Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Đôi cánh vịt trời

Đôi cánh vịt trời

Xứ gì biển sát rạt mà quanh năm suốt tháng không rớt nổi hột mưa, éo le cuộc tình gì đâu!
Chú Dĩnh hay bắt đầu than vậy mỗi sáng tới quán của ngoại ăn bánh canh. Lúc đó áng chừng hơn sáu giờ hơn một xíu mà nắng đã rớt đầy sân. Thương nghe quen nên chỉ cười kiểu xã giao, ý là nghe rồi héng. Ngoại thì không, quen thì quen mà lần nào cũng trả lời (chớ để ổng nói một mình ổng buồn không ghé quán, kiểu sợ vậy):
– Ơi, lúc nào ổng mưa thì mừng, không thì thôi, mớ gì lo!
– Đâu được, phải mưa chớ. Mưa cho người ta có nước gieo lúa, vô vụ hè thu rồi, còn tưới tắm thanh long nữa. Xứ này không làm lúa, không trồng thanh long dân lấy cái gì ăn?
Rồi chú tuôn một tràng những thông tin thời sự nghe được từ cái loa phát thanh của xã. Ờ, cái loa, Thương công nhận cái loa siêng thiệt, đúng năm rưỡi sáng là bắt đầu ten, tèn, ten phát nhạc ầm ĩ, rồi thời sự, thời tiết tùm lum. Hình như xóm này chỉ mình chú Dĩnh lắng nghe thì phải, còn lại có ai thèm quan tâm xem nó nói cái ôn gì đâu, chỉ biết giờ giấc phát từ năm rưỡi tới bảy giờ sáng. Hết.
Mà, chẳng ai thèm quan tâm là phải, năm rưỡi người ta còn cả đống công chuyện chưa làm xong. Như Thương, giờ đó đang chiên chả thấy mụ nội, rồi lật đật ra quét sân, sắp bàn, lau đũa muỗng, tô chén, xong lại quay qua châm thêm than vô bếp lò …Lơi là một xíu là chuyện nọ xọ chuyện kia, hư bột hư đường chớ chơi sao. Hai tay Thương thoăn thoắt cả ngày. Bán xong là chạy đi chợ mua cá, cắt đầu đánh vẩy, xẻ rút xương, nạo thịt, giã, quết chả. Nói thì nghe nhanh vậy đó mà ngồi làm hết chục ký cá rồi quết xong đống chả để ngoại chiên là cả một trường thiên tiểu thuyết. Ngoại hay biểu mấy người hàng xóm: hên có con Thương về ở chung chớ mình ên thì chắc dẹp quán lâu rồi.
Mỗi lần nghe ngoại nói vậy lòng Thương lại rưng rức đau. Bởi không tự nhiên Thương về ở với ngoại. Mắc mớ gì có cha có mẹ không ở lại về ở với ngoại chi. Cha mẹ. Gia đình. Mấy tiếng đó mỗi lần nhắc tới là tim Thương thóp lại ráng kiềm không khóc òa, làm cho mặt co rúm lại hệt miếng chanh khách vắt xong quăng xuống đất. Mấy bận ngoại biểu: thôi con à, mỗi người một số phận, có ai lựa chọn được số phận của mình đâu. Bây quên hết đi, giờ bây sống với ngoại vầy là ổn rồi mà, phải hôn?
Thương lặng thinh quay mặt giấu ngoại giọt nước mắt vừa chực tràn. Ổn? Ờ, ổn chớ. Mà có mình Thương thôi chớ chị Hai với con Sáu thì không. Nhà có ba chị em côi cút, lúc nào cũng quấn lấy nhau, giờ mỗi người mỗi ngả, mỗi người một nỗi đau, mình ên ổn thì có gì vui đâu.
