Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Xóm lưới - Truyện ngắn của Thanh Tuân

Xóm lưới - Truyện ngắn
của Thanh Tuân

Con bé dắt thằng em về phía đầu doi cát. Nắng chiều phủ lên hai thân hình bé xíu, ròm beo của hai chị em. Bóng hai đứa nhỏ ngã dài lênh khênh trên bờ cát vàng ngà ngà.
Hai chị em con bé sau một hồi dò dẫm lủn củn đã tìm được vị trí ưng ý ngồi buông câu. Đó là doi cát cao còn sót lại phía bên bến lở của con sông Trường Giang. Hoàng hôn cứ xô dần về phía bình yên mà con bé vẫn chẳng câu được lấy một con cá bống nào dù là bé tẹo. Con bé thu dây câu và dắt thằng em quay trở về. Mặt trời đốt những đám mây phía  tây rực lên những hình thù kỳ dị, màu sắc lung linh. Hai chị lại chui vào trong khoang, ngôi nhà ghe lắc lư chao sóng.
Dòng Trường Giang lặng lờ trôi. Con sông độc đáo chạy dọc mé đông của thị xã, đây là con sông dọc hiếm hoi. Bởi nghe đâu xưa nó là một kênh đào thời phong kiến nhằm ngăn chặn giặc tràn vào từ phía biển. Qua thời gian, vết tích nhân tạo chỉ còn là huyền sử, con sông Trường Giang giờ trở thành ranh giới ngăn một bên là một thị xã sầm uất nhà cửa, đường phố, người người nhộn nhịp với một bên là vùng cát trắng xao xác. Điều khác biệt là con sông không có gốc mà có đến hai đầu. Một đầu sông đổ ra cửa lở An Hòa, phía Nam của tỉnh, đầu bên kia đổ ra Cửa Đại, phía Bắc của tỉnh. Người ta bảo, cây có cội nước có nguồn. Nguồn của Trường Giang đó là nguồn hợp lưu từ tất cả các con sông phía tây mang đổ về đây chứ con sông chẳng có gốc rễ. Nhiệm vụ của nó là dung hòa được hết các con nước và đem chia đều ra hai cửa sông.
Dựa lưng vào những nỗng cát, ngó mặt qua bên thị xã có một xóm nhỏ co cụm đôi mái nhà tạm bợ, người ta gọi xóm này là xóm Lưới.
Gia đình con bé là một trong số những gia đình trong xóm nơi mé đông của con sông ấy. Những nỗng cát dài ngà ngà vàng chẳng cày bừa gieo sạ gì được, thi thoảng có đôi cây điều bám được trên đất cát thân nghiêng ngả với lá đỏ rủa lá xanh gầy buồn. Người dân xóm này làm nghề đan lưới và chài lưới, đó là nghề duy nhất để có thể trụ lại trên mảnh đất cỗi cằn. Nhà con bé cũng như những ngôi nhà nơi đây đều là nhà tường gạch đơn sơ với cửa gỗ khép thô cho đỡ gió lùa. Mái nhà lợp bằng tôn xi măng xam xám như màu nước con sông độ giao mùa.
