Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Trưng Vương khung cửa mùa thu

Trưng Vương khung cửa mùa thu

Như bất cứ thiếu nữ nào khi vừa lớn, chập chững bước vào ngưỡng cửa tình yêu, họ thường đối diện với những giấc mơ thật đẹp, tôi không ra ngoài biệt lệ đó. Những năm cuối cùng của bậc trung học tại trường trung học Trưng Vương Sài Gòn, tôi gặp Vinh, để rồi quen nhau, thân nhau và thương với tất cả tấm lòng mà hôm nay tôi xin kể lại ra đây, dù rằng nhiều lúc tôi chỉ muốn chôn vùi mối tình vào rừng sâu theo chuyến bay định mệnh của chàng trên vùng chiến trường Tây Nguyên Việt Nam.
Vào giờ Việt văn với cô Thúy Lan, chúng tôi được biết có phái đoàn trường nam láng giềng sang Trưng Vương bán bích báo mùa Xuân. Tôi quan sát cô Thúy Lan tiếp xúc với 3 thanh niên trong y phục quần xanh dương đậm, áo trằng rất chỉnh tề. Người đi trước hình như là phát ngôn nhân đại diện chỉ cầm chừng hai ba cuốn báo. Hai người đi sau khệ nệ vác những chồng báo khá nặng mà bọn con gái chúng tôi chịu thua nếu phải khuân nó.
Cô Thúy Lan đứng trên bục giới thiệu Vinh, người đại diện đoàn và hai người bạn kia. Cả lớp lắng nghe Vinh giới thiệu về mục tiêu của chuyến ghé thăm trường chúng tôi và chàng nói nhiều về giao tình giữa hai trường Trưng Vương và Võ Trường Toản và sau cùng là đi qua sơ lược về cuốn bích báo trên tay chàng. Cô Thúy Lan ngỏ lời với tôi trong cương vị trưởng lớp, Tường Vy phó trưởng lớp và Anh Thư thủ ủy hãy ra phụ giúp phái đoàn bạn bán báo và giữ trật tự cho lớp. Chính trong buổi bán sách này chúng tôi đã có những mẫu đối thoại sơ giao. Tôi nhận thấy Vinh có nét thu hút, nhất là lời nói khi chàng dễ thuyết phục cử tọa, Vinh lanh lẹ, hoạt bát và có năng khiếu ăn nói trước đám đông, là người lý tưởng của quần chúng, cũng chính điền này tôi chú ý chàng nhiều hơn.
Tuần sau đó, tôi còn nhớ trời mưa tầm tã, chiếc xe Honda dame của tôi bị hư, tôi đang dẫn chiếc xe dọc theo đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng về đại lộ Thống Nhất có dinh thủ tướng, tình cờ Vinh chạy ngang và chàng nhận tôi, chàng vòng trở lại giúp tôi. Lúc này trời bớt mưa hạt mưa nhỏ dần như hạt bụi, trong khi tôi không đem theo áo che mưa, chàng biết tôi lạnh, chàng trao tôi áo mưa của chàng và bảo tôi đứng sát vào trong dãy các xe hàng rong như bánh cuốn, hủ tiếu mì và sinh tố, chè đậu gần đoạn hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi thấy ở Vinh một nét ấm cúng, ân cần rất đáng quý. Chàng quả thật khéo tay, tôi ngồi bên xe bán nước giải khát với ly cà phê nóng trên tay, chăm chú theo dõi những cử chỉ như người sành nghề về xe, chàng gỡ chiếc bougie lâu ngày đóng bụi và bị nước thấm vào nên không bắt lửa được nữa. Một hồi sau xe đã nổ máy, tôi trao ly cà phê mới cho chàng tỏ lời cảm ơn. Trong hai ánh mắt nhìn nhau lần này trước khi chia tay tôi thấy có sự thân tình hơn, và có chút gì lưu luyến hơn, tôi bông đùa với chàng:
“May cho học trò Trưng Vương được ở gần trường Võ Trường Toản. Bích Diễm cám ơn anh nhé”.
