Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại Việt Nam

Thơ 1-2-3 trong không gian
văn học đương đại Việt Nam

Hội thảo Khoa học Quốc tế “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ” vừa diễn ra tại Trường Đại học Tây Đô, thành phố Cần Thơ vào cuối tháng 3.2024, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự. Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca đã trình bày tham luận “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại Việt Nam” được hội thảo đánh giá cao. Vanvn trân trọng giới thiệu lại bài nghiên cứu đặc biệt này đến bạn đọc.
Chủ tọa và đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ”
Với các phương pháp khảo sát, thống kê, so sánh, phỏng vấn,… cùng các thao tác bình luận, chứng minh,… bài viết tìm hiểu các đặc trưng thể loại thơ 1-2-3, một thể loại thơ hiện đại, mới xuất hiện gần đây và nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà thơ và các nhà lí luận phê bình văn học ở Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả trình bày những đặc trưng cơ bản của thể loại thơ 1-2-3 như đề tài, chủ đề, cấu trúc,… Bên cạnh đó, tác giả khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Phan Hoàng (người sáng lập thể thơ) và một số nhà thơ khác ở Việt Nam nhằm nhận diện các đặc trưng và ghi nhận đóng góp của thể thơ này trong dòng văn học Việt Nam đương đại.
1. Mở đầu
Sáng tạo trong thơ nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung là sáng tạo có mục đích và là bản chất của nhận thức về nghệ thuật. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, không chấp nhận sự lặp lại và dễ dãi trong sáng tác. Nhà thơ luôn là người có ý thức cao trong cách vận dụng ngôn từ, đi từ hình ảnh đơn giản, chân phương cho đến việc xây dựng chất liệu đó đạt đến tính hình tượng. Để đạt đến tính hình tượng trong thơ đòi hỏi nhà thơ, nhà văn nói chung phải trải qua quá trình lao động nghiêm túc, vừa nghiêm túc vừa sáng tạo, tìm ra hướng đi mới cho thơ,… đạt đến sự khác biệt và tạo nên phong cách. Ông Phạm Văn Đồng cho rằng: “Văn học nghệ thuật là một mặt hoạt động của con người nhằm hiểu biết, khám phá, và sáng tạo thực tại xã hội”; “Cái mới là cái đẹp. Cái mới là đối tượng, là nội dung, là mục đích của người nghệ sĩ” (Phạm Văn Đồng, 1969, tr.126). Nhà thơ nếu không tìm được hướng đi cho mình về phong cách và sự sáng tạo ngôn ngữ, sáng tạo về hình thức,… thì cũng thể xem như là bế tắc.
Trong gần một thập niên trở lại đây, một thể loại thơ trữ tình được sáng tác theo một hình thức mới được nhà thơ Phan Hoàng sáng tạo ra – thơ 1-2-3. Là một nhà thơ nghiêm túc với nghề, Phan Hoàng luôn ý thức được vấn đề sáng tạo trong nghệ thuật là một nguyên tắc và là tôn chỉ của bản thân trong hoạt động nghệ thuật. Sau thời một gian thể loại thơ 1-2-3 ra đời, ban đầu, các nhà lí luận phê bình, các nhà thơ cũng nghi ngại về giá trị của nó trong thực tiễn sáng tác. Tuy nhiên, không lâu sau đó, có nhiều nhà thơ đã đi từ tò mò, thích thú đến sáng tác, xuất bản bằng hình thức này và thơ 1-2-3 dần trở thành một hiện tượng văn học đương đại ở Việt Nam.
Một thể loại thơ không tiêu đề mà lấy dòng thơ đầu tiên làm tiêu đề thì đúng là chưa từng thấy ở Việt Nam và thế giới. Phát biểu tại buổi Toạ đàm về Thơ 2023 tại thành phố Cần thơ, tác giả Phan Hoàng cho rằng: “Cách sử dụng một dòng thơ đầu tiên để làm tiêu đề cho bài thơ cũng xuất phát từ thực tế, tránh đạo thơ hiện nay, và bản thân cũng muốn tìm ra một hướng đi mới cho thơ và đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho văn chương nước nhà”. Với sự mới lạ về một thể loại thơ mới, thể loại thơ đang được quan tâm nhiều ở Việt Nam, tác giả bài tham luận trình bày một số nội dung liên quan đến thể loại thơ 1-2-3 như: một số nội dung về tác giả, hoàn cảnh ra đời của thể loại thơ 1-2-3; đặc trưng thể loại thơ 1-2-3 nhìn từ thi pháp học; điểm mới và đóng góp của thơ 1-2-3 trong dòng văn học đương đại. Bài viết giới thiệu và ghi nhận những giá trị mà thể loại thơ này mang lại trong “bức tranh” văn học Việt Nam – bức tranh mà các nhà nghiên cứu cho rằng sự đóng góp của thể loại thơ còn khá khiêm tốn so với các thể loại còn lại trong nền văn học đương đại.
