Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Đất và người Đồng Nai trong thơ Trần Ngọc Tuấn

Đất và người Đồng Nai
trong thơ Trần Ngọc Tuấn

Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong đổ lộn nước sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây/ Tới đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về.
Đó là lời nói chơi cho vui của cô nàng Đồng Nai nói với các chàng trai miền Bắc, miền Trung vào khái phá miền Nam, chứ nếu đã “bén rễ xanh cây “ thì lúc ấy dù có muồn về, nàng cũng sẽ nói “Mình về ta chẳng cho về./ Ta níu vạt áo ta đề bài thơ”.
Từ thuở cha ông mang gươm đi mở cõi đến nay đã hơn ba trăm năm mà chàng trai Trần Ngọc Tuấn vẫn còn bị cô nàng Đồng Nai níu áo lại, đến nỗi phải thốt lên:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Thân này chọn hướng Đồng Nai xuôi thuyền
Cũng vì hai chữ nhân duyên
Xa cha biệt mẹ buông thuyền theo em.
Đồng Nai trạm nghỉ chân đầu tiên trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, đi đường bộ, ai ai cũng phải đạp chân trước tiên lên mảnh đất địa đầu này. Qua những ngày tháng trèo non lội suối, vượt Trường Sơn một cách vất vả, rời vùng ác hiểm với “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận“ liền gặp Đồng Nai. Do đó người ta dễ có ấn tượng tốt đẹp về vùng đất khi mới đặt chân tới:
Trên hòn Long Ẩn dưới truông voi
Phong cảnh Đồng Nai thú mặn mòi
Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, ông cha ta khai thác miền Gia Định, “bắt đầu từ Đồng Nai, cho nên người đời trước có ý nói một cách toàn bộ như cử cái gốc thì tóm được cái ngọn, xách chỗ đầu thì kéo được cả phần đuôi”.
Trần Ngọc Tuấn tưởng nhớ tiền nhân đã khai phá đất này :
Người xưa cuốc gió bừa mây
Cho con cháu gặt bông sây mùa vàng
Người xưa phát cỏ khẩn hoang
Đào kinh khơi tắc dựng làng lập quê
Người xưa gươm khắc lời thề
Tình son nghĩa sắt đề huề anh em
Đồng Nai con nước êm đềm
Còn nghe vó ngựa gõ thềm sông xanh.
Người thiết lập bộ máy chính quyền đầu tiên trên đất này là Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Trong bài Dưới chân đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Ngọc Tuấn viết :
Bàn chân vừa chạm chân đền
Bỗng nghe giông gió sấm rền đâu đây
Bàn tay vừa khỏi ngọn cây
Đã nghe mặt đất níu mây gọi về.
Giông gió sấm rền gợi lên công giữ đất của Nguyễn Hữu Cảnh cho tới phút cuối cùng ông qua đời trong một cơn giông ở cù lao Ông Chưởng. Mặt đất níu mây gợi lên công mở đất của Nguyễn Hữu Cảnh như cơn mưa ngọt tưới cho đồng ruộng xanh tươi.
Là cửa ngõ đi vào Nam, Biên Hòa từ xưa vẫn nổi tiếng là nơi “núi đẹp sông trong, phong tục thuần hậu, công việc giản dị, kẻ sĩ chọn thi thư, nhân dân siêng cày cấy, dệt cửi” (Trịnh Hoài Đức). Biên Hòa còn có một nền văn hóa lâu đời. Trần Ngọc Tuấn viết về Đàn đá Bình Đa:
Lặng im một góc bảo tàng
Bình Đa một thoáng giữa ngàn cổ xưa
Ngỡ đàn tàn nhịp nắng mưa
Chợt trong thớ đá nhặt thưa luân hồi.
Kiếp luân hồi ở đây là kiếp người luân hồi thành tượng đá trong tác phẩm của nghệ nhân tạc tượng đá, để tồn tại đời đời kiếp kiếp. Trần Ngọc Tuấn viết bài Người tạc tượng đá ở Bửu Long :
Người chân đất tạc rồng bay
Một đời lặng lẽ nắng ngày sương đêm
Mai hóa đất dưới cỏ mềm
Hồn còn cậy đá gánh thêm nợ trần.
