Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Xin muôn lần tạ lỗi với yêu thương

Xin muôn lần tạ lỗi với yêu thương

Có ai từng vu vơ tự hỏi: Vì đâu ta đến với thế giới này? Nhân duyên với mẹ cha là gì trong số những ân oán nợ vay? Đã có lần tôi tự truy vấn bản thân như một kẻ mê si về kiếp sống trần gian vội vàng vương trong gió. May thay vẫn thột tỉnh để thấm thía triết lý nhân sinh vô thường ai cũng thấu…
Ngày tôi còn nhỏ ai cũng bảo mẹ tôi khổ lắm, bố sinh ra trong gia đình khó nên bản tính cần kiệm, chắt chiu, chăm chỉ như con tằm rút ruột nhả tơ, chịu thương chịu khó hiếm có người bằng. Vậy mà, điều đó khiến mẹ vất vả thay những nhá nhem cơm áo. Tôi thương mẹ và vô tình trách bố đã làm khổ mẹ con tôi.
Nghề chính của bố là làm bạn với phấn trắng bảng đen nhưng hễ hết giờ lên lớp là thả cặp ra vườn tỉa lá, bắt sâu, chăm hết luống rau nọ đến bụi cây kia. Vườn nhà lúc nào cũng đầy thứ quà để hái, rau quanh năm không một ngày mua chợ. Cá dưới ao, lợn trong chuồng. Bố bảo chịu khó thả để chúng tận dụng thức đồ thừa thãi, Tết lại có thịt sạch mà ăn. Ngan, gà đủ loại, trống tơ, mái rạ, nhỏ to không thiếu. Chó mèo đều rối rít mỗi giở ăn. Chưa hết, bố còn nuôi mấy đàn ong mật. Lâu lâu, san tổ bay tút trên ngọn tre, đầu đội mũ trùm, người mặc đồ bảo hộ, bố gọi chúng tôi giữa trưa ra cùng đuổi bắt gây đàn. Mỗi lần ong san là ít nhất bố cũng bị vài nốt cắn nhưng bố bảo: “Ong đốt là tốt cho xương khớp” nên bố chẳng thấy đau, tấy sưng vài hôm thì sẽ hết. Còn chị em chúng tôi ai nấy cứ hú vía mỗi lần phải đuổi bắt ong giữa trưa hè nắng nóng.
Thuở còn niên thiếu chị em tôi đứa nào cũng sợ bố vì thấy bố làm quần quật từ sáng đến tối mà không biết mệt, lũ chúng tôi chỉ mong sao bố nghỉ ngơi một ngày để chúng tôi đỡ bị làm việc mà vui chơi thỏa thích. Sau này có gia đình mới thấm thía và hiểu hơn những gì bố nghĩ. Là người sống nội tâm, kiệm lời nhưng suy nghĩ của bố vô cùng sâu sắc. Trước kia cũng từng là lính tham gia chiến trường ở Quảng Trị. Khi còn là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bố tạm gác bút lên đường hành quân chinh chiến. Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1975 bố mới trở lại hoàn thành khóa học. Mặc cho mỗi lần trái gió trở trời bố lại bị những cơn đau hành hạ, có lúc cư xử thất thường khiến mẹ con bao phen khiếp đảm nhưng vì một lần trên đường về quê, mọi giấy tờ liên quan đã bị kẻ gian lấy cắp nên từ bấy bố không hề được công nhận trợ cấp thương binh. Tuy nhiên, mẹ con tôi luôn ghi nhớ công lao của bố, một phần thanh xuân kiên cường, quả cảm bố đã chân tình gửi lại ở Quân khu 4. Hòa bình lập lại bố vẫn sống với tác phong quân đội, lối sống ấy theo bố trong cả cách rèn giũa chúng tôi. Bố thương các con lắm nhưng nhiều lúc khiến chúng tôi sợ hãi.
