Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Chín tháng mười ngày

Chín tháng mười ngày

Tôi tròn năm tuần tuổi, mẹ tôi mới biết mình có thai. Đang đêm, mẹ tôi hốt hoảng đến nhà người đàn ông, người mà mẹ đã ăn nằm từ bấy lâu nay. Mẹ gõ năm tiếng rời rạc vào cửa làm ám hiệu, mất ba lần điện trong nhà mới bật sáng.
Cửa mở, mẹ lách vào thoảng thốt:
– Chết rồi anh ơi, em có thai!
– Có thai! – Người đàn ông bực tức – sao những tháng trước không mà tháng này lại có?
– Em làm sao biết được, anh sẽ cưới em chứ?
– Hừ, rách việc thật! Hay là nạo thai đi?
– Không, anh phải cưới em, nếu không…
– Nếu không, cô sẽ bảo anh trai, bảo cháu cô bắt tôi chứ gì?
Cuộc đấu khẩu xem chừng đến hồi căng thẳng, bao giờ cũng vậy, khi người đàn ông nổi nóng, chửi bới là mẹ lại nem nép, mẹ nắm bàn tay người đàn ông đặt vào bầu vú căng cứng. Thật là đê tiện, vừa mắng mẹ tôi sa xả thế mà người đàn ông đã bế thốc mẹ lên giường làm tình. Gần sáng mẹ tôi mới ra về. Đường làng vắng ngắt. Về đến cổng, mẹ tôi xắn quần lội men bờ ao đi vào, đến một gốc cây, mẹ cúi xuống lấy đôi dép, lại cầu ao rửa chân rồi rón rén vào buồng ông ngoại. “Tiên sư chúng mày!”, mẹ tôi giật nảy mình, nín thở. Thì ra là tiếng nói mơ của ông ngoại chửi ai đó. Mẹ lần lần bức tường, đến khi đặt mình xuống giường mới dám thở. Mẹ khóc không thành tiếng vì sợ hãi, vì sợ giường trên kia ông ngoại nghe thấy. Những ngày sau đó, cách một đêm mẹ tôi lại mò đến nhà người đàn ông, lại làm tình, lại van xin rồi lại len lén ra về. Cho đến khi mẹ biết được tin người đàn ông đã bán nhà, đi mất khỏi làng, mẹ tối sầm mặt mũi, ngã chúi cả vào chuồng lợn. Mẹ quá khờ dại không hiểu được một lẽ đơn giản, người đàn ông đó tuy đã có một đời vợ nhưng vẫn còn cường tráng và đẹp trai, còn mẹ vừa là gái lỡ thì lại vừa xấu. Mẹ khờ dại vì biết người đàn ông đó đã lừa gạt bao phụ nữ có chồng và chưa chồng ở làng để làm tình, làm tiền thế mà mẹ vẫn rơi vào cạm bẫy vì những lời hứa ngon hứa ngọt; vì mẹ nghĩ rằng anh mình thế, cháu mình thế, sao dám lừa mình! Mẹ bị lừa, mười phần rõ mười. Thế mà thương thay cho mẹ tôi, mẹ vẫn le lói hy vọng một ngày nào đó hết tiền, người đàn ông sẽ quay về và để che giấu mọi người, ban ngày mẹ lấy xăm xe đạp quấn quanh bụng. Tôi thương mẹ song cũng rất giận mẹ, mỗi lần mẹ quấn bụng, tôi ngạt thở, tôi đau đớn như sắp nổ tung ra thành từng mảnh. May sao bác dâu cả đã phát hiện ra cái bụng của mẹ tôi và vô tình cứu tôi thoát khỏi những cơn đau. Bác dâu nghi ngờ, theo dõi, đợi đúng lúc mẹ đang tắm, bác đẩy cửa nhà tắm xông vào. Nhìn thấy cái bụng của mẹ lùm lùm, hai bầu vú to căng như hai quả bưởi, bác chạy vào nhà ú ớ mãi mới nói được cho chồng cái tin kinh hoàng. Bác cả bắt vợ ra bảo mẹ tôi mặc ngay quần áo vào. Mẹ sợ run lên, lập cập mặc quần áo đi ra. Bác cả rít lên chỉ đủ cho bác, cho vợ, cho mẹ tôi nghe thấy:
