Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Nguyễn Thành Long còn lại

Nguyễn Thành Long còn lại…

Tôi có thể mạnh dạn nói rằng văn Nguyễn Thành Long đẹp nhất là ở những trang miêu tả thiên nhiên. Khi dựng lên bức tranh thiên nhiên, nhà văn đã đạt được điều mà không phải nhà văn nào cũng có được: đưa cả cái không khí, hơi thở của thiên nhiên vào trang viết.
Thoạt tiên tôi có ý định đặt nhan đề cho bài viết này bằng một cái tên hơi điệu điệu một chút là : Lặng lẽ … Nguyễn Thành Long. Cái tên có vẻ hay hay, được gợi ý từ câu chuyện Lặng lẽ Sa Pa và chứa nhiều sức gợi. Nhưng sau rồi, tôi thấy có gì không ổn. Không, văn Nguyễn Thành Long không phải là một loại văn… lặng lẽ. Văn Nguyễn Thành Long cũng bám sát vào cuộc sống, bám sát các phong trào xã hội, bám sát vào các điển hình con người mới, đặt cả niềm tin vào nó, ngợi ca nó nồng nhiệt, và lắm lúc cũng có vẻ ồn ào. Nghĩ thế, nên thôi không dùng cái nhan đề ngẫu hứng kia nữa. Nhưng nhắc đến Nguyễn Thành Long là nhớ ngay đến Lặng lẽ Sa Pa. Nhắc đến truyện ngắn Việt Nam sau 1945, người ta cũng không thể không tính đến Lặng lẽ Sa Pa. Cứ như thể ông là nghệ sĩ của một tác phẩm vậy. Hiện tượng nhà thơ của một bài thơ, nhà văn của một áng văn trong bất cứ nền văn chương nào, thời nào cũng có. Nghĩa là, trên thực tế thì không phải họ chỉ viết có một (thậm chí viết khá nhiều nữa kia), nhưng chỉ có một tác phẩm ấy thôi vượt qua được sự sàng lọc khắt khe của thời gian và còn lại. Văn chương có cái nghiệt ngã của nó. Thành nhà văn lớn đâu có nhiều. Có được một tác phẩm sống mãi cùng năm tháng cũng đã là quý giá. Nghĩ thế, mới thấy Nguyễn Thành Long cũng là một gương mặt còn lại với bạn đọc hôm nay.
Thế thì đường nét chân thực nhất của chân dung nghệ sĩ Nguyễn Thành Long như thế nào? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này không hẳn đơn giản. Giới nghiên cứu phê bình đương thời cũng không dành nhiều bút mực lắm cho nhà văn này thì phải. Dưới đây là một phác thảo Nguyễn Thành Long mấy nét.
Đời người phải sống sao cho ra sống
Có thể hình dung sáng tạo của Nguyễn Thành Long trải dài trên hai chặng: chặng thứ nhất, từ 1955 đến 1975; và chặng thứ hai từ 1975 đến khi ông ngừng bút.
Ở chặng đầu, hầu hết là các truyện viết về con người và cuộc sống mới diễn ra trên miền Bắc hậu phương đang xây dựng đất nước. Còn chặng thứ hai, các tác phẩm chủ yếu lại đề cập đến những khung cảnh đoàn viên giữa người Nam kẻ Bắc sau bao năm ly tán do chiến tranh và những số phận đổi đời từ chế độ cũ sang chế độ mới. Thế giới nhân vật của Nguyễn Thành Long trong khung cảnh nào cũng vậy, bao giờ cũng mang trong mình dòng máu kiên trinh. Nếu trong lao động dựng xây đất nước thì đó là lòng hy sinh vô bờ bến của con người đối với đất nước, quê hương. Nếu trong chiến tranh ly tán đó lại là những tấm lòng son sắt hướng về cách mạng.
