Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Rắn rỏi như Voltaire

Rắn rỏi như Voltaire

Đại văn hào Pháp Voltaire (1694-1778) được xem là một nhà “bách khoa toàn thư” của nước Pháp thế kỷ XVIII. Ngoài tài năng sáng tác, ông còn nổi tiếng là người hóm hỉnh, thông minh trong đối đáp và thẳng thắn, dũng cảm trong hành xử với nhiều giai thoại được hậu thế truyền tụng từ mấy trăm năm nay.
Năm Voltaire 21 tuổi, ông từng bị tống giam vào ngục Bastille chỉ vì đã có câu nói châm trích một quan phụ chính của vua Louis XV. Khi vị này quyết định bán đi một nửa số ngựa trong các chuồng ngựa của hoàng gia với lý do tiết kiệm, Voltaire đã mỉa mai: “Giá như loại đi một nửa số con… lừa trong triều đình thì có lợi hơn”.
Câu bình luận đến tai viên quan phụ chính. Ông ta phẫn nộ cho gọi Voltaire đến và dọa sẽ cho ông tận mắt được thấy một thứ mà ông chưa trông thấy bao giờ. “Cái gì vậy, thưa ngài?” –  Voltaire hỏi. “Đó là mặt bên trong của ngục Bastille”. Voltaire bị đưa vào giam ở ngục Bastille. Tại đây, ông quyết trở thành thi sĩ và dành nhiều thời gian cho việc sáng tác thơ. Một thời gian sau, thấy ông vô hại, viên quan phụ chính quyết định phóng thích nhà thơ trẻ và hào phóng cấp cho ông tiền tiêu hằng tháng. Được tin trên, Voltaire đã viết thư cảm ơn viên quan phụ chính. Ông hóm hỉnh cho biết, ông xin nhận số tiền phụ cấp để ăn, còn vấn đề “chỗ ở” thì xin để ông được tự… lo liệu.
Voltaire là người rất trọng danh dự. Vì không thuộc tầng lớp quý tộc nên từng có lúc ông bị khinh khi. Một lần, trong bữa tiệc, khi mọi người đang nghe ông thao thao kể chuyện thì một nhà quý tộc tên gọi De Rohan hất hàm hỏi: “Thằng nào đang lớn tiếng vậy?”. Voltaire phản ứng lại ngay: “Thưa ngài, nó là một thằng không mang danh quý tộc”. Vị quý tộc nọ đùng đùng nổi giận. Trở về, ông ta thuê côn đồ tới hành hung Voltaire, khiến ông bị thương tích. Voltaire khảng khái tìm gặp bằng được vị quý tộc nọ, yêu cầu ông ta đấu… gươm. Vị quý tộc không dám, còn nhờ người anh trai phụ trách an ninh bố trí quân bảo vệ mình. Để an toàn cho vị quý tộc, người anh kiếm cớ nhốt Voltaire vào ngục Bastille. Sau đó ông bị đẩy sang sống tại Anh.
Sinh thời, Voltaire từng có tình bạn khăng khít nhiều năm với Hoàng đế Friedrich II của nước Phổ (tức nước Đức ngày nay). Hai người thường say mê đàm đạo với nhau bằng tiếng Pháp về tất cả các lĩnh vực triết học, văn chương, chính trị… Tình bạn giữa họ chỉ bị rạn nứt kể từ lần Voltaire đầu tư tiền vào các chứng phiếu Saxon, là điều bị Hoàng đế Friedrich nghiêm cấm. Voltaire thắng đậm và chuyện lọt đến tai hoàng đế. Friedrich rất giận. Hoàng đế thốt lên với những người hầu cận: “Tôi chỉ cần nó thêm một năm nữa. Vắt chanh xong, tôi sẽ bỏ vỏ”. Vonltaire biết chuyện, rất buồn. Ông còn tiếp tục mâu thuẫn với người bạn – hoàng đế của mình khi bênh vực một nhân vật mà hoàng đế không ưa, thậm chí còn viết bài công kích một người mà Hoàng đế Friedrich công khai ủng hộ. Vì việc này mà Voltaire phải bỏ đến sống ở Frankfurt (một thành phố của Đức), khi ấy không nằm trong sự cai quản của Hoàng đế Friedrich II.
Những ngày cuối đời, Voltaire trở về sống ở Paris (Pháp). Khi ông ốm nặng nằm liệt giường, hai chân bị phù, miệng thổ huyết, nhiều người hay tin đã đến thăm ông. Các giáo sĩ Cơ đốc cũng kéo đến, định bụng thuyết phục Voltaire xưng tội. Họ lo, nếu ông không làm vậy thì ngộ nhỡ có mệnh hệ nào, thi thể ông sẽ bị các nhà thờ từ chối chôn cất (Voltaire từng bị trừng phạt vì có quan điểm trái ngược với nhà thờ). Một tu sĩ có kinh nghiệm được cắt cử để thuyết phục Voltaire. Cực chẳng đã, Voltaire viết mấy dòng, đại thể là ông sinh ra trong đạo Cơ đốc và muốn chết trong đạo Cơ đốc, rằng ông xin lỗi Thượng đế và nhà thờ. Sau khi đọc những dòng trên, vị tu sĩ cảm thấy băn khoăn, muốn Voltaire nói “rõ” hơn sự ăn năn hối lỗi của mình. Voltaire bực bội xua tay: “Thưa ngài tu sĩ. Ngài nên chú ý là tôi đang bị ho ra máu đấy. Hãy đề phòng đừng để máu của Chúa lẫn vào máu của tôi”. Vị tu sĩ nghe vậy, biết Voltaire vẫn không chịu thay đổi quan điểm nên chỉ còn cách ra về.
Quả như các vị tu sĩ tiên lượng, sau khi Voltaire mất, các thánh đường ở Paris khước từ việc làm lễ và cấp đất để chôn cất ông. Bạn bè, người thân phải đưa thi hài ông lên xe – như thể một người đang sống – ra khỏi Thủ đô Paris. Tại Scellières họ mới gặp một linh mục đồng ý cho an táng Voltaire trên đất nhà thờ. Mãi 13 năm sau (năm 1791), Quốc hội Pháp mới đi đến quyết định đồng ý đưa hài cốt của nhà đại văn hào vào an táng tại Điện Panthéon, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của một số danh nhân có công lớn với nước Pháp. Đã có hơn nửa triệu người tham gia buổi lễ trọng thể này.
29/5/2023
Đỗ Gia Bảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...