Chàng nheo mắt mĩm cười trả lời trong sự duyên dáng:
“Thực ra học trò Võ Trường Toản chúng tôi nhờ ở gần Trưng Vương nên có dịp học sự khéo tay mà thôi. Bích Diễm đừng ngại nhé. Bạn bè giúp nhau là lẽ đương nhiên thôi”.
Sự tình cờ trùng hợp để tôi và Vinh gặp nhau trong một hoàn cảnh khác lại hứa hẹn hơn cho duyên tiền định khi dịp cuối năm tôi đi được đám cưới của cô bạn Kiều Loan, học trên tôi một lớp, Loan lập gia đình với người anh họ của Vinh. Tôi tình cờ được xếp ngồi cùng bàn với Vinh trong tửu lầu Ngọc Lan Đình mà lòng tôi lại ngẩn ngơ, linh tính cho một sự liên hệ mà hình như do cao xanh đã khéo léo sắp xếp hay sao đó, để rồi sau này tôi và Vinh đã trao nhau lời hẹn thề cũng tại nhà hàng này một năm sau. Đám cưới hai chúng tôi bạn bè hai trường thăm dự khá vui tôi nhớ có cô Thúy Lan, Anh Thư, vợ chồng Tường Vy, vợ chồng Kiều Loan,...
Khi chiến tranh bộc phát dữ dội, Vinh được lệnh gọi động viên, chàng rời trường đại học khoa học để gia nhập vào binh chủng không quân. Trong khi tôi vẫn tiếp tục học tại đại học sư phạm Sài Gòn. Ngày tôi tốt nghiệp sư phạm để ra đi dạy học thì có hai sự kiện quan trọng trong đời tôi là tôi có tin vui cho Vinh là chúng tôi sẽ có cháu đầu lòng và chàng sẽ sang Hoa Kỳ tu nghiệp khóa huấn luyện hoa tiêu trực thăng, nghiã là chúng tôi sẽ phải xa nhau một thời gian vì tương lai quân nghiệp của chàng. Được tin này các bạn cũ Trưng Vương của tôi và Võ Trường Toản của Vinh, qua sự móc nối của vợ chồng Kiều Loan sẽ tổ chức buổi hội ngộ picnic tại Thảo Cầm Viên trên ngọn đồi hoa thị, mà từ đỉnh đồi này người ta sẽ nhìn thấy cả hai trường Võ Trường Toản và Trưng Vương.
Sáng chủ nhật năm đó tôi còn nhớ Vinh đưa tôi đến địa điểm hẹn vào ngày nắng mai ấm áp của mùa thu đang lên. Bạn bè đã tụ họp đông đủ, họ chia vui và ăn mừng cho chúng tôi luôn 3 niềm vui trước mắt chúng tôi: Tin chúng tôi sẽ có tác phẩm chung đầu lòng, tin tôi được nhận nhiệm sở dạy học tại trường Lê Văn Duyệt, Gia Định và tin Vinh thụ huấn quân nghiệp tại Lackland, Hoa Kỳ để trở thành pilot. Thức ăn được bày biện cho buổi picnic, tiếng chào hỏi, cười đùa nhắc nhớ về lớp học Trưng Vương của tôi hay Võ Trường Toản của chàng, bạn bè ca hát cho nhau nghe. Vinh hát tặng chúng tôi hai bản tình ca mà tôi vốn thích “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” của nhạc sĩ Nguyễn Nam Lộc để nhắc về ngôi trường nữ của bọn con gái chúng tôi và bài tình ca tôi yêu muôn thuở “Tà Áo Xanh” của Đoàn Chuẩn Từ Linh. Vinh là người gần gủi với nhạc thu ca của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn Từ Linh. Tôi nhớ có những đêm chàng ôm đàn guitar ngồi ngoài balcon nhà ca ru tôi trở về với giấc mơ mùa thu ngày cũ mà chúng tôi cùng nhau đi dưới hàng me của Sài Gòn đong đầy trong nỗi nhớ ngập lá me bay, chan chứa kỷ niệm yêu nhau trong tâm hồn tôi. Tôi nhớ từng lời ca giọng hát của chàng:
“Gió bay từ muôn phía
tới đây ngập hồn anh,
rồi tình lên chơi vơi
Thuyền anh một lá ra khơi
về em phong kín mây trời
đêm đêm ngồi chờ sáng, mơ ai...”