Về cơ bản Nguyễn Thành Long nhìn con người theo tinh thần cổ tích, nghĩa là tốt xấu rạch ròi, phân minh. Cái nhìn, cách cảm thụ của ông về đời sống thật sáng rõ, dứt khoát. Người đã tốt là tốt đến cùng. Họ là con người hoặc vốn đã mang bản tính tốt, hoặc được cuộc sống rèn luyện trở nên người tốt. Ông ít quan tâm đến loại người xấu, người tiêu cực. Cái nhìn về đời sống của ông là cái nhìn đạo đức, lấy đạo đức truyền thống được bổ sung thêm những phẩm chất của con người mới để lựa chọn nhân vật, soi xét nhân vật. Tác phẩm nào cũng vậy. Có thể lấy Sáng mai nào, xế chiều nào làm ví dụ. Câu chuyện kể về một nữ văn sĩ đi thực tế tại một nhà máy, cùng với nỗi trăn trở về nghề nghiệp của mình là nhận thức sâu thêm về hình ảnh người cán bộ quản lý, giám đốc nhà máy tên là Nghiên. Người cán bộ này mang những phẩm chất tốt đẹp: vừa giỏi chuyên môn, vừa năng động, biết cách quản lý, hết lòng vì việc chung mà chịu nỗi thiệt thòi riêng, được nhân viên, công nhân yêu quý. Bên cạnh đó cũng có những loại cán bộ như Lê Thực, vì hám lợi hám danh sinh lòng đố kỵ, rồi rắp tâm làm hại những người chính trực ngay thẳng như giám đốc Phước…
Mô hình người cán bộ trong những năm tháng này là “gác tình riêng vì nghĩa lớn”, hy sinh quyền lợi cá nhân, tất cả vì tập thể. Các nhân vật của Nguyễn Thành Long cũng y như vậy. Dĩ nhiên, ông không dừng lại ở chỗ miêu tả thành tích theo kiểu người tốt việc tốt, mà đã biết phát hiện ra cả những thiệt thòi mất mát của con người một khi chỉ sống và hành động theo cái phương châm duy ý chí trên kia. Nhân vật Nghiên chẳng hạn. Hậu quả của cách sống ấy là: vợ bỏ đi học nước ngoài, bản thân luôn mang tâm trạng buồn bã, khối u trong người giờ đã phát thành bệnh buộc phải vào bệnh viện. Thực ra, nhà văn chưa phải đã biết đề cập đến những mất mát thua thiệt ấy bằng ý thức phản tỉnh. Nhưng bằng mẫn cảm nghệ sĩ, một cách tự nhiên nhất, ông đọc ra được ít nhiều cái bi kịch riêng – chung của con người. Có lẽ, ngày hôm nay đọc lại những trang viết như trên, mới có thể cảm nhận thấy thêm cái màu sắc bi kịch trong sự hy sinh ấy. Nó khác hẳn với tâm thế đọc ngày xưa, âm hưởng chủ đạo của văn học là ngợi ca, cảm phục và ngưỡng mộ. Đây là một vấn đề thuộc tâm lý tiếp nhận, thể hiện một phần nào quan điểm và cách cảm thụ về đời sống và nghệ thuật của bạn đọc ngày hôm nay. Khi mà quan niệm về giá trị thay đổi, thế tất dẫn đến cách tiếp nhận nghệ thuật cũng thay đổi theo.
Truyện Hạnh Nhơn được viết năm 1981 cho ta biết thêm về một nhân vật như vậy. Cô gái có tên là Hạnh Nhơn vì mang một niềm tin thiêng liêng là người cha sẽ trở về nên cô kiên quyết không di tản, khước từ lời rủ rê của người yêu cô. Sau khi gặp “ba”, cô đã hoàn toàn yên tâm ở lại nhà máy, và là một cán bộ khoa học trẻ đầy nhiệt huyết, được đông đảo cán bộ công nhân nhà máy khâm phục và ủng hộ. Còn nhân vật tôi cũng vậy, do tin rằng mẹ của Hạnh Nhơn – người bạn của em gái mình ngày nào, đã tin tưởng trao gửi đứa con gái bé bỏng nhờ mình che chở, nên anh không được quyền từ chối, cũng như không được quyền tước đoạt niềm tin thiêng liêng của cô gái rằng anh chính là ba của cô. Đấy, câu chuyện hướng vào những con người tốt, với những ý nghĩ tốt, cách ứng xử tốt, vì xuất phát từ tình thương cũng có, mà vì trách nhiệm của một người làm gương cũng có. Nhiều nhân vật của Nguyễn Thành Long cũng như của nền văn học cách mạng sau 1945 đều mang tính cách nêu gương như vậy – những tấm gương để soi chung.