– Con đĩ! Mày làm ô danh đến gia đình tao! Bác túm tóc lôi mẹ tôi vào buồng khoá trái cửa lại. Ở làng này, kể cả thời phong kiến chưa từng có một người đàn bà, con gái nào chửa hoang thế mà em gái mình, con một gia đình danh giá nhất làng lại không chồng mà chửa! Bác cả đi đi lại lại, đau đớn như thể vừa mất đi tiền trăm tỷ Nhục nhã, nhục nhã! Bác phẫn uất như thể phải chui qua háng bà béo bán thịt ngoài chợ làng. Bác cả thở hổn hển, hai tay ôm ngực. Vợ bác sợ chồng lên cơn đau tim, rón rén đi lại nói với bác gọi điện cho người em ruột – người mà cả nhà thường gọi là bác trẻ, xem bác trẻ giải quyết như thế nào! Bác cả ủ rũ đến bên máy điện thoại để bàn gọi di động cho bác trẻ, chỉ thấy tiếng chuông đổ mà không nghe thấy tiếng trả lời. Lúc ấy bác trẻ đang chủ trì hội nghị gì đó có liên quan đến quyền lợi và sức khoẻ bà mẹ và trẻ em nên không thể nghe máy. Thành ra mãi đến lúc hội nghị kết thúc bác trẻ mới mở máy, thấy hiện lên số ở nhà, bác bấm máy gọi về. Bác cả kể lại sự việc. Bác trẻ giận dữ văng “chim cò” ra ầm ầm. Nửa tiếng sau, chiếc xe hơi màu sữa quen thuộc đã đưa bác trẻ trở về. Bác trẻ hầm hầm đi vào, nếu không có ông ngoại ở gian trái, hẳn bác đã mắng té tát vào mặt bác cả. Bác trẻ nghiến răng:
– Khốn nạn, bác canh giữ nó thế nào mà để xảy ra cơ sự này? Chuyện mà vỡ lở ra, chúng nó sẽ nhân cơ hội này tung tin ầm lên ở làng, ở huyện, ở tỉnh. Bố dễ chừng đứt mạch máu não mà chết. Còn tôi cái ghế phó chủ tịch tỉnh khoá tới chắc chắn cũng bay, nếu thế thằng cả nhà bác cũng quay về theo đít trâu chứ làm sao ngoi lên được chủ tịch xã! Bác cả vò đầu bứt tai, luôn miệng: “Trăm sự tôi trông cậy vào chú!”. Vợ bác nem nép nhìn chồng, nhìn bác trẻ. Bác cả mở khoá, bác trẻ đi vào chỉ vào mặt mẹ tôi:
– Con kia, mày chửa với thằng nào?
Mẹ tôi im lặng.
– Mày còn không mở miệng ra à? Ông thì đâm một nhát cho mày chết quách đi bây giờ! – Bác cả tát vào mặt mẹ.
Mẹ khai ra. Bác cả đấm thùm thụp vào ngực mình:
– Nhục nhã chưa, tưởng ai chứ lại đĩ thõa với thằng ấy à?
Bác trẻ ra lệnh:
– Bắt nó cưới ngay. Nếu không bảo thằng cả nhà bác cho công an xã gô cổ nó lại!
– Nó trốn mất rồi anh ạ! – Mẹ tôi thổn thức.
Mọi người đứng nghệt mặt ra. Bác cả hỏi bác trẻ giải quyết thế nào? Bác trẻ cười chua chát:
– Còn thế nào nữa, phá thai ngay!
– Vâng tôi nghe chú, ngày mai tôi sẽ đưa nó lên bệnh viện tỉnh.
