cụ cử nhưng cụ nghỉ, tôi bớt được cái mặc cảm học nhẩy. Nhờ ngồi cạnh Huyên, tôi đã không lúng túng những bài hình học, đại số. Tôi cố gắng thật nhiều, hy vọng học kịp anh em. Song sự cố gắng không đi đến đâu. Như một thằng bé cố đọc sách triết lý. Chữ nghĩa làm cho no hoa mắt, làm cho nó nhức đầu, buồn ngủ và nó quăng sách đi.
Huyên mất công đến nhà tôi dạy lại tôi từ đường thẳng đến đoạn thẳng. Trong khi, ở lớp, tôi đã học tam giác đồng dạng, định lý Pythagore! Những giờ hình học, đại số, hoá học, vật lý học, đối với tôi, thật chán nản, buồn tẻ. Thầy Đan dạy Pháp văn lớp đệ ngũ không đúng trương trình Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Thầy coi vốn Pháp văn của chúng tôi tương đương với lớp nhì một nên tôi không vất vả mấy. Thầy Quý dạy từ bài đầu cuốn "cinquieme bleu", tôi theo kịp. Tôi chỉ còn hứng thú học môn lịch sử. mấy tháng sau, thầy Đàn nghỉ dạy Pháp văn. Thầy Lâm Hữu Bàng, hiệu trưởng công lập Nguyễn Công Trứ qua dạy chung tôi Pháp văn. Thầy Bàng đẹp trai. Mặt thầy lúc nào cùng đỏ hồng, áng lên dáng dấp người trí trức, Thầy có cái dáng mà ai nhìn cũng phái kính trọng.
Thầy Bàng dạy chúng tôi cuốn Histoire d'un enfant tức Le petit chose mà thầy dịch hal` "Thằng vô danh tiểu tốt" của Alphonse Đauet. Bài đầu là trang truyện đầu của anh chàng Daniel Eyssette. Je suis né en 13 Mai 18... dans une ville du Languedoc òul'on trouve, beaucoup de soleil, pas mal de poussiere et deux ou trois monuments romains. Mon pere... Thầy bắt sạn bài ở nhà, giảng nghĩa chữ khó bằng tiếng Pháp, trả lời thày bằng tiếng Pháp luôn. Không dùng một câu tiếng Việt nào trong giờ PHáp văn. Thầy khen những anh giỏi nhưng mắng những anh dốt như tát nước vào mặt. Lớp tôi, ngoài Huyên, Nguyễn Minh Định, và vài anh học trò đã có ba bốn tí nhau mới học nổi thầy Bàng. Còn tôi, tôi lại trốn những giờ Pháp văn. Thầy Bàng dạy tôi một bài học mà suốt đời tôi không quên. Hôm ấy, giờ "dictée". Tống Văn Phúc lén mở tự điển tra một chữ, thầy Bàng bắt được. Thầy đập bàn, giận dữ:
- C'est un voleur! Còn bé đi học mà đã ăn cắp, lớn lên anh trở thành đứa ăn cắp. Dẫu sao làm gì, anh cũng ăn cắp. Tôi không thích học trò của tôi tập ăn cắp từ ghế nhà trường. Cút khỏi lớp!
Tống Văn Phúc bị đuổi ra. Anh ta phải xin lỗi, hứa sửa đổi, thầy mới cho học những giờ sau. Thầy Lâm Hữu Bàng đang ở Saigòn. Thỉnh Thoảng gặp thầy chạy chiếc xe Lambretta cũ trên đường phố. Vẫn khuôn mặt đẹp không già, vẫn dáng dấp trí thức đáng kính. Đồng nghệp của thãy ở trường Nguyễn Công Trứ ngày xưa, hai ba người làm lớn lắm. Nhưng thầy, dù giỏi hơn, dù có tâm hồn hơn, thầy không muốn đi xa hơn. Tôi càng kính trọng thày và tin rằng thầy đã chửi Tống Văn Phúc vì thương Phúc. Thầy sẽ chẳng biết tôi, nhân ra tôi, bởi tôi không dám học thầy. Nhưng tôi nhớ lời thầy dạy suốt đời. Thầy dạy tôi làm người tốt. Tôi chán học tự đó. Vào dịp này, Hoàng Văn Lộc ở Hà Nội về. Công tử Lộc ăn mặc chững chạc như một sinh viên.
Lộc mặc áo bỏ trong quần, đi xăng đan. Nó khoe học ở trường Nguyễn Huệ với ông Bùi Hữu Đột, Lộc chở về Thái Bình một lô cua lý, hoá in rô nê ô của ông Đột. Nó bảo học ở Hà Nội sướng lắm, khkông phải viết bài, chỉ ngồi nghe. Nhưng cái sự học của Lộc nó lem nhem giống tôi. Vỏ Hà Nội của nó biến mất sau một tuần lễ. Lộc bị đồng hoá. Nó lại bỏ áo ra ngoài, kéo lê đôi guốc mộc và "cúp" những giờ toán và Pháp văn. Những giờ này, trời lạnh thì chúng tôi và đễn Mẫu đọc báo, trời nóng thì vẫy vùng dưới sông Trà Lý. Phòng thông tin của tỉnh tạm đặt ở gian ngoài của đền Mẫu. Đền có cái cửa sổ trông sang nhà bên cạnh. Và nhà bên cạnh có cô con gái tên Hà. Anh chàng Đặng Xuân Côn đã mê em Hà ở đây, vào những giờ trốn học.
Học hành được mấy tháng, thầy Đinh Văn Lô tổ chức hiệu đoàn trường Trần Lãm. Các ban báo chí, thể thao, âm nhạc, ca kịch ra đời. Chúng tôi tìm những thằng khù khờ nhất bầu làm trưởng ban và đứng ngoài phá đám. Đảng của tôi gồm những tên Lê Huy Luyến, Đặng Xuân Côn, Hoàng Văn Lộc, kết nạp thêm hai tên học đệ tứ nhẩy cóc là Nguyễn Thịnh và Đàm Viết Minh. Nguyễn văn Huyên hối hận chuyện trêu cụ cử Rư, đã bỏ Thái Bình lên Hà Nội học. Đảng của tôi khởi sự hoạt động khi thầy Lâm Hữu Bàng bận rộn nhiệm vụ hiệu trưởng trường Nguyễn Công Trứ, nghỉ dạy.
CHƯƠNG 2
Bắt đầu chúng tôi phá đội bóng chuyền của trường. Bóng chuyền trở thành môn thể thao phổ thông từ những ngày hậu phương kháng chiến. Chúng tôi không thích bóng chuyền mà chỉ thích bóng tròn. Vì bóng tròn là ngón thể thao duy nhất của chúng tôi. Buổi trưa, chúng tôi rủ nhau đi học sớm, khuân đá vất đầy vào sân bóng. Tan học, bọn tuyển thủ gà nòi của trường, trước khi tập luyện, phải dọn bãi mờ người. Chúng tôi ra xem, đứng cười thích thú. Như thế vẫn chưa đử, chúng tôi còn nhổ một cột căng lưới, đem thả xuống sông. Bọn ham bóng chuyền không nản, tìm cột khác. Chúng tôi thủ tiêu lưới, chúng nó đánh bóng bằng lưới tưởng tượng. Đến ngày chúng nó chịu hết nổi, chúng nó mách thầy Lô. Dĩ nhiên, tôi "ba gai" Hoàng Văn Lộc doạ đánh đứa nào mách. Thầy Lô xuề xòa bỏ qua.
Bất ngờ, trường Nguyễn Công Trứ mời trường Trần Lãm đấu giao hữu bóng chuyền. Trường tôi thua bét ti. Vì tự ái của trường chúng tôi thôi phá đội bóng chuyền và cổ võ nhiệt liệt. Tuy lớp tôi không có thằng nào được đại diện đấu bóng thi mà vẫn hy vọng bọn đàn em sẽ rửa cái nhục cho cả trường. Tôi bỗng yêu ngôi trường của tôi ghê quá. Tôi không muốn trường tôi thua trường Nguyễn Công Trứ. Tôi ghét cái ngôi trường công bệ vệ và hách dịch. So với trường tôi, nó là anh nhà giầu quyền thế. Còn trường tôi, ngôi trường mái rạ, vách bùn lụp xụp của tôi, khiêm tốn đến nỗi hèn mọn. Các ông thầy trường công chỉ dạy chúng tôi khi các ông ấy rảnh rang. Chúng tôi đúng là đứa con nuôi bị hắt hủi. Tôi chợt nhớ tiểu sử anh dũng của tướng quân Trần Lãm, người đã hùng cứ vùng Bố Khẩu, sau này Đinh Tiên Hoàng theo ngài, nối nghiệp ngài, dẹp tan mười hai sứ quân đẩ mở kỷ nguyên sáng tạo Đại Cồ Việt. Còn Nguyễn Công Trứ cũng đã xuống Tiền Hải khai hoang nhưng sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ không huy hoàng bằng Trần Lãm. Nguyễn Công Trứ đâu dám nổi loạn mưu đồi đại sự, dọc ngang vùng vẫy một phương trời? Trần Lãm phải thắng Nguyễn Công Trứ. Trường tôi mang tên ngài, chúng tôi hãnh diện vì cái tên ấy.
Lớp đệ lục có vài anh lớn. Và "anh em thằng Phụ" đã là danh tài bóng chuyền. Hai đứa quê ở Kiến Xương lên tỉnh trọ học. Hồi Tây chưa về Thái Bình, làng thằng Phụ luôn luôn đạt giải nhất bóng chuyền tỉnh, được đại diện tỉnh và đoạt giải nhất bóng chuyền liên khu ba. Không ai dạy những thanh niên miền quê này nghệ thuật bóng chuyền. Họ nghĩ muốn thắng phải biết đập và đập bóng khiến đối phương hết đỡ. Và muốn đập mạnh, đập trúng, phải biết nhẩy cao. Họ đã đào lỗ, đứng dưới nhẩy lên.
Mới đầu, cái lỗ nông, sau cái lỗ sâu. Chưa thoả mãn, khi họ đập một người nằm cong lưng cho đồng đội đứng lên, nhẩy thật cao mà đập. Anh em thằng Phụ là hai cây đập trứ danh của đội bóng chuyền trường Trần Lãm. Chúng tôi cổ võ hai anh em nó. Ngày nào chúng tôi cũng ra sân coi lớp đệ lục trau dồi nghệ thuật, chờ ngày rửa cái nhục thảm bại. Ít tuần sau, Trần Lãm thắng Nguyễn Công Trứ. Kể từ đó, hai trường ghét nhau ra mặt, mời nhau đấu bóng chuyền mỗi tuần. Không làm sao có thể quên nổi quang cánh và không khí của từng trận đấu bóng thi giữa hai trường. Ở đó, tình yêu và lòng hiếu thắng nó ôm lấy nhau, quấn quýt nhau. Linh hồn vủa những kẻ đứng ngoài gửi cả vào những bàn tay của đám gà nòi. Những cú đập của thằng Phụ và anh nó làm cho trái tim Trần Lãm muốn tung khỏi ngực. Ôi, những quả bỏ nhỏ, những quả rốn dài phóng sâu sáng phía địch khiến địch chạy giật lùi ra khỏi vệt vôi dưới sân đỡ bóng một cách vất vả mà vẫn mô ve! Nhưng khi địch đập tàn nhẫn, trái bóng xoáy xuống sân đất, thằng Phụ ngã đỡ bóng không nổi, những trái tim đau nhói, tưởng chừng vừa bị ai đấm trúng ngực mình.
Hai trường găng nhau. Làng thằng Phụ có vài đứa học Nguyễn Công Trứ. Chúng nó bốc người lên đấu bóng chuyền. Thằng Phụ cũng bốc anh em ở làng nó lên. Thế là hai đội bóng rặt người làng thằng Phụ. Nhưng tranh đấu tận tình. Cổ võ biến thành đôi co, bới móc nhau. Rồi suýt ẩu đã. Trọng tài các trận đấu tranh giải là ông tú tài võ kiêm chủ hiệu đồng hồ Lâm Văn Ty. Ông này tốt nghiệp khoá thể dục thể thao hồi xưa. Tán cư, ông thất nghiệp. Về tề, ông mở hiệu sửa đồng hồ. Từ ngày thị xã mở trường trung học Nguyễn Công Trứ, ông được bổ vào dạy thể dục. Vì ông thổi còi bênh trường ông nên chúng tôi gọi ông là tú tài võ. Ông tú tài võ hay ăn gian lắm. Ông bị la ó tơi bời. Song Trần Lãm luôn luôn quật ngã Nguyễn Công Trứ về bóng chuyền dù nhiều bận đấu day go, thắng thua có hay ba trái.
Thất bại bóng chuyền, Nguyễn Công Trứ mời Trần Lãm đá bóng tròn. Nguyễn Công TRứ có thằng Hanh, thằng Chí - bây giờ làm báo, xếp sòng hãng thông tấn. Tin Việt, bút hiệu Anh Phan - đá bóng kền lắm. Dân An Tập mà. Chúng tôi có Trần Danh Môn, Trần văn Trúc, Lê Huy Luyến, Nguyễn Thịnh, Đàm Viết Minh. Con nhà Môn đã từng khoác áo đội bóng tròn thị xã, đá với Nam Định, sinh viên sĩ quan Nam Định thời mà những gôn Nhuận, gôn Lâm đã chìm trong quên lãng. Nguyễn Thịnh đứng đờ mi. Nó đá không hay song bóng trúng chân nó, nó đá thật mạnh. Trái bóng băng một tiếng, xé không khí vút đi. Thường là đi ra ngoài vệt vôi biền! A văng xăng Trần Danh Môn thao túng sân cỏ. Con nhà Hanh, con nhà Chí lâu lâu tống vài trái vào khung thành, đều bị Lê Huy Luyến tóm hết. Bóng tròn là nghề của Trần Lãm. Chúng tôi hạ Nguyễn Công Trứ tan tành. Về thể thao, Trẫn Lãm vô địch học sinh tỉnh. Văn phòng hiệu đàon của chúng tôi ngổn ngang cờ tặng và cúp. Bích báo do thằng Bính phở - nhà nó bán phơ nên mang tên Bính Phở - làm chủ bút, đa9ng toàn tin thắng giải. Nó viết bài tường thuật trận đá bóng, coi trường Nguyễn Công Trứ như đám tầu ô thất trận. Cụ cử Rư từng khen Bính phở là luận hay, sau này có thể viết báo được. Cụ đã đoán sai. Bính phở không bao giờ viết báo, viết văn như cụ đã hy vọng. Nó trông coi một tiệm phở ở lục tỉnh!
