Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Nhà văn Konstantin Paustovsky với Crimea

Nhà văn Konstantin
Paustovsky với Crimea

Crimea (tiếng Nga gọi là Crưm) - vùng bán đảo hầu như là một trong những nguyên nhân nổ ra cuộc chiến Nga - Ucraine. Lại cũng là một trong những điều kiện để hai bên ngồi hay không ngồi vào bàn hòa đàm.Vài ngày gần đây drone của Ucraine rình rập hòng đánh sập cây cầu nối vùng đất liền với bán đảo, còn Nga thì dậm dọa trả đũa. Bài viết này chia sẻ với các bạn rằng đã từng có một Crimea khác hẳn…
Konstantin Paustovsky khuyên nhủ: “Bạn cần phải sống bằng cách luôn lang thang đây đó”. Và người nghệ sĩ lãng mạn vĩ đại đã tuân theo phương châm này suốt cuộc đời mình. Những chuyến du hành đã đưa K. Paustovsky đến Koktebel, nơi ông gặp và kết bạn với góa phụ của Maximilian Voloshin, sau đó đến Crimea - cũ, nơi đã quyến rũ như một thiên đường trong vài năm.
Nhà văn thú nhận: “Tôi hiểu ra vùng đất được tắm gội bởi một trong những vùng biển tưng bừng nhất trên thế giới đẹp như thế nào”. Nhiều tác phẩm của nhà văn thấm đẫm những ý tứ từ Crimean. Paustovsky định nghĩa Crimea là “nơi mà tôi muốn thời gian dừng lại để không bị mất đi cảm giác tuổi trẻ”.
Thời gian đã dừng lại ở nơi đây
Thời gian như dừng lại trong ngôi nhà nhỏ trên con phố cổ yên tĩnh ở Crimea, nơi nhà văn thuê phòng của nữ y tá Vera Rutkovskaya – Oleynikova. Ngôi nhà đã lưu giữ tuổi trẻ của nhà văn cho chúng ta. Để ngôi nhà riêng bình thường này trở thành một viện bảo tàng, bà Nadezhda Sadovskaya không chỉ đóng góp công sức mà còn cả tiền bạc của gia đình mình. Ngôi nhà được mua lại và chuyển thành viện bảo tàng tưởng niệm.
Ở đây, bây giờ có thể nhìn thấy những món đồ đích thực được thu thập từ nội thất của ba ngôi nhà cổ ở Crimea nơi K. Paustovsky đã từng sống, cũng như ngôi nhà ở Koktebel, nơi ông sống cùng Feodosia Pecherikina vào đầu những năm 50 của thế kỷ 20. Con gái của bà Feodosia Pecherikina - Lyubov Petrovna, người nhớ rất rõ về nhà văn và đã làm việc nhiều năm tại Bảo tàng, sẵn sàng kể về những cuộc gặp gỡ của bà với K.Paustovsky. Cũng nói luôn, bà Lyubov Petrovna đã trở thành nguyên mẫu của nhân vật nữ trong câu chuyện “Gặp gỡ”của nhà văn.
Người phụ trách bảo tàng đầu tiên được thành lập ở Crimea- Cũ, hiện là một phần của khu bảo tồn sinh thái, lịch sử và văn học ở Koktebel mang tên “Cimmeria M. A. Voloshin,” chính cũng là người tạo ra nó, bà Nadezhda Sadovskaya. Bà biết nhiều điều về nhà văn yêu thích của mình.
Bà Nadezhda Sadovskaya kể:
– K. Paustovsky xuất hiện lần đầu tiên ở Crimea-Cũ vào năm 1934. Điều đưa ông ấy đến đây là mong muốn được nghiêng mình trước ngôi mộ của Alexander Greene và gặp người vợ góa của nhà văn này. Thực hiện xong ý muốn của mình, K.Paustovsky bắt đầu “phá vỡ bức tường im lặng” xung quanh cái tên Green. Chuyến thăm thứ hai là của k.Paustovsky diễn ra vào mùa hè năm 1935, khi ông đang tìm bố cục cho truyện vừa “Biển Đen”. Thời gian lưu trú của K.Paustovsky ở Crimea- Cũ lâu hơn là vào năm 1938. Tại đây, ông đã trải qua tháng 5,tháng 7 cùng bà vợ là Valeria Valishevskaya và cậu con nuôi Sergei. Đây là thời điểm nhà văn viết cuốn sách “ Những truyện vừa và những truyện ngắn,xuất bản năm 1939.