– Bác điên à! Lên đấy lỡ có ai quen biết trông thấy thì khốn nạn, phải lên Hà Nội mà giải quyết! Bác trẻ nói xong rút cặp lấy ra một xấp tiền năm mươi ngàn đưa cho bác cả, bắt sáng mai phải đưa mẹ tôi lên Hà Nội phá thai. Mẹ quỳ xuống van xin hai người anh của mình để mẹ giữ thai lại, kiếm một đứa con nương tựa về già. Nếu sợ ông ngoại, sợ dân làng biết được mẹ sẽ đi biệt tăm khỏi làng, đến một nơi nào đó thật xa xôi để sinh sống. Bác trẻ kiên quyết bắt mẹ phải đi phá thai, bác bảo mẹ hàng ngày là người gần gũi chăm sóc ông ngoại, ở nhà này ông ngoại cũng là người yêu quí mẹ nhất, không có mẹ chăm sóc ông ngoại, sức khoẻ của ông sẽ bị suy sụp. Ông cũng là con người nho giáo, nếu biết mẹ hoang thai, ông bị sốc, nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ còn năm tháng nữa là thượng thọ ông chín lăm tuổi. Cuộc đời ông chạm vào được con số chín lăm, ông trở thành người thọ nhất làng từ xưa đến nay, đó là phúc đức của gia đình, của dòng họ. Thượng thọ ông đã được chuẩn bị từ bây giờ, hàng chục ô tô, hàng trăm quan khách trong cả tỉnh sẽ về làng chúc mừng. Ba thợ ảnh thi nhau bấm máy, hai thợ quay camera sẽ kết hợp quay hẳn một bộ phim có lồng nhạc. Bác trẻ còn bảo, tiền bạc bác chẳng cần, họ có mừng bác cũng trả lại để giữ tiếng là liêm khiết. Cái bác cần là con cháu, họ hàng được mở mày mở mặt với thiên hạ và để cái đám họ Trần đỡ vênh váo vì có nhiều người đỗ đạt, làm việc ở các bộ trên Hà Nội. Và điều quan trọng nhất, thượng thọ ông ngoại sẽ là đợt tập dượt để chạy đua chức Phó chủ tịch tỉnh. Giọt ngắn, giọt dài, nước mắt mẹ tôi chan chan đầy mặt:
– Hai anh ơi, con em đã được bốn tháng rồi, phá thai là giết người, là thất đức!
– Thất với bát cũng không bằng danh giá. Mày có giỏi thì giết bố, giết cả nhà đi rồi hẵng đẻ – Bác trẻ chì chiết.
– Con kia, anh ấy đã bảo, hàng ngàn người còn phải nghe, mày lại dám cãi lại à? – Bác cả nói, khuôn mặt đỏ gay lấm chấm đầy mồ hôi. Mẹ không van xin nữa, im lặng nghe đủ điều răn dạy của hai người anh. Bỗng nhiên đôi mắt mẹ tôi ánh lên một điều gì đó bí hiểm và hy vọng. Mẹ vào buồng lấy xăm xe đạp buộc bụng theo yêu cầu của mọi người, lại mặc cái áo thùng thình che bụng. Người tôi bị chèn ép, tôi oằn oại trong đau đớn. Mẹ tôi được bác cả và bác trẻ áp tải vào phòng ông ngoại. Ông ngoại không còn tự đi được, mỗi khi đi phải có người dìu bên cạnh. Hàng ngày ông thường ngồi, thường nằm trên chiếc ghế, chiếc giường da đệm nước đặc biệt mà bác trẻ mua tận bên Nhật về với giá gần năm mươi triệu đồng để chống cho thịt ông khỏi bị thối. Ông ngoại bị nghễnh ngãng nặng, bác trẻ ghé sát mồm vào tai ông nói to:
– Con xin ghép bố cho con Hảo lên tỉnh chăm vợ con ít ngày, vợ con bị đau chân phải nằm ở viện!
– Hả? Vợ mày bị ai kiện? – Ông ngoại mở to đôi mắt mờ đục nhìn bác trẻ với vẻ lo lắng. Bác trẻ nói to hơn, lại lấy tay làm ám hiệu, ông ngoại đã hiểu ra, gật đầu dặn dò mẹ tôi gắng chăm sóc cho chị dâu nhanh khỏi bệnh, ở nhà đã có vợ chồng bác cả và các cháu trông nom ông. Mắt ông ngoại mờ, tai ông ngoại nghễnh ngãng nhưng được cái đầu óc ông chưa lú lẫn. Bốn giờ sáng hôm sau, bác cả và mẹ được người con cả của bác đèo bằng xe máy lên bến xe tỉnh. Tới Hà Nội, hai người thuê xe ôm đến bệnh viện Phụ sản. Một người đàn bà to béo, da đen, tóc quăn vàng hoe đi ra từ hàng nước, hỏi bác cả:
– Bác đưa chị đây đi nạo thai à?