Tôi lơ mơ nhớ, hồi mới 7,8 tuổi mà chỉ được mười mấy kg, bố xót nên lặn lội đạp xe về quê (quê tôi ở vùng biển) mua những liếp cá thu tươi mới nướng, những giỏ ngao O tôi vừa nạo được lên bảo mẹ nấu cho chúng tôi ăn để bổ sung can xi, tăng cường dưỡng chất. Vậy mà, bữa cơm hôm ấy, bố nhằm miếng cá ngọt ngon dành tất cho tôi thì tôi lại ấm ức, miệng và cơm chan nước mắt mà lòng thầm trách bố (vì bấy giờ tôi ghét ăn cá). Lúc này tôi đâu biết cá là loại thực phẩm tuyệt tốt và vì tình yêu thương lớn lao bố đã không quản quãng đường 30 cây số lọc cọc đạp xe mua về cho chúng tôi. Rồi khi sinh nở, một mình bố lụi hụi nấu cháo chân giò nóng bỏ cặp lồng đem lên tận viện cho tôi…
Là một đấng mày râu cương nghị nhưng bố cũng dễ động lòng trắc ẩn với những mảnh đời bất hạnh chốn nhân gian! Quê bố rất nghèo nên những đứa trẻ nhà nông đến mùa giáp hạt thường đói rét, nheo nhóc. Bố trăn trở nhất là đứa cháu con chị gái sớm mồ côi mẹ, bố lấy vợ xa nên chị ấy phải ở với Dì nương tựa bữa rau bữa cháo. Mỗi lần về họp họ hàng bố lại đùm đùm, xách xách những thứ chúng tôi không dùng đến để cho chị, tích góp đồng lương ít ỏi, bố chia hết đứa nọ đến đứa kia (Mẹ con tôi chẳng hề hay biết. Mẹ cứ bảo “Bố mày chẳng khi nào đưa cho mẹ đồng lương trang trải trăm bề”. Sau này, có dịp về quê nghe các O kể lại tôi mới biết). Trong tiềm thức xa xôi thỉnh thoảng tôi chợt nhớ những ngày đông giá rét, trở dậy khi tiếng gà eo óc gáy, đôi mắt dõi xa xa ngoài trời sương trắng hay những ngày bão lụt nước dâng ngập đồng, bố lại thở than: “Cuộc sống người nông dân thật khốn khó, bốn mùa đầu tắt mặt tối kiếm thứ nuôi con qua ngày đoạn tháng thật không dễ, gặp lúc lũ lụt chỉ biết nuốt nước mắt vào trong”. Nhìn cảnh tượng ấy, bố sợ chúng tôi khổ nên không quên nhắc nhở các con phải học hành chăm chỉ để kiếm cái nghề thoát kiếp nhà nông. Tôi nhớ lắm, hồi học cấp 3, nhà cách trường 8km. Bố thấy tôi nhỏ con đi xa, vất vả, bố lại động viên: Con phải cố mà đỗ Đại học để cho những tháng ngày vượt đèo leo dốc học hành không uổng phí nha con! Chính câu nói ấy đã thôi thúc tôi quyết tâm thi đỗ năm đầu tiên mặc dù năm ấy gia đình tôi gặp nhiều biến cố khiến tâm trạng tôi khó tập trung bất an hoang mang cực độ.
Bố tôi còn là người ân nghĩa thủy chung như nhất. Trước lúc lâm chung bố còn cẩn thận viết di chúc, dặn dò từng việc nhỏ. Sau này tôi mới biết bố thương chúng tôi trai, gái không phân biệt (ngày nhỏ tôi nghĩ bố “trọng nam khinh nữ” nên tôi không mấy khi được ưu ái) mà thương nhất là câu bố trăn trở lúc đang trên giường bệnh và lo đến cả những việc sau khi trút hơi thở cuối cùng. Bố bảo “Sống phải lo nhưng chết cũng phải lo”. Bố sợ chúng tôi trong lúc tang gia bối rối không còn tâm trí để ý bà con lối xóm, họ hàng gần xa mà tiếp đãi hời hợt những tấm lòng phúng viếng của mọi người rồi mang tiếng thị phi thì bố chẳng an lòng.
Chao ôi! Một kiếp nhân sinh khốn khổ đến tận đời! Hơn Bảy mươi mùa vàng không màng ngày tháng đoái bản thân! Sau hai tháng đua nhanh giật giành sự sống, vật vã với hiểm nghèo, bố rời bỏ bước trần ai… Đất với người phủ một màu thương tiếc, trống vắng bóng Thầy cây cối úa sầu hoen. Ngày nhận hung tin tôi đã khóc tràn như lần đầu nghe mẹ bị u phế quản, đêm một mình úp mặt vào trong tối, nước mắt tuôn rơi và đầu tôi nhức nhối… Tôi nợ Bố một đời khó nhọc kể khôn vơi!
Cảm ơn bố đã cho tôi biết chắt chiu những hạnh phúc muộn mằn, biết thương đời trong muôn kiếp nhân sinh, biết nâng niu từng mầm cây, chiếc lá, bầu bạn với muôn loài và trân quý những phút xa hoa…
Bố đã về với cao xanh hơn hai mùa thu trước, có thể chẳng bao giờ bố nghe thấu lời tôi nhưng vẫn muốn xin muôn lần được cúi đầu cảm tạ Đấng sinh thành hòa mãi với Tổ quốc ghi công! Và kính dâng nén tâm nhang khẩn thành hối lỗi những điều nông nổi. Có trọn kiếp tôi đời luôn vương vấn nỗi yêu thương!.
Nghệ An, 25/7/2021
Bích Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...