Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Cố nhà thơ Thảo Phương: Nỗi nhớ mùa đông

Cố nhà thơ Thảo Phương:
Nỗi nhớ mùa đông

Ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” do nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ của nhà thơ Thảo Phương đã đi vào ký ức tâm hồn nhiều độc giả, trong đó có tôi. Điều đặc biệt với tôi, đây cũng là một kỷ niệm đáng quý, vì bài thơ này Thảo Phương gửi cho tôi khi còn là bản thảo đầu tiên với tựa đề “Không đề gửi mùa đông” và sau đó là bản thảo thứ hai với tựa đề “Nỗi nhớ mùa đông”.
Ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” do nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ của nhà thơ Thảo Phương đã đi vào ký ức tâm hồn nhiều độc giả, trong đó có tôi. Điều đặc biệt với tôi, đây cũng là một kỷ niệm đáng quý, vì bài thơ này Thảo Phương gửi cho tôi khi còn là bản thảo đầu tiên với tựa đề “Không đề gửi mùa đông” và sau đó là bản thảo thứ hai với tựa đề “Nỗi nhớ mùa đông”.
Sự liên tưởng ấy khá độc đáo và giàu tâm trạng thơ. Rất tiếc, hai câu thơ “Lá vàng chìm bến thời gian/ Đàn cá im lìm không quẫy” không được phổ nhạc. Nhưng bài thơ “Nỗi nhớ mùa đông” đã hoàn tất sứ mệnh thi ca trữ tình xúc động của nó trong âm nhạc Phú Quang và là một tài sản tinh thần khi ta nhớ về Thảo Phương. Sau này, trong một lần trò chuyện với nhạc sĩ Phú Quang, ông cho tôi biết đã cùng Thảo Phương sửa lại khá kỹ phiên bản thứ hai so với phiên bản đầu tiên và ông cho rằng phiên bản “Nỗi nhớ mùa đông” giàu nhạc điệu thơ hơn.
Bìa tập thơ “Khúc hát thời gian” của Thảo Phương
Mỗi mùa lá rụng đi qua, nhìn thảm lá ven Hồ Gươm, tôi bồi hồi nhớ lại ba mươi năm trước, trên nẻo đường quanh co nào đó ở khu phố cổ, tôi và nữ nhà thơ Thảo Phương chầm chậm vừa đi, vừa nói chuyện với nhau về những dự định sáng tác của mình. Ba mươi năm về trước, chúng tôi vẫn được lớp đàn anh trong văn chương gọi là những “nhà thơ trẻ” mặc dù tuổi tác cũng đã trải qua bốn chục mùa lá rụng. Nhưng rồi sau đó, do hoàn cảnh công việc mỗi người ở một đầu đất nước, nên chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau hơn.
Nhìn lại các tập thơ của Thảo Phương, ta thấy hình ảnh người đàn bà trong thơ chị có tất cả những bức xúc và đau đớn mà cuộc đời và số phận mang lại. Nhưng bất hạnh không đè bẹp được họ. Theo tôi, thơ Thảo Phương đọc kỹ, thấy cái lôi cuốn nơi thơ chị chính là sự không chịu bằng phẳng, mòn cũ trong cách viết. Vẻ “ưa nhìn” của cái đẹp tiềm ẩn trong một cá tính mạnh, càng đọc kỹ càng thấy thấm đượm những nỗi niềm. Người đàn bà không mềm yếu trong thơ Thảo Phương để lại bước đi rắn rỏi nơi cần đối mặt với thực tế khốc liệt.
Trong các loại hình sáng tạo nghệ thuật-văn hóa thì hành trình khắc nghiệt của văn chương có đôi khi quay lại “tàn phá” thật sự mỗi cá thể sáng tạo, như một sự phải trả giá của chính người nghệ sĩ. Và hiểu như thế, tôi muốn được chia sẻ và thông cảm hơn, nhất là đối với những cây bút nữ, họ đã vắt kiệt hết sức lực và trí não của mình cho văn chương và cho cái thiên chức yêu thương của mình. Mà có thể, những người đàn ông chúng tôi, hoặc rất tuyệt vời hoặc đầy khiếm khuyết trong cái nhìn nữ tính vị tha của họ như trong cái nhìn dưới đây của Thảo Phương: “Ta soi bóng trên đầm lầy im ắng/ Gương mặt người tình nhìn ta đăm đăm/ Sâu đáy nước lạnh xanh trong vắt/ Những xác rượu đã cất lên gương mặt dịu buồn kia/ Và đầm lầy ngào ngạt men say/ Những bản thảo, những tứ thơ/ Ngủ lơ mơ và thiêm thiếp chín”.
Đã 16 năm sau ngày nhà thơ Thảo Phương qua đời tại Sài Gòn. Chị ra đi vào mùa đông năm 2008, để lại “Nỗi nhớ mùa đông” trong ký ức bạn bè văn chương và trong lòng nhiều độc giả yêu thơ cùng những ca khúc phổ thơ chị. Năm nay, sẽ lại thêm một mùa rụng lá, nhưng nhà thơ Thảo Phương đã ở cách xa chúng ta cả một thế giới. Chị không còn được trở về với mùa lá rụng phương Bắc nữa, nhưng tôi vẫn nghe trong gió thoảng đâu đây cái nhịp trầm buồn nhưng trong vắt của một giai điệu đẹp: “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Cảm ơn Thảo Phương và Phú Quang, thơ và nhạc này sẽ còn mãi rung động trái tim những người đã một lần yêu Hà Nội, một lần từng gắn bó với Hà Nội.
9/7/2024
Nguyễn Việt Chiến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cán...