(Tà Áo Xanh)
Hồn thu nhắc nhở mùa thu quyến rũ cả trần gian đắm chìm trong vườn hoa tình ái mà chúng tôi đi qua:
“Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả mầu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh...”
(Thu Quyến Rũ)
Mùa thu Đoàn Chuẩn có lá đổ khóc cho cuộc tình không trọn vẹn của những kẻ yêu nhau, Vinh khoan thai hát tiếp:
“Thu đi cho lá vàng bay,
lá rơi cho đám cưới về
Ngày mai, người em nhỏ bé ngồi trong
thuyền hoa tình duyên đành dứt
Có những đêm về sáng đời
sao buồn chi mấy cố nhân ơi
đã vội chi men rượu nhấp đôi môi
mà phung phí đời em không tiếc nhớ
Lá đổ muôn chiều ôi lá úa,
phải chăng là nước mắt người đi
Em ơi đừng dối lòng
dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta...”
(Lá Đổ Muôn Chiều)
Muà thu chia ly với xác lá vàng rơi, cho hoa tàn rời xa hàng cây buồn bã, tiếng hát của Vinh trong đêm tối vẫn vang văng vẳng đầy thổn thức trong tim tôi:
“Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian...”
(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
Ngay nơi chúng tôi picnic là khu Đồi Thị, nơi có bóng mát của tàn cây thị mà muà trái chín cho quả vàng thật nhiều trên cây. Vinh leo lên hái tặng tôi hai quả thị vàng dính chùm thơm ngào ngạt. Thị là loài cây vùng nhiệt đời mà khi xa quê hương tôi chỉ còn tìm trong ký ức mà thôi. Buổi chiều hôm đó sau khi chúng tôi giải tán, Vinh và tôi đảo một vòng khu vườn bách thảo này, nơi có quá nhiều kỷ niệm trong quảng thời trung học của chúng tôi, để rồi chính nơi đây chúng tôi gặp nhau trong hai năm cuối cùng của bậc thi tú tài, nơi hẹn hò mà chúng tôi đã từng dìu nhau tay đan tay mà xao xuyến cả cõi lòng, nơi có Nhà Lồng Thủy Tọa trong đầm sen với chiếc cầu màu đỏ bắc ngang cho du khách thăm viếng, rồi những đàn két màu sặc sỡ từ Phi châu biết nhái tiếng người, rồi những đàn nai, hươu, sơn dương, đại thử, ngựa rằn đang nhai cỏ thật đẹp mắt, nơi có đền vua Hùng Vương đối diện Bảo Tàng Viện Quốc Gia, nơi có nhà kiểng nuôi dưỡng các loại hoa lan hay bonsai, nơi nhiều vườn muôn hoa đúng nghiã với tên vườn bách thảo và nó đã in sâu đậm vào ký ức trung học của tôi,...
