Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến

Cảm hứng sinh thái
trong thơ Đặng Bá Tiến

Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      

1. Từ thế kỷ XIX trở đi, với chủ nghĩa nhân loại trung tâm, con người đã trở thành chủ nhân của thế giới và thế giới tự nhiên trở thành đối tượng chinh phục, đối tượng tiêu dùng của con người.

Con người không dừng lại ở việc hưởng lợi từ tự nhiên mà còn khai thác đến mức độ tận diệt, làm cho tự nhiên trở nên khô cằn, nghèo nàn, tuyệt chủng. Hành động đó của con người gây ra những thảm hoạ môi trường khủng khiếp và ngày càng dữ dội hơn. Môi trường, sinh thái trở thành vấn đề nóng bỏng, cấp bách với sự quan tâm của các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, và văn học cũng không đứng ngoài cuộc: “Nguy cơ sinh thái tự nhiên, nguy cơ sinh thái xã hội, nguy cơ sinh thái văn hoá với rừng khô, suối cạn, đất mòn, tinh thần thất lạc, đạo đức xuống cấp, tâm thái mất cân bằng… đẩy nhân loại vào lo âu, mất mát, tổn thương. Và đó chính là động cơ sáng tác, cảm hứng sáng tác mạnh mẽ đối với các nhà văn, khiến họ viết ra những tác phẩm văn học chuộc lỗi với tự nhiên – văn học sinh thái”[2]. Văn chương Việt Nam đương đại đã có những tác giả sáng tác thành công về vấn đề sinh thái như Trần Duy Phiên, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Đặng bá Tiến, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Anh Thái…

Thơ Đặng Bá Tiến có sự phong phú, đa dạng về phương diện nội dung cảm hứng. Bên cạnh “Linh hồn tiếng hú” – thơ viết về rừng, còn “Những vọng âm khác” và mảng “Thơ tình”. Điều này dễ hiểu vì trong cõi nhân sinh, tâm hồn nhà thơ rung động bởi nhiều hiện tượng đời sống xã hội, bao trạng thái nhân tình, bao cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, đọc “Đặng Bá Tiến – Thơ chọn” (NXB Hội Nhà văn, 2022) vẫn thấy cảm hứng chủ đạo, xuyên thấm, ám ảnh và giàu ý nghĩa hơn cả, đó là cảm hứng sinh thái. Vào những thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước, lý thuyết về văn học sinh thái, phê bình sinh thái còn chưa phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến xuất phát từ cảm thức cá nhân trước những hiện tượng thiên nhiên và đời sống mà nhà thơ trải nghiệm. Trong thơ ca Việt Nam đương đại, không mấy nhà thơ viết về rừng Tây Nguyên nhiều và sâu đậm, ám ảnh như Đặng Bá Tiến. Bên cạnh trường ca Rừng cổ tích, anh còn có trên trăm bài thơ viết về rừng, về con người và văn hoá truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Là người đã trải nghiệm vùng đất và con người Tây Nguyên, chứng kiến bao sự việc, bao hiện tượng, bao biến thiên thăng trầm của đời sống, Đặng Bá Tiến đau nỗi đau của rừng, nỗi đau của người mất rừng, nỗi đau sinh thái. Với tâm hồn nhạy cảm, anh đã thể hiện cảm xúc của mình bằng những lời thơ thiết tha, day dứt không nguôi. Đúng như nhà nghiên cứu Phạm Quốc ca đã viết: “Ám ảnh, nhức nhối nhất trong thơ ông (ĐBT) vẫn là những vấn đề liên quan đến tình trạng mất rừng và rộng ra là sự mai một, tan rã của văn hoá rừng Tây Nguyên”.[3]

