Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Thanh Vân - Người mê dịch sách

Thanh Vân - Người mê dịch sách

Đến bây giờ Thanh Vân đã dịch được một khối lượng đồ sộ: khoảng 80 cuốn sách đã in ở rất nhiều nhà xuất bản. Mỗi cuốn dịch là một dòng cảm xúc khác của người dịch.
Bệnh tật mà vẫn đùa vui.
Trong sáu năm điều trị ung thư, chị Thanh Vân đã dịch được thêm năm cuốn sách, thậm chí trong đó còn có cả một bộ tiểu thuyết dày, những… ba tập.
Thư từ thăm hỏi từ xa, tôi thường cố tránh nói chuyện bệnh tật của chị, nhưng cũng có lúc không kìm được mà hỏi: Đau lắm phải không chị, có phải uống thuốc giảm đau chưa? Chị bảo đau lắm, nhưng chị cố gắng chưa dùng thuốc giảm đau. Rồi chị kể, vào bệnh viện, bệnh nhân đều trọc lốc đầu nhìn nhau, vui lắm.
Vui lắm. Một người bạn thân của chị là nhà văn Tô Hải Vân, bạn từ thời phổ thông hơn nửa thế kỷ trước, bạn ấy cũng đang điều trị ung thư. Anh Tô Hải Vân kể chuyện gặp chị Thanh Vân “cả hai đứa đều ung thư mà cứ gặp nhau là cười đùa toe toét”.
Ôi, nghị lực sống của những ông bà bệnh trọng. Đấy là những người trải qua bệnh tật với nghị lực lớn và tinh thần lạc quan bền bỉ.
Giữa hai đợt phải vào nội trú bệnh viện, chị Thanh Vân lại khoe tôi bộ tiểu thuyết trinh thám ba tập về thung lũng Baztán của Dolores Redondo chị đã dịch xong toàn bộ, nhà xuất bản Phụ Nữ vừa cho ra tập đầu là Vệ sĩ vô hình. Thân thể đau đớn, nhưng hễ được ra khỏi viện về đến nhà là lại cặm cụi dịch tiếp. Bao nhiêu cuốn sách hay vẫn đang chờ chị trên mặt bàn kia.
Mà không chỉ dịch đâu, chị còn là người chịu khó đọc. Sách bạn bè mới ấn hành là chị ra ngay phố sách Đinh Lễ, mua ngay, đọc ngay. Tôi nhiều lần ngạc nhiên khi thấy chị khoe đã đọc những cuốn sách vừa mới ra mà chưa mấy người kịp đọc.
Cầu toàn cho từng trang
Năm 2002, nhà xuất bản Phụ Nữ cho ra cuốn tiểu thuyết Ruồng bỏ của J. M. Coetzee, tên người dịch thì còn hơi lạ: Thanh Vân. Ở Hội Nhà văn Hà Nội, chúng tôi hào hứng đọc và còn đưa bản dịch vào diện để thảo luận hàng năm. Tôi hỏi các chị ở nhà xuất bản Phụ Nữ, biết được điện thoại của người dịch. Thế là một buổi sáng se lạnh, tôi tìm đến tòa soạn báo Đầu tư và gặp được chị. Trước đó, tôi còn nhớ chính chị là người dịch tiểu thuyết Chúa trời của những điều vụn vặt mà tôi rất mê.
Nhân đây thì nhớ hồi ấy nhà xuất bản Phụ Nữ được ghi nhận là sớm cho ra được những cuốn sách văn chương hàng đầu. Tiểu thuyết The God of Small Things của Arundhati Royđoạt giải Booker 1997 thì hai năm sau nhà Phụ Nữ đã cho in bản dịch của chị Thanh Vân. Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel năm 2000 thì chỉ một năm sau bản dịch tiểu thuyết Linh Sơn của Trần Đĩnh cũng được in ở Phụ Nữ. Đến cuốn Ruồng bỏ thì Phụ Nữ còn đi trước, bản dịch được in ra ở Việt Nam rồi, một năm sau tác giả Coetzee mới đoạt giải Nobel văn chương.
Như thế chị Thanh Vân với tôi mới quen mà đã có nhiều chuyện để nói. Tôi nói với chị, tên tiểu thuyết là Disgrace, sang tiếng Việt nó là Bẽ bàng, Hổ thẹn vân vân thì gần với ý tưởng tác giả hơn, nhưng dịch là Ruồng bỏ cũng hợp với nội dung cuốn sách. Nữa, The God of Small Things nên dịch sát hơn là Trùm chuyện vặt, vì trong ấy có nhân vật được coi như là chúa trùm đầu têu ra những điều vặt vãnh, chứ chẳng có “Chúa trời” nào ở đây cả. Về ngữ pháp, Chúa trời phải là God cơ, không phải là The God. Chị Vân xuýt xoa: Giá mà mình nghe được ý kiến của bạn từ trước khi sách in ra thì hay biết bao nhiêu.
Có lần Thanh Vân đưa tôi đọc bản thảo một cuốn chị mới dịch. Tôi biên tập kỹ càng, đánh dấu tỉ mỉ vào những chỗ nên chỉnh sửa. Có một chỗ, từ tượng thanh, tiếng của cái chai nhựa rơi từ mõm con cá voi xuống đất, nhưng chị Vân lại dùng từ “pinh”. Thế là tôi kêu lên trong thư điện tử: Chị quên tiếng Việt à?