Từ Mỹ về Vinh được biệt phái về Pleiku đóng tại đó. Do đó tôi phải xin nghỉ việc và đem con theo ra Pleiku. Tôi yêu mến cái thành phố cao nguyên đất đỏ này. Và có thể cũng một phần trước đó tâm hồn tôi bị ru ngủ bởi huyền thoại về Pleiku qua bài ca bất hủ “Còn Một Chút Gì Để Nhớ “ mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Vũ Hữu Định. Thành phố Pleiku không lớn về mật độ dân số hay phồn thịnh như những thành phố tại bình nguyên khác. Nhưng cái dễ thương của Pleiku là khung cảnh và thời tiết ôn hoà dễ chịu, kèm theo sự hiền hoà của người dân cao nguyên lắm đất đỏ, hay vẽ đẹp thơ mộng của thiên nhiên có những hàng cây cao và của rừng nhiều hơn phố xá, đô thị. Tôi và Vinh rất mến cái thiên nhiên tại đâỵ
Một hôm Cảnh, một người bạn pilot của Vinh bận công việc phải về Sài Gòn, Cảnh nhờ Vinh bay thế trong các phi vụ hành quân và yểm trợ các đơn vị bạn. Từ trên cao, Vinh nhận tín hiệu một toán nhỏ quân nhân Hoa Kỳ bị phục kích và họ chạy lạc trong rừng sâu, Vinh cho phi cơ rà xuống tiếp cứu. Sau khi bốc hai quân nhân Mỹ xong, chiếc trực thăng của chàng vừa bay trở lên không phận thì bị trúng hỏa tiển tầm nhiệt SA-7 của địch quân, chiếc chopper chao đảo rơi mất hút vào rừng sâu. Khi nhận được tin chàng mất tích mà tính mạng khó lòng sống sót, tôi bàng hoàng như kẻ mất trí, tinh thần tôi bị khủng hoảng, bị giao động tựa như đôi chim đã từng bên nhau, mà khi một bị nạn, thì một còn lại bị ủ rũ đôi cánh. Tôi khóc thật nhiều.
Sau năm 75, do sự sắp xếp vợ chồng Kiều Loan, tôi dẫn cháu Uyển Mi vượt biên đến Mỹ. Tôi được một nhà thờ Mỹ bảo trợ sang thành phố Newark, New Jersey. Tôi tìm được việc làm thơ ký hành chánh tại một trường đại học cộng đồng địa phương. Cái may mắn cho tôi là ông Viện trưởng trường này là Dr. Oliver Patterson, một cựu thiếu tướng không quân Hoa Kỳ đã giải ngũ, nhưng ông hoạt động rất tích cực cho chiến dịch tìm người Mỹ mất tích (MIAs) tại Đông Dương. Ông nghe nói về trường hợp của Vinh cứu các quân nhân Hoa Kỳ mà trực thăng bị bắn rơi, ông muốn gặp tôi để tìm hiểu thêm. Sau khi ông liên lạc với Bộ Quốc Phòng Mỹ ông cho tôi biết theo hồ sơ có thì có 2 chiến binh Mỹ và 2 quân nhân Việt Nam trên chuyến bay bị mất tích ngày hôm đó mà 2 quân nhân Hoa Kỳ là trung sĩ Paul Cahni và binh nhất John Dremmer thuộc đơn vị thám báo bộ binh Hoa Kỳ. Ông Patterson cho tôi biết ông mang trường hợp Vinh vào hồ sơ tìm kiếm và ông thường lập lại câu nói nước Mỹ chịu ơn Vinh. Ông dàn xếp cho tôi gặp phái đoàn MIAs của trung tướng John Vessey, cũng như gặp dân biểu Steven Solarz, Trưỏng khối Thái Bình Dương và Á Châu Sự Vụ tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông Patterson còn liên lạc với vợ của 2 chiến binh Mỹ mất tích là các bà Susan Cahni tại Virginia và Margaret Dremmer tại Iowa để 2 người Mỹ này có dịp trao đổi tin tức với tôi. Cả 2 bà Susan và Maggie cùng Dr. Patterson đã vận động Quốc Hội Hoa Kỳ trao bằng Tưởng lục Tri ân cho Vinh và tôi cũng đại diện cho Vinh nhận huy chương từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Năm sau đó Uyển Mi tốt nghiệp trung học, cháu được nhận vào học trường dược khoa của đại học USC tại nam Cali. Thế là hai mẹ con chúng tôi dọn về Cali.