Tất cả những con người tốt đẹp mà nhà văn lựa chọn và miêu tả trên kia đều thấm nhuần một tinh thần khảng khái nhuốm chất lãng mạn của cả một thế hệ những năm sau 1945, đó chính là tinh thần của Paven Coosaghin trong Thép đã tôi thế đấy : “Đời người chỉ sống có một lần…”. Nhân vật tôi trong Hạnh Nhơn trước khi đi xa đã chép câu nói nổi tiếng ấy vào trang sổ của Hạnh Nhơn. Ngày ấy, những trao gửi, hy vọng, tin yêu như thế là có thật.
Cắt nghĩa cho cách nhìn, cảm thụ và lựa chọn nhân vật của Nguyễn Thành Long như trên kia đã thấy, có lẽ phải đi từ một nhận thức: nhà văn của chúng ta đặt cả niềm tin, tình yêu vào con người, vào chế độ này. Tin yêu và trân trọng con người là cái căn bản có ý nghĩa quyết định để nhà văn sáng tạo. Còn tin yêu vào thời thế thì không phải là lý do tiên quyết và không phải ai cũng có được. Nhưng nhà văn Nguyễn Thành Long lại là người tha thiết với thời cuộc, tha thiết với các chủ trương và các phong trào, tin vào viễn cảnh tươi sáng mà những nhà cách mạng lãng mạn nghĩ ra. Trong bài ký Bình Định quê tôi được viết ngay sau sự kiện giải phóng miền Nam ít tháng, ông viết : “Riêng tôi có một nhận xét này: ngồi ở Bình Định nghe nói chuyện phục hồi kinh tế, xây dựng tương lai, có cái gì thật giống ở miền Bắc những khi theo anh em Uỷ ban nông nghiệp đi các địa phương giải đáp cho ra “cây gì”, “con gì” và lấy làm lạ mãi về sự nhuần nhị tài tình từ công việc chiến tranh chuyển sang công việc hoà bình”. Ở một bài ký khác, ông cũng hào hứng bộc bạch: “Không phải ở đất nước nào người ta cũng khó lòng phân biệt sự thật và những câu chuyện thần tiên. Người ta chỉ nhầm lẫn như vậy ở những nơi nào phẩm chất con người thật là cao đẹp” (Dọc dài đất nước, Tết 1979).
Ngày hôm nay, nhìn lại quãng những năm bảy chín tám mươi của thế kỷ XX vừa qua, không thể không thừa nhận rằng đất nước chúng ta đã rơi vào tình trạng kiệt quệ, đói khổ, thiếu thốn vô cùng. Những nhà hoạch định chính sách quốc gia cũng bộc lộ sự lúng túng, vừa làm vừa mầy mò, cái đúng cái sai khó có thể lường. Ấy thế mà nhà văn của chúng ta vẫn ca lên những lời trên mây như vậy kể cũng lạ. Không phải ông không chân thành. Nhưng sự chân thành ấy rõ ràng là có chút dễ dãi. Đại đa số các tác phẩm thuộc nền văn nghệ cách mạng ít nhiều rơi vào sự dễ dãi ấy. Nhưng theo tôi nghĩ, ở đây có hai loại: chân thành và thiếu chân thành. Sự thiếu chân thành rất gần với sự nói dối. Tôi tin Nguyễn Thành Long là người trong bản tính không biết nói dối. Nhà văn đem nguyên cả cái cả tin ấy vào trang viết.
Nhưng như một ai đó nói: Nếu không tin thì tôi biết sống bằng gì. Nhà văn Nguyễn Thành Long vẫn cứ tin, cứ sống và viết với niềm tin về  một cuộc sống sớm đổi thay. Chẳng có gì đáng trách móc ở chỗ này cả. Một thời nó thế. Âu cũng là “cái thời lãng mạn” của một thế hệ những người cầm bút không dám, không được sống hết là mình, đa số bị cuốn theo cái động hướng chung của thời cuộc.