Đồng Nai còn nổi tiếng về nghệ thuật gốm. Trần Ngọc Tuấn viết :
Sinh ra từ dòng sông trăm họ
Uống nước sông này gửi lại hoa văn
Hào khí luyện lò nung nghìn độ
Gốm ngọc ngời chảy loáng men sông.
Men gốm ánh lên màu xanh ngọc của dòng sông Đồng Nai do kết tinh từ ngọn lửa hào khí Đồng Nai, sự hài hòa tuyệt đẹp giữa Đất và Người. Đất và Người Đồng Nai từng được miêu tả trong những bài thơ Trịnh Hoài Đức : Hoa Phong cổ lũy (Lũy cổ Hoa Phong), Ngư Tân sơn thị (Phiên chợ núi ở Bến Cá), Tân Triều đãi độ (Tân Triều chờ đò), Lộc động tiều ca (Bài hát của người tiều phu Hố Nai), Chu thổ sừ vân (Đất đỏ bừa trong mây), Tân Kinh thần mục (Sớm chăn trâu ở Tân Kinh), Quất xã ráo ti (Làng quít ươm tơ)… Trần Ngọc Tuấn đã mượn ý thơ trong bài Tân Triều đãi độ của Trịnh Hoài Đức để viết bài thơ Qua bến Tân Triều :
Tân Triều thuyền lẻ nằm ngang
Mặt trời gác bóng mênh mang nước trào
Ngựa dầm nước ngút khí hào
Khách nhìn sông bỗng nao nao tấc lòng
Ngậm hoa cá lượn theo dòng
Lùm cây quạ mớm quả rừng cho con
Điếm thôn mười tiếng gõ dồn
Vén mây rèm trúc song luồn ánh trăng
Lời xưa gió bạt sóng ngàn
Ơ kìa cò trắng bàn hoàn tình sông.
Khi giặc Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, Đồng Nai cũng là nơi chịu đau thương tang tóc đầu tiên : Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây (Nguyễn Đình Chiểu ) .Đồng Nai cũng là nơi đầu tiên theo nghĩa quân Trương Định đánh Pháp: Đồng Nai chợ Mỹ lo nhiều phía – Bến Nghé Sài Gòn trảo mấy đông (Điếu Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu)
Giặc Tây đến cửa Cần Giờ, Em đừng thương nhớ đợi chờ uổng công. Lớp lớp người Đồng Nai đã đứng lên đánh Pháp. Với ý nghĩ và tâm nguyện cháy bỏng: Bao giờ cạn nước Đồng Nai, Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền. Hào khí Đồng Nai bừng bừng qua hai mùa kháng chiến kết tụ trong hình ảnh người con yêu của đất Đồng Nai : vị tướng – nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, trong bài thơ Trở lại rừng xưa, Trần Ngọc Tuấn viết:
Thác còn lừng lững suối còn xanh
Chim tự muôn phương tụ đất lành
Hoa cũng quên mình phơi phới sắc
Bướm cũng ân tình phút tái sanh
Cây lại xanh rừng sau nắng mưa
Vầng trăng gác núi chiến khu xưa
Thi nhân ngang súng trên yên ngựa
Lớp lớp người đi lốc xoáy mùa
Tinh hoa văn hóa văn nghệ Đồng Nai kết tụ trong từng trang viết của từng thế hệ nhà văn từ Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn đến Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn… Trong bài Người về, kính tặng nhà văn Hoàng Văn Bổn, Trần Ngọc Tuấn xâu chuỗi tên các tác phẩm của Hoàng Văn Bổn thành thơ, ghi lại cái tình của nhà văn với Đất và Người Đồng Nai :
Ngôi sao nhớ ai đêm giã biệt
Nước mắt rơi thấm mảnh đất này
Miền đất ven sông ờ bến cũ
Sóng bạc đầu chào tóc trắng bay
Sau ngày thống nhất đất nước, Đồng Nai phấn khởi bước vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong bài Tứ tuyệt bên thác Trị An, Trần Ngọc Tuấn so sánh lao động tạo dòng thủy điện với lao động sáng tác thơ;
Những bọt nước lúng liếng
Những con chữ phạc phờ
Thác quặn mình thành điện
Người vật vã thành thơ.