Gần khu chung cư condo của chúng tôi ở có một người dược sĩ chủ nhân tiệm pharmacy, ông Ben Lloyd, cho tôi công việc thơ ký phụ bán hàng. Việc làm thật đơn giản, nhưng tôi thấy khó chịu với cái tật hay trêu ghẹo, ăn nói xàm xỡ, kém lịch sự của ông chủ nàỵ Cái sai lầm của nhiều người đàn ông khi thấy một người đàn bà không có chồng, họ thường nhận xét sai lầm hay phán đoán rất nông nỗi là chúng tôi luôn luôn khao khát nhu cầu phòng the. Mỗi khi tôi nghe ông đề cập đến y’ nghĩ này mà lòng thật bực dọc và chua xót. Có thể nó đúng với ông ta từ khi ông bị đổ vỡ vì vợ ly dị. Trước ngày tôi xin nghĩ việc, tôi nhắc ông nhớ tôi không như ông nghĩ và trên đời này sự thủy chung vẫn là giá trị cao quý cho cuộc sống. Thất nghiệp hai tháng ở nhà tôi thật sự buồn bã. Có những hôm cháu Uyển Mi đi học đến tối mới về, tôi quanh quẩn lo bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, đốt nhang tưởng nhớ đến Vinh, tôi nguyện lòng sẽ cố gắng tìm kiếm chàng. Dù là chàng đang bơ vơ từ nơi rừng sâu, dù thân xác chàng còn hay không tôi vẫn cố tìm. Tôi nhìn bức ảnh chàng khi xưa bên khói hương nghi ngút trên bàn thờ, hình chụp Vinh trước khi sang tu nghiệp tại Mỹ, tôi nhớ chàng nhiều lắm, tôi đoạn nhìn những thành quả mới đây trong nổ lực tìm kiếm chàng, tôi mang về là chiếc huy chương danh dự và bằng tưởng lục tri ân của nước Mỹ trao cho chàng, những dòng lệ lại lăn dài trên khoé mắt. Nhiều đêm tôi khóc thầm và tôi cố dấu con gái tôi. Tôi không muốn cháu thấy hình ảnh một người mẹ yếu đuối và u hoài thiếu đi bản lĩnh tạo gương tự tin dẫn dắt cháu đi trên đường đời.
Một hôm tôi xem báo địa phương, một công ty bảo hiểm rất lớn ở vùng Woodland Hills đang tuyển mộ nhân viên data entry. Tôi đến xin việc, sau khi phỏng vấn chấp nhận mướn tôi, họ cho biết chỉ có ca đêm mà thôi nếu tôi muốn làm ngay. Tôi đành chấp nhận đi làm cho ngân quỹ gia đình. Khi làm ban đêm tôi và cháu Uyển Mi như mặt trời và mặt trăng ít khi nào mẹ con chúng tôi gặp nhau. Nếu cần liên lạc nhau nói chuyện hay dặn dò nhau qua giấy nhiều hơn.
Một ngày cuối tuần Uyển Mi và tôi ghé Giovanni’s Ristorante, một nhà hàng Ý gần nhà để ăn tối. Ông chủ nhà hàng nhận ra chúng tôi là ân nhân và láng giềng ở gần. Khi tôi thất nghiệp ở nhà, bố ông chủ nhà hàng Giovanni là ông Luigi tình cờ đi ngang khu nhà chúng tôi, ông đột ngột ngã quỵ vì chứng đau tim, tôi kêu xe cứu thương cứu cấp đến đưa ông cụ vào nhà thương. Do đó ông chủ Rudi Giovanni vẫn quý mến chúng tôi. Hôm ăn tối đó ông có nhã ý cho tôi việc làm quản lý nhà hàng ban ngày để tôi đỡ vất vã như làm về quá khuya, để giữ tình bạn láng giềng sau bài học của ông dược sĩ Ben Lloyd, tôi chỉ thoái thác chối từ và cám ơn ông.