Tôi lại nghĩ thêm: hình như cái nghĩa khí miền Trung nơi con người tác giả có góp phần chi phối cách lựa chọn và miêu tả loại nhân vật nêu gương kể trên. Đức tính này thể hiện cái nhìn rạch ròi và có phần nghiêm khắc về nhân cách con người. Trong mọi hoàn cảnh, con người vẫn biết giữ và cần phải giữ lòng ngay thẳng, lương thiện, cốt cách của mình, và một khi đã tin theo thì thuỷ chung cho trọn.  Các nhân vật yêu dấu của Nguyễn Thành Long đều noi theo cái tinh thần nghĩa khí của quê hương Bình Định thượng võ, ít nhiều mang cái cốt cách của các đấng bậc trượng phu trong các vở tuồng Trung Bộ. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, năm 1954 Nguyễn Thành Long tập kết ra Bắc. Bước vào nghề viết từ năm 1955 với tác phẩm Bát cơm cụ Hồ. Từ bấy trở đi, ngòi bút của ông tận tuỵ với đời sống và lý tưởng cách mạng. Cái nghĩa khí miền Trung được ông nuôi dưỡng bền bỉ, cộng với những nhận thức mới về cách mạng, cả hai đã nâng ngòi bút của ông về phía ngợi ca.
Mở hồn ra Giữa trong xanh…
Tôi có thể mạnh dạn nói rằng văn Nguyễn Thành Long đẹp nhất là ở những trang miêu tả thiên nhiên. Khi dựng lên bức tranh thiên nhiên, nhà văn đã đạt được điều mà không phải nhà văn nào cũng có được: đưa cả cái không khí, hơi thở của thiên nhiên vào trang viết. Xin bạn đọc dừng lại để thưởng lãm vài đoạn văn Nguyễn Thành Long.
Đây là cảnh biển cả trong cái nhìn của nhân vật : “Cô gái kêu lên một tiếng kinh ngạc. Cô vẫn giữ từ bé, giữ mãi như người ta giữ một lẽ sống của đời mình, hình ảnh tuyệt đẹp, khoảng trong xanh bao la của trời nước quê hương bằng pha lê màu ngọc bích, mịn và nuột nà, vang ngân và đắm đuối. Nhưng cô chưa hề tận mắt một mình bắt gặp cái cảnh huyền ảo như đêm trăng giữa trùng khơi này, trời biển đông hừng một màu trắng bạc, cái màu trắng bạc chói loà như có cả tiếng nhạc, xoá tất cả mọi ranh giới trong lòng ta. Ta không còn cảm giác đang bơi với thuyền, mà đang đi lên, đi lên lên mãi cái gì xán lạn lắm, cao lắm” (Giữa trong xanh).
Còn đây là cảnh thành phố Đà Lạt với vài nét vẽ ngôn từ điêu luyện: “Thành phố là một chiếc nhẫn nạm kim cương mỗi mặt đá một màu đặt trong một cái hộp xanh sẫm làm bằng rừng thông già. Mỗi lần ngửng lên, ta lại kinh ngạc, ta kinh ngạc hoài vì cái đẹp khêu gợi của những cái chao lá thông chúng tung những hình chóp ánh sáng trắng lên trời, màu trắng rỡ đọng trong lá xối xuống toả khói và hoà tan trong màu xanh ngọc lạnh của da trời. Những hồ nước vuông vắn, phẳng lì không chút gợn dưới trời tháng bảy, chúng hơi vắng vẻ và không gắn nhiều vào đời sống thường nhật như những hồ nước ở Hà Nội, nhưng chúng thật là những nét bút không thể thiếu cho sự hài hoà của bức tranh Đà Lạt, lấp lánh trong bóng đêm, thu bớt ánh sáng ban ngày. Và hoa, cả Đà Lạt là một biệt thự lớn có đủ các thứ hoa, dơn, lila, mácgơrit, bêgônha, thược dược đủ màu sắc lấp ló ú oà khắp nơi, giắt trên các lối đi, các hàng rào, các khu vườn, các cửa sổ, các mái nhà” (Đà Lạt hoa hương). Tôi dám chắc rằng đây là một trong số không nhiều áng văn miêu tả đẹp nhất về Đà Lạt mến yêu. Trong các trang văn của Nguyễn Thành Long có không ít những trang miêu tả thiên nhiên đẹp đẽ, tinh tế như thế. Ngay cả trong Lặng lẽ Sa Pa cũng vậy. Đoạn miêu tả vẻ đẹp của rừng thông được xem là đỉnh cao của văn miêu tả thiên nhiên. Khi miêu tả phong cảnh, ngòi bút Nguyễn Thành Long thường ưu tiên cho ánh sáng, những ánh sáng tinh khôi, rung động, có chút gì bí ẩn của thiên nhiên vĩnh hằng. Phải có cách cảm thụ màu sắc theo kiểu hoạ sĩ mới có được những nét bút tài hoa, tinh tế đến vậy. Văn của Nguyễn Thành Long bao giờ cũng hân hoan những ánh sáng muôn màu – hiểu theo nghĩa chân thực nhất của hình ảnh này.