Những khu rừng chiến khu xưa giờ dựng lên lâm trường mới. Trong bài Mã Đà thương nhớ, Trần Ngọc Tuấn viết:
Người về với chiến khu xưa
Ngày đêm xe sợi nắng mưa lâm trường
Rừng xanh một sắc mơ màng
Dáng người lẫn giữa muôn ngàn bóng xanh
Cây mười năm, cây trăm năm
Cây đang nhú lộc, cây lành vết xưa
Vì người quên sớm quên trưa
Cây xanh như buổi cành thưa ngỡ ngàng
Không bom đạn, thuốc khai quang
Giận còn lâm tặc hung hoang phá rừng
Trăng soi mái ấm lâm trường
Kìa ai thức trắng để nhường giấc xanh
Không còn bom đạn, thuốc khai quang, nhưng vẫn còn cuộc “chiến tranh không tiếng súng“ với những thói hư tật xấu, những tiêu cực xã hội, đòi hỏi mỗi con người phải tự nâng cao ý thức làm chủ xã hội. Bên rừng cao su Xuân Lộc, Trần Ngọc Tuấn nảy ra ý thơ – triết lý:
Mùa đông
Lá rụng
Người giống thế
Mà đừng phải thế!
Rừng cao su
Vắt kiệt máu mình
Rồi lặng lẽ…
Người giống thế
Mà đừng phải thế!
“Nhân linh ư vạn vật” (người linh hơn vạn vật) như vậy mới làm tròn sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, do đó không vô tri như vạn vật, nhưng lại đòi hỏi phải có tâm hồn gần với thiên nhiên. Trong bài Về Tân Uyên, Trần Ngọc Tuấn viết :
Bạn hiền như thuở Tân Uyên
Thong dong sống giữa an nhiên phố phường
Phải có cái an nhiên ấy mới đứng vững được giữa những cơn lũ do thiên nhiên khắc nghiệt mang đến. Trong bài Mùa lũ, Trần Ngọc Tuấn viết:
Rừng giận ùn ùn cơn lũ quét
Người dắt dìu người qua nông sâu
Đất giận trút hờn cơn địa chấn
Người xót xa người ngắm bể dâu.
Phải có cái an nhiên ấy mới đứng vững được giữa những cơn bão không tên của thời kinh tế thị trường : Xưa đã quen những chuyển mùa không báo trước, giờ tập dần sống với bão không tên (bão không tên).
An nhiên không có nghĩa là thụ động, mà là an nhiên đương đầu với cái ác. Trong bài Người quét rác bên sông, Trần Ngọc Tuấn viết :
Dọn quét quanh năm chưa vãn rác
Nắng mưa trăn trở với con đường
Ai có thấy mình là kẻ ác
Vứt phủ phàng rát mặt dòng sông.
Cái trăn trở ấy tạo nên đặc sắc của thơ Trần Ngọc Tuấn từ trước đến nay. Trong những sáng tác gần đây, Trần Ngọc Tuấn đã nhập thế hơn những tập thơ trước của anh. Phải chăng anh đã có những đối tượng cụ thể để mà thương yêu : từ mẹ, vợ, con, bạn bè, đồng nghiệp, đồng bào, trên một tọa độ cụ thể: mảnh đất Đồng Nai, nên thơ anh thực hơn, đằm thắm hơn, mênh mang hơn, chứa đựng tình người nhiều hơn.
Trong bài Một chiều Tân Hiệp, anh viết: Chợ xuân hoa ngập nắng tràn – Bên kia cầu Đúc người đang tìm người. Không phải sáu nhân vật đi tìm tác giả như kịch bản của Pirandello, mà là tác giả đi tìm độc giả, những tâm hồn đồng điệu. Trong bài Đêm trăng bóng rỗi, Địa – Nàng, anh viết : Dâng em gạo trắng Đồng Nai – Sầu riêng Phú Hội, bưởi xoài chợ Dinh – Dăm câu bóng rỗi xập xình – Cầu Gành mấy nhịp kiều tình bấy nhiêu. Hy vọng rằng những câu thơ viết về Đất và Người Đồng Nai của Trần Ngọc Tuấn bắt được nhịp kiều tình của tác giả đến với bạn đọc gần xa.
Sài Gòn, 8/5/2002
Hoài Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...