Độ ấy, những đêm trăng ba mẹ đi thả lưới dọc bờ sông lau sậy, con bé phải theo cùng chứ chẳng ai trông coi. Tuổi thơ lớn lên theo từng con nước, ánh trăng trên mặt nước phẳng như tấm kính chợt vỡ ra muôn nghìn hạt bạc nhuyễn li ti khi có một con cá nào đó quẫy đớp mồi, đôi tiếng vạc kêu giật mình giữa đêm nhung trong vùng lau sậy, hoặc đôi khi là tiếng mái chèo khua nước của mẹ, hắn nghe từng giọt trong trẻo… Sớm, khi ánh mặt trời phía đằng đông đổ nắng lên dòng Trường Giang loang loáng, ba đem cá sang bờ bên kia bỏ lên chợ cho các tiểu thương. Má bắt đầu vác những tấm lưới dài bắc lên những cây sào được dựng chéo phía đầu sân để hong cho khô. Công việc thường nhật của má ngồi trên cái đòn gỗ tự chế con con và đôi tay thoăn thoắt đan lưới. Con bé lủn củn quanh mẹ, nghịch những mắc lưới, những phao, những chì… rồi lăn kềnh ra tấm chiếu manh giữa nhà đánh một giấc no say. Thời gian cứ trôi, vòng xoáy mưu sinh đó cứ lặp đi lặp lại và lem mãi vào kí ức tạo thành một vết trầm tích. Đến khi con bé biết bơi mái dầm thay mẹ, vì mẹ phải sinh thằng cu em, dòng sông vẫn thao thiết với những gia đình xóm Lưới.
Thị xã chuyển mình thành thành phố.
Bên bờ kia, dự án phát triển đô thị mở một con đường dọc sông tạo cảnh quan cho thành phố. Máy móc ầm ì suốt ngày. Những xe ben bắt đầu đổ đất dọc bờ sông phía Tây. Con sông Trường Giang khóc màu đục quánh. Người ta đào, người ta đắp, người ta san ủi, người ta đổ bê tông làm kè nâng cấp thành một con đường dọc bờ sông cao thật cao. Lòng sông phía bên kia “hẹp hòi” đúng nghĩa nên con nước đổ dồn về phía xóm Lưới. Xóm lưới mấp mé con nước.
Tiến độ thi công thật nhanh, nhà cao tầng dần mọc lên san sát. Phía bên kia phố trở nên ồn ào, náo nhiệt hơn. Nhiều đêm, đứng ra sân nhà nhìn qua, con đường với đèn xanh đỏ nhấp nháy, những tiếng nhạc xập xình, con bé buộc miệng hỏi.
– Nhà mình phải thành phố không má?
– Phải chứ, hay hỉ, không thành phố thì là đâu?
Má hắn vừa vá lưới vừa trả lời câu hỏi ngây ngô của con. Con bé cười.
– Chắc có ai tìm theo địa chỉ số nhà, số đường thì người ta tìm cũng gần chết má he?
Má hắn ậm ờ cho qua chuyện.
Dọc đường Bạch Đằng, cái tên mĩ miều của con đường mới mở, hàng trăm quán nhậu dần mọc lên. Đêm đêm, phía bờ bên kia tiếng nhạc càng to hơn. Tiếng cụng ly, tiếng chúc tụng, tiếng cười đùa nghe rõ mồn một. Con bé ngồi trước trang sách lật mở mà chẳng thể nào để được một chữ vào đầu. Hắn thèm cái tĩnh lặng của những năm về trước quá. Tiếng quốc, tiếng vạc trôi đi đâu biệt xứ. Cả tiếng cá quẫy nước cũng chẳng còn.
Tối nay ba không đi thả lưới mà nằm gác tay lên trán thở dài thườn thượt. Mấy đêm rồi ba không đi thả lưới, má không quảy gánh lên chợ và cũng chẳng còn ngồi đan lưới, vá lưới như mọi khi. Xóm Lưới mỗi sớm mai chẳng còn những sào lưới nhiều màu sắc được phơi hong sợi cước ánh lên lấp lóa dưới nắng mai. Những tấm lưới mới đan xong không bán được, má hắn xếp lại để ở một góc nhà.
– Dạo ni lục bình trôi về nhiều quá. Nước sông đen ngòm, có lội cả đêm cũng chẳng được mấy con cá. Mai tui  tính lên chợ bốc vác.
Ba nói trống không. Má im lặng một chặp rồi quay sang hắn:
– Mấy cô bên nhà rủ má mai lên chợ gánh thuê. Con ở nhà liệu mà coi em. Má đi sớm con phải lo ở nhà giặt giũ dùm má.