– Crimea đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà văn. Pautovsky đã thụ cảm mảnh đất này như thế nào? Ông ấy gọi Crimea là vùng đất của “bình yên, suy ngẫm và thơ ca”. Không phải ngẫu nhiên chính tại Crime, một nửa số tác phẩm của nhà văn đã chào đời. Motiv gắn với Crime đã sáng lấp lánh trong các cuốn tiểu thuyết “Kẻ lãng mạn”, “Những đám mây tỏa sáng”, “Khói quê hương”, truyện vừa “Biển Đen”, 6 cuốn sách mang tính tự thuật “Câu chuyện cuộc đời”. Đề tài Crime cũng tràn vào các truyện ngắn “Biển ghép”, “Thợ làm cánh buồm”, “Gió nhẹ”, “Mặt trời đen trên biển”, “Hạt cát”. Ấn tượng của vùng Feodosian cũng làm nền cho các truyện ngắn “Ngày đã mất”, “Trái tim yếu mềm”; còn vùng đất Koktebel dễ tìm thấy trong “Âm thanh im lặng”, “Màu xanh”, “Cuộc gặp gỡ”.
Truyện vừa “Biển Đen” được viết năm 1935 tại Sevastopol, còn một số chương như “Sương núi”, “Người kể chuyện cổ tích” lấy cảm hứng từ những chuyến đi tới Crime - Cũ. Xét ở nhiều phương diện truyện “Người kể chuyện cổ tích” cũng nói lên nhiều điều về tuần trăng mật với Tatyana Evteeva - bà vợ cuối của ông, người đã sống cùng ông hai mươi năm cuối cuộc đời của Paustovsky. Nhân tiện, Tatyana Evteeva cũng là nguyên mẫu nhân vật nữ trong vở “Tanya” của kịch tác gia Arbuzov. Pautovsky đã đề tặng bà cuốn “Bông hồng vàng”.
Trong thế giới của người lãng mạn
Bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà, nơi nhà văn đã từng sống hạnh phúc, vào năm 2005 đã khai mạc bảo tàng hiện vật đầu tiên. Ở đây bạn nhớ lại những lời của Ghersen, mà Paustovsky đã dùng làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết “Khói quê hương” của ông: “Mọi người như muốn gìn giữ mọi thứ – cả hoa hồng lẫn tuyết trắng”.
Những người lập nên bảo tàng đã cố gắng bảo tồn ở đây không chỉ tinh thần của quá khứ mà còn làm sống lại những mùi vị và âm thanh bao phủ lấy khách tham quan khách đang chăm chú, khiến họ như bị đắm chìm vào thời xa xưa, khi giọng nói của nhà văn vang lên giữa những bức tường này cùng tiếng ván sàn kêu cót két dưới mỗi bước đi của nhà văn.
Ở đây, trong tiếng chuông vừa tắt lặng, giữa căn phòng có những ô cửa sổ mở ra vườn, nhà văn như lấp đầy những truyện ngắn, truyện vừa của mình bằng âm thanh của sóng biển, gió và sương mù. Cũng ở đây, vào ban đêm, Paustovsky đã nói chuyện với những nhân vật trong các tác phẩm của mình, chính vì thế mà chúng ta được đón nhận họ như những con người sống động, có thực, với mọi phiền phức, âu lo, niềm vui và ước mơ của họ.
Paustovsky yêu họ và dặn dò chúng ta biết yêu thương những người lao động bình thường - những người hai chữ “tình yêu” đối với họ, không phải là những âm thanh trống rỗng mà là cảm giác chính, nếu không có nó thì cuộc sống sẽ vô nghĩa và thảm hại.