Có lần đi mua cá ngoài cảng, Thương gặp chị Hai. Tóc chị rối bù quấn vội thành búi. Mặt chị già háp như bốn mấy rồi. Chị ngồi đương lại tấm lưới, chắc ghe nhà chồng mới vô. Thương không dám kêu chị, lật đật len vào dòng người qua hàng cá phía xa xa kia, lật đật xúc cá vô giỏ bỏ cân chứ không lựa như mấy hôm. Rồi lật đật về như thể trốn chủ nợ. Hổng phải Thương trốn chị Hai, chỉ là Thương không muốn chị nhìn thấy Thương khóc. Mà, trời ơi, sao kìm nước mắt đặng, cứ mỗi lần nhìn thẳng mặt chị là Thương lại tu tu khóc như hồi nhỏ mỗi lần cắt cỏ lỡ trúng tay chảy máu. Mỗi lần vậy là Hai đút ngón tay Thương vô miệng mút cho cầm máu, rồi hái mấy đọt lá hôi non nhai nhuyễn rịt vào. Lần nào Hai cũng càu nhàu: có vậy cũng khóc, tiểu thư quá đi. Thương hề hề chớ đau mà hổng được khóc nữa hả. Hai thở dài thườn thượt, phải chi còn má chị em mình đâu khổ vầy. Rồi Hai chị em ôm nhau khóc. Mà khóc nhỏ nhỏ thôi nha, ba mà nghe thấy là mệt mỏi à.
Nhắc tới ba là mặt đứa nào đứa nấy đanh lại vì sợ. Mỗi lần ba đi về thể nào ba chị em cũng chui gầm giường trốn. Ông gọi chẳng đứa nào dám chui ra. Gọi chán, chửi chán ông lăn ra ngủ khì. Khi đó ba đứa mới lồm cồm bò ra, chốt cửa đi ngủ. Đó là mấy hôm hên nha, gặp hôm xui ba rủ bạn nhậu tới nhà bày ra ăn uống, gõ xong nồi ca hát, sai ba đứa chạy có cờ, lấy cái chén, đôi đũa, làm mớ cá, hấp cá, lặt rau, …Đố đứa nào dám than mệt, đố đứa nào dám trốn, gọi mà không nghe thưa là y rằng xoảng, xoảng, cái chén bay vô mặt liền.
Có bận Hai cãi lại “ông ba sao cứ ăn nhậu hoài, bộ tính hổng chừa đường cho con cái lấy chồng sao?”. Bận đó ngực Hai đã lấp ló sau làn áo, mặt bắt đầu ửng hồng, tới tháng dấu dấu diếm diếm đem bịch đen đi đốt góc vườn. Thương mấy lần nghe Hai tâm sự mới quen anh nào tuốt phía ngoài cảng, nhà có ghe đi biển thì phải. Thương thắc mắc bộ xóm này hết người sao Hai quen xa vậy. Hai ký đầu nó cái cốc, mầy ngu quá, cái xóm này còn ai dám vô nhà mình làm quen hông, nhìn cho kỹ ông ba đi rồi hẵng nói. Ờ há, ông ba nổi tiếng nhậu nhẹt, nhà Thương nổi tiếng nghèo vầy thì ma nào muốn làm quen.
Khi nghe Hai nói câu đó, mặt ba tái đi vì giận. Ông đùng đùng ra sân vớ khúc củi vô quất túi bụi. Hai không chạy, giương to mắt nhìn ba. Ông càng giận, quất bạo hơn. Tới hồi không còn sức để đánh nữa mà đứa con gái cứ đứng trân trân cắn răng nhìn, ông bực quá quăng cây củi bỏ đi nhậu. Thương phải bịt miệng con Sáu lại không cho nó la vì sợ ông ba sẽ phăng luôn Hai đứa. Ba đi, Hai gục xuống như thân chuối sau khi đốn buồng rồi bị hạ xuống chẻ cho bò ăn. Thương lật đật tìm chai dầu gió thoa cho Hai. Cả người Hai tím bầm những lằn roi. Hai nằm liệt cả tháng không đi được. Ba có ngó thấy nhưng làm lơ. Thương với con Sáu phải đi cắt cỏ thay Hai. Con Sáu biểu em mong sao lớn cái vù bỏ nhà lên thành phố mần cho rồi. Ở cái nhà này riết không chết như má cũng nằm liệt như Hai.
