Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Bất ngờ Kim Nhất

Bất ngờ Kim Nhất

“Kim Nhất thường viết dưới dạng người kể chuyện. Kể về những người thật, việc thật mà chị gặp trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Hầu hết nhân vật của chị, nếu không là những người dân tộc Ê Đê, Bâhnar hồn hậu, chất phác ở mọi buôn, plei với cuộc sống đầy những “sự lạ”, nhưng lại có tấm lòng thủy chung với cách mạng; thì lại thuộc tầng lớp lao động chân tay lam lũ, thậm chí là những kẻ tật nguyền, bất hạnh…”
Nhà văn – nghệ sĩ Kim Nhất là gương mặt tiêu biểu người Bâhnar, sinh năm 1945 ở Bình Định, đã qua đời tại nhà riêng ở Buôn Tring I, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk ngày 02.12.2022 (tức ngày 9 tháng Mười một năm Nhâm Dần), hưởng thọ 78 tuổi. Tưởng nhớ nhà văn – nghệ sĩ tài năng và giàu nghị lực Kim Nhất, xin trân trọng giới thiệu bài viết sâu sắc, xúc động của nhà văn – nghệ sĩ Linh Nga Niê Kdam về người đồng nghiệp đàn chị thân tình đáng trọng…
 
Mặc dù cùng trúng tuyển vào Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam) vào tháng 9.1966, nhưng khi Măng Thị Hội, Thanh Bình và Linh Nga Niê Kdam còn là học sinh cấp II phổ thông (tương đương lớp 9 hiện nay), Kim Nhất đã là diễn viên của Đoàn Ca múa Tây Nguyên. Chị không chỉ đẹp gái mà còn hát hay và múa dẻo nữa. Mỗi lần từ đoàn về trường, chị làm lũ trò nhỏ chúng tôi “lác mắt’ khi vừa hát véo von vừa uyển chuyển các vũ đạo.
Như mọi thanh thiếu niên Tây Nguyên sinh ra và lớn lên từ buôn làng, thấm đẫm trong âm hưởng và nhịp điệu rộn ràng của những dàn ching chêng, trong tiếng réo rắt của đàn Ting gling (T’rưng nước), đàn Ting ning, mà Kim Nhất rất có năng khiếu nghệ thuật.
Lúc đầu chị hát đơn ca, hát cho cả chương trình phát thanh 6 thứ tiếng dân tộc Tây Nguyên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này vì có thêm nhiều diễn viên hát và sức khỏe giảm sút thì chị hát tốp ca. Khi thiếu diễn viên múa, chị cũng có thể vào các vai quần chúng rất điệu nghệ. Bước chân người nghệ sĩ đưa chị tới khắp mọi nẻo đường, từ Tủa Chùa mây ngàn vờn đỉnh núi, tới Lạng sơn, Cao Bằng thác bạc lung linh; hay Quảng Bình, Vĩnh Linh nắng lửa và đạn bom thời chống Mỹ; qua cả miền cao nguyên Bo Lô Ven đất đỏ của nước bạn Lào. Cho đến ngày theo Đoàn Ca múa Đam San trở về Tây Nguyên sau khi đất nước thống nhất.
Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 1979, tôi mới gặp Kim Nhất ở Đắk Lắk. Hóa ra vì sức khỏe, chị đã nghỉ mất sức, theo người chồng thứ hai về quê ở Buôn Ma Thuột. Sự khắc nghiệt của nghề nghiệp có khi bắt buộc người ta phải từ giã sân khấu ngay từ lúc tuổi thanh xuân còn chưa kịp phôi phai. Nhất là một diễn viên người dân tộc thiểu số, chìm trong sự khốn khó của cuộc sống đời thường là điều khó tránh.
Bất ngờ là giữa những năm 1980, chị tìm tôi hỏi ý kiến về một cuốn sách được in: “Mình gom góp lại những chuyện cổ tích kể cho cháu nghe, đưa cho Sở Văn hóa. Không biết sao người ta đem in tận Đồng Tháp nhưng không ghi tên mình. Có người xui mình đi kiện. Nhưng kiện ai? Kiện như thế nào?”. Tôi chẳng biết khuyên chị thế nào, vì là một giáo viên nhạc, chính tôi cũng mù tịt những chuyện ấy.