Ở trường ca Rừng cổ tích, mạch tự sự như một thân cây leo để cảm xúc toả ra như những chùm hoa lá. Cảm xúc đi từ niềm hạnh phúc ấm áp của nhân vật trữ tình dưới mái rừng dấu yêu, niềm mến yêu thiết tha, rạo rực trước vẻ đẹp, sự phong phú của rừng. Tiếp đến là cảm giác bàng hoàng thảng thốt khi chứng kiến rừng bị xâm lấn vì nạn phá rừng làm nương rẫy, làm nơi ở, nhà cửa của người dân di cư hoặc bị tàn phá bởi các loại lâm tặc. Tây Nguyên mấy chục năm cuối thế kỷ trước đến thập niên đầu thế kỷ XXI, nạn phá rừng tràn lan khắp nơi. Những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý bị tàn phá hàng loạt không thương tiếc. Tiếng cưa máy, cưa tay xèn xẹt gầm rú ngày đêm nghiến vào cổ rừng, những chiếc xe tải lớn nối đuôi nhau rầm rầm chở gỗ về xuôi; những nông trại cà phê, tiêu, bắp đậu lấn sâu vào chân núi làm rừng thu hẹp dần: “Ngày ngày/ đêm đêm/ cứ vang vọng giữa rừng già/ tiếng rìu, tiếng cưa/ tiếng cú, quạ mất nhà/ tiếng hổ, báo thét gào chạy trốn/ tiếng cây đổ ào ào như bão cuốn/ anh đau đớn ngỡ mình bị chém ngang lưng!”. Hậu quả của mất rừng là những giá trị văn hoá rừng cũng tàn lụi: “trăng bức bối không còn chỗ tắm/ thuyền độc mộc nằm trơ trên bến vắng/ Ama tựa đầu ngồi nhấm nháp trăng suông…”. Căm giận, bức xúc, đớn đau khi chứng kiến rừng bị tàn phá, nhân vật trữ tình đã cùng đồng đội tiếp tục cuộc chiến bảo vệ rừng đầy gian khổ, cam go. Tất cả những nỗ lực bền bỉ với niềm tin rừng được hồi sinh, để lời kể khan lại vang vọng, nhịp chiêng rộn ràng hoà cùng điệu Ay ray duyên dáng trở về với buôn làng giữa đại ngàn kì vĩ.

Những tập thơ Hồn cẩm hương, Linh hồn tiếng hú tiếp tục phát triển mạch cảm hứng sinh thái được khơi lên từ Rừng cổ tích với độ rung cảm sâu sắc hơn, nồng nàn và thống thiết hơn. Nhà thơ hồi tưởng về đại ngàn một thuở xa xăm với vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp đầy những cây gỗ quý. Dòng Sê rê pốk cuộn trào với bao thác nước đẹp đến mê đắm lòng người và “hoa dã quỳ vàng rực đất trời”. Thú rừng, chim muông tự do sinh sôi,  những đàn voi Bản Đôn, Hồ Lắk làm nên vẻ đẹp kiêu hùng của núi rừng Tây Nguyên. Buôn làng giàu có với “những K’pan ngồi đủ cả bảy dàn chiêng”, những nhà dài với cầu thang mẫu hệ, ché túc, ché tang, Đing Năm, Đinh Tuk, ching Kram, Krá.[4] Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp hài hoà với những nét sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống đậm đà mà trung tâm là con người. Đó là những a ma, a mí, chàng trai, cô gái Ê đê với vẻ đẹp hoang sơ, dân dã, giàu chất thơ. Một A ma Kông nổi tiếng với nghề săn voi rừng, một Ma Té với chiếc tù và vang vọng, hình ảnh người đàn bà mang gùi lên rẫy hay chị nghệ nhân ngồi dệt thổ cẩm. Những nghề truyền thống như săn voi rừng, dệt thổ cẩm, đẽo tượng, gốm sứ, mây tre đan lưu truyền từ đời này qua đời khác.  Già làng với lời kể khan trầm ấm như vọng về từ sâu thẳm, vòng Xoang nhịp nhàng duyên dáng bên đống lửa chập chờn, điệu Ay ray trữ tình say đắm bên ché rượu cần ngất ngây. Khi viết về vẻ đẹp của rừng xưa và sinh hoạt văn hoá bản địa truyền thống, cảm hứng của nhà thơ dạt dào đắm đuối mến yêu tự hào.

