Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Kịch tác gia Bernard Shaw - Cuộc bứt phá ngoạn mục

Kịch tác gia Bernard Shaw
Cuộc bứt phá ngoạn mục

George Bernard Shaw (1856-1950) sinh ra ở Dublin, Ireland, sau di cư sang London, Anh, là “cha đẻ” của kịch ý niệm hiện đại, “một trong những nhà viết kịch xuất sắc nhất trong thời đại”. Ông còn là một nhà hoạt động chính trị thành công, người đấu tranh cho bình đẳng nam nữ và công bằng xã hội. Cho đến nay, ông là người duy nhất trên thế giới được nhận hai giải thưởng cao quý: giải Nobel Văn học (năm 1925) và giải Oscar (năm 1938).
Thấm thía nỗi cơ cực vì túng thiếu của người cầm bút khi mới khởi nghiệp, ông đã dùng tất cả số tiền 35.000 USD của giải Nobel năm ấy để thành lập “Quỹ văn học dành cho tác giả viết kịch”. Ông cũng là một trong số không ít những nhà văn trở nên giàu có từ chính nghề viết.
Trước khi đến với nghề viết, vì kế sinh nhai, Shaw đã từng phải làm rất nhiều công việc mà ông cho là mang tính “phổ thông tầm thường”. Shaw đã từng phải làm văn thư, nhân viên nhà băng, thư ký… với đồng lương còm cõi. Song bất luận trong hoàn cảnh nào, Shaw cũng không xa rời thế giới nghệ thuật – cái thế giới mà người mẹ và người chị gái thân yêu của ông đang sống và tỏa sáng. Shaw luôn tâm niệm: “Đời người chỉ có một lần, quyết không để đời mình trôi đi vô ích”. Mà theo quan niệm của riêng Shaw, cuộc đời chỉ thực sự có ích khi viết một cái gì đó, về một vấn đề gì đó, để cuộc sống của con người trở nên tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Vì vậy, năm 20 tuổi, Shaw đã rời bỏ quê hương đến London, nơi mà bà mẹ đang dạy âm nhạc để bắt đầu cuộc đời viết báo, nghiên cứu và phê bình sân khấu, rồi viết văn và viết kịch, với mục đích tìm kiếm những khoản tiền lớn để thoát khỏi phận nghèo.
Mộng tưởng lớn nhất thời trẻ của Shaw là kiếm lấy một khoản tiền, sau đó cưới một cô vợ giàu có. Tuy nhiên, trước khi trở nên giàu có đến mức có thể bỏ ra 35.000 USD để làm từ thiện và đủ tiền để du lịch khắp thế giới, Shaw đã trải qua không ít những năm tháng nhọc nhằn, túng bấn.
Ròng rã trong 9 năm đầu khởi nghiệp, Shaw chỉ nhận được 30 USD nhuận bút! Shaw nghèo đến mức không có cả tiền lộ phí để đi đưa bản thảo của mình đến các nhà xuất bản. Quần áo của Shaw rách tả tơi, giày há mõm… Mọi chi tiêu của Shaw trông cả vào nguồn trợ cấp từ người mẹ. Khi đã thành danh, nhớ lại những ngày khốn khó, Shaw thường bùi ngùi: “Lẽ ra tôi phải nuôi gia đình tôi, kết quả thì ngược lại… Tôi chưa hề làm được gì cho gia đình mình, còn mẹ tôi phải cố làm việc mà nuôi tôi dù tôi đã đến tuổi trưởng thành”… Dẫu vậy, Shaw quyết không từ bỏ nghề viết.
Mỗi ngày, bất luận tâm trạng thế nào, Shaw cũng hạ quyết tâm viết đủ 5 trang. Vì thế, 5 cuốn tiểu thuyết đã nối tiếp nhau ra đời chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sách của Shaw viết ra thời kỳ này chỉ để cho mình Shaw đọc, vì tất cả các nhà xuất bản đều từ chối các tác phẩm của ông, với lý do nội dung của chúng không phù hợp với trào lưu xã hội đương thời. Mãi đến năm 1887, “Một người xã hội chủ nghĩa phi xã hội” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Shaw được in, báo hiệu thời kỳ lận đận của ông đã đến hồi kết thúc.