Không phải bàn tay ông đã ngắt những cành mỏng manh và cắm bó hoa khiêm tốn vào chiếc bình. Điều đó không quan trọng. Cái chính là là khi nhìn nhà văn, bạn sẽ nhớ được vài dòng chữ dịu dàng trong những bức thư của ông.
Ví dụ, dòng chữ này:
Thuê một con lừa có xe đẩy, chúng tôi đi đến Koktebel và Otuzy (từ đây cách biển 16 km). Con lừa im lặng, cúi gầm, trước mỗi vũng nước, nó dừng lại và suy nghĩ rất lâu về điều gì đó – sau đấy nhảy qua vũng nước cùng với chiếc xe đẩy.
Thật tượng hình và hữu hình, như thể chính bạn đang ngồi trên chiếc xe đẩy này và không hề tức giận với con lừa tai to vì sự chậm chạp như rùa của nó.
Không nên – đó là một hiện vật trong bảo tàng, nhưng bạn thực lòng vẫn muốn chạm vào chiếc máy hát cũ, đặt đầu kim một cách ngẫu nhiên lên bất cứ chiếc đĩa hát nào lọt vào tay, để lắng nghe những gì K.Paustovsky đã nghe. Nếu không nên ngồi xuống thì ít nhất hãy chạm tay vào chiếc ghế sofa, trên đó, dưới ánh sáng ấm áp của ngọn đèn ngủ, K.Paustovsky đang đọc và viết gì đó.
Bây giờ bạn hiếm khi gặp được sự ấm cúng như vậy, có lẽ ngoại trừ trong một ngôi nhà nông thôn: với khăn trải bàn dệt kim, khăn ăn thêu bằng những đường cắt khéo léo, một chiếc bình có hình mặt trăng huyền bí, hoa phong lữ thơm thơm trên bậu cửa sổ… Tim bạn chợt nhói đau, vì bạn nhớ lại căn phòng của bà ngoại, rất khác so với tất cả những căn hộ khác trong một ngôi nhà ván bình thường. Và bạn sẽ muốn ngồi vào một chiếc bàn chung với một chiếc liễn lỗi thời đặt ở giữa bàn…
Một thuộc tính không thể thiếu khác của những năm tháng đó là những bức ảnh treo trên tường. Khuôn mặt những người thân và bạn bè của nhà văn, trong đó đột nhiên hiện lên hình ảnh của Marlene Dietrich, người mà trong lời bài phát biểu tại Hội Nhà văn Moscow, khi được hỏi liệu bà có biết văn học Nga hay không, nữ diễn viên màn bạc nổi tiếng thế giới, người Đức đã trả lời: “Tôi yêu Paustovsky và đặc biệt là câu chuyện “Bức điện” của ông. Được biết nhà văn yêu thích của mình đang ở trong hội trường, bà chăm chú dõi theo các hàng ghế, và Paustovsky nhút nhát phải lên sân khấu. Khoảnh khắc Marlene quỳ gối trước mặt ông đã được ghi lại trong bức ảnh.
Một vị trí quan trọng trong bộ sưu tập được dành cho chủ đề “Paustovsky và Green”.
Irina Kotyuk, người đứng đầu bảo tàng cho biết: -Chúng ta hãy nhớ lại rằng chính Paustovsky là người đã phát lộ ra nhà văn Alexander Green với bạn đọc. Khi mở tập truyện có cái tên lạ lùng “Thác xanh Telluria” của một tác giả chưa hề quen biết, sau khi đọc những dòng đầu tiên, K.Paustovsky đã không thể tách mình ra khỏi toàn bộ cái “kỳ quái, hệt như một giấc mơ của một cuốn sách đặc biệt” và theo đúng nghĩa đen cuốn sách đã “nuốt chửng” K.Pustovsky, ngay khi ông còn đứng dưới bóng mát của cây hạt dẻ đang vào mùa nở hoa cạnh kios sách.
