Sách đề tên "Trần Nhật Duật,
Trần Quốc Toản" là ngụy
tạo
Minh Châu Thứ tư, “Lĩnh Nam dật sử” thực chất là một cuốn tiểu thuyết hoa tình được ấn hành khoảng cuối triều Càn Long (cuối thế kỷ 18), chứ không phải sách Việt có niên đại cuối thế kỷ 13.
Mới đây, một số trang bán sách online đăng bán cuốn
sách Lĩnh Nam dật sử. Bìa sách ghi ấn phẩm do Trường Phương books và NXB
Văn học liên kết thực hiện, đề tên tác giả gồm 4 người là “Ma Văn Cao, Trần Nhật
Duật, Trần Quốc Toản, Trương Hán Siêu”, do Bùi Đàn dịch.
Không phải sách Việt có niên đại cuối thế kỷ 13
Theo giới thiệu của đơn vị xuất bản, Lĩnh Nam dật sử không
chỉ là một bộ sách chứa đựng tri thức phong phú mà còn là một tác phẩm nghệ thuật
xuất sắc với lối viết tiểu thuyết Trung Hoa cổ điển độc đáo. Với 3 quyển, 28 hồi,
mỗi trang sách đều mang đến những câu chuyện đậm chất và màu sắc đặc trưng.
Người sáng tác tác phẩm này là ông Ma Văn Cao, một người Mường,
bộ sách này đã được dịch từ ngôn ngữ Man sang Hán văn, ghi dấu một trang lịch sử
quan trọng trong văn hóa và văn học Việt Nam”.
Tuy nhiên, Lĩnh Nam dật sử thực chất là một cuốn tiểu
thuyết hoa tình được ấn hành khoảng cuối triều Càn Long (cuối thế kỷ 18), chứ
không phải sách Việt có niên đại cuối thế kỷ 13.
Tại Việt Nam tồn tại hai bản dịch Lĩnh Nam dật sử, một
là của Nguyễn Hữu Tiến đăng dài kỳ trên Nam Phong tạp chí (từ số 40) năm 1921
và hai là bản dịch của Bùi Đàn in thành sách tại Sài Gòn năm 1968 (Thực ra là sự
tham khảo bản gốc và bản dịch năm 1921, nhưng được ấn hành thành sách hoàn chỉnh).
Trong bài báo Ngư nhàn có phải là thơ của Dương Không Lộ,
nhà nghiên cứu Đỗ Phương Lâm cho biết: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cho đăng trên
Nam Phong tạp chí (số 40, 07.1921) bản dịch tiểu thuyết Lĩnh Nam dật sử kèm
theo lời giới thiệu rằng đó là tác phẩm của Ma Văn Cao, một nhà văn người sắc tộc
Dao ở vùng núi tỉnh Hòa Bình ngày nay, sáng tác bằng chữ sắc tộc thiểu số vào
cuối đời Lý (thế kỷ XI) và đã được Trần Nhật Duật dịch ra chữ Hán từ năm 1297.
Một “phát hiện” thật bất ngờ nhưng cũng để lại nhiều ngờ vực.
Sau đó, Lĩnh Nam dật sử liên tục được giới thiệu trên các sách báo và
nghiễm nhiên được coi là một tác phẩm “có niên đại” vào đời Trần.
Nhưng cuối cùng thì các nhà thư tịch học đã giải quyết xong vấn
đề gốc gác của tiểu thuyết này: Đó là một tác phẩm nguyên của Trung Quốc, có
tên là Hội đồ Lĩnh Nam dật sử, ra đời vào cuối thế kỷ 18.
Sở dĩ có sự nhầm lẫn này của ông Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến là
vì sách Hội đồ Lĩnh Nam dật sử đã bị ai đó “chế biến” lại, thay đổi
tên tác giả, tác phẩm, sửa chữa chút ít về nội dung và bài tựa, rồi bán cho Thư
viện Viễn Đông bác cổ để kiếm hời. Đông Châu chỉ mới xem được có một bản sao
kém cỏi này đã vội đưa ra kết luận, khiến suýt nữa tác phẩm này lại trở thành mối
hoài nghi của nhiều thế hệ sau.