Thương không đáp. Thương rầu. Nhắc tới má là nước mắt cứ tuôn hoài chẳng chịu dừng. Thương còn nhớ, năm đó nó lên bảy, con Sáu mới sinh được Hai tháng, má đi giặt tả ngoài mương cái như mọi hôm mà hôm đó mặt trời đã lên cao rồi cũng chẳng thấy về. Ông ba rít thuốc ngoài hiên, rít theo những lời tục tĩu chửi bới má: con đĩ theo trai, về ông dần mầy ra cám nghen con. Nhưng má không về, mãi mãi không trở về nữa. Xế trưa đó người trong xóm kéo tới đông đen. Người ta khiêng má về trong bộ dạng tái mét ướt sũng. Người ta nói má trượt chân ngã xuống mương cái. Cũng phải, đang mùa lũ về, mương cái đầy ắp nước, lỡ trượt chân té xuống sống gì nổi.
Hồi nhỏ Thương cũng tin vậy, nhưng càng lớn Thương càng nghĩ khác, một người đàn bà năm lần sinh nở, bao nhiêu lần đi giặt tã ngoài mương rồi sao lại có thể trượt chân. Vô lý quá. Chắc chắn má đã nhảy xuống. Bỏ tất cả lại phía trên bờ. Ba đứa con nheo nhóc. Một ông chồng chìm sâu trong rượu chỉ vì “mầy là thứ đàn bà không biết đẻ”. Chớ gì nữa, năm lần sinh đẻ mà toàn vịt trời. Lần đầu ba cười trừ cho qua chuyện, biết đâu lần sau con trai. Lần sau cũng con gái, ba rít thuốc lầm bầm “lại nữa”. Hai lần sau bắt má đi siêu âm cho chắc. Con gái. Bỏ đi. Đẻ ra một nhà vịt trời sao. Thì em nuôi, dù gì cũng con mình mà anh. Tao nói bỏ là bỏ. Mầy đẻ ra cho cả xóm này cười tao ha.
Trời ơi là trời, lời gièm pha của người ta quan trọng hơn mạng sống con mình sao. Trời ơi là trời, chứ lần sau con gái miết ông bắt tui bỏ miết vậy sao? Bỏ hết, cứ con gái là bỏ cho tao. Hai lần má cắn răng đi bỏ giọt máu vừa thành hình. Hai lần má định gieo mình xuống con mương chảy xiết lúc đi giặt tã dính đầy máu, dấu vết của đàn bà ở cữ. Không phải là vì má giận ba không cho giặt đồ “dơ dáy” ở nhà mà bắt ra mương giặt từ khi trời còn chưa sáng. Không phải má giận vì ba chỉ lo ăn nhậu đổ mọi khổ cực lên vai má. Má giận vì ba nghe lời người ta hơn vợ con. “Một lũ vịt trời. Một lũ ăn hại. Má con mầy là nỗi nhục của tao”. Những lời ba chửi khi say cứa đi cứa lại trái tim má khiến nó rách bươm chẳng còn chỗ cho lần cứa tiếp theo. Chắc có lẽ vậy nên lần sinh nở thứ năm, má quyết định gieo mình xuống mương. Lần này con Sáu được sanh ra là vì ba sợ. Bác sĩ đe bỏ thai nữa mốt không sinh được đâu, tử cung tổn thương quá rồi. Thôi, sanh đi, lần sau gái nữa thì phá. Chắc má sợ. Con bò có bầu còn được sanh ra, bò cái để giống bò đực nuôi lớn bán. Hà cớ gì con người có bầu con gái không được sinh? Đàn bà xứ nầy lấy chồng về, suốt ngày cắm đầu cắm cổ lo cho nhà chồng, bỏ cả thanh xuân, không có thời gian soi gương chải tóc, hà cớ gì lại khinh thường đàn bà như vậy?