Trong cuốn truyện vừa “Cuốn sách của những chuyến lang thang” Paustovsky đã viết:
“Tôi vô cùng muốn kể cho Green biết ông ấy đã làm đẹp tuổi trẻ của tôi bằng trí tưởng tượng có cánh của ông như thế nào, những xứ sở huyền diệu nào đã nở hoa, những mùa hoa không bao giờ phai màu trong những câu chuyện của ông ấy…”
Trong truyện vừa “Biển Đen”, K.Paustovsky đã chèn một truyện rất ngắn “Người kể chuyện”, dành cho Alexander Green và cho nơi ẩn náu cuối cùng của ông ở Crimea - Cũ. Chính trong “Biển Đen”, K.Paustovsky lần đầu tiên đã công khai đứng lên bảo vệ danh tiếng tốt đẹp cho thần tượng thời trẻ của mình- A.Green-người đã làm đẹp tuổi trẻ của ông bằng “trí tưởng tượng có cánh của mình”.
Crimea đối với K.Paustovsky là “vùng đất của yên ổn, suy ngẫm và thơ ca”. Vẻ đẹp của Crimea đã truyền cảm hứng cho K.Paustovsky trong suốt cuộc đời ông. Những tác phẩm của nhà văn viết ở đây tràn ngập sự tươi mới, niềm vui sống, hạnh phúc. Vượt qua bệnh tật, K.Paustovsky đã đọc cho thư ký ghi lại vào mùa xuân năm 1968 những dòng sau:
“Một đám mây bay lơ lửng trên bán đảo Crimea, và không hiểu tại sao buổi tối hôm nay lại có ý nghĩa quan trọng đối với tôi. Con tàu ầm ầm lao đi dưới lòng đường… Mỗi điều nhỏ nhặt đều chứa đựng chiều sâu lớn lao”.
Các tác phẩm của K. Paustovsky dạy chúng ta nhìn ra cái lớn lao, kỳ vĩ và vẻ đẹp “trong từng điều nhỏ nhặt”.
Bảo tàng tưởng niệm ở Old Crimea được khai trương vào năm 2005. Tháng 5 năm 2007, một tấm bia tưởng niệm được khánh thành tại nhà ga giám sát môi trường của trạm sinh học Karadag, nơi K. Paustovsky đã sống vào đầu những năm 1950.
K. Paustovsky viết: “Có những góc trên trái đất của chúng ta đẹp đến mức mỗi lần ghé thăm chúng đều gợi lên cảm giác hạnh phúc”.(Bài “Ký ức Crimea”).
Trong Bảo tàng K. Paustovsky ở Crimea- Cũ, vào ngày Chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng 5, những người lãng mạn lại tụ tập để tổ chức cuộc họp mặt “Sorang” - đặt theo tên của một trong những truyện ngắn được K.Paustovsky viết vào năm 1932. Năm nay đánh dấu 82 năm kể từ khitruyện ấy được xuất bản.
Những người lãng mạn - nhà thơ, thi sĩ, nghệ sĩ tụ tập lần thứ tư dưới bóng cây trong khu vườn thân yêu của K.Paustovsky để tưởng nhớ nhà văn đã dạy chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống và tận hưởng vẻ đẹp của thế giới.
Nhà thơ Mark Kabkov dành những dòng sau đây cho K.Paustovsky: “Ông là người duy nhất có thể, trong thời kỳ cực kỳ bình yên, cũng đã biết làm làm xáo trộn cả danh dự lẫn lương tâm, hướng mọi người đi theo con đường tốt nhất”
Maria Stepanovna Voloshina viết: “… với sự ra đi của K.Paustovsky… cả một luồng sáng tinh thần và lương tâm đã cuốn theo”.
Con thuyền du ngoạn mang tên “K. Paustovsky” đã đi dọc,ngang khắp Biển Đen trong nhiều năm như một lời nhắc nhở rằng Crimea là “quê hương nhỏ bé” của Paustovsky, vùng đất xinh đẹp và đắt giá nhất, “được tắm gội bởi một trong những vùng biển vui tươi, đình đám nhất trên thế giới này”.
6/7/2024
Konstantin Paustovsky
Tô Hoàng dịch
Nguồn: Tạp chí Ngọn Cờ - Nga
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cán...