Các thầy cô giáo thường đoán sai về tương lai của học trò. Cụ cử Rư bảo sau này, Bính phở thành nhà báo, nhà văn, nó lại tiếp tục nghề của ông via nó. Tứ là thái thịt bò, nhúng bánh phở và thân thể sặc mùi gây. Cụ cử Rư quả quyết lớn lên, tôi đi làm tướng cướp, giết người đốt nhà, tội lại cưỡng định mệnh do cụ an bài để theo đuổi cái nghề viết báo cao quí của cụ. Tôi vẫn ân hận giá đủ tài làm tướng cướp, biên thùy một cõi vẫy vùng, chắc chắn trái trứng mộng ước dễ nở ra con gà èo ọt rồi chết cúm hơn là vẽ mộng ướng bằng văn chương. Để mộng ước khô queo rồi đọng thành mưa buồn rơi xuống lòng mình.
Nửa năm học đệ ngũ chỉ có thế. Sự ồn ào ở sân bóng chuyền, sân bóng tròn mất dần đi. Trần Lãm đã thắng. Không còn gì để thắng thêm. Quen thói pháp phách, nghịch ngợm, chúnng tôi bắt đầu phá các thầy. Nhưng chẳng quá gì cho nên trò trống, vì chưa thằng nào đủ tài chọc nổi thầy Quý cười. Chúng tôi đành đến nhà Thịnh, nhờ nó dạy đánh đàn măng đô lin, lục huyền cầm y pha nho. Những ngày ở hậu phương, Đặng Xuân Côn, Nguyễn Thịnh học nhạc ông Quýnh. Ông Quýnh từ Hà Nội tản cư về Ô Mễ. Ông dạy hai đứa lý thuyết âm nhạc và các thứ đàn giây. Côn chơi băng giô an tô, Thịnh vĩ cầm. Sau này, nó tự học lục huyền cầm và tập tễnh sáng tác nhạc. Bài lý thuyết đầu tiên Thịnh dạy chúng tôi là "Âm nhạc có bảy nốt là do, ré, mim sol, la, si. Âm nhạc là gì? Đó là nghệ thuật dụng thanh âm để diển tả tình cảm vui buồn của con người." Học xong khuôn nhạc, giòng nhạc, khoá nhạc, Thịnh "vỡ lòng" chúng tôi bản Lên Đường của Hùng Lân. Rồi nói bắt chúng tôi "đánh thuộc lòng các bài Tiếng Gọi Sinh Viên, Mặc Niệm Chiến Sĩ Trận Vong. Hồi ở hậu phương, Đặng Xuân Côn, Nguyễn Thịnh và ban nhạc của hai đứa chỉ cần chơi các bài Chào Cờ, Mặc Niệm Đuốc Gươm Thiêng, Chiến Sĩ Việt Nam, Giải Phóng Quân mà được 'trình diễn" lưu động khắp huyện mỗi khi có đại hội. BAn nhạc được ăn cơm với thịt kho tầu và ngồi chung bàn với cán bộ huyện!
Vào dịp này, những bản Lỡ Chuyến Đò, Bến Cũ, Một Chuyến Đi của nhạc sĩ Anh Việt bầy bán ở hai hiệu sách Đông A và Hoc Hải. Chúng tôi tập kỹ lưỡng. Thị xã càng ngày càng tấp nập. Hiệu thuốc Kim Thanh, nhãn hiệu Con Ngựa Hồng Phi Trình Tòa lên tận Hà Nội mua về cái máy hát có "ci cô" và "ô pác lơ" lớn treo ngoài cửa. Cái máy hát lải nhải suốt ngày Hoa Rơi Cửa Phật và dăm bản cải cách do Bích Thuận, Kim Chung hát. Đứng gần cầu Bo vẫn nghe thấy tiếng "mi cô" léo nhéo quảng cáo thuốc cao đan hàon tán của nhà thuốc Kim Thanh ở cổng chợ Vọng Cung. Chợ tỉnh đã rời về Vọng Cung. Thịnh mơ mộng lắm. Nó muốn biết nhà thuốc Kim Thanh thàn hđài phát thanh... thương mại thị xã.
Thịnh trổ tài ngoại giao với ông chủ nhà thuốc. Và bạn nhạc của chúng tôi được "trình bày" mỗi sáng chủ nhật. "Đàn hát vào mi cô, nghe hay lạ vô cùng". Tịnh nói thế. Chương trình của chúng tôi gồm có hòa tấu, đơn ca, hợp ca và xe giữa là đọc "phước thiện" những món thuốc của ông chủ Kim Thanh. Tôi lãnh nhiệm vụ xuống ngôn viên kiêm quảng cáo thuốc.
- Thưa đồng bào, đây là nhà thuốc Kim Thanh nhãn hiệu Con Ngựa Hồng Phi đã trình toà. Hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu bạn nhạc Nguyễn Thịnh trình bầy nhiều bản nhạc cải cách giúp vui. Mở đầu, ban nhạc hoà tấu bản Lên Đường.
Đàm Viết Minh đệm guitare. Nó tủ mỗi "ác co rê ma dzơ".
- Ré majeur về La 7 về Ré majeur, cứ thế mà đệm.
Giáo sư Thịnh "phán". Tất cả các bản nhạc đều về..."rê ma dzơ" như tất cả các con đường đều dẫn tới La Mã! Đôi khi MInh quên, nốt "rê" cuối cùng của câu nhạc, nó quể đổi "ác co" cư "la xết" mà quạt chát chinh, chát chình. Bản Lên Đường của Hùng Lân "làm thịt" xong, tôi phải đọc tờ giấy đánh máy:
- Kính thưa đồng bào các giới. Đây, nhà thuốc Kim Thanh, nhãn hiệu Con Ngựa Hồng Phi đã trình toà, số nhà 38 đường Lê Lợi, Thái Bình. Đàn bà kinh nguyệt không đều, bạch đái khí hư, hữu sinh vô dưỡng, hậu sản, hãy mua ngay "Điều kinh bổ huyết" của nhà thuốc Kim Thanh mà uống. Cam đoan sẽ dứt bệnh...
Tôi đã nín cười mỗi khi đọc tới chỗ "kinh nguyệt không đều, bạch đái khí hư" hay "mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, lãnh tinh". Cứ alô, alô xong một món thuốc quái giở và tục tĩu, ban nhạc Nguyễn Thịnh lại chơi một bài nhạc.
- Sau đây, bạn Nguyễn Thịnh đơn ca bản Ai Về Sông Tương của Thông Đạt.
Thịnh đuổi chúng tôi ra đường nghe. Nó tay đàn, miệng ca. Chúng tôi bèn khen loạn cả lên. Chương trình tũan nào cũng từng ấy bài nhạc, từng ấy môn thuốc. Cho đến ngày tôi phá ra cười vì muôn thuốc "nhện nướng thành than, tán nhỏ, rây kỹ bào chế với món thuốc gia truyền chuyên trị đái dầm" thì ông chủ nhà thuốc Kim Thanh "bãi bỏ giao kèo". Ban nhạc Nguyễn Thịnh mất phô diễn nghệ thuật. Nhưng ban nhạc đã gây tiếng vang. Hôm ông tỉnh trưởng Nguyễn Đăng Viên chủ tọa một buổi lễ ở phòng thông tin đã mời ban nhạc Nguyễn Thịnh đến giúp vui. Các viên chức lớn, giáo sư, giáo viên đứng nghiêm chào cờ khi chúng tôi đánh bài Tiếng Gọi Sinh Viên. Rồi cúi đầu đến mỏi cổ chờ ban nhạc "quại" bài Mạc Niệm! Và, trong lúc quan khách Tây, ta nhồm nhoàm bánh ngọt, chúng tôi hợp ca bản Vượt Sóng Trên Sông Volga, dô tà, dố tà inh ỏi.
Tỉnh trưởng Nguyễn Đăng Viên vỗ tay lốp bốp khiến các quan Tây vỗ theo. Nguyễn Thịnh cao hứng, rút ống sáo dắt túi quần sau ra thôi một câu. Rồi gân cổ ngâm sa mạc "Quê tôi khói lửa ngút trời. Con tim se sắt trông vời quê tôi, lệ nhỏ tơi bời..." trước khi cất giọng "Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi" của Hoàng Giác.
Nguyễn Thịnh có khuôn mặt gồ ghề, lỗi lõm. Tôi nghĩ nó phải đến thợ gò lại mặt hay để xe tăng đè lên mới phẳng phiu được. Nó bị cái sẹp to tướng đóng đô giữa đầu. Vì sợ câu sẹo đầu sẹp cổ ăn đổ tiền tao tànhh thử, Thịnh nuôi tóc rất dài, rậm. Nó chải cánh phượng, tóc lật trùm lấp cái sẹp. Thịnh là thằng học trò chải đầu "bi ăng tin" duy nhất của trường Trần Lãm. Nó hát gân xanh ở trán nổi hết lên, trông thật bẩn thỉu. Thế mà nó cũng được vỗ tay tán thưởng. Chắc giọng nó hay nhờ mỗi sáng sớm, thò đầu vào chum nước luyện giọng cho ấm!
Thầy Quý đi dự buổ lễ này. Thầy "chấm" ban nhạc của chúng tôi. Thế là ban nhạc được nhà trường "chiếu cố". Thầy Quý là giáo sư trường Nguyễn Công Trứ song thầy yêu trường Trần Lãm hơn. Học trò cả hai trường đều kính mến thầy. Ban nhạc Nguyễn Thịnh ra mắt học sinh toàn tỉnh vào một ngày đại hội cái trường tại sân vận động thị xã.
CHƯƠNG 3
Một tháng nữa sẽ có đại hi học sinh Thái Bình. Thông cáo đã đọc. Ðọc trước rồi mới đọc tên những anh học trò "chầy" chưa chịu đóng học phí. Hôm đó, nhằm đúng giờ đại số. Thầy Lô cao hứng, gấp sách lại. Thầy giáo kính trắng, lau kỹ đeo lại. Mũi thầy vốn dĩ đã đỏ, lúc thầy hồi tưởng dĩ vãng trường Bưởi và kể lể, cái mũi của thầy càng đỏ.
- Trường Bưởi là nhất Ðông Dương. Tôi học trường Bưởi. Tranh đua bất cứ giải gì, trường Bưởi cũng nhất. Trường Bưởi đuổi học trò Albert Sarrut chạy dài. Ai học ở trường Bưởi, sau này đýu nên người h"u ích. Học trò trường Thăng Long chỉ đi làm cách mạng chứ học trò trường Bưởi làm quan hết. Tôi muốn học trò trường Trần Lãm noi gương trường Bưởi. Phải giỏ toán, nghe chưa. Toán hệ số ba. Ủi thi trúng tủ toán là cầm chắc nửa mảnh bằng.
Thầy Lô có cái tật nói chuyện dông dài và xoay về... toán.
- Phải đóng khung đáp số. Thí dụ bài toán bắt chừng minh AB bằng CD. Ta chứng minh xong, đóng khung AB bằng CD rồi viết: "đó là điều ta phải chứng minh. Các anh sẽ đỗ hết, với điều kiện..."
"Với điều kiện", đó là biệt hiệu chúng tôi tặng thầy Lô. Thầy thích học trò cùng nhắc chữ cuối của thầy giảng. Chẳng hạn, thầy hoa phấn trên bảng:
- AB bằng AC, vậy tam giác ABC là tam giác...
Thầy Lô ngừng lại. Cả lớp đều nhắc nốt cái "chữ" thấy muốn nhắc.
- Cân!
Ai chẳng hiểu AB bằng AC thì tam giác ABC là tam giác cân. Nhưng thấy Lô thích học trò hét lớn cái "chữ" thầy để dành. Hoàng văn Lộc mấy lần phản ứng của thầy bằng cách rỉ tai anh em giả vờ quên không nhắc.
- AB bằng AC mà AC lại bằng CD vậy CD phải bằng...
Cả lớp nín thinh. Thầy Lô giận sùi bọt mép:
- Các anh dốt quá, học không hiểu gì cả. AB bằng AC mà AC lại bằng CD vậy CD phải bằng AB chứ còn ngừng ngập chi?
Ðại khái, thầy Lô biệt hiệu "với điều kiện" của chúng tôi rất thích cái khoản học trò nhắc giùm thầy chữ thầy cố tình quên. Hãy chịu khó nhắc, càng lớn thầy càng hài lòng. Thầy không hài lòng, thầy giận, thầy mắng thì những thằng ngồi hàng đầu bị phóng xạ...nước bọt! Nhưng thầy vui, thầy hồi tưởng dĩ vãng đẹp, kể lể, những thằng ngồi đầu bàn cũng vẫn phải dùng mộc che mặt.
- Các anh đã nghĩ được trò gì vui cho ngày đại hội chưa?
- Thưa thầy chưa ạ!
- Hồi học trường Bưởi, chúng tôi có trò đi xe đạp khỏi hành từ Hà Nội, di quanh Ðông Dương, ghé Sàigòn, Huế, Nam Vang, Vạn Tượng. Ở mỗi nơi đều có dân chúng ra múa hát, chào mừng. Đặc biệt đoàn xe qua dãy núi Trường Sơn, Mọi đón tiếp.
- Anh nào muốn làm Mọi?
Tôi ngứa miệng, pha trò:
- Thưa thầy, làm Mọi đàn ông hay Mọi đàn bà ạ?
Thầy Lô cười:
- Cả đàn ông lẫn đàn bà.
- Thưa thầy làm Mọi phải vẽ mặt, dắt lông gà, dơ dày quá đi thôi.
Thầy Lô dang vui vẻ, bỗng tái mặt:
- Anh làm Mọi đi. Anh chỉ được cái nước phá hiệu đoàn. Ai nhận việc gì anh cũng bảo là "tổ sư hoạt động". Anh phải làm Mọi.
Tôi đứng dậy, khoanh tay:
- Thưa thầy con không biết làm Mọi.
Thầy Lô đập bàn:
- Tôi đuổi anh. Ai bằng lòng đuổi anh Trần Vũ dơ tay lên.