Bác cả gật đầu. Người đàn bà bảo để bà dẫn đến nhà tư của một bác sĩ nổi tiếng, ở đây vừa nhanh lại vừa kín đáo không ai biết. Nghe đến chuyện kín đáo, bác cả đồng ý ngay. Người đàn bà dẫn bác cả và mẹ tôi vào cái ngõ nhỏ ngoằn ngoèo nơi có ngôi nhà ba tầng treo tấm biển: “Chuyên gia sản, từng tu nghiệp tại Pháp”. Người đàn bà bấm chuông, một đứa bé ra mở cổng. Nhìn thấy người đàn bà, đứa bé hỏi: “Sộp hay không sộp?”. Người đàn bà bảo: “Yên tâm, hôm nay tao sẽ trả công mở cổng cho mày đủ tiền chơi điện tử cả ngày”. “Ok!”, đứa trẻ hân hoan. Người đàn bà lên tầng hai, lúc sau xuống nói với bác cả:
– Bác sĩ rất đông khách nhưng vì nể cháu là chỗ thân quen nên nhận lời. Bác đưa ba triệu để cháu mang lên cho bác sĩ.
Bác cả kêu đắt quá. Người đàn bà giải thích vì cái thai đã bốn tháng, vả lại đây là bác sĩ học ở bên Tây về! Thấy bác cả vẫn còn lưỡng lự, sợ mất một món hời, người đàn bà hạ giá:
– Thôi, thông cảm bác ở quê, đưa cháu hai triệu rưỡi cũng được! Mà bác cũng đừng chi li quá, ở bệnh viện tuy có rẻ hơn một tí nhưng không có phong bao lót tay, bác sĩ họ làm ẩu, phải nạo mấy lần còn tốn hơn mà lại hại sức khoẻ! Quả nhiên lời đe doạ của người đàn bà có hiệu lực, bác cả rút tiền ra đếm, đưa cho người đàn bà đủ hai triệu rưỡi. Người đàn bà lên tầng trên, đưa cho ông bác sĩ triệu rưỡi. Bấy giờ mẹ tôi mới được dẫn lên tầng hai, còn bác cả ngồi chờ ở dưới. Mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế băng ở ngoài cửa phòng, mặt ghế nhẵn thín, có để mấy tờ báo nan nát. Bên cạnh sẵn có hai người đang chờ đến lượt mình. Một người phụ nữ trạc tuổi mẹ tôi, có khuôn mặt trái xoan xinh đẹp. Chồng cô là tiến sĩ địa chất, thường xuyên đi công tác xa nhà, mỗi lần về chỉ thấy mang theo những mẫu quặng, mẫu đá mà chẳng thêm được đồng nào ngoài một triệu rưỡi tiền lương, bớt một nửa cho những chuyến đi. Cô ngoại tình với một người đàn ông làm giám đốc công ty xây dựng. Dân máu mặt ở thành phố thường xì xầm, có đêm ông giám đốc say bạc, đánh mất hơn hai tỉ đồng, thế mà ông bảo “chuyện vặt”. Mặc dù đã uống thuốc tránh hai nhưng cô vẫn bị dính, dẫu sao đứa con của cô mới chỉ hai tuần tuổi. Chỉ cần hút điều hoà một lúc là có thể trút bỏ được sự cố ngoài mong muốn của cô. Ngồi cạnh cô là một cô bé đang học lớp mười, nhà cô bé cho thuê băng đĩa sex lậu, cô bé lén mở xem rồi rủ bạn trai cùng lớp làm tình. Đứa con cô bé đã năm tháng, bác sĩ bắt mẹ cô bé phải ký vào bản cam đoan và nộp năm triệu. Cô bé ngước đôi mắt trong veo nhìn mẹ tôi, mồm tóp tép nhai kẹo cao su. Tôi vô cùng sợ hãi, mẹ mới chỉ buộc bụng mà tôi đã đau đớn khủng khiếp, huống chi họ sẽ dùng dao, kéo, kẹp để huỷ hoại cuộc đời tôi. Tôi oán giận bác cả, bác trẻ, người đàn ông sinh ra tôi, ông bác sĩ và cả mẹ tôi nữa. Giá trị cao cả nhất của con người là sự công bằng; con người dù già hay trẻ, dù đàn ông hay đàn bà đều có quyền được sống, quyền được chết theo lẽ tự nhiên. Tại sao họ là người mà được quyền