Đọc văn Nguyễn Thành Long thấy hầu hết mỗi truyện được viết ra là kết quả của một chuyến đi cụ thể theo suốt Dọc dài đất nước. Điều đó không chỉ được thể hiện trong nội dung truyện, mà còn bằng những chỉ dẫn ngày tháng năm, địa chỉ rõ ràng ở phần kết truyện. Nó nói với ta hai điều: thứ nhất, vào thời điểm mà Nguyễn Thành Long viết truyện, nền văn nghệ của ta đang đặc biệt đề cao cách thâm nhập trực tiếp của nhà văn vào cuộc sống được gọi là “đi thực tế”. Ai không đi thực tế, tức là về sống trực tiếp cùng với bà con nông dân, công nhân, bộ đội … thì bị coi là xa rời quần chúng, xa nhân dân, là rơi vào “tháp ngà” tiêu cực. Nếu ai hăng hái nhập cuộc về cơ sở, người đó được tuyên dương. Nguyễn Thành Long xem ra cũng là người thích đi, hăm hở đi thực tế. Ông không  chỉ coi đi thực tế là nhiệm vụ mà quan trọng hơn là cái cách lấy vốn sống, lấy ý tưởng, lấy hình mẫu nhân vật …Thứ hai, ông là người yêu đất nước, yêu mọi miền quê xứ sở, cảm thấy có cái thú được đi, được nhìn ngắm và thưởng ngoạn. Yêu nên muốn đi nhiều. Đi nhiều nên lại càng yêu. Nguyễn Thành Long là thế. Ông chẳng qua cũng là người đồng bệnh với anh chàng  mắc bệnh thèm người trong Lặng lẽ Sa Pa.
Nhờ đi vào cuộc sống, đi cần mẫn và hào hứng khắp đất nước quê hương, nên nhà văn có những trang văn rất đẹp, gọi ra được những cái thơ mộng, tình tứ riêng của mỗi vùng miền. Không thua kém bất cứ nhà văn nào, văn Nguyễn Thành Long có những trang miêu tả thiên nhiên đất nước trăm miền bằng những lời lẽ gấm hoa tinh mỹ. Lao động ngôn từ ở những trang văn như thế thật đáng nể.
Của tin còn một chút này …
Ấy là tôi muốn nói đến Lặng lẽ Sa Pa. Đây là một câu chuyện ngợi ca những con người đã hy sinh một cách vô tư và thầm lặng những tháng năm tuổi trẻ cho đất nước. Nhân vật chính là chàng trai làm nghề khí tượng trên đỉnh núi cao heo hút và đặc biệt vắng người. Tác giả để cho nhân vật toàn nói những lời “lý tuởng” của thanh niên thời ấy. Cô gái kỹ sư lâm nghiệp tuy không nói nhưng cũng nghĩ toàn những điều lý tưởng. Các nhân vật đều rơi vào tình trạng đơn giản, một chiều, góp vào giọng điệu ngợi ca chung của một thời.