Con bé thấy sống mũi cay cay, hắn không trả lời, bước ra hiên, lặng lẽ xuống ghe khua mái chèo đi. Chiếc ghe nhỏ men theo dọc bờ sông. Con bé chèo đi như du miên, chẳng biết đang tìm kiếm thứ gì. Từng đám lục bình trôi kín sông làm tay chèo nặng hơn. Cái mùi ngai ngái, tanh nồng từ dòng nước đen ngòm phía dưới bốc lên nghe rờn rợn, buồn nôn. Có lẽ ban ngày con sông phải oằn mình với những rác rưởi, tối đến mới có thời gian nhai và nuốt sâu vào trong lòng sông những “thức ăn” ấy nên hơi thở của sông mới trở nên ghê rợn như vậy.
Con bé chèo mãi, chèo mãi chẳng biết chèo đi đâu, cứ chèo vô định. Bên bờ tây, tiếng âm thanh rồ ra của những chiếc xe phân khối lớn trên con đường, tiếng cười đùa cợt nhã trong những quá rượu bia về tối, tiếng nhạc xập xình… tất cả náo động một vùng. Hằng ngày con bé vẫn côi cút đạp xe gần mười ki lô mét ngược chiều gió biển để về ngôi trường nhỏ xập xệ ven biển, học với mấy đứa trẻ con đen đúa, gầy nhom. Chỉ cần chèo mươi phút ghe sang bờ tây, bước lên phố đi một vài đoạn là tới trường thôi. Đó là ngôi trường khang trang, những cô cậu bạn học sinh trắng trẻo, bụ bẫm, những phòng học đầy đủ tiện nghi hơn nhiều. Nhưng con bé mãi vẫn không hiểu vì sao ba không cho hắn qua bên đó học. Hai chị em cũng bị hạn chế tối đa sang bờ phía tây con sông ấy.
Con bé tò mò khua mái chèo bẻ lái sang bờ bên kia. Dường như sợ âm thanh mái chèo làm động những người trên bờ nên con bé chỉ thả ghe tự trôi dọc sông mà quan sát. Chiếc ghe từ từ trôi theo từng dề lục bình, dọc qua các hàng quán. Đường về đêm sáng rực. Ánh điện trong các quán nhậu xuyên qua hàng cây sưa loang lổ đổ ra sông. Dọc theo ánh sáng, con bé thấy nhiều thật nhiều khách khứa. Họ là gã đàn ông bụng phệ, mặt bự; có người gầy nhom hơn cả ba hắn; có gã râu ria dị hợm; có gã bặm trợn; có cả những người ăn mặc rất lịch…Đàn ông đủ loại người, đàn bà cũng chẳng kém. Cô gái mặc váy ôm ngắn củn cỡn; có cô ngồi áo ngắn hở cả nửa lưng ra; có cô trông thùy mị, ăn mặc kín đáo; thậm chí có cô áo dài thướt tha, duyên dáng… Nhưng đàn ông rồi cũng như đàn bà, họ đến đây ai rồi cũng nâng ly, cũng cụng ly và uống và cười lơi lả.
Con ghe nhỏ trôi dạo theo triền sông trong đêm tối. Nhiều hàng quán quá, người đâu mà đông đến vậy? Con bé nghe inh ỏi cả lên. Rồi hắn chống mái chèo cho ghe dừng lại trong bóng tối để quan sát một quán ló mình ra sông, núp đưới hàng cây rậm. Cái ánh sáng chớp nháy của ánh đèn nhiều màu đủ soi rõ thân hình cô gái đứng giữa bàn. Vây lấy cô là đám đàn ông đủ loại, đủ cỡ tuổi. Con bé thấy cô gái uốn người theo điệu nhạc xập xình. Cái áo thun sát nách và cái quần đùi ngắn củn cỡn dần dược đám đàn ông nhét tiền vào đó. Ôi! Lần đầu con bé thấy nhiều tiền thế. Bọn người đàn ông tranh nhau nhét tiền vào ngực áo cô, và vào trong…cái quần đùi ngắn ngủn kia. Con bé hồn hộp quá, hắn khua mái chèo cho ghe sát lại hơn. Như bị thôi miên theo điệu múa uốn éo và những hành động kì dị, hắn không biết ghe mình đã đụng tới bờ. Gã đàn ông trong quán chệnh choạng bước ra. Con bé sực tỉnh. Ơ! Gã làm gì kia? Gã kéo dây kéo quần và…tè xuống phía dưới gần đầu ghe. Con bé hoảng hốt chèo mạnh cho con ghe lao đi. Trong đêm tối, tiếng chèo gấp gáp như trốn chạy. Con bé bước lên bờ khi đêm bắt đầu mưa rây hạt. Trong tiếng mưa, đường phía bên kia sông vẫn đưa lại âm thanh xập xình nhạc, tiếng hô chúc tụng và thỉnh thoảng cả tiếng xe rồ ga gầm gào hú.
Đêm, nằm trên căn nhà nhỏ, tiếng nhạc bên kia vọng lại, và dạo gần đây con bé có thêm những thanh âm mới. Đó là âm thanh của những chiếc sà lang lớn hoạt động về đêm giữa dòng sông. Mấy ngày nay ba con bé đã sửa sang lại con ghe cũ. Đồ đạc cần thiết mẹ hắn đã dọn lần xuống con ghe lớn. Con ghe cũ được sửa lại để chứa đồ nghề đánh bắt cá. Mỗi lần phụ mẹ rinh đồ, con bé cảm giác như mình đang dần xa đất liền. Con bé vẫn chưa biết lí do vì sao nhà hắn phải di dời.
– Tụi con tập dần sống trên nhà ghe, nghe chưa? Mẹ hắn rù rì dặn con bé, trong giọng nói nghe chừng ngấn nước.
Nhìn quanh xóm Lưới nhà thưa dần. Một số nhà nghe đâu chuyển lên phố thuê trọ sinh sống trên đó. Một số nhà đi đâu biệt tăm. Còn vài nhà chuyển xuống nhà ghe ở hẳn vì nhà trên các doi cát đã bị nhấn chìm vào lòng sông. Con bé đâm lo. Rồi cuối cùng cả nhà con bé dọn xuống nhà ghe ở thật. Ngôi nhà trên đất liền chênh vênh quá. Xóm Lưới mấp mé con nước.
Một đêm gần sáng, tiếng nước réo ào ào kèm theo tiếng sạt lở mạnh. Cả nhà hắn trong ghe dòm ra. Dưới ánh đèn vàng vọt từ bên kia sông rọi sang, ngôi nhà nhỏ và doi cát nghiêng dần dần rồi mất hút vào lòng sông sâu thẳm trong đêm tối có mưa và bóng đen bủa vây. Ba nhìn bần thần. Má sụt sùi. Tiếc ngôi nhà hay tiếc những dấu chân đã vào ra ở nơi ấy? Kí ức trên đất liền của con bé vậy là đã ngã nhào vào sông trong đêm mưa có trộn lẫn thanh âm tiếng mưa, tiếng nhạc, và đậm màu hơn là tiếng những sà lang nối đuôi nhau chở từng bụng cát mắp đầy vụng trộm trôi đi. Xóm Lưới bị xóa sổ hoàn toàn trên đất liền.