Trong dịp lễ Giáng sinh đến ông Rudi mời chúng tôi đến dự sinh nhật của cha ông và mừng ông cụ đã hồi phục. Trong buổi tiệc liên hoan Noel trước đông đảo bạn bè Rudi ca ngợi và cám ơn sự giúp đỡ của tôi. Trong căn nhà nguy nga, Rudi có dịp kể cho tôi nghe là mẹ ông đã mất, ông đem người cha về nuôi, nhưng bà vợ Rudi phản đối cho là ông lão Luigi rất khó tính, sự dằn co đưa đến kết quả hai người ly dị. Những lúc trước khi tôi rảnh rổi tôi hay ghé thăm ông cụ nhiều lần. Rudi kể lại ông cảm động và có thiện cảm với tôi. Rudi ở vậy nuôi cha, sau khi ly dị với vợ. Trước nghiã cữ lo lắng của tôi cho cha ông, Rudi xin cầu hôn, nhưng tôi đã từ chối, tôi muốn sống trọn vẹn cho Vinh và cho Uyển Mi. Sau phần tiệc ăn tối trong phần giải trí, Rudi cho mọi người xem cuốn phim "Romeo & Juliette", một danh tác của văn hào Shakespeare nói về cuộc tình của hai người trẻ yêu nhau giữa mối thù không đội trời chung của gia đình hai bên, họ Montecchi và họ Cappelletti, chuyện xảy ra vào thế kỷ 17 tại Verona, nước Ý. Sự hận thù giữa hai dòng họ Montague và Capulet đã đưa đến kết cuộc bi thương cho đôi tình nhân trẻ cùng ra đi cho trọn cuộc tình. Trong lúc xem hát, tôi thấy ông lão Luigi có vẽ đăm chiêu, buồn bã vì câu chuyện phim hay vì hình ảnh nước Ý ngày xưa của ông. Khi cuốn phim kết thúc ông kể tôi nghe về nước Ý từ Roma, Milan, Genoa, Verona, Venice, Florence đến Naples. Riêng Rudi hỏi tôi nghĩ gì về phim tình này mà ông đã chiếu cho mọi người xem, tôi cho là chuyện thật buồn đến bi thương và tôi nhớ đến chồng tôi, vì khi phim này được trình chiếu đầu tiên tại Sài Gòn, Vinh đã đưa tôi đi xem. Nhiều kỷ niệm xưa của Sài Gòn lại hiện về trong tâm trí tôi. Nghe xong điều này Rudi bảo tôi như mẹ ông là người đàn bà của sự thủy chung, ông rât quý mến cả hai và dặn tôi khi nào cần giúp đỡ thì cho ông biết.
Phần tôi trong thực tế của đời sống khi cố giữ tinh thần phấn đấu với đời song song với hình ảnh của Vinh vẫn ngự trị trong tim tôi vẫn là sự khó khăn, khổ sở vô biên. Vì làm ban đêm ông supervisor của tôi là Jeff Galanti, một mẫu người đàn ông đẹp trai nhưng bay bướm, thích ve vãn, tán tỉnh đối với phụ nữ nào mà ông ta thích. Một hôm vào lúc 11 tối ông gọi tôi vào văn phòng ông để bàn chuyện tăng lương, ông dùng dịp tăng lương và những lời lẽ ngon ngọt để quyến rũ tôi, tôi biết được ý đồ đen tối của ông, tôi đã từ chối những ham muốn của ông. Tôi nhất quyết cự tuyệt và chạy ra ngoài ôm mặt khóc tức tưởi. Các đồng nghiệp của tôi đã bất mãn với bản tính cố hữu của ông Jeff Galanti và họ đồng lòng ký đơn thỉnh nguyện xin truất phế đuổi ông Galanti. Ngày hôm ông này tỏ thái độ bỉ ổi với tôi, tôi về nhà lòng buồn bã trong cô đơn, trong tủi nhục. Tôi ước gì có Vinh ở bên tôi. Tôi ghé bàn thờ chàng đốt nhang và cầu xin chàng hãy theo bảo vệ tôi và cháu Uyển Mi.