Nguy cơ “dĩ ngoa truyền ngoa”
Chia sẻ với ZNews – Tri thức, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường – Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm – cho biết các nhà nghiên cứu Hán Nôm và văn học
Trung đại Việt Nam đều đã biết rõ từ lâu: sách Lĩnh Nam dật sử là ngụy
tạo, chép lại từ tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc có niên đại cuối thế kỷ
18, chứ không phải sách Việt có niên đại cuối thế kỷ 13.
Điều này đã được nhiều người nói rõ, như PGS Trần Nghĩa
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã trình bày trong bài Sơ bộ tìm
hiểu tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam, đăng trên Tạp chí
Hán Nôm số 1.1994.
Theo đó, trên Tạp chí Nam phong, từ số 48, Nguyễn Hữu Tiến
có dịch và giới thiệu bộ tiểu thuyết chương hồi nhan đề Lĩnh Nam dật sử mà
theo lời tựa của sách thì tác phẩm này do Trần Nhật Duật người đời Trần dịch từ
chữ Hán ra Hán văn. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đổng Chi, tác giả Việt Nam cổ văn
học sử từng cảm nhận: “Xét câu văn và lối sắp đặt thì còn hồ nghi lắm” (VNCVHS,
Nxb. Hàn Thuyên, 1942, tr.273).
Trong Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục của
Tôn Giai Đệ xuất bản 1958, ở trang 150 cho biết lai lịch của Lĩnh Nam dật
sử. Theo đó, tác phẩm này 28 hồi, khắc in vào năm Gia Khánh thứ 14 (1809) đời
nhà Thanh. Sách do Hoàng Nại Am người đời Thanh soạn. Trong sách có ghi “Hoa
Khê Dật Sĩ biên thứ: Túy Viên Cuồng khách bình điểm; Trác Trai Trương Khí Giã
và Trúc Viên Trương Tích Quang đồng tham hiệu”.
Đầu sách có bài tựa của Tây Viên Lão Nhân viết năm Giáp Dần,
Càn Long thứ 59 (1794), một bài tựa nữa của Trương Khí Giã. Bản Văn Đạo Đường
thiếu hai bài tựa trên, nhưng lại có bài tựa của Lý Mộng Tùng viết năm Tân Dậu,
Gia Khánh thứ 6 (1801) và một bài Phàm lệ gồm 4 mục. Nại Am người Quảng Đông.
Tên thực cũng như quê hương bản quán, chờ tra cứu.
Riêng bộ Lĩnh Nam dật sử 28 hồi hiện có trong kho
sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.856/1-3, ghi: “Ma Văn Cao hiệu Dịch Sơn
Động Sĩ người vùng sông Đà sáng tác, Nhật Duật tức Chiêu Văn Vương dịch và đề tựa
năm Hưng Long Đinh Dậu (1297), Quốc Toản tước Hoài Văn Hầu hiệu chính, Trương
Hán Siêu hiệu Thặng Am bình luận”. Đây chỉ là một ngụy tác như trên kia đã chứng
minh.
Trên thực tế, Việt Nam không có một cuốn tiểu thuyết chương hồi
nào ra từ đời Trần.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cũng chia sẻ: “Tiếc là gần đây người
ta đem bản dịch cũ in lại, nhưng không biết lai lịch của sách, vẫn giữ tên các
vị danh nhân “Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Trương Hán Siêu” để câu khách,
thành nguy cơ “dĩ ngoa truyền ngoa”. Nếu đọc bản dịch này để thưởng thức một tiểu
thuyết chương hồi của Trung Quốc thì được, chứ gắn tác giả, người dịch, người đề
tựa, người bình luận là danh nhân Việt Nam thời Trần thì không đúng”.
6/4/2024
Minh Châu
Nguồn: Tạp Chí Tri Thức
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét