Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

Không gian sáng tạo của các tác giả văn học mạng là… không giới hạn

Không gian sáng tạo của các tác giả
văn học mạng là… không giới hạn

Năng động, trẻ trung với một “gout” ăn mặc rất màu sắc, thoạt nhìn bên ngoài Hà Thanh Vân không giống như một nhà nghiên cứu phê bình văn học như trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng khi tiếp xúc và đọc bài Vân mới nhận rõ đây là một cây bút sâu sắc, bản lĩnh, với kiến văn rộng và luôn có chính kiến mạnh mẽ, rạch ròi. Một cuộc trò chuyện thẳng thắn với TS Hà Thanh Vân, chuyên ngành lý thuyết và lịch sử văn học về văn học mạng ở Việt Nam với những vấn đề của nó.
* Hiện nay nhiều người hay nhắc cụm từ “dòng văn học mạng”. Theo chị, văn học mạng đã thực sự trở thành “dòng” chưa và vì sao?
– Tôi cho rằng: “Văn học mạng là những tác phẩm văn học được nhà văn sáng tác trực tiếp trên mạng, với tâm thế của một công dân mạng, thu hút được sự theo dõi của đông đảo công chúng sử dụng mạng và khi in thành sách giấy, tác phẩm văn học đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa”.
Với quan điểm này, tôi cho rằng trong thời gian vừa qua, kể từ khi Internet chính thức được cung cấp dịch vụ ở Việt Nam vào ngày 19.11.1997, thì văn học mạng đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo cũng như góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra với thế giới. Ngoài việc mang lại một phương thức sáng tác mới, khác với những phương thức sáng tác truyền thống, ngoài việc nhiều tác phẩm ra đời hơn hẳn so với những thời kỳ trước đó, ngoài việc độc giả tiếp cận tác phẩm văn chương dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn thì một số nhà văn nhờ vào sự hoạt động tích cực trên mạng cả trong văn học và ngoài văn học đã được công chúng biết đến.
Do vậy trong khoảng 20 năm trở lại đây, đã dần hình thành một thế hệ các tác giả văn học mạng ở Việt Nam. Họ hầu hết là những người thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X và cả thế hệ sinh sau năm 2000, tạo thành dòng văn học mạng.
* Chị có nhận xét gì về câu chuyện và cách viết của những tác giả “văn học mạng”? Có phải vì đầu ra dễ dàng mà họ viết phóng khoáng hơn và cũng… dễ dãi hơn nhất là trong việc sử dụng ngôn từ?
– Khác với văn học in giấy truyền thống, văn học mạng tạo ra cơ hội cho độc giả tiếp cận nhanh chóng nhất đối với tác phẩm của nhà văn và phản hồi trực tiếp đối với nhà văn. Người viết chủ động công bố tác phẩm của mình, mà không cần biết đến sự thông qua của nhà xuất bản hay qua công lao biên tập của các biên tập viên.
Cũng trên mạng Internet, do tính chất “động” của nó, sáng tác có thể được thay đổi, được gỡ đi, được sửa chữa, thêm thắt theo như góp ý của độc giả, cho nên các nhà văn có thể dễ dàng thử nghiệm những sáng tác mới, sáng tạo ra những tình tiết mới, câu thơ mới… để bổ sung cho tác phẩm của mình theo thời gian.
Độc giả ngày nay có thể trực tiếp giao lưu chuyện trò với nhà văn, tiếp nhận phản hồi của nhà văn với ý kiến đóng góp của mình, cũng trực tiếp thấy được chân dung sống động của nhà văn, điều mà ngày xưa không thể có. Chính vì thế đời sống văn học mang nhiều màu sắc sinh động hơn, thực tế hơn.