2. Nội dung
Về phạm vi khảo sát: Trong bài viết này tác giả tiến hành khảo sát các chùm thơ 1-2-3 của nhà thơ Phan Hoàng, đồng thời cũng là người sáng lập thể thơ 1-2-3; khảo sát các tập thơ: Thủ thỉ phù sa – tác giả Nguyễn Đinh Văn Hiếu, NXB Hội Nhà văn, 2022; Vọng núi – Trần Nguyệt Ánh, NXB Hội Nhà văn, 2022; Lối sen sương – Vũ Thanh Thủy, NXB Văn hóa Dân tộc, 2022; Phòng hờ hơi ấm – Hoàng Hải Phương, NXB Hội Nhà văn, 2022; Những ký tự xê dịch – Trần Thanh Dũng, NXB Hội Nhà văn, 2023; Những cánh hoa mở đêm, Phạm Thị Phương Thảo, NXB Hội Nhà văn, 2023; Hoa rong mùa bấc – Trần Nhã My, NXB Hội Nhà văn, 2024; Những đóa hoa khẽ hương – Bùi Thanh Hà, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024.
Bên cạnh đó, các chùm thơ của các tác giả chưa xuất bản cũng được khảo sát: Lê Phượng, Vũ Hà, Phạm Phương Lan, Hà Phi Phượng, Trần Thị Hồng Anh, Đỗ Thu Hằng, Lưu Minh Hải, Nguyễn Đức Bá, Vũ Trần Anh Thư, Đặng Toán, Hà Vinh Tâm, Khang Quốc Ngọc, Mai Thìn, Đặng Tường Vy, Hoài Thơ, Lê Đỗ Lan Anh, Võ Hoàng Phương, Bình Địa Mộc, Đỗ Xuân Thu, Bảo Ngọc, Đoàn Thị Diễm Thuyên, Trần Thùy Linh, Nguyễn Hồng Linh, Trương Mỹ Ngọc, Nguyên Trân, Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Kim Khánh, Lương Mỹ Hạnh, Trần Huy Minh Phương, Võ Văn Thọ, Tạ Hùng Việt, Trần Thị Bảo Thư, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Vũ Tuyết Nhung, Huỳnh Khang, Lê Thanh Hùng, Võ Văn Trường, Nguyễn Tiến Nên, Doãn Thụy Như, Lê Văn Ri, Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Hà Nguyên, Lê Kim Phượng, Thanh Yến, Nguyễn Hữu Thông, Đặng Văn Thắng, Khuê Anh, Ngọc Tình, Nguyễn Thị Lai, Mai Xuân Thắng, Trần Mai Ngân, Hồ Trung Chính, Trần Thế Vinh, Quách Mộc Ngôn, Nguyễn Quỳnh Anh, Võ Thị Như Mai, Nguyễn Minh Ngọc Hà, Trần Thu Hằng, Lê Hải Kỳ, Lê Thị Ngọc Nữ, Lê Lệ Thủy, Trần Văn Chính, Doãn Minh Trịnh, Mai Hân Hạnh, Phạm Thị Hồng Thu, Thanh Trần, Châu Mộng Thúy, Đỗ Mạnh Hùng, Phan Minh Thoại, Phan Phương Loan, Cao Ngọc Toản, Tặng Vũ, Đỗ Thu Yên, Trần Thị Ngọc Tuyết, Lê Tuyết Lan, Vương Thanh Lan, Đình Giao, Hoàng Thị Bích Hà, Vũ Kim Liên, Hồ Loan, Như Hoa, Nguyễn Đại Duẫn, Lê Hồng Trứ, Chu Giang Phong, Trần Ngọc Hoàng Anh, Nguyễn Trọng Lĩnh, Nguyễn Thế Thanh, Phạm Tuyết Hạnh, Đoàn Hạnh, Hồ Xuân Đà, Hạ Như Trần, Sang Trương, Mai Bá Ấn, Châm Võ, Nguyễn Kim Lan, Phan Thảo Hạnh, Vũ Việt Thắng, Lương Sơn, Nguyễn Hương Lan, Dương Vũ, Lê Hương, Lương Ngọc Đại, Như An, Hải Trần, Chiên Nguyễn… và nhiều tác giả khác.
2.1. Tác giả và hoàn cảnh ra đời thơ 1-2-3
* Nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng
Nhà thơ Phan Hoàng sinh ngày 10.10.1967 phía hữu ngạn cuối sông Đà Rằng (hạ nguồn sông Ba) thuộc thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ học Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng làm phóng viên – biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Chủ biên tờ Người Đương Thời.
Nhà thơ Phan Hoàng nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành – Trưởng ban Nhà văn trẻ kiêm phụ trách báo chí – truyền thông Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VI (2010-2015), Phó Chủ tịch Thường trực Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VII (2015-2020), Chủ nhiệm Văn phòng miền Nam Báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (2020-2025), Giám đốc – Chủ biên Vanvn.vn.
Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng được dịch sang tiếng Anh (xuất bản ở Canada năm 2022), sau đó được dịch và xuất bản ở Hungary. Tập thơ được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube của nước Hungary năm 2023. Trước đó tập thơ này đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012.