Chiếc ghe trở thành ngôi nhà chứa bốn con người. Cái khoang ghe có tấm rèm nhỏ ngăn dọc đôi ra. Sát bên mạn ba hắn kê những miếng gỗ làm thành cái giường nhỏ. Nối đầu với cái giường tạm bợ ấy là một cái giường khác đúng nghĩa hơn khi có cả chiếu và tấm đệm. Một lối đi giữa dọc khoang. Một bên kia là nơi để đồ đạc. Thứ nằm, thứ được kê lên, thứ treo lỉnh kỉnh… Thoạt đầu đi ra đi vào trong khoang ghe, ai rồi cũng đụng, không đụng đầu lên trần ghe thì cũng vấp những bao, những thau, những nồi, rổ chén… nhưng rồi thời gian luôn có cách làm cho con người ta thích nghi với hoàn cảnh. Cái khổ nhất của con bé là quay bên nào rồi cũng thấy bềnh bồng, cả trong giấc ngủ cũng thấy lắc lư theo từng thanh âm máy nổ giữa dòng sông kia. Hắn vẫn mơ về đất liền. Thỉnh thoảng hắn vẫn dắt thằng em lên bờ, dạo dọc theo bờ sông, tìm một doi cát nhỏ nào đó còn sót lại để ngồi câu cá. Câu cũng chỉ để câu, để đỡ thèm đất liền, chứ hắn vẫn biết cá đã biệt tăm từ lâu rồi, câu cả trăm lần cũng chẳng có lấy một con cá dù là bé tẹo.
Một sớm, con bé ngồi trên giường kéo bức mành che bên mạn ghe lên. Cánh cửa được mở ra, ngoài kia là lênh đênh con nước của dòng Trường Giang đùng đục. Mưa mỗi ngày một dữ dội hơn, chiếc ghe nhỏ bên nhà ghe ba nó đã chèo qua bến phía tây để lên phố bốc vác. Má hắn mấy hôm nay không còn lên chợ gánh nước thuê cho mấy cô hàng cá nữa. Nghe đâu bên chợ nước lụt đã ngập hết các quầy hàng phía cuối chợ. Ba mẹ con ngồi trong ghe nhìn ra đếm mưa lụt. Mưa vẫn đổ dồn hạt. Nước con sông Trường Giang lên cao mang theo từng dề lục bình và rều rác đuổi xô nhau lừ đừ tiến về phía thành phố. Nhiệm vụ chia đều nước ra hai cửa sông của con sông dường như đang bất khả thi. Nghe đâu thành phố đang ngập lụt. Có tiếng rao của loa phóng thanh ướt mèm rột rẹt. Hình như đó là thông báo của ban phòng chống bão lụt. Mẹ con con bé thấy mấy chiếc nhà ghe bên xóm Lưới đang bươn ngang dòng sông để vào phía phố. Trong đùng đục mờ mờ của mưa và nước giăng mùng, con bé thấy ba hắn đang chèo con ghe nhỏ vội vã về phía nhà ghe.
Vừa cập chiếc ghe nhỏ vào mạn nhà ghe, ba nói với lên.
– Mấy mẹ con chuẩn bị đồ đạc rồi mình chạy qua thành phố cứu mấy người bị ngập lụt.
Từ trên giường, má lật đật bỏ thằng em ra rồi bước xuống khoang ghe. Nhưng ngó bên này, bên nọ tay chân cũng lần khân chẳng biết chuẩn bị gì. Cuối cùng má hắn khơi lại bếp lửa và bắc lên luộc nồi khoai lang. Sau khi neo chiếc ghe nhỏ tạm bợ và cây trụ neo, ba cũng bước lên nhà ghe.
– Má dọn mấy đồ đạc không cần thiết bỏ hết xuống ghe nhỏ cho nhẹ, cho gọn, để chặp chở người ta, họ vào thấy lôi thôi, họ quở.
