Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Tự do trong nghiên cứu khoa học

Tự do trong nghiên cứu khoa học

Bài này tôi muốn để cập chung cho khoa học xã hội và nhân văn. Có thể suy ra cho cả khoa học lịch sử  Khoa học gắn liền với môi trường để sáng tạo. Mà môi trường sáng tạo ở đây tôi muốn bàn tới là tự do, dân chủ. Xin được nhấn mạnh rằng, không thể nào có được sản phẩm khoa học đích thực, có giá trị đối với cuộc sống, nếu người nghiên cứu không có được môi trường tự do, dân chủ thực sự.
“Cơm áo không đùa với khách… nghiên cứu sử học!”.
Đành rằng, nói như C.Mác, trước khi con người ta hoạt động khoa học, thì cần ăn, mặc, ở, v.v… nghĩa là những điều kiện tối thiểu về vật chất. Hay nói như người phương Đông, mà cụ Hồ có một số lần nhắc lại, là “Có thực mới vực được đạo”. Cụ Hồ còn nhắc lại câu của ai đấy trong Nho giáo là “Dân dĩ thực vi thiên” (Nghĩa là dân lấy ăn làm trời). Còn trong dân gian thì “thằng Bờm” rất thực dụng về vật chất “ăn ngay, tiền tươi, thóc thật” là khi phú ông nói đổi cho Bờm bao nhiêu thứ như “ao sâu cá mè”, “con chim đồi mồi”, “ba bò chín trâu”, “ba bè gỗ lim”, “con chim đồi mồi” để lấy cái quạt mo, Bờm đều không ưng, đến khi phú ông đổi cho “nắm xôi” là Bờm cười!
Nhưng, sau cái đó, tức là sau những “vật chất” đó thì là điều kiện tối thiểu nào cho sáng tạo khoa học?
Người ta hay nói đến cái “vòng kim cô” khi mượn hình tượng trong tác phẩm Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân bên Tàu để nói về con người bị khống chế tự do trong đời sống. Ở đây, tôi thấy rằng, nếu nói tới vòng kim cô thì vòng kim cô đó nên chỉ là một giá trị cần thiết là Hiến pháp và pháp luật của một nước mà người đó là công dân, hoặc rộng hơn nữa, trong xã hội hiện đại, là giá trị pháp luật quốc tế phổ quát mà nước có người đó ký kết. Thậm chí, trong xã hội hiện đại, hiến pháp và pháp luật của mỗi một quốc gia không phải là vòng kim cô, mà là môi trường tự do cho hành động.
Vì tự do chính là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu. Cái tất yếu ở đây là quy luật của tự nhiên và xã hội (Phải thuận thiên nhi hành – làm theo ý Trời). Cái tất yếu ở đây là những giá trị có lợi cho toàn thể nhân dân, chứ không phải cho riêng một nhóm nào.
Trong hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay, trước đây ở Việt Nam đã có Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội khóa X nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, ban hành năm 2000 (Luật số 21/2000/QH10). Ngày 18-6-2013, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ mới gồm 81 điều, mang ký hiệu Luật số 29/2013/QH13, thay thế cho Luật cũ; Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Luật này ngày 1-1-2014.
Ngoài Luật Khoa học và Công nghệ trên đây, cần rất nhiều nội dung cho việc bảo đảm môi trường tự do, dân chủ cho nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn nói chung và đối với sử học nói riêng.
Hiện nay ở Việt Nam, đã có môi trường thực sự cho tự do, dân chủ đối với hoạt động khoa học xã hội, nhân văn, trong đó có sử học chưa?