Lâu lâu sau chị Vân có lần nhắc lại câu này của tôi, bảo: Nặng lời thế mà khiến mình nhớ và cẩn thận hơn đấy.
Nỗi niềm những trang sách
Thỉnh thoảng tôi lại đến thăm nhà chị Vân, ở chân một cái dốc trong ngõ trên đê Trần Khát Chân, Hà Nội. Đi qua một khoảnh vườn và cái sân chung của mấy anh chị em. Người chồng sau của chị mất đã lâu, chị một mình cặm cụi với cái máy tính trong căn nhà nhỏ. Không con cái nhưng chị đã có em gái là chị Liên cùng các cháu lui tới, đám con cháu của các anh chị em cùng sống trong một khuôn viên gia đình.
Tuổi Tuất, sinh năm 1946, chị kể mãi đến năm ba mươi tám tuổi chị mới đi học tiếng Anh. Bắt đầu một ngoại ngữ ở trên tuổi ba mươi lăm bị coi là muộn, với bất cứ ai, mặc dù việc học hành không bao giờ là quá muộn. Chị nhớ lớp học ở Trung tâm Ngoại ngữ 33 Nhà Chung hồi ấy toàn là thanh niên, chỉ có vài ba “ông bà” tuổi “băm” như thế. Có bạn thanh niên hỏi đùa: Cô học để về hưu à? Chứng tỏ các bạn ấy nhìn chị đã thấy cứng tuổi lắm.
Chị mê ngoại ngữ, thèm học ngoại ngữ, nhưng lúc ít tuổi thì triền miên đi công tác, lên rừng xuống biển, công việc ở công ty Rau quả trung ương cũng không đòi hỏi ngoại ngữ. Nhưng niềm say mê ngoại ngữ dẫn đến quyết tâm, vừa đến lớp vừa tự học (hồi ấy chưa có đài, chẳng có ti vi…), vừa nghe đài tiếng Anh vừa cày hết mấy cuốn giáo trình nước ngoài photocopy lem nhem. Rồi thì mấy truyện dịch đầu tiên trong cuốn Trên những nẻo đường cổ tích của Oscar Wilde được in ra. Sướng lắm. So từng trang in với bản thảo xem nhà xuất bản sửa chữa những gì. Đấy cũng là một cách học.
Đến bây giờ Thanh Vân đã dịch được một khối lượng đồ sộ: khoảng 80 cuốn sách đã in ở rất nhiều nhà xuất bản. Mỗi cuốn dịch là một dòng cảm xúc khác của người dịch. Có cuốn thì gắn với những kỷ niệm riêng. Chẳng hạn có người đọc bản dịch Hồi ức của một geisha và nhận xét: “Nỗi buồn trải dài trên từng trang sách”. Như vậy là người đọc và người dịch có sự giao cảm hòa điệu: chị dịch cuốn ấy khi chồng chị vừa mới mất.
Cái thích của dịch giả có khi cũng ám vào tác phẩm, chẳng hạn ở bản dịch Những cây cầu quận Madison, người đọc sẽ nhận ra điểm nhấn tâm đắc của người dịch là ở cách suy ngẫm của nhân vật Robert Kincaid về sự đời, chứ không phải là mối tình trong ấy.
Nhưng trong mấy cuốn sách Thanh Vân dịch khi đang điều trị bệnh, tất nhiên người đọc khó mà nhận thấy những cơn đau ám vào trang sách. Người dịch đã che khuất đi những nỗi niềm riêng tư.
Bìa cuốn “Họ trở thành nhân vật của tôi” của Hồ Anh Thái
Trang văn mở ra
Bài tôi viết ngày 13.1.2018 khi đang ở Jakarta. Trở về Hà Nội, đầu năm 2019 tôi còn đến thăm chị ở sâu trong ngõ Trần Khát Chân. Anh Tô Hải Vân bạn chị và là người đồng bệnh đã ra từ vài tháng trước. Rồi sau đó một năm, dịch cúm Vũ Hán ập đến. Trong thời kỳ Hà Nội thực hiện cách ly, phố phường không bóng người, thì chị Thanh Vân ra đi, ngày 3.4.2020. Bạn bè chỉ biết báo tin cho nhau mà không ai được ra khỏi nhà.
Vài tháng sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại, người gọi xưng tên là Liên, em gái chị Đinh Thanh Vân. Chị Vân trước khi mất có dặn gửi cuốn sách cuối cùng cho bạn bè và người thân ở Hà Nội Sài Gòn và nhiều nơi khác. Chị Liên tìm được trong điện thoại chị Vân số điện thoại của tôi. Sau đó chị gửi cho tôi cuốn tiểu thuyết Người vệ tinh của Hans Olav Lahlum vừa mới ra.
Thanh Vân không kịp nhìn thấy cuốn sách dịch cuối cùng của mình. Một cuộc đời khép lại nhưng trang văn vẫn mở ra.
8/8/2024
Hồ Anh Thái
Theo 
https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...