Ba vừa nhắc vợ vừa lấy can dầu đổ thêm vào máy. Con bé lại phụ má gấp quần áo cũ, những bao ni lông, thùng cạc tông lót nồi, những áo choàng rách, dù gãy kèo và mớ lưới được xếp gọn…tất cả cho vào bao rồi chuyển xuống ghe nhỏ. Chiếc ghe lớn nổ máy nhẹ tênh băng ngang dòng sông lao về hướng thành phố. Ngoái đầu nhìn lại xóm Lưới, chiếc ghe nhỏ mồ côi được neo đậu giữa mênh mông con sóng Trường Giang dập dềnh. Thành phố ngập ngụa trong nước. Những con đường lộ bây giờ thành những con sông, con lạch. Nước đục lềnh lao về phía sông nhưng tiếc thay những công trình lấn ra sông đã làm cho dòng sông hẹp hòi đúng nghĩa. Sông cuốn cuồng chạy về biển nhưng cửa biển cũng bị lấn ra trở nên ních chật. Thế là nước ứ nhau, đùn đẩy nhau và lại dội ngược về phía phố.
Nước ầm ào từ trời trút xuống, nước từ sông dâng ngược lên. Đường nhựa, đường bê tông chẳng bao dung nên nước bị đuổi xô mà đất mẹ nào ôm được nước vào. Những con nước đáng thương lục tục chạy khắp các ngả mà chẳng nơi nào chịu dung chứa. Thế là nước trở nên giận dữ. Nhà hàng, quán xá, gara, siêu thị, hầm giữ xe, tầng trệt rồi tới cả tầng hai… nước mặc người chẳng muốn, cứ tông cửa đả ngõ xô vào, leo lên. Sự giận dữ ấy còn kéo theo cả lục bình, cả rác rến đủ loại như mang vũ khí đánh trận. Tiếng rao cứ rột rẹt, tiếng kêu cứu thất thanh trong ầm ào mưa và rầm rào nước. Thương những khu nhà trọ èo ọp đớn đau nhìn nước vào nuốt chửng bếp ga, bếp điện, tủ lạnh, ti vi, xe máy… Người người leo lên gác lửng, phá cả tôn mà leo lên mái nhà, rồi leo lên cả nhau mà tranh khí thở.
Con bé định bước ra đỡ xách đồ của người đàn bà chuyền qua từ cửa sổ, thế nhưng má hắn quay lại nhíu mày, thế là con bé lại chui vào khoang ghe.
– Một cái xách chị nhé.
– Hai bao đồ nặng quá nghe.
Vừa nói má vừa nhoẻn miệng cười và đưa tay đỡ những bao đồ người đàn bà chuyền qua.
 – Chị có cái nồi chiên không dầu đẹp quá…
– Máy sấy tóc với bếp điện mà nước vào thì hư nhanh lắm…
Mỗi lần nhận một món đồ nào má hắn đều có một câu chào đón và gọi tên như thể điểm quân số. Rồi khi chuyển được người đến nơi an toàn, người ta bước ra khỏi con ghe, má không quên hỏi vớt nhờ người ta kiểm tra lại đồ đạc có thiếu gì không. Xong xuôi má mới quay vào khoang ghe.
– Con với em ngồi trong ghe, đồ đạc của họ gởi để má lo. Lỡ hư đồ hay mất đồ không có tiền đến đâu. Nhà mình nghèo, dễ bị nghi ngờ, con biết chưa.
Tiếng má nhẹ êm như tiếng sóng len lên bờ cát của doi đất xóm Lưới đêm nào. Con bé dạ trong tiếng ghe xoành xoạch lao qua các con hẻm tìm đến với tiếng kêu chới với giữa mưa gió ầm ào.
Sau một ngày rã rệu chạy quanh cứu người, ba con bé cho ghe dừng lại phía mé chợ để mua thêm dầu. Con bé kéo bức mành che bên mạn ghe nhìn ra, màn mưa nhợ nhợ phủ lên con sông. Nhìn qua bên kia sông, con bé thấy trong lờ mờ mưa, chiếc ghe nhỏ neo ở bờ bên kia đang chìm dần, chìm dần vào sâu hoắm, vào mênh mông… xóm Lưới.
29/4/2023
Thanh Tuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...