Đồ tể Hoàng văn Lộc quay đầu xuống phía dưới. Không ai dám dơ tay lên. Có mỗi thằng Nguyễn Sĩ Thâm trót dơ tay vội, bèn từ từ hạ. Thầy Lô mím môi:
- Tôi nhất định đuổi anh Vũ!
Tôi rắt mong bị đuổi. Chú tôi ở Hà Nội tuần nào cũng viết thư cho bố tôi cũng đòi đưa tôi lên Hà Nội học.
Tỉnh lỵ vùng tề buồn hiu, chín giờ đã đóng cửa, tối thắp đèn dầu khiến tôi chán ngán. Tôi thèm lên Hà Nội học trường của Huyên. Nhưng bố tôi bảo chờ thi xong trung học phổ thông mới cho tôi đi. Bây giờ, thầy Lô đuổi tôi, tôi mừng quá. Tôi ngồi yên nghe thầy kể tội. Tan học, Hoàng văn Lộc đón Nguyễn Sĩ Thâm ngoài đường. Nó nắm áo Thâm:
- Lỗ Trí Thâm, tại sao mày đòi đuổi thằng Vũ?
Thâm chối:
- Đâu, tao đua tay gãi đầu đấy chứ.
Lộc bợp Thâm một cái:
- Liệu hồn.
Về nhà, nghĩ tới Lộc, Côn, Luyến, thầy Ðàn, thầy Quý tôi mới buồn. Tôi lại không muốn rời ngôi trường Trần Lãm mến yêu của tôi nữa.
Hôm sau, tôi nghỉ học. Tự nhiên, tôi nhớ những người bạn hiền lành hay bị tôi chòng ghẹo ghê quá. Như Vũ Tiến Mẫn. Như Phí Cao Thành. Như Bùi Thọ Tê. Như Vũ Khắc Niệm... Mỗi anh học trò nhà quê lên tỉnh trọ học này đều có một vẻ dễ yêu lạ lùng. Vũ Tiến Mẫn có dáng điệu của một anh hương sư. Quả nhiên, sau này nó làm thầy giáo tiểu học. Lúc tôi đang viết về nó thì nó ở KBC 3021, đóng chức quan hai. Phí Cao Thành gù nên bị gọi là Phí Cao Gù, học rất chăm nhưng không không bao giờ thuộc bài. Bùi Thọ Tê giống hệt ông lý trưởng. Nay nó làm cán bộ ở Bộ Thông Tin, chẳng hiểu đã được nhập ngạch chưa. Vũ Khắc Niệm cao lêu ngêu. Nó mặc cái quần dài ống ngắn khỏi mắt cá hàng gang tay nên trông thật...cả quỷnh. Niệm khoái tôi. Nó bắt chước từng thói quen lố lăng của tôi. Thí dụ kéo guốc mộc đến mòn vẹt hay vừa đi vừa nhún vai. Niệm là học trò xuất sắc. Gần hết niên học, nó lên Hà Nội học trường Nguyễn Trãi. Khi nó về Thái, nó diện giầy tây, quần trắng, áo sơ mi bỏ trong quần. Nhưng quần vẫn cộc. Và tôi thấy nó còn buồn cười hơn. Nó khoe nó học ông Vũ Khắc Khoan và phịa với bạn cùng lớp rằng nó là em Vũ Khắc Khoan nên cả lớp nể nó. Vì hồi đó, Vũ Khắc Khoan đã là "cái gì" của Hà Nội nghệ thuật.
Với Vũ Khắc Niệm, tôi có thật nhiều kỷ niệm. Nó đinh ninh tôi đàn ca giỏi lắm. Ngày vào Sàigòn, tôi gặp nó lang thang trên đường Thủ Khoa Huân. Nó theo tôi về Nhà Hát Tây sống cuộc đời...nghệ sĩ. Bấy giờ, Ðặng Xuân Côn đã bỏ trường chu Văn An, đi làm "pointeur" cho hãng Messageries Maritimes để nuôi tôi và Niệm. Con nhà Niệm mơ kéo phong cầm. Tôi mơ thổi hắc tiêu.
Chúng tôi nấu cơm lấy ăn. Niệm đóng vai bếp đi chợ Bến Thành mỗi buổi sáng. Mới đầu nó xấu hổ. Sau cái chất "nghệ sĩ" quyến rũ nó, nó trở thành bạo dạn. Nhưng nó khù khờ, mua củ cải già và thịt lợn dai bị chúng tôi mắng mỏ thậm tệ. Nó đùn vai bếp cho tôi, tình nguyện rửa bát. Niệm có tài ngủ. Ngủ đứng ngủ ngồi. Nó học nhờ trường Pétrus Ký, ngày ngày cuốc bộ từ Tự Do đến trường.
Một giờ phải "đi học" nó, ngủ gỡ nửa tiếng, dặn chúng tôi đánh thức. Chúng tôi muốn nó thôi học, chuyên vặn đồng hồ nhanh lên cả tiếng. Niệm thấy trễ giờ, lại ngủ. May mà tôi bỏ nhà hát Tây lên Ban Mê Thuột, nó về với gia đình nên nay mới có mảnh bằng bác sĩ. Chứ không, đời nó sẽ rách hơn tôi. Nghe tin nó sắp cưới một em ở đường Thủ Khoa Huân. Chả biết có phải cô em bé tí ở nhà thuở trước Niệm thường lai vãng chờ nhận thư bảo đảm có măng đa của ông anh nhà binh?
Ðêm nọ, Niệm đến nhà tôi. Nó tỏ ý phục tôi nhớ dai. Nó hỏi ngớ ngẩn "Tại sao mày có thể nhớ cả tên lẫn họ của từng thằng một." Tôi đáp vì tôi yêu thương ngôi trường cũ của tôi. Mỗi khi tôi bị cuộc đời hất hủi, bị nhửng thằng làm cùng nghề đố kỵ, bị những đàn anh xúi dại, tôi đều vận dụng trí nhớ, hồi tưởng ngày xưa còn bé. Ðể được ngồi trên chiếc xe êm ái trở về quê hương thơ ấu của mình. Nơi đó, không có ông thầy nào dạy học trò lừa lọc, không có người bạn nào phản bội mình cả. Nơi đó, tội lỗi chỉ là sự vụng dại dám trêu thầy chọc bạn. Nhưng lớn lên biết sám hối là vết nhơ trên giấy trắng học trò được tẩy xoá ngay. Cho nên, tôi đã buồn tủi vì bị đuổi học.
Buổi chiều, Nguyễn Thịnh, Ðặng Xuân Côn, Ðàm Viết Minh tới tìm tôi. Thịnh vui vẻ:
- Mày hết bị đuổi rồi.
Tôi hỏi:
- Tại sao?
- Thịnh bao hoa:
- Tao đến thầy Ðàn nói về cái lều của bọn mình và ban nhạc của trường trong ngày đại hội. Thầy Ðàn thích lắm. Thầy bảo cần có ban nhạc. Tao phiệu ban nhạc rất cần mày.
Không có mày hỏng bét. Thầy Ðàn đã nói với thầy Lô. Yên chí, mai thầy Lô sẽ ra lệnh cho văn phòng đạt thư "mời" mày đi học.
Thịnh đã nói đúng. Hôm sau tôi đến trường. Thầy Lô gọi tôi vào văn phòng. Thầy an ủi:
- Tôi giận Vũ quá đòi đuổi Vũ. Chứ, thật ra tui thương Vũ. Vũ lại đi học nhé!
Thầy dặn dò thêm:
- Nhưng nghịch vừa vừa thôi. Tại sao anh không viết bích báo nhà trường mà cứ viết bích báo riêng đả kích bích báo nhà trường và mỉa mai ban chấp hành hiệu đoàn?
Tôi lặng thinh nghe thầy mắng yêu. Thầy Lô vỗ vai tôi:
- Tập nhiều bài nhạc hay để chơi kỳ đại hội cho nổi trường Trần Lãm nhé!
Thịnh "vận động" thật giỏi. Tôi vào lớp hiên ngang như một "chiến sĩ bất khuất", như một công thần bị vua giáng chức và vừa được phục hồi danh dự. Tôi quay xuống ngó Nguyễn Sĩ Thâm, thầm nói:
- Tốt đen, thầy vẫn thương tao. Thầy không ghét tao đâu mà mày vội dơ tay...
CHƯƠNG 4
Thầy Ðinh Văn Lô nhất định "xào" lại trò đi xe đạp vòng quanh Việt Nam. Ông Truyền, giáo sư Pháp văn lớp đệ lục được cử sang lớp tôi dạy một bài hát:
Vành xe chắc chắn tiến trên đường xa vời
Cùng gò lưng vui tươi ta đạp đi hoài
Ðường tươi nắng sáng chiếu chân đạp môi cười
Vành xe bon bon trên toàn cõi Việt Nam
Ông Truyền nhỏ con, hiền lành. Ông mang cái "mặc cảm" dạy lớp dưới nên rất ư khiêm tốn với chúng tôi.
Chúng tôi trêu ông, hát sai lời ca:
Cùng gò lưng tôm tươi ta đạp trong nồi...
Hay:
Cùng gò lưng con tôm ta đạp con mè...
Ông Truyền không dám khiển trách. Bài hát này, toàn trường sẽ đúng trên khán đài, sát "mi cô" hát trong khi đoàn xe đạp trổ tài đi chậm trên cái hình bản đồ Việt Nam vẽ vôi trắng giữa sân vận động. Nhưng đoàn xe ghé từng miền, hát xướng, nhẩy múa ra sao, thầy Lô chịu. Thầy triệu ban nhạc Nguyễn Thịnh vào văn phòng. Ðã có thầy Quý, thầy Ðàn ngồi uống nước. Thịnh ba hoa:
- Thưa thầy, khi đoàn xe ghé Sàigòn, chúng con hát bài Sàigòn xa hoa của Trần văn Nhơn. Ðồng bào miền Nam nhẩy valse đón tiếp.
Thầy Lô hỏi:
- Ai biết nhảy valse?
Thịnh lễ phép:
- Con sẽ dạy anh em nhảy.
Thầy Lô cười khoan khoái:
- Còn miền Trung?
Thầy Quý nói:
- Chơi mẹ nó bài Về Miền Trung của Phạm Duy đi!
Thịnh thưa:
- Miền Trung Mọi Trường Sơn ra đón. Chúng con hát bài Dân ca Phần Lan và Mọi nhảy múa.
- Dân ca Phần Lan hay không?
Thịnh hát liền:
- Tay ngắt bông hoa hồng, cây với cành cùng phô sắc thắm. Kìa chim muông đang vờn hoa tươi trên ngàn líu lo muôn vàn. Ðời đang tươi sao mà cứ rầu. Ðời đang vui sao mà cứ buồn. Gió mát mách rằng cô em đang sầu nhớ chi trong lòng. Ðây đó, đây trong rừng...
Thầy Lô vỗ tay:
- Hay lắm, hay lắm!
Thầy Quý hỏi:
- Còn miền Bắc, miền Bắc?
Nguyễn Thịnh đáp:
- Thưa thầy, miền Bắc con định cho hát cò lả.
- Ai hát?
- Thầy Từ.
Từ là bạn của chúng tôi. Nó lớn hơn chúng tôi vài tuổi. Từ mới xin dạy môn công dân giáo dục lớp đệ lục, môn học cần thiết lắm nhưng nếu ngoài môn này, ông thầy không dạy thêm môn nào quan trọng thì học trò không nể nang. Ôi, cái nghề bán cháo phổi trường tư, sao mà bạc bẽo vậy! Học trò đệ lục tặng Từ cái biệt hiệu Củ Từ. Vì nó hiền như củ từ lông. Từ sẽ hát cò lả khi đoàn xe về miền Bắc. Thịnh nhận phụ trách phần ca vũ nhạc cho màn Xe Ðạp Vòng Quanh Việt Nam. Ngoài ra, ban nhạc của chúng tôi sẽ chiếm một cái lều trại để biểu diễn...đàn giây.
Thịnh chưa hề biết nhảy múa. Thế mà nó đã bạo phổi, sáng tác ra những vũ điệu. Chúng tôi đánh đàn cho nó dạy nhẩy đã phí cười.
- Chình thì khụy hai cái đầu gối xuống. Chát thì kéo chân trái xích sang bên trái. Chát tiếp theo, kéo thêm chân phải. Rồi lại chình, khụy đầu gối. Chát, kéo chân phải xích sang bên phải. Chát tiếp theo, kéo luôn chân trái. Nhớ chưa?
Học trò đệ lục reo hò:
- Rồi, nhớ kỹ rồi.
Giáo sư nhẩy đầm Thịnh quan trọng:
- Học thuộc lòng đi. Ðiệu valse là chình, chát chát, chình chát chát, nhịp ba bốn đó.
Thịnh biểu diễn valse. Miệng hát Sàigòn, nơi tưng bừng trong cảnh sống xa hoa, ánh sáng kiến mờ mắt gây ngàn cuộc say đám chân khụy, xích. Thỉnh thoảng, nó đệm đàn miệng chình chát chát, chình chát chát. Nó diễu không cười. Nhưng làm chúng tôi cười. Dạy valse chu tất, nó quay sang dạy nhẩy Dân ca Phần Lan tốp học trò khác.
- Ðây đó đây trong rừng, cây với cành cùng phô sắc thắm. Kìa cô em đang vờn hoa tươi cô sầu nhớ chi trong lòng.
Tay Thịnh múa, chân Thịnh dơ cao, ngẩy cỡn như chó con. Không ai dám ngờ Thịnh thành công. Khi ra về, nó vỗ vai tôi:
- Ông phải bầy trò vất vả cũng vì mày. Thầy Lô tưởng mày dạy múa.
- Cả làng sẽ cười bò.
- Kệ chúng nó. Ăn thua cái ban nhạc của mình. Tối nay, bắt đầu tập đánh đàn.
CHƯƠNG 5
Chúng tôi tập nhạc ở nhà Ðặng Xuân Côn, gần bến xe thị xã. Thịnh có cái vĩ cầm rất ly kỳ. Ngoài nó ra, không ai xử dụng nổi. Thằng nào lớ ngớ cầm lên, cái vĩ cầm sẽ tung rời từng mảnh. Bà via Thịnh đã từng vớ cái "ác sê" của cậu con trai đánh mấy con dán. Có hôm, Thịnh quên chùi "ác sê" vào cục "cô lô phan" thành thử xác dán được siêu thoát bằng âm nhạc.