Không gian sáng tạo của các tác giả văn học mạng được mở rộng có thể nói là không giới hạn.  Không chỉ là không gian cụ thể trong tác phẩm của các tác giả, mà còn là không gian của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trên mạng là một cơ hội cho các nhà văn thể nghiệm và ngôn ngữ này có thể thay đổi rất nhanh nhạy theo thị hiếu của người đọc. Tuy nhiên, không gian rộng mở của Internet cũng giống như một con dao hai lưỡi.
Trong một thế giới tưởng là ảo mà không ảo, khi mà mỗi ngày, mỗi giờ, lượng thông tin mới ập đến nhanh chóng như vũ bão, những sáng tác của các nhà văn cũng sẽ rất nhanh lướt qua mắt người đọc rồi trôi vào quên lãng. Thế nên nhiều nhà văn lại chọn một con đường khác để nổi tiếng, là nhắm đến yếu tố câu khách bằng những ngôn ngữ gây sốc, bằng cách viết chiều theo ý độc giả, bằng cách xây dựng những chi tiết, tình tiết vô lý, miễn làm hài lòng người đọc.
* Ở Việt Nam đã có những tác giả văn học mạng nào nổi lên theo chị và họ có sống được bằng nghề không?
– Nhắc đến những cái tên đi đầu trong lĩnh vực sáng tác văn học mạng tại Việt Nam, không thể không nhắc đến những cái tên đình đám như Trang Hạ, Trần Thu Trang, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Cấn Vân Khánh, Hà Kin, đó là thế hệ những người đi tiên phong trong sáng tác trên mạng… Thế hệ sau đó có Nguyễn Phong Việt, Ploy Ngọc Bích, Anh Khang, Hamlet Trương, Hồng Sakura…
Ngoài ra, dòng văn học mạng còn ghi nhận tên tuổi của các nhà văn thuộc thế hệ trẻ tuổi hơn nữa, là thế hệ cuối 9X hay Gen Z như Đức Anh Kostroma, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Dương Quỳnh, Trường An… Có những người hiện nay đã ngưng sáng tác nhưng cũng có một số người sống được bằng nghề, nhưng số này rất ít. Do đặc thù của môi trường xã hội Việt Nam cùng với thị trường văn học, ở Việt Nam rất khó có tác giả nào sống thuần túy bằng cách viết văn.
* Chị có lạc quan về tương lai của văn học mạng?
– Tôi lạc quan về tương lai của văn học mạng vì những lý do:
Phạm vi đề tài sáng tác cũng được mở rộng hơn. Nếu như ngày trước những người viết trẻ trên mạng chủ yếu thành danh với những thể loại truyện tình cảm, tâm lý xã hội, những tác phẩm thơ tình, thì hiện nay nhiều người viết trẻ đã dấn thân vào những đề tài đòi hỏi kỹ thuật viết và sự đầu tư cho nghiệp viết một cách chuyên nghiệp và chuyên môn hơn. Đó là những đề tài về lịch sử, chiến tranh, trinh thám, kinh dị… Độc giả do vậy có nhiều sự lựa chọn hơn và nhà văn trẻ cũng có nhiều cơ hội khẳng định được khả năng của mình.
hực tế, văn học mạng không phải là sản phẩm thứ cấp của văn học, mà nó có những đặc thù riêng mà văn học truyền thống không thể có được: Sự tiếp cận tức thời, nhanh chóng với độc giả; sự tương tác qua lại giữa nhà văn và bạn đọc, sự thuận lợi trong việc đọc ở mọi nơi mọi lúc khi chỉ cần một thiết bị công nghệ…
Nếu duy trì và phát triển được ưu thế của văn học mạng, cũng như hạn chế được những khuyết điểm về mặt nội dung và nghệ thuật thì văn học mạng ở Việt Nam sẽ còn phát triển trong tương lai.
Khi ấy diện mạo nó có thể thay đổi, có thể khác đi, song những giá trị khiến nó song hành được với văn học truyền thống chắc chắn sẽ vẫn tồn tại và công chúng trên mạng cũng sẽ vẫn là lực lượng độc giả hùng hậu, chủ chốt, góp phần làm nên thành công cho tác phẩm. Và văn học mạng với cũng là sự thích ứng của đời sống văn học đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các phương tiện kỹ thuật giúp người ta xích lại gần nhau hơn.
* Cảm ơn TS Hà Thanh Vân vì những ý kiến thẳng thắn và hữu ích của chị!.
12/10/2022
Việt Văn
Nguồn: LĐO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...