Nhà thơ Phan Hoàng hiện đã xuất bản nhiều tập thơ, trường ca, ký sự, tản văn, phỏng vấn,… và đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Thể loại thơ 1-2-3 được xem là đóng góp đáng kể của tác giả cho sự sáng tạo trong văn chương đương đại. Việc sáng tạo ra một thể loại thơ mới như thơ 1-2-3 thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc của nhà thơ và phản ánh đặc điểm của nghệ thuật nói chung là luôn sáng tạo, nhiệt huyết, thậm chí là khổ luyện.
Trả lời phỏng vấn nhà báo, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế trên báo Tinh hoa Việt, nhà thơ Phan Hoàng bày tỏ: “Từ trải nghiệm của mình, tôi muốn góp phần tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ mới bước vào nghề, nhất là những bạn có tài năng và nội lực có thể đi đường dài…” (Nguyễn Tham Thiện Kế, 2021). Hiện tại, thể loại thơ được sự đón nhận nồng nhiệt của nhiều nhà thơ trẻ và dần trở thành một hiện tượng văn học Việt Nam Nam đương đại.
* Về hoàn cảnh ra đời của thể loại thơ 1-2-3
Tác giả có dịp tiếp xúc với Phan Hoàng vào tháng 6 năm 2023 và được nghe nhà thơ trình bày tham luận của mình các vấn đề về thơ (Tọa đàm Thơ 2023 tại thành phố Cần Thơ), trong đó ông có bàn luận, trình bày về đặc điểm và hoàn cảnh ra đời của thơ 1-2-3. Như đã nói ở trên, Phan Hoàng là người lao động nghệ thuật lâu năm trong nghề, trách nhiệm, nhiều trăn trở về thơ. Nhà thơ luôn tìm tòi, sáng tạo cho thơ và muốn đóng góp phần công sức, trí tuệ của mình cho nghệ thuật nước nhà, cụ thể là sáng tác thơ. Đây là một trong những yếu tố trọng yếu thúc đẩy nhà thơ sáng tạo ra một thể loại thơ được nhiều nhà thơ đương đại đón nhận.
Trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Tham Thiện Kế và nói về hoàn cảnh ra đời của thơ 1-2-3 tại buổi Tọa đàm Thơ 2023 ở thành phố Cần Thơ, tác giả cho biết trong một lần đi du lịch để tìm hướng đi mới cho thơ đã hình thành một thể loại thơ mới – thơ 1-2-3. Nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng cho biết:
“Năm 2018 là một năm đầy “biến động” đối với tôi. Từ bỏ nhiều hoạt động xã hội, tôi tranh thủ thời gian du lịch nhiều nơi, tập trung đọc sách, nghiên cứu tìm con đường mới cho sáng tác. Sau chuyến tham quan hai thành phố lớn Moskva và Saint Petersburg đầy ấn tượng về văn hoá Nga, trên chuyến bay trở về khi ngang vịnh Ba Tư ở Trung Đông tự dưng tôi nảy ra ý tưởng thể nghiệm một hình thức thơ mới gọi là Thơ 1-2-3” (Nguyễn Tham Thiện Kế, 2021).
2.2. Đặc trưng thơ 1-2-3
* Đặc trưng về đề tài
Khảo sát các tập thơ đã xuất bản và các chùm thơ của một số tác giả, chúng tôi cho rằng: thơ 1-2-3 rất đa dạng về đề tài hay nói cách khác không giới hạn về đề tài. Một số đề tài tác giả ghi nhận như: đề tài về thiên nhiên, đề tài tình yêu đôi lứa, đề tài về tình yêu quê hương, đề tài về lịch sử văn hóa,… Thơ 1-2-3 cốt là ở sự “tinh” không quan trọng là viết về đề tài gì. Thơ là tiếng nói của nội tâm, giải bày tâm trạng, nỗi niềm của một ai đó,… riêng thơ 1-2-3 đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm của tác giả. Chính Phan Hoàng cũng chia sẻ: “Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện… Tôi rất ngạc nhiên và vui khi ngày càng có nhiều nhà thơ, cây bút chọn thể thơ 1-2-3 để giải bày những tâm tư, cảm xúc, trăn trở… của mình. Nhiều tập thơ 1-2-3 ra đời. Sự thành công của thể thơ 1-2-3 thuộc về rất nhiều nhà thơ ở nhiều vùng miền của đất nước” (Văn học Sài Gòn, 2023).