Chúng tôi "ăn cơm tháng" ở nhà Côn. Ði học về, quăng sách vở một xó, đến nhà Côn ngay. Ðêm ngủ luôn tại nhà Côn. Hồi đó, thị xã có một bọn thanh niên vô học đi làm chỉ điểm cho phòng nhí Pháp. Bọn này làm bộ lắm lắm. Ai tỏ ý không thích chúng, sẽ "chỉ điểm" láo để phóng nhí bắt vào tra tấn, mòi tiền. Chúng tôi phải né bọn đó. Ðêm nào chúng cũng gõ cửa, tạt vô phá phách ban nhạc của chúng tôi. Có thằng cầm vĩ cầm của Thịnh lên, giả vờ kéo. Dĩ nhiên, vĩ cầm của Thịnh không tuột cái này cũng bung cái nọ. Lại có thằng bấm vào nốt cao nhất của giây "mi" nớ ngẩn "Mẹ, chơi nốt này là hay lắm..." hay yêu cầu ban nhạc chơi...bình bán! Chúng tôi đã vặn đèn nhỏ, nhét mùi soa vào giây đàn, tập lấy đýu, ăn nhịp và không cho âm thanh phát ra.
Vốn liếng lục huyền cầm của Thịnh chỉ có một số "ác co" dễ và vài nhịp điệu. Nên Ðàm viết Minh ngoài "ré majeur" trở về "la 7" rồ về "ré majeur" thì không còn "ác co" nào thêm. Tôi tập thêm bài Marche bohémienne. Sau nhũng đêm tập dượt, ban nhạc Nguyễn Thịnh sẽ chơi những bản Chào cờ, Mặc niệm. Trên lưng ngựa, Lỡ chuyến đò, Một chuyến đi, Bến cũ, Sàigòn xa hoa, Dân ca Phần Lan và Alexander. Ngày đại hi là ngày quan trọng nhất của chúng tôi. Cái trại của ban nhạc chống lại nguyên tắc cắm trại của hướng đạo. Hai cái cột căng lưới bóng chuyền đuợc chúng tôi nhổ lên làm cột trại. Ông vía của Thịnh vốn là một câu học tiếng Anh đầu của bài thứ nhất cuốn Anglais sans peine. Tức là My tailor is rich! Thành thưa ông vía nó đã sai thợ, may những cái chăn viện trợ Mỹ thành một mái lều rộng lớn. Chúng tôi dựng nhà chứ không phải cắm trại.
Ban nhạc có đủ giá nhạc và ghế ngồi. Tả thật đúng thì trại của chúng tôi là cái trại nhà giầu, đủ tiện nghi. Lại có cả hoa giấy bóng treo kết y hệt một đám cưới. Ròi ngày đại hi khai mạc. Cái đinh của ngày đại hi là trò đi xe đạp vòng quanh Việt Nam. Các viên chức Tây, Việt đã vỗ tay hoan hô đoàn xe biểu diễn đi chậm và không ngã.
Khi đoàn xe về Bắc, xã xệ, lý toét, thằng cu, cái hĩm vác cuốc, liềm, hái, xẻng ra hát cò lả theo Củ Từ. Ông tỉnh trưởng tặng hai ngàn bạc. Vì lý toét, xã xệ bôi hề, diễu hay quá, buồn cười quá. Đám Mọi Trường Sơn được thưởng hai chục chiếc may ô. Thầy Lô hể hả. Thầy phóng từ khán đài xuống trại của chúng tôi. Cái mũi thầy đỏ ửng:
- Hoan hô ban nhạc. Tôi tặng các anh năm trăm uống nước cam!
Thầy Lô nổi tiếng "cụ đồ kiết", bỗng dưng thầy cho năm trăm là thầy sung sướng cảm hứng lắm. Trại của chúng tôi thêm két nước ngọt và ít cốc thủy thinh. Ban giám khảo dẫn quan khách đi thăm các trại. Chúng tôi chơi bài Trên lưng ngựa chào mừng. Ðến chỗ clic cla clic clộp, lộp clộp, clộp..., con nhà Minh vỗ vào cái thành đàn thật mạnh làm như vó ngựa đang rong ruổi. Quan khách rời trại của chúng tôi. Thịnh ta sửng cờ:
- Mày vỗ mạnh thế, thủng bố nó đàn của ông rồi.
Quả nhiên, mặt đàn bị rạn nứt vì mọt đã lập chiến khu. Nhưng trại của chúng tôi được chấm nhất. Ban nhạc nhất. Trò chơi nhất. Ban nhạc nhất là đúng vì có mỗi một ban nhạc. Và các nhạc sĩ, trừ thịnh và Côn, đều phải đeo kính răm nhìn vào phím đàn chơi thuộc lòng song vẫn ra cái điều hách nhìn bản nhạc mà chơi. Suốt ngày đại hội, ban nhạc lải nhải Lỡ chuyến đò, Một chuyến đi, Bến cũ. Những Bùi Thọ Ngạc, Bùi Thọ Tê, Bùi Thọ Hười, dân Phù Lưu phục sát đất.
Sau ngày đại hội học sinh toàn tỉnh, tôi bỗng thấy mình lớn lên. Một cơn gió la vừa thổi vào tâm hồn tôi làm tôi xao xuyến. Tôi đã sắm một cái gương nhỏ, một hộp bi ăng tin "The evening in Sanghai" và một cái lược nhựa. Ba vật trang sức này, luôn luôn nằm trong túi quần của tôi, trừ ban đêm lên giường ngủ. Tôi mất công cả buổi để là ống quần cho thẳng nếp, "pờ li" phải bé như sợi dây gai. Đêm đêm, thay vì đọc tiểu thuyết trinh thám, tôi hí hục chép những bài thơ ái tình của Xuân Diệu, Huy Cận. Mẹ tôi tưởng tôi đã biết lo học hành. Người mừng lắm. Và mỗi sáng, người bắt tôi ăn thêm hai quả trứng gà. Mẹ tôi đâu hiểu con chim đã ra ràng, nó sắp cất cánh phiêu lưu vào miền có gió mới tìm kiếm một phép lạ đã làm nó xao xuyến tâm hồn.
CHƯƠNG 6
Nàng tên là Liên. Lê Thùy Kim Liên, con gái của một thương gia trong chợ Vọng Cung. Nàng mới từ Hải Phòng sang Thái. Thịnh đã điều tra lý lịch của nàng vì nhà nó gần nhà nàng. Gần gần thôi chứ không quá gần gang tấc cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn. Ông via nàng tên Tía. Cái tên không hay tí nào. Nhưng ông via nàng chẳng ăn nhằm gì tới chúng tôi.
Và, vì ông via nàng có máu đồng bóng, thích lên đồng nên người ta gọi ông là đồng Tía. Ông đồng Tía trông rất khôi hài. Thế mà con gái của ông đẹp và hiền kinh khủng. Nàng không học trường nào. Nhũng cô nữ sinh trường Trần Lãm hay Nguyễn Công Trứ đều ghét chúng tôi bởi chúng tôi không biết... lơn gái. Mỗi cô mang một cái tên do chúng tôi đặt. Chẳng hạn, các em Hạnh, Phú, Lộc, Mỹ, Nương... không xấu xí gì, song vẫn bị gọi bằng những biệt hiệu kém... nịnh đầm như Hạnh tóet, Phú gù, Phú cao cổ, Lộc dề, Mỹ đen, Nương khoai vân vân... Chúng tôi lơn gái thô lỗ, tàn bạo quá nên không có tình yêu học trò nghĩa là mối tình của hai đứa trai gái cùng học một trường. Chúng tôi thường xếp hàng năm lê bước trên vỉa hè. Vô phúc em nào gặp chúng tôi, chỉ còn nước băng đường sang vỉa hè bên kia. Nếu không, chúng tôi sẽ chèn xuống đường hay sát vào nhà. Con nhà Hoàng văn Lộc còn chơi cái trò mua giây thép về cắt ngắn uốn thành đạn bắn bằng giây cao su gói hàng. Nó nấp bắn vào nón các em bôm bốp. Đạn trệch thì vào lưng vào mông các em đau điếng. Rồi cả bọn cười ha hả. Quỷ quái, mất dậy thế, gái nào mà yêu?
Chúng tôi đến trường sớm, lén qua lớp đệ lục, đổ mực lên các bàn đầu của nữ sinh. Các em vào lớp, vô tình ngồi xuống. Mực loen đầy tà áo trắng. Tan học, các em che nón sau lưng ra về. Và chúng tôi theo sau, chế nhạo! Tại không hiểu cách làm quen các em nên chúng tôi đành trêu ghẹo các em. Nhưng hễ thằng nào thân các em, chúng tôi tìm cách hạ nhục bằng chân tay hay bằng ngôn ngữ ngay lập tức. Bây giờ thì tôi biết đó là triệu chứng của bịnh ghen. Song bấy giờ, ai biết ghen tuông quái gì. Thậm chí, em Mai ở Nam Định qua Thái Bình học, thích sóng đôi với thằng Xuân ở Hà Nội về, chúng tôi đã tích cực hoạt động để bài trừ tai nạn "đi chơi sóng đôi" của hai đứa nhân tình này. Chúng tôi ghét con gái. Ghét thậm tệ vì không biết lơn gái!
Lê Thùy Kim Liên thì khác dù nàng là con gái ông đồng Tía, một nhân vật hài hước của thị xã. Chùng tôi "khám phá" được nàng trong ngày hội đền Mẫu. Hàng năm vào tháng ba, thị xã có ngày hội trọng thể là hội đền Mẫu. Những ông bà đồng, những ban nhạc chầu văn từ mười hai phủ huyện đổ xô lên tỉnh dự hội. Hội đền Mẫu náo nhiệt, long trọng hơn ngày Giáng Sinh nhiều. Đám rước dài ngó một cây số khởi hành từ cổng đền, đi vòng quanh thị xã. Những người tham dự cuộc rước kiệu thánh mẫu, ăn mặc thật đẹp. Lối ăn mặc cổ xưa, mầu sắc lòe loẹt, chói chang. Đội trống ngụ lôi với các đồng tử múa dùi trống đều đặn, linh hoạt. Cái đinh của đám rước là con đĩ đánh bồng, cầm hai quả bồng múa may, lẳng lơ chịu không nổi. Kế đến những ông đồng, bà cốt vừa đi vừa xuyên lình qua má mà không hề chẩy máu.
Những năm xa xưa, tôi mê trò xuyên linh lắm. Năm nay không còn là năm xưa, tôi bỏ kiệu thánh mẫu, theo sát đám con gái thị xã ôm hoa hệ dẫn đầu đám rước. "Có một con đẹp quá". Thịnh nói thế. Và nó chạy một mạch về nhà vớ cái máy ảnh thợ cạo, thứ mày ảnh chỉ chụp được tám pô cỡ sáu chín và ai cũng chụp được, khỏi sợ hư ảnh. Tôi nhớ, dường như, tên cái máy đó là Photax! Thịnh vác máy ảnh chạy ra, mặt nó nhễ nhãi mồ hôi. Nó cứ ngắm "con đẹp quá" mà bấm. Bà via và em gái nó cũng đi rước kiệu, gọi nó ơi ới chụp ảnh, nó không muốn nghe.
"Con đẹp quá" nhín chúng tôi cười. Thịnh chụp hết phim. Chúng tôi phải chạy tiếp sức móc hết tiền tiêu hội đi mua phim. Hà của Đặng Xuân Côn đứng sau "con đẹp quá". Côn ta quên béng Hà. "Con đẹp quá" đã thu mất hồn nó. Đã thu mất hồn chúng tôi. Và, từ hôm đó, chúng tôi yêu "tập thể" con gái ông đồng Tía có cái tên giống hệt tên người tì nữ của Kiều Nguyệt Nga trong truyện Lục Vân Tiên.
Ngày nào chúng tôi cũng vào chợ Vọng Cung. Lần vô và lần ra đều liếc nhìn Kim Liên, trái tim đập nhanh, dù nàng có ngồi ở quầy hàng hay không. Con nhà Thịnh lợi thế hơn chúng tôi. Nó cùng ở một làng cùng đi một lối với nàng nên nó chịu khó xách cái vĩ cầm cà là dỉ của nó qua lại cửa nhà nàng lắm. Ra cái điều "tôi chơi vĩ cầm đấy em ạ". Đàm viết Minh noi gương Nguyễn Thịnh, xách lục huyền cầm biểu diện "Tôi đệm guitare đó". Nàng sẽ không biết Minh chỉ bấm Ré majeur sang La 7 về Ré majeur. Dẫu đã uống ba viên thuốc liều, lấy gân sự can đảm, tôi vẫn chẳng dám xách cái đàn mandolin qua cửa nhà nàng. Ôi, cái đàn mandoline, nó vừa nhỏ vừa hèn kém quá. Đặng Xuân Côn biểu diển quấn catch-cold và đội mũ nôi, hai tay thọc túi quần tây, cúi gằm mặt bước qua nhà nàng. Hoàng Văn Lộc, Lê Huy Luyến dã có vợ. Mỗi thằng đều đang bế đứa con trai đầu lòng của mình nên chúng nó không tham dự cuộc "yêu tập thể". Bốn đứa tôi thi nhau ăn mặc chải chuốt để được nàng chú ý nhất. Riêng tôi, chiếc gương nhỏ được tháo rời khỏi vỏ, dùng kìm bẻ cho nhỏ hơn, rồi mài nhẵn cạnh để vừa lọt bàn bàn tay chụm lại. Mỗi khi qua cửa nhà nàng, tôi giả vờ đưa tay soi cái mặt mình xem có đẹp giai không! Hễ thấy mái tóc bóng nhẫy bi ăng tin vùng lên làm "cách mạng" vài sợi, tôi bèn quay gót về nhà, chải đầu, ngắm nghía muốn vỡ gương tủ. Rồi mới ra đi. Thường là không gặp nàng. Hoặc nàng đang ăn bún riêu, chẳng thèm ngó tôi.
Chúng tôi ươm những giấc mơ quanh Lê Thùy Kim liên và kể cho nhau nghe từng giấc mơ của mình. Thịnh ước ao nàng trở thành danh ca như danh ca Ngọc Dậu và nó sẽ là Canh Thân. Những ngày ở hậu phương, tôi đã từng trốn nhà, lang thang khắp các làng trong huyện để đêm tối, nhấc ván rạp quán chợ hay đình, chu vào xem chạc cải lương. Tôi nhớ tôi đã mê chị em cô Phụng Khánh song ca bản Gió mùa chinh phu, êm êm như ru như khơi mong nhớ, như gợi căm thù. Có nàng giặt lụa hồ thu, mơ chàng chinh chiến biên khu chốn ấy xa vời... Thu về, thu ơi, nhẹ lá vàng rơi... của Ngọc Bích. Tôi mê ban kịch của Sĩ Tiến diễn ở đình làng Giai, nơi nhà văn Trúc Sĩ mỗi tuần, từ Tiên Hưng sang đây xử kiện một lần. Tôi mê Khánh Hợi, Tường Vi ( không phải là Tường Vi đang diễn kịch trên vô tuyến truyền hình Việt Nam). Bây giờ hãy còn mê nhưng bật cười khi hồi tưởng Tôi Thi Khánh Hợi, phất tay áo rông, hò khâu hiểu:
...Tàn phá Cô Tô
Xây dựng cơ đồ
Việt Nam vạn tuế
Gái Việt xuân thu chiến quốc, vì nền tuyên truyền chống Pháp, bỗng hóa ra gái Việt Nam! Chắc Sĩ Tiến đau lòng lắm. Tôi mê nhất Ngọc Dậu hát bài Sông Lô trường ca của Văn Cao trong tiếng đàn lục huyền cầm Y pha nho của Canh Thân. Và, hôm nay, Thịnh mơ làm Canh Thân tài hoa, cùng Ngọc Dậu Kim Liên mang âm nhạc reo rắc khắp chốn. Hai kẻ sống cuộc đời nghệ sĩ giang hồ rày đây mai đó.
Đàm Viết Minh mơ thành nhà cách mạng chống Pháp. Một đêm kia, nhà cách mạng vào thị xã rải truyền đơn kể tội ác giặc Pháp, bị lính tuần tiễu bắn trúng tay trái (Nó không ham bị bắn trúng đầu hay tim). Nhà cách mạng chạy trốn vào chợ Vọng Cung, gõ cửa nhà ông đồng Tía. Nàng sẽ dấu nhà cách mạng trong phòng của nàng, xé áo lụa băng bó vết thương cho nhà cách mạng Đàm Viết Minh. Bên ngoài lính Tây bao vây. Chàng run run lạnh. Nàng ôm lấy chàng, sưởi ấm chàng. Sáng hôm sau, chàng bỏ đi, hứa trở về tìm nàng trong vinh quang. Và nàng khóc. Giấc mơ của con nhà Minh lãng mạn thật. Chả trách nó biết làm thơ. Bố tôi thường hay khen Minh giỏi văn chương. Người mỉa mai tôi "Cái mã mày thì thơ văn cái gì, hãy cố học như thằng Minh". Lúc ấy, tôi thèm, làm thơ quá. Làm sao, bây giờ, tôi có thể gửi ra ngoài Bắc cho bố tôi đọc một cuốn tiểu thuyết của tôi?
Đặng Xuân Côn mơ một giấc mơ khủng khiếp hơn. Nó mong chợ Vọng Cung hỏa hoạn. Nhà ông đồng Tía lửa bốt ngùn ngụt. Vợ chồng con cái ông đồng Tía mãi chạy đồ đạc quên mất ái nữ đang kẹt trong phòng khuê. Côn sẽ lao vào lửa, cứu nàng thóat nạn. Nàng cảm động, yêu nó. Ông đồng Tía gả nàng cho nó. Tôi kể giấc mơ tàn bạo nhất. Tôi mơ làm tướng cướp, xua quân vào thị xã, đánh phá tan tành và bắt nàng Kim Liên ra bờ sông. Con thuyền cánh buồm máu của tôi sẽ đưa nàng tới của bể Trà Lý, trôi giạt tới một hòn đảo ngòai khơi. Hai chúng tôi sống đời thủy khấu, đón tầu Tây đánh cướp rồi sai bộ hạ, chèo thuyền vào bãi bể Đồng Châu, phân phát cho dân nghèo.
Đấy, chúng tôi yêu Lê Thùy Kim Liên như thết đấy. Yêu "tập thể", yêu âm thầm và mơ khác lạ. Thằng nào cũng tưởng đang yêu và được yêu. Giải dị quá, chỉ cần viết một lá thư gửi nàng và hỏi nàng yêu đứa nào mà không đứa nào dám viết thư. Hoặc viết thư mà không dám gửi.
Một hôm, cái ý định gửi thư cho Lê Thùy Kim Liên - Kim Liên, ơi hỡi Kim Liên, Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê, hai câu thơ này được "thi sĩ" Đàm Viết Minh nhại thành Kim Liên, em hỡi Kim Liên, Anh đưa em tới một miền yêu đương - đem bàn với "đồ tể" Hoàng Văn Lộc. Con nhà Lộc nhận công tác ngay. Nó đóng vai thằng ở, ăn mặc rách rưới, đầu đội mũ phở, quần ta ống thấp ống cao, trịnh trọng mang thư đến trao tận tay nàng. Chúng tôi đã đứng sẵn trong hiệu đàn Đức Thắng, hồi hộp theo rõi phản ứng của nàng qua tủ kính. Lộc đóng kịch thật tài. Nó gãi tai, gãi gáy, y hệt một thằng ở chính hiệu. Nó nói oang oang, cố ý để chúng nghe rõ.
- Thưa cô, cô cháu gửi cô bức thư này.
Khi nàng đón nhận phong thư chứa bốn bức thư tình không ký tên, Lộc từ từ chuồn. Nàng mở thư ra đọc, tủm tỉm cười rồi xé đi. Ôi, những tác phẩm yêu đương của chúng tôi đã bị xé... tập thể! Thịnh khó lòng mơ nàng trở thành Ngọc Dậu. Minh hết hy vọng đưa em tới miền yêu đương. Nhưng Côn vẫn mong nhà ông Tía phát hỏa. Và tôi khoái làm hải tặc. Đại úy Blood cái phim này vừa chiếu tại rạp Lido. Errol Flynn hào hoa phong nhã lắm. Hải tặc như vậy, ai không khóai làm hải tặc? Chúng tôi đứng ngó những mảnh thư tình vụn nát, bay tơi tả. Buồn ghê, buồn như ông Đức Thắng khẩy đàn măng đô lin fadiese cứ bấm fa thường!
Nhưng Kim Liên, nàng tỳ nữ của người yêu Lục Vân Tiên còn đó, mỗi ngày diễu phố vài lần và ngồi trong cửa hàng tạp hóa của ông đồng Tía. Chúng tôi cũng còn đây, với đầy đủ dấp ngô nghê của học trò tỉnh lỵ mới lớn lên. Nàng ví như cái bóng âm đầu mùa hạ, che mát chúng tôi trên đường từ nhà đến trường học. Chúng tôi ôm khối tình vẩn vơ ấy mà không ngờ có ngày thất tình. Năm học mới đã tới, Thịnh không thi trung học phổ thông. Nó học lại đệ tứ và... tự học. Đàm Viết Minh đỗ trung học, đỗ bình. Nó chưa đủ phương tiện lên Hà Nội học tú tài. Nó cũng ở lại Thái để làm thơ thương nhớ Kim Liên rất...vô vi Lão Tử.
CHƯƠNG 7
Ngày khai giảng niên học đệ tứ, thầy Lô gọi cái đảng của chúng lên văn phòng, phủ dụ:
- Năm nay các anh đi thi, đừng quấy phá nữa, hãy học hành chăm chỉ. Nhớ rằng tóan hệ số ba đấy nhé!
Ngôi trường của chúng tôi đã từ sau đền Mẫu rời về ột con ngõ đường Lý Thường Kiệt. Vẫn mái rạ. Nhưng trường lớp khang trang hơn. Và đủ bốn lớp thất, lục, ngũ, tứ. Trần Lãm hách hơn Nguyễn Công Trứ vì đã có hai mươi học trò đỗ trung học phổ thông với sáu tên bình. Mà Nguyễn Công Trứ phải đợi năm nay mới cho gà gà nòi khoe cựa. Những con gà nòi của Nguyễn Công Trứ đáng kể là anh em nà Đặng Văn Phu. Quả nhiên, về sau Đặng Văn Phu trở thành bác sĩ, Đặng Tòan theo nghề binh lên quan tiến chức ầm ầm, Đặng văn Mai thì là thẩm phán. Điều đáng kể là họ vẫn sống cuộc đời đạm bạc, hiền hậu như sự hiền hậu muôn đời của dân Thái Bình đồng chua nước mặn, miền nhiều kỷ niệm của những người HảiPhòng, Hà Nội tản cư về đây.
Các thầy dạy đệ tứ, vẫn là các thầy đã dạy chúng tôi năm đệ ngũ. Tôi thì vẫn ngán môn Pháp văn dạy đúng theo chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục mà thầy Bàng phụ trách. Thầy Bàng bắt học sinh sọan từng đọan kịch của Molière, Corneille. Làm sao số vốn tiếng Páp chập choạng của tôi có thể đọc nổi Le Cid với điển cố tràn trề như điển cố Đọan Trường Tân Thanh và Cung Oán Ngâm Khúc? Nên tôi chỉ biết tên vài nhân vật như nàng Chimène, chàng Don Rodrigue với câu nói khí phách khi ông via bị nhục mạ tại triều đình về hỏi As tu du caeur. Thầy Bàng đã say sưa diễn tả câu nói khí phách này bằng giọng nói quyết liệt và điệu bộ anh dũng:
- Je suits jeune
Il est vrai
Mais la valeur n'atted point les nombreux des années.
Thầy thở dài, thiểu não lúc đọc câu than thân của ông via Don Rodrigue:
- Oh, cruel souvenir de ma gloire passée!
Và dịch bằng thơ Thế Lữ:
- Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!
Tôi sẽ ham học tư tưởng anh hùng, trung liệt của kịch Cornellie lắm, nếu thầy Bàng không bắt tôi đọc bài và không mắng mỏ tàn nhẫn khi tôi... lúng túng. Thầy Bàng dạy học say mê. Thầy lại thành thực. Dù biết chúng tôi chỉ là học trò, thầy cũng khiêm tốn nói.
- Tôi hiểu đến đâu, dạy các anh đến đó. Chỗ nào không hiểu, tôi phải tra cứu, không bịp các anh.
Tôi qúy thầy song vẫn phú lỉnh giờ thầy vì không đủ vốn học Moleires, Racine, Corneille. Giờ thây dạy, chỉ chừng mười mấy đứa ngồi học, hiểu. Còn tòan là lũ vịt nghe sấm. Thầy Quý dạy mấy giờ anh văn rồi nghỉ.
Thầy Đào Quang Huy dạy thay. Năm ngóai, thầy Huy dạy Le Cid, lớp đệ tứ, nổi tiếng điệu, đọc tiếng Pháp bằng giọng mũi. Tôi có tài bắt chước. Giờ Anh văn, thầy Huy bắt tôi đọc bài thơ trong cuốn Quatrième beige,tôi uốn lưỡi, đọc y hệt thầy. Cả lớp cười. Riêng thầy Huy khoái tôi. Thầy mắc cả lớp và cáu tiết cho tôi mười tám điểm! Đó là số điểm lớn nhất tôi đã "ngáp" được kể từ ngày lên rung học sau môn... học thuộc lòng thơ Tố Hữu.
Rồi thây Huy nại cớ bận việc trường công, bỏ dạy. Thầy Đinh văn Triển, em thầy Đinh văn Lô dạy Anh văng chúng tôi. Và khi thầy Bàng nghỉ luôn thì tôi không còn phải trốn giờ nào nữa. Tôi và đảng tôi anh dũng các giờ toán lý hóa của thầy Lô dù, đã học đệ tứ, tôi chứng mnh hai đường thẳng song song cứ cho chúng nó gặp nhau ở một điểm! Thầy Lô không hề biết tôi dốt toán, lý, hóa. Thầy mang cái tinh thần "xung phong" vào học đường. Mà đảng tôi tình nguyện xung phong rất kỹ. Vào lớp, giờ thầy là y như rằng thầy dở sổ điểm ra:
- Ai xung phong đọc bài?
Tôi đã học thuộc lòng bài của thầy, dơ tay trước:
- Thưa thầy, con ạ!
- Anh Vũ đọc đi.
Tôi đọc như húp cháo. Thầy khen:
- Chăm lắm, nay nay Vũ chăm và ngoan ghê!
Sau lượt tôi xung phon đọc bài đến lượt Lộc, Côn, Luyến. Giờ nào chúng tôi cũng xung phong, trừ cái khỏan lên bảng chữa toán thì Luyến đại diện. Xung phong mãi đến nổi thầy Lô "chê":
- Thôi, Vũ, Côn, Lộc chăm học quá rồi, từ nay khỏi đọc bài.
Thế là chúng tôi có quyền lười. Lắm hôm không học bài, giả vờ xung phong mà vẫn bị "chê". Thầy Lô giao cho tôi cái quyền ghi tên những tên không thuộc bài, thầy cho nơ tuần sau phải đọc. Tôi lãnh nhiệm vụ một cách hãnh diện. Ôi, thầy Lô đã dùng một thằng học trò dốt, lười làm việc thúc đẩy chăm học. Tôi được nhiều thằng nể lắm. Những thằng không thuộc bài, bị tôi ghi sổ tay, sợ ra mặt. Đến giờ thầy Lô, nhưng THằng nợ nần phải tra/ nợ trước. Tôi ngoái cổ xuống nhận diện. Bùi Thọ Tê chắp tay lạy lia lịa. Tôi nhếch mép cười. Thầy hỏi:
- Anh Vũ, tuần trước ai không thuộc bài?
Tôi đứng dậy, khoanh tay:
- Thưa thây..
Lại ngó xuống. bùi Thọ Tê lẩm bẩm miệng mà tôi đoán nó nói:
- Tao lạy mày...
Thầy dở sổ điểm:
- Ai?
Tôi trả lời:
- Thưa thầy anh Bùi Thọ Tê ạ!
Bùi Thọ Tê đứng lên, mặt mày xám ngoét. Nó đứng đực vì không thuộc bài. Thầy giận:
- Đã cho nợ một lần, lần này... hai trứng vịt.
Nguyễn Sĩ Thâm đã bắn lên cho tôi mốt miếng giấy, ghi vội:
- Tao lạy mày, tha tao lần này, lần sau tao đọc trả nợ.
Tôi nghĩ thầm:
- Mẹ anh tốt đen, năm ngoái anh dơ tay đòi đuổi tôi. Tôi sẽ cho anh hưởng zéro!
Thầy Lô lại dục tôi:
- Đến lượt ai hả, Vũ!
Tôy quay hẳn mắt xuống các bàn dưới. Nguyễn Sĩ Thâm hồi hộp chờ lãnh án. Bộ mặt tôi, lúc ấy, chắc là nó vênh váo dễ ghét lắm. Kẻ nào được "vua" yêu cũng đều dễ ghét hết. Tôi đảo mắt. Thấy Phạm Thế Ph. (thằng này không thích đùa nên không viết rõ tên nó, hiện nó ở trong nhà binh, đeo lon quan bốn) con chiên ngoan đạo nhất cua chúa Giê Xu, đương làm dấu. Tên Ph. cay cú các ông vua Minh Mạng, Tự Đức lắm. Học sử Việt tới giai đoạn triều đình ta tàn sát các ông cố đạo nó rơm rớm nước mắt. Và xin phép thầy ra ngoài. Chúng tôi gọi nó là "cố đạo Marchanđ". Nó đã sửng cổ đòi đánh Hoàng văn Lộc. Nhưng con nhà Lộc thủ sẵn nắm cát, ném vào mặt "cố đạo Marchand" và thoi sưng mặt "cố đạo". Thành thử "cố đạo Marchand" phải quên chuyện tín ngưỡng trường học. Tôi chấm Ph., dở sổ tay:
- Thưa thầy anh Phạm Thế Ph. ạ!
Phạm Thế Ph. nẩy người như cái lò xo. Chúa của nó đã không đóai thương nó, không đoái thương đứa học trò lười biếng. Ph. đứng thột mặt. Thầy hỏi:
- Thuộc bài không?
- Thưa thầy... đêm qua...
- Đi ngủ sớm chứ gì? Anh học hành thế cuối năm trượt, đừng trách nhà trường nhé! Ngồi xuống, hai trứng vịt.
Thằng thứ ba lên bảng phong thần là Nguyễn Kim Đồng. Nó chuyên đi học muộn. Thường thường, lớp học ngồi yên đợi thầy giảng bài, Đồng mới lò dò vào lớp. Hoàng văn Lộc hát ầm lên:
- Anh Kim Đồng ơi
Anh Kim Đồng ơi
Bố anh qua đời
Mẹ anh chết rồi
Mà anh vẫn vui..
Nguyễn Kim Đồng không giận Lộc. Nó hiền lành và vui tính. Tha hồ bạn bè chọc ghẹo. Nó ngó tôi dơ tay. Tôi tưởng nó "xin tha" bèn... "chỉ điểm":
- Thưa thầy, anh Đồng muốn trả nợ. Nó nháy mắt chỉ thằng ngồi cạnh nó là Lê văn Toe. À, con nhà này rất đẹp giai. Nó mang cái tên Toe chắc nó đã giận ông via nó lắm đấy. Lê văn Toe cũng hay đi học muộn. Cứ hôm nào nó vào lớp muộn, lớp học lại loạn tiếng còi ô tô bóp "toe, toe, toe" đón tiếp nó. Lê văn Toe cười toét chào anh em. Đồng muốn nó trả nợ, kiếm điểm, tôi đọc tên nó. Khổ thay, Lê văn Toe tịt còi ô tô. Thằng Đồng hại nó.
Đại khái đầu năm học vui thế đó. Tôi lãnh nhiệm vụ "lập bảng phong thần" cho thầy Lô trọn niên học. Nhưng mấy tháng sau tôi chán nhiệm vụ. Và thầy Lô hết muốn học trò xung phong đọc bài. Bính phở viết bài tùy bút trên bích báo nói xỏ tôi vì nó lạy tôi mà tôi vẫn bắt nó trả nợ bài thầy. Nó bảo tôi "nịnh thần". Tôi tức quá, cùng với Luyến, Côn, Lộc, thức hai đêm, gò lưng viết tờ bích báo chưởi Bính phở. Tôi tả một buổi chiều đến hiệu phở nhà Bính ăn phở. Tôi sai Bính phở bưng nước mắm, chanh, hạt tiêu và mắng nó dơ bẩn. Lê Huy Luyến quả quyết nước dùng hiệu phở nhà Bính nấu bằng xương trâu chết và xương chó. Nó hô hào học sinh Trần Lãm tẩy chay phở nhà Bính. Hòang văn Lộc tả bà bô Bính vừa thái bánh phở vừa đưa tay gãi cổ và quệt dỉ mắt nên bánh dính ghét và dỉ mắt, mất vệ sinh! Tờ bích báo của chúng tôi dán cạnh bích báo của "tổ sư hoạt động" Bính phở. Cả trường đọc, cười ầm ỹ. Bính phở phải lột cả hai tờ bích báo đi. Từ đó, nó bỏ nghề bích báo.
Vui nhất năm đệ tứ vẫn là "Mr Passive Voice" tức thầy Đinh văn Triển. Ông thầy Anh văn bất đắc dĩ này đã khiến cả lớp nản học Anh văn. Hiền như Phạm Tải, biệt hiệu dậy cảm hứng nghịch ngợm. Thầy Triển dạy cuốn Cinquième bleu.. Đang học những bài sử Ăng Lê, những bài trích từ tiểu thuyết Lorna Doone rong cuốn Quartième beige mà thầy Quý, thầy Huy dịch sang tiếng Việt thật bay bướm, nay trở lại học Cinquième bleu chán quá. Thầy Triển chú trọng văn phạm mà chỉ chú trọng... passive voice! Không giờ nào là không có cái khoản "To be cộng với past participle của verb thành passive voice". Phạm Tải đặt tên thầy Triển là To Be. Chúng tôi gọi thầy là " Mr. Passive Voice". Ông Passive Voice hay dọa cho zéro lắm. Có hôm, ông Passive Voice vừa dọa, cả lớp đã nhao nhao zéro zéro. Thầy Lô từ lớp bên chạy sang, đỏ mặt: "Cái gì mà hoa hô lạn cả lên vậy?" Chúng tôi cườI bò, cười gục mặt trên bàn.
Ông Passive Voice không hề cho bài dịch tự ý ông đặt ra hay rút ở Quốc Văn Giáo Khoa Thư bắt chúng tôi dịch sang Anh văn. Ông mua những quyển bài dịch của Nguyễn Văn Lộc hay Honey và Lăng Tuyền về, lấy ra bắt chúng tôi dịch. Chúng tôi cũng mua những cuốn sách đó và chép nguyên văn. Bên lề tờ giấy nộp cho ông Passive Voice mỗi thằng vẽ một cái tủ. Ông Passive Voice quấy ra phết. Ông phê chữ "good" vào cái tủ với mười tám điểm không sửa chữ nào kể vả vài chữ Lê huy Luyến cố tình chép sai. Một hôm, Phạm Tải "quay" ông Passive Voice:
- Thưa thầy, máy bay trực thăng là gì ạ?
- Hê li cốp tơ!
- Cái nốt ruồi là gì ạ?
- Biu ti xịt pót!
- Thế con... thạch thùng là gì ạ!
Ông Passive Voice đờ mặt:
- Zéro! Anh không học bài chỉ hỏi vớ vẩn!
Chúng tôi chán Voice Passive, chán To Be cộng với past participle và chán luôn Anh văn của thầy Triển. Giờ Anh văn trở thành giờ quấy phá hay bát phố.
CHƯƠNG 8
Nhưng không chán yêu thầm "con đẹp quá". Nàng vẫn là niềm mơ ước chung của bốn đứa chúng tôi.. Mỗi đứa đều thầm đọc ca dao Ước nàng là quả dưa hồng. Để ta được bế, được bồng, được mang... Đàm Viết Minh thích đọc những câu thơ không rõ xuất xứ:
- Thấy gái hồng nhan bỗng chốc mà
Hỏi thăm cô ấy chưa hay đà
Ăn mặc ra phường người ở chốn
Nói năng phải lễ giống con nhà
Ước gì ta đựợc mà ta để
Ta để đem về để nữa ta...
Tôi hỏi Minh:
- Để nữa ta.. làm gì?
Minh đáp:
- Chúng ta sẽ bàn tính sau. Có phải của riêng tao đâu.
Minh cảm khái:
- Kim Liên, em hỡi Kim Liên
Anh đưa em đến một miền yêu đương
Nếu nàng của riêng tao, tao sẽ đưa nàng đi thật xa. Tao là nhà cách mạng mà.
Minh đã vì nàng mà làm nhiều bài thơ. Còn Thịnh thì vừa sáng tác bản Chợ chiều mà lời diễn tả cô em trong chợ chiều chờ chàng trai qua lai.
Bây giờ, Thịnh thích ôm đàn lục huyền nghêu ngao Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, mối tình tôi vẫn cô đơn... Chúng tôi cũng không thích cái trò bắn giây thép vào nón nữ sinh của Lộc nữa. Những giờ Việt văn bỗng thích thú quá. Năm nay học Đọan Trường Tân Thanh của Nguyễn Du và Tỳ bà hành của Bạch cơ Dị. Hôm thi đệ nhất lục cá nguyệt, thầy Đàn ra đề luận về nàng kỹ nữ trên bến Tầm Dương. Đặng Xuân Côn đã đọc ở Tiểu thuyết thứ bẩy một cái tùy bút của tác giả nào đó, để tặng Nguyễn Tuân, mở đầu bằng hai câu thơ:
- Khóm trúc thêm tuôn giòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình già
Côn ta khen hay rối rít. Nó xin phép thầy, về nhà xé bài bùy bút trong bộ Tiểu thuyết thư bẩy cũ kỹ, đem đến lớp ngồi chép lia lịa. Bửu bối làm luận của chúng tôi là những cuốn sách Luận đề về... của hai ông Nguyễn Sĩ Tế và Nguyễn Duy Diễn vừa tung ra thị trường... thi cử. Chúng tôi phục hai ông này lắm. Hễ thầy cho đề luận về Nguyễn Công Trứ, chúng tôi tra cuốn Luận đề về Nguyễn Công Trứ chép vài đọan. Và vài đọan chép này thường bị thầy gạch bỏ. Thầy tôi biết ngay chúng tôi chép ở sách nào. Thầy không đồng quan niệm văn học với hai ông Nguyễn Sĩ Tế, Nguyễn Duy Diễn. Thầy bảo loại sách này chỉ giúp học sinh học tử. Đó là quan niệm sư phạm của thầy. Sau này, có dịp đọc lại lọai sách Luận đề về... tôi thấy mình phục thiên hạ một cách rất nhảm! Tôi còn buồn cười khi viết thơ văn của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương bị ví như những lá số tử vi. Và mỗi ông giáo sư luận giải một kiểu như thầy đóan số. Tôi không tin rằng câu Cái nóng nung người nóng nóng ghê của Nguyễn Khuyến diễn ý dân tộc khao khác cuộc nổi dậy diệt thực dân Pháp. Tôi đã viết nhiều bài "nặng" lắm, có vẻ cách mạng lắm. Nếu chó ngáp phải ruồi, tôi được cuốc bộ vào văn học sử và nếu tôi chưa kịp chết, người ta đã vội kết luận văn tức là người và vu vạ tôi cái tội có tư tưởng cách mạng thì tôi sẽ cười bò ra. Tôi biết, khi tôi viết văn chương đao búa là lúc tôi bốc nhằng. Tôi chả có tâm hồn cách mạng tí ti ông cụ nào.
Vì thầy Đàm đọc nhiều, nhớ kỹ nên bài luận thi lục cá nguyệt của Đặng Xuân Côn chỉ được có 5 điểm gọi là điểm... chép truyện của thiên hạ. Số điểm của tôi cũng lem nhem. Nhưng tôi đã cười bò ra khi thầy khen bài của Nguyễn Minh Định mở đầu bằng câu Từ ngày bị biếm... Ôi, bài luận lời văn quê mùa quá thể. Chữ con nhà Định lại to bằng con ruồi. Thế mà, sau này, nó đậu cử nhân văn chương giáo khoa, tốt nghiệp đại học sư phạm, bằng ngôn ngữ Anh văn Oxford, bằng văn chương Mỹ-Michigan. Ái chà, thằng này bằng cấp cả đống, kể ra không xuể. Nó học đến nỗi phải ép phổi mà chẳng biết tí "hương đêm" nào của cuộc đời. Con nhà Định có máu quân tử Tầu. Ông anh nó là lính nhẩy dù Nguyễn Minh Tiến, chiến đấu cho quê hương mất một mắt, một chân, đã nhiều lần khuyên nó... tiểu nhân một ly thôi. Cho đời đỡ khổ. Nó nhìn bốt phía, chỉ thấy thầy Khổng thầy Mạnh.
Nó bị đời đá lên đá xuống vì "thói" quân tử. Bằng cấp đông thế, tốt nghiệp đại học sư phạm điểm cao, hạng cao, mà Định vẫn được phút xuống Gò Công dạy học. Một năm, nó là chánh chủ khảo kỳ thi vào đệ thất, do cái sự đông bằng lớn. Ông hiệu trưởng của nó đã "hứa" tuyển một số học trò vào trường công.
Và bảo nó "thông cảm" thì sẽ được "thông cảm". Nó không nghe. Thi xong, kết quả công bố đàng hoàng, người quân tử Nguyễn Minh Định hủy bỏ cuộc thi, bắt thi lại. Dĩ nhiên, những cậu đã được ông hiệu trưởng hứa hẹn đi đoong hết. Và sau đó, quân tử Định đi về... Bạc Liêu! Bộ xử kiện, nó thua.
Người quân tử của nền giáo dục thua đau đớn. Không oán hận, nó vẫn dạy học trò tận tâm, thừa thì giờ dạy thêm hay bầy trò văn nghệ, nhất định chẳng đánh bạc, la cà các quán rượu. Nguyễn Minh Định xứng đáng là học trò của thầy Lâm Hữu Bàng, Nguyễn Cao Đàn. Học đường không phải là chỗ tập ăn cắp hay âm mưu ăn cắp. Bây giờ Định được mò về Phú Lâm, dạy ở trường Mạc Đĩnh Chi. Tôi phục nó lắm. Nếu ta không thể làm quân tử, ta nên phục những người quân tử trong thiên hạ. Trường Trần Lãm không đào tạo ra những người xuất chúng nhưng đã đào tạo ra những người đầu đủ thiện lương. Trường của tôi đã có Hà văn Uông gửi hai cái chân xuống lòng đất quê hương, ngày ngày ngồi cô đơn trên xe, mơ chuyện lấy vợ và hồi tưởng thuở đeo lon đại uý dọc ngang khắp chiến trường. Trường của tôi có Trần Danh Môn, Đào Vũ Điến, Vũ Tiến Mẫn, Phạm Thế Ph., Đào văn Lượng, Vũ Khắc Niệm, Bùi Thọ Ngọc vân vân đang ở các binh chủng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những người đó chưa đánh bóng ngôi sao của mình song đều đã làm đầy đủ bổn phận. Và tôi, tôi cũng có bổn phận nói cho họ nhớ rằng họ là học trò trường Trần Lãm.
Môn học Anh văn, Việt văn, Pháp văn đối với tôi đều vô tích sự. Tôi biết thưởng thức những bài thơ tình của Nguyễn Bính, Xuân Diệu từ thuở "a dua" Thịnh, yêu Lê Thùy Kim Liên. Tôi đã chép vô khối thơ và thuộc bộn. Nhờ thuộc thơ tình, ra đời tôi đỡ vất vả. Nói chuyện với con gái, không thể đem định lý Thalès, hệ thức Chales hay đường... phân giác ra được.
Chẳng lẽ bắt các em nghe cái sự tam giác quay chung quanh một trục thì biến thành cái khối! Hay lôi cụ Cao Bá Quát bàn về vụ uống rượu tiêu sầu? Không, cần đem thơ Xuân Diệu ngâm nga các em mới cảm, mới khấm khá nổi. Món toán tủa thầy Lô, do đó, cũng vô tích sự. Thầy Lô, như tôi đã nói, có một trăm bài toán hình học với bài giải đầy đủ mà thầy sưu tầm từ những năm còn học trường Bưởi. Những bài toán này "nhà nước bảo hộ" đã dùng làm đề thi trung học ở Đông Dương. Thầy Lô ghi cả năm thi và nơi thi như Nam Vang, Vạn Tượng, SàiGòn, Huế, Hà Nội dưới đề thi. Hoàng văn Lộc đến mượn thầy về chép hết cả bài giải. Nó nại cớ nghiên cứu trước, làm đi làm lại hoài cho... trúng tủ. Thầy khoái lắm và cho mượn luôn. Vậy là bài tập hình học nào Lộc cũng mười chín điểm. Nhưng hôm trả Bài tập, nó phủ lỉnh. Vì thằng nào điểm cao, thằng ấy phải lên bảng chữa bài làm mẫu. Mà Lộc lại chỉ... chép bài giảng sẵn.
Dạo đó, trường mượn một anh thư ký. Anh chàng này giống hệt nhân vật Le petit chose. Chúng tôi gọi hắn là Petit chose. Hắn đã khổ sở vì chúng ôi mỗi lần vào lớp đọc thông cáo dục đóng tiền học phí và mời một lô học trò chầy học phí lên văn phòng.
Chúng tôi chơi thân với Petit chose. Các bài thi lục cá nguyệt về toán lý hóa, tôi và Lộc chỉ cần vẽ hươu vẽ vượn. Và chờ phút chót, nhét dưới bài của Lê Huy Luyến, nộp cho thầy Lô. Thầy giáo sấp bài thi cho Petit chose cất vào tủ ở văn phòng, đợi ngày thầy chấm. Nhưng thầy chưa kịp chấm, Hoàng văn Lộc đã dùng "áp lực" bắt Petit chose phải để nó rút bài của nó và tôi ra.
Chúng tôi đem về cứ các bài giải mẫu của thầy Lô mà "tương" vào bài của mình. Lại đóng khung đóng khiếc đàng hoàng, sạch sẽ lắm. Thầy Lô hài lòng. Thầy phê "giỏi" và tặng mười chín điểm. Chỉ tiếc, hôm trả bài thi, Hoàng văn Lộc và tôi cùng phú lỉnh. Hậu quả của sự phú lỉnh các giờ học là hôm nay, tôi lêu bêu ngoài cuộc đời, sống vất vưởng bằng ngòi bút của mình và không bao giờ được làm... công chức chính ngạch! Dẫu loay hoai "tham chính", chạy vạy mỏi chân, đời chỉ phát cho tí "khế ước" không thì "phù động". Bởi vì tôi không có mẫu bằng lớn nào. Còn Hoàng Văn Lộc, bị động viên vô Thủ Đức, bỗng bùi tai nghe tiếng gọi cách mạng, đào ngũ, vào chiến khu Nam Ngãi chống ông Diệm. Bây giờ nó sắm vai trung sĩ, vai đeo máy ảnh, chạy lăng xăng dưới quyền sai phái của các xếp. Hào khí thuở học trò của nó đã chết. Tôi thương nó nhất.
Ôi, chuyện hôm nay kể ra làm chi nhỉ? Ngôi trường cũ, cái nôi êm ái của thời niên thiếu, đâu nỡ ru đám học trò tỉnh lỵ ngủ đi trong giấc mơ oan nghiệt. Tại cuộc đời, tại số phận cả. Vậy đừng trách thầy cũ, trường xưa. Hãy tự an ủi mình bằng... số tử vi và đừng quá "phẫn" làm liều hay hủy diệt thiên lương của mình, hỡi những người học tro Trần Lãm, hỡi những người học trò đã rời trường cũ, sắp rời trường cũ!
CHƯƠNG 9
Vào những ngày giữa mùa đông chúng tôi có một tin buồn. Lê Thùy Kim Liên sắp đi lấy chồng. Nguyễn Thịnh báo tin buồn não nề này. Tôi bỗng thấy mình lớn để thấy mình... thất tình.
- Thằng này ở Hải Phòng sang cớp Kim Liên, chúng mày ạ!
Thịnh chán nản nói. Và hỏi:
- Làm sao đây?
Làm sao bây giờ? Những giờ học không còn hứng thú nữa. Những buổi sáng chào cờ, dù Hoàng văn Lộc chỉ diễn có mỗi màn hài hước duy nhất, chúng tôi vẫn cườ khoái trá.Trò của Lộc hơi nguy hiểm. Theo lệnh của tòa tỉnh trưởng, học sinh buổi sáng làm lễ thượng quốc kỳ, học sinh buổi chiều hạ kỳ, và cả hai buổi đều phải hát bài chào cờ từ đầu đến cuối. Con nhà Lộc tranh chức kéo cờ. Hôm thì "ăn cơm tháng" ở cuột cờ, nghĩa là nó kép cờ nhích lên tí một. Cả làng hát hết quốc cá lá cờ mới lơ lửng giữa cột. Thầy giáo và học trò đứng nghiêm vì tôi chưa hô "thôi". Lộc kéo cờ, tôi hô lệnh. Con nhà Lộc bắt cả trường chào cờ mỏi... cổ.
Tôi không thiết hô "chào cờ, chào" và "thôi" làm hề với Lộc nữa. Bởi tại người yêu chung của chúng tôi sắp đi lấy chồng. Tôi vẫn ngồi trong lớp, tôi vẫn ăn cơm, uống nước, lên giường ngủ nhưng tâm hồn tôi gửi ở nhà ông đồng Tía hay in trên cánh buồm máu. Và khi tâm hồn tôi nằm trên cánh buồm máu, tôi bèn tái bản giấc mơ làm tướng cướp, tái bản với phần sửa đổi.
"Em Lê Thùy Kim Liên,
Ta biết em bị ông bà via bắt lấy thằng chồng xí giai kia. Em đau khổ. Em đã khóc xưng mắt. Ô, chỉ vì ta mê mải chuyện hải hồ không về kịp, dân ông via em trăm cân vàng để ông via em cung cấp cho lũ chầu văn mà tha hồ lên đồng và xin cưới em. Ta vừa cướp được một cục kim cương, ta định rở về đưa em thì em đã... sang ngang. Ta là Thủy Tinh đến muộn. Không, ta sẽ không thua thằng Sơn Tinh đâu. Ta sẽ về đúng đêm tân hôn, cho thủ hạ lên bờ, xua chúng vào nhà trai, bắt thằng chồng xí giai của em đem đi làm nô lệ. Và đôi ta sống bên nhau.. Kim Liên, em hỡi, Kim Liên, Anh đưa em tới một miền yêu đương. Đợi anh, anh lại về trong tiếng cười rộn rã, em nhé!"
Lúc mơ màng, tôi thấy mình thật vĩ đại. Bây giờ, hàng ngày chúng tôi tập trung ở nhà anh rể của Thịnh để bàn bạc tin tức "con đẹp quá" đi lấy chồng.
- Thằng rể ông đồng Tía già quá, chúng mày ạ!
- Bao nhiêu tuổi?
- Gần bằng ông đồng Tía!
- Trời ơi, sao nó lấy em của chúng ta? Phải bảo thằng Lộc cho nó một bài học đích đáng.
- Này, thằng này có vợ rồi. Em bị lấy nó làm vợ lẽ!
- Mẹ, chắc nhà nó giầu!
- Nghe nói ông đồng Tía đánh bạc thua liểng xiểng, phải bán con gái cho thằng ở Hải Phòng.
Đàm Viết Minh nghe tin-có-phần-bình-luận, thở dài.
- Ôi, nàng bán mình chuộc tội giùm cha.. Nàng là Thúy Kiều. Còn ta, ta là Kim Trọng.
Minh chủ quan:
- Tao biết, nàng đã than thở Đàm lang, ơi hỡi, Đàm lang. Thôi thôi, thiếp đã phụ chàng từ đây.
Tôi hung hăng:
- À, nếu vậy, ông sẽ đếch làm hải tặc nữa, ông noi gương Từ Hải. Biên thùy một cõi vẫy vùng, Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Đặng Xuân Côn đập bàn:
- Cần phải có vụ cháy nhà trong đêm tân hôn. Thằng xấu giai kia sẽ chạy lấy cái thân nó. Nó ích kỷ, hèn nhát. Còn tao, tao khoác bao tải tẩm nước, lao vào lửa cứu em ra.
Côn hiền lành nhất trong bọn tôi. Thế mà khi yêu..."tập thể", nó hung hăng ra phết. Nguyễn Thịnh "yếm thế" hơn cả ai. Nó thở dài:
- Nhạc sĩ Canh Thân mê nàng Ngọc Dậu, theo nàng mòn cả đường liên khu ba. Cuối cùng, chàng về Hà Nội, nàng ở lại đem tiếng hát reo rắc khắp chốn. Ôi, tao sẽ rời Thái Bình cho nàng đi lấy chồng.
Vào những ngày thất tình "tập thể" của chúng tôi, chiến trường Thái Bình đã bắt đầu khốc liệt. Đêm, ngày, giàn đại bác 105 ly đặt ở gần bờ sông, quay mặt về làng mạc phía bên kia sông, khạc đạn không ngừng. Chiến tranh sát nách chúng tôi. Chiến tranh tàn nhẫn cùng độ. Những cái chết khủng khiếp diễn đều mỗi đêm tại cầu Bo. Chúng tôi chỉ nghe để sợ. Mấy thanh sắt chắn ở hành lang cầu đã bị bẻ cong, đủ lọt một người bị đẩy rơi xuống sông Trà Lý. Phòng nhì Pháp và thuộc hạ của ông ba Ch., tức quan ba Vương V. Ch. đã thủ tiêu hàng ngàn người nơi đây. Người lớn kể rằng: ông bà Ch. Có gã vệ sĩ uống máu người không tanh tên Tâm. Nó là người Thổ. Gã Tâm bắt tử tội há miệng rồi dùng dao găm đâm thẳng vào họng kẻ bất hạnh. Và đạp xuống sông Trà Lý. Mỗi xác chết được đem về địa ngục một con dao găm. Dân chài vớt được xác chết nào có lưỡi dao đâm vô họng lút cán thì đó là "tác phẩm" của thuộc hạ của ông bà Ch. Rồi những cuộc hành quân càn quét của lính Pháp, bắt về thị xã biết bao nhiêu dân quê. Chúng tôi nhìn rõ sự khốn cùng của đồng bào mình. Nhưng mà, tất cả chỉ thoánng qua rồi trở thành xa lạ. Dân thành thị vốn ích kỷ. Chiến tranh kệ nó, mình không sao cả là được. Và dẫu có muốn làm gì cũng vô ích. Dân vùng tề, sống cá chậu, chim lồng. Thân phận mình ví như con cá nằm trên thớt. Người lớn câm lặng. Trẻ con... vô tư. Học trò nô đùa, nghịch ngợm. Chúng tôi lại còn yêu "tập thể" nữa. Yêu trong những tiếng đạn đại bác đêm ngày liên tiếp câu về quê hương mình.
- Bây giờ tính sao?
- Tính sao bây giơ?
Đặng Xuân Côn chợt nhớ em Hà cạnh đền Mẫu. Nó không thích có vụ "cháy nhà trong đêm tân hôn" nữa. Nó nói:
- Em đi lấy chồng là hết. Như chó chết là hết chuyện vậy.
Đàm Viết Minh gân cổ:
- Tại sao mày ví em với chó?
Nguyễn Thịnh cũng bất bình:
- Thế ra bọn mình yêu... chó à?
Tôi cáu sườn:
- Thằng Côn có con Hà rồi, nó cóc cần em Liên đâu. Từ xưa đến nay, nó yêu em... giả vờ. Mẹ, nó chép thơ Nguyễn Xuân Huy suốt ngày ngâm cái câu Cho Hà thêu đi anh.
Tôi vênh mặt nhìn Côn:
- Mày tưởng con Hà hách lắ hả, Côn? Nhà em bán nước mắm, em sẽ bị nước mắm ám mùi.
Côn đỏ mặt, chối lia lịa:
- Tao..tao.. đâu thèm mê con nhà bán nước mắm. Mày chỉ được cái nước bịa. Em bán nước mắm bao giờ? Ông via em làm ở tòa tỉnh. Nhà em cho thuê cửa hàng bán nước mắm đấy chứ.