Lại một bất ngờ khác khi Tạp chí Chư Yang Sin của Hội VHNT Đắk Lắk ra số đầu tiên năm 1986, in truyện ngắn Mụ Xoại của Kim Nhất. Theo Tổng biên tập lúc đó là nhà thơ Phạm Doanh, anh “rất thích cái chất Chí Phèo trong Mụ Xoại, nên cho in ngay”. Rồi sau đó, biên tập viên văn xuôi Đỗ Trọng Phụng của Đài PTTH Đắk Lắk, đưa truyện này lên sóng văn nghệ chủ nhật; thì giống như con chim được sổ lồng, cứ vỗ cánh bay miết không muốn dừng lại. Kim Nhất tiếp tục gây bất ngờ với làng văn nghệ Đắk Lắk, bởi hàng loạt truyện ngắn nối tiếp nhau ra đời một cách nhanh chóng.
Năm 1994, Kim Nhất in chung với mốt số tác giả tỉnh Đắk Lắk trong tập Bắt chồng.
Năm 1995, tập truyện ngắn Mụ Xoại gồm 8 truyện của Kim Nhất, do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in, nhận Giải C của Liên hiệp các Hội VHNTVN.
Năm 1996, bút ký Về với Ban Mê nhận Giải B của tỉnh Đắk Lắk về đề tài Buôn Ma Thuột.
Năm 1997, truyện ký Hoan hô Ama Yi nhận Giải Nhất Cuộc thi viết về đề tài Dân số Kế hoạch hoá gia đình Đắk Lắk.
Năm 1998, tập Ly hôn, gồm 20 truyện ngắn (trong đó chỉ có 4 truyện đã in lại), nhận Giải thưởng Văn học Dân tộc thiểu số của Hội đồng Dân tộc Quốc hội.
Năm 1999, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in tập Động rừng, trong đó chỉ có 1 truyện in lại.
Năm 2000, Nhà xuất bản Kim Đồng in tập Truyện cổ Bâhnar do Kim Nhất sưu tầm và viết lại.
Đến kỳ xét tài trợ của hai năm 2007 và 2009, Hội đồng Nghệ thuật của Hội VHNT Đắk Lắk nhất trí tài trợ cho chị hoàn thành, sau đó được xuất bản hai tập tiểu thuyết Luật của rừng và Chuyện lạ. Năm 2010 chị lại xin tài trợ xuất bản tiểu thuyết Hoa đại ngàn, thì quả không chỉ là bất ngờ, mà còn đáng khâm phục sức lao động của chị.
Hiểu hoàn cảnh Kim Nhất mới biết sự nỗ lực ở cường độ cao, để cho ra đời hàng loạt những trang viết kể trên ấy. Gần 30 năm, chị một mình nuôi 5 con và sau này thêm 2 cháu ngoại, chỉ bằng món lương hưu ít ỏi và những đồng nhuận bút còm, với tất cả nỗi cực nhọc của cuộc sống thiếu tiền, thiếu tình cảm vợ chồng, cha con, lẫn tình bạn bè đồng nghiệp.
Cô gái Bâhnar xinh đẹp của huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định thuở nào, nay là một phụ nữ già trước tuổi, gầy ốm, bệnh tật triền miên, đốt thuốc lá như ống khói nhà máy. Vậy mà một tháng ở trại viết Đại Lải năm 1997, chị nộp bản thảo 22 truyện ngắn. Ở trại viết Đà Lạt năm 1998, khi tổng kết, chị hoàn thành 15 truyện ngắn khác. Truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, theo năm tháng ra đời. Cứ như là Kim Nhất đang tranh thủ mọi cơ hội, sợ không còn được viết nữa (có lẽ đúng thế, khi mà cuộc giành giật miếng cơm manh áo đâu có buông tha cho “khách văn”? Huống hồ gì viết còn là một cứu cánh cho cuộc sống tinh thần của chị?).
Kim Nhất thường viết dưới dạng người kể chuyện. Kể về những người thật, việc thật mà chị gặp trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Hầu hết nhân vật của chị, nếu không là những người dân tộc Ê Đê, Bâhnar hồn hậu, chất phác ở mọi buôn, plei với cuộc sống đầy những “sự lạ”, nhưng lại có tấm lòng thủy chung với cách mạng; thì lại thuộc tầng lớp lao động chân tay lam lũ, thậm chí là những kẻ tật nguyền, bất hạnh (thằng khùng, thằng ngốc, người ăn xin, kẻ làm thuê làm mướn, cô gái bán hoa…). Hình như đã từng chịu tác động bởi chính sự khốn khó của cuộc sống, nên chị có điều kiện tái hiện lại rất sinh động những cuộc đời ấy, bằng tấm lòng yêu thương, trắc ẩn với mọi con người. Nhà thơ Phạm Doanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk đã từng phải thốt lên: “Thường những chuyện về buôn làng và chuyện kỳ quái của Kim Nhất là hay nhất”.
Hỏi chị vì sao lại chuyển sang viết văn, chị cười hích hích trong điện thoại:
“Mình thêm mắm thêm muối vô những truyện cổ tích kể cho con cháu nghe, rồi đem chép lại. Thấy người ta in, mình nghĩ viết cổ tích được, chắc viết truyện hiện đại cũng được. Mà nhiều chuyện lạ mình đã thấy tận mắt nữa đó chứ. Lại còn được nhuận bút…vậy là viết thôi”.
Vâng, chỉ là đơn giản “vậy thôi” nhưng văn học đương đại các dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên có thêm một gương mặt, một cây bút khá lạ (trong đội ngũ vốn đã ít ỏi, đếm chưa hết hai bàn tay).
Ai đó đã từng nhận xét rằng “Truyện của Kim Nhất ít có văn, cũng không có sự sáng tạo của tác giả. Đơn thuần chỉ là những mảnh đời thật được chép lại. Phần nào xa rời ngôn ngữ dân tộc. Câu cú thì lủng củng”. Mọi sự nhận xét dưới góc nhìn nào đều cần được nghiên cứu. Nhưng theo tôi, trước tiên kính nể chị ấy về sức lao động và cũng là sự sáng tạo (cho dẫu chỉ là ghi lại cuộc sống). Sau nữa, viết văn với xuất phát điểm từ vốn kiến thức văn hóa 7/10, đã là một điều không dễ có. Huống hồ, mỗi người có một thế mạnh riêng, khó có ai viết về dân tộc mình được như Kim Nhất. Và không nhiều nhà văn hiểu được người lao động không nghề nghiệp như chị.
Hãy đọc Kim Nhất bằng tư duy của người thiểu số miền núi hồn nhiên kể chuyện.
Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà văn Kim Nhất cũng đã từng có mặt ở các Đại hội VII, VIII của Hội Nhà Văn Việt Nam để gặp gỡ, giao lưu cùng các bạn viết đấy.
Những năm cuối đời Kim Nhất sống rất cực nhọc. Lúc còn ở thành phố Buôn Ma Thuột, tết nào tôi và nhà văn Niê Thanh Mai (khi ấy chưa là Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk), cũng đều mang quà đến thăm Kim Nhất. Nhưng con cháu làm ăn thất bát phải trốn chui trốn lủi, khiến chị (đã bị liệt nhiều năm) cũng phải di chuyển theo.
Mãi ba năm gần đây chúng tôi mới tìm được nơi Kim Nhất cư trú. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi tiền hỗ trợ nữ nhà văn trong đại dịch Covid-19. Buôn chị bị phong tỏa, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đắk Lắk nhờ bạn văn mang lương thực, thực phẩm tới cứu trợ. Chút động viên nhỏ nhoi, chỉ làm ấm lòng chứ chẳng thể giúp cuộc sống chị tốt hơn lên. Tiễn chị về nơi cực lạc, bạn bè mong chị được thanh thản. Âu cũng là một sự giải thoát. Thương nhớ một kiếp Người!.
6/12/2022
Linh Nga Niê Kdam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...