sống? Còn tôi, tôi cũng là một con người, hơn nữa lại là một con người vô tội nhưng tôi lại không được sống để một ngày nào đó bước vào cõi nhân gian ngoài kia xem nó thế nào mà lắm bất công đến thế! Chợt tôi nhớ về ông ngoại, nhớ về những lời mà ông hay nói với mẹ tôi, ông bảo con người ta trước hết phải biết thương lấy mình thì mới biết thương đến người khác; phải biết tự cứu lấy mình trước chứ đừng nên chỉ trông đợi vào sự cứu giúp của kẻ khác. Tôi nghiệm thấy lời ông dạy rất đúng, tôi cũng phải tự cứu lấy mình thôi, tôi dùng đôi chân bé nhỏ, yếu ớt của mình đạp thật lực, mẹ tôi ôm bụng quằn quại. Tiếng rên xiết của mẹ tôi bị át đi bởi tiếng rên rỉ đau đớn của người đàn bà đang hút điều hoà. Mẹ tôi đứng vụt dậy, đi nhanh xuống tầng dưới, nói bác cả lên để ký vào giấy cam đoan. Bác cả lập cập chạy lên, mẹ tôi đi nhanh ra khỏi cổng, trèo lên chiếc xe ôm, bảo phóng thẳng ra bến xe. Tới nơi, mẹ sực nhớ trong tay mình không có một đồng nào, mẹ xin gã xe ôm, gã chửi mẹ tôi là con đĩ, đã bị Sở Khanh lừa không biết nhục lại còn đi lừa gã! Khi biết mẹ đã chạy xa khỏi cái nơi giết người ấy, tôi ngừng đạp, thở phào vì thoát chết. Mẹ đi bộ quay vào trung tâm thành phố. Cái nắng gay gắt của mùa hè quyện với mùi khói thải của ô tô, xe máy làm mẹ tôi mệt mỏi và nôn nao. Chốc chốc mẹ lại ngồi xuống oẹ khan mấy cái. Gần trưa, mẹ tôi đói, chân tay run rẩy. Nhìn thấy một quán cơm bình dân ven đường, mẹ tiến về phía quán cơm, một người đàn bà đon đả mời chào. Mẹ đắn đo một lúc, nói thật với người đàn bà về tình cảnh của mình hòng kiếm chút cơm thừa, canh cặn, người đàn bà cau mặt, nhếch cặp môi đỏ chót son:
– Con đĩ, bà mày chưa mở hàng, xéo!
Người đàn bà quay vào đốt tờ giấy báo hơ hơ lên đám thức ăn rồi lại hơ qua háng đốt vía. Mẹ tôi tiếp tục lê từng bước chân trên vỉa hè. Dưới lòng đường, người và xe nườm nượp như đi trẩy hội. Mẹ đi vào gốc cây chỉ định ngồi nghỉ một tí cho đỡ mệt, nào ngờ mệt quá gục đầu vào thân cây ngủ thiếp đi. Một gã nghiện hút lượn đến, sờ nắn túi áo mẹ tôi, không kiếm được đồng nào, gã nhặt đôi dép nhựa của mẹ, ngáp ngáp mấy cái rồi khật khưỡng bỏ đi. Hai giờ chiều mẹ tôi mới tỉnh. Cái đói lại trỗi dậy, thêm cả khát nữa, mẹ tôi nghĩ có lẽ đi vào trong ngõ, nhà nghèo họ hay thương người hơn. Mẹ đi, chân muốn quỵ xuống, mẹ cố nhưng mắt đã bắt đầu hoa, mẹ bám vào cánh cổng sắt của một ngôi nhà, từ từ ngồi bệt xuống đất. May sao có một bà lão từ trong nhà đi ra, thấy mẹ tôi, bà mở cổng dìu mẹ vào nhà. Mẹ thều thào kêu đói, bà sai đứa cháu gái cầm bát ra phố mua một bát cháo. Ngửi thấy mùi cháo, mẹ tôi đã tỉnh lại, ăn xong mẹ tôi thòm thèm muốn ăn nữa nhưng bà không cho, bà sợ mẹ tôi bị đói khát lâu ngày, ăn nhiều sẽ bội thực. Mẹ tôi kể hết cho bà nghe về gia đình, về bản thân mình. Bà nhìn mẹ tôi đầy cám cảnh. Bà lấy tiền từ túi áo nói với mẹ tôi:
– Bà cho cháu mấy chục mua vé về quê. Cháu cố thuyết phục gia đình giữ đứa con lại mà nuôi để nhờ cậy về già.
– Bà ơi, cháu về, các anh cháu sẽ lại bắt cháu đi phá thai, bà ơi cứu cháu với! – Mẹ tôi khóc nức nở, vừa khóc vừa quỳ sụp xuống chân bà van lạy.
Bà thở dài, vỗ vỗ vào vai mẹ tôi:
– Nín đi, nín đi, ở lại với bà, bao giờ mẹ tròn con vuông, về quê cũng được.
Sung sướng như một đứa trẻ con thấy mẹ đi chợ về, mẹ tôi ôm chầm lấy bà, miệng rối rít nói lời ơn huệ. Từ hôm đó mẹ tôi ở lại nhà bà. Nhà bà rộng, ba tầng, năm phòng, bà dành hẳn cho mẹ tôi một phòng. Chồng bà chết vì bị ung thư khi bà hai mươi chín tuổi, bà ở vậy nuôi người con trai duy nhất. Vợ chồng người con đang buôn bán ở nước ngoài, bà sống với một người cháu ở quê lên. Được nhàn nhã lại không nơm nớp sợ hãi, mẹ tôi lên cân từng ngày, tôi cũng lớn nhanh từng ngày. Mẹ nhớ và thương ông ngoại. Mẹ chăm nom ông đến nay đã gần hai mươi năm nên mẹ hiểu ông hơn ai hết. Ông là đàn ông nhưng rất hay tủi thân, ông có thể khóc, tất nhiên chỉ chảy nước mắt chứ không khóc thành tiếng vì ai đó bảo ông sống hết phần con cháu; hoặc bác trẻ gắt gỏng điều gì đó với ông, khi bác trẻ đi rồi thế nào mắt ông cũng rơm rớm. Bây giờ ông có thêm một nỗi khổ mà chính ông cũng không biết được, người biết sâu sắc nhất là mẹ tôi, ấy là ông không có quyền được chết trước khi làm lễ đại thượng thọ chín lăm. Để kéo dài sự sống của ông ngoại, bác trẻ bắt ông phải uống sâm Nam Triều Tiên, ăn chân gấu, chân hổ hầm thuốc bắc thành ra ông ngoại mập ú, cổ có cả ngấn. Và để phòng ngừa sự ra đi bất ngờ của ông ngoại, bác trẻ đã đưa tiền cho bác cả xây cho ông một gian riêng có cả toa lét khép kín nhưng không có cửa sổ để tránh gió độc. Chả gì ở xóm đã có hai cụ nửa đêm đi tiểu bị trúng gió, một cụ chết, còn một cụ liệt bán thân bất toại. Và nếu ông ngoại có sổ mũi, hắt hơi thì lập tức sẽ có một bác sĩ giỏi ở bệnh viện về tận nhà để điều trị cho ông. Bạc triệu cả đấy, nào có sao, bác trẻ chi ấy mà, thậm chí có lần bác cả còn xà xẻo được tám trăm hai mươi ba ngàn trong một đợt điều trị dài ngày bệnh ho của ông ngoại. Ông ngoại cũng thương mẹ tôi lắm, thâm tâm ông không muốn cho mẹ tôi đi nhưng ông sợ phật ý bác trẻ. Ở gia đình lớn này hết thảy mọi người kể cả ông ngoại tiếng là bố đẻ song đều sợ bác trẻ; bác là thống soái, là tổng tư lệnh, mọi mệnh lệnh của bác phát ra gần như lập tức được thực thi. Điều này cũng dễ hiểu vì bác trẻ có tiền, mọi công to việc lớn đều nhờ cậy vào bác, mà ở đời đã nhận tiền của người, có ai lại không nể, không sợ người! Còn nữa, mỗi lần bác trẻ về nhà, xe hơi đỗ tận cổng cũng ngẩng mày ngẩng mặt với xóm làng lắm chứ! Ông ngoại hay tủi thân là thế nhưng ông không sợ chết, ông hay ôn nghèo, kể khổ và bảo với mẹ tôi, ông mong nhanh đến ngày về với tổ tiên. Một tháng trước khi mẹ bị bắt đi huỷ hoại tôi, một người hàng xóm chết trẻ ở tuổi ba tư, mặc dù chẳng có họ hàng gì thế mà ông xót xa bảo nếu đổi được mệnh, ông sẵn sàng chết thay để chị sống nuôi bốn đứa con gái lít nhít bằng đầu bằng đít nhau. Mới ngày nào xa ông vậy mà đã hơn bốn tháng. Nhiều lúc nhớ ông ngoại, mẹ định xin về quê mấy ngày thăm ông song lại sợ hai người anh trai của mình. Càng đến lúc tôi được chín tháng, mười ngày thì càng đến ngày ông ngoại tròn tuổi chín lăm. Mẹ toan tính chỉ cần làm lễ đại thượng thọ cho ông xong, dù tôi mới ra khỏi bụng mẹ vài ba ngày, mẹ cũng sẽ đưa tôi về quê ra mắt ông ngoại, lạy sống ông tha cho đứa con bất hiếu và nhờ ông bấm quẻ, đặt cho tôi một cái tên. Ở đời, nhân tính không bằng thiên định, người con trai của bà đột ngột dẫn vợ con về làm đảo lộn mọi dự định của mẹ tôi. Khi biết được mẹ tôi là ai, người con trai của bà gầm lên: “Mẹ điên thật rồi, chứa cái của nợ này xui xẻo lắm, thảo nào mà ở bên kia tôi bị lừa sạch sành sanh”. Ngay lập tức mẹ con tôi bị con trai bà tống cổ ra khỏi nhà, cũng còn may, bà đã kịp dúi vào tay mẹ ít tiền. Không còn nơi nương tựa, mẹ nghĩ cái bụng đã đến ngày sắp đẻ chẳng ai dám bắt mẹ phá thai nữa, mà có bắt, mẹ thà chết chứ không để tôi chết. Về quê, mẹ tôi quyết định. Mẹ về đến bến xe tỉnh hơn ba giờ chiều, mẹ đi quanh quẩn đợi đến xẩm tối mới dám về làng. Con vện đen là kẻ đầu tiên phát hiện ra mẹ, nó ra gâu gâu ầm cả lên, đuôi vẫy rối rít đón chào sự trở về của mẹ. Tất cả mọi người đệ tề tựu đầy đủ, mẹ thót tim, phải chăng ông đã ra đi? Cái bụng của mẹ kềnh càng như cái thúng, thế mà lạ chưa, chả có mấy ai để ý đến! Người mẹ sợ nhất là bác trẻ thì chính bác là người vồ vập nhất. Bác trẻ bảo bác cả cắt cử người đứng ở ngoài cổng không cho bất cứ ai vào thăm ông ngoại để khỏi nhìn thấy mẹ tôi. Đoạn bác trẻ kéo mẹ ra góc sân hỏi khi về làng có ai nhìn thấy không, mẹ tôi đáp không. Bác trẻ phấn khởi: “Tốt lắm! Em về thật đúng lúc, bố mấy hôm nay đang hôn mê, suốt ngày gọi tên em. Giờ em là người quan trọng nhất, phải làm sao cho bố sống đến chiều ngày mồng chín, nếu kéo đến mồng mười càng tốt. Như vậy chỉ cần bố sống được năm ngày nữa là thắng lợi to”. Nói xong, không cần hỏi xem mẹ tôi đã cơm nước chưa, bác trẻ giục mẹ tôi đi vào phòng ông ngoại. Mẹ tôi e ngại nhìn xuống cái bụng, bác trẻ phẩy tay nói rằng chỉ sợ dân làng chứ không sợ ông nữa, ông đã không còn nhìn thấy hai tháng nay. Mẹ mở cửa bước vào, ông ngoại đang nằm im lìm trên giường. Chênh chếch bên kia là chiếc kiệu sơn son thiếp vàng giành kiệu ông ra tận đình làng để hội người cao tuổi xã làm lễ đại thượng thọ cho ông. Mẹ ngồi bệt xuống nền nhà, nắm lấy bàn tay nhào nhão thịt của ông ngoại; bao nỗi nhớ thương dồn nén lâu ngày bật ra khỏi lòng mẹ:
– Bố ơi, con về với bố đây, bố tỉnh lại đi bố ơi!
Mẹ lay, mẹ gọi ông ngoại đến năm, sáu lần thì ông dần dần tỉnh lại. Đôi mắt ông vẫn nhắm nhưng đôi tay ông cựa quậy, cọ cọ vào tay của mẹ tôi. Đôi môi ông mấp máy mấy lần đều không thành tiếng. Mẹ khóc to hơn, những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ rơi xuống tay ông và hình như nó là nguồn lực tiếp sức cho ông; bằng tất cả tinh lực còn lại, ông ngoại thều thào thành tiếng:
– Con, nghe bố kiếm lấy một đứa con về..v..ề… gi..à… già.