Trở lại với thực tại nghiệt ngã là hình ảnh những cánh rừng bị huỷ diệt, những cây cổ thụ thưa dần và vắng bóng; xóm làng, nương rẫy lấn sâu vào chân núi. Cảm hứng cơ bản của thơ Đặng Bá Tiến trong mảng thơ về rừng là cảm hứng phê phán: phê phán thói cẩu thả, vô ơn của con người đối với thiên nhiên, gây nên những thảm hoạ môi trường: “Rừng xưa, giờ đã về đâu/ Hỏi ai đây giữa ngàn lau bạc màu?/ Ngàn lau xao xác u sầu:/ Rừng xưa đã hoá nỗi đau nhân tình!” (Trở lại rừng xưa). Không gian sinh tồn của cỏ cây muông thú bị thu hẹp, chim thú cũng vắng dần, đàn voi rừng, voi nhà Tây Nguyên có nguy cơ tuyệt chủng: “Giờ đại ngàn đã bỏ ta đi/ muông thú chỉ còn hồn lang thang trong gió/ cổ thụ chỉ còn ảo hình trong trí nhớ/ nòi giống ta cũng tan tác phiêu linh” (Lời con voi Bản Đôn). Nhà thơ đau đớn khi nghe tiếng máy cưa rít lên làm những thân cây chảy máu, đổ gục: “Tôi ngồi thương cội hương già/ Ngỡ cưa còn siết trên da thịt mình” (Trở lại rừng xưa). Sự tàn phá rừng làm môi trường tự nhiên thay đổi, biến dạng: rừng khô thì sông suối cạn, nguồn sống bị huỷ diệt: “Sê – rê – pốk ơi, nước đã về trời/ khi những cánh rừng/ mẹ của mạch nguồn suối mát/ đã trụi trơ bật gốc/ thì sông là đứa bé mồ côi/ rừng đã bỏ sông/ sông biết sống với ai/ sông khô héo thác cũng đành ngắc ngoải.” (Sê – rê – pốc mơ và thực).

2. Tư tưởng sinh thái hiện đại coi sinh thái là một hệ thống chỉnh thể bao gồm thiên nhiên, động thực vật và con người và tất cả các thành viên đều bình đẳng, tác động qua lại, nương tựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển.

Con người không còn là chủ nhân của thế giới mà là một thành viên của của thế giới, của hệ thống sinh thái. Con người là sinh thể xã hội và văn hoá, vì thế, nói đến sinh thái, không chỉ là vấn đề môi trường tự nhiên mà còn gắn chặt với nó là môi trường xã hội, văn hoá. Trong văn học, cảm hứng sinh thái tự nhiên kết hợp hài hoà với sinh thái xã hội, sinh thái văn hoá và nhân văn là điều tự nhiên và dễ hiểu. Với Đặng Bá Tiến, sự tàn phá thiên nhiên cũng là sự huỷ diệt một không gian văn hoá dân gian đặc sắc. Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, nên thơ và lịch sử, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc là không gian sinh thành và phát triển của của hình thức kể khan đặc sắc và là Không gian Văn hoá Cồng chiêng được thế giới vinh danh. Nhưng những sinh hoạt văn hoá dân gian của đồng bào dân tộc bản địa cũng mai một dần khi rừng bị tàn phá, môi trường sống bị thu hẹp. Những dàn chiêng Ê đê, M’ Nông, Ba Na, J’rai vang bóng một thời, nay chỉ còn là hình ảnh đầy xót thương: “Chiêng K’ ná nằm dưới gầm giường bạc bẽo/ tháng một lần gõ cho Tây trắng, Tây đen nghe cười nhí nhố” (Chuyện của Ma Té). Những người chủ núi rừng, chủ nhân của vùng văn hoá dân gian ấy giờ đây mòn mỏi, âm thầm giấu kín tâm tư của mình sau cái vẻ lặng lẽ, trầm mặc, cam chịu. Vua săn voi Bản đôn đã “về bến nước” xa xăm khi rừng cạn kiệt. Tiếng tù và của Ma Té năm xưa dội vang rừng núi, “gọi Giàng về dự hội”, “gọi buôn gần buôn xa”, “gọi chim về trên mái nhà ấm khói” giờ đây cũng lạc lõng, tội nghiệp: “Giờ tù và Ma Té thổi trên sân khấu, xa xôi/ Giàng không nghe, chim không nghe/ Chỉ cái máy nghe rồi xập xình phụ hoạ.” (Chuyện của Ma Té). Già làng kể khan cũng dần khuất bóng, không còn âm hưởng sử thi vang vọng bên ánh lửa nhà dài. Những nghề truyền thống, những sinh hoạt văn hoá dân gian của người dân tộc thiểu số cũng mai một dần và chỉ còn trong hoài niệm. Nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ đã gác rìu vì rừng không còn gỗ; người chị dệt thổ cẩm không còn niềm hứng khởi của một nghệ nhân dệt hoa văn ngày xưa nữa mà chỉ biết thở dài nhớ về một thời huy hoàng quá vãng. Chiếc gùi của người đàn bà Ê đê siết nặng đôi vai vì đường lên rẫy ngày càng xa như giấc mơ một thời con gái trở nên xa vời. Nhà thơ không nén được tiếng khóc xót thương khi chứng kiến một “Dòng sông mồ côi” và hình ảnh “Độc mộc sầu thương nằm dười gầm sàn”, “chài lưới trở thành tổ chuột”, những quần tượng nhà mồ trở nên “cô độc”, hoang phế vụn vỡ, lở lói theo thời gian, “những đời tượng xiêu vẹo, quằn quại trong gió, trong sương lạnh”, để nỗi buồn dâng lên nuối tiếc. Nhà thơ cảm nhận nỗi đau của “Lời chiêng từ đất” khi phải xa rời những giá trị truyền thống để lạc lõng giữa thế giới hiện đại: “Đêm tôi nghe tiếng chiêng ngân lên âm …âm…u…u từ dưới chỗ tôi nằm./ Tiếng chiêng như đất thở, như gió rên, như tiếng người than từ nấm mồ sau hàng trăm năm bỏ mả/ Thoát ra từ kẽ đất ba – zan, tiếng chiêng ngái ngủ, ngượng ngùng, dụi mắt và ngơ ngác nhìn những người com lê, cà vạt, những toà nhà cao tầng phọt ra âm thanh chát chúa của “rock thế giới”, “rock Tây Nguyên” (Lời chiêng từ đất). Bằng cảm xúc chân thành, thiết tha, nồng cháy với rừng, với con người và văn hoá truyền thống bản địa Tây nguyên, Đặng Bá Tiến đã cất lên thông điệp thống thiết: “Hãy cứu lấy những cánh rừng, cứu lấy đại ngàn, cứu lấy một không gian văn hoá và di sản văn hoá đặc sắc của Tây Nguyên, của Đắk Lắk đang bị bị tàn phá và có nguy bị cơ huỷ diệt”.[5] Có thể cảm nhận được tiếng kêu cứu bền bỉ, róng riết, “nghiêng ngả đại ngàn đảo điên cổ thụ” (Rừng cổ tích) của Đặng Bá Tiến đã thấu đến cao xanh, hoà âm với những tiếng nói nghệ thuật khác, tác động vào hiện thực cuộc sống, vào tâm tâm tư, tình cảm của con người, góp phần làm thay đổi thái độ và hành động đối với rừng, với không gian văn hoá Tây Nguyên. Đến nay, nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, rừng Tây Nguyên đang dần được phục sinh, không gian văn hoá Tây Nguyên được quan tâm bảo tồn và phát huy với những dấu hiệu tích cực. Sự kết hợp phát triển kinh tế rừng với du lịch sinh thái, du lịch văn hoá đã đạt được những kết quả bước đầu và thấp thoáng ánh sáng những triển vọng.