Nhà thơ trẻ Trần Thị Hồng Anh nhận định: “Mặc dù có một số quy định nhưng cơ bản thể thơ 1-2-3 không bị ràng buộc bởi các phép tắc tu từ, hài thanh, ngắt nhịp hay hiệp vần chặt chẽ như các thể thơ truyền thống. Điều này khiến cho người viết thoải mái hơn trong việc sử dụng ngôn từ và cách trình bày ý tưởng. Do đó, thơ 1-2-3 chứa mọi đề tài, mọi giọng điệu và tất cả các khả năng thể hiện”. (Trần Thị Hồng Anh, 2020)
Thơ 1-2-3 sử dụng nhiều đề tài từ thiên nhiên để bày tỏ tình cảm sâu kín của tác giả, đặc điểm này làm cho thơ 1-2-3 gần với thơ ca trung đại (tả cảnh ngụ tình) và thơ Haiku của Nhật Bản – một thể loại thơ rất nổi tiếng trên thế giới, cũng sử dụng đề tài thiên nhiên để thể hiện chiều sâu bên trong của nhân vật trữ tình. Đề tài về thiên nhiên chiếm số lượng lớn tính đến thời điểm khảo sát và có thể xem là đề tài đặc trưng nhất của thơ 1-2-3. Xin được dẫn ra một số bài thơ:
Từ những trang thơ cái đẹp gọi tên
Đàn ngựa phi nước đại trong tuyết rơi rừng vắng
Đột ngột dừng dựng bờm hí vang bến sông sâu
Trăng mờ ảo sau cơn mơ kỳ lạ
Moskva về khuya như thiếu phụ khát yêu thương
Tôi rót ly vodka nhớ Yesenin và những thi sĩ tha phương.
(Phan Hoàng).
Bài thơ làm nổi bật vẻ đẹp của nước Nga vừa hùng vĩ vừa lãng mạn, sử dụng nhiều hình ảnh mang tính tưởng tượng cao như ngựa phi nước đại, rừng vắng, sông sâu,… vừa mang tính lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc Nga, (có thể vừa thể hiện tinh thần nhân vật trữ tình) ẩn bên trong, tâm sự của nhân vật trữ tình trong thơ 1-2-3. Điểm này khá tương đồng với thơ Haiku của Nhật Bản. Bài thơ sử dụng khá nhiều hình ảnh thiên nhiên liên tưởng, đặc biệt là việc gọi tên một nhà thơ tài hòa của nước Nga (Yesenin) càng cho thấy ý chí, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Hình ảnh so sánh ly vodka về khuya, với phép so sánh như cô thiếu phụ càng trở nên mơ màng, lãng mạn, thậm chí tò mò với người đọc. Tuy nhiên, chỉ có như vậy mới phù hợp với câu kết, từ tâm trạng nhân vật trữ tình – mượn vodka – nhớ Yesenin. Dòng đầu (câu đầu) – câu cuối có tính chất hô – ứng (Trang thơ cái đẹp gọi tên – nhớ Yesnin và còn lại là thi sĩ tha phương (tâm sự của nhân vật trữ tình) nằm trong cấu trúc thống nhất từ đề tài, chủ đề, và nội dung tư tưởng nhiều hơn là quy định như chúng ta vẫn thường gọi (và đây là vấn đề nhà thơ từng chia sẻ). Đây là bài thơ điển hình của tác giả và thể loại loại thơ 1-2-3, đồng thời mang hơi hướng định hình về đặc trưng thể loại.
Như đã đề cập, cho đến nay, nhiều nhà thơ từ không chuyên đến chuyên nghiệp đang muốn tìm hiểu, thử sức mình với thể loại thơ 1-2-3, trong đó chủ đề thiên nhiên được nhiều nhà thơ lựa chọn. Nhà thơ Vũ Thanh Thủy với Lối sen sương mang hồn trà Việt với văn hóa trà đạo Việt Nam. Nhân vật trữ tình đang tận hưởng thiên nhiên. Trên con thuyền độc mộc, vào buổi tinh mơ, cộng hưởng cùng “hoa nào” đượm hương, tỏa ngát. Thiên nhiên vừa quen thuộc, đặc trưng của đồng quê, vừa đậm tính triết trí của trà đạo.
Lối sen sương
Thuyền độc mộc rẽ lối sen sương nâng ngân ngấn đợi
Tinh mơ ngan ngát gọi
Lứa hoa nào đượm hương
Người thưởng thức tinh thơm sảng khoái
Nhấp ngụm trà lắng đọng Việt Nam
(Vũ Thanh Thủy)
Bên cạnh các đề tài đã nói, các tác giả còn lựa chọn nhiều đề tài khác nhau như: Đề tài tình yêu đôi lứa; Đề tài quê hương và mẹ; Đề tài lịch sử văn hóa;…
Về tình yêu đôi lứa, về mẹ, người đọc có thể tìm thấy trong thơ Vũ Hà trong Ve réo rắt góc sân trường ngày hạ hay Tình yêu vụn vỡ mang hình hoa ti gôn.
Ve réo rắt góc sân trường ngày hạ
Dàn đồng ca hòa âm trong nắng vàng óng ả
Giọt giọt mồ hôi nóng hổi đổ thương yêu
Em bấm đốt tay đếm ngược
Ngày xa nhau bịn rịn
Thao thiết ngóng chờ mùa tựu trường vơi bớt tương tư.
 (Vũ Hà)
Viết về quê hương, vùng đất Tây Nguyên nhà thơ Trần Nguyệt Ánh đã có một “Bảng kí họa” đầy đặc trưng về vùng đất và con người, thêm vào đó còn là văn hóa lịch sử của người Tây Nguyên: tiếng nói của người dân bản địa với Yang (trời – đất), với con sông sôi sục Sê Rê Pốc, với không gian cồng chiên của xứ đại ngàn.
Bản hòa tấu cồng chiêng vút lên// Âm thanh cuộn trào từ dòng Sê Rê Pốk/ Bật ra từ những cánh rừng già// Bung lên từ lòng đất ba zan/Tiếng của núi sông, hòa âm vào hồn dân tộc/Bên nhà rông, lễ thổi tai cho một sinh linh chào đời. (Trần Nguyệt Ánh)
Ngoài ra, quê hương miền Tây cũng được nhà thơ Thành Dũng khắc họa trong bài thơ Tháng Bảy miền Tây mưa trắng trời trắng đất.
Đề tài về lịch sử văn hóa thể hiện rõ trong thơ 1-2-3 Vũ Thanh Thủy. Những hình ảnh về Đất Tổ, làng Văn Lang, cầu Văn Lang, đường Văn Lang,… đậm chất lịch sử văn hóa Việt Nam.
Truyện Văn Lang bay lan đồng ruộng// Những tiếng cười nở bung miền văn hóa/Vùng đất cội nguồn rơm rạ cưới ngô khoai// Truyện Văn Lang bay lan đất nước/Mong ước lâu dần tích tụ hóa hài vui/Ai dừng chân Phú Thọ nhớ mua kho sảng khoái làng tôi. (Vũ Thanh Thủy)
Như đã trình bày, đề tài trong thơ 1-2-3 là không giới hạn. Việc khảo sát và phân loại đề tài của bài viết chỉ mang tính chất tương đối vì không thể phân định rõ ràng, rành mạch và đôi khi trong cùng một bài thơ có thể có nhiều đề tài được tác giả sử sụng. Trong lương lai, có thể có nhiều đề tài tiếp tục được các nhà thơ khai thác. Ví như đề tài về giai cấp, về chiến tranh, môi trường, tôn giáo, tâm linh, chính trị,…
* Đặc trưng chủ đề và nội dung tư tưởng
Chủ đề là nội dung chính yếu được tác giả đề cập trong tác phẩm của mình. Một tác phẩm văn chương thường sẽ hướng đến một chủ đề chính, tuy nhiên, các tác phẩm có tính phản ánh lớn sẽ có nhiều chủ đề khác nhau như Truyện Kiều (Nguyễn Du). Chủ đề của tác phẩm văn chương thường được nhận diện thông qua đề tài mà tác giả đã dụng công lựa chọn. Dựa vào việc lựa chọn một đề tài nào đó (thường có dụng ý) tác giả sẽ đi lí giải, trình bày những đặc điểm, những yếu tố liên quan đến đề tài lựa chọn. Ngoài ra còn có thể có chủ đề chính yếu và các chủ đề phụ. Qua khảo sát các đề tài trong thơ 1-2-3, chúng tôi ghi nhận các chủ đề cơ bản trong thơ 1-2-3 khá tương đồng với các đề tài được khảo sát. Nhìn chung các chủ đề trong thơ 1-2-3 bám sát vào đề tài được lựa chọn và đây cũng là yêu cầu của thể loại thơ này. Câu 1 và câu 6 có tính chất hô – ứng, tránh việc đi quá xa chủ đề, lan man, lạc đề.
Qua khảo sát, các chủ đề trọng tâm chúng tôi ghi nhận như: chủ đề về quê hương, đất nước, chủ đề người mẹ, các chủ đề về văn hóa lịch sử,… Các chủ đề thường được ẩn sau các cảnh sắc, âm thanh tự nhiên, hình ảnh của làng quê. Điển hình như bài thơ Đêm Tân Quy ngồi mạn xuồng nghe kể bối trên sông. Hình ảnh sông nước, chất Nam Bộ được khắc họa cùng tính cách phóng khoáng, hào sảng của người dân Nam Bộ. Bài thơ mang hơi thở lịch sử của vùng đất mới – hơn 300 năm, thời điểm ông cha khai phá vùng đất mới, làm cho bài thơ vừa thực vừa xa xôi trong dòng lịch sử.
Đêm Tân Quy ngồi mạn xuồng nghe kể bối trên sông// Nâng chén rượu ngang mày uống phù sa cạn cùng bồi bãi/Gió đun đúc cửa vàm thấp thoáng bao ánh lửa ngoài xa// Vọng cổ xuống hò váng mặt sông lênh láng cống xự xang/ Dấu chân cha ông mở đất hiện trong hình hài bãi tiên/ Mặc kệ con vịt, con gà, vải vóc sau xuồng vừa bị cuỗm (Nguyễn Đinh Văn Hiếu).
Hay hình ảnh người mẹ tảo tần, quang gánh cuộc đời lo lắng cho con; người mẹ bao dung cho những lỗi lầm cho con trẻ trong thơ Vũ Hà. Mẹ quẩy quang gánh cuộc đời// Bên hàng xáo vơi dần theo nhịp bước đẫm mồ hôi/ Bên nợ chồng con nặng oằn khúc khuỷu// Tiếng kẽo kẹt nhịp nhàng trên lưng mẹ/ Bước nhanh chân kẻo lỡ chuyến đò chiều/ Bóng mẹ nghiêng nghiêng tạc dáng hi sinh bất tận. (Vũ Hà)
Đặc điểm thơ 1-2-3 thường bám sát chủ đề được lựa chọn nên giữa chủ đề và đề tài và nội dung tư tưởng gắn bó chặt chẽ với nhau. Thông qua việc miêu tả một đối tượng văn học nào đó, nhà thơ trình bày quan niệm (thế giới quan, nhân sinh quan) của mình về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội. Như vậy, để tìm hiểu tư tưởng của tác giả, chúng ta cần thông qua việc giải mã chủ đề và lựa chọn đề tài.