Vì cớ gì thì không ai trả lời được. Từ xưa tới giờ đàn bà xứ này đã vậy. Con trâu cày ngày, đêm còn thảnh thơi nằm nhai cỏ, chớ đàn bà xứ này quanh năm suốt tháng cả ngày lẫn đêm cứ phải mang cái ách chồng con trĩu nặng trên vai. Có lần má nói đàn bà xứ này như cây thanh long, người ta bỏ phân tưới tắm cho mởn lên chút rồi kéo điện chông ép ra hoa kết trái quanh năm suốt tháng, cho đến khi tàu tóp đi vì kiệt sức và nấm bệnh thì giựt bỏ cho bò nhai. Hai đứa bây ráng mà ăn học mơi mốt có cái nghề, thoát khỏi miệt quê này lên phố thị cho bớt khổ. Vậy mà Hai với Thương đâu có làm được như lời má dặn. Hổng phải vì hai đứa làm biếng học mà là vì sau khi má chết, ba bắt nghỉ học. Con Thương trông em, con Hai đi cắt cỏ bò. Con gái học làm gì, mốt cũng theo chồng được ích gì đâu. Cũng hên, hai đứa còn nhỏ, ba không bắt đi xịt thuốc thanh long, tưới thanh long hay vuốt tai thanh long như má thường làm. Từ khi má mất, vườn thanh long héo khô. Ba còn mải vui với những cuộc nhậu từ xóm trên kéo miết xuống xóm dưới, bỏ mặc ba đứa trẻ bơ vơ tự lực cánh sinh. Năm đó Hai lên chín, Thương lên bảy, còn con Sáu mới tròm trèm hai tháng…
Sau cái lần cãi lại ba, Hai ôm đồ bỏ nhà ra đi. Lấy chồng. Không cưới xin cũng được. Theo không cũng được. Miễn thoát khỏi căn nhà này, thoát khỏi ba. Nhà chồng Hai mười thằng con trai, không phải cưới càng đỡ tốn kém. Thêm người bớt việc. Cũng tội, cả gia đình thương Hai như con đẻ. Thương cũng mừng cho Hai, sớm thoát khỏi gánh nặng gia đình. Năm đó Hai vừa mười tám, nụ cười tươi như đóa thanh long lúc trời vừa buông màn đêm. Thứ hoa gì lạ, ban đêm thì nở thơm ngát ban ngày lại ngủ. Hai hay thắc mắc vậy.
Ai dè, đời Hai như đóa thanh long, nở len lén khi đêm về rồi sớm lại tàn phai. Hai tháng sau khi làm vợ, anh rể đi biển gặp bão mãi mãi không về. Nhà chồng Hai mất hai người con trai trong lòng biển. Ở xứ này, mộ gió nhiều vô kể. Lâu lâu có một con tàu chìm mang theo bao nhiêu người đàn ông, mang theo cả bao nhiêu trái tim người vợ chìm sâu vào lòng biển. Hai đắp mộ gió cho chồng, tự tay nặn hình nhân thế mạng bỏ vào hòm gỗ. Ngực trái hình nhân vẽ một trái tim, Hai cắt đầu ngón tay nhỏ máu vào trái tim thề mãi mãi đợi chồng về. Thực tình trong lòng Hai vẫn hy vọng chồng trôi dạt đâu đó, một ngày không xa bất ngờ trở lại, ôm chặt vợ trong vòng tay chắc nịch. Nhưng đó chỉ mãi mãi là giấc mơ cổ tích. Hai đành ôm áo chồng cho thỏa nỗi nhớ mong. Tuổi 18 chết mòn theo từng cơn sóng biển. Sau giỗ chồng một ngày, sáng ra tóc Hai bạc trắng, da mặt nhăn nhúm lại như đàn bà mãn kinh. Từ đó, Hai sống như một cái bóng, lầm lũi nhìn ngày tháng qua đi.
Thương đã từng lén tìm gặp Hai. Ơi Hai, sao không tìm người khác mà lấy, cớ gì chôn vùi đời mình theo một người đã mất. Mầy làm sao hiểu được. Mầy đã từng yêu chưa? Đã từng hạnh phúc chưa? Một người đàn ông khác làm sao lấp đầy được bóng hình người thương? Thương thôi không khuyên nhủ Hai nữa. Biết nói gì nữa. Chẳng lẽ khuyên Hai trở về nhà. Thương biết Hai thà nhảy xuống biển chớ không bao giờ chịu trở về. Vậy là hết. Vậy là Thương mất Hai từ đó.