3. Cảm hứng sinh thái nổi bật chi phối phương thức thể hiện và sự lựa chọn chất liệu nghệ thuật.

Giọng điệu: Thơ sinh thái của Đặng Bá Tiến có giọng điệu trữ tình thống thiết, dư âm buồn thương khắc khoải không dứt, không nguôi. Giọng điệu buồn thương đắng đót ấy phản ánh tâm trạng nhân vật trữ tình ở một giai đoạn bi kịch khi rừng bị tàn phá nặng nề, kiệt quệ; không gian văn hoá bị biến dạng, sản phẩm văn hoá bị mai một dần. Khoa học, kỹ thuật phát triển, đời sống vật chất được cải thiện nhưng bệnh tật thì nhiều hơn, phức tạp hơn và con người đứng trước những dự cảm hãi hùng về một tương lai bất định, bất an. Thơ anh có tiếng khóc, có nước mắt của rừng, của sông suối và con người: “Sê – rê – pốc ơi/ ta khóc cho dòng sông khúc đời lận đận/ ai đã khiến cho Mẹ Rừng hiu hắt…” (Dòng sông mồ côi), “ – Sê – rê – pốk ơi…/ tôi gào gọi tên sông trong nước mắt ròng ròng…”(Sê – rê – pốk mơ và thực). Hình ảnh người thợ dệt thổ cẩm trong đêm gợi lên tâm tư và thân phận của bao kiếp người trong cuộc đời dâu bể: “Rồi chị dừng tay lau nước mắt/ chị không muốn nước mắt mình rơi ướt hoa văn/…/ cũng là cái hoa văn lênh đênh trên thổ cẩm/ như một mảnh linh hồn/ mai gió dạt về đâu” (Chị ngồi dệt trong đêm). Cảm thức sinh thái, ám ảnh những thảm hoạ sinh thái, nhà thơ xót thương, cảm thấu cả nỗi đau của linh hồn tượng gỗ: “Có một đêm ở Bản Đôn không ngủ/ tôi đã thấy những tượng nhà mồ lã chã nước mắt/ khóc cùng trăng cùng sương…” (Nước mắt tượng nhà mồ). Thoảng hoặc trong thơ thấy những lời than buốt nhói: “Ta với bạn rừng mà bỗng bơ vơ/ không thú, không cây, không cả làn gió mát/ buồn, ôm ché uống hoài không trôi hết/ nỗi nhớ rừng nghẹn đắng giữa lòng ta!” (Ây Nô nhớ rừng). Cảm giác mất mát, hụt hững với những câu hỏi nuối tiếc không dứt, không nguôi: “Đâu rồi những nhà dài, dài hơn cả tiếng chiêng ta…?/…/Đâu rồi con voi một ngà, đâu rồi bầy công ngũ sắc bỏ rừng về nhảy múa đầu buôn khi nghe tiếng chiêng ta?” (Lời chiêng từ đất). Những câu hỏi tu từ theo dạng phủ định xuất hiện với mật độ khá dày ám gợi sự mất mát: “Còn đâu những tháng ba trời đất thơm lừng”, “Còn đâu điệu múa xoè của những bầy công”, “Đâu rồi lũ con gái con trai từ bảy buôn xa, từ chín làng gần…”. Những câu cảm thán cũng xuất hiện khá nhiều góp phần tạo ra giọng điệu bi thương: “Thần linh ơi”, Giàng ơi”, “Hỡi ông bà tổ tiên”, “hỡi Giàng trên cao xa kia”, “Ôi giấc mơ thì xa mà nỗi cơ cực lại quá gần”, “Ôi cái thời rừng trùng điệp vây quanh”… Giọng điệu trữ tình thống thiết được thể hiện bằng âm điệu tiếng khóc, tiếng than, những câu hỏi tu từ, những câu cảm thán khá phổ biến, tạo ra những dư âm buồn thương khắc khoải như là lời sám hối của lương tri con người, từ đó gợi lên khát vọng giữ gìn, bảo bệ môi trường sinh thái.