Tuy thế, vẫn phải thừa nhận rằng đây là một câu chuyện đặc biệt có duyên. Hễ ai đã một lần đọc nó chắc không thể nào quên được. Hoá ra câu chuyện “ăn nhau” ở mấy điểm khá độc đáo: 1 – tình huống truyện ; 2 – một số tình tiết ấn tượng ; và 3 – không khí truyện.
Nói về tình huống truyện, nhà văn Nguyễn Thành Long cho rằng nó chính là những “moment” (khoảnh khắc) cuộc sống “được nâng cao thêm mức mà ta muốn” (dẫn theo Các nhà văn nói về văn, tập hai, NXB Tác phẩm mới, 1986). Với Lặng lẽ Sa Pa, tình huống truyện là cuộc gặp gỡ có phần khá tình cờ, độc đáo giữa nguời hoạ sĩ già, cô gái kỹ sư nông nghiệp và anh thanh niên làm nghề khí tượng trên núi cao. Người hoạ sĩ già thì đi vẽ. Cô kỹ sư lần đầu tiên đi nhận công tác trên miền núi. Còn anh thanh niên quanh năm sống trên núi cao một mình nên được gọi là “người cô độc nhất thế gian”. Mỗi người theo đuổi một công việc riêng, vốn không quen biết nhau, tình cờ lại gặp nhau tại một nơi núi cao hẻo lánh. Chỉ nội điều này thôi đã hứa hẹn nhiều thú vị. Thêm nữa: anh thanh niên 27 tuổi này chưa vợ con. Cô gái lần đầu bước vào môi trường công tác, lại vừa chủ động chia tay một mối tình chật hẹp, vướng víu, mà cô tự nhận là lầm. Người hoạ sĩ già đi chơi một chuyến miền Tây trước khi có một lễ tiễn về hưu. Tình thế nhân vật được bày đặt cũng đã lại hứa hẹn nhiều điều phía trước. Họ lại chỉ được gặp nhau trong nửa tiếng đồng hồ, và ai cũng hiểu rằng chuyện gặp lại nhau là điều cực hiếm. Phải nói ngay rằng, bố trí để cho các nhân vật gặp nhau trong một thời gian, địa điểm như vậy, tức là tác giả đã có trong tay một moment rất đắc địa.
Công việc chỉ còn là triển khai cho các nhân vật có chi tiết, có đời sống.
Nguyễn Thành Long sinh ngày 16 tháng 6 năm 1925, quê gốc ở làng Kim Bồng, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia hoạt động văn nghệ trong những năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Trung bộ. Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, ông chuyển về sáng tác và biên tập ở các báo chí, nhà xuất bản, có thời gian còn tham gia dạy ở Trường viết văn Nguyễn Du. Ông mất ở Hà Nội ngày 6 tháng 5 năm 1991. Tác phẩm chính: Bát cơm Cụ Hồ (1952), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), Những tiếng vỗ cánh (1967), Giữa trong xanh (1972), Nửa đêm về sáng (1978), Lý Sơn mùa tỏi (1981), Sáng mai nào, xế chiều nào (1984), Lặng lẽ Sa Pa, Hạnh Nhơn, Núi Đỗ Quyên… Ông đã được nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng với tập truyện kí Bát cơm Cụ Hồ (1953). (Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng)
Như đã thấy, với anh thanh niên này có nhiều điều thật lạ. Chi tiết anh lăn cây gỗ xuống ngang đường để được gặp người, để cho đỡ “thèm người” khá gây ấn tượng. Anh cho biết công việc ban đêm của anh với cái lặng im ghê người trong những đêm bão tuyết. Chi tiết anh vô tình lập công vì phát hiện ra một đám mây khô. Còn cơ ngơi của anh cũng là một thế giới lạ lẫm và thú vị: căn phòng ngăn nắp, bàn đọc, giá sách, trồng và chăm sóc các loài hoa, nuôi gà đẻ trứng … Nhìn vào chỗ ăn ở này, thấy anh là người căn cơ, chu đáo, yên tâm gắn bó lâu dài với công việc, nó khác hẳn với cách sống tạm bợ chờ ngày rời bỏ. Ngần ấy chi tiết cũng đã đủ để tạo một ấn tượng khá đậm nét.