Giọng ông ngoại bỗng câm bặt, đầu ông nghẹo sang một bên. Cái chết của ông ngoại làm mẹ tôi bàng hoàng xúc động. Mẹ chuyển dạ, cơn đau bụng mỗi lúc một nổi lên dữ dội, mẹ nắm chặt lấy bàn tay của ông ngoại cắn răng chịu đựng. Mẹ rặn, mẹ hít vào, thở ra. Lời trăng trối làm mẹ nghẹn ngào, sững sờ của ông ngoại đã tưới lên người mẹ tôi một sức mạnh, một khát vọng làm mẹ cháy bỏng. Mẹ lấy hơi hít vào thật sâu rồi rặn mạnh, tôi trồi ra nền nhà. Như tất cả mọi người trên thế gian, tôi gửi bức thông điệp đầu tiên vào cõi nhân gian vô cùng vô tận:
– Oé, oé, oé!.
Lời bình của nhà văn Đỗ Anh Vũ:
“Trong kiệt tác U mộng ảnh của danh sĩ Trương Trào, có một câu được nhiều người tâm đắc: “Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”. Điều ấy cũng có nghĩa là, văn chương luôn luôn đồng hành cùng nỗi đau của con người, biết cúi xuống tận cùng để lắng nghe những buồn thương của bao số phận. Người phụ nữ mang tên Hảo trong truyện ngắn của Vũ Đảm chúng ta vừa nghe là một số phận như thế. Tên chị là Hảo nhưng cuộc đời của chị lại không được suôn sẻ, tốt đẹp như nhiều người. Vừa là gái lỡ thì lại vừa xấu, chị Hảo bị lừa tình rồi bị phụ bạc, người tình bỏ lại chị cùng giọt máu trong bụng đang lớn dần từng ngày. Chị Hảo bị giằng xé giữa hai lựa chọn: giữ đứa trẻ lại hay bỏ đi. Sau cùng, mặc cho những người thân trong gia đình, cụ thể là các anh trai quyết liệt phản đối, bắt phải bỏ cái thai, Hảo vẫn quyết định giữ lại đứa trẻ và vùng chạy khỏi phòng hút điều hòa. May mắn cho Hảo khi cuộc đời luôn có những người tốt bụng, sẵn sàng mở vòng tay để giúp đỡ chị một cách vô tư. Nhưng những lòng tốt như vậy đôi khi cũng không thể kéo dài được mãi, Hảo cuối cùng cũng bị đẩy ra đường trong hoàn cảnh sắp đến ngày sinh nở. Và sự lựa chọn cuối cùng của chị vẫn phải là trở về nhà, chấp nhận mọi búa rìu sẵn sàng đổ xuống đầu. Thật bất ngờ khi các anh trai của Hảo không nhiếc mắng gì, lại giao cho Hảo nhiệm vụ kéo dài sự sống của ông ngoại để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của họ. Và điều bất ngờ lớn nhất là câu nói cuối cùng của ông ngoại trước khi lìa đời, đã khuyên Hảo kiếm lấy một đứa con để nương tựa lúc về già, điều ấy như một đảm bảo vàng cho sự an toàn của Hảo, ngược lại hẳn với ý định ban đầu của các anh trai bắt Hảo phải bỏ thai. Kịch tính của truyện được đẩy lên tột độ chính khi ông ngoại trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc Hảo trở dạ trong cơn xúc động nghẹn ngào, và tiếng khóc chào đời của đứa trẻ cũng đồng thời vang lên trong chính căn phòng của ông ngoại. Một thông điệp nhân văn và sâu sắc mà tác giả muốn gửi tới mỗi người đọc: Sự sống của mỗi sinh linh luôn là điều vĩ đại nhất, nó vượt lên trên mọi tính toán hèn mọn về danh lợi. Không ai có quyền tước đoạt khát vọng được làm mẹ, không ai được phép hủy hoại những mầm sống bé bỏng vô tội. Câu chuyện chúng ta vừa nghe càng lay động lòng người hơn nữa bởi nó được kể lại bằng giọng của chính đứa bé trong hành trình chào đời đầy gian nan của mình”.
7/5/2022
Vũ Đảm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...