Tôi cố hạ Đặng Xuân Côn:
- Nhưng tao đã thấy em thường đứng bên cạnh chum nước mắm. Em thêu bên cửa bao giờ? Nước mắm nó ám vào người em thì mơn mớn trăm vẻ xinh ở cái khổ nào nhỉ!
Đặng Xuân Côn lý luận:
- Em chỉ đi qua mấy chum nước mắm thôi.
Tôi hỏi:
- Đi qua mỗi ngày mấy lần?
Côn chưa kịp đáp, Nguyễn Thịnh đã gắt:
- Đang bàn chuyện em Lên đi lấy chồng, chúng mày lại tương... nước mắm vào.
Đàm Viết Minh khôi hài:
- Cho nó sót sa. Mà sót sa thật. Tao tự hỏi tại sao chúng ta nỡ để một thằng xấu giai từ Hải Phòng qua Thái Lọ, cuỗm con gái ông đồng Tía? Chúng ta hèn thế ư? Kim Trọng hèn thế ư? Tao muốn nhờ thằng Lộc cho thằng Hải Phòng một trái quai hàm quá.
Nguyễn Thịnh xua tay:
- Không nên, âm nhạc không diễn tả các cuộc đánh nhau.
Minh sự nhớ ra:
- Ừ nhỉ, thơ cũng vậy.
Vậy là "âm mưu" dùng "đồ tể" Hoàng văn Lộc "cho thằng xấu giai lấy em Kim Liên một bài học" đã bị hủy bỏ để thay bằng một "cuộc" đau khổ âm thầm! Dĩ nhiên, vẫn là đau khổ... "tập thể". Chúng tôi âm thầm đau khổ... "tập thể" cho tới "ngày cưới em". Ôi, ngày mà tnằng Hải Phòng cưới em trời lạnh như cắt, mưa lê thê. Chưa một ngày mùa đông nào buồn thế. Chúng tôi không đi học. Buổi tối, bốn thằng tụ họp tại nhà anh rể Nguyễn Thịnh - cũng làm nghề phó bô tức phó chũi tức thợ may - Anh rể Thịnh cho Thịnh một căn phòng riêng. Nó đi xin pin nhà binh về nối lại thành một chuỗi pin đủ thắp một ngọn đèn năm nến. Đêm hôm ấy, pin yếu rồi, ngọn đèn vàng khè. Dưới ánh điện hiu hắt, mỗi đứa khóac một chiếc chăn viện trợ Mỹ, đưa "con đẹp quá" về nhà chồng bằng những tiếng thở dài ỏao não. Cứ làm như em đã yêu mình, đã thề chung tình và nếu không lấy được mình, em uống thuốc chuột hay thắt cổ tự tử ấy!
Ăn xong hai cái bánh nếp nhân đường, nốc cạn tách cà phê đen, tôi ngồi bó gối, thở ra cái giọng óan trách con gái của Nguyễn Bính:
- Một trăm con gái thời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung
Hai câu thơ này không bị ba thằng thất tình phản đối. Chúng nó gật gù, ra cái điều bị em...phụ tình thật lực. Tôi bèn nương cái hứng... trách con gái mà ngâm thêm một bài thơ mà không rõ tác giả là ai:
- Trong buồng một mẹ một cô dâu
Tôi ngước trông cô mắt đỏ ngầu
Bên ngòai thiên hạ đang vui vẻ
Cô còn nũng nịu chả đi đâu
Không đi rồi lại thấy cô đi
Nhị hỉ cô im chẳng nói gì
Rồi từ khi ấy trừ khi tết
Chẳng thấy cô về được mấy khi
Tết sau cô bế đứa con trai
Nhìn cô tôi nhắc chuyên xưa chơi
Thôi, thôi cô chả đi đâu nhỉ
Rõ khi anh này đến nhớ dai
Rồi tôi ngồi nhìn phin cà phê nhỏ giọt trên bàn của Thịnh, đọc thầm những bài thơ thất tình. Trong khi, con nhà Thịnh, con nhà Côn sáng tác nhạc; con nhà Minh làm thơ. Tiếng nước mưa từ mái gianh rơi xuống nghe buồn bã lắm. Đêm khuya, giun dế, cóc, nhái, ễnh ương còn đùn lên cơ man là giọng sầu ai bi thiết. Thê thảm hơn, tiếng kèn đám ma, tiếng vợ khóc chồng, tiếng trống cơm đệm nhịp cho tiếng kèn, tiếng khóc từ nhà gần đó vọng sang. Và, tiếng đại bác câu đi... Ôi, chẳng có cảnh nào lâm ly hơn. Lại có cả tiếng càu nhàu, tiếng xé giấy ráp của ba nhà "nghệ sĩ" của tôi nữa chứ.
Đêm thật khuya, thật lạnh. Đàm Viết Minh tung chăn quàng, hân hoan:
- Xong rồi, xong rồi.
Nó bắt ba đứa tôi bu quanh nó, nghe nó được mấy câu thơ đắc ý nhất:
- Đêm nay em uống rượu tân hôn
Men ngọt dân lên ủ tận hồn
Em ơi ngừng lại trong giây lát
Nhận giúp lòng anh nửa chiếc hôn
Bài thơ của Đàm Viết Minh mở đầu bằng câu:
- Ai đã mang theo giấc mộng vàng
Và những câu tiếp, vần vò là lỡ làng, sang ngang lọan cả lên. Nghe nó đọc, nó ngâm, nó súyt xoa chán, tôi nói:
- Không ổn.
Minh hỏi:
- Không ổn ở chỗ nào?
Tôi lắc đầu:
- Ở chỗ nhận giúp lòng anh. Như thế là một mình mày yêu em à? Mày khôn quá.
Côn vuốt mặt:
- Ừ, đúng. Tao muốn sửa thành nhận giúp bốn anh bốn chiếc hôn đi.
Minh bĩu môi:
- Thơ thế ai ngửi nổi! Thiếu nhạc điệu.
Tôi nói:
- Chỉ cần đổi "anh" thành "ta" thôi. Ta là chúng ta. Mỗi đứa hôn em một ly ông lão đủ góp nên... nửa chiếc hôn rồi.
Tất cả đồng ý. Minh ngồi chép lại bài thơ thật đẹp. Một tiếng sau, Thịnh khoe sáng tác:
- Tập hát bài của tao đi!
Nó vẫn khác chăn, ôm lục huyền cầm, búng nhẹ và hát khẽ:
- Muộn rồi khi chiều êm nắng
Nhớ em suối lệ sầu tuôn
Anh nhớ dáng em mái tóc huyền
Bởi vì đâu duyên tơ đau thương
Bên lều tranh ai mang em đi
Khi về con đò sang ngang
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười...
Tiếng đàn lục huyền nghe trầm buồn làm sao! Bài ca thật hay bấy giờ và cả bây giờ dù lời ca ngây ngô. Hát qua một lần, Thịnh bảo chúng tôi tập cho thuộc. Tôi thắc mắc:
- Thằng xấu giai Hải Phòng mang em đi chứ ai mang em đi. Mà nó mang em đi bằng ô tô không đi đò. Đổi tí ti được chăng?
Không đứa nào đồng ý. Và chúng tôi tập hát bản Lỡ làng của Nguyễn Thịnh. Sau đó, học thuộc bài thơ Vỡ mộng của Đàm Viết Minh. Đặng Xuân Côn xé bản nhạc dang dở của nó. Khi đã thuộc thơ, nhạc rồi, chúng tôi bật diêm, đốt thi phẩm và nhạc phẩm sáng tác trong đêm buồn nhất một ời người đi. Gọi là gửi chút tình cho người tình chung - chung nhau đó - Lê Thùy Kim Liên.
Ngọn lửa cháy. Ngọn lửa của bốn tấm lòng bốn đứa yêu một mối tình "tập thể" đã cháy lóe lên trong khoảnh khắc. Rồi tắt ngóm.
Đúng lúc pin của Thịnh hết. Ngọn đèn năm nến vốn đã vàng khè, bây giờ, chỉ còn là sợi giây đỏ cam. Bóng tối thê lương đã phủ tâm hồn chúng tôi. Tôi tự hỏi, chẳng biết người nữ tỳ của nàng Kiều Nguyệt Nga có nghe tiếng trái tim thổn thức của "thi sĩ" Đàm Viết Minh mà... Em ơi, ngừng lại trong giây lát, Nhận giúp lòng anh nửa chiếc hôn chăng? Chúng tôi lên giường ngủ. Thơ Huy Cận, hôm nay, mới dĩễn tả đúng tâm trạng chúng tôi: Ôi, rét đêm nay mấy học trò...
Nhưng nằm nghe mưa, buồn lắm. Đêm mưa làm nhớ không gian. Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la, Tai nươn nước giọt mái nhà, Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn...Nên, nằm chưa ấm chiếu, chúng tôi đã lồm cồm bò dậy, thắp đèn dầu hỏa, hợp ca bản nhạc thất tình của Nguyễn Thịnh và ngâm khẽ bài thơ tuyệt vọng của Đàm Viết Minh. Ôi, tôi đã không thể làm tướng cướp nổi. Thưa thầy Trịnh Đình Rư, giá lời tiên tri của thầy đúng và có giá trị như lời nguyền của bà tiên độc địa trong cổ tích Công Chúa ngủ trong rừng, con đã trở thành tướng cướp. Vâng, con muốn trở thành hải tặc để, thưa thầy, đêm nay con trương cánh buồm máu, từ biển vào cửa sông Trà Lý, bắt thuộc hạ chèo gấp rút về bến Bo và đổ bộ lên thị xã, dông thẳng tới nhà ông đồng Tía, bắt nàng Lê Thùy Kim Liên ra đi cùng con sống cuộc đời tang bồng hồ hải. Tôi muốn hét lớn: "Ta muốn làm tướng cướp đường biển, ta muốn làm hải tặc"! Song tôi không hét được. Cổ họng tôi vướng víu cái gì đó. Và dưới ánh đèn dầu hỏa tôi thấy hai giọt nước của Đàm Viết Minh đọng ở đuôi mắt. Có lẽ, Minh đã yêu Kim Liên nhiều nhất. Tình của thi sẽ vẫn thiết tha hơn.
Bốn chúng tôi ngồi bó gối, khoác chăn đơn nghe mưa rơi tí tách, nghe tiếng đại bác cầu đi và nổ ì ầm từ những miền xa sau khi Thịnh đã dựa cây lục huyền cầm Y pha nho vào xó nhà. Đêm không thích sáng. Đêm dài bao la. Nỗi buồn của tôi cũng bao la như đêm dài. Tôi biết buồn vì con gái từ đêm hôm đó. Và từ đêm hôm đó, tôi thấy khung trời êm cho những giấc mơ của tôi. Đưa bàn tay xoa cằm, mới rõ, cằm mình đã tua tủa những sợi râu. A, cuộc đời, cuộc tình đã cắm chông lên cằm mình.
MỘT ĐOẠN TẠM COI NHƯ MỘT ĐOẠN KẾT

Mùa đông buồn thảm đã qua đi. Người nữ tỳ của nàng Kiều Nguyệt Nga về Hải Phòng với thằng chồng xấu giai. Tỉnh lỵ, dưới mắt tôi, như một cái bình pha lê không có hoa để cắm. Người ta ngắt mất bông hoa Lê Thùy Kim Liên rồi. Tôi chẳng muốn qua nhà ông đồng Tía nữa. Ông đồng Tía vẫn ham dồng bóng. Thây kệ ông vì con gái ông trót... lỗi hẹn cùng chúng tôi! Mình về mình nhớ ta chăng, Ta về ta nhớ hàm răng mình cười. Cha chả, hai câu ca dao này, phổ vào nhạc của NguyễnThịnh, hát hòai mà cứ thấm thía. Thấm thía đến nỗi quên cả xuân sang, tết đến dù xác pháo ngập đầy thị xã.
Giữa tháng giêng, Thịnh và Minh lên Hà Nội học. Chúng tôi ngồi trên xe ô tô của ông Lê văn Định, theo hai nhà "nghệ sĩ" tới tận bế đò Tân Đệ. Nguyễn Thịnh ném cục dá xuống sông Hồng, thề không bao giờ trở lại Thái Bình nữa. Còn Đàm Viết Minh dọa đỗ cử nhân văn chương mới hồi hương. Chiếc phà chở hai lãng tử mà hai trái tim vừa bị mũi tên ái tình xuyên thủng, sang bên kia sông. Ôi, bãi sông Hồng sao bao la và bờ sông Hồng sao xa xôi thế! Chúng tôi chờ xe ô tô quay đầu, mang mình về với nỗi buồn rõ tên tuổi. May là sắp thi cửa, chúng tôi tìm quên "con đẹp quá" trong sách vở. Nhưng chữ nghĩa chập chờn. Đặng Xuân Côn đem bài vào đền Mẫu học để được "liếc" em Hà, em Cẩm Hà. Tôi đoán rằng con nhà Côn muốn phân chất xem nước mắm có khả năng tiêu diệt tình yêu không. Riêng tôi, tôi mong ngày hội đền Mẫu, huy vọng kiếm một "con đẹp quá" thứ hai để... yêu riêng, yêu "cá nhân".
Ngôi trường của tôi không giống "con đẹp quá". Nó ở mãi thị xã, chung tình muôn thuở cùng học trò. chỉ có học trò phụ bạc trường học. Mỗi người học trò rời trường, đều đem theo ít nhiều tình yêu. Trường cho học trò tình yêu và tương tư. Học trò không cho lại trường gì cả. Trường ngâm thơ Xuân Diệu cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Khi bị "con đẹp quá" bỏ rơi, đi lấy chồng, tôi về yêu trường lớp. Và tôi được an ủi, buốt ve, chiều chuộng. Tôi lại nhét them vào ký ứ đầy ấp kỷ niệm.
Kỷ niệm của trường Trần Lãm, ngôi trường nay đã trở thành trường cũ. Có ai kể hết kỷ niệm trường xưa lớp cũ của mình không nhỉ? Không, chả nên kể hết. Phải dành dụm chứ. Và tôi cũng vậy, tôi không kể hết chuyện trường cũ đâu. Tôi sợ kể hết, tôi chẳng còn gì kể thêm mỗi lần có người muốn tôi nhớ về trường cũ. Và tôi đứng ở đây...
Phú Nhuận, 20/6/1968
Duyên Anh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...