Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Nhớ ngôi nhà tranh tre

Nhớ ngôi nhà tranh tre

Những năm sau ngày giải phóng từ 1976-1990, quê tôi hầu hết là nhà tranh, phên làm bằng tre trét phân trâu bò.
Hoặc phên làm bằng gạch đóng bằng đất sét trộn với rơm khô. Được gọi chung là nhà tranh, vách nứa. Nhà nào có điều kiện thì làm nhà gỗ 3-4 gian, trên đóng rui, mè bằng tre lợp tranh, còn không có gỗ thì làm bằng cây tre già, lợp tranh.
Tranh là vật dụng không thể thiếu được với người dân Việt Nam thời điểm đó. Chính vì vậy mà người đời thường nói: “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng: Cứ nhà tranh vách nứa, cứ cái nghèo, cái khổ đeo bám mãi, mà không thoát nghèo được thì: “Một túp lều tranh, hai đứa tan tành”, vì nghèo đói vàng mắt, thì lấy đâu mà bảo vệ được tình yêu lứa đôi. Nói như vậy, để có động lực cố gắng lao động sản xuất, làm kinh tế theo mô hình vườn, ao chuồng (VAC), kinh doanh buôn bán, vươn lên thoát nghèo, với mong muốn gia đình, hạnh phúc ấm no hơn, xã hội không ngừng phát triển, hội nhập…Tuy nhiên, nếu sau khi thoát nghèo, kinh tế đi lên, có điều kiện xây nhà kiên cố bằng xi măng, cốt thép, thì cũng đừng nên quên đi, phụ bạc những tháng ngày hàn vi. Vì như người dân quê tôi thường nói: “Không ai giàu ba họ”, ” Không ai khó ba đời”. Có nghĩa không có gì là tuyệt đối vĩnh viễn, nếu không chịu khó lao động sản xuất hay kinh doanh…thì dẫu bao nhiêu của cải rồi cũng sẽ hết!…
Tranh tre cũng như tình yêu lứa đôi, tình chồng, nghĩa vợ, không thể thiếu được. Vì nếu có tranh, không có tre thì khó có thể xây cất, dựng lên một ngôi nhà lý tưởng, che nắng, che mưa, để có một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc.
Từ những thập niên 80-90 của thế kỉ trước, tre đã gắn bó với người dân lao động ở quê tôi, hầu như những vật dụng trong nhà từ: Nhà, bàn giường, nong nia, dần sàng, thúng, mủng…nói chung đều làm bằng tre. Không biết từ bao giờ cây tre đã trở nên thân thiết gắn bó với người dân Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng từ bao đời nay. Đúng như lời thơ của Nhà thơ Nguyễn Duy đã nói:
“Tre xanh. Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”. Hoặc như Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Đất nước lớn lên khi dân mình đã biết trồng tre và đánh giặc”. Hay hình ảnh huyền thoại anh hùng Thánh Gióng nhổ tre làng Ngà đánh giặc, làm cho quân thù phải bạc vía. Đúng như vậy, tre Việt Nam đã gắn bó từ ngàn đời nay với dân tộc, tre góp phần đánh giặc, giữ làng, giữ nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, văn minh của dân tộc. Tre đi vào văn học, thơ văn, cao dao, tục ngữ, thi ca, nhạc họa như là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Nói đến quê hương Việt Nam thì phải nói đến:  “Lũy tre, giếng nước, sân đình”.  Cây tre là biểu tượng, sức sống ngàn đời của dân tộc Việt, đã minh chứng qua thơ: – “Thân gầy guộc lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi/ Ở đâu tre cũng tươi xanh/ Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu”. Và từ thuở sơ khai dựng nước, giữ nước cho đến ngày nay, tre luôn được đề cập, nhắc đến như là bảo vật quốc gia, gắn liền với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, như hồn thiêng dân tộc:
– “Có gì dâu, có gì đâu/ Mỡ màu ít chất đồn lâu hóa nhiều/ Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần thù/ Vươn mình trong gió tre đu/ Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”.
Hình ảnh gần gũi nhưng rất đỗi thân thương, những trẻ em ở quê khi sinh ra, không ai mà không nằm nôi tre, với giọng hát à ơi của mẹ, của bà ru ta ngủ những trưa hè.
Tôi vẫn còn nhớ không nguôi, những ngày tháng của tuổi thơ lúc còn học cấp 1 và 2, ngày ấy Ba (Cha) tôi là người rất khéo tay trong việc dùng tre để làm tất cả các vật dụng trong gia đình từ giường ngủ, cối xay lúa, nong nia, dần, sàng, thúng mủng, cụi để chén bát, bàn, ghế…đến những chiếc giỏ đựng cua cá rất đẹp và bắt mắt và tôi học theo Cha biết làm được một số các vật dụng trên. Tuy nhiên, tôi không khéo tay được như Cha. Thời điểm đó còn rất khó khăn chưa có nhiều những vật dụng bằng gỗ, nhôm, hay inot như hiện nay, nên hầu hết tất cả các vật dụng trong gia đình đều làm bằng tre. Chính vì vậy cây tre rất thân thuộc gần giũ gắn bó mật thiết với tình cảm của con người như là người bạn đời tri kỷ.
Ngôi nhà bằng tranh tre, vách nứa do bằng tay Cha, công sức của Mẹ tôi đã dựng lên sau những ngày nước nhà mới vừa thống nhất nơi mảnh vườn của Nội để lại bên triền núi, có những lũy tre xanh mát do Cha tôi tự tay trồng. Đến mùa hè và thu các loài chim về làm tổ, để có ngôi nhà ấm áp vào mùa đông; mảnh vườn nhà cũng là nơi có những ngôi mộ liệt sỹ chưa được đặt tên. Chỉ nghe Cha tôi kể lại là bộ đội còn rất trẻ từ ngoài Bắc vào Nam chiến đấu, để giành lại độc lập tự do thống nhất nước nhà. Nên Cha tôi rất trân trọng biết ơn và ghi khắc, Cha luôn vuôn đắp sửa sang và hương khói như người thân ruột thịt của mình đã ngã xuống! Sau này những ngôi mộ ấy được di dời vào nghĩa trang liệt sỹ, nên phần nào Cha tôi cũng yên tâm và bớt ray rứt lương tâm.
Việc dùng tre để làm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đối với người dân quê tôi là không thể thiếu được. Ngày nay, ở nhà xây nhiều, ít dùng đến tre hơn. Tuy nhiên, những làng quê vẫn còn đó những lũy tre xanh, những đàn chim ríu rít về làm tổ. Chiều chiều, khi hoàng hôn dần buông xuống, những đàn cò trắng sải cánh bay về đậu trên những lũy tre làng, và những câu thơ tôi viết vội vẫn còn đó những kỉ niệm, ước mơ hoài vọng về làng quê yên bình, êm ả. Xin được mạo muội nhắc lại bài thơ “Cánh cò” tôi viết bên lũy tre xanh ngày nào:
“Còn đây trắng những cánh cò/ Bay vào kí ức chuyến đò nao nao/ Còn đây đồng lúa rì rào/ Dạt dào tình mẹ thuở nào nhớ mong”. Vậy nên, không có lý do gì để chối bỏ, không mặn mà, nặng lòng với quê hương. Mãi yêu lũy tre xanh xanh quê hương tôi!…
11/4/2023
Võ Văn Thọ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...