Sáu tháng sau đó Uyển Mi ra trường và nhận việc làm tại San Diego, mẹ con chúng tôi dọn về sinh sống ở một thành phố ven biển vùng San Diego. Lúc này tôi được một tờ báo Mỹ điạ phương thuê dụng trong ban tiếp thị. Vì tiếp xúc với khách hàng thường xuyên nên phải du hành đó đây. Và rồi tôi có những cái khổ sở mới của nghề nghiệp là phải ra ngoài ngoại giao tiếp xúc thường xuyên, chung đụng với khách hàng, Uyển Mi thấy cái vất vã cho cuộc sống của tôi, cháu đề nghị tôi chỉ nên làm bán thời gian mà thôi. Đối diện nhà tôi có một vị bác sĩ nhi khoa và ông Dr. Richard Mayer có phòng mạch tại địa phương này. Ông cần người trông coi văn phòng bán thời gian, công việc khá thích hợp năng khiếu, tôi được mướn vào trông coi, phụ giúp vợ chồng ông bà Mayer quản lý các hồ sơ, công việc hành chánh cho văn phòng y khoa này. Đây là công việc tôi cảm thấy thoải mái và làm lâu nhất từ khi sang Mỹ.
Một hôm ông Patterson gọi tôi từ New Jersey thông báo tin mừng khi ông cho biết phái doàn MIAs đã tìm được nơi chiếc máy bay trực thăng của Vinh bị bắn rớt, ông cũng sắp xếp một chuyến đi nhận xác chồng cho tôi, Susan và Maggie sang Sài Gòn. Khi nhận được hài cốt của chồng xong, Susan và Maggie theo phi cơ sang Hawaii theo thủ tục giảo nghiệm xương, nhưng với trường hợp của tôi và viên phi hành phụ người Việt Nam theo hồ sơ biên bản xác định lý lịch, hai phi hành đoàn người Việt qua tấm thẻ bài và vài di tích còn sót lại về xương răng, kích thước khác nhau mà hai gia đình Việt Nam đồng ý chấp nhận, tôi xin thủ tục hoả thiêu cốt chồng để mang về Mỹ thờ. Gia đình người phi công phụ xin chôn cất tại Bình Dương vì họ sinh sống ở đó.
Ngày cuối cùng tại Sài Gòn tôi muốn Vinh cùng tôi tìm về chốn cũ, tìm lại những kỷ niệm xưa mà trước đây hai chúng tôi cùng bạn bè đã chia sẻ cái quá khứ khôn nguôi của thuở trung học tại Sài Gòn. Tôi để bình cốt trong xách tay đi viếng thăm lại Thảo Cầm Viên, mà gần đó có hai trường Trưng Vương và Võ Trường Toản, tôi mang Vinh đến khu vực Đồi Thị khi xưa chúng tôi tổ chức picnic, rồi khu vực Nhà Lồng Thủy Tọa có đầm sen, nơi mà ngày xưa chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm bên nhau, tôi đưa chàng đi trên cầu vòng sang Thị Nghè nơi tiếp giáp với xưởng Ba Son, tôi đưa Vinh vào thăm đền thờ vua Hùng Vương, rồi Viện Bảo Tàng trước lối vào Sở Thú nơi chúng tôi tâm nguyện yêu nhau suốt đời. Tôi ngó về hướng Đồi Thị, tàn cây vẫn xanh um trong cái già nua của tuổi đời của chúng tôi, để chạnh lòng nhớ lại ngày nào Vinh leo lên cây thị bẻ tặng tôi đôi thị màu vàng tươi thơm ngát, tại nơi nầy khi xưa Vinh vuốt tóc và hôn tôi khi chàng trao tôi hai quả thị ghi nhớ chuyện tình mà nay chỉ là buồn vương kỷ niệm của chúng tôi, và rồi những dòng nước mắt ấm nhung nhớ tự động dâng tràn bờ mi của tôi. Tôi thả bộ dọc theo đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi rẽ vào trường Võ Trường Toản, tôi thì thầm bên túi xách:
"Anh ạ, bây giờ chúng ta đang ở ngôi trường của anh, em nhìn thấy lớp học cũ trong dãy 12B mà anh học khi xưa. Em muốn anh hãy cùng em trở về kỷ niệm của dĩ vãng xa xưa, nơi đó đã có sự hiện hữu của anh".
Tôi lại đi tiếp trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thân thương đã đánh dấu những gót chân của hai chúng tôi, con đường đã ghi nhận thuở học sinh ngày nào của hai đứa thì thầm đi bên nhau, đứng trước trường dường như lòng tôi bỗng dâng bao điều xao xuyến, nhắc nhớ lại bao kỷ niệm bồi hồi nào đó đã qua, rồi tôi ngó xuyên qua khung cửa lớn lối ra vào và hàng phượng vĩ xưa vẫn còn đó, tôi bước đi tìm lại kỷ niệm cũ, đi một vòng quanh sân trường và dừng chân trước lớp học cũ cuối của bậc trung học 12A, tôi buông lời khe khẽ nói với Vinh:
"Anh à, đây là lớp học của em mà anh đến bán bích báo năm nào. Anh còn nhớ không? Thời qua nhanh quá để em nhớ đến anh suốt tuổi mùa xuân, đến tuổi tóc hoa râm ngã màu và bây giờ con chúng ta đã trưởng thành ra trường đi làm rồi. Hôm nay em về đây để cám ơn Trưng Vương, cám ơn các cô thầy và cám ơn linh hồn của Trưng Vương cho em nghị lực phấn đấu đi tìm anh và để nuôi cái tác phẩm Uyển Mi của chúng ta nên người. Uyển Mi mang bóng hình của anh và Uyển Mi là lẽ sống của em. Em muốn cám ơn anh cho em cái lẽ sống này, vì chính cái giọt máu này mà anh trao đã an ủi phần còn lại của đời em. Anh có nghe tiếng lòng của em không, anh?".
Tôi ôm chiếc xách tay có Vinh trong đó và ôm Vinh sát hơn vào lồng ngực của mình, trong khi lệ ứa chan nhoà bờ mi và hình như trong tâm hồn của có tôi linh cảm về kỷ niệm ngày cũ. Kỷ niệm xưa lại hiện về khi nghe văng vẳng đâu đây dâng lên lời ca của Vinh từ trên ngọn đồi cây thị năm nào có Vinh ôm đàn hát dưới tàn cây cao bóng mát, và phải chăng tại nơi đó chàng đã miên viễn cất lên tình khúc yêu đương chờ đợi tôi về đây ngày hôm nay? Vâng, tôi đã nghe và nghe rõ bài:
"Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu"
Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh
Như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh
Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày
Những ngày đợi chờ
Trong nắng vu vơ
Trong mắt ngây thơ
Nhớ khói bay lạc vấn vương
Cho hơi ấm lên môi người
Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường
Làn mây yêu thương
Vướng trong hồn em
Người mang cho em nghe quen môi hôn ngọt mềm
Tình cho tim em rung những đêm lạnh lùng
Từng chiều cùng người
Về trong cơn mưa bay
Nghe thương nhớ tràn đầy
Lên đôi mắt thật gầy
Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời
Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời
Bóng người thì mịt mùng
Từng hàng me rung rung
Trong cơn gió lạnh lùng
Trong nắng ngại ngùng
Nắng vẫn vương nhẹ gót chân
Trưng Vương vắng xa anh dần
Mùa thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng
Lá rơi đầy sân...
Việt Hải
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên soi...