Đặc trưng thơ 1-2-3 là tính đa nghĩa (ý tại ngôn ngoại), hình ảnh thơ được lựa chọn cẩn thận, chắt lọc,… nên tư tưởng nhà thơ khó nắm bắt. Để hiểu được tư tưởng trong thơ 1-2-3, ngoài văn bản thơ, ta cần tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, phong cách tác giả và đặc biệt hoàn cảnh sống của nhà thơ,… mới có thể hiểu được tư tưởng của họ.
Ví dụ bài thơ của nhà thơ Phan Hoàng sáng tác tại Nga là một trong những bài thơ như thế. Người đọc có thể hiểu được cảnh đẹp hùng vĩ của nước Nga, chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga, hiểu được tâm sự của nhân vật trữ tình khi về khuya khi nhớ về Yesnin,… nhưng tư tưởng của nhà thơ là gì thì không phải là câu hỏi dễ trả lời. Nếu dựa vào cấu trúc của thơ 1-2-3, liên hệ câu 1 và câu 6 cùng với các hình ảnh thơ, giọng thơ,… người đọc có thể nhận diện tư tưởng của nhà thơ là người luôn đi tìm cái đẹp, khát khao cống hiếng như “thiếu phụ khát yêu thương”, tiếc thương cho số phận của một người tài hoa đoản mệnh Yesenin. Tuy nhiên để hiểu rõ hơn, chuẩn xác hơn tư tưởng của nhà thơ cần nghiên cứu về tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Ngay khi người viết từng tiếp xúc, nói chuyện, phỏng vấn nhà thơ nhưng cũng không vội vàng võ đoán về tư tưởng trong bài thơ này được.
Từ những trang thơ cái đẹp gọi tên// Đàn ngựa phi nước đại trong tuyết rơi rừng vắng/đột ngột dừng dựng bờm hí vang bến sông sâu// Trăng mờ ảo sau cơn mơ kỳ lạ/ Moskva về khuya như thiếu phụ khát yêu thương/ Tôi rót ly vodka nhớ Yesenin và những thi sĩ tha phương. (Phan Hoàng).
Có thể nói, tư tưởng của nhà thơ nói riêng và nhà nghệ thuật nói chung là nội dung khó nắm bắt khi chúng ta giải mã một tác phẩm nghệ thuật nào đó, trong đó có tác phẩm thơ. Qua khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận tư tưởng tác giả trong thơ 1-2-3 khó nắm bắt, thậm chí nặng suy tưởng, đôi khi có tính triết lí. Có điều này là do yêu cầu tính cô đọng cao (quý hồ tinh bất quý hồ đa). Và yếu tố này khá gần với thơ Haiku của Nhật Bản.
 
* Đặc trưng về cấu trúc
Cấu trúc của thơ 1-2-3 được tác giả Phan Hoàng chia sẻ tại buổi Tọa đàm Thơ 2023 tại thành phố Cần Thơ (6.2023) và trả lời báo chí trên một số diễn đàn khác. Việc nắm được cấu trúc rất quan trọng đối với các nhà thơ muốn sáng tác thể loại thơ này. Với người đọc, hiểu được cấu trúc góp phần hiểu được ý đồ của tác giả về xây dựng hình tượng trong thơ, có cái nhìn khái quát về bài thơ nếu nắm được cấu trúc, đặc biệt với thể loại thơ 1-2-3 là câu 1 và câu kết (6) cùng hướng về một chủ đề.
Hiện những quy định về sáng tác được Ban Biên tập trang web Văn học Sài Gòn đăng tải và hàng tháng đều có trao giải cho các nhà thơ gửi bài về tham dự (giải thưởng bao gồm tiền và quà lưu niệm). Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ “tôi đã đọc hơn 500 bài thơ 1-2-3 của các nhà thơ cả nước gửi về” và ông cũng bất ngờ về hiệu ứng tích cực của các văn nghệ sĩ trên cả nước.
Một số vấn đề về cấu trúc thơ 1-2-3 cần chú ý:
Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Trong đó, đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị. Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 cùng hướng về một đề tài, để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt (dẫn theo Văn học Sài Gòn, 2020).
Qua tiếp xúc một số nhà thơ, tác giả ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc về thơ 1-2-3: đa phần thích thú về thể loại thơ này và cho rằng để viết một bài thơ 1-2-3 không khó nhưng để viết một bài hay thì rất khó. Theo chúng tôi, cấu trúc thể thơ này khá chặt chẽ, tuy không quy định về luật bằng – trắc, đối, niêm,… nhưng các hình ảnh thơ phải được chọn lọc kĩ càng, thậm chí phải là từ “đắc” mới có thể cô đọng được ở các thể thơ kiểu như 1-2-3, Haiku Nhật Bản. Cấu trúc 1-2-3 theo tác giả sẽ phù hợp với cách viết (phong cách) của những nhà thơ phản ánh chiều sâu bên trong. Và thể loại thơ này cần đọc chậm và đọc nhiều lần mới có thể giải mã được chủ đề cũng như tư tưởng của nhà thơ như tác giả đã từng đề cập.