Còn hai chị em. Thương và con Sáu tất tả làm việc. Khi ngực bắt đầu nhú lên, Thương sợ giống như Hai nên xé vải quấn chặt cho nó xẹp xuống. Thương để đầu tóc rối bù, lấy nhọ nồi trét đầy lên mặt. Thương sợ có ai đó thương mình. Thương sợ ánh mắt thèm thuồng của một kẻ giống đực. Con Sáu thì ngược lại. Nó chải chuốt từ sớm. Học theo mấy đứa con gái tân thời, tô son điểm phấn. Nó có biệt tài nói ngon ngọt chiều lòng ba. Chẳng biết bằng cách nào mà nó ỉ ôi xin được ba cho đi làm resort. Nó dọn ra ngoài ở trọ cùng bạn cho tiện đi lại. Hàng tháng về biếu ít tiền cho ba uống rượu, ghi số (từ dạo con Sáu cho tiền ông có thêm thú vui mới là chơi số đề) và dúi vào tay Thương khi thì cái váy, khi thì thỏi son rủ đi làm với nó không. Lần nào Thương cũng lắc đầu quầy quậy. Đi ra đó đông người chị ba sợ, với lại, đi hết thì ai trông nhà. Nó cười sằng sặc, lo thân bà đi bày đặc lo cho ổng. Nói cho bà biết, có ngày thiếu tiền đánh đề, cá độ ổng đem bán bà có đó. Thương lườm nó bén hơn dao. Thôi đi, dù gì cũng ba mình. Ờ, thì cứ ở đó mà lo, bà không thấy tấm gương của má, của Hai rành rành ra đó sao. Trái tim Thương nhói lên từng nhịp. Rồi sẽ ra sao, gia đình này sẽ ra sao?
Hơn năm sau con Sáu đùng đùng đòi đi lấy chồng. Ba chửi: mới nứt mắt ra là đòi lấy chồng. Tụi mầy còn chưa kịp nuôi tao ngày nào. Nó cười khẩy: yên tâm, con lấy chồng tây, qua bển con gửi tiền về cho tha hồ ba ăn xài. Nghe nó nói vậy, ba gật đầu cái rụp. Năm đó nó mười bảy, dong dỏng cao, ba vòng vòng nào ra vòng nấy và lúc nào cũng điệu đà váy áo thướt tha. Tụi nó không làm đám cưới. Thằng đó có vợ bên kia rồi, nó đem con Sáu bay vù qua Thái ở. Ờ, không cưới cũng được, miễn sao thoát khỏi nhà này, miễn sao có người đảm bảo cho cuộc sống sung túc là được. Khổ cái, con Sáu đi là đi mất biệt, chẳng liên lạc gì, cũng chẳng gửi đồng nào về cho ba. Ba điên tiết. Rặc một bầy vịt trời, nuôi lớn phủi cánh đi mất biệt hết. Chó chết.
Có một nỗi sợ len lén chui vào tim Thương. Thương nghe người ta đồn rằng ba vay nợ của xã hội đen chơi cá độ, hình như cũng nhiều lắm, mà cụ thể là bao nhiêu thì không ai biết. Nhưng cứ nghe những lời tục tĩu ba chửi khi say thì cũng đủ hiểu chủ nợ đang xiết dữ lắm, mới hôm bữa Thương thấy ba lục sổ đất đem đi, chắc là đem cầm. Thương lén đóng một cái chốt trong phòng, mỗi tối đi ngủ đều chốt cửa thật chặt, còn đẩy cái tủ gỗ áng ngay cửa. Chờ cho trời thiệt sáng, chờ cho ba đi rồi nó mới dám mở cửa ra ngoài. Nó sợ, một ngày nào đó, ba làm y như lời con Sáu đe, mở cửa cho kẻ lạ mặt vào bế thốc nó đi sau khi đã nhận một nắm tiền xanh đỏ.
Nhưng Thương vẫn còn non nớt lắm sao tự bảo vệ mình trước nanh vuốt sắc bén của đời được. Một ngày nọ, Thương đi ngủ và chốt chặn cửa như mọi hôm nhưng khi tỉnh dậy lại thấy ở một căn phòng sạch sẽ thơm tho, ga trải giường trắng muốt. Thương giật thót nhìn lại thấy người trần truồng. Còn chưa kịp định thần đã thấy gã đàn ông to béo bước ra từ nhà tắm. Một con người lạ lẫm hoàn toàn. Hắn nhìn Thương thèm thuồng. Thương vùng té chạy nhưng vô ích, bàn tay to bè đã tóm lấy Thương. Móng vuốt sắc nhọn của loài mèo đã vồ thì con chuột nhắt hết đường thoát thân. Thương hét lên “Má ơi!” trong tuột cùng nỗi đau và tuyệt vọng. Khuôn mặt má lại hiện ra, tím rịm, sũng nước…
Sau khi được thả, Thương lê lết về nhà ngoại. Nhìn bộ dạng mất hồn, bộ quần áo rách tươm của cháu, ngoại như hiểu ra tất cả. Ngoại tắm cho Thương, lấy đồ cho Thương mặc rồi lẳng lặng gọi xe chở Thương đi bệnh viện. Máu từ cửa mình cứ chảy hoài chẳng dứt. Thương phải nhập viện, phải cấp cứu. Nó chỉ loáng thoáng nghe bác sĩ bảo phải làm phẫu thuật gấp. Ngoại rấm rứt khóc. Ngoại năn nỉ bác sĩ cứu cháu tui với nghen tội nghiệp con nhỏ lắm…
Sau lần phẫu thuật đó, mỗi đêm Thương hay giật mình hét lên, lưng ướt sũng mồ hôi. Nó thu mình vào góc giường sợ sệt. Ngoại ôm nó vào lòng. “Tội nghiệp cháu tui”. Ngoại khóc. Thương không khóc. Nước mắt đã khô từ bao giờ. Ngoại vỗ về, không sao đâu, bác sĩ đã khâu lại cho con rồi, con sẽ không bao giờ phải chịu nỗi đau mất con lần nào nữa. Khi nghe ngoại nói vậy, đột nhiên nước mắt lại trở về với Thương, nó tuôn xối xả, như chỉ còn được tuôn lần cuối.
Thiệt, sau lần đó Thương không còn khóc được nữa. Thương biết mình sẽ không còn có thể làm mẹ. Ờ, vậy cũng tốt. Sẽ không phải phá bỏ đi những đứa con gái mới thành hình. Sẽ không phải nghe đi nghe lại điệp khúc “một bầy vịt trời, một lũ ăn hại”. Cuộc sống này sao tránh cho hết những khổ đau, đã vậy thì cứ đứng yên đối mặt với nó, xem sao!
Thương đứng yên từ dạo đó. Mỗi ngày xà quần với quán bánh canh nho nhỏ của ngoại. Đi chợ. Lựa cá. Làm cá. Giã cá. Quết chả. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại bấy nhiêu việc. Tháng nối tháng, năm nối năm. Thương không còn ý thức được rằng đã bao nhiêu mùa trăng lặn, đã bao nhiêu lần con nước dâng, bao nhiêu mùa thanh long nở đêm. Chỉ biết từ hồi đó tới giờ chắc cũng lâu bộn rồi, bởi hôm bữa Thương chợt soi mình trong gương thấy đầy vết chân chim bên khóe mắt. Thời gian, công nhận lợi hại thiệt, vết thương tưởng chừng ri rỉ mủ miết vậy mà cũng lành, hay ghê.
Một sáng nọ, chú Dĩnh lại bước thấp bước cao tới quán từ sớm. Chỉ khác bữa nay chú không than trời nắng quá, không kể chuyện thời sự. Chú tới sát rạt, ghé tai Thương thầm thì “nghe nói ông ba đột quỵ đó, nhậu quá mà”. Cái vá trên tay Thương rơi tõm vào nồi bánh canh. “Nghe biểu ổng yếu lắm rồi, có mình ên tội lắm bây ơi!”.
– Kệ nó. Cái thằng đó không còn là cha nó. Cái thứ ăn thịt con thì xứng đáng gì làm cha.
– Dì Tư, sao ác miệng dữ vậy. Dù gì cũng máu mủ ruột rà.
– Ruột rà gì thứ đó, cắt liệng chó ăn cho rồi!
Thương lặng thinh múc một tô bánh canh đầy ắp mang tới bàn cho chú Dĩnh, rồi lặng thinh cắt chả y như thể chưa hề nghe chú Dĩnh nói gì. Thương không thấy chú Dĩnh ngó ngoại, ngoại hất đầu về phía Thương ý rằng “im đi, ai kêu nói cho nó biết chi vậy?”, “sao kỳ, tui phải báo chớ, dù gì cũng cha nó mà”. Hai người còn đương chiến tranh bằng ánh mắt thì Thương bỏ vô nhà cái một, giả đò đi lấy rổ, lấy rau kiểu bận rộn lắm không rảnh quan tâm chuyện người dưng. Vậy chớ khi đi tới sau bếp, nước mắt từ đâu tuôn xối xả, tim nó đánh thót một cái rõ đau, con người đó, dù gì nó cũng gọi là cha.
Trở về hay không trở về? Thương day qua day lại hỏi miết mà chẳng tìm ra câu trả lời. Khuôn mặt tím bầm ướt sũng của má, ánh mắt trừng trừng của Hai, cái bĩu môi khinh khỉnh của con Sáu. Nhiêu đó hình ảnh tua đi tua lại hoài trong đầu nó, suốt đêm.
Sáng hôm sau, tranh thủ lúc đi chợ, Thương tạt qua nhà xem sao. Thì để coi ổng có thiệt như lời chú Dĩnh nói hôn. Mà ruột gan cứ cồn cào miết như có kiến đốt ở trỏng, về coi sao cho bớt day dứt.
Thương không đi thẳng vô cửa chính, nó lén vòng ra cửa sổ. Ba nằm đó, trên giường, co quắp. Thi thoảng ông lại giật nảy mình rên lên từng chặp vì đau. Cánh tay, ôi cánh tay, cái cánh tay đã bao lần xáng vào má mẹ hay cầm roi vụt ba chị em giờ teo tóp còn da bọc xương. Đột nhiên Thương nghe tiếng thì thào yếu ớt, nửa rên nửa kêu:
– Hai ơi! Ba ơi! Sáu ơi! Có đứa nào đó hông?
Nước mắt tuôn xối xả. Thương cắn chặt răng ngăn tiếng nấc nghẹn. Nó đi như chạy trốn khỏi ngôi nhà ngày cũ. Không ngờ ông ba lại ra nông nỗi này. Không ngờ có ngày ổng lại nhớ ba “con vịt trời”.Thương khóc miết từ nhà đến chợ. Nước mắt bay theo gió, vỡ thành muôn vàn những hạt nhỏ li ti, cháy mình dưới nắng tan vào thinh không. Ngẫm cho kỹ trong cuộc đời này oán hận dù có lớn đến đâu nếu mình buông cho chảy ra cũng sẽ tan vào thinh không như vậy. Không chịu buông oán còn đó mãi, ngày càng to nặng hơn.
Thương thở dài thiệt dài. Nó nhớ ra còn mấy chỉ vàng dành dụm hồi giờ từ tiền ngoại cho hàng tháng. Nó nhớ ra phải ghé qua báo cho Hai một tiếng, cả con Sáu nữa. Một cái cây bao giờ cũng có gốc có rễ có cội có nguồn. Ngay cả cái dây thanh long yếu ớt phải bám vào trụ để vươn cao cũng vậy. Ờ, mà cái cây thanh long, lạ kỳ là chỉ cho trái ngọt khi trồng trên vùng đất đầy nắng gió khắc nghiệt. Chị em Thương cũng vậy, cũng sẽ vượt qua cái nắng, cái gió khắc nghiệt của miền đất này để sinh tồn, kết trái…
29/4/2023
Ngân Kim
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...