Cấu tứ và hình tượng: Thơ Đặng Bá Tiến có tứ thơ mới mẻ và khá độc đáo. Cảm xúc tha thiết, nồng cháy kết hợp chất suy tư sâu lắng tạo nên chất thơ riêng, một dấu triện riêng không hoà lẫn. Nhiều bài thể hiện trực tiếp cảm xúc của nhân vật trữ tình như Trở lại rừng xưa, Dòng sông mồ côi, Nước mắt tượng nhà mồ…Ở đây, chủ thể và đối tượng trữ tình chan hoà vào nhau, đồng cảm, đồng điệu. Có nhiều bài, anh hoá thân vào một hình tượng cụ thể như dòng sông, dòng suối, con voi, con người… biến khách thể thành chủ thể để bộc lộ  cảm xúc và suy tưởng, ký thác tâm sự hay giãi bày nỗi niềm như các bài: Đray Nu, Tiếng tù và Ma – Kông, Lời chiêng từ đất, Người đàn bà mang gùi, Lời con voi Bản Đôn, Chuyện của Ma – Té, Chuyện về Hồ Lắk, Chuyện không hót. Hình tượng thơ Đặng Bá Tiến thường được xây dựng bằng lối tương phản, tương phản xưa – nay, còn – mất, mơ – thực, tương phản giữa một thế giới phong phú, tươi đẹp (xưa) và một thế giới tàn úa, hư hao (nay). Nhà thơ đã tạo ra một thế giới nghệ thuật với nhiều hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp đẽ, kì thú, một không gian văn hoá đa dạng, giàu bản sắc độc đáo. Nhưng đó là thế giới hình ảnh của hoài niệm, trong tâm tưởng, là rừng xưa thấp thoáng ẩn hiện trong giấc mơ của già làng, còn hiện tại là nỗi buồn thương khắc khoải, là cảm giác mất mát, hư hao khi rừng khô, suối cạn, động thực vật hao kiệt, văn hoá truyền thống mai một dần, con người trở nên cô đơn, bơ vơ với những dự cảm mất mát, tinh thần thất lạc. Đây là cách xây dựng hình tượng phổ biến trong thơ sinh thái của Đặng Bá Tiến.