2.3. Điểm mới và đóng góp của thơ 1-2-3 trong dòng văn học đương đại
Văn học đương đại Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay có nhiều biến chuyển và có những thành tự đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với các giai đoạn trước còn khá khiêm tốn, đặc biệt là ở thể loại thơ chưa đạt được sự mong đợi của nhân dân, Đảng và Nhà nước kỳ vọng. Thực trạng này đòi hỏi các nhà văn nghệ sĩ nói chung và các nhà thơ nói riêng không ngừng lao động, sáng tạo nghệ thuật trước diễn trình giao lưu văn hóa – nghệ thuật toàn cầu như hiện nay.
Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Tài năng văn học nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, vì vậy, chăm lo bồi dưỡng, quý trọng, phát huy và phát triển các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội” (Trương Tấn Sang, 2009, tr 14). Tại buổi Hội thảo khoa học Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Trong bối cảnh rất mới, phong phú và phức tạp đó, yêu cầu của cách mạng và mong mỏi của nhân dân là sự nghiệp văn học, nghệ thuật của chúng ta phải lớn mạnh hơn, chủ động và bản lĩnh hơn để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị và tác giả có tài năng và tâm huyết xứng đáng với vị thế, tầm vóc của dân tộc”. (Trương Tấn Sang, 2009, tr 16)
Trở lại với thể thơ 1-2-3, chưa thể khẳng định vị thế của mình trong thơ Việt Nam đương đại nhưng là điểm sáng đáng ghi nhận cho các nhà văn nghệ sĩ dám nghĩ dám làm, nghiêm túc trong nghệ thuật và không ngừng sáng tạo. Nhà thơ Phan Hoàng sáng tạo ra một thể loại thơ mới và đang được các nhà thơ, nhà lí luận quan tâm; càng có nhiều nhà thơ muốn thử sức mình với thơ 1-2-3 minh chứng cho tài năng và sự phù hợp của thể loại thơ này với thời đại; minh chứng cho việc cần có những cải biến, cách tân cho thơ, tạo điều kiện để thơ vận động và phát triển. Không chỉ có thơ văn mà các loại hình nghệ thuật khác cũng cần có không gian sáng tạo.
Đóng góp của nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng trước hết là tinh thần làm việc nghiêm cẩn của một nhà quản lí, nhà báo, nhà thơ và việc sáng tạo ra thể thơ 1-2-3 là đóng góp rất đáng ghi nhận. Trên các diễn dàn văn học nghệ thuật, chủ đề thơ 1-2-3 được nhiều nhà thơ, nhà lí luận bàn luận sôi nổi trong những năm gần đây (2018 – 2023). Khảo sát cho thấy, tính đến tháng 3.2024, đã có 8 tập thơ 1-2-3 được xuất bản, trong đó có tập thơ Vọng núi của Trần Nguyệt Ánh được trao Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2022, tập thơ Lối sen sương của Vũ Thanh Thủy được trao Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2022. Và rất nhiều chùm thơ 1-2-3 được các nhà thơ trẻ sáng tác dự thi với tinh thần hồ hởi, thích thú.
Nhà lí luận phê bình Lê Xuân cho rằng: “Sau hơn 3 năm thử nghiệm thể thơ này, tôi đã đọc mấy trăm bài thơ dự thi của hơn 500 tác giả và đặc biệt đọc 3 tập thơ 1-2-3 khá hay do nhà thơ Phan Hoàng viết lời giới thiệu, tôi lại càng bị cuốn hút, từng bước thấy được những “chân trời mới” của thể thơ này đem lại.” (Lê Xuân, 2023)
Đóng góp thứ hai là người tiên phong, đi đầu trong sáng tác và là người tạo cảm hứng cho các nhà thơ trẻ. Trên tờ Tinh Hoa Việt, Phan Hoàng đã có cuộc trò chuyện với nhà văn – nhà báo Nguyễn Tham Thiện Kế về văn học và báo chí, trong đó có đề cập đến các bạn văn trẻ: “Từ trải nghiệm của mình, tôi muốn góp phần tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ mới bước vào nghề, nhất là những bạn có tài năng và nội lực có thể đi đường dài…” (báo Tinh Hoa Việt, 2021).
Là người làm báo sáng tác thơ lâu năm, nhà thơ Phan Hoàng đã có nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại được xuất bản và đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, nhà thơ luôn quan tâm các thế hệ trẻ và mong muốn nền văn học nước nhà sẽ đạt được thành tự trong nền văn học đương đại. Chính với mong muốn và trăn trở đó, nhà thơ đã tìm hướng đi mới cho thơ qua thể loại thơ 1-2-3.