Tự nhận thấy rằng, nếu trông vào số tiền nhuận bút còm cõi nhờ xuất bản tiểu thuyết thì chặng đường đến với đích xem ra thật xa vời, Shaw bèn chuyển sang viết kịch. Shaw đã tính như thế này: Nếu kịch bản được đưa ra công diễn, tác giả sẽ có doanh thu thông qua số lượng vé phát hành và số lượng các show diễn. Đồng thời, tên tuổi của tác giả cũng nhanh được công chúng biết đến hơn. Mặt khác, ông cho rằng, chỉ có sân khấu kịch mới có thể “thức tỉnh con người trước thay đổi của trật tự tư sản với tất cả thể chế và tập tục của nó”. Rằng, sân khấu, ngoài chức năng giải trí còn chứa đựng chức năng giáo dục, thông qua việc khơi dậy nhu cầu thẩm mỹ của khán giả. Ông đã không ngần ngại đưa lên sân khấu tất cả những vấn đề gay gắt nhất của xã hội đương thời như sự khuynh đảo của đồng tiền, tình trạng nghèo khổ của người dân kéo theo các tệ nạn xã hội…
Tất cả những vấn đề “đao to, búa lớn” đó được thể hiện bằng bút pháp trào lộng, châm biếm, tìm đường đến chân lý thông qua những nghịch lý. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá: Shaw viết kịch là “để thỏa mãn những nhu cầu mà ông đã khơi ra. Ông viết kịch với sự vững vàng bản năng, dựa trên niềm tin rằng ông có nhiều điều để nói”.
Những vở kịch của Shaw được ông đặt cho những cái tên khá lạ và ấn tượng: “Những vở kịch khó chịu”, “Những vở kịch dễ chịu”, “Những ngôi nhà của những người góa vợ”, “Ngôi nhà trái tim tan vỡ”, “, “Nhà của búp bê”, “Đồ đệ của quỷ”, “Con người và siêu nhân”, “Nữ thánh Joan”, “Pygmalion”, “Những truyện ngụ ngôn khó tin”… Phong cách chung của các vở kịch này đều thiên về trào lộng, châm biếm, với đặc điểm nổi bật là “sự khắc nghiệt xã hội học mang tính chính thống của ông đối với cộng đồng không hề bị ảnh hưởng bởi định kiến và được kết hợp với sự biểu cảm tâm lý đích thực khi ông đề cập đến từng cá nhân phạm tội. Lòng nhân đạo – một trong những đức tính tốt đẹp nhất của ông cũng được thể hiện rõ ràng và trọn vẹn”.
Vở “Nữ thánh Joan” hoàn thành vào năm 1923, được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Shaw, đã được trình diễn khắp các sân khấu châu Âu và ở đâu cũng gây tiếng vang lớn. Hai năm sau khi “Nữ thánh Joan” ra đời, Shaw đã được trao giải Nobel vì “những sáng tác mang tính tư tưởng và chủ nghĩa nhân văn cao cả, đặc biệt là những vở kịch trào phúng đặc sắc, kết hợp với vẻ đẹp lạ lùng của thơ ca”. Vốn bản tính hài hước và hóm hỉnh, khi nhận giải Nobel, Shaw đã nói: “Giải Nobel về văn chương chẳng khác gì chiếc phao được ném cho người đã bơi tới bờ rồi”!
Dẫu cho rằng mình là người đã “bơi đến bờ”, song không bao giờ Shaw xa rời cây bút. Và mười ba năm sau khi nhận giải Nobel, một trong những kịch bản của Shaw đã được dựng thành phim và đã nhận giải Oscar xuất sắc nhất cho kịch bản. Đó là “Pygmalion”, một kịch bản được ông viết năm 1912.