Chúng tôi cho rằng, chưa có đủ. Cũng chính vì vậy mà cách đây khoảng gần 30 năm, chúng ta có chủ trương cho nghiên cứu, soạn thảo, thông qua và ban hành một văn bản như là một quy chế để quy định dân chủ cho những hoạt động khoa học xã hội, nhân văn. Cơ quan chủ trì soạn thảo là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (sau nhiều lần đổi tên thành Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, bây giờ là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Các bản dự thảo đã được đưa ra thảo luận, góp ý rất nhiều lần với nhiều phạm vi khác nhau, lúc hẹp, lúc rộng, nhưng không có được sự đồng thuận cần thiết trong các nhà khoa học cũng như trong các nhà quản lý. Nguyên nhân của tình trạng đó có nhiều, nhưng chủ yếu nhất là do những lần dự thảo đó chưa phản ánh được tính phong phú thuộc về bản chất của phạm trù tự do, dân chủ trong khoa học xã hội, nhân văn ở thời kỳ đổi mới của đất nước. Như vậy, việc này của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam bị bỏ dở.
Gần đây nhất, một cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng một Đề án để trên cơ sở đó dựng nên bản Quy chếdân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu lý luận. Đã có nhiều lần đưa ra được bản dự thảo sau nhiều lần soạn thảo, sửa chữa, bổ sung, phản ánh sự cố gắng của ban soạn thảo và thể hiện được nhiều nội dung cần thiết để bảo đảm và phát huy dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu lý luận. Bản này đã được thông qua, nhưng nó lại được lưu hành để thực hiện dưới dạng “MẬT”!
Có nhiều điều, nhiều nội dung phản ánh sự mong muốn của chúng ta hơn là tính đến khả năng thực thi. Nói cách khác là có một số điều không thể nào, hoặc rất khó thực hiện trong cuộc sống. Tính khả thi không được bảo đảm thì quy chế phỏng có ích gì? Chẳng hạn: có một điều viết về quyền hình thành, phát triển và bảo lưu các quan điểm khoa học riêng: các diễn đàn khoa học thì phạm vi đến đâu, chưa chặt chẽ và chưa thật rõ để thực hiện; việc truyền bá, phát tán tài liệu thì thế nào là “truyền bá”? Liệu phát biểu trong nội bộ cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học có phải là tuyên truyền không? Điều khác về quyền tiếp cận các nguồn thông tin, ghi như là sự mong muốn, nhưng chắc chắn là khó thực thi, nhất là đối với tài liệu mật. Hơn nữa, Chính phủ đã có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề này, không dễ gì mà được đọc tài liệu mật, dù đó là đảng viên, có chức vụ cao. Điều viết về quyền trao đổi, thảo luận, tranh luận khoa học cũng vậy, rất khó thực thi, ngay cả việc “có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời đối với những đề xuất của mình” như nhiều văn bản nêu. Cũng tương tự như vậy, vấn đề cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền thì không rõ. Việc theo đa số trong đánh giá kết quả nghiên cứu là không rõ ràng bấy lâu nay. Ngoài ra, những quyền tham gia đào tạo, giảng dạy cũng chưa thể hiện được cái quyền của người cán bộ nghiên cứu khoa học trong thời buổi hiện nay.
Căn cứ vào bản chất của vấn đề và nhất là căn cứ vào tình hình thực tế mấy chục năm vừa qua khi theo dõi vấn đề soạn thảo quy chế về dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn, tôi cho rằng, không nên có và không thể có một bản quy chế nào về vấn đề này cả. Lý do là vì tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học vốn là một thuộc tính, là thiên phú, là điều hiển nhiên (là “tạo hóa” – trời cho) không cần phải ai có quy định gì nữa cả. Việc có quy định là thừa. Hơn nữa, người nghiên cứu là một công dân thì hiển nhiên người đó phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền của người công dân theo luật định; đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thì ngoài trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền của công dân, còn có trách nhiệm, quyền của người đảng viên theo Điều lệ Đảng quy định.
Vậy, môi trường tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học ở giai đoạn hiện nay tối ưu là bao gồm những điểm gì cần lưu ý?
Tôi thấy có thể là những điểm sau đây:
Một, trong nghiên cứu khoa học, trước hết người nghiên cứu phải tự mình xác định thật rõ việc thực thi quyền và trách nhiệm công dân theo luật định, và nếu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì theo đúng Điều lệ Đảng.
Hai, điểm một trên đây là cần nhưng chưa đủ. Người nghiên cứu có quyền thỏa sức xác định phạm vi và mức độ nghiên cứu. Ở đây, người nghiên cứu không phải tự giới hạn mình vào định chế nào cả, nghĩa là tự do, dân chủ tuyệt đối. Cái tuyệt đối mà người nghiên cứu cần đạt tới là cái mà người nghiên cứu cho là chân lý, và chỉ có chân lý mà thôi.
Theo đó, trong quá trình nghiên cứu, đó là những bài viết (nội bộ), là những phát biểu tại các cuộc tọa đàm… có thể có những điều trái với cả luật định và trái với cả những quan điểm, đường lối hiện hành. Đó có thể là những công trình nghiên cứu do Đảng và Nhà nước “đặt hàng”, những đề tài khoa học. Những ý kiến này của những người nghiên cứu cần có thái độ đúng đắn của những người xung quanh:
(i) Với đồng nghiệp thì cần có thái độ khoa học, thẳng thắn, chân thành và với văn hóa tranh luận để tìm ra chân lý; phê phán, thẩm định hay phản biện thì đều trên cơ sở hướng đích khoa học.
(ii) Với các cơ quan lãnh đạo, quản lý thì phải có thái độ lắng nghe, mặc dù có những ý kiến trái với hiện hành. Tuyệt đối không được quy chụp về lập trường chính trị (không “chụp mũ”). Đây chính là điều dễ mắc phải, làm cho những ý tưởng khoa học bị chột mầm, và như thế làm cho khoa học không phát triển được, dẫn đến đất nước chậm phát triển. Và, đây cũng chính là cái vòng kim cô, mà có thể, có lúc hoặc là những người lãnh đạo, quản lý đeo lên đầu cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, hoặc là người nghiên cứu tự mình đeo lấy cái vòng kim cô ấy.
Ba, cái khó nhất chính là ở điểm ba này. Khi công bố công khai (đăng tạp chí, báo, xuất bản thành sách) những kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn thì người nghiên cứu phải tuân thủ luật định. Dù kết quả nghiên cứu có hay, có đúng, có hấp dẫn đến như thế nào đi chăng nữa, thì người nghiên cứu phải cẩn trọng khi đưa ra những vấn đề trái với pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia; cũng như vậy, nếu là đảng viên thì phải tuân thủ Điều lệ Đảng, nghĩa là không được trái với quan điểm, đường lối hiện hành của Đảng.
Xưa nay xử lý không đạt là ở cái điểm hai và điểm ba này. Ở đây, đòi hỏi tinh thần nghiêm túc, cầu thị của cả hai phía: phía lãnh đạo, quản lý và phía người nghiên cứu. Ranh giới giữa những điều sáng tạo trên cơ sở tự do tuyệt đối, mặc dù tự do trên cơ sở cái tâm trong sáng, với sự phát tán những điều mà kết quả nghiên cứu trái với luật định, Điều lệ Đảng, quả thực là rất mong manh. Tính rủi ro ở chỗ này rất lớn. Ở một cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, nhất là trong phạm vi hẹp, phạm vi nội bộ, thì không thể truy cứu, quy chụp quan điểm, lập trường; nhưng trên bục giảng hoặc trên một diễn đàn một buổi nói chuyện công khai trước đông đảo quần chúng chẳng hạn, không thể nói khác. Có lẽ vì cái khó, và có phần phức tạp ở những điểm này mà bấy lâu nay chúng ta có cố gắng nhưng gặp quá nhiều khó khăn về xác định quy chế về dân chủ trong nghiên cứu.
Hiện nay, trong nước ta, thiếu cả hai: vừa thiếu sự mạnh dạn nêu lên và đầu tư nghiên cứu nhiều vấn đề khoa học mà cuộc sống đang đặt ra cần lời giải đáp, mà những vấn đề này thường được/bị liệt vào “những vấn đề nhạy cảm”; vừa thiếu sự tổ chức thẩm định một cách chặt chẽ, thường xuyên và thậm chí là tổ chức đối thoại với những người nghiên cứu về những vấn đề mà người nghiên cứu đặt ra thuộc về “những vấn đề nhạy cảm”. Do đó, để bảo đảm cho tự do, dân chủ đích thực cho nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn hiện nay, cần khắc phục điều đó.
Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng muốn có tự do, dân chủ. Tự do là điều hấp dẫn. Nhưng thế nào là tự do trong khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có sử học thì chắc còn lắm ý kiến.
Viết đến đây, tôi nhớ tới ba chuyện.
Một: Nhà cậu em tôi ở quê có mấy lồng chim cảnh. Có một con khướu mãi không biết hót, không hiểu vì sao. Một hôm, vào một ngày đẹp trời, nắng ấm đã rải lên từng ngọn cây mái nhà. Có lẽ trong một tâm trạng ưu tư (?), cậu em phóng sinh cho nó. Chú chim vụt ra không trung mất hút trong bầu trời tự do. Những cánh chim tự do. Bầu trời rộng mở. Những hàng cây, rợp mát. Những cánh đồng bát ngát nên thơ. Ấy vậy, chỉ hai hôm sau thấy chú chim quay về bám vào cái lồng. Khi cậu em mở cửa lồng, nó lại chui vào. Tại sao con chim này không thích tự do nữa? Tôi nghĩ có lẽ nó đã quá quen với không gian lồng chim và quen với cảnh ăn sẵn. Không mất công đi tìm ăn. Như đi tù có người nuôi. Nếu tự do thì phải đi làm mà ăn! Con người và bản thân nó đã làm mất đi cái kỹ năng tìm thức ăn rồi. Khả năng thích ứng với tự do của nó đã bị biến mất.
Hai: Tôi xem một vở kịch, lâu lắm rồi, không nhớ tên vở kịch đó là gì nữa, không nhớ xem ở sân khấu nào Hà Nội và do đoàn kịch nào diễn. Đại thể tôi nhớ cái cảnh là có một toán nô lệ da đen được giải phóng khỏi thân phận nô lệ, trở thành người tự do. Tự do muôn năm! Đó là tiếng hoan hô từ lồng ngực căng tràn sức sống của họ khi được giải phóng khỏi thân phận nô lệ. Nhưng chỉ ít lâu sau họ tự nguyện trở về ông chủ nơi họ được giải phóng mấy ngày trước. Và họ tự nguyện trở lại làm nô lệ. Chắc là họ giống như con chim khướu trên kia. Lúc này, nghe đến hai tiếng “Tự do” thì họ nhe răng cười!
Ba: Ở cơ quan nọ, khi triển khai một đề tài khoa học, có tổ chức tư vấn cho nhóm thực hiện đề tài. Tôi là thành viên hội đồng tư vấn. Nghe hay không nghe theo ý kiến tư vấn là quyền tự do của chủ nhiệm đề tài và những người cộng sự. Trong hội đồng, có một người góp ý cho nhóm làm đề tài là nên thế này nên thế nọ, vì có một phần dùng khái niệm không đúng với văn kiện Đảng. Tôi bày tỏ ý kiến về vấn đề này, như là một sự phản biện với vị thành viên hội đồng tư vấn đó. Tự do trong khoa học là đừng có phụ thuộc vào chủ quan mà phải căn cứ vào tất cả các dữ liệu.
Ba câu chuyện trên đây, phải chăng có cùng một ý: bản thân (chủ thể) phải sẵn sàng, tức là có tâm thế để tự do; tự do là quyền Trời cho ấy phải tự mình trân trọng hưởng chứ không chờ ai ban phát.
Và, điều này nữa: người nghiên cứu khoa học phải biết vượt qua chính mình.
Đó mới có tự do. Tự do đích thực!.
2/8/2020
Mạch Quang Thắng
Nguồn: VHNA
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...