Thực trạng thơ đương đại Việt Nam là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, bàn luận. Thực trạng về chất lượng thơ sau 1975 là vấn đề được nói đến nhiều nhất so với số lượng nhà thơ càng ngày càng tăng nhưng người đọc và chất lượng thì ngược lại. Nhà lí luận phê bình văn học Phong Lê nhận định: “Trước hết đó là sự hờ hững hoặc quay lưng giữa người viết và người đọc. Người viết thì đông lên, đông lên như chưa từng có. Còn người đọc thì giảm đi trông thấy, trên rất nhiều chỉ số” (Phong Lê, 2005, tr 270).
Nhà nghiên cứu Phong Lê cũng cho rằng, việc có quá nhiều các bài, các tập thơ như hiện nay là lí do chính đáng vì sau chiến tranh là thơ đi vào chiều sâu bên trong của con người – thứ mà vào thời chiến không cho phép chúng ta làm như vậy. Đó cũng là một thay đổi lớn của thơ Việt Nam đương đại và cũng là nghệ thuật Việt Nam nói chung. Vấn đề ở đây vẫn là chất lượng của thơ đương đại chưa xứng tầm với yêu cầu của thời đại và việc cho ra đời một thể thơ mới, mang phong vị vừa cổ điển vừa mới như thơ 1-2-3 là một tín hiệu đáng mừng cho thơ Việt Nam đương đại. Xin kết ý này với lời giới thiệu của nhà thơ Phan Hoàng trong tập thơ Vọng núi của Trần Nguyệt Ánh, nội dung chia sẻ rất chân thành và tâm huyết của ông: “Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, đi tìm phương thức mới để biểu hiện bao giờ cũng rất khó, và càng khó hơn khi không dễ được bạn đọc tiếp nhận, chia sẻ. Chỉ có sự đam mê và dũng cảm mới giúp chúng ta tự tin tìm tòi, khám phá” (Lê Xuân, 2023).
3. Kết luận
Thơ 1-2-3 ra đời trong bối cảnh thơ ca Việt Nam đương đại cần có một luồng gió mới cho những biến chuyển lớn của thơ sau hòa bình thống nhất đất nước. Điểm sáng của thơ sau 1975 ở nước ta là số lượng các văn nghệ sĩ, các bài thơ, tập thơ,… tăng lên đáng kể về số lượng nhưng chất lượng (giá trị) thơ vẫn chưa được như kỳ vọng của nhân dân, Đảng và Nhà nước.
Bài nghiên cứu đặc điểm thơ 1-2-3 trong nền văn học đương đại Việt Nam hy vọng giới thiệu đến bạn đọc và các nhà nghiên cứu về những đặc trưng của thể loại thơ 1-2-3 và tâm huyết của người sáng tạo ra nó. Một thể loại thơ mới vừa xuất hiện chưa lâu (từ 2018) đang được sự quan tâm của các nhà văn nghệ sĩ trên cả nước. Cần có nhiều thời gian hơn để thẩm định giá trị và ảnh hưởng của nó với thơ ca Việt Nam hiện đại, nhưng với tinh thần đổi mới, những đóng góp và ảnh hưởng của thơ 1-2-3 đến phong trào sáng tác thể loại này trong vài năm trở lại đây là đáng được ghi nhận. Cần thời gian và nghiên cứu thơ 1-2-3 trên nhiều phương diện khác để có cái nhìn khái quát hơn về thể loại thơ này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo Tin hoa Việt. (2021). Nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng: Tôi muốn góp phần tiếp thêm động lực cho bạn trẻ. Truy cập từ Chân dung & phỏng vấn. Truy xuất từ https://vanvn.vn/.
2. Hà Minh Đức. (1998). Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại. Quảng Trị: Nhà xuất bản Giáo dục.
3. Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. (2009). Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
4. Lê Xuân. (2023). Nhà thơ Phan Hoàng – Người khai sinh và thể nghiệm thể thơ mới 1- 2- 3. Truy câp từ Chân Dung – Văn chương Phương Nam. Truy xuất từ https://vanchuongphuongnam.vn/.
5. Nguyễn Tham Thiện Kế. (2022). Nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng: Tôi muốn góp phần tiếp thêm động lực cho bạn trẻ. Truy cập từ https://vanvn.vn/.
6. Phạm Văn Đồng. (1969). Tổ quốc ta nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học.
7. Phong Lê. (2005). Về văn học Việt Nam hiện đại nghĩ tiếp…. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Phương Thảo. (2023). Tập thơ 1-2-3 Phạm Thị Phương Thảo: Những cánh hoa mở đêm. Truy cập từ https://vanhocsaigon.com/.
9. Trần Hồng Anh. (2020). Thơ 1-2-3 đa sắc, đa thanh, mang đậm hồn cốt Việt. Truy cập từ Lý luận phê bình – Văn học Sài Gòn. Truy xuất từ https://vanhocsaigon.com/.
10. Văn chương phương Nam. (2019). Nhà thơ Phan Hoàng. Văn chương phương Nam – Diễn đàn văn học-nghệ thuật. Truy cập từ https://vanchuongphuongnam.vn/.
10/4/2024
Nguyễn Minh Ca
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân" “Ngày 24/04/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thả...