Với cô gái cũng thế, trong sự xúc động tự nhiên trước một tấm lòng, một cảnh đời, cô làm như vô tình  quên đã cố ý để lại chiếc khăn mùi soa cho anh. Còn anh con trai đó vô tâm đến nỗi tưởng người ta quên thật nên đã đuổi theo để trả. Tình tiết này có cái vẻ ý vị rất đáng yêu. Nó thuộc về tuổi trẻ – những con người vừa mẫn cảm, vừa nâng niu những xúc cảm thánh thiện và lại giàu tự trọng. Chi tiết ấy chưa nói được gì về một quan hệ tình cảm, mà chỉ như một nỗi vu vơ hư thoảng trong đời. Nó như làn hương dìu dịu của một loài hoa rừng nào vậy. Nó phả vào câu chuyện một cái không khí mơ màng lặng lẽ. Tôi nghĩ, nắm bắt và miêu tả cho thật chính xác, thật sống động những chi tiết rất tinh tế như vậy không phải dễ.
Điều thành công hơn cả của tác phẩm này là ở chỗ nhà văn đã tạo ra được một không khí nghệ thuật ủ ướp toàn tác phẩm, trong mỗi nhân vật, mỗi chi tiết, trong từng câu chữ. Cái không khí đó là gì? Có thể gọi thành tên được không? Có thể nói, bao trùm lên toàn câu chuyện là một không khí lặng lẽ mơ màng sâu lắng. Lặng lẽ trong khung cảnh. Lặng lẽ trong suy nghĩ. Lặng lẽ trong sự đổi thay của tâm hồn nhân vật. Lặng lẽ trong cái bắt tay tiễn biệt. Lặng lẽ trong ánh nhìn … Tất cả đều lặng lẽ. Cô gái trong suốt cuộc gặp gỡ tay ba ấy không hề nói một lời nào (duy nhất một lần được hỏi: “Cũng đoàn viên phỏng?”, “Vâng – Cô gái sẽ nói.”, cũng chỉ sẽ nói thôi), mà cô chỉ theo đuổi những ý nghĩ nội tâm, một thứ lặng lẽ đã có từ lúc trước “cứ nhìn ra ngoài cửa xe, mắt lặng lẽ mà say mê”. Người hoạ sĩ già cũng rất kiệm lời. Duy chỉ có một người hơi ồn ào đó là anh thanh niên khí tượng. Anh ấy nói suốt từ đầu đến cuối. Nói do yêu cầu của người hoạ sĩ già. Nói cũng do một nhu cầu tự nhiên của anh là muốn được giãi bày, thổ lộ với người khác, nhất là một người như anh, bấy nay chỉ được sống thầm với cây lá mây trời, giờ mới lại được gặp người, nói cho hả bệnh thèm người. Và cái sự nói nhiều đó chỉ khuấy động được chừng 30 phút để rồi sau đó nơi anh đang đứng lại càng lặng lẽ – cái lặng lẽ thăm thẳm muôn đời của thượng ngàn.
