Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Nhà thơ Hoàng Cầm: Ngoài kia sông Đuống vẫn chảy

Nhà thơ Hoàng Cầm: Ngoài kia
sông Đuống vẫn chảy…

Cái ấn tượng ban đầu về Hoàng Cầm vẫn là những câu thơ đầu trong bài thơ Bên kia sông Đuống bám riết tâm trí tôi thuở nào. Mỗi lần đi công tác xuống Phủ Thuận, đứng ở bên này phà Hồ lại nghe man mác nỗi lòng thi nhân đi kháng chiến nhớ quê. Cái mạch toàn bài, nhớ đã đành, nhưng: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” cứ ngân nga, ngân nga khi tôi trở lại làng Mái – một làng tranh nổi tiếng xứ Bắc nằm bên bờ sông quê thi sĩ Hoàng Cầm.
Gần 70 năm qua, bài thơ Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến và chép tay truyền đọc. Ngay cả thời vượt Trường Sơn chống Mỹ, bài thơ vẫn nằm trong hành trang người chiến sĩ trên những chặng đường hành quân… Vào khoảng năm 1947-1948, bài thơ xuất hiện trên báo Cứu Quốc khổ nhỡ, do nhà nghiên cứu văn học Như Phong và nhà văn Tô Hoài phụ trách. Bao nhiêu tâm sự trào dâng về quê hương ông, về cái làng Lạc Thổ (Thuận Thành) phía bên kia sông Đuống, về các cô gái môi trầu cắn chỉ, về tranh làng Hồ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp… đang bị giặc Pháp giày xéo dưới xuôi kia vẫn không thể làm hoen ố cái hồn dân tộc phập phồng trên nền giấy bản lem nhem, dưới những con chữ mòn vẹt kia. Và nhà thơ Hoàng Cầm đến tận sau này cũng không quên được nhiệt tâm của nhà văn Nguyên Hồng, người đã gửi bài thơ của ông cho báo ngay từ những ngày đầu tiên ấy.
Âm hưởng chủ đạo trong toàn bộ thi phẩm Hoàng Cầm bắt nguồn từ yếu tố nữ tính. Chẳng hiểu có phải ông thừa hưởng từ người Mẹ (vốn là liền chị quan họ) hoặc sự kết nối giữa Cha và Mẹ muộn mằn trong sự ra đời của ông, hay mối tình thời thơ dại với Chị… tạo nên sự khắc khoải nuôi tiếc trong thơ ông dai dẳng như một tiền kiếp định mệnh. Hoặc để dịu lòng những ngày tháng cam go của ngộ nhận lầm lẫn, mà ông đắm vào hoài niệm một không gian đằm thắm quê hương, một thời gian đằng đẵng yêu thương? Phải chăng là thế, khi xứ Kinh Bắc hiện ra an ủi ông, nâng đõ ông với tất cả chiều kích của hội hè đình đám, chùa chiền, lăng tẩm với “Sương Cầu Lim”, “Khói Yên Thế”, với “Trai đời Trần”, “Gái Hậu Lê”, “Nước sông Thương”… và biến dạng từ vô thức tiềm thức của ảo mê trong “Lá diêu bông”, “Cầu bà Sấm”, “Bến cô Mưa”, “Cỏ Bồng Thi”. Cảnh sắc thực và mộng xoắn xuýt hoà trộn được nhuận sắc dưới ánh sáng kỳ ảo như những bức tranh siêu thực mà hồn vía câu chữ đầy áp sắc thái biểu cảm. Khả năng mã hoá ngôn từ của Hoàng Cầm đạt tới mức vi diệu trong dòng chảy – dòng thời gian (nước = âm tính Việt). Ba con sông: Sông Thương, sông Cầu, sông Đuống tạo nên một vùng trù phú màu mỡ phù sa, tấp nập trên bến dưới thuyền, hun đúc tính cách kiên gan của người Việt chống ngoại xâm, một dân tộc hết mực tài hoa phong nhã phóng dọi vào thơ Hoàng Cầm đắm đuối mộng mị là vậy.
Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc – Hoàng Cầm mãi vào tuổi bảy mươi mới có dịp trở lại vùng đất xưa khi chúng tôi thực hiện một bộ phim về ông. Trường đoạn đầu tiên vẫn là những cảnh quay về sông Đuống “xanh xanh bãi mía bờ dâu”, về cái làng Lạc Thổ, quê cha của nhà thơ nằm yên tĩnh cạnh phố Hồ phủ Thuận. Lại nhớ cái đêm nằm cạnh ông – trên quê ông mà không sao ngủ được. Hoàng Cầm lay tôi trở dậy tâm sự, mắt ông đắm vào xa xăm. “Tôi ngờ rằng có lẽ Bên kia sông Đuống chỉ sống được chừng 50 năm nữa vì giá trị lịch sử của nó”. Cũng thật bất ngờ khi ông tự thú như vậy. Tôi hỏi ông: “Sao lại thế nhỉ?”. Khái niệm quê hương bao giờ cũng bền chặt lắm cơ mà!”. Ông bảo: “Quê hương trong bài thơ này gắn bó với những người đi chiến đấu bảo vệ nó, thời thế đã thay đổi, nếu giáo dục không sâu sắc toàn diện thì…”. Hoàng Cầm ngừng lời, và tôi cũng không hỏi thêm ông nhưng vẫn thầm lặng tin rằng: Khi mỗi con người Việt Nam còn có một quê hương để nhớ thì bài thơ Bên kia sông Đuống vẫn còn là ngọn lửa cháy sáng trong tâm trí mỗi ngươi. Im lặng hồi lâu, ông tiếp lời: “Tôi tâm đắc Lá diêu bông hơn. Hạnh phúc là điều khó thực hiện cho đời sống mỗi con người, nhưng có khi trong mất mát lại có cái được đấy, nó buộc ta phải trân trọng gìn giữ, không để tuột mất. Có khi phải đánh đổi cả một đời”. Ngoài kia sông Đuống vẫn chảy, sóng rào rạt vỗ vào chân đê. Mùa này là mùa nước lặng cơ mà. Chắc là gió thổi nhiều, nhất là bên hữu ngạn sông. Và cái Lá diêu bông chập chờn trong giấc ngủ, ảo giác này còn day dứt tôi mãi khi nghĩ về sự nổi nênh của phận người, kiếp người.
***
Yếu tố nữ tính trong thơ Hoàng Cầm (mà ông tự nhận là theo dòng mẫu hệ) chi phối ông cả trong tâm thức lẫn trong hệ lụy đời sống. Những hình ảnh Mẹ – Chị – Em với: Ta ru Em – lớn lên Em đừng tìm Mẹ phía cơn mưa… Em mười hai tuổi tìm theo Chị – qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa… ngày Chị bảo Em quên – Em tơ tưởng sao bắt Em đừng nhớ… Em đừng lớn nữa Chị đừng đi… đậm chất dân gian trong vùng nhớ của Hoàng Cầm da diết đắm say hòa quyện với: áo Hai Bà giăng mắc… tượng Quan Âm má ửng bồ quân… hội Gióng  giong chiêng – bé em về nằm khoanh lòng mẹ – nghe nhìn muôn năm sau xoa nắn đôi bầu vú lửa – sông dài/ cát bỏng/ nắng hồng hoang... đậm màu huyền sử, huyền thoại vừa gần gũi trong khung cảnh, trong không khí diệu huyền và chân thực Kinh Bắc thấm đậm tình người đất Việt vừa mở rộng trường liên tưởng khiến tâm trí khó nắm bắt được trọn vẹn những biểu hiện vô thường của đời sống tâm linh con người, buộc ta phải ngẫm ngợi và suy tưởng miên man về một vùng quê, một vùng văn hóa đằm thắm và sâu xa đến thế! Hoàng Cầm vùng vẫy trong mê giác, ông có khả năng đồng nhất cõi thực – cõi ảo mà ông nguyện đi đến cùng và đó là nghệ thuật. Cho nên, trong đời sống thường ngày ông ngơ ngác là phải. Kiếp thi sĩ là vậy! Hoàng Cầm tự biết và chấp nhận “nghiệp chướng” và để lại dòng thơ đậm cảm thức Kinh Bắc.
Bài viết Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm.
20/3/2022
Nguyễn Thanh Kim
Nguồn: Báo Văn Nghệ số 10/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...