Về chuyện thù lao kịch bản, mỗi năm trung bình Shaw nhận được khoảng 100.000 USD, đủ để chi tiêu cho cuộc sống, “tái sản xuất” sức viết và đi du lịch. Còn chuyện lấy một người vợ giàu có thì mãi đến năm 40 tuổi Shaw mới thực hiện được. Shaw luôn tự cho rằng mình “không có tư cách kết hôn vì luôn làm người khác lo lắng”. Về hình thức, Shaw không mấy hấp dẫn vì thân hình gầy gò, chân đi tập tễnh, song xem chừng giới chị em đã không để cho ông thực hiện ý đồ giữ gìn sự “tự do tuyệt đối” của mình. Đã từng có không ít nữ tài tử điện ảnh xinh đẹp chủ động ngỏ lời cầu hôn với Shaw, song ông luôn dùng những câu hài hước để từ chối.
Một lần, có một ngôi sao xinh đẹp nhất nhì làng diễn viên châu Âu, vì ngưỡng mộ tài năng và cả “tiềm lực” kinh tế của Shaw đã “mượn bút thay lời” rằng: “Em muốn kết hôn với anh để con của chúng ta sẽ có trí thông minh của anh và có nhan sắc của em”. Shaw đã lịch sự viết thư cám ơn và bày tỏ nỗi băn khoăn của mình rằng: “Tôi chỉ ngại, nếu chúng ta lấy nhau thì con chúng ta sẽ có trí thông minh của cô và có nhan sắc của tôi”…
Năm 40 tuổi, Shaw quen với Sialuta, một phụ nữ quý tộc chỉ kém ông có mấy tháng tuổi, lại là một người vô cùng giàu có. Dẫu đã ở tuổi 40 nhưng Sialuta vẫn cực kỳ xinh đẹp, trẻ trung và đặc biệt đôi mắt xanh màu ngọc bích rất quyến rũ. Nếu ai không biết sẽ lầm tưởng nàng phải kém nhà biên kịch tài ba độ hai chục tuổi. Tuy đã gặp được đúng đối tượng, nhưng Shaw vẫn dùng dằng không muốn tính đến chuỵên hôn nhân. Nhưng rồi, một lần Shaw bị ốm nặng, phải nằm liệt giường.
Thời gian đó Sialuta đang có chuyến làm ăn tại Roma, khi nhận được tin đã bỏ công việc, vội vàng quay về London. Nhìn thấy Shaw gầy gò, xanh xao, suy nhược nằm trong căn phòng bừa bộn, bẩn thỉu, hôi hám đến mức “dù có phải thuê bảy, tám người làm công quét dọn thì cõ lẽ cũng phải mất 50 năm mới quét sạch được” như cách nói tự trào của Shaw, nhưng Sialuta vẫn “mang” Shaw đến ngôi biệt thự  của mình ở một miền quê thanh vắng và ân tình săn sóc, chữa bệnh cho ông. Khi khỏi bệnh, việc làm đầu tiên của Shaw là đặt vào tay Sialuta chiếc nhẫn kim cương lóng lánh có trọng lượng nhiều cara và tờ giấy đăng ký kết hôn còn thơm mùi giấy mực.
Cuộc hôn nhân mỹ mãn của họ kéo dài 45 năm, cho đến tận khi Sialuta qua đời. Bà luôn là “cánh tay” đắc lực của Shaw trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Fabian – một học thuyết chính trị được ra đời ở Anh năm 1884, chủ trương thực hiện chủ nghĩa xã hội bằng phương thức hòa bình mà Shaw là một trong những người lên tiếng công khai ủng hộ và tích cực tuyên truyền cho học thuyết này. Thế nhưng, vẫn với bản tính trào lộng, Shaw luôn cố tỏ ra chẳng để ý gì đến việc làm cao cả của người vợ, thậm chí còn “phũ mồm” mà nói rằng: “Tôi chưa bao giờ gặp một người phụ nữ nào nhàm chán như bà”.
18/5/2023
Mai Hiền
Nguồn: ANTG
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...