Để làm nên sự lặng lẽ mơ màng bao trùm ấy còn có thêm một nhân vật nữa:”nhân vật thiên nhiên”. Bức tranh núi rừng ở đây được miêu tả mới đẹp, mới tinh khiết làm sao: “… cảnh trước mặt bỗng hiện lên đẹp một cách kỳ lạ. Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”. Một khung cảnh đầy ánh sáng, nhung tuyết, mong manh …
Tôi tỉ mẩn thống kê, thì ra trong tác phẩm này những từ như lặng lẽ, im lặng hoặc gần nghĩa như vậy xuất hiện khá nhiều : lặng lẽ Sa Pa, mắt lặng lẽ mà say mê, nín bặt (vì cảnh trước mặt hiện lên đẹp một cách kỳ lạ), anh thanh niên mời chén trà “yên lặng đặt trước mặt cô, trong cái lặng im của Sa Pa, trong cái vắng vẻ vòi vọi, hai người (…) im lặng rất lâu”, và kết thúc tác phẩm cũng lại bằng một quãng im lặng mênh mang : “Cô gái liếc nhìn bác già một cái rất nhanh, tự nhiên hồi hộp, nhưng vẫn im lặng”. Điều này chắc không phải ngẫu nhiên. Tất cả, từ những biểu hiện bên ngoài đến những cảm xúc nội tâm của con người hoà hợp dịu dàng với khung cảnh tạo nên một không khí lặng lẽ mơ màng sâu lắng. Không khí đầy chất thơ lãng mạn ấy là kết quả của một sức mạnh nghệ thuật tổng hoà, rất khó có thể tách bạch ra được. Tôi cho rằng đây là chỗ thành công nhất của tác phẩm. Vào quãng những năm trước 1945, nhà văn Thạch Lam đã đặc biệt lưu ý đến “không khí bao bọc xung quanh nhân vật”. Nhà văn Nguyễn Tuân khi viết về Tắt đèn cũng đã đặc biệt tinh nhạy chỉ ra cái không khí oi ngột bao trùm tác phẩm … Những nhà văn tinh tường nghề nghiệp bao giờ cũng quan tâm đến cái không khí của truyện – không khí nghệ thuật. Nguyễn Thành Long đã thực sự thành công ở điểm này trong Lặng lẽ Sa Pa. Nhờ thế mà câu chuyện có cái duyên ý vị làm xao lòng người đọc từ bấy đến nay.
Tuy nhiên cái chất lặng lẽ  trong tác phẩm  được bố trí ngay từ nhan đề truyện, lại được triển khai suốt trong quá trình câu chuyện, đã làm nên một tương quan giữa khung cảnh thiên nhiên, cuộc gặp gỡ tình cờ, và tâm hồn cùng phẩm chất nhân vật. Cho nên cái chất lặng lẽ này còn được hiểu như một ẩn dụ: sự hy sinh thầm lặng của con người vùng cao trong những năm tháng dựng xây đất nước. Tác giả cũng không có ý định giấu giếm ý đồ nghệ thuật này, thậm chí còn hơi bị lộ nữa kia. Bởi thế, công bằng mà nói rằng cái hiệu quả  nghệ thuật  chưa được như mong muốn, chưa hoàn toàn thuyết phục bạn đọc.
Hạt ngọc nào chẳng ít nhiều tỳ vết. Dẫu sao đi nữa, Lặng lẽ Sa Pa vẫn là một dấu son nghệ thuật đáng trân trọng của một đời cầm bút.
Nguyễn Thành Long suốt đời thuỷ chung với thể loại truyện ngắn. Thỉnh thoảng ông có viết ký nhưng không nhiều. Trong quá trình sáng tạo, cũng đã có lúc ông suy tư, đúc kết kinh nghiệm viết truyện ngắn, và phát biểu ở một vài chỗ. Có lần ông nói: “Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả, biểu hiện sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của anh, sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của anh, những “cái áo”, “làn da” của tấm lòng tác giả. Nếu không có gì để nói, làm sao anh nâng nổi ngòi bút của anh cho được” (Các nhà văn nói về văn, sđd, tr.106). Thật vậy, trong suốt hành trình sáng tạo, quả tim Nguyễn Thành Long lúc nào cũng yêu tin và gắn bó nồng hậu đối với đất nước, con người.
Cũng phải thành thực mà nói rằng, đại đa số những áng văn thuần ngợi ca của Nguyễn Thành Long về “cái thời lãng mạn” (Nguyễn Khải) thực sự đã không chứng minh được sức sống của chúng trong lòng bạn đọc hôm nay. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn lại một tác phẩm độc sáng về một vùng cao Sa Pa ngàn đời ấy. Hẳn là, trong tình yêu của người dân nước Việt dành cho Sa Pa hôm nay, tôi tin rằng có một phần là nhờ áng văn Lặng lẽ Sa Pa. Nên chăng, Sa Pa có một con đường, một trường học nào đó mang tên Nguyễn Thành Long thì hay biết mấy. Sự khoe hương khoe sắc của vùng du lịch Sa Pa hôm nay sẽ đẹp hơn, có tư thế văn hóa hơn nếu biết bắt đầu đi từ những việc tưởng như bé nhỏ như vậy.
Cự Lộc, 25/7/2005
Ngô Văn Giá
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...