Ngôn ngữ và hình ảnh: Thơ Đặng Bá Tiến rất giàu hình ảnh được chọn lọc từ chất liệu thiên nhiên, chất liệu đời sống, văn hoá mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Nhờ có vốn sống phong phú, khả năng quan sát và cảm nhận tinh tế, anh phát hiện những ý tưởng, rung động cảm xúc từ những sự vật, con người bình dị. Kết hợp những hình ảnh thực tế với hình ảnh hoài niệm, tâm tưởng, những hình ảnh tả thuật với những hình ảnh có yếu tố siêu thực, mờ ảo, giàu sức gợi: “Đêm tôi nghe tiếng chiêng ngân lên âm…âm…u…u từ dưới chỗ tôi nằm,/…/ Thoát ra từ kẽ đất ba – zan, tiếng chiêng ngái ngủ, ngượng ngùng, dụi mắt và ngơ ngác nhìn những người com lê, cà vạt…”, “Và tôi thấy mình bồng bềnh trôi miên man trên dòng sông hư ảo, thấy những con người trong suốt, những cái chiêng trong suốt múa lượn trong hào quang của một hoàng hôn đã tắt” (Lời chiêng từ đất). Thơ anh có những hình ảnh đơn lẻ nhưng chủ yếu là những chùm hình ảnh lung linh sắc màu được gợi lên dồn dập để diễn tả tận cùng cảm xúc và suy tưởng: “Sê – rê – pốc trong ký ức tôi/ có ba mươi mùa buồn vui/ ba mươi mùa với những đêm mơ đầy lá xanh, đầy tiếng chim reo trộn lẫn những đêm mơ chập chờn vũ điệu cánh đen bầy quạ đói/…/ những bầy công trong nắng mai xoè xiêm y ngũ sắc lượn bay với bạn tình/ những thảm cỏ xanh trưa vàng có chú nai con nằm day vú mẹ/ tiếng gà rừng chiều lung linh dập dờn trong khóm lá/ ai hú gọi đến uống mật ong rừng” (Sê – rê – pốc mơ và thực). Ngôn ngữ thơ Đặng bá Tiến giản dị, giàu chất liệu đời sống, giàu nhịp điệu và nhiều sáng tạo; có những bài thơ không vần hoặc ít vần nhưng nhạc tính vẫn phong phú. Tác giả dùng khá phổ biến các hiện tượng điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp, các hiện tượng láy, từ cảm thán, các hiện tượng chuyển đổi cảm giác, chuyển nghĩa từ, những câu hỏi tu từ…để biểu hiện nhiều cung bậc cảm xúc và suy tưởng.

Thơ Đặng Bá Tiến chủ yếu sáng tác theo thi pháp truyền thống nhưng đã có những sáng tạo mới mẻ. Anh viết thơ tự do, kết hợp linh hoạt nhiều thể thơ câu dài, câu ngắn khác nhau. Có những bài thơ ngắn gọn, mỗi bài chỉ có vài câu thơ hoặc những chùm tứ tuyệt ghi nhận ấn tượng, cảm xúc lướt qua trong thoáng chốc. Có những bài thơ dài như những khúc trường ca mà cảm xúc và suy tưởng được nung nấu đến cháy bỏng, như: Sê – rê – pốc mơ và thực, Lời chiêng từ đất, Nước mắt tượng nhà mồ, Người đàn bà mang gùi, Khúc xuân chép ở Bản Đôn…Thơ anh không phải bài nào cũng hay, có sức lay động và chinh phục lòng người. Cũng có những bài thơ tạo những ấn tượng nặng nề, u uất, đôi khi có cảm giác căng thẳng; cũng có những bài cảm xúc và hình ảnh còn đơn giản, dễ dãi. Nhìn chung, qua hành trình sáng tạo, Đặng bá Tiến đã thành công trên nhiều lĩnh vực báo chí, nhiếp ảnh, thơ ca với những tác phẩm gây được tiếng vang trong và ngoài nước. Đặc biệt, cảm hứng sinh thái nổi bật được thể hiện trong nhiều tác phẩm thơ là thành công xuất sắc, đóng góp quan trọng và đầy ý nghĩa của anh đối với vườn thơ Tây Nguyên và thơ ca đương đại Việt Nam.

Chú thích:

[1] Chữ dùng của nhà thơ Lê Đạt

[2] Nguyễn Thị Tịnh Thy, Rừng khô, suối cạn, biển độc…và văn chương, NXB. Khoa học Xã hội, 2017, tr. 82.

[3] Phạm Quốc Ca, “Thơ Đặng Bá Tiến và nỗi đau mất mát của đại ngàn Tây Nguyên”, Đặng Bá Tiến, Thơ chọn, NXB. Hội Nhà văn, 2022, tr. 422.

[4] Đing Năm, Đing Tuk, Ching Kram, Ching Krá: Những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

[5] Nguyễn Phương Hà, Từ một vùng văn hóa, NXB. Văn hóa dân tộc, 2022, tr. 75.

3/4/2024

Nguyễn Phương Hà